Ở xưởng thép tôi không phải làm việc đến mệt lử, nhưng vì không phải sở thích nên tôi khổ sở vô cùng. Xưởng chuyên sản xuất các máy móc cho tàu bè và những ống bơm hút để xuất cảng. Tôi bắt đầu học việc trong xưởng đúc. Trong nhiều tháng, phận sự tôi là mài rồi chà rửa bằng bàn chải thép những thỏi gang nguyên. Công việc khó khăn này làm hư hai bàn tay ưa tìm tòi nghiên cứu của tôi. Jamie tốt bụng, hễ có dịp là tìm cách giúp tôi, song vì vốn có liên hệ họ hàng cho nên sự ưu đãi này có thể gây bất mãn trong xưởng. Chỗ làm việc của tôi gần mấy khuôn cát, nơi người ta đổ sắt, thép nấu chảy vào. Sức nóng nhiều khi làm tôi chịu không nổi và những hôm có gió, cát bay tung tóe khiến tôi ho sặc lên. Ít lâu sau, tôi được chuyển sang xưởng máy, tại đây người ta dùng nhiều máy để đánh bóng thỏi gang. Tiếng đe búa và máy đùng đùng, xình xịch không ngớt. Các bạn cùng lứa tôi đều vui tính, họ say mê đá bóng, đua ngựa và chuyên khoe thành tích tán gái. Sau bốn năm học việc, một số sẽ xin làm thợ máy trên tàu và một số khác ở lại làm trong xưởng. Công bình mà nói, ban đầu tôi cũng muốn kết bạn với họ, vì tôi đang cần tình bạn, song bản tính nhút nhát, vụng về tôi thấy thật khó khăn. Vài bận tôi đi chơi với họ, song những câu chuyện của họ, ồn ào và sôi nổi về đức tính một con chó săn và giải thưởng cho con ngựa thắng cuộc đua không bao lâu làm tôi đâm chán. Trời ơi! Tôi ao ước có một người bạn như Gavin để bàn về sách vở, nhạc, về những tư tưởng mới thường cuốn hút, hấp dẫn tôi và đồng thời làm tôi sờ sợ. Với các đồng nghiệp này, mỗi khi tôi đá động đến vấn đề, họ liền cho tôi lên mặt trí thức, thế là tôi im ngay. Nhờ có họ với Jamie và bản tính trầm lặng – một đức tính được yêu chuộng ở Tô Cách Lan – tôi vừa lòng hầu hết mọi người. Vả lại tuy không yêu việc, tôi vẫn là người chăm chỉ, phải cái đây không là sở trường của tôi. Mỗi lần nghĩ đến hàng năm, hàng năm dài trôi qua như thế, tôi nản tột cùng. 18 tháng ròng trôi qua và tôi cảm thấy sức chịu đựng hao mòn. Bề ngoài tôi tỏ vẻ bất cần, nhưng thú thật lòng tôi hết can đảm và kiên nhẫn. Tôi sẽ không bao giờ được nghiên cứu, tìm tòi để đạt tới mục đích như xưa kia từng đã vạch ra sao? Tôi vừa đi vừa miên man suy nghĩ và về đến nhà không kịp nhận ra. Trên bàn ăn, ba thận trọng trải lớp mác ga rin trên lát bánh. Ông lơ đãng đón tôi bằng cái gật đầu. Tôi đi thẳng ra sau rửa mặt, rửa tay trong khi bà cố nhanh nhẹn, lặng lẽ dọn bữa ăn cho tôi, thức ăn được giữ nóng trong lò. Nhìn đôi bàn tay khéo léo của bà, tôi chạnh nhớ đến mẹ, linh hồn của gia đình đã mất rồi! Tôi quên kể cho các bạn biết thêm một hạt trong chuỗi dây bất hạnh của đời tôi: mẹ đã mất rồi! Một buổi chiều đông, cơn đau tim bất ngờ đã chấm dứt cuộc sống của mẹ sau một trận cãi vã kịch liệt với ba về bức thư của cậu Adam. Mẹ, từ lâu vẫn lặng lẽ không nói cho ai hay là mình mang chứng đau tim. Chao ơi! Bây giờ đây mỗi khi nghĩ lại, tôi cảm thấy hối hận vì đã không mảy may chú ý khi thấy mỗi lần mệt hay giận, mẹ thường đặt tay lên ngực trái như muốn đè nén một cơn đau hay nâng nhẹ quả tim suy yếu. Hôm đó, khi bước vào phòng khách, tôi thấy mẹ đang ôm ngực, thở hổn hển và gương mặt xám xanh. Tôi kinh hoàng la lên: - Mẹ! Để con mời bác sĩ, trông mẹ yếu nhiều... - Đừng! Đừng chọc giận ba con thêm... Mẹ nói bằng giọng khó nhọc, khổ sở. - Không! Mẹ đau nhiều, con biết mà! Tôi nói và hộc tốc chạy tìm bác sĩ. Khi tôi và ông vô nhà, mẹ đã ngất rồi. Thăm mạch xong, bác sĩ nói bằng giọng lạnh băng, tàn nhẫn: - Muộn rồi! - Mai bác sĩ có trở lại không? Ba hỏi giọng yếu ớt. Ông lo lắng thực đó. Song ông còn lo tốn tiền hơn! - Chắc chắn là không. Ngày mai, bà sẽ hết thở. Tôi không đòi khám nghiệm xác là may cho ông rồi. Tôi nghẹn ngào nghĩ đến thi thể mẹ nằm trên bàn đá trong nhà mồ... Nhiều tuần trôi qua... Còn ba? Ba rất hãnh diện về số tràng hoa phúng điếu. Và ông còn phàn nàn không ngớt về điều bà dám cả gan bỏ ông mà đi trước. Tôi rất ngạc nhiên thấy với tính keo kiệt đặc biệt của ông mà sao ông không bán đồ dùng của mẹ tôi. Mỗi chiều chúa nhật ông vào phòng bà, lấy vài cái áo trong tủ ra, chải cẩn thận rồi treo lên móc, dáng bộ tẩn mẩn thật đáng thương. Lần thứ nhất kể từ lâu lắm, tôi thấy ông đáng thương. Tôi tin là ông cảm thấy thiếu bà. Tôi cũng vậy. Mẹ luôn luôn bận rộn công việc, phục dịch cho cả nhà từ trẻ đến già. Mẹ cố gắng làm những gì có thể giữ vững liên lạc gia đình, xoa dịu những cơn thịnh nộ của ba, bù đắp các thiếu thốn do tính keo kiệt của ba. Mẹ cố giữ thể diện trước khách lạ. Tôi mang ơn mẹ nặng lắm. Mẹ rụt rè, ẩn khuất nhưng cao thượng biết bao. Phải! Mẹ không toàn thiện. Những nỗi lo lắng về tiền bạc, về nỗi chịu đựng thầm lặng làm bà hay cau có. Nhiều bận bà nấn ná, khất hẹn giữ lại vài shillings học phí của tôi cho tận đến lúc ông Hiệu trưởng vào lớp nhìn tôi, nói to lên: “Trong lớp này còn có một trò chưa đóng học phí” làm tôi xấu hổ tưởng có thể ngất đi. Vâng! Mẹ thế đấy, nhưng tôi chưa được biết người đàn bà nào cao cả hơn mẹ. Tôi buồn rầu và nhận ra rằng đã quá chậm, khi tôi hiểu tôi yêu mẹ biết ngần nào! Và cái hình ảnh mẹ hát khe khẽ khi đi Luân Đôn nghỉ hè, nụ cười tươi tỉnh hiếm có với cái khăn choàng lông thú nghèo nàn trên dây phơi trong sân nắng chói cùng một lượt hiện lên trước mắt tôi. Tôi nghẹn ngào tưởng nuốt không trôi mẩu bánh. Xong bữa ăn tôi lên phòng thay áo đoạn ghé vào phòng ông. Gánh nặng mẹ trao lại cho tôi là ông đấy. Ông ngồi trong ghế dựa, một tay giữ cuốn sách to trên đùi. Tay kia cầm lát bánh cặp phô ma. Ông cắn miếng bánh, ngẩng lên bảo tôi: - Robert này, thật khó tưởng tượng nhé: ruột người ta dài hơn một thước đó nghe! Bây giờ ông tôi có vẻ thích thú môn y học. Từ lâu rồi, ông Mc Kellar đã ngừng giao tài liệu cho ông chép dù chữ ông hơi run song vẫn còn khá đẹp. Rảnh rang ông viết thư kết bạn bốn phương với các bà góa và đôi khi còn làm thơ nữa. Tóc ông giờ trắng xóa như gòn. Thân thể cường tráng xưa kia nay gầy đi. Áo quần rộng xùng xình, nhưng ông nhất định là mình chưa già. Không còn chơi thân với bà Bosomley nữa, ông đón đường các nữ sinh, trêu chọc họ bằng đôi câu chuyện chớt nhã. Và, bạn thân mến ơi! Ông vẫn không chừa thói khoe khoang những thành tích tưởng tượng của mình. Lâu lâu, ông đấm cái ngực lép xẹp của mình, tuyên bố lớn lối: - Đây, cây cổ thụ chính gốc Tô Cách Lan! Ta mà ứng cử Hội đồng Thị xã đó nghe Robert, thì ta đắc cử liền! Cũng may là nói xong ông cười khà nên tôi biết ngay ông chỉ nói đùa. - Ông ơi! - Cái gì đó? Tôi chờ cho ông ngẩng lên hỏi và lợi dụng tính ưa nịnh của ông, tôi nói: - Ông ơi! Con muốn đi nghe hòa nhạc. Con biết ông tự trọng, không làm điều gì tệ bậy, nhưng con muốn ông hứa với con là tối nay không ra khỏi nhà. Có vậy, con mới yên tâm. - Dĩ nhiên! Dĩ nhiên! Yên tâm đi con trai! “Danh dự trên hết”! Tin ta đi! Tôi hài lòng đi xuống, để ông yên với “những bệnh của ruột non”. ° °
Đã khuya lắm rồi vào một đêm cuối tháng 7, không còn che giấu được nữa: ông sắp mất. Hôm qua, ngày thứ bảy, tuy không được khỏe mà ông cứ nằng nằng đi dự cuộc triển lãm hoa của cậu Murdoch. (Cậu được huy chương bạc về giống hoa cẩm chướng mới, do cậu gây giống). Và ông ngất nửa chừng, đưa về nhà ông nằm liệt luôn. Bác sĩ quả quyết ông không vượt qua lần này. Thần chết lảng vảng đâu đây, khắp gian phòng người bệnh. Cả nhà sống trong bầu không khí chờ đợi căng thẳng. Dưới phòng khách, cậu Murdoch, Jamie thì thầm trò chuyện với ba. Dì Kate cố giữ cho cháu bé đừng làm ồn. Trong bếp, bà cố nhón chân đi lại, trông chừng mấy vỉ bánh nướng. Lúc đêm đổ xuống, mọi người rút lui. Không ai phản đối khi tôi đòi thức canh chừng ông. Sự im lặng bao trùm nặng trĩu, dù tôi đã mở rộng cửa sổ, đêm tối mịt, sức nóng không làm dịu bớt sự nặng nề. Ông nằm ngửa, không rên rỉ, thở rất yếu. Khuôn mặt hóp, thân thể gầy nhom. Trước khi ngủ, bà cố đã vào lau mặt cho ông và chải bộ râu trắng xóa. Tôi vừa buồn rầu vừa tự an ủi là ông sắp được giải thoát. Đã đến lúc làm tổng kê đời ông. Phải chăng đấy là lúc đáng sợ trước khi ra đi vĩnh viễn mà mọi người trước sau ai cũng trải qua? - Người đàn ông này đã phạm nhiều lầm lỗi, có bao nhiêu hành động lố bịch, điên rồ? Không ai biết rõ hơn tôi những yếu đuối, những bướng bỉnh của ông. Tôi cũng lo sợ mà cảm thấy tôi, đứa con trai cuồng nhiệt và buồn bã đã thừa hưởng của ông tôi chút tính tình. Rồi tôi thích thú mà nhận lấy những xung động ngầm này, vì cũng giống như ông, tôi từ chối nhắm mắt tuân theo các quy ước sắp sẵn. Ông tôi còn những đức tính đáng kể, ông khinh bỉ sự hẹp hòi, có lòng đại lượng, có lòng nhân ái. Chao! Những đức tính này há không bù lại những lỗi lầm nhẹ của ông sao? Ngồi trên đầu giường ông, tôi thiu thiu ngủ. Đồng hồ chợt đổ ba tiếng kéo tôi khỏi giấc mơ. Hơi thở ông càng yếu, báo hiệu cái chết gần kề. Thình lình, bà cố tôi mở cửa, tay cầm giá nến bước vào. Do bản năng, bà đoán được cái chết đã đến. Trong giây phút nghiêm trọng này, bà không bảo tôi đọc to một đoạn Thánh kinh. Bà nhìn người hấp hối, rồi lặng lẽ ngồi xuống cái ghế mây tôi vừa đem lại cho bà. Tôi đứng lên, lại bên cửa sổ. Nghe tiếng lá cây chạm nhau xào xạc, tiếng chim đập cánh, thấy bóng mấy cây dẻ lờ mờ in hình lên nền trời, tôi đoán bình minh sắp trở về. Thái độ bà cố tôi thật đẹp. Trong lòng bà sự thù ghét ông tôi không còn nữa. Những tranh chấp làm cho hai người đối đầu nhau trong bao năm nay thốt nhiên xem ra ấu trĩ, không đáng lưu tâm. Những tháng sau này, sức khỏe ông tôi càng mong manh thì bà càng xử tốt. Bà chăm sóc cho ông tận tình, không phải vì thương hại mà vì bà hiểu sự thù ghét lúc này sẽ làm cho bà thấp hèn, bất xứng. Giây phút cuối cùng... một người ra đi. Cái chết của một người trẻ trung khỏe mạnh là một điều ghê sợ, đáng tiếc. Nhưng ông cố tôi mòn mỏi quá đi rồi, một con thuyền mong manh cũ nát rời bến không chút khó khăn, chấn động. Bà nhìn tôi gật đầu nhẹ và làm dấu thánh giá đoạn đứng lên. Sau đó, bà cột một giải băng dưới cằm ông – đặt hai đồng tiền lên hai mi mắt khép kín – một tục lệ của nông dân vùng này – Tôi buồn rầu vô hạn khi nhìn khuôn mặt lạnh cứng của người vừa tắt thở. Ông cố tôi đã về một nơi đầy ánh sáng hay bóng tối? Song chắc chắn ông không còn lỗi lầm, cuồng dại nữa. Ông đã thoát các kẻ thù của ông, kể cả kẻ thù tệ hại nhất, là chính ông. Bà bảo nhỏ tôi đóng kín cửa sổ lại. Đêm đã tàn: tôi có thể thấy các cánh đồng xa xa và trên nền trời ngả xám, in bóng ba cây dẻ. Tôi thổi ngọn nến. Đột nhiên, từ một nông trại nằm lưng chừng đồi có tiếng gà gáy ó o vang dậy, tiếng gà thúc giục như thể muốn thách thức ánh lửa tàn.
° Sau tang lễ ông cố, chúng tôi hội họp tại phòng khách uống trà. Lễ tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng cũng không long trọng lắm nhưng cũng đủ lễ nghi. Luật sư Mc Kellar cũng đến với chúng tôi. Ông đến vì một nguyên do: số tiền hãng bảo hiểm trả lại sau khi ông cố nhắm mắt. Theo lời luật sư Mc Kellar số tiền lên đến 789 livres, 7shillings, 3 pences chẵn. Một số tiền khá lớn. Ba và Adam chói mắt trước khi nhận được. Tôi chợt nhớ đến ông cố: ông cho đây là một trò bịp bợm và từng cấm tôi nhắc đến trước mặt ông. Cảm ơn Thượng đế: ông cố tôi không còn đây để nghe ba cố lấy giọng bình tình (mà vẫn cứ run) để hỏi ông Mc Kellar: - Thế bao giờ thì ông có thể trả tiền cho chúng tôi? - Ngay tức khắc. Viên luật sư đáp. Rồi ông thong thả rút giấy tờ trong túi áo ra: - Đây, tờ bảo hiểm nhân mạng số 57430 mang tên Alexander Gow. Và đây là di chúc ông cụ. Tôi đọc to cho quý vị nghe. - Thôi, khỏi cần! Lúc làm di chúc có mặt tôi, tôi thuộc lòng rồi. Khỏi! Adam bắt đầu sốt ruột, gạt phăng đi! (chắc cậu vừa sốt ruột vừa ghét cái vẻ trang trọng của ông Mc Kellar). Ông Mc Kellar cố giấu vẻ bất bình, giọng thản nhiên: - Thủ tục buộc tôi phải đọc cho quý vị. Không dài lắm đâu ạ! Ba giảng hòa: - Vâng, ông cứ đọc. Mc Kellar mang kính vào rồi chậm rãi đọc di chúc cho mọi người nghe. Di chúc thật rõ ràng, đơn giản: ông cố để lại tất cả tiền bạc cho mẹ, trường hợp mẹ chết trước thì thuộc quyền thừa kế của ba... - Tốt lắm! – Ba xoa tay thở dài một cách hài lòng – Mọi việc đều đúng luật. - Chưa hết đâu, thưa ông... Mc Kellar kêu to lên thình lình, nắm tay đập lên bàn làm mọi người cùng kinh ngạc, lặng im chờ đợi. Luật sư đưa mắt nhìn hết mọi người, rồi cúi xuống tờ di chúc, một nụ cười nở nhẹ trên môi ông ta, xem ra ông có vẻ thích thú vì đã đến lúc tiết lộ sự bí mật quá lâu. Rồi đột nhiên, tia nhìn của ông ngừng lại khi bắt gặp mắt tôi, ông có vẻ ân cần và tiếp: - Còn bản bổ chính tờ di chúc, bản này viết tay ngày 20 tháng 7 năm 1910. Tôi cố nén để khỏi kêu to lên một tiếng: ngày 20 tháng 7! Ngày đau đớn nhất đời tôi: hỏng thi, bạn chết! Ngày ghi khắc sâu trong tim óc tôi... không nhòa nhạt. Tôi cố để lắng tai nghe. Ông Mc Kellar nhấn mạnh, từng tiếng một: - Hôm đó, ngày 20 tháng 7, Dandie Gow đến văn phòng tôi (tôi xin được gọi ông ấy là Dandie, dù ông có nhiều lầm lỗi trong đời, tôi vẫn hãnh diện gọi ông bằng cái tên thân mật ấy, vì tôi xem ông như người bạn). Ông hỏi tôi xem có thể thêm bớt gì trong tờ bảo hiểm nhân mạng của ông không. Chúng tôi đã bàn cãi kỹ càng, lâu lắm. Và đi đến kết luận là cho đến mỗi trinh nhỏ trong số tiền to lớn ấy đều sẽ thuộc về đứa con trai ngồi đây: Robert Shannon! Để nó có thể học Y khoa ở Đại học Winton. Tôi sẽ là giám hộ. Im lặng rợn người. Tôi tái mặt, cổ nghẹn khô, tim thắt lại. Từ lâu, từ lâu rồi tôi cam chịu số phận đen tối này không còn dám mơ mộng, tin tưởng gì nữa đến việc được học Y khoa... Ba rên rỉ: - Không, ông ấy không có quyền sửa chữa như thế. Nụ cười trên môi ông Mc Kellar có vẻ mỉa mai: - Tại sao không? Không có luật lệ nào cấm ông ấy thay đổi ý kiến về quyền thừa kế trong tờ di chúc. Việc này đúng luật. Ba nhìn Adam tuyệt vọng, Adam hầm hầm mặt: - Chắc mẹ muốn thế. Nhưng theo tôi, lúc đó ông không được sáng suốt... - Khi ông Gow viết bản bổ chính cách đây ba năm, ông còn khỏe lắm, y như tôi và cậu vậy, Adam ơi! - Tôi chống lại điều này! Tôi sẽ kiện! – Giọng ba nghẹn ngào – Tôi sẽ kiện! Rồi ông xem! - Cứ làm những gì ông muốn! Cứ kiện đi! Lần này vị luật sư không cười nữa mà nhìn ba và Adam bằng tia nhìn thách thức: - Các người cứ kiện, tôi sẽ đứng ra biện hộ cho Robert Shannon. Và ông Leckie này! Ông nên nhớ ông sẽ ở vào tình trạng không mấy tốt đẹp. Ông sẽ tiêu tan cái hy vọng giữ chức Giám đốc Thủy cục, tôi cho ông hay trước đó! Mc Kellar ngừng lại một lúc, thích thú vì vai trò mới mẻ của mình, vai trò khá gay go sau nhiều năm nhàm chán vì công việc không hứng thú: - Vợ ông không hề mong được thừa hưởng số tiền bảo hiểm này, dù là tự tay bà đóng góp phần lớn mỗi tháng. Còn ông Gow, bạn già của tôi cũng không hề đụng đến một trinh con. Nguyện vọng chính đáng cuối cùng của ông ấy là số tiền đó được sử dụng một cách ích lợi, công bình. Tôi quyết thực hiện ý muốn đó, nếu không, tôi không còn là Mc Kellar nữa, thưa ông! Chúa ơi! Có thể như vậy sao? Ông cố tôi đã di tặng ân huệ cuối cùng và tuyệt vời này cho tôi? Vậy mà bao nhiêu năm tháng không hé răng nói ra một tiếng nào cho tôi biết. Không tiết lộ ý định để tôi có thể cảm ơn ông! Cao quý biết chừng nào! Hai má nóng bừng, mặt cúi gầm, hơi thở đứt quãng, tôi ngồi lặng... Bỗng tôi cảm thấy bàn tay êm dịu của dì Kate đặt lên vai: - Dì không biết mọi người nghĩ sao, chớ phần dì, dì chịu lắm! Món tiền được sử dụng rất hợp lý, không có cách nào hay hơn. Chồng dì chen vào, hớn hở ra mặt. Chao! Dì Kate thân yêu với tính tình bộc trực nóng nảy và Jamie tốt bụng, chồng dì đều cũng tán thành. Tôi đoán là tiền trong tay họ sẽ trở nên sạch sẽ hữu ích, con họ chắc nên người dễ dàng hơn tôi nhiều. Murdoch sáng ngời mắt, tán đồng trong lặng lẽ. Ông Mc Kellar thu xếp giấy tờ, đứng dậy nói với tôi: - Ngày mai, ta chờ con ở văn phòng lúc 10 giờ. Bây giờ, đi với ta một đoạn đường. Thở chút không khí thoáng mát xem, tốt lắm, Robert! Tôi rời gian phòng khách khó thở. Vẫn còn bàng hoàng. Thần kinh căng thẳng quá mức gần như không chịu đựng nổi. Song vừa bước ra đường vắng, tôi bình tĩnh trở lại ngay. Bước chân tôi và luật sư Mc Kellar vọng lại tai tôi rõ ràng, mạnh dạn đầy tin tưởng. Tôi gọi thầm hai tiếng: “Ông ơi!”.