Chương 2

 Thúy Minh mở nắp bút máy, viết vào quyển bút ký:
“Mùa thu, năm 1970”
Rồi Minh không biết phải viết gì thêm. Và nghĩ như thế quá đủ cho Minh rồi. Cũng như ngày nào Minh chỉ đề: “Tết Mậu Thân, 1968”- mà đến nay vẫn không quên những hình ảnh hãi hùng. Không cần phải viết dài dòng. Một chữ, hai chữ, gói trọn một quãng nhỏ trong đời sống. Hai năm rưỡi trôi qua, Minh đã sống không một niềm vui. Những nụ cười chỉ là gượng gạo. Những tin tưởng chỉ là tạm bợ. Thiếu một mái gia đình. Thiếu cả những yêu thương. Cuộc sống không sắp đặt trước mà bỗng thu nhỏ lại, gọn và khô.Nhưng đột nhiên, “mùa thu năm 1970” đã đến, hình như làm cho khoảng đời khô gọn ấy có một chút xao động. Một làn gió thoảng qua không gian yên lặng. Một cọng cỏ ngã xuống mặt hồ yên. Tâm hồn Minh cũng như đang lao chao. Vì một sự gặp gỡ. Vì Đỗ. Vì sự hiện diện của Đỗ trong xóm nhà lặng lẽ này.
 
Đỗ đã hiện ra sau cánh rào, mà Minh ngỡ là một ông lính xa lạ, không phải người “thầy” mà Minh đang tìm kiếm. Đỗ đã đứng dưới ánh trăng –đêm mười hai- mờ dịu, cho Minh những điều ngạc nhiên. Đỗ hiện diện ở nhà cậu Phương. Và chính tay Minh đã băng bó cho người. Hôm đối diện với vết thương trên tay Đỗ, Minh đã rất xót xa. Vì Minh biết rằng những đổi thay, những tai biến không phải chỉ riêng đến cho mình, mà đến với bất cứ ai. Mỗi cá nhân khó lòng sống yên với đời sống bình lặng mà mình mong muốn. Và sự sống, sự chết của mình gắn liền với vận mạng của quê hương. Đối diện với một người lính mang thương tích, là đã thấy rõ ràng sự “gắn liền” đó.
 
Và Đỗ đã hiện diện bên cạnh Minh, trong  đám trẻ nhỏ rước đèn tháng tám. Đỗ oai dũng tươi sáng bên chiếc đèn thô sơ độc đáo. Đỗ cũng hiền hòa dịu dàng khi thắp cho Minh ngọn đèn và khi Đỗ gọi “Thúy Minh”. Chưa có ai gọi Minh bằng giọng như vậy. Có tiếng gọi ngọt ngào của mẹ cha ngày thân ái cũ, nhưng là với một sự thương yêu khác, không so sánh được. Minh không biết phải phân tích ra sao. Tìm hiểu ý nghĩa của một tiếng gọi lại khó khăn hơn cả giải một bài tính Vật Lý. Việc làm tính Vật Lý đối với Minh bây giờ không còn khó nữa. Minh đã được nhiều điểm khi làm bài tập. Minh không còn tức phát khóc trong lớp học. Nhờ Đỗ. Minh đã đến nhà Đỗ nhờ dạy thêm. Bác Liêu cũng vui vẻ khi thấy Minh đến nhà. Đối với bác, sự hiện diện đó làm cho căn nhà của bác đỡ khô khan.
 
Chiều nay, bỗng nhiên Minh thấy cần phải ghi một điều gì vào quyển bút ký đã từ lâu Minh cất kỹ vì sợ phải gợi lại những nỗi buồn. “Mùa thu…”, một cô bé mười bảy tuổi cảm thấy đời sống linh hoạt lên một chút. Một niềm vui nhè nhẹ mà lâu bền. Và cần phải đón nhận, như nhận một viên kẹo ngọt. Cần phải ấp ủ, như ấp ủ một quyển vở mới. Cần phải giấu kín, như giấu kín những dòng bút ký. Minh cảm thấy Đỗ hiện diện trong khắp các sinh hoạt của Minh. Đỗ khuyến khích, an ủi Minh. Đỗ tuy xa, nhưng hầu như lúc nào cũng ở trước mặt Minh. Ánh mắt Đỗ sáng ngời. Vầng trán Đỗ rộng rãi. Giọng nói Đỗ ấm cúng. Tâm tính Đỗ thành thật, bao dung. Có phải niềm vui chợt đến này là sự đền bù cho Minh đã bao ngày mất bóng hạnh phúc của mẹ cha?
 
Minh gấp sách lại, đứng lên. Minh đã nghĩ ngợi bâng quơ hơi nhiều. Minh tự hỏi như thế có nên hay không? Từ hồi còn bé đến nay chưa bao giờ Minh nghĩ riêng về một người, chưa từng suy tư về một hình bóng. Đôi lúc Minh thắc mắc không hiểu Minh có quá khô khan như bạn bè thường chê? Vì chúng bạn, phần đông ở lứa tuổi học lớp Mười, Mười Một, đứa nào cũng đã bận lòng đến “chuyện tình cảm”. Hình như chúng nó cũng ít che giấu với nhau, nên trong những câu chuyện chúng nó thường kể cho nhau nghe về những người bạn trai. Minh thì không vậy. Minh ít tham dự vào những đề tài đó. Minh không khó tính. Minh cũng không kiêu hãnh hay mặc cảm. Nhưng chỉ là vì Minh chưa cảm thấy có ai để cho Minh bận tâm đến. Chưa có ai khiến cho Minh xúc động. Thế mà nay, Đỗ, anh đã đến, như cơn gió làm tắt ngọn đèn cầy. Nhẹ nhàng quá. Anh đã làm Minh hơi mất thăng bằng. Nhưng cũng chính sự có mặt của anh giúp Minh thấy sự vui vẻ hăng hái trong việc học hành, trong sinh hoạt thường nhật. Phải cảm ơn anh, một người tình cờ và thân mến.
 
Minh đến trước gương, tự nhiên muốn soi mình trong ấy. Một cô bé đã lớn, tóc dài xõa trên vai, mắt trong sáng và bờ môi tươi tắn. Mình đấy phải không? Minh nhoẻn miệng cười với chính mình, ngay đúng lúc trong gương xuất hiện bóng của Liên Nga.
Thúy Minh!
Minh bàng hoàng. Không phải tiếng gọi của Đỗ, mà của Liên Nga. Nga đến với quyển sách dày cộp trên tay.
Minh làm gì đó?
Chưa để Minh trả lời, Nga hóm hỉnh:
Á à…hôm nay lại soi gương nữa hở? Sắp đi đâu sao cô nương?
Minh lườm bạn:
Chiều rồi mà đi đâu? Tao mới nấu cơm xong, định học bài đây. Nga đến chi vậy?
Hỏi mày đã làm toán xong chưa? Tao bí…
Bài thầy Hùng hả?
Ừ
Làm xong rồi.
Liên Nga trố mắt:
Khó quá mà mày làm ra rồi sao?Chỉ cho tao với.
Minh sung sướng đem vở Toán ra khoe bạn. Liên Nga xem từng dòng chứng minh, rồi tự cốc vào đầu, nói:
Vậy mà mình nghĩ hoài không ra. Ngu nhỉ! Minh lúc này “chì” ghê hen.
Chì” gì đâu? Chịu khó suy nghĩ một chút.
Tao nghĩ nát cả óc ra chứ bộ.
Minh cười thú vị. Liên Nga nói:
Cho tao mượn vở nghen. Tao phải đem về nhà “nghiên kíu” cách suy luận của mày mới được. Còn bây giờ, rảnh không?
Chi vậy?
Đi mua vải với tao.
Minh ngần ngừ vài giây, rồi lắc đầu nói:
Tao còn trông nồi cơm, và tắm cho mấy đứa em nữa.
Liên Nga xịu mặt:
Gì mà bận dữ vậy? Làm vừa thôi, làm quá thành cô bé lọ lem đó.
Minh suỵt bạn:
Nói mợ Phương nghe mợ giận đấy. Mày làm như cậu mợ tao ác lắm vậy. Tao giúp đỡ cậu mợ tao, có gì đâu. Tao chẳng nghĩ gì hết.
Liên Nga im lặng ngồi xuống ghế, bỗng thấy quyển sách là lạ để trên bàn, nó giở ra. Minh kêu lên:
I’, đừng, Nga!
Nhưng Liên Nga đã trông thấy những dòng chữ viết ở trang gần cuối. Nó liến thoắng hỏi:
Sao viết ít thế này Minh? Tao chưa hiểu gì cả.
Minh tủm tỉm cười:
Buồn tay viết chơi mà!
Xạo đi mày! Nói tao nghe với!
Tao còn chưa hiểu, làm sao mày hiểu? Thôi đi về đi, để “em” làm công chuyện “bác” ơi!
Liên Nga đứng lên, ôm quyển vở Toán của Minh luôn:
Ừ, về thì về.
Minh đưa Liên Nga ra cửa, đã thấy thằng Thụy đứng chờ ở đó. Thụy dúi vào tay Minh một mảnh giấy, nói:
Anh Đỗ nhờ em đưa cho chị.
Rồi nó ù té chạy. Minh còn đang ngạc nhiên thì Liên Nga giật lấy mảnh giấy, liếc mắt đọc nhanh. Nó cười rinh rích, rồi trả lại, giả giọng xỉa xói:
À, tao biết rồi, mày giấu tao nghen!
Minh ngơ ngác:
Ơ kìa! Cái gì đâu hở Nga?
Liên Nga nói nhỏ vào tai Minh:
Mày có cái “anh” nào đó nhé! Anh đó “gà” toán cho mày nhé! Chuyện “mùa thu” nhé! Tao biết rồi nhé! Mày giấu tao nhé! Xấu lắm nhé!...
Minh nhăn mặt, kêu lên:
Chi mà một lô “nhé” vậy Nga? Nói tầm bậy…
Nga nheo mắt với Minh rồi đi mất, chẳng đợi nghe phân trần. Minh chạy ù vào nhà, rồi mới dám mở mảnh giấy ra đọc. Minh thấy bàn tay mình run run. Nét chữ của Đỗ hiện ra trước mắt:
 
“Cô Minh,
Tôi sắp trở lại bệnh viện sư đoàn. Nếu không có gì trở ngại, tôi mong được gặp cô Minh sau giờ tan học ngày mai. Tôi có mấy quyển sách mới, định dành cho cô Minh.
Rất mong,
Đỗ”
 
Minh bồi hồi. Đỗ muốn gặp Minh sau giờ tan học… Mấy quyển sách mới… Rất mong… Vừa xúc động, vừa thấy lo âu, Minh ngồi thừ ra với một mớ ý nghĩ hỗn độn. Rồi nhớ lại nét mặt “sùng sùng” của Liên Nga cùng những câu xỉa xói của bạn, Minh nghe tim đập nhanh. Rủi Liên Nga vào lớp kháo với bạn bè “tin thất thiệt” thì sao? Chắc Minh sẽ xấu hổ biết chừng nào! Mà Đỗ sẽ gặp Minh ở đâu? Ôi chao, nếu anh đến ngay trước cổng trường… Trường của Minh có cả lô nam sinh nữa. Tụi nó sẽ nhìn Minh bằng ánh mắt chế nhạo. Minh sẽ ngượng chết luôn.
 
Như vậy rồi Minh có gặp Đỗ không? Có gặp được không? Cũng không thể đến nhà anh mà không có bài nhờ chỉ hộ. Minh rối tung cả óc. Việc dễ dàng như thế, hoặc nên, hoặc không, mà Minh cũng băn khoăn như bị đặt trước một đề Toán khó giải.
 
Minh nhét mảnh giấy vào túi, rồi tự nhủ: phải làm việc, phải làm việc để giữ thăng bằng. Minh đem rổ rau đã ráo nước sắp ra đĩa. Minh thờ thẫn nhìn tay mình nâng niu những lá rau xanh mướt. Đôi mắt chế giễu hóm hỉnh của Liên Nga hiện lên trên màu xanh ấy. Đôi mắt thiết tha của Đỗ cũng hiện lên. Minh bối rối vô cùng, rồi bỗng tự hỏi tối nay là mấy rồi? Trời có còn trăng không? Ở sân nhà kia Đỗ có ra nhìn trời? Đỗ nghĩ gì, nhớ gì về cái đêm rước đèn hôm nọ, hai nhánh cây thô, thắp hai ngọn đèn ngoan?
 
Tối rồi… Minh bâng khuâng… Trời có trăng không, đêm nay…???
 

*

 
Liên Nga hỏi ngay khi Minh vừa vào lớp:
Hôm qua sao nghỉ học vậy Minh? Bệnh hở?
Minh lắc đầu. Liên Nga lại hỏi:
Tao thấy mắt mày có quầng thâm nè, bộ thức học bài hay là mất ngủ hả?
Không có.
Chứ sao vậy?
Minh lại lắc đầu., và ngồi xuống mở cặp lấy vở để lên bàn. Liên Nga khoe:
Hôm qua thầy Hùng gọi tao lên bảng, tao làm toán giống y kiểu của mày. Ổng cho tao mười tám điểm luôn. Sướng quá!
Thế à?
Minh cúi mặt, buồn thiu. Liên Nga ngạc nhiên:
Có chuyện gì mà mày buồn xìu vậy?
Và Nga giật mình khi thấy đôi mắt của Minh từ từ đỏ lên và long lanh. Nga không dám hỏi thêm vì kinh nghiệm cho biết rằng chỉ cần hỏi tới một câu là sẽ làm cho hai hồ nước kia trào ra. Tốt hơn là cứ để cho bạn dịu lại, rồi từ từ nó sẽ nói cho mình nghe.
Minh quay đi. Nga rút khăn tay đưa cho Minh. Nga vẫn thường làm như vậy mỗi khi thấy bạn buồn. Có thể nói khăn của Nga không phải sắm cho chính Nga, mà để dành lau nước mắt cho cô bạn “mít ướt” này. Nga mỉm cười. Chắc cũng chẳng có gì quan trọng đâu. Cùng lắm là bị cậu hay mợ nói một câu hơi nặng, rồi tủi thân rồi động lòng nhớ cha, nhớ mẹ. Hay là…. Liên Nga bỗng nhớ tới mảnh giấy của người ký tên “Đỗ”. Có thể nguyên nhân là ở đó. Một lời hẹn khéo léo và “có cớ”. Một sự mong đợi. Nhưng tại sao hôm qua Minh lại nghỉ học? Minh khước từ sự gặp gỡ đó chăng? Vì sao? Liên Nga thắc mắc ghê lắm nhưng phải kềm lại vì giờ Vạn Vật đã bắt đầu.
 
Giờ chơi, Liên Nga rủ Minh đi dạo trong sân trường. Minh vẫn giữ vẻ mặt buồn thiu. Hai đứa vào quán hội đoàn mua xí muội và đến ngồi ở một băng ghế tránh xa bọn nam sinh. Liên Nga chìa gói giấy ra:
Ăn xí muội đi! Mặt mày bí xị làm tao nản quá!
Minh cười:
Chi đâu mày? Khéo tưởng tượng.
Chối nữa hở? Tao tưởng tượng? Còn mày thì khóc thật. Không nói cho tao nghe thì tao chẳng thèm chơi với mày nữa. Ghét!
Minh lặng thinh. Liên Nga ôm vai bạn thỏ thẻ:
Hỏi thật mày nghe Minh! Phải mày buồn vì cái anh Đỗ nào đó không?
Minh lắc đầu lia lịa:
Đâu có mày. Nói tầm bậy.
Liên Nga vờ giận dỗi:
Bộ tao không xứng đáng nghe chuyện của mày sao? Thế thì thôi vậy.
Rồi Nga dợm đứng lên. Minh vội nói:
Nga! Mày sao… nóng quá hà.Tao… tao… ừ, tao buồn vì chuyện đó.
Vì… mảnh giấy bữa trước?
Ừ, nó… làm tao rối óc.
Có gì mà phải rối óc?
Minh bẹo tai Liên Nga, nói:
Mày là con khỉ. Mày lanh quá nên biết hết tất cả rồi. Tao không giấu mày, nhưng mày không được nói với mấy đứa kia đó.
Tao thân có một mình mày, bép xép với tụi nó làm chi?
Minh thở dài:
Nhớ giữ kín giùm tao. Chuyện nhỏ xíu, không ỏm tỏi như tụi nó đâu.
Liên Nga chêm vào một tựa truyện tiểu thuyết:
“Cơn gió thoảng” hở?
Gió thoảng hay gió lốc gì đó, tùy mày hiểu.
Tao có hiểu “mô tê” gì đâu? Nè, Đỗ là ai?
Minh nghe nóng ở hai má. Minh dí mũi giép chà trên mặt đất, đáp nhỏ:
Một… ông người Huế, sinh viên Khoa Học.
Liên Nga ngắt lời:
Con trai Huế? Học Khoa Học? Khô queo!
Minh cãi:
Đâu có khô queo. Người ta..người ta…
Ướt át lắm hở?
Ừ... mày muốn hiểu như vậy cũng được. Nhưng mà “ổng” đã đi lính từ lâu rồi, gần hai năm.
Ghê thế à? Gặp hồi nào?
Minh đỏ mặt, nói:
Thôi mày, tao không kể bây giờ đâu, dài dòng lắm.
Thôi thì thôi. Nhưng này Minh! Anh chàng hẹn gặp mày hôm qua, mày có gặp không?
Không.
Liên Nga trố mắt, thấy Minh lại sắp khóc.
Sao vậy? Rồi sao mày cũng không đi học?
Tao sợ quá! Lần đầu tiên tao bị đặt trong một tình trạng như vậy. Tao nói dối là bệnh để cậu mợ cho tao ở nhà một bữa. Tao sợ anh ấy đón trước trường, chắc tao “quê” chết luôn.
Sao mày lại nhát gan đến độ đó hở Minh?
Minh cắn môi:
Tao biết anh ấy sắp trở lại bệnh viện. Tao cũng muốn gặp một lần. Nhưng tao không dám. Đi với “ai” ngoài đường tao sợ lắm. Tao cũng ngán bị bọn bây trêu chọc. Và nhất là tao không muốn cậu mợ tao biết được rồi sẽ buồn lòng. Tao mâu thuẫn ghê hở Nga?
Vậy thì thôi. Còn chán chi dịp khác.
Nhưng mà…, nhưng mà…
Liên Nga hoảng:
Ơ! Lại sắp nhè nữa kìa!
Tao gặp thằng bé Thụy hôm kia mày thấy đó, nó bảo là anh Đỗ đã về tiểu đoàn rồi, sau khi chờ tao suốt cả buổi trưa trước trường. Vậy là…
Liên Nga rút khăn tay đưa cho Minh, chép miệng:
Khổ chưa! Tội nghiệp “ổng” ghê nhỉ!
Tại tao…, phải không Liên Nga?
Ừ, tại mày. Nhưng mà mày làm vậy đúng. Con gái bạo quá không nên. Hãy giữ cho nó êm đềm tốt hơn Minh ạ. Mà sao “ổng” lại lên bệnh viện?
Tao quên nói cho mày biết là anh Đỗ bị thương ở bên Căm-pu-chia mới về.
Có nặng không?
Không. Bị ở tay, một vết thương nhỏ, nhưng trúng xương nên đang phải băng bột.
Liên Nga vỗ vai Minh, nói:
Như vậy tao sẽ giúp mày.
Minh tròn xoe đôi mắt, ngạc nhiên hỏi:
Mày giúp gì?
Chúng mình có cớ để đem cam bưởi táo nho lên biếu cho “người thương binh”. Ổn không?
Minh sửng sốt. Trời! Không ngờ nhỏ bạn của mình gan quá!
Làm sao đi?
Mày biết tiểu đoàn của “ổng” không?
Biết. Ở Thủ Đức.
Tao chở mày đi bằng xe Honda, chịu chứ?
Minh gật đầu liền như không dám suy nghĩ, miệng nói:
Nga, mày gan thật.
Tao giúp mày gan đó chứ! Mấy chuyện này, đôi khi cũng phải “nhát”, đôi khi cũng phải “gan”, chứ đừng có luôn luôn “nhát gan”.
Minh hân hoan nắm chặt lấy tay Liên Nga.
Có bóng cô giáo dạy Vạn Vật  đang lấy xe đi về. Dáng cô tha thướt bên chiếc xe Cady màu vàng. Liên Nga bấm tay Minh:
Minh! Mày thấy gì không?
Thấy gì?
Cô Vân. Cô đẹp ghê mày hở?
Minh cười:
Chắc chắn rồi! Mà tại sao mày lại nói cái câu cũ rích đó vậy?
Tao nói để muốn nhắc với mày, mày còn nhớ từ năm tao chơi với mày là tụi mình còn học lớp Tám đến bây giờ, mỗi khi tao muốn trêu mày, tao hỏi mày yêu ai, mày trả lời làm sao, nhớ không?
Trước sau như một, tao nói tao yêu mẹ tao, ba tao, và tao yêu cô Vân.
Mày nói còn sót.
Tao yêu mày.
Liên Nga dí ngón tay vào má Minh, nói:
Mày là năm sáu cái xạo chứ không phải là ba xạo thôi đâu. Thử hỏi lại lòng đi.
Mày lẩm cẩm quá, Liên Nga. Tao… không biết.
Liên Nga nguýt một cái dài:
Không biết thì thôi, trả khăn tay đây.
Trả thì trả.
Liên Nga giăng chiếc khăn tay ra trước mặt Minh, xỉa xói:
Tao không biết, tao không biết… Vậy thì cái gì trên khăn tôi đây? Trả lời đi!
Mấy dấu nước mắt của Minh còn hoen trên nền khăn xanh lơ. Minh xấu hổ quay mặt đi. Liên Nga cười, giọng cười nghe như tiếng pha lê vỡ, giòn tan….
 

*

 
Đỗ leo xuống khỏi chiếc xe jeep. Người tài xế hỏi:
Chừng nào Thiếu úy trở lại bệnh viện để tôi đón?
Đỗ ngẫm nghĩ rồi đáp:
Tôi định về phòng lấy một ít đồ dùng rồi trở lại đó ngay. Nhưng có lẽ tôi sẽ ở lại đây một đêm với anh em cho vui. Vậy sáng mai anh tới hỉ!
Vâng, chào Thiếu úy tôi đi.
Chiếc xe jeep quay đầu chạy ra cổng tiểu đoàn. Đỗ bước lên thềm của dãy nhà đầu tiên, đi dọc theo đó để về phòng của mình. Lúc này vào khoảng ba giờ trưa. Nắng loang khắp cả lối đi trải đầy sỏi. Một thứ nắng quái của mùa thu, khô khan và hơi u buồn. Không có ai trên lối đi của Đỗ. Tiểu đoàn vắng ngắt. Đỗ ghé vào phòng làm việc, hỏi người thượng sĩ già:
Sao không thấy ai cả, bác Tâm?
Người thượng sĩ già nhướng mắt, nhận ra Đỗ, giơ tay chào và trả lời:
Họ đi hành quân hết rồi, thưa Thiếu úy.
Khi mô, bác?
Dạ mới sáng nay. Kỳ này họ đi U Minh.
U Minh?
Đỗ lập lại và ngẩn người.
Kể cả đại đội của tôi?
Dạ, đi gần hết mà Thiếu úy.
Cám ơn bác.
Đỗ bước ra. Tiểu đoàn lại đi hành quân nữa rồi. Kể cả đại đội của anh, mới ở Căm-bốt về đã lên đường trở lại. Chỉ còn những người thương binh như Đỗ là còn nằm bệnh viện hoặc ở hậu cứ. Đỗ nhìn cánh tay anh, vết thương đã kéo da non. Băng bột vừa mới cắt sáng nay. Đỗ sẽ xin ra vùng hành quân. Không thể để đồng đội gian nan một mình.
Đỗ vào phòng của anh, một căn phòng trong dãy nhà tiền chế. Mọi vật dụng vẫn nằm yên tại vị trí thứ tự như trước ngày anh đi qua Miên. Đối với Đỗ, nơi đây cũng là một chỗ trú ngụ thân quen không kém chi căn nhà của bác Liêu. Cũng có khá nhiều kỷ niệm với bạn hữu. Chiếc bàn nhỏ đặt cạnh giường ngủ là nơi Đỗ thường đánh cờ với mấy người đồng đội. Những người bạn đã từng vào đây, nói chuyện, ca hát, đánh cờ, nay đã mỗi người một nơi. Có người hôm trước  cười với Đỗ một nụ cười chưa quên, sáng mai lên đường và mất dạng luôn. Chuyện xảy ra thông thường trong thời chiến như bây giờ. Chiếc rương gỗ để trong góc phòng, có giăng một tí bụi trên nắp. Đỗ bước đến, giở ra. Quần áo của anh nguyên vẹn trong ấy. Những thư từ của bạn bè, người thân. Những mảnh giấy của Đỗ đang viết lách dang dở. Và… quyển nhật ký. Đỗ mỉm cười. Phải gọi là “lẩm cẩm ký” thì đúng hơn. Đó là quyển sổ mà một người bạn tặng cho, nhưng Đỗ chưa ghi một điều gì ra vẻ. Đỗ không có nhiều thì giờ để ghi lại từng ngày những gì xảy ra trên bước đường của mình, chỉ để trong đầu. Và Đỗ nghĩ, anh sẽ quên những chuyện sống chết đó chỉ khi nào mất trí.
Mặc dầu vậy, Đỗ cầm quyển sổ lên, mở ra. Lần ghi chép cuối cùng trước khi qua Căm-Bốt, Đỗ viết bằng bút mực đen. Thảo nào! Đỗ lại cười nhạo sự lẩm cẩm của mình. Bây giờ, Đỗ phải ghi vào bằng màu xanh mới được.
 
“Thúy Minh, cô bé đã đến vào một mùa trăng”
 
Đỗ đặt bút xuống, ngẫm nghĩ. Tại sao Đỗ lại viết tên của Thúy Minh? Có phải cái tên dịu dàng đó đã ở lại trong tiềm thức của Đỗ, từ cái đêm hai người thắp nến rước đèn với trẻ nhỏ? Đỗ vẫn tự cho rằng anh chưa được phép gọi Minh bằng cách nào hơn là hai chữ “cô Minh” một cách thân mật và giữ gìn, như một người anh gọi bạn của em gái mình. Còn trong thâm tâm Đỗ, tự nhiên anh cảm thấy Minh đã đến chiếm một chỗ quan trọng trong đời sống của anh. Minh đến, trước hết đã gợi cho Đỗ một xúc động, khơi lại quãng ngày mà “lớp học huynh đệ” của anh có đầy sức sống. Minh đến, như một hương nhớ, làm cho căn nhà nhỏ đã lâu vắng bóng người mẹ bỗng tươi vui lên. Chính bác Liêu cũng bùi ngùi cảm động khi ngày đầu tiên Minh đem quyển toán Vật Lý sang nhờ Đỗ giảng, Minh đã thắp nhang nơi bàn thờ của mẹ Đỗ. Thúy Minh! Có phải Minh là tượng trưng cho một cái gì vừa dịu dàng nhân ái, vừa thuần khiết ngọt ngào? Tìm một cô gái lộng lẫy, “hợp thời trang” thật dễ. Nhưng tìm thấy một người con gái như Minh, phải nói là hơi khó khăn.
 
Đỗ đã mang hình bóng của Minh từ xóm nghèo thân ái về đến tiểu đoàn. Có phải Minh chỉ xem Đỗ như một ông thầy, một người anh không hơn không kém? Vì Minh đã không đến gặp Đỗ ở sân trường, ngày mà Đỗ trở lại bệnh viện. Minh nghĩ gì? Minh giận Đỗ chăng? Minh chắc không muốn tiến xa hơn cái giới hạn mà một cô bé có thể tiến đến. Mà Đỗ thì đã cho tình cảm của anh đi khá xa. Minh có lẽ sẽ không bao giờ biết được anh đã nghĩ gì về Minh. Thúy Minh! Cô bé dịu dàng như một vầng trăng, đã đến vào mùa thu năm nay….
 
Đỗ đóng cửa phòng, ra ngồi ở khoảng sân trước dãy nhà. Nắng đã dịu bớt nhờ những đám mây xám. Hàng cây Bã Đậu mới trồng hôm nào, nay đã lên cao bằng một đứa bé. Biết đâu chừng, sau vài chuyến hành quân nữa, khi trở về Đỗ sẽ tha hồ được tàn cây che mát. Bụi trúc mọc ngay bên hông phòng Đỗ, đã có từ lâu, lúc Đỗ chưa vào binh chủng, đến nay vẫn chẳng có gì thay đổi. Đỗ ngồi xuống một phiến đá, dưới bóng mát của  bụi trúc đó, nhìn ra suốt cả con đường dài. Rồi những ngày sắp tới, Đỗ sẽ làm gì? Dưỡng bệnh một thời gian, về nhà, rồi sẽ xin đi U Minh. Rồi sẽ đương đầu với một nỗi gian nan khác, ở một không gian khác, một nơi rừng sâu nước độc nổi tiếng lắm muỗi mòng. Một nơi ở cuối miền quê hương. Thúy Minh! Anh sẽ mang hình bóng của Thúy Minh đến đó.
 
Bỗng Đỗ nheo mắt nhìn. Dưới nắng vàng có bóng hai người con gái đi vào sau khi dừng xe và xuất trình giấy tờ ngoài cổng canh. Một cô có vẻ nhanh nhẹn, tóc cắt ngắn, còn cô bên cạnh giống hệt Thúy Minh. Đỗ đứng dậy. Không lẽ là Thúy Minh? Đỗ tin là anh đã nhìn lầm.
Hai người đi thẳng đến dãy nhà của Đỗ. Họ đến thật gần, Đỗ mới dám tin đó là Minh. Minh dừng chân lại. Cô bé kia ghé tai hỏi nhỏ một câu. Minh gật đầu.
Đỗ nói:
Cô Minh có việc chi mà lặn lội đến đây?
Minh cúi đầu, đáp khẽ:
Dạ thưa, dạ thưa, Minh lên…
Rồi ghé tai cô bạn:
Liên Nga, nói giùm tao đi.
Liên Nga nói đỡ:
Dạ thưa anh, Minh nó đem lên biếu anh một ít trái cây và một ít thuốc của cậu Phương nó gửi cho anh.
Đỗ ngạc nhiên:
Ủa! Sao cô Minh lại bận tâm đến tôi rứa? Tôi vẫn khỏe như voi mà!
Minh ấp úng:
Vết thương của anh…?
Đỗ chìa cánh tay ra:
Hôm nay thì tôi đã không còn là thương binh nữa rồi. Thiệt…làm bận lòng cô Minh và cô đây quá. Mời hai cô vào phòng ngồi cho mát.
Liên Nga nói:
Thôi được rồi anh ạ. Để tụi này ngồi đây cũng được. Ở đây đẹp quá!
Đỗ chỉ cho hai cô gái ngồi xuống phiến đá.
Minh nói:
Dạ, đây là Liên Nga, bạn học của Minh. Còn đây là anh Đỗ….
Nga cười:
Anh Đỗ chưa biết Nga, nhưng Nga thì khỏi cần Minh giới thiệu, Nga cũng biết anh là anh Đỗ.
Rồi Nga cố ý quay mặt đi, xuýt xoa khen mấy hàng cây. Trong lúc ấy, Đỗ nhìn Thúy Minh. Lại gặp đôi mắt dịu dàng quá. Cả hai, không biết nói gì, im lặng và đều nghe thấy tiếng chim chuyền hót trên đầu ngọn trúc.
 
Một thoáng trôi qua, rồi Đỗ nói:
Hai cô dám chở nhau bằng xe gắn máy?
Minh chỉ bạn:
Liên Nga nó gan lắm. Chính nó….
Minh định nói tiếp “chính nó xúi Minh đến đây”, nhưng thấy không nên. Nga đã hết lòng như vậy rồi còn gì? Minh thì bị giằng co bởi nhiều ý nghĩ phức tạp. Minh không cho rằng việc đi thăm Đỗ ở hậu cứ là có lỗi, nhưng muốn rằng phải suy nghĩ kỹ trước khi làm một việc gì để về sau khỏi ân hận. Minh sống cô đơn không có sự gần gũi của cha mẹ, nên phải tự khuyên nhủ chính mình, và tự chống chọi với những trường hợp khó khăn. Sự “suy nghĩ” của Minh kéo dài hơn một tuần, và cuối cùng Minh đành nghe lời Liên Nga, đến thăm Đỗ.
 
Đỗ nhìn Minh, chờ đợi. Minh nói tiếp:
Chính nó chở Minh đến bệnh viện hỏi thăm, họ bảo là anh mới về tiểu đoàn. Ở đó qua đây gần ghê!
Liên Nga đứng lên, nói:
Chết, mình quên khóa xe. Phải ra khóa lại mới được, kẻo mất xe thì khổ.
Minh hỏi nhỏ:
Tao nhớ là tao thấy mày đã khóa xe rồi mà Nga?
Liên Nga thủ thỉ vào tai Minh:
Mày là con ngu. Tao khóa rồi hay chưa kệ tao.  Mày ở đó đi.
Liên Nga tỉnh bơ đi ra cổng. Minh ngơ ngẩn nhìn theo. Rồi quay lại, gặp tia mắt của Đỗ, Minh bối rối không thể tả.
Đỗ mỉm cười:
Cô Minh thấy ở đây thế nào?
Dạ…ở đây đẹp quá.
Đỗ gật đầu:
Vâng. Hậu cứ mới được sửa sang, nên trông mát mắt. Nhưng tiểu đoàn vừa mới đi hành quân lại, nên buồn lắm.
Minh đưa mắt nhìn quanh. Quả thật, cảnh thanh vắng lạ thường. Đỗ chỉ vào phòng anh:
Tôi ở đó, một mình, buồn lắm!
Sao anh không về nhà?
Bác sĩ bảo tôi ở lại trên này để họ săn sóc cho khỏe hẳn. Cô Minh nghĩ sao?
Dạ, sao ạ? Minh không hiểu.
Đỗ cười:
Tôi hỏi lẩm cẩm quá hỉ! Tôi muốn biết Minh nghĩ gì về đời lính tráng của bọn tôi?
Bị đặt trước một câu hỏi bất ngờ, Minh ấp úng:
Minh nghĩ rằng…
Ánh mắt của Đỗ vẫn tha thiết vô cùng. Minh nói:
Minh sẽ trả lời anh Đỗ sau. Bây giờ… Minh khó nói quá!
Rồi Minh đỏ mặt, nhìn ra hàng cây non, nói lảng:
Mấy cây này trông hay quá! Người ta gọi là cây gì hở anh?
Cây Bã Đậu. Ở Sài Gòn trồng nhiều cây Bã Đậu lắm. Đặc biệt là trong các trại lính, các quân y viện, nếu cô Minh có dịp đi đến cô sẽ thấy. Cây Bã Đậu là cây mọc vùng nhiệt đới. Nhưng theo tôi, phải nói đó là cây dành riêng cho….quân đội.
Minh cười thú vị, quên mất nỗi bâng khuâng vừa rồi.
Gió thổi qua làm xào xạc những cành lá trúc. Đỗ ngước nhìn trời xanh qua những kẽ lá và nói:
Đây là nơi mà tôi thường ra ngồi. Ngồi chỗ này quan sát được cả một khu đất rộng từ cổng trại vào đến dãy nhà bàn. Bên kia là sân chào cờ. Còn những cây trúc này, tôi vẫn thường cưa ra làm cho ba tôi đủ mọi thứ lặt vặt. Có khi buồn, tôi vẽ khắc lên đó. Cô Minh coi nè!
Đỗ chỉ cho Minh thấy những nét khắc của anh trên thân trúc. Ở đâu Minh cũng thấy tên Đỗ, đủ nét, đủ kiểu. Đỗ nói giọng lâng lâng:
Bụi trúc này, mặc nhiên xem như là của tôi. Ít có ai làm những việc như tôi, thật lẩm cẩm…
Minh thấy không có lẩm cẩm chút nào.
Có chứ! Tôi thường tự cho rằng mình lẩm cẩm. Như tuần trước… viết cho cô Minh mảnh giấy, nhờ Thụy đem đi rồi, tôi mới thấy là tôi lẩm cẩm…
Đôi mắt Minh chợt đỏ lên:
Minh… Minh muốn hôm nay đến … xin lỗi anh…
Đỗ trố mắt:
Kìa! Cô Minh!
Minh còn lẩm cẩm hơn anh nhiều. Chắc anh phiền giận Minh lắm?
Không đâu, Thúy Minh!
 
Gió thổi mạnh khiến Minh nghe tiếng xào xạc của đám lá cây rõ hơn. Tiếng của Đỗ quyện trong vùng không gian mơ màng. Cảnh êm ả vô cùng. Minh bâng khuâng nắm tà áo dài, lặng im.
 
Đỗ châm một điếu thuốc hút. Đỗ muốn nói với Minh rằng chẳng ai nỡ giận một cô bé hiền dịu như Minh cả. Và Đỗ muốn nói với Minh rằng, mai mốt, một tuần, đôi tuần nữa, Đỗ sẽ đi hành quân lại. Nhưng lần đi này sẽ mang theo một hình ảnh dễ thương, là Thúy Minh. Sẽ viết mực xanh vào đầu trang nhật ký, để có thật nhiều may mắn, thật nhiều hy vọng.