Tôi không rõ nó đã bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng nó lớn lên cùng tôi ở xóm lao động này từ khi chúng tôi còn bé tí. Cũng có thể nó nhiều tuổi hơn tôi hay cũng có thể ít hơn tôi vài tuổi. Nó ngây ngô, ngớ ngẩn đến tội nghiệp. Thỉnh thoảng, nó tru lên những tiếng cười, mà thực tình tôi cũng không biết đấy là nó đang cười hay đang nói. Hay đấy là thứ ngôn ngữ của những người không bình thường như nó, của những người bị bệnh “down”. Nhà tôi cách nhà nó mấy nhà. Tôi có thể quan sát cả nhà nó qua cái ban công nhỏ xíu trên tầng hai. Sáng nào cũng vậy, tôi đều thấy nó ở đầu ngõ. Chẳng biết nó dậy từ mấy giờ sáng, nhưng bất kể lúc nào, trời mưa hay nắng tôi đều thấy nó đứng nép vào mái hiên của nhà bà Phấn ở đầu ngõ đờ đẫn nhìn mà chẳng biết nó nhìn vào đâu…. nó chưa và cũng sẽ chẳng bao giờ có thể là bạn của tôi được, nó không bình thường…..!
Khác với thường lệ, hôm nay tôi dậy rất sớm, lớp chúng tôi tổ chức đi Ao Vua. Mở cửa bước ra ban công quen thuộc, nhìn lên bầu trời để chắc chắn rằng hôm nay trời sẽ nắng, thích hợp cho chuyến đi. Theo thói quen, tôi nhìn sang sân sau nhà nó, thấy bố nó đang ngồi trầm ngâm bên tách nước chè, đầu hơi cúi xuống càng làm cho vóc dáng bé nhỏ của bố nó trông tiều tuỵ hơn. Trông bố nó thật buồn. Hôm trước mẹ tôi bảo:
Cô Vân đã bỏ bố con cái Thảo đi rồi, nghe đâu Cô đi theo một thằng thợ điện!
Tôi cũng nhớ mang máng cái “thằng thợ điện” ấy, nó cao to và ăn nói oang oang mỗi lần nó đến sửa điện ở xóm tôi. Tôi cũng chỉ nghe mẹ tôi nói vậy. Cũng không tìm hiểu thêm lý do hay là cố tìm hiểu là ai sẽ chăm sóc cái Thảo khi mẹ nó không có nhà. Đấy là điều khác với bản tính của tôi. Có thể cái Thảo chưa bao giờ là vấn đề để tôi phải quan tâm cả! Cũng như nhiều người chẳng bao giờ quan tâm đến hàng xóm với những chuyện luôn xảy ra xung quanh hàng ngày. Tôi quay vào nhà, xuống sân lấy xe, đạp thẳng ra ngõ. Nó đã có mặt ở chỗ quen thuộc. Quần xếch bên thấp bên cao, hai chân thay nhau chẳng để yên trên mặt đất. Tôi phóng xe vụt qua nó, nó cũng chẳng bất ngờ….vẫn vậy, mắt dài dại, ngớ ngẩn nhìn xa xăm…
Nhớ năm ngoái, tôi theo bố mẹ tôi sang nhà nó chúc tết. Nó ngoẹo mồm ngồi bên cạnh mẹ nó. Thỉnh thoảng, nó tru lên một tiếng mà nghe mãi tôi mới có thể đoán đươc là nó đang gọi mẹ. Mẹ nó bảo:
Cháu nó đang làm nũng em đấy! Nói xong mẹ nó quay sang nó và bảo: mẹ biết rồi…con yêu mẹ nhiều lắm! Mắt mẹ nó đỏ hoe.
Nói xong cô quay sang mẹ tôi và nói:
Khổ thế đấy chị ạ! Chỉ vì một cơn sốt cao kéo dài ba hôm khi em mang thai nó…mà ra nông nỗi này. Chẳng biết nó xoay sở ra sao khi không còn bố mẹ bên cạnh! Chẳng nghe thấy mẹ nói gì, nó tiếp tục rúc đầu vào sườn mẹ nó và lại tru lên những tiếng ngọng nghịu khác người!
Tôi còn biết được nó tên là Thạch Thảo, một chút nữa thì tôi bật cười khi mẹ nó giới thiệu tên của nó cho bố mẹ tôi… bởi vì nó mang nhầm tên! Thạch Thảo là tên một loài hoa, nhẹ nhàng mà tinh khiết! Được tả nhiều trong thơ văn và cũng được các đôi yêu nhau dùng mua để tặng nhau trong những dịp đặc biệt. Thế mà nó lại là tên của đứa dở người – hàng xóm của tôi - “Nhành hoa Thạch Thảo” không may mắn của xóm tôi!
° ° °
- Thảo điên…..!…. huỵch…. huỵch!
Xen lẫn tiếng cười của đám trẻ con trong ngõ là tiếng tru tréo thất thanh của cái Thảo. Chẳng có gì đặc biệt cả! Mọi người cũng quá quen với trò đùa này của bọn trẻ con xóm tôi. Khi nào chúng nó cao hứng là chúng nó lại chọc ghẹo cái Thảo. Chúng thi nhau ném sỏi vào nó, nó chạy quanh, miệng liên hồi gọi….m….ẹ…m…ẹ e, dãi chảy dèo dèo, hai tay nó hua hua trên đầu yếu ớt. Mặc dù rất mệt khi từ trường học về, tôi vẫn kịp quay lại quát bọn trẻ con:
Thôi đi! Nó không còn mẹ đâu!
Tự nhiên tôi thấy thương nó thế! Mẹ nó đã từ bỏ nó. Mẹ nó không chịu được sự mệt mỏi tất bật đến nhàm chán với nó! Mẹ nó cũng không chịu đựng được một Ông chồng bất tài! Không biết kiếm tiền! Ngoài giờ làm việc, chỉ biết quanh quẩn xó nhà, rồi nhẫn nại chăm lo cho đứa con gái bất hạnh… từ việc đánh răng đến việc tắm rửa thay quần áo cho nó. Hồi đầu mẹ nó cũng quan tâm đến nó lắm, nhưng lâu dần mẹ nó thấy chán nản. Mẹ nó muốn được hưởng thụ cuộc sống như bao người, muốn quên đi tất cả để bắt đầu lại từ đầu, để có những đứa con lành lặn như bao người khác. Nói chung mẹ nó muốn cuộc đời mình được sang trang. Muốn “tranh thủ” chút thanh xuân còn lại! Chút sinh lực đang muốn được hồi xuân! Đầy mới mẻ! Chỉ có điều, chắc do “sơ xuất” mà mẹ nó quên mất rằng: Cái Thảo “điên” được mẹ nó sinh ra, và nó phải được hưởng thụ đầy đủ tình yêu thương, chăm sóc chu đáo của mẹ!
Đang mải miết nghĩ về cái Thảo, tôi đã về tới cửa nhà mình lúc nào chẳng hay. Tôi ngạc nhiên khi thấy bố cái Thảo đang ngồi trong nhà tôi. Ông ấy rất ít quan hệ với hàng xóm. Cũng có thể là Ông thấy tự ti với bản thân mình. Một người đàn Ông có đứa con chỉ có hình hài là giống “người’ nhất. Tôi chào Ông rồi đi vào buồng trong nhưng vẫn dỏng tai lên để lắng nghe câu chuyện giữa Ông và mẹ tôi.
Chị bảo tôi phải làm gì bây giờ? Ông nói đầy bất lực.
- Thế mấy tháng rồi? Mẹ tôi lo lắng hỏi.
Đã hai tháng nay tôi không thấy nó có kinh, nó chê cơm tôi nấu, cứ nôn oẹ suốt. Tôi khẳng định nó đã có thai. Còn với ai…. thì sao tôi biết! Trời ơi! Sao tôi lại khổ thế này! Ông đưa hai tay lên ôm đầu chua xót.
Tôi bàng hoàng nhận ra Thảo “điên” cũng lớn lên như bao cô gái khác, cũng phát triển đầy đủ những thiên bẩm của tạo hoá mang lại cho một người con gái. Thảo nào thằng Sơn bạn tôi có lần nhìn thấy Thảo “điên” nó bảo: sao xóm mày có con điên ngực to thế! Tôi cũng chẳng lạ khi bọn trẻ con xóm tôi chỉ trỏ cái Thảo và cười sằng sặc mỗi khi nó chạy để tránh những viên sỏi mà lũ trẻ vô tình nhằm vào nó.
Thôi anh đừng lo nhiều! Tôi sẽ đưa cháu đi khám. Thế quyết định của anh thế nào? Giọng mẹ tôi đều đều an ủi.
Thôi thì phải cho ra chứ sao! Nó còn không nuôi nổi thân nó thì làm sao mà nuôi nổi con nó! Thế cho ra có đau không chị? Tôi sợ nó không chịu nổi! Thảo ơi! Bố thương con nhiều lắm! Bỗng nhiên bố cái Thảo khóc như một đứa trẻ. Tôi hiểu, bố nó cũng thương con như bố tôi vậy.
° ° °
Cái Thảo bước vào nhà sau một cuộc “đại phẫu thuật”, ít nhất cũng như tôi nghĩ! Đầu nó lại ngoẹo sang một bên, miệng méo xẹo, nhưng kỳ lạ là nó không tru lên như mọi lần để gọi Mẹ! Chắc nó hiểu! Gọi cũng vô ích mà thôi! Nó đâu còn có mẹ ở bên! Từ khi mẹ nó bỏ nhà ra đi, nó cũng quen với những cuộc chạy trốn “ngoạn mục” của riêng mình, không một tiếng kêu than mỗi khi bị bọn trẻ xóm tôi ném sỏi vào người hay tiện tay phát vào người nó trêu ghẹo.
Từ hôm nó về, mẹ tôi nấu cháo và mang sang cho nó thường xuyên. Nó cũng dần dần bình phục theo thời gian. Sau “trận” đấy, nó có vẻ yên lặng hơn, hiểu được số phận của mình hơn thì phải! Nó ít “nói” và cái nhìn của nó dường như có “đích” hơn! Tôi yên tâm khi thấy nó bình yên vô sự mỗi lần đi học về! Đối với tôi thế là đủ trách nhiệm của một người hàng xóm, một người cùng trang lứa với nó!
° ° °
Thảo điên vẫn thế, cần mẫn đi ra khỏi nhà vào lúc chưa có ai ở xóm tôi thức giấc để được nép mình vào mái hiên nhà Bà Phấn! Đến bữa cơm nó về nhà, rồi lại ra đầu ngõ đứng…. lại về nhà khi trời tối mịt khi không còn ai đi lại trên con ngõ nhỏ này. Đối với nó thế cũng là đã xong một ngày “làm việc”. Nó chẳng trêu ai bao giờ, cũng chẳng biết bắt nạt ai, cũng chẳng gây vướng víu hay làm ảnh hưởng đến nhịp sống của xóm tôi! Và đặc biệt là nó chẳng biết “đưa chuyện” bao giờ! Nhưng có thể nó là người may mắn nhất của xóm tôi khi được đứng một mình vào những lúc yên tĩnh nhất của cái ngõ nhỏ rất xưa này! Những mái nhà lúp xúp nhô ra nhô vào, cao thấp khác nhau, thỉnh thoảng lại có những cái chòi cao tít của một nhà nào đó cao hứng dựng lên để muốn nhà mình phải cao hơn nhà hàng xóm!
° ° °
Lại một mùa đông nữa đã đến! tôi thực sự cảm nhận nó khi đóng cửa ra cái ban công bé nhỏ trên tầng hai. Hơi lạnh của sương phả vào mặt tôi. Như mọi lần tôi nhìn sang nhà cái Thảo, rồi phóng tầm mắt của mình ra phía đầu ngõ. Cái Thảo đang nhảy chân sáo đi về địa chỉ quen thuộc của nó để ăn cơm. Phía đầu ngõ có ai đang thập thò nhìn theo bước nhảy của nó. Nhìn kỹ tôi chợt nhận ra đấy là mẹ cái Thảo. Mẹ nó lấy tay quệt nước mắt và đứng nhìn cái Thảo đi khuất vào khúc ngoặt dẫn tới nhà nó. Mẹ nó lại uể oải ra đi….chắc lại đi tìm chân trời vô định của riêng mình!
Tôi thở dài đi vào…. lẩm bẩm ”Hai kiếp đàn bà!”
Hà Nội Ngày 24/11/2004
 

Xem Tiếp: ----