Dịch giả: Đoàn Doãn
CHƯƠNG 7

Hoàng cung Tsarskoï  Selo chỉ cách Saint-Peterbourg ba bốn dặm nhưng đường đi khác hẳn con đường tôi tới Strelna hôm trước. Không còn những biệt thự xinh đẹp và những mảng rộng trông ra vịnh Phần Lan nữa, đây là những cánh đồng màu mỡ và những đồng cỏ xanh tươi tốt mới cách đây mấy năm còn là những đám dương xỉ to rậm phát triển từ khi khai thiên lập địa.
Sau một giờ đi đường, vượt qua khu kiều dân Đức, tôi đi ngang qua một dãy đồi, và trên đỉnh một ngọn đồi, tôi bắt đầu nhận thấy cây cối, những cột tháp và vòm dát vàng của ngôi nhà nguyện báo hiệu đã đến chỗ ở của nhà vua.
Hoàng cung Starskoï  Selo được xây dựng ngay chỗ trước đây là mái nhà tranh của một  bà già người Hà Lan tên là Sara, nơi trước đây Pierre Đệ Nhất có thói quen đến uống sữa. Bà nông dân khốn khổ chết và Pierre thích ngôi nhà vì từ cửa sổ trông ra chân trời rất đẹp, ông tặng cho Catherine ngôi nhà và vùng đất bao quanh làm trang trại. Catherine gọi một kiến trúc sư làm thay đổi hoàn toàn khung cảnh, nghĩa là xây ở đó một lâu đài.
Mặc dù chỗ ở đó đã khá xa so với nguồn gốc trước đây thì dưới con mắt của Elisabeth nó vẫn không lớn lao và hài hoà với quyền lực của một Nữ hoàng Nga, bà cho phá huỷ lâu đài của bố và theo hình vẽ của Bá tước Rastreti, xây dựng một lâu đài thật đẹp. Nhà kiến trúc sư quý tộc nghe nói Versailles là một công trình tráng lệ, ông muốn xây dựng một lâu đài vượt trội hơn. Và khi nghe được tin đồn rằng bên trong lâu đài của một nhà vua vĩ đại, mọi thứ phải dát vàng, ông làm quá lên, cho tắm vàng lên nền tảng bên ngoài của Tsarskoï  Selo, những đường rãnh, đường viền, tượng, cho đến mái nhà. Công trình hoàn thành, Elisabeth chọn một ngày lành mời triều thần cùng đại sứ những nước lớn đến khánh thành trạm nghỉ chân chóang lộn của bà. Thấy công trình đẹp đẽ, dù bố trí kỳ cục, ai cũng ca ngợi, cho nó là kỳ quan thứ tám của thế giới, trừ Hầu tước La Chetardie, đại sứ nước Pháp, không nói một tiếng, chỉ nhìn ngó xung quanh mình. Hơi tự ái về sự lơ đãng ấy, Nữ hoàng hỏi ông tìm kiếm gì.
Tôi tìm, thưa Bà – vị đại sứ lạnh lùng trả lời – tôi đang tìm chiếc hộp đựng món đồ chơi đẹp đẽ này.
Thời kỳ ấy người ta vào Viện hàn lâm với một bài thơ bốn câu và bất tử về một lời nói đúng. Vì vậy ông De La Chetardie tồn tại mãi ở Saint-Peterbourg.
Không may, kiến trúc sư xây dựng cho mùa hè mà quên mất mùa đông. Mùa xuân tiếp theo phải sửa chữa những vật tắm vàng ấy và do mùa đông nào cũng hư hỏng, mùa xuân nào cũng phải sửa chữa, Catherine II quyết định thay kim loại bằng một loại vec ni màu vàng bình thường, mái nhà được sơn màu xanh dịu theo phong tục của Saint-Peterbourg. Tiếng đồn về sự thay đổi ấy vừa lan ra thì một tay đầu cơ đến gặp Catherine xin trả giá hai trăm bốn mươi nghìn livres cho tất cả những tấm vàng ấy. Catherine trả lời cám ơn, không bán những vật dụng cũ.
Giữa những chiến thắng, tình yêu, hành trình, Catherine không ngừng chăm sóc dinh cơ ưa thích của mình. Bà xây dựng cho người cháu trưởng lâu đài nhỏ Alexandre cách hoàng cung một trăm bước chân, cho kiến sư Bush vẽ nhiều khu vườn rộng chỉ thiếu nước. Ông Bush cho xây dựng không ít kênh, mương, thác và hồ, và tin chắc khi đã là Catherine vĩ đại, khi muốn có nước là nước sẽ đến. Thật vậy, người kế nhiệm, ông Bauer, phát hiện thấy ông Demindoff gần đấy có một cánh đồng rất đẹp, thừa nước mà nhà  vua không đủ dùng. Ông trình bày nạn khô hạn của những khu vườn hoàng cung và ông Demindoff, nhân danh thần dân tận tuỵ, đã chuyển phần nước thừa ngay sang cho Catherine. Ngay lập tức, mặc dù có những trở ngại, người ta thấy nước chảy đến từ các phía, tràn ra khỏi hồ, phun lên thành tia, đổ xuống thành thác. Việc ấy làm cho Nữ Hoàng Elizabeth phải nói:
Chúng ta làm náo loạn cả châu Âu nhưng đừng gây gỗ với ông Demindoff.
Thật vậy, trong một lúc khó tính, ông có thể làm cho cả triều đình chết khát.
Được nuôi dậy ở Tsarskoï  Selo, Alexandre thừa hưởng của bà nội tình cảm đối với tư dinh. Mọi kỷ niệm thời thơ ấu, nghĩa là quá khứ vàng son của cuộc đời ông gắn chặt với tư dinh này. Chính trên những bãi cỏ của lâu đài, ông đã đi những bước đầu tiên, những con đường ông tập lên ngựa, những chiếc hồ ông học làm thuỷ thủ. Vì vậy mới bắt đầu thời tiết tốt, ông chạy ngay đến Tsarskoï  Selo, và chỉ rời khỏi nơi này khi tuyết bắt đầu rơi.
Chính tại Tsarskoï  Selo tôi tới để đi theo ông, tự hứa phải gặp ông cho kỳ được.
Vì vậy sau một bữa sáng đơn sơ ăn vội ở khách sạn Phục Hưng, tôi vào trong công viên, tuy có lính gác nhưng ai cũng có thể vào đấy đi dạo. Trời bắt đầu lạnh nên công viên vắng người. Cũng có thể người ta hạn chế vào đây vì tôn trọng không muốn quấy rầy nhà vua. Tôi đã  biết đôi khi ông đi dạo cả ngày ở đây, trên những con đường âm u nhất. Vì vậy tôi đi may rủi, bước lên phía trước và gần như tin chắc sau khi dò hỏi, sẽ gặp được ông. Vả lại tôi cho rằng dù không may thì tôi cũng không thiếu những thứ để giải trí và thoả trí tò mò.
Thật vậy, chẳng mấy chốc, tôi đụng phải một thị trấn Trung Hoa, một nhóm xinh xắn gồm mười lăm ngôi nhà, mỗi nhà có cửa ra vào, máy ướp lạnh và khu vườn dùng làm chỗ ở cho tuỳ tùng của Hoàng Đế. Ở giữa thị trấn là một ngôi nhà theo hình ngôi sao dùng làm nơi khiêu vũ và hoà nhạc, một căn phòng đầy cây xanh dùng làm văn phòng, bốn góc căn phòng ấy là bốn bức tượng quan lại to bằng người thật đang hút ống điếu. Một hôm vào ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ năm mươi tám của mình, Catherine dạo chơi trong vườn cùng triều thần, bước vào gian phòng ấy, ngạc nhiên thấy khói từ ống điếu toả ra, bốn viên quan lại duyên dáng quay đầu, liếc mắt nhìn bà. Catherine lại gần hơn để nhìn rõ hiện tượng ấy. Lúc ấy bốn viên quan lại bước xuống khỏi bệ, lại gần và quỳ xuống theo đúng nghi lễ Trung hoa, đọc những vần thơ ca tụng. Bốn quan lại ấy là Hoàng thân Ligne, ông De Ségur, ông De Conbenzl và ông Potemkine.
Tôi đã liên tiếp thăm đài tưởng niệm Grégoire Orloff, ngọn tháp người chiến thắng Schesma và động Pausilipe. Đã bốn tiếng đồng hồ lang thang trong khu vườn có những ao hồ, đồng bằng và rừng cây, tôi bắt đầu thất vọng vì không gặp được người mình đến tìm, thì lúc đi qua một con đường lớn, thì bỗng thấy một viên sĩ quan mặc áo choàng có đuôi chào tôi rồi tiếp tục đi trên một con đường nhánh. Phía sau tôi có một chàng trai làm vườn đang dãy cỏ; tôi hỏi anh viên sĩ quan nào mà lễ độ như vậy, anh ta trả lời "Hoàng đế đấy".
Tôi vội lao ngay vào một con đường cắt ngang con đường nhà vua đang đi dạo, vừa được tám mươi bước, tôi lại thấy Người và không còn đủ sức để đi thêm nữa.
Nhà vua dừng lại một lúc, thấy tôi vì tôn trọng không đến gần Người, bèn tiếp tục đi về phía tôi. Tôi đứng bên lề đường, tay cầm mũ chờ và trong lúc Người tiến bước, chân hơi khập khiễng vì một vết thương lúc đi du lịch trên sông Đông vừa kịp khép miệng, tôi nhận ra Người đã thay đổi rất nhiều kể từ lần tôi gặp ở Paris cách đây chín năm. Khuôn mặt Người trước kia cởi mở, vui vẻ đến thế, đã u ám vì một nỗi buồn bệnh hoạn, rõ ràng có thể nói một nỗi buồn sâu sắc đang giày vò Nhà vua. Tuy vậy nét mặt vẫn thể hiện sự khoan dung nên gần như tôi vững tâm trở lại và lúc Người đi qua, tôi bước lên một bước và nói:
Tâu Bệ hạ.
Ông đội mũ vào – Người bảo – Trời rất lạnh, không nên để đầu trần.
Xin Bệ hạ cho phép…
Đội mũ vào, ông đội mũ vào.
Và như thấy lòng tôn trọng ngăn cản tôi chấp hành lệnh ấy, một tay Người cầm chiếc mũ đội lên đầu tôi, tay kia nắm chắc tay tôi buộc tôi cứ giữ nguyên như thế. Sau khi thấy tôi không cưỡng lại, Người nói với tôi:
Bây giờ ông cần gì ở ta?
Tâu Bệ hạ, tôi mong Ngài nhận đơn thỉnh cầu này.
Tôi rút lá đơn trong túi ra, ngay lúc đó nét mặt Hoàng đế sa sầm.
Ông theo đuổi ta ở đây, ông có biết ta rời Saint-Peterbourg là để tránh những đơn thỉnh cầu không?
Có, thưa Bệ hạ - tôi trả lời – tôi không che giấu nỗi táo tợn trong việc làm này nhưng lá đơn này có lẽ hơn mọi đơn khác sẽ được Bệ hạ  bao dung, lá đơn có lời nhận xét đề nghị.
Do ai? – Hoàng đế ngắt lời ngay.
Do người em cao cả của Bệ hạ, Đại Quận công Constantin.
À! – Hoàng đế nói, đưa tay định cầm nhưng liền rụt lại.
Vì thế - tôi nói – tôi hy vọng  Bệ hạ châm chước thói quen, chiếu cố nhận lấy lá đơn này.
Không, tôi không nhận đâu vì ngày mai người ta sẽ đưa tới hàng nghìn và ta buộc phải tránh khu vườn này vì không còn được ở một mình nữa.
Nhưng thấy nét mặt thất vọng của tôi, Người chỉ tay về phía nhà thờ Saint Sophie:
Ông bỏ lá đơn của ông và hộp thư kia, ngày hôm nay ta sẽ xem và ba ngày sau ông sẽ được trả lời.
Tâu Bệ hạ, xin đội ơn Bệ hạ.
Ông có muốn chứng minh điều đó không?
Ồ, Bệ hạ lại hỏi tôi điều ấy sao?
Thế thì đừng nói với ai ông đã trình ta một lá đơn thỉnh cầu mà không bị trừng phạt. Chào ông.
Hoàng đế bước đi, để lại tôi sửng sốt vì lòng nhân hậu hơi buồn của Người. Tôi theo lời khuyên, bỏ lá đơn vào hộp thư. Ba ngày sau, như Người đã hứa, tôi được trả lời.
Đấy là chứng chỉ thầy dạy đánh kiếm của tôi trong đội công binh hoàng gia, với cấp bậc đại uý.