Ngày 30 Tháng 4 năm 1975, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam Tư Lệnh Quân Khu 4 nhận trách nhiệm không giữ được Miền Tây đã dùng súng lục tự vẫn.
Trước đó tư lệnh đã đi một vòng lần cuối thăm những người lính của ông tại Quân Y Viện Phan Thanh Giản. Bên giường bệnh, một thương binh mà vết thương còn chảy máu đã nắm lấy tay vị tư lệnh và nói rằng:
- Xin thiếu tướng đừng bỏ tụi em.
Nước mắt chảy dài trên mặt vị thiếu tướng của Quân Ðoàn 4. Ông nói:
- Qua không bỏ các em đâu. Qua ở lại với các em.
Ðó là lời của ông Nam nói với anh thương binh và đồng thời ông nói với cả Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông đã ở lại vĩnh viễn, ông là Mặt Trời Tháng 4.
Nguyễn Khoa Nam không phải là con người của huyền thoại, ông là con người rất gần gũi với chúng ta.
Sinh năm 1927 tại Thừa Thiên, đã đỗ tú tài và đi làm công chức tại Huế từ 1951. Sau đó động viên khóa 3 trừ bị Thủ Ðức 1953 và đeo lon Thiếu Úy, tham dự các cuộc hành quân miền Bắc trong hàng ngũ Tiểu Ðoàn 7 Nhảy Dù. Năm 1965, ông đã lên Thiếu Tá Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù, đánh trận Quảng Ngãi, nhận Ðệ Tứ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương. Năm 1967, Ông thăng cấp Trung Tá, chỉ huy Chiến Ðoàn 3 Nhảy Dù, thắng trận Kontum, với Ðệ Tam Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương. Trong quân đội, không có sĩ quan cấp Trung Tá nào có Bảo Quốc Ðệ Tam, ngoại trừ người đầu tiên là Trung Tá Ðỗ Cao Trí và người thứ hai là Nguyễn Khoa Nam. Năm 1970 với cấp bậc Ðại Tá, ông làm Tư Lệnh Sư Ðoàn 7 Bộ Binh tại Mỹ Tho. Năm 1974 ông lên làm Tư Lệnh Quân Ðoàn 4 Quân Khu 4 với cấp bậc Thiếu Tướng, cho đến Tháng 4 năm 1975 ông vẫn sống cuộc đời độc thân và gần như dâng hiến tất cả cuộc đời cho quân đội và đất nước.
Trong suốt hơn hai mươi năm chiến tranh, giữa hai miền Nam, Bắc Việt Nam, Hà Nội luôn luôn xưng tụng các anh hùng vô sản nhưng trên thực tế trong hàng ngũ các tướng lãnh của phe cộng sản chưa hề có cấp lãnh đạo nào nêu gương dũng liệt, phần lớn là các huyền thoại về cấp dưới đã hy sinh trong gian khổ. Ngay cả khi bị bắt bởi quân đội Pháp thời trước hay Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sau này thì chính sách của Ðảng luôn luôn là hy sinh đàn em và bảo vệ cán bộ.
Phía Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, coi ngày 30 Tháng 4 năm 1975, các Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai đã ghi tên trong quân sử bằng hành động tuẩn tiết rất can trường do những tình cờ của lịch sử, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã dâng hiến cho đất nước những người con uy dũng của cả ba miền. Lê Nguyên Vỹ của đất Thăng Long, Nguyễn Khoa Nam của Phú Xuân và Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai của thành Gia Ðịnh.
Sau cuộc chiến hàng chục ngàn sĩ quan các cấp đã bị lùa đi cải tạo nhưng sau nhiều năm gần như không một ai của phòng tuyến quốc gia bị khuất phục theo cộng sản. Nhân ngày 30 Tháng 4 của 31 năm sau chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị câu chuyện về những giờ phút cuối cùng của Tướng Nguyễn Khoa Nam.
Con người dù đã chết nhưng gương sáng vẫn chói lọi như Mặt Trời Tháng Tư.
Sau đây là bút ký của Trung Úy Lê Ngọc Danh, Sĩ Quan Tùy Viên của Tướng Nguyễn Khoa Nam, truyện tả lại những ngày cuối cùng của Vị Tư Lệnh Quân Ðoàn 4 Quân Khu 4 từ rạng sáng ngày 30 Tháng 4 cho đến rạng sáng ngày 1 Tháng 5 năm 1975.
Trung Úy Lê Ngọc Danh đã từng giới thiệu về ông như sau: “Tôi là Trung Úy Lê Ngọc Danh, xuất thân Thủ Ðức, đã tham dự các cuộc hành quân tại Trung Ðoàn 10 Bộ Binh, bị thương nhiều lần, tôi có duyên tình cờ về làm Tùy Viên cho ông Tư Lệnh từ lúc còn ở Sư Ðoàn 7 vào năm 1973, rồi đến cuối năm 1974 thì theo ông về Quân Khu 4 tại Cần Thơ. Trong suốt thời gian làm việc gần Tướng Nguyễn Khoa Nam, ông xem tôi như người nhà, đứa con trong gia đình, không bao giờ la rầy hay nặng tiếng. Tôi đã ở với ông cho đến giây phút cuối cùng và xin kể lại từ Tháng 4 năm 1975.
Ðây là bút ký của Trung Úy Danh về những chuyện xảy ra xung quanh Tướng Nam trong ngày 30 Tháng 4 năm 1975.
Thành phố Cần Thơ sáng ngày 30 Tháng 4 rất vắng vẻ, dân chúng và xe cộ thưa thớt, mặc dù địch tăng cường những cuộc tấn công mạnh và tình hình chung đang rất bất lợi cho Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa. Tinh thần chiến đấu của binh sĩ thuộc Quân Ðoàn 4 vẫn hăng say, các đơn vị không nơi nào bỏ vị trí, không nơi nào bị địch chiếm đóng. Bất chợt tiếng của Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng cộng sản vang lên trên đài phát thanh. Lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện có đại ý như sau: “Tất cả các đơn vị trưởng và anh em binh sĩ ở yên tại chỗ, bàn giao vị trí cho chính phủ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tôi vội xô cửa vào phòng làm việc của Tư Lệnh và nói: Tổng Thống Dương Văn Minh đã...
Chưa hết câu Tư Lệnh đã nhỏ nhẹ ngắt ngang lời tôi: Qua đã nghe rồi.
Tôi lặng người quay lưng chầm chậm bước ra ngoài. Từ lúc này Tư Lệnh Phó thường vào gặp Tư Lệnh trong văn phòng qua lối cửa chánh. Lần thứ hai Ðại Tá Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Long An xin gặp gấp Tư Lệnh trên điện thoại:
Tôi muốn xin giật sập cây cầu Long An đã chặn đường tiến quân về Sư Ðoàn 4.
Một lần nữa Tư Lệnh bảo tôi chuyển lời: Cầu để yên không được phá sập.
Khoảng gần trưa, tôi được báo cáo là Thiếu Tá Chánh văn phòng rời văn phòng bỏ đi theo Ðại Tá Tỉnh Trưởng Tiểu Khu Phong Dinh, cùng một số sĩ quan theo lộ trình dọc sông Hậu Giang ra biển. Tôi vội xuống hầm làm việc mới của Tư Lệnh để báo cáo cho ông rõ. Căn hầm này là phòng làm việc thứ hai của Tư Lệnh, nằm ngay dưới chân của phòng làm việc chính thức, được xây lúc Vùng I và Vùng II đang xảy ra đánh lớn. Hầm rộng và cao, thiết trí giống như phòng làm việc tầng trên có lối đi xuống từ văn phòng Tư Lệnh. Bước xuống hầm tôi thấy Tư Lệnh đang ngồi viết tại phòng làm việc. Tư Lệnh như thường lệ đưa tay kéo lệch cặp mắt kính kề xuống sống mũi ngước nhìn tôi hỏi: Có gì không?
Trình Thiếu Tướng, Thiếu Tá Chánh văn phòng và Ðại Tá Tỉnh Trưởng Phan Dinh đã bỏ đi cùng với một số sĩ quan bằng tàu theo sông Hậu.
Tư Lệnh vẫn điềm nhiên, không tỏ chút gì giận dữ, ông nói: Ði nào, đi làm chi vậy.
Nói xong, Tư Lệnh tiếp tục xem giấy tờ, thái độ trầm tĩnh như không có gì quan trọng xảy ra.
Tôi bước lên cầu thang về phòng làm việc của mình, lúc này tôi mở radio 24/24 để theo dõi tình hình ở Sài Gòn. Ðang lắng nghe radio, Tư Lệnh bấm chuông gọi tôi vào và bảo: Gọi Ðại Tá Thiên gặp tôi.
Dạ, rồi Tư Lệnh chỉ lệnh Ðại Tá Thiên nhận chức vụ Ðại Tá Trưởng tiểu khu Phong Dinh kể từ sáng hôm đó.
Vào khoảng 4 giờ chiều, viên quân cảnh ở phòng chờ đợi lên gặp tôi nói:
Có hai ông Việt cộng mặc đồ thường phục trên dưới 50 tuổi, xin vào gặp Tư Lệnh.
Tôi nói: Anh bảo họ chờ một chút, để tôi trình Tư Lệnh.
Tôi gõ cửa vào gặp Tư Lệnh và nói: Trình Thiếu Tướng, có hai Việt cộng mặc thường phục xin vào gặp Thiếu Tướng.
Ðược, mời họ vào.
Xuống phòng khách tôi thấy hai Việt cộng đang chờ ở đây, một người cao ốm, nước da trắng, tóc hoa râm độ trên 50 tuổi, ăn mặc thường phục giống như thầy giáo. Một người hơi thấp, nước da ngăm đen, cũng mặt thường phục, họ đi tay không, không mang giấy tờ và vũ khí.
Tôi hướng dẫn hai người này lên bậc tam cấp vào phòng làm việc của Tư Lệnh. Tư Lệnh chào hỏi và mời ngồi vào nơi sofa. Tôi bước nhanh ra phòng làm việc gọi người hạ sĩ quan đang chờ vào. Tôi mang vội khẩu súng colt 45, lấy khẩu AM15 lên đạn và bước nhanh vào phòng làm việc của Tư Lệnh. Tôi đứng sau hai ông Việt cộng này khoảng cách 4 thước với tư thế sẵn sàng nổ súng. Tôi sợ hai ông này ám sát Tư Lệnh nên gườm tay súng chuẩn bị nếu thấy hai ông này có hành vi lạ là tôi bắn liền.
Tư Lệnh ngồi nói chuyện với họ rất nhỏ, tôi không nghe được. Bất chợt Tư Lệnh ngước lên nhìn tôi và bảo: Danh đi ra ngoài để tôi nói chuyện.
Tôi ấp úng trả lời: Dạ, dạ, em ở đây với Thiếu Tướng.
Ðược rồi, không sao đâu. Em ra ngoài đi.
Dạ.
Tôi ra phòng làm việc súng vẫn gườm và thủ thế, mắt vẫn nhìn về phía văn phòng theo kẽ hở của cánh cửa đang hé mở. Tôi thấy Tư Lệnh với họ vừa uống trà vừa nói chuyện, cuộc nói chuyện kéo dài trên 10 phút, Tư Lệnh và hai người chỉ nói chuyện không đưa ra sổ sách hay giấy tờ gì cả, sau đó hai người Việt cộng đứng dậy từ giã. Tư Lệnh bắt tay rồi hai người theo cửa trước xuống bậc tam cấp ra về.
Tư Lệnh ngồi trên ghế, gương mặt thật buồn, một lúc sau ông đứng dậy đi qua lại trong văn phòng. Thời gian trôi qua thật chậm, căng thẳng và ngộp thở.
Ðây là đoạn Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đến thăm Quân Y Viện tỉnh Cần Thơ.
Khoảng 6 giờ 30, Tư Lệnh sửa soạn về tư dinh, Thiếu Tướng nói với tôi:
Danh, chuẩn bị xe đi thăm Bệnh Viện Phan Thanh Giản.
Dạ.
Tôi chở Tư Lệnh từ văn phòng đi thẳng vào Bệnh Viện, Tư Lệnh đến từng giường hỏi thăm thương binh, kẻ nằm người ngồi, băng tay băng đầu, có người mất một chân, chân còn lại cuốn dây băng treo lên trên giá. Tư Lệnh đến bên thương binh này hỏi: Em tên gì?
Dạ, em tên là..
Em ở đơn vị nào? Có khỏe không?
Dạ, khỏe. Em làm việc ở Binh Tiểu Khu Vĩnh Bình.
Tư Lệnh nói tiếp: Em nằm nghỉ dưỡng bệnh.
Tư Lệnh đi từ đầu phòng đến cuối phòng, hỏi thăm từng bệnh nhân, rồi Tư Lệnh đi qua dãy kế bên rồi tiếp tục hơn 1 giờ thăm viếng thương bệnh binh buồn tẻ và nặng nề.
Gần giường một thương binh, anh cụt hai chân, dải băng trắng xóa, máu còn rịn ra lốm đốm đỏ, khuyết phần chân đã mất, Tư Lệnh đứng sát bên và hỏi:
Vết thương của em đã lành chưa?
Thưa Thiếu Tướng, vết thương mới mấy ngày còn ra máu.
Vẫn với gương mặt buồn buồn, Tư Lệnh nhíu mày lại, lấy cặp kính đen, Tư Lệnh chưa kịp nói thêm thì bất chợt anh thương binh này chụp tay Tư Lệnh và mếu máo:
Thiếu Tướng đừng bỏ tụi em nhé, Thiếu Tướng.
Qua không bỏ các em đâu. Qua ở lại với các em.
Qua ánh đèn của bệnh viện, tôi thấy Tư Lệnh đưa tay nâng sửa cặp kính đen và hai giọt nước mắt từ từ chảy lăn dài trên khuôn mặt đau thương của ông.
Tư Lệnh đã cố nén xúc động nhưng người đã khóc, khóc không thành tiếng và những giọt nước mắt tự nhiên tuôn trào. Tư Lệnh vịn vai người thương binh nói trong nghẹn ngào: Em cố gắng điều trị, cóà có qua ở nay.
Tư Lệnh bước nhanh ra cửa bệnh viện, khi ra đến bên ngoài, Tư Lệnh dừng lại, quay mắt nhìn bệnh viện. Tư Lệnh đứng im bất động khoảng một phút rồi bước vội ra xe không nói gì nữa cả.
Trên suốt đường về tư dinh, Tư Lệnh không nói một lời nào khiến tôi cảm thấy sự im lặng quá nặng nề.
Trong bút ký của Trung Úy Danh ghi lại, Tướng Nam có ý định tìm gặp Tướng Tư Lệnh Phó Lê Văn Hưng vào khoảng sập tối ngày 30 Tháng 4 nên Trung Úy Danh đã đích thân đi sang tư dinh của Tư Lệnh Phó tìm ông. Ông đã đến đúng lúc Tướng Hưng tự sát, nhìn thấy tận mắt thi hài Tướng Hưng, quay về báo cùng Vị Tư Lệnh.
Thiếu Tướng Nam dường như không có ngạc nhiên và đã nói như sau: Tướng Hưng chết hả? Chết làm chi?
Tư Lệnh chỉ nói vậy. Tôi trở ra về nơi làm việc, ngồi trên sofa suy nghĩ liên miên. Tư Lệnh Phó đã tự sát, chắc Tư Lệnh sẽ tự sát theo. Tôi xuống nhà gặp Trung Úy Việt và cho anh biết Tư Lệnh Phó đã tự sát. Tôi và Việt thắc mắc về những việc xảy ra tiếp, Tư Lệnh Phó đã tự sát còn Tư Lệnh không biết thế nào. Hai đứa tôi suy nghĩ mãi mà không tìm ra được câu trả lời.
Trình Thiếu Tướng, bọn Việt cộng đang vào dinh.
Bảo họ chờ tôi ra nói chuyện.
Tôi thấy Tư Lệnh đẩy nhẹ cánh cửa lưới chắn ruồi trước cửa phòng làm việc của ông rồi bước ra. Bọn người này bảo tôi dừng lại, ba người bước vào phòng, số còn lại lảng vảng phía ngoài. Người mang AK vẫn hướng súng về phía tôi.
Sau khoảng 10 phút nói chuyện, nhóm Việt cộng này rời dinh ra về, tôi vào phòng thấy Tư Lệnh vừa đứng dậy bước ra ngoài với khuôn mặt có vẻ buồn, nhìn trên sofa, tôi thấy điếu thuốc của Thiếu Tướng còn cháy dở dang, độ 1/3 điếu, nằm trên sofa bốc khói, làm lủng một lỗ nhỏ, tôi nhặt lấy vứt đi.
Cuộc nói chuyện này chỉ đơn phương, không có viết giấy tờ hay ký tên gì cả, không có máy móc khi hai bên gặp nhau.
Tư Lệnh trở vào trailor nằm nghỉ, một lúc lâu tôi vào lần nữa thấy Tư Lệnh nằm im, chắc Tư Lệnh đã ngủ vì mệt. Trong suốt đêm 30 Tháng 4, Tư Lệnh và tôi hầu như không ngủ. Vào độ khoảng 3 giờ sáng, tôi trở dậy rón rén vào phòng nhìn Tư Lệnh lần nữa, thấy Tư Lệnh nằm im không biết ngủ hay thức, vì trong lúc nằm nghỉ ông vẫn mang cặp kính đen. Tôi cũng quá mệt nên ra sofa nằm nghỉ một chút, nghe vang vang bên tai những loạt AK nổ liên hồi, chắc đối phương nổ súng mừng chiến thắng.
Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, tôi bỗng nghe tiếng chuông boong boong boong, tôi bật mình ngồi dậy, nhìn đồng hồ thấy hơn 6 giờ sáng ngày 1 Tháng 5, tôi bước đến bên bàn thờ Phật, thấy ba cây nhang Tư Lệnh đã đốt và cắm sẵn trên lư hương, khói bay nghi ngút. Ðứng trước bàn thờ Phật, Tư Lệnh với quân phục chỉnh tề, đang nghiêng mình xá Phật. Tôi vội đi nhanh về phòng mình làm vệ sinh cá nhân, xong mặc quân phục vào và đến đứng bên: Chào Thiếu Tướng.
Thiếu Tướng vẫn đưa tay trên lồng ngực và đáp lại: Ðêm qua Danh ngủ được không?
Mệt quá, em có nằm nghỉ được một chút.
Tư Lệnh vẫn ngồi trên sofa bên phòng thờ Phật. Tôi đi sang phòng làm việc. Một lúc sau, Tư Lệnh đến bên tôi hỏi: Gặp Tướng Trưởng được không hè?
Lúc này khoảng 6 giờ 30 sáng.
Dạà Tôi ấp úng trả lời tiếp. Hồi chiều tối hôm qua lúc ở trên lầu, em thấy Tướng Trưởng chạy xe jeep ngang qua dinh.
Tư Lệnh hỏi: Có phải Tướng Trưởng không?
Em ở trên lầu hơi xa, em thấy giống Tướng Trưởng.
Thôi đừng đi tìm, kẻo bị chúng bắt.
Dạ.
Rồi Tư Lệnh đi vào trailer, một lát sau, Tư Lệnh bước ra hai tay xách hai cái va li gặp tôi và anh Việt, ngay ở cửa ra vào phòng thờ Phật. Tư Lệnh đưa cho tôi cái va li màu cam và đưa Trung Úy Việt cái màu đen. Tư Lệnh nhìn chúng tôi giọng buồn buồn: Danh giữ cái này, Việt giữ cái này.
Tư Lệnh chỉ nói ngắn gọn như thế mà không nói gì thêm, hình như cổ ông nghẹn lại, Tư Lệnh vội bước đi, được vài bước Tư Lệnh quay lại nói thêm:
À quên, chìa khóa.
Rồi Tư Lệnh đi thẳng về phía trailer, một lúc sau, ông trở ra, trao cho tôi hai chìa khóa và nói: Cái này của Danh, cái này của Việt.
Tôi linh tính sắp có điều gì xảy ra nên Tư Lệnh chia phần cho tôi và Việt như vậy vì thế chúng tôi không dám hỏi. Tư Lệnh chầm chậm bước theo nấc thang lên tầng trên, tôi và anh Việt bước theo sau. Tư lệnh ra sân thượng, bước sát lên lan can, mắt nhìn ra Ðại lộ Hòa Bình, tôi đứng bên phải Tư Lệnh, anh Việt đứng bên trái, trên đại lộ chỉ có vài chiếc xe qua lại người thưa thớt, khung cảnh vắng vẻ như chiều 30 Tết, bất chợt Thiếu Tướng bật khóc.
Tư Lệnh cố nén không khóc thành tiếng, nhưng những giọt nước mắt tuôn trào chảy dài trên khuôn mặt đau buồn vì nước mất nhà tan. Tôi cũng khóc theo, anh Việt cũng vậy. Ba người đứng trên sân thượng, trước mặt tiền dinh, mặc cho nước mắt tự do tuôn chảy.
Từ ngoài nhìn vô bàn Phật, Tư Lệnh ngồi sofa phía bên phải, đôi mắt đăm chiêu nhìn lên bàn thờ, anh Việt bước ra cửa về nhà thăm vợ con, còn Trung Sĩ Hộ đang thập thò trước cửa, Tư Lệnh đứng dậy đến bàn thờ, lấy ba cây nhang đốt, xá ba xá cắm vào lư hương, gõ ba tiếng chuông boong boong boong xong xá ba xá nữa rồi ông về ngồi sofa như cũ, hai tay để trên thành gỗ sofa nhìn như không có chuyện gì xảy ra, bất chợt Tư Lệnh xoay ra ngoài bảo tôi: Danh ra ngoài, bảo Việt dẫn vợ con đi đi.
Dạ.
Tôi thầm nghĩ Tư Lệnh và tôi độc thân, chắc Tư Lệnh nghĩ cách khác, tôi đẩy nhẹ cánh cửa bước ra sân hướng về phòng Trung Úy Việt, tôi vừa đi khỏi cột cờ một chút nghe tiếng nổ “ÐÙNG” phát ra từ hướng bàn thờ Phật. Tôi hốt hoảng xoay người chạy trở lại thì Trung Sĩ Hộ chạy ra la thất thanh: Ðại Úy ơi, Ðại Úy ơi, Thiếu Tướng tự sát chết rồi.
Một cảnh tượng hãi hùng ở trước mắt Trung Úy Danh, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam ngã bật ngửa, hơi nghiêng người trên ghế sa lông, cánh tay phải thả lỏng trên bụng, bàn tay còn cầm khẩu colt 45 nhưng những ngón tay đang lơi dần ra, đầu ông đầy máu chảy, viên đạn xuyên qua màng tang từ phải qua trái, ông chưa chết hẳn vì mắt hãy còn mở trừng trừng nhìn lên trần nhà, miệng há hốc còn ráng thở những tiếng kêu hộc hộc từ cổ họng đang tắt dần.
Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam tắt thở tại chỗ. Lúc đó vào khoảng 7 giờ 30 sáng ngày 1 Tháng 5 năm 1975.
Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, vị Tư Lệnh Quân Ðoàn 4 và Quân Khu 4 đã tuẩn tiết theo Việt Nam Cộng Hòa. Câu chuyện của vị Trung Úy Tùy Viên mà chúng tôi vừa trích đoạn phía trên đã tiết lộ nhiều điều về cái chết can trường về Tướng Nguyễn Khoa Nam, là một Tư Lệnh Quân Ðoàn, đã nắm trong tay nhiều đơn vị trung thành, Tướng Nguyễn Khoa Nam có thể ra lệnh tiếp tục chiến đấu, nhưng là vị tướng có lòng nhân ái, không muốn binh sĩ và đồng bào đổ máu vô ích ông không cho phá cầu, ông không muốn có người chết thêm. Không ai biết ông đã suy nghĩ và toan tính gì trong 24 giờ cuối cùng từ rạng sáng 30 Tháng 4 đến rạng sáng 1 Tháng 5 năm 1975. Có máy bay trực thăng cùng mọi phương tiện ra đi, ông có thể ra đi bình yên nhưng ông vẫn ở lại để chu toàn trách nhiệm của vị tướng chỉ huy. Trưa 30 Tháng 4 ông vẫn bổ nhiệm Ðại Tá Thiên vào chức vụ Tỉnh Trưởng Tỉnh Cần Thơ mong có người giữ gìn trật tự trị an cho dân chúng. Trưa ngày 30 Tháng 4 ông vẫn bình thản hai lần tiếp tụi cán bộ cộng sản đến tiếp thu, không hận thù, không kiếp nhược và không hề tỏ ý đồ hèn. Không biết ông nói chuyện gì với họ nhưng những cán bộ Việt cộng đến giờ về không có chuyện gì khác. Chiều tối 30 Tháng 4, thành phố Cần Thơ căng thẳng chờ biến cố, Tướng Nguyễn Khoa Nam vẫn tuyệt đối bình tĩnh cùng người tùy viên cam đảm tận tụy trung thành đến thăm thương bệnh binh tại bệnh viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Ông đã đến đây để an ủi lính của ông, ông đã khóc trước mặt lính của ông, ông đã nói với lính của ông rằng “Qua không bỏ các em. Qua ở lại với các em”. Trong đêm 30 Tháng 4, ông vẫn ăn tối với vị Sĩ Quan Tùy Viên, gắp cho anh những miếng thịt gà thân tình trìu mến. Trong đêm 30 Tháng 4 ông nằm im lặng trong bộ quân phục, không ai biết ông ngủ hay thức, và nếu ông thức, ông đã suy nghĩ gì, sau rốt ông thiếp đi hẳn là vậy nhưng nếu ông tỉnh thức, ông vẫn hẳn là con người còn ham sống, một sự gần kề đến cái chết có làm ông kinh hãi không? Không thấy ông lộ ra, có lẽ ông đã trải qua một đêm cuối trong đời đau đớn, chắc hẳn là như vậy? Vì sáng sớm ngày 1 Tháng 5, khi đã chọn cho mình con đường tuẩn tiết, ông đã không thể bình thản hơn nữa, ông lại thêm một lần bật khóc. Với những sự kiện được kể lại như trên, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam của chúng ta là một con người bình thường nhưng đã vươn lên cao, thật là uy dũng, thật là vĩ đại.
Bút ký của Trung Úy Lê Ngọc Danh.
(Sĩ quan tùy viên của Tướng Nguyễn Khoa Nam)

Xem Tiếp: ----