Bác Lê gái sực thức dậy nhưng bác chưa tỉnh hẳn. Thấy lành lạnh ở hai vai, bác lui người để vai mình chạm vào vai Út và một lúc lâu, hơi nóng của người Út truyền sang làm bác ấm áp dễ chịu và thiu thiu ngủ lại. Bác giơ tay với cái đầu chiếu nhưng quờ quạng một lúc không sờ thấy, bác mở hé mắt để tìm. Bỗng bác giật nẩy mình, tung chiếu ngồi nhỏm dậy, cốc một cái vào đầu Út làm Út cũng giật mình ngồi nhổm dậy theo. "Chết tôi rồi. Sáng bảnh mắt rồi còn gì nữa". Bác nghiêng người tung chăn của Thêm và Nữa và ra cốc đầu đánh thức Tý dậy. Sau hôm Tý ốm, được một độ bác không cốc đầu các con nữa; những lúc tay ngứa ngáy bác chỉ đập đập vào vai các con mấy cái, nhưng dần dần những lúc nào có cái gì thích chí quá, bác lại xoay ra cốc đầu vì bác thấy cốc đầu như thế chúng nó mới nhận thấy cái thích của mình truyền sang một cách thấm thía hơn nhiều. Chúng nó đau, dúi đầu xuống một cái nhưng miệng thì cười xoà như tán đồng cái vui của thím Thế rồi lâu dần, cả những lúc tức bác cũng cốc đầu vì bác chỉ thấy làm thế mới hả được tức. Lũ trẻ con cũng không lấy thế làm lạ và chính bác cũng không để ý là mình đã trở lại tính cũ. Bác lấy rá ra đong gạo thổi cơm sáng, quên cả rửa mặt. Hôm qua bác Lê trai sang bên phố Phủ uống rượu say về, cả nhà lục đục thức khuya, vì thế bác mới ngủ quên. Nhìn chồng thấy chồng hãy còn ngủ nhưng bác không đánh thức và định bụng nếu chốc nữa đem cơm lên mà chồng chưa dậy thì bác sẽ ăn hết phần để chồng đói cho biết thân. Tý ngồi thủ tay vào bọc, mỉm cười một cách hơi buồn vì nhớ lại tối hôm qua nó đã sợ hãi hết sức và vì thế không dám nhìn bố mẹ đánh nhau. Nó nhắm nghiền mắt lại và cố ngủ trong khi tai nghe những tiếng huỳnh huỵch và kêu thét. May quá nó ngủ đi được và sáng nay thức dậy nó lấy làm lạ là mọi việc đã trở lại như thường; mẹ nó đi lấy gạo thổi cơm và cha nó vẫn nằm kia quấn chiếu ngủ như là việc hôm qua đã không xẩy ra. Tý nhìn bác Lê nằm thẳng quấn tròn cái chiếu, đầu thò ra ngoài, trông giống một cái gì nó đã được nhìn thấy nhiều lần và nghĩ một lúc nó lẩm bẩm: "Trông như con sâu kèn". Thêm và Nữa thì đương bận lấy cái bao tải phủ lên chỗ chiếu ướt nước giải. Chính chúng cũng không biết là ai đã đái dầm đêm qua và cũng không nghĩ đến sự đổ lẫn cho nhau nữa; đã nhiều lần chúng cãi nhau nhưng vì cả hai đều cởi truồng mà bác Lê gái không sao phân biệt được và đánh đòn cả hai đứa, vì vậy nên lâu dần chúng coi như là cái tội chung cùng chịu. Cũng có lần, một đứa nhớ lại là ban đêm chính nó đái nhưng vì thấy đứa kia không nói gì nên nó cũng lờ đi. Hôm nay chúng mừng là mẹ đã không để ý đến chỗ chiếu ướt; chúng dậy xong, chạy đi chơi, hy vọng đến lúc mẹ chúng giở đến bao tải thì nước giải đã khô rồi. Dẫu sao, sang bên cửa hàng, xem cô Mùi hấp bánh cuốn, chúng cũng sợ hãi và ngường ngượng như là cái tội chúng đái dầm cô Mùi cũng đã biết và tất cả mọi người trong xóm đều biết hết cả rồi. Bác Lê trai cũng thức dậy, cầm cái khăn tay ra sông rửa mặt. Lúc trở vào thì mâm cơm đã dọn và cả nhà đã ngồi quanh mâm cơm. Bác nhìn vào mâm cơm một cái rồi đi về phía ổ rơm với điếu thuốc hút. Hút xong, bác ngồi yên. Bác Lê gái nhìn chồng và cũng ngồi yên đợi. Bác không hiểu vì cớ gì mọi người đều đã ngồi vào mâm mà chồng chưa ăn lại còn bắt mọi người đợi. Bác không muốn cất tiếng mời chồng hay bảo con ra mời sợ như thế là mình làm lành trước, điều mà bao giờ bác cũng tránh mặc dầu bác đã hết cơn tức chồng uống rượu. Còn nếu cứ bảo con ăn trước thì tức là dậy cả lũ con không cần gì đến bố. Thành thử cả nhà cứ ngồi yên quanh mâm cơm và nhìn lẫn nhau một cách khó chịu. Tý nhìn mẹ, thấy mẹ ngồi yên nhìn mâm cơm, nó ngẫm nghĩ không biết có nên cất tiếng mời bố không sợ mẹ đương giận bố, mời bố biết đâu không bị mẹ cốc đầu, nhất là lúc đó nó lại ngồi ngay bên tay phải mẹ nó. Tý lại đưa mắt nhìn bác Lê trai và thấy bố cũng ngồi yên nhìn mâm cơm, nó ngẫm nghĩ không biết cha mình còn đợi gì. Cứ như thế một lúc lâu lắm và trong lúc đó óc Tý làm việc rất dữ dội Bác Lê gái đợi lâu và bắt đầu tức chồng cho là chồng đã có lỗi lại còn làm cao, ngồi đợi để bác phải mời mới chịu lại ăn cho. Bác tức nhất Tý và lại thấy Tý là ngu ngốc vì đã lớn tuổi mà không biết tự ý mời bố, không cần đợi mẹ bảo. Bác thì nhất định bác không thèm mời. Bác cầm lấy đôi đũa toan gắp ăn nhưng nếu bác ăn thì tất cả trẻ đều ăn. Bác lại chống đũa xuống mâm, giận đã bắt đầu ứ lên cổ, bác thấy trước là bác không thể yên được nữa, bác sẽ vứt cả đũa, hất cả mâm cơm đi rồi muốn ra sao thì ra. Vừa lúc tình thế đương rất găng thì Tý thấy bố như xuống bếp, nó nghĩ ra và cất tiếng nói: "Thưa thầy anh Nhỡ hôm qua kéo xe không về". Bác Lê trai đáp: "Thế à? Tao cứ ngỡ nó ở dưới bếp nên cả nhà còn ngồi đợi nó lên, chưa ăn". Bác Lê gái thở mạnh một cái: "À ra chồng mình tưởng cả nhà đợi Nhỡ lên nên cũng ngồi đợi chứ không phải định làm cao. Thế mà mình không biết". Bác lại thấy hết cả giận. Bỗng bác giật nẩy mình, quay nhìn Tý: "Nhưng sao cái thằng ranh con này nó lại biết". Bác Lê trai đi lại phía mâm cơm ngồi xuống chỗ của mình. Bác cũng vừa chợt nghĩ đến chỗ lạ lùng ấy, hỏi Tý: "Nhưng sao mày lại biết là tao đợi thằng Nhỡ". Không đợi Tý trả lời, bác nói luôn như nói một mình, giọng đùa: "Ừ, thằng này thông minh. Ngày sau làm nên và cũng được uống rượu tây như tao độ nào". Bác quay lại nói với vợ: "U mày cứ bảo nó ngớ ngẩn mãi đi. Ngày sau già không khéo lại nhờ nó". Bác Lê gái bĩu môi: "Nó chẳng vẫn cứ ngớ ngẩn thế là gì. Lần này may trúng. Thằng ngáp phải ruồi". Hai vợ chồng đã phá tan được sự ngượng nghịu. Câu nói ngáp phải ruồi của thằng Tý cũng đã có cái may ngăn được một sự lục đục vừa xẩy ra sau một đêm đã khổ sở lắm rồi. Ăn cơm xong, Tý bưng mâm đi ra phía sông rửa bát. Nó ngước mặt nhìn trời một cách sung sướng vì đã được cha khen là thông minh. Tý đi khỏi, bác Lê trai nói với vợ: "Hay u mày nói phải, chứ nó đâu lại tinh ý quá như thế. Nó phải chú ý đến chỗ bao giờ cũng đợi ăn một lúc, cái đó thì dễ đoán, nhưng về chỗ chỉ có mình tôi vì say hôm qua mà không biết là Nhỡ không về, nhất là nghĩ ra được là tôi đợi thằng Nhỡ, chỗ ấy nó đoán được thì thật là tài quá". Ngẫm nghĩ một lát, bác lại cất tiếng: "Ờ, nhưng không phải nó nói một câu ngáp phải ruồi. Nó phải biết là tôi đương ngồi đợi thằng Nhỡ nó mới bảo tôi là thằng Nhỡ hôm qua không về chứ. Ừ, nó thông minh thật đấy; một đứa trẻ mới lên chín mà nhanh ý thế, thật ít có. Bu mày ạ, phải cố sống cố chết cho nó đi học, ừ cho nó đi học bu mày ạ..." Nhất là lúc đó bác còn hơi men nên bác lại càng cao hứng, bác nói chuyện với vợ về cái hy vọng Tý sẽ thi đỗ cũng như con ông Năm Bụng: "Ông Năm Bụng nghèo thế cũng nuôi con đi học tận Hà Nội nữa là. Nó mà thi đỗ thì mình tha hồ danh giá với làng nước, về làng tậu rung tậu nương. Bu mày xem". Bác Lê gái nói: "Ông Năm Bụng là con một ông Bố, mình bì thế nào được". Bác Lê trai cãi: "Thế ngày xưa chả có con anh Mõ làng đỗ Trạng là gì?" "Đấy là chuyện phường chèo". "Chuyện phường chèo đâu, chuyện thật đấy chứ. Cô Mùi có kể cho tôi nghe mà". Bác Lê gái đứng dậy. Chính bác cũng thấy Tý thông minh nghĩ ra được là chồng mình ngồi đợi Nhỡ mà mình thì không nghĩ ra và bác cũng mang máng nhận thấy Tý cũng đã biết để ý đến cả cái khó chịu của bác lúc đó nữa; nên mới nói ra câu ấy để chồng mình đến ăn cơm và mình hết khó chịu. Nhưng nghe chồng nói, bác không tin lắm và tên Mùi tình cờ nhắc đến làm bác nghĩ ra việc chạy sang hỏi Mùi, người mà bác vẫn phục và tin nhất. Mùi thấy bác Lê gái chạy vội sang, giật mình hỏi: "Việc gì thế bác Lê?" Bác Lê mỉm cười cho Mùi khỏi lo và đáng lẽ hỏi Mùi về Tý bác lại nói ngay: "Thằng Tý nó thông minh lắm cô ạ". Mùi mỉm cười tự hỏi không biết vì cớ gì bác Lê đã nhận thấy Tý thông minh. Nàng nói: "Thế à? Tại sao bác biết nó thông minh". "Cô ạ, nó biết là thầy nó đợi thằng Nhỡ". Mùi không hiểu tại sao Tý biết bác Lê trai đợi Nhỡ lại thông minh nhưng nàng cũng không hỏi thêm và gật đầu như hiểu thấu cả. Nói chuyện với bác Lê gái, nhiều lúc nàng thấy khó hiểu vô cùng. Việc gì bác biết bác cũng tưởng như người khác biết rồi và có khi đương nói chuyện bác yên lặng ngẫm nghĩ rồi thốt ra một câu không có liên can gì đến câu chuyện cả. Bác nghĩ rồi bác nói tiếp theo ý nghĩ của bác làm như người kia cũng đã biết những ý nghĩ thầm của bác rồi. Mùi nói: "Thế tôi đã bảo nó thông minh bác không nghe tôi. Nó mà được đi học..." Bác Lê vội ngắt lời Mùi: "Nó đi học có được không?" "Sao không được, nó mà được đi học thì có thể đỗ đến Đít-Lôm". "Thế à cô? Thầy nó định cho nó đi học". Bác sợ Mùi cười bác ngông cuồng, dám có ý tưởng cho con đi học, nên vội đổ cho đó là ý của chồng. Mùi mới chợt nghe cũng cho là một ý tưởng ngông cuồng, nhưng nghĩ thật ra cho Tý đi học cũng chỉ thiệt ít công việc giúp đỡ ở nhà chứ cũng không tốn kém mấy. Nàng sẽ bảo Triết cho Tý ít giấy bút, sách vở cũ. Tý không học được cũng không hại gì, nhỡ ra nó học giỏi thì hai bác Lê tha hồ sung sướng. Mùi thấy mình cảm động và vội nói ngay với bác Lê tuy biết là sau này chắc sẽ hối hận vì nóng tính: "Tôi sẽ cố giúp bác cho nó đi học. Tôi độ này làm ăn khá chắc có thể giúp bác được ít nhiều". Thế rồi Mùi nói về việc cho Tý đi học và háo hức không kém gì bác Lê gái. "Để tôi về hỏi lại thầy nó. Cô đợi tôi một tí". Bác Lê gái chạy về, lại quay trở lại hỏi: "Cô bảo nó đỗ đến gì cơ?" "Đỗ Đít-Lôm, bổ đi làm ông Thông ông Phán". Bác Lê vội chạy về nhà bảo chồng: "Phải đấy, thầy mày nói phải, phải cố sống cố chết cho nó đi học. Cô Mùi bảo nó ngày sau đỗ đến Đít-Lôm, bổ đi làm ông Thông, ông Phán. Cô Mùi cô ấy lại bảo giúp thêm cho nó đi học nữa". Hai vợ chồng sung sướng như là Tý đã đỗ rồi. Bác Lê gái nghĩ hai vợ chồng cả đời làm ăn vất vả mà vẫn nghèo khổ, Nhỡ rất chăm chỉ nhưng cũng chỉ đủ nuôi miệng. Phải có đứa con đi học, thi đỗ. Bác tưởng đến một ngày kia, Tý đỗ rồi, được bổ đi làm ông Giáo, ông Phán, hai vợ chồng bác, cùng đinh trong xã hội, khố rách áo ôm, được cái danh giá làm bố mẹ một ông Giáo, về làng nở mặt với họ hàng, lại tậu được ruộng, làm được một cái nhà tây hai từng. Nghĩ đến cả một đời nghèo đói, khổ sở; bác hạ giọng, nuốt nước bọt nói với chồng: "Thầy mày ạ... nhà mình..." Nhưng bác nghẹn ngào ở cổ không nói được và ứa nước mắt khóc. Tý vác rổ bát vào và đứng dừng lại ở cửa, ngơ ngác nhìn. Bác Lê trai vẫy nó lại. Bác định hỏi lại nó xem có thật nó đã đoán được hay là nó ngáp phải ruồi. Tý đặt rổ bát, sợ hãi chưa dám tiến vì thấy mẹ nó khóc và bố lại gọi đến. Bác Lê trai nhắc: "Lại đây". Tý đứng cạnh ổ rơm. Bác Lê trai hỏi: "Sao lúc nẫy tự nhiên mày bảo tao là thằng Nhỡ không về". Thấy cha đột ngột hỏi đến việc Nhỡ không về trong lúc mẹ nó nức nở khóc, Tý hơi lo: "Hay là anh Nhỡ chết rồi". Nhưng Tý không dám hỏi. Bác Lê gái nhắc: "Sao mày không trả lời câu thầy hỏi?" Tý vội đáp: "Thưa thầy con thấy thầy không lại ăn cơm con lấy làm lạ; thấy thầy nhòm xuống bếp con tưởng là thầy đợi anh Nhỡ". Bác Lê trai hỏi: "Thế tại sao mày lại tưởng tao đợi thằng Nhỡ?" Tý đứng yên ngẫm nghĩ lại càng làm hai bác Lê hồi hộp đợi. Tý đứng ngẫm nghĩ là ngẫm nghĩ không hiểu tại sao cha lại hỏi vặn về chỗ ấy, chứ không phải nó nghĩ về câu trả lời. Sau cùng vì bác Lê trai giục, Tý đáp: "Cả nhà đủ cả chỉ thiếu một mình anh Nhỡ". "Thế là khá". Thấy cha mẹ vui vẻ nét mặt, Tý nghĩ thầm: "À không phải anh Nhỡ chết". Bác Lê trai lại hỏi: "Thế mày có đợi anh Nhỡ mày không?" "Thưa thầy không". "Thế bu mày có đợi thằng Nhỡ không. Thế con Út thằng Thêm thằng Nữa có đợi thằng Nhỡ không?" "Thưa thầy không". "Thế sao mày lại cho là tao đợi thằng Nhỡ". Câu sau cùng bác Lê trai hỏi dằn từng tiếng nên Tý lo sợ tưởng mình đã có gì hỗn đối với cha khi bảo cha đợi anh Nhỡ. Bác Lê gái thấy chồng hỏi to tiếng quá, vội dịu giọng nói với Tý: "Mày nghĩ thế nào thì mày cứ nói thật như thế. Không sợ gì". Tý nghe mẹ nói, yên tâm vội vàng trả lời nhưng nó cũng không dám nói hẳn là cha say rượu mê man sợ như thế hỗn với cha: "Thưa thầy chúng con không đợi vì chúng con biết anh Nhỡ không về". Bác Lê trai nhìn vợ rồi hất hàm một cái, vẻ mặt đắc thắng và đầy vui sướng. Bác Lê gái lại oà lên khóc. Tý vò đầu không hiểu một tí gì cả. Bác Lê trai vẫy Tý bảo ngồi xuống cạnh mình. "Từ hôm nay mày không phải đi câu tôm nữa". Tý hơi lo sợ tưởng có lỗi gì nên cha không cho đi câu tôm nữa, nhưng có hai tiếng ‘‘không phải’’ nên Tý yên tâm. "Hôm nay mày ở nhà, bu mày cho quần áo, mua bút giấy cho mày đi học". Nghe câu nói của cha bảo đi học, Tý không biết là thích hay khó chịu. Nó đưa mắt nhìn mẹ, dò hỏi. Bác Lê gái lấy vạt áo lau nước mắt rồi kéo Tý về phía mình: "Con cố chịu khó học cho thầy bu vui lòng. Thầy bu biết là..." Bác Lê trai làm hiệu bảo vợ yên vì bác sợ nói khen con quá làm Tý đâm ra kiêu căng. Bác gái không hiểu tại sao nhưng thấy chồng làm hiệu bảo đừng nói thì bác cũng ngừng lại. Bác ngắm nghía nét mặt Tý và thấy nét mặt Tý lúc đó đầy thông minh, không có vẻ ngớ ngẩn như trước nữa. Bác nhớ lại câu Thần Đa nói với bác đêm hôm đầu tiên ngủ ở gốc đa và đoán có lẽ cành hoa Thần Đa cho bác là một đứa quí tử và Tý là đứa quí tử ấy. Nghĩ ra chỗ đó, bác hoàn toàn tin là Tý thông minh và nhà bác Lê sau này khá là nhờ Tý. Bác Lê trai bảo Tý: "Thôi cho mày đi chơi". Tý cũng muốn đứng lên chạy đi nơi khác ngẫm nghĩ. Nó mang máng thấy đi học là khó chịu nhưng cũng không chắc hẳn như thế. Từ trước đến giờ không bao giờ Tý ngờ có ngày bố mẹ lại cho đi học nên cái tin đột ngột làm Tý hoang mang thấy có một sự gì thay đổi lớn nhưng không biết sự thay đổi ấy có lợi hay không có lợi cho mình. Hai vợ chồng bác Lê sau một lúc háo hức lại bắt đầu lo ngại, chỉ mới nghĩ đến chỗ có một đứa con đi học hai bác đã thấy sợ hãi và ngượng với tất cả mọi người trong xóm tưởng như họ chê mình là ngông cuồng, kỳ quái. Mấy năm trước, dẫu cho đứa con thông minh đến đâu đi nữa, hai bác cũng chịu không tài nào cho con đi học. Gần đây làm ăn đã khá, có ít tiền để dành, cố sức thì có thể cho Tý đi học được nhưng hai bác vẫn thấy là việc ấy cao xa quá không phải vừa tầm những hạng người như hai bác. Vì băn khoăn thế nên bác Lê gái thỉnh thoảng lại chạy ra cửa nhìn sang hàng Mùi xem Mùi có ngồi một mình không. Cửa hàng Mùi đã đông khách nên đợi lâu lắm không có dịp, bác vác chổi ra quét lá đa, quét sạch hơn mọi hôm như để tạ Thần Đa, rồi ra miếu thờ thắp hương khấn đi khấn lại hai ba lần. Bác đi ra cánh đồng nhặt lờ, nhưng về ngay chứ không đi bắt cua như mọi hôm. Thấy Mùi ngồi một mình ở cửa hàng, bác rẽ vào và nói chuyện với Mùi về việc Tý đi học. Mùi thấy bác Lê có vẻ lo ngại, rụt rè nên bảo bác ta: "Bác cứ làm như chính tôi bảo cho nó đi học và giúp nó đi học. Nếu nó học không được là lỗi tại tôi, không ai nói gì hai bác cả". Rồi Mùi đứng lên bảo bác Lê gái đi theo mình về nhà. Có bao nhiêu giấy thừa, bút cũ của Triết và Siêu, nàng lấy đưa cả bác Lê. Rồi nàng giấu giếm đưa bác Lê hai đồng bạc để sắm sửa cho Tý. Thế là hai bác Lê nhất quyết hẳn cho Tý đi học. Tối hôm ấy, đợi cả nhà ngủ say, bác Lê gái lần sang bên ổ rơm chồng nằm. Đã lâu lắm bác chưa ngủ chung với chồng lần nào nên bác hồi hộp lo sợ các con biết. Bác lắng tai nghe tiếng Nhỡ thở đều đều, có vẻ ngủ say, bác yên tâm. Đến gần chỗ chồng nằm, bác hắng giọng cho chồng khỏi giật mình hỏi to. Bác khẽ nhấc chiếu lên rồi chui người vào nằm sát cạnh chồng. "Chưa ngủ chứ?" Bác Lê trai đặt tay lên vai vợ, đáp: "Chưa, cái gì thế?" Biết là vợ sang chỉ cốt ngủ chung với mình chứ không có việc gì, bác thích lắm nhưng bác cũng cứ hỏi thế để cho vợ tưởng mình chưa hiểu ý vợ. Từ độ đẻ thêm thằng Thôi, hai vợ chồng bác vì sợ có thêm con nên kiêng ngủ chung. Bác Lê trai ban đêm khó chịu lắm nhưng không biết làm thế nào vì bác Lê gái đã tránh chồng nên đêm nào cũng ngủ chung với Út. Bác Lê gái để ngón tay vào trán chồng, nói: "Thôi, từ rầy đừng uống rượu nữa nhé, để tiền cho con nó đi học". Bác Lê trai cãi: "Tôi uống rượu có bao giờ mất tiền đâu. Đáng lẽ có con đi học phải uống rượu mừng chứ. À mà mai phải mua con gà cúng khai tâm cho nó chứ. Cúng xong tôi uống rượu. Bác Lê gái cốc một cái vào đầu chồng: "Đùa mãi. Này, phải xin cho nó đi học trước Tết". "Cần gì vội thế". "Cần lắm chứ. Cần nó đi học trước khi mình về thăm bà con, làng nước". Bác Lê trai cất tiếng vui vẻ: "Ừ phải đấy. Đằng ấy nghĩ chu đáo lắm". Bác vừa nói thế vừa đặt chân lên đùi vợ. Bác Lê gái lấy tay hất chân chồng xuống: "Này, tôi càng nghĩ càng nhớ ra là nó thông minh. Hôm nọ tôi lấy tay đo quần đo người nó, nó bảo sao không ướm thử có nhanh hơn không". Bác Lê trai nghĩ bụng cho là không phải Tý thông minh mà chính vợ mình ngốc nghếch nhưng bác không nói ra. Bác lại gác chân lên đùi vợ, nói: "Đẻ đứa nào cũng thông minh như nó thì đẻ bao nhiêu cũng không sợ". Bác Lê gái hất chân chồng xuống và gắt: "Thôi ngủ đi. Tán mãi. Hôm qua thức khuya thành ra buồn ngủ díu cả mắt". Bác nằm sát vào người chồng nhắm mắt và cố yên lặng không nhúc nhích như đương thiu thiu ngủ. Bác Lê trai hiểu ý, mỉm cười rồi cũng vờ nằm yên như là mình cũng đã sắp ngủ rồi. Nhưng cả hai người đều thức và người nọ tưởng người kia ngủ. Nửa giờ sau, bác Lê trai cũng vẫn còn thức nhưng đã đủ thiu thiu say ngủ để đặt chân lên người vợ được tự nhiên và bác Lê gái thì chắc là chồng mình ngủ rồi, không cần nghĩ đến việc hất chân chồng ra nữa.