Bé khép cửa rồi đi vào buồng xép, lấy cái va li đặt trên ổ rơm. Sáng ngày nhờ bác Lê gái trông hàng hộ một lúc, Bé chạy vội sang bên phố Phủ để mua cái thắt lưng lụa mầu hoa thiên lý. Cái dây lưng ấy, từ khi Mùi chưa đi cân gạo, mỗi lần đi bán bánh cuốn qua cửa hàng bà Lục, Bé cũng không quên nhìn vào cho đỡ thèm. Cái dây lưng ấy đắt tiền quá và nhất là sang quá nên Bé không dám mua. Hôm qua Mùi vừa trả tiền công tháng và ngỏ lời từ tháng sau sẽ tăng lương vì chỗ Bé một mình phải thay Mùi bán hàng nên Bé vội chạy đi mua ngay; trong một lúc quá mừng rỡ nàng không cảm thấy việc mua chiếc dây lưng ấy là hoang phí và táo bạo. Nàng định đợi đến dịp Tết mới thắt đến nó, như vậy mẹ nàng không nỡ cự nàng hay làm đỏm. Bé có tính sạch sẽ và săn sóc đến sự ăn mặc, trái ngược hẳn với mọi người trong nhà bác Lê, nhưng vì nàng ở làm thuê với Mùi cần phải thế nên ai cũng cho là tự nhiên, cũng như Tý từ ngày đi học cần phải ăn mặc tử tế và sạch sẽ. Mùi thỉnh thoảng cho Bé khăn yếm và áo cũ nên Bé ăn mặc lúc nào cũng có vẻ sang mà không tốn mấy tiền. Nhưng còn tự nhiên mua cái thắt lưng lụa màu thiên lý mà ngày nào cũng thắt nó, Bé thấy như thế là làm dáng quá và không khỏi bị mọi người chê bai. Bé lấy chìa khoá mở va li rồi rút cái dây lưng ra lật khăn che mắt ngắm nghía, rồi đưa ra phía ánh sáng. Cái màu nó đẹp quá và đem về nhà nó lại đẹp hơn lúc còn treo ở hàng bà Lục. Bé thắt vào người và cúi xuống nhìn rồi thắt đi thắt lại đến năm sáu lần, mà lần nào trông cũng đẹp cả. Bé với cái gương soi. Cái gương bé quá, nàng phải dí mũi vào mặt gương, hơi thở làm mờ cả gương, và nàng phải xoa tay mấy lượt nhưng cũng không sao nhìn thấy cả mặt mình, cái yếm trắng và cái đầu thắt lưng ở trong gương cùng một lúc. Bé nghĩ ra một cách là đưa cái gương thật nhanh từ trên xuống dưới; nàng mỉm cười vì làm thế thì nhìn thấy rõ cả mặt, cái yếm và thắt lưng. Mỗi lần đưa cái gương xuống dưới thì nàng lại thấy mặt gương hơi sáng lên vì màu xanh của chiếc thắt lưng. Bé ngẫm nghĩ nếu Đỗi được trông thấy nàng với cái thắt lưng mới này thì chắc Đỗi cũng phải hoa cả mắt. Nàng hơi buồn là nếu chỉ có dịp Tết mới dám mặc mà Tết thì nàng lại phải về quê, Đỗi không được nhìn. Bé cởi dây lưng rồi ngồi xuống cạnh cái va li, gấp thắt lưng lại. Cái va li ấy cũng của Mùi cho; tuy là một cái va li cũ nhưng Bé cũng thấy nó sang lắm; cứ hôm nào trời hơi ẩm một tí mà có nắng mới là Bé lại đem cái va li và hết cả quần áo ra trước cửa hàng phơi để khoe với mọi người qua lại. Trong cái va li, Bé để rất nhiều thứ và xếp đặt rất ngăn nắp. Tuy chẳng cần gì xếp lại, Bé cũng lấy hết cả các thứ trong va li ra để được cái thú xếp lại và ngắm nghía từng thứ một. Vả lại việc mới mua thêm cái thắt lưng và tìm chỗ xếp là cái cớ để nàng xếp lại cả va li. Nàng mở cái hộp bánh bích qui, lấy ra mấy tập vải mẫu của hãng Samaritaine. Bé cũng không biết đấy là các vải mẫu; đã lâu lắm sang bên ông Ký rượu ở phố Phủ thấy trẻ con đương nghịch và có nhiều lắm, nàng đã cướp được ba tập đem về cất trong hộp rồi thỉnh thoảng lại giở ra ngắm nghía. Bé thấy những miếng vải đó đẹp lắm song cũng chưa biết sẽ dùng vào việc gì. Dưới cùng hộp là cái tranh quảng cáo cho bánh bích qui. Nàng đã xin được cái hộp bánh của cậu Ấm Hải; lúc về nhà mở hộp, nàng thấy lẫn trong giấy bóng có cái tranh. Nàng thấy tranh vẽ một người Tây còn trẻ, tay khoác một cô đầm cũng còn trẻ, có hai con mắt to và hai gò má đỏ hồng, hai người ngồi cạnh cái bàn để rượu và bánh. Bé đoán hai người ấy là hai vợ chồng và lại thấy rõ là mới lấy nhau. Nàng nghĩ thế vì nàng cho là chỉ vợ chồng mới lấy nhau mới ôm cổ nhau. Mỗi lần Bé nhìn cái tranh, nàng lại thấy ngường ngượng, hơi thẹn; nàng lấy làm lạ là người Tây sao họ lại đem vẽ hai người đàn ông đàn bà ôm cổ nhau trước mặt mọi người như thế rồi lại cho cái tranh vào hộp bánh không sợ trẻ con nhìn thấy. Giá lúc cậu Ấm Hải cho nàng cái hộp, nàng nhìn thấy cái tranh vẽ thì không bao giờ nàng dám nhận, nhưng vì về nhà nàng mới biết nên nàng không vứt đi, đem để xuống đáy hộp và úp mặt vẽ xuống dưới. Thỉnh thoảng xếp lại va li, nàng lại lật tấm tranh lên ngắm nghía cái tay người đàn ông quàng qua cổ người đàn bà và thèn thẹn. Bé cho má người đàn bà sở dĩ đỏ như thế chắc cũng vì thẹn lắm. Lần này Bé ngắm nghía cái tranh lâu hơn và thấy thẹn hơn vì nghĩ đến một ngày kia cũng được Đỗi ôm lấy cổ như thế; cố nhiên là ôm vai nhau không có ai trông thấy(chứ không như hai người tây đầm kia); chỉ mới đặt chân lên nhau đã thấy thẹn chết người rồi, nếu Đỗi ôm lấy vai nàng thì không biết sẽ thẹn đến thế nào. Bé đặt úp cái tranh xuống đáy hộp, lấy cái tập mẫu vải phủ lên rồi thôi không nghĩ nữa. Rồi Bé mở đến cái hộp đựng kim chỉ, mở cái túi tiền lấy ra năm đồng bạc còn mới nguyên là số tiền nàng đã để dành được mà cả bác Lê gái cả Mùi cũng không biết. Bé sợ nhất là Mùi biết, vì thế Bé không dám giắt ở trong người. Số tiền công hàng tháng, Bé phải đưa mẹ gần hết chỉ giữ lại một hai hào; trong số tiền năm đồng hơn một nửa là tiền nàng đã ăn bớt của Mùi. Mỗi ngày, nàng nhất định chỉ ăn bớt có một xu và ngày nào cũng ăn bớt. Có dịp may có thể ăn bớt được đến bốn năm xu nhưng Bé cũng chỉ ăn bớt có một xu thôi và còn mấy xu kia đưa cho Mùi. Mùi thấy Bé bán được hời giá mà cũng đưa cho mình nên càng tin là Bé thật thà và thường thường nàng cho lại cả Bé. Sự thực cũng không phải là Bé ăn bớt. Những lúc bán cho những nhà giầu và nhất là khi người mua là đàn ông thì nàng nói giá cao lên một xu hay có khi hai xu. Từ ngày Mùi đi cân gạo, nàng phải ngồi hàng nên không ăn bớt như thế được nữa. Từ ngày Mùi đi cân, Bé phải săn sóc đủ các thứ; nàng đâm lo lắng như chính nàng là chủ cửa hàng và khó chịu lắm. Lắm hôm cửa hàng ế, nàng cũng thấy hơi buồn và ngượng với Mùi như chính vì lỗi tại mình nên cửa hàng ế. Trước kia, Mùi dặn bảo làm cái gì thì nàng làm cái ấy, chỉ việc nghe theo, yên tâm không phải nghĩ ngợi. Bây giờ bất cứ việc gì, việc cân nhắc làm bao nhiêu bánh, rán bao nhiêu chả, việc giao thiệp với khách hàng, mọi việc trách nhiệm đều ở cả một mình nàng. Việc làm Bé khổ sở nhất là việc bán các thứ thuốc; Bé đã cố nhớ lọ nào là lọ thuốc đau bụng, lọ nào là lọ thuốc sốt nhưng vẫn không dám chắc hẳn và khi bán xong cho ai một thứ thuốc gì, nàng lại bắt đầu lo sợ mình nhầm, người ốm uống nhầm thuốc bị trúng độc chết. Cách thức uống thế nào thì Bé học mãi mà không sao thuộc được. Thành thử thấy mỗi lần có người đến mua thuốc, Bé lấy làm sợ hãi vô cùng và chỉ mong người ấy đến mua thuốc giun vì thuốc giun dễ nhận nhất. Từ hôm nàng phải ngồi miết ở hàng, Bé nói với Mùi giao bác Lê gái việc đem bánh,chả đem bán bên phố Phủ, nhờ thế mẹ nàng cũng kiếm thêm được ít nhiều. Bỗng nhiên Bé vơ lấy hết cả các thứ để bừa bãi chung quanh người ấn vào va li một cách hỗn độn, khoá lại chỉ trừ cái dây lưng là để ở ngoài. Bé đưa mắt nhìn ra ngoài trời và hơi lo là có cơn mưa. Nàng chải đầu, vấn khăn lấy chiếc khăn lụa hoa che mắt rồi cuộn cái dây lưng mới cho thật nhỏ, nhét vào túi áo trong. Bé vừa sực nghĩ ra là bỏ cái dây lưng vào túi áo lúc đến gần bến đò mới thắt, như thế Đỗi có thể nhìn nàng với chiếc thắt lưng mới mà người ở xóm không ai biết. Vì thế nàng định đi ngay sang bến Trò để khoe với Đỗi cái thắt lưng mới. Bé khoá cửa ngoài, cơn mưa đã gần tới nhưng Bé không dám đi nhanh; gặp bác hai Liên, nàng đứng lại, nói chuyện một lát rồi lại chạy sang bên cụ Huế Hai. Bé làm như chạy sang chơi với các nhà ở xóm chứ không phải đi đâu. Rồi nàng rẽ ra chợ đi về phía nhà bác Bút. Nàng mừng thấy nhà bác Bút đóng cửa và đi quẹo ra phía con đường đi ra bến Trò. Gần đến lăng cụ Quận, Bé dừng lại và lấy dây lưng ra thắt. Gió thổi mạnh và trời tối sầm lại, nhưng lúc đó Bé không sợ có cơn mưa nữa. Những đầu dây lưng bay phấp phới trong gió, nền trời tối lại càng làm cho sáng thêm màu hoa lý của chiếc thắt lưng. Gió mạnh thổi dán vải váy vào đùi làm Bé bước vương vướng. Gần đến lúc gặp Đỗi để khoe chiếc dây lưng mới, Bé lại thấy bắt đầu ngượng. Nàng lại mong lúc đó mưa ngay xuống để có thể đến với Đỗi được tự nhiên, lấy cớ là tạm lánh mưa. Nhất là lúc đó gió thổi từ phía sau người lại, các đầu dây lưng cứ bay toả ra trước mặt nàng, trông đẹp và sang một cách lộng lẫy quá. Đỗi thấy đã chiều và trời sắp mưa, toan về thì trông thấy Bé. Chàng ngửa mặt sung sướng nhìn Bé đi xuống bờ sông. Người Bé in lên nền trời mây đen, nên cái khăn che mắt trắng hẳn lên. Cái khăn trắng rung rung trong gió và các đầu dây lưng phấp phới bay toả ra hai bên người nàng; Đỗi cũng để ý đến chiếc dây lưng mới và thấy Bé đẹp khác hẳn mọi ngày. Lòng chàng vui rối rít nhưng chàng lại bảo Bé: "Có mau mau mà về, trời bão đến nơi rồi". Bé bước chân xuống thuyền nói: "Không mua bán gì hôm nay cả. Đi sang làng Thảo về đến lăng cụ Quận thấy trời sắp mưa phải rẽ vào đây mượn cái nón. Có nón không?" Đỗi mỉm cười nhìn Bé rồi lại nhìn cái thắt lưng mới, ngẫm nghĩ một lát rồi nói: "Hôm nay quên đem nón. Ngồi đây một tí đợi tan cơn hãy về. Cơn này thì chắc không mưa đâu mà sợ". Cả Đỗi và Bé không ai để ý đến chỗ vô lý trong câu nói: nếu cơn này không mưa thì cần gì phải ngồi đợi cho tan cơn. Bé ngồi xuống và thấy thích là lần này Đỗi không nhìn vào mắt nàng mà lại chỉ nhìn vào cái dây lưng mới. Đỗi cũng quên cả hỏi xem mắt nữa. Đỗi thì thấy không cần bảo Bé lật khăn vì đã có gió lật hộ, chốc chốc gió lại lật chiếc khăn lên một lúc và chàng lại được nhìn mắt Bé tha hồ. Đỗi lại nhìn cái thắt lưng rồi ngửng nhìn mắt Bé, cứ như thế đến hai ba lượt, rồi mỉm cười. Bé gắt: "Cười cái gì! Sáu hào rưỡi đấy". Đỗi nói: "Đẹp nhỉ, nhưng tôi cười cái khác cơ". "Cái khác là cái gì?" Đỗi đáp vắn tắt: "Đằng ấy biết rồi". Rồi chàng giơ tay với một đầu dây lưng, xoa xoa trong tay ngắm nghía: "Đằng ấy hoang nhỉ?" "Hoang gì. Người ta mua về để mặc Tết. À mai kia, tôi phải về quê ăn Tết". "Sao không ăn Tết ở đây cho vui". Tuy là về quê ăn Tết chỉ độ dăm bẩy ngày, ngắn hơn quãng thời gian giữa hai lần gặp Đỗi, mà Bé cũng thấy buồn bã trong lòng và lần này đến có vẻ như từ biệt Đỗi để đi đâu xa và lâu lắm. Bé nói: "Về quê ăn Tết thích lắm chứ. Này làm thế nào bây giờ, mưa đến nơi rồi kìa. Con khỉ, thế mà dám nói mẽ là trời không mưa". Đỗi cười xoà: "Mưa thì chui vào khoang". Mưa nặng hạt, gió thổi mạnh mà cái khoang lại thấp và chật. Hai người phải ngồi thu mình ở tận phía trong nhưng cũng không tránh được ướt cả chân. Nước mưa rào rào trên khoang, bắn cả nước vào mặt Bé và Đỗi. Những hạt mưa to và mau đến nỗi làm đục cả mặt nước sông. Bé và Đỗi ngồi yên bị bao trùm bởi mưa rơi khắp quanh thuyền và tiếng rào rào trên mái khoang không ngớt; hai người thấy xa hẳn thế giới bên ngoài và tuy vừa rét vừa ướt cũng mong cứ mưa thế mãi. Đỗi nhìn Bé: "À quên mất, cho người ta xem mắt nào". Bé gắt: "Mưa thế này thì xem gì". Nói thế nhưng nàng cũng đưa tay lật khăn lên và giắt hẳn hai đầu khăn vào cho gió khỏi thổi hắt xuống. Đỗi vừa nhìn Bé vừa ngẫm nghĩ. Quả tim chàng đập mạnh. Chàng thấy không lúc nào tiện bằng lúc này để ngỏ tình yêu cho Bé biết. "Hừ, mắt sao độ này đỡ hẳn ra". Bé cũng nghĩ nếu Đỗi lúc này có đặt tay ôm lấy vai nàng như trong bức tranh ở hộp bích qui thì nàng cũng không ngượng lắm. Khoang chật nên hai người phải ngồi sát gần chạm người vào nhau. Mưa to như thế kia, chắc không có ai ra bến đò làm gì. Bé thấy là một cơ hội ít khi có và lấy làm khó chịu rằng cả đến việc giẵmchân nàng Đỗi cũng không nghĩ tới nữa. Bé lại nhìn trời mưa, nói: "Mưa này thì biết bao giờ cho tạnh". Nàng lại ngồi sát vào người Đỗi một tí. Đỗi cũng nhìn trời mưa: "Không khéo bão rớt mất". Rồi Đỗi cũng nghiêng người cho vai chạm sát mạnh thêm một tí vào vai Bé. Chàng gật gù nói: "Bão rớt thì đến mấy ngày mới tạnh. Mùa này mà có bão kể thì lạ thật". Chàng lại gật gù nữa như có vẻ lấy làm lạ về điều đó nhưng chỉ cốt được thấy vai mình cọ vào vai Bé. Bé nói: "Mưa ướt hết cả vai rồi. Sao đằng ấy lại quên không đem nón". Đỗi giơ tay đặt lên vai Bé: "Ừ, ướt cả vai rồi". Đỗi cứ để yên tay mình trên vai Bé. Một lúc sau Đỗi dịu giọng hỏi: "Đằng ấy có lạnh không". Bé gắt: "Lạnh gì, đương nóng ran cả người đây". Nói thế rồi Bé nghiêng đầu đặt má vào vai Đỗi. Bỗng Bé giật mình đến thót một cái, làm Đỗi hốt hoảng vội vàng bỏ tay ra, ngồi thẳng lên: "Chết tôi rồi, nó thôi". "Cái gì thôi". "Cái thắt lưng". Đỗi cười: "Ngỡ gì. Làm người ta hết cả hồn vía tưởng có ai đến". Bé cau nét mặt, nhìn một mảng xanh loang trên yếm trắng: "Chứ không hết hồn vía à? Giời đất ơi! Cái thắt lưng sáu hào rưỡi". Bé vội vàng cởi thắt lưng, sợ nó loang hết cả cái yếm. Đỗi yên tâm và mạnh bạo hơn, lại giơ tay ôm lấy vai Bé và lần này ôm chặt hơn vào cổ Bé. Bé như không để ý đến Đỗi ôm cổ mình, đưa cái thắt lưng ra ngoài mưa cho ướt hết rồi vắt và thấy nước thôi ra xanh lè. Tuy trong người mê man vì sung sướng, Bé cũng thấy tức đầy ứ lên cổ. Nàng không tiếc gì số tiền mua nhưng nàng khó chịu vì đã ao ước mãi, mong đợi mãi mới dám mua cái thắt lưng mà lại bị cái thắt lưng hỏng, lại vì háo hức mua quá nên quên xem xét cẩn thận nên bị bà Lục đánh lừa. Đem trả lại bà Lục và mắng bà ta một trận, nàng không dám làm vì như thế sẽ xấu hổ chết để bà ta biết mình đã bị hớ vì háo hức. Đến Tết thắt nó sẽ bị mẹ mắng là mua bán cẩu thả. Đem cất vào va li thì mỗi lần giở ra nó lại nhắc nàng đến cái bẽ đã bị lừa vì hấp tấp. Đỗi nói: "Sao mình không xem cẩn thận rồi hãy mua". Lần đầu tiên Đỗi gọi Bé là mình nên phải nói một câu cự Bé cho đỡ bớt vẻ thân mật. Bé rứt mạnh cái thắt lưng mấy cái như muốn xé tan cái thắt lưng. "Im đi. Người ta đã tức lắm rồi, lại còn nói đay nói nghiến cái gì. Này, thế này là xong". Bé vừa nói vừa vứt mạnh cái thắt lưng xuống dòng sông và nhìn nó trôi đi. Khi cái thắt lưng trôi khuất vào trong mưa, Bé nhẹ hẳn người, hết cả tiếc tiền, hết cả ngượng như là không từng mua dây lưng bao giờ. Bé nhìn xuống yếm và thấy hãy còn cái vết xanh; cũng may vết xanh mới loang ra có một tí, giặt chắc sẽ hết ngay. Bé lại đặt đầu mình vào vai Đỗi. Đỗi cúi đầu nói, cố ý làm cho má mình chạm vào thái dương Bé: "Tôi mua một cái thắt lưng khác biếu đằng ấy nhé. Một cái cũng mầu hoa thiên lý nhưng cái này nhưng không thôi". "Tốn chết". "Không, tôi có tiền mà. Đằng ấy nhận đi nào. Cười đi chứ, mặt phụng phịu thế này khó chịu chết". Rồi Đỗi lấy tay lay người Bé mấy cái. Bé ngửa mặt thành ra má nàng chạm vào má Đỗi. Nàng gật gật và mỉm cười. Cũng như lần đầu tiên nhưng lần này rõ ràng hơn nhiều, Đỗi cảm thấy một thứ gì rất nồng nàn toả ở da thịt Bé ra và hợp với chàng lắm. Chàng thấy trước là khi lấy Bé làm vợ rồi, đầu gối tay ấp, đếm mấy chục năm cũng không sao chán được cái hơi nồng nàn của người Bé mà hơi ấy chàng chỉ thấy có riêng ở người Bé thôi. Đỗi nói: "Thế ngày kia đến lấy thắt lưng nhé?" Bé thẳng người lên, nói: "Thế bây giờ đằng ấy cho em về nhé". Khi nói đến tiếng "em", Bé lại thấy thẹn và sung sướng hơn cả khi má nàng chạm vào má Đỗi. Đỗi kéo tay mình về, nhìn trời mưa đã hơi ngớt, nói: "Ừ thôi, mình về". Chàng thò tay ra đằng sau khoang: "Lấy cái nón này mà đi cho đỡ ướt". Bé nhìn thấy Đỗi kéo ra một cái nón thật, không phải Đỗi nói đùa, Bé cốc mạnh một cái lên đầu Đỗi: "Rõ thật, thế mà... Đồ nói dối". Đỗi cúi đầu xuống, lấy tay xoa đầu rồi cười xoà: "Thế đằng ấy có đi làng Thảo về không? Giời đánh đứa nào nói dối trước nhớ". Bé ngượng nóng bừng cả mặt, tức Đỗi đã nhiếc mỉa mình và biết đích là mình chỉ cốt đến đẻ khoe cái dây lưng mới, nàng giơ tay toan cốc đầu Đỗi cái nữa, nhưng bị Đỗi nắm được lấy cổ tay vặn xuống. Đỗi nghiến răng bóp thật mạnh vào cổ tay Bé làm Bé đau nhói lên. Nàng cựa quậy cánh tay để gỡ ra. Đỗi nói: "Thua chưa?" "Thua thế nào được". Rồi Bé giật mạnh tay thành ra kéo cả người Đỗi ngã về phía mình, nhưng Đỗi vẫn không buông tay lại bóp mạnh hơn làm Bé đau quá. Bé đâm cáu thật và giơ bàn tay kia mím môi véo một cái thật mạnh vào người Đỗi: "Đồ vũ phu, có buông người ta ra không nào!" Đỗi lại nắm chặt lấy cổ tay Bé và tay kia ôm ngang lưng Bé đặt người nàng ngả vào cạnh thuyền rồi Đỗi cúi đầu úp mặt vào ngực Bé, trên bầu vú. Tuy chàng đã thả lỏng cổ tay Bé mà Bé cũng không nghĩ đến kéo tay ra, yên lặng như thế một lúc rồi Bé đẩy nhẹ đầu Đỗi ra, ngồi thẳng lên, kéo cánh tay áo nhìn vào chỗ cổ tay bị một vệt lằn đỏ. Đỗi cũng nhìn vào vệt đỏ nhưng không nói gì. Cả hai người đều tránh nhìn mặt nhau. Sau cùng, Đỗi cầm cái nón đặt vào tay Bé. Bé cầm nón, chui đầu ra ngoài rồi đứng ở ván thuyền quay nhìn Đỗi. Đỗi cũng ngửng nhìn Bé. Hai người yên lặng nhìn nhau như thế một lúc lâu. Bé mỉm cười ngượng nghịumột cái rồi quay đi và Đỗi cũng mỉm cười ngượng nghịu cúi nhìn xuống ván thuyền. Đi gần đến nhà bà Ký Ân cạnh chợ xóm, Bé mới sực nghĩ là mình quên chưa kéo cái khăn che mắt xuống. Bé vừa đến cửa hàng thì có tiếng Nhỡ reo lên: "Đây rồi!" Bé giật mình nhìn sang hỏi: "Gì thế anh?" "Cô sang ăn cơm. Cả nhà đợi. Cô đi đâu về thế?" Bé bất giác nhìn xuống chỗ thắt lưng, nói: "Tôi có đi đâu đâu. Tôi chạy ra kia, bị mưa nên bây giờ mới về được". Nhìn thấy mâm cơm có món giả cầy và đĩa thịt chân giò luộc, Bé ngạc nhiên. Bác Lê gái thấy vai áo Bé ướt đẫm nước, nói: "Khổ con gái tôi chưa, ướt cả thế kia. Về bên nhà thay áo đã". Bé dựa nón vào tường rồi ngồi ghé bên cạnh mâm: "Con không sao, bu để mặc con. Sao bu độ này hoang thế?" Nàng nói đến đĩa thịt để xoay câu chuyện sang việc khác để mọi người khỏi hỏi mãi về nàng. Bác Lê gái nói: "Hoang đâu, thừa lộc quan Đốc đấy. Mua hai cái chân giò biếu quan Đốc một, quan giáo một thì quan Đốc lại vừa ra tàu về quê ăn Tết. Tao đem cả hai cái đem biếu quan giáo nhưng quan chỉ nhất định lấy có một cái". Rồi bác lại nói khoe lại một lần nữa với Bé về việc ông giáo rất ân cần với bác, khen bác nhà nghèo mà cũng cố nuôi được con đi học và Tý, theo lời ông giáo nói, học thông minh lắm. "Quan lại bảo nếu không đủ tiền thì cho Tý sang ở hầu hạ việc vặt, quan lại dậy thêm cho. Cũng may nhờ phúc Thần Đa nên được quan để ý đến nhà ta như thế này". Sự thực ông giáo đã để ý đến bác Lê gái không phải vì nhờ phúc Thần Đa như bác tưởng. Hôm đầu tiên đi bán bánh cuốn thay Bé, thấy Bé nói nhà ông giáo cũng thỉnh thoảng mua bánh, bác đem bánh đến nhà ông giáo trước tiên. Lúc đương bốc bánh cho vào đĩa thì ông giáo tình cờ đi qua thấy bác rách rưới bẩn thỉu mà lại lấy tay bốc bánh không như cô bé bán hàng mọi ngày vừa sạch lại vừa có ý tứ lấy đũa gắp. Bán ở các nhà sang, Mùi đã dặn Bé phải lấy đũa gắp nhưng Bé quên không dặn lại mẹ. Nhìn thấy thế, ông giáo đứng lại: "Hừ, sao bác lại..." Bác Lê gái tưởng ông giáo đứng lại hỏi bác sao hôm nay lại đi bán hàng nên bác ngửng lên: "Bẩm quan lớn, vâng, cô Mùi đi cân gạo, cháu bé bận ngồi hàng nên con phải đi bán thay. Bẩm quan lớn cả nhà phải làm ăn vất vả mới đủ tiền cho cháu Tý sang nhờ quan lớn dậy bảo cho". Bác làm như việc Mùi đi cân gạo, việc nhà của bác, ông giáo đã biết cả rồi. Không mấy khi được ông giáo đứng lại hỏi đến nên bác sung sướng hỏi luôn ông giáo về việc Tý: "Bẩm quan, quan xem cháu Tý nó có học được không ạ?" "Hừ thằng Tý..." Về thằng Tý thì ông giáo nhớ lắm vì đã nhiều người nói cho ông rõ về tình cảnh nhà nó. Thì ra người đàn bà rách rưới kia là mẹ thằng Tý: "À, thằng Tý là con bác?" Mắt bác Lê sáng hẳn lên: "Bẩm quan lớn vâng ạ. Cháu có tám đứa con, nhưng chỉ có nó là... Cô Mùi, ông giáo Đông đều bảo nên cho nó đi học. Nhà cháu nghèo quan lớn xem cháu có học được không. Nếu nó..." Ông giáo thấy bác tỏ vẻ rối rít vì cảm động; tay bác nhấc bánh lên lại bỏ xuống, mắt chớp nhanh và hình như hơi ướt. "Thằng Tý nó học sáng dạ lắm. Nó học một ngày bằng đứa khác học ba ngày". Bác Lê gái cúi mặt xuống, ứa nước mắt, lấy tay xỉ mũi hất một cái mạnh, làm ông giáo đứng lùi ngay lại. Bác Lê gái quệt tay một cái vào váy rồi bốc chiếc bánh cuốn cho vào đĩa. Ông giáo vào nhà bảo con gái ra chọn lấy chiếc bánh khác và ở dưới cùng nhưng sáng hôm ấy, riêng ông, ông không ăn bánh cuốn. Hôm đưa chân giò đến biếu, ông giáo cũng nhắc lại đến chỗ Tý ngoan, chăm học và sáng dạ. Bác Lê gái vì thế sung sướng hơn cả ngày bán lợn. Bác đã có lúc nghĩ đến việc mua rượu cho chồng uống nhưng thấy chồng hình như không nghĩ gì đến rượu nên bác lại thôi. Bác Lê trai thì hôm ấy lại nghĩ đến việc uống rượu nhiều hơn là hôm bán lợn. Nhất là hôm nay trời cũng mưa to. Bác mới nghĩ ra được một cách mới và nếu cách ấy được thì cả đời không những bác không khổ sở vì rượu nữa mà lại sung sướng vì rượu. Cách ấy giản dị lắm và bác lấy làm lạ sao bây giờ mới nghĩ ra. Bác nghiệm ra rằng uống xong một chén đầu thì trong người bàng hoàng dễ chịu ăn ngon miệng, uống chén thứ hai thứ ba say đậm hơn và dễ chịu hơn nhưng lại phải cái say mê hẳn đi và đánh chửi vợ con. Bây giờ bác chỉ uống một chén thôi, tuy say không thú bằng khi uống hai ba chén nhưng cũng là say đủ để thú và ăn ngon miệng mà chiều nào cũng được uống. Bác nhớ lại một hôm Tết mấy năm trước, tình cờ đến nhà ông Hàn Điểm được ông cho uống một cốc rượu mùi. Bác không nhớ lại rõ cái thú say như thế nào nhưng có một điều chắc là ngày hôm ấy bác vẫn đi mừng tuổi các nhà, không xẩy ra chuyện gì. Nhưng lần khân mãi bác chưa dám nói ra với vợ. Đến lúc bắt đầu ăn thì hết không nói được nữa, lại phải đợi đến hôm Tết mới có dịp thử cách mới đó. Cũng may Bé lại đi đâu chưa về, phải đợi thêm một lúc nhưng bác cũng chưa dám nói. Bác bảo Bé: "Đi về mà thay quần áo đi. Chúng tao đợi cũng chẳng sao. Mặc áo ướt rồi lại bị cảm sốt như hôm nào thằng Tý câu tôm ở bến Trò". Bé sang bên cửa hàng. Bác Lê trai đưa mắt nhìn vợ một cái, mỉm cười. Bác toan nói. Bác Lê gái chợt nghĩ có lẽ chồng mình đã mua giấu được chai rượu nào chăng như hôm bán lợn. "Này nếu đã mua trộm được rượu thì đem ra đây cả nhà uống". Bác Lê trai mừng rỡ; bác mỉm cười một cái thật tươi: "Làm gì có rượu. Này, bu này, tôi mới nghĩ ra được một cách". Rồi bác thong thả nói rõ cho vợ biết và dò ý tứ vợ. Bác Lê gái nhìn trừng trừng vào mặt chồng; hai con mắt phủ nhài quạt của chồng bác thấy như có dấu mưu mô đánh lừa bác. Biết đâu không là uống một tí lấy đà say để không sợ gì ai nữa và chạy đi mua thêm rượu về uống. "Uống thì uống không sao". Bác Lê gái nghĩ thế nhưng phải là do tự ý bác thuận mới được. Nhỡ nhìn cha thương hại và nói với mẹ: "Hay bu cứ mua một ít về xem sao. Bu chỉ mua một chén thôi. Bu cũng uống một tí cho vui". Tý cũng bênh cha nói chêm vào: "Uống một tí không sao đâu bu ạ. Con cũng uống một tí". Rồi Tý cười và cúi đầu xuống như để tránh cái cốc của mẹ. Thấy vợ có vẻ thuận, bác Lê trai mừng rỡ và nói đùa: "Mua có một chén mà đứa nào cũng đòi uống một tí cho vui thì còn gì phần tao nữa". Bác Lê gái cũng cười vui vẻ: "Chúng mày đứa nào cũng về bè với bố. Tao cũng đến chết với bố con mày thôi. Thôi tao đi". Nhỡ nói: "Bu để con đi mua cho". "Mày đi thì ai dám bán. Mày lại mua một chai to về thì đến chết tao". Bé đi sang nhà thấy mẹ ở cửa đi ra tay cầm cái chai không, vội hỏi: "Bu đi mua gì?" "Tao đi mua rượu. "Bu đi mua rượu?" "Ừ tao đi mua rượu cho bố mày uống". Bé lật khăn che mắt, nhìn mẹ mỉm cười. Bác Lê gái hỏi: "Mày cũng muốn uống à?" "Không, con uống vào đau mắt chết. Phải đấy hôm nay có chân giò, thầy uống một ít rượu cho vui". "Lại mày nữa. Tao cũng đến chết. Thôi tao đi". Bác đến thẳng nhà ông Năm Bụng. Thực ra hôm nay chính bác, bác cũng muốn uống rượu vì thế bác cần mua rượu lậu dễ uống hơn. Bà Năm Bụng đương ngồi thấy bác Lê đi vào, vội vàng đứng dậy, dắt hai đứa con vào buồng. Bà tưởng chồng mình đã bán rượu cho bác Lê trai và bây giờ bác Lê gái vác chai không đến làm tang chứng để mắng chồng mình. Ông Năm Bụng thì không sợ hãi gì, ông cất tiếng hỏi: "Bác mua rượu để cúng?" "Không tôi mua rượu cho thầy cháu uống". Ông Năm Bụng hừ lên một tiếng nhưng nét mặt ông vẫn không tỏ vẻ ngạc nhiên. Bán xong, ông đứng ở cửa và những vết nhăn ở đuôi mắt ông giãn ra như mỉm cười. Cụ Huế Hai đương ngồi ở bực cửa hát nghêu ngao. Cụ đã uống xong bữa rượu chiều nhưng vì cụ Huế Cả đi sang phố Phủ vắng nên cụ không sang sinh sự để cãi nhau được, cụ đành ngồi hát. Mọi người đều thấy rằng nếu không có cụ Huế Cả thì cơn say của cụ Huế Hai rất dễ chịu; cụ ngồi ở cửa hát đủ các giọng Huế và tiếng hát cụ nghe hay và buồn lắm. Gặp ai cụ chỉ nói đùa. Thấy bác Lê gái, cụ chạy ngay ra rồi kéo thắt lưng: "Có rượu đấy à, cho lão này uống với". Cụ nhắm mắt lại một lúc lâu rồi lại mở to ra gần như rách cả kẽ mắt, con ngươi cụ đưa đi đưa lại thật nhanh. Mắt cụ tròn xoe và long lanh như mắt mèo; cụ uốn éo người gần như ngã nhưng không ngã và cụ hất bàn tay một cái vào mặt bác Lê: "Mua rượu cho chồng uống đấy à?" Rồi cụ hát to vang cả phố theo giọng hát ru Huế: "Ai kêu nheo nhéo bên sông, tôi còn mua rượu cho chồng tôi xơi". Và cả phố ai cũng ngơ ngác nhìn bác Lê đi qua, tay cầm chai rượu. Về đến nhà, con cái ngồi ở mâm đều reo lên. Chỉ có bác Lê trai là ngồi im. Thấy các con đứa nào cũng vui mừng vì mình được uống rượu, bác cảm động. Trong mâm lại có đồ nhắm ngon. Giá nhà giầu, để chiều nào cũng có rượu ngon với thức ăn ngon như thế này, vợ con quây quần quanh mâm, vui vẻ như hôm nay, thì càng có nhiều con càng vui. Thoáng một lúc bác thấy nao nao nhớ Tuất đứa con trai của bác, năm sáu năm trước vì đói kém phải bán cho cụ đồ Vinh làm con nuôi; Tuất ở với cụ đồ Vinh được ăn no mặc ấm nhưng lúc này bác lại thấy thương Tuất. Bác đưa mắt nhìn vợ đương chăm chú rót rượu ra hai cái chén cho vừa đầy, trong chai còn thừa một ít đem hắt ngay xuống đất. Bác Lê gái bưng cốc đưa cho chồng. "Mời thầy nó xơi". Bác Lê trai đỡ lấy cốc đưa lên môi nhìn vợ nói: "Bu mày..." Bác Lê gái cũng nâng chén nhìn lại chồng mời: "Thầy mày..." Bác Lê trai nhắp một ngụm nhỏ và thấy ngon như người khát được uống nước suối. Bác gái cũng uống một hụm và cay chảy cả nước mắt. Bác Lê trai toan nói: "Giá lúc này mà có cả thằng Tuất..." Nhưng bác không dám nói ra sợ vợ buồn. Bác lại cảm động vì hôm nay lần đầu tiên trong đời được vợ chiều mua rượu cho mình uống. Bác thấy nước mắt đã rưng rưng ướt cả mắt và bác chớp luôn để khỏi khóc; bác Lê gái thì tưởng chồng vì uống rượu nên cay mắt. Nhỡ cũng nhấc chén uống một ngụm to. Chàng uống được rượu nhưng không mấy khi dám uống chỉ trừ những lúc ăn giỗ ở đâu hay hôm nào kéo xe đi thật xa trong người mệt mỏi. Bác Lê gái bảo Bé: "Đau mắt gì. Uống một tí cũng không sao". Nể mẹ, Bé cũng nhắp một ngụm, ngẫm nghĩ một lát rồi lại uống thêm một ngụm nữa và sau khi nhai xong miếng thịt luộc, Bé lại nhấc cốc uống một ngụm thứ ba. Bác Lê gái vội giằng lấy chén: "Uống gì mà uống nhiều thế. Đau mắt chết. Nói vậy nhưng sau khi uống, bác lại đặt chén bên cạnh Bé. Bác uống thế là say lắm rồi và thấy Bé uống được rượu, bác hy vọng Bé tiêu thụ được hết chén để bác Lê trai không có rượư uống thêm. Bác đã thấy choáng váng hoa cả mắt; bác nghĩ đến hôm nay chồng có say như mọi lần, cần phải đánh nhau một trận kịch liệt thì cũng đánh nhau chơi, không sợ gì. Bác Lê trai đã uống gần cạn chén, trong người thấy phiêu phiêu dễ chịu. Bác thấy cái lối uống ít rượu có lẽ thành công và ngẫm nghĩ trước đến cái thú buổi chiều nào cũng được ngồi khề khà với một đĩa lạc rang hay đậu phụ chấm mắm tôm. Tuy say thế còn thòm thèm không thú hẳn như khi uống hai ba chén nhưng bác cũng tự an ủi là cái say nhè nhẹ nó có một cái thú khác. Ăn cơm xong cả nhà ngồi đợi. Yên lặng một lúc khá lâu rồi bác Lê trai mới chợt nhận thấy vợ và mấy đứa con lớn ngồi nhìn bác như rình trộm, bác bật cười. Bác Lê gái cốc một cái vào đầu Tý: "Ồ, không việc gì!" Tý nói: "Thì con đã bảo bu. Mai bu lại mua rượu cho thầy uống nhé". Bác Lê trai với cái điếu cầy kéo một hơi dài rồi thở khói che mờ cả mắt: "Thằng Tý nó hợp ý tao. Mai bu mày mua đậu phụ về nướng chấm mắm tôm để uống thử một bữa nữa xem sao?" Bác mỉm cười nói tiếp: "Chiều nào cũng uống thử như thế". Cho đến lúc đi ngủ cũng không xẩy ra chuyện gì. Nhỡ say bàng hoàng nên không nghĩ đến đi ngủ; chàng ra ngồi ở gốc đa và cất tiếng hát chèo theo tích Lưu Bình - Dương Lễ. Gió hơi lạnh nhưng chàng say nên không thấy lạnh gì cả. Giọng hát có hơi rượu vào, Nhỡ lại thấy trong hơn mọi khi. Chàng cất tiếng hát thật to để Mùi ở trong chùa Hàn nghe thấy. Nhỡ ngồi hát thế chỉ cốt để Mùi nghe; chàng tưởng mình cũng như chàng Trương Chi, có lẽ vì vậy nên Nhỡ bao giờ cũng tránh hát bài "Anh Trương Chi" sợ hát thế có vẻ lộ quá. Ở nhà trước cửa, ông Ninh Ký từ chiều đã lo sợ mất ngủ. Cụ Yểng ngồi ngong ngóng đợi. Đợi mãi nhưng không thấy có tiếng cãi nhau mà lại có tiếng Nhỡ hát vang ở đầu cầu đưa lại. Cửa hàng cụ hôm nay không có khách; ngồi một mình trong gian nhà rộng với bốn năm cái phản trống không, gió lạnh lọt qua hai cái cửa gian làm rung rinh cây đèn treo và ánh đèn mờ tỏ, lại nghe tiếng hát than vãn, cụ chợt nhớ đến chồng và thấy hiu hiu buồn. Bé nằm ở bên cửa hàng bánh cuốn, cũng không ngủ được. Từ lúc ở bến đò về, ngồi ăn cơm đông đủ cả nhà, ăn thức ăn ngon lại uống rượu, vui mừng vì việc cha nàng uống rượu mà không đánh đập vợ con nữa, Bé vẫn cảm thấy mình sống riêng rẽ với cái vui sướng. Tuy Bé chưa có thì giờ nghĩ đến nhưng nàng vẫn biết là nỗi vui riêng ấy vẫn nằm yên trong lòng mình. Đến lúc về nhà đóng cửa cẩn thận rồi, Bé mới thấy quả tim bắt đầu hồi hộp. Nàng đi chập choạng nửa vì say rượu nửa vì sung sướng. Nàng nằm xuống ổ rơm, mặt ngửa, mắt mở to nhìn vào trong bóng tối. Bé lắc bàn tay phải và thấy còn hơi đau ở cổ tay; nàng đặt tay lên ngực vào chỗ mà ban chiều Đỗi vừa úp mặt vào rồi lắc đầu một cái và thở dài. Lần đầu tiên trong đời Bé đã được người con trai ôm lấy mình; nàng ôn lại trong trí lúc Đỗi đặt tay vòng lấy cổ, lúc nàng ngả đầu vào vai Đỗi, Đỗi cúi mặt chạm má vào má mình và nhất là lúc Đỗi đặt nàng vào cạnh thuyền và úp mặt vào ngực mình. Bây giờ nghĩ lại thấy người nóng ran vì thẹn và sung sướng hơn cả lúc ở bến Trò.