Phần II

IV. Tâm trạng BHN qua vài tác phẩm tiêu biểu của ông:
Có thể nói những áng thơ văn của họ Bùi cũng như nhiều kẻ sĩ yêu dân yêu nước thời kỳ vừa kể trên, ít nhiều đều bộc lộ nỗi đau xót này. Xin trích vài bài để ta cùng cảm thông những gì luôn nung nấu nơi tim ông:
Thời Cuộc
 
Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây
Đâu để giang sơn đến thế này
Ngọn lửa Tam Tần phừng đất cháy,
Chòm mây Ngũ quý° lấp trời bay
Hùm nương non rậm đang chờ thuở,
Cáo loạn vườn hoang thác có ngày
Một góc cảm thương dân nước lửa,
Đền Nam trụ cả há lung lay.
(°2 điển tích Tàu, dùng mô tả đất nước bị chia cắt, loạn lạc )
Và:
Ai khiến thằng Tây tới vậy cà?
Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba
Hẳn hoi ít mặt đền ơn nước,
Nháo nhác nhiều tay bận nỗi nhà
Đá sắt ôm lòng cam với trẻ
Nước non có mắt thấy cho già
Nam kì chi thiếu người trung nghĩa,
Báo quốc cần vương dễ một ta!
 
Rõ ràng một người sẵn có tấm lòng như vậy khó “đội đầu” hoài một triều đình như vậy. Thế nên năm 1862, khi triều đình ký hòa ước cắt ba tỉnh miền Đông cho thực dân Pháp, ông bất mãn xin từ quan, ôm ấp chí cao khiết:
Thú câu
Danh lợi màng bao chốn cửa hầu
Thanh nhàn quen thú một nghề câu
Giăng đường chỉ mảnh dòng khơi lộng,
Thả miếng mồi thơm vực cạn sâu
Khói nước Ngũ hồ tình cả đẹp,
Gió trăng kho cũ cảnh riêng mầu
Bá vương hội cả dầu chưa gặp,
Thao lược này ai biết đặng đâu?
Về lại rạch Bà Đồ quê cũ, ông mở trường dạy học, bốc thuốc, làm thơ, soạn tuồng và giao du với những bè bạn đồng chí hướng của mình như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Phan Tôn, Phan Liêm, Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự…
Theo sách Biên Hòa sử lược, dù đã từ quan, nhưng BHN đâu nỡ ngồi nhìn nhân dân lầm than, đất nước bị giày xéo, nên ngoài mặt ông lo việc dạy học, nhưng bên trong ông thầm tham gia nhóm Văn Thân do Thủ khoa Huân lãnh đạo chống thực dân.Khi khởi nghĩa bị phá tan, ông bị giặc bắt giam vào nhà tù Vĩnh Long (1868).Sau nhờ Tôn Thọ Tường can thiệp nên ông mới được tha.
Nói gọn lại BHN là một viên quan cương trực, thương dân nghèo, bênh vực nguời hiền lành nên bị bọn quan lại biến chất trù dập. Là một  nhà thơ yêu nước, ông đã dùng ngòi bút của mình mượn đề tài vịnh vật, vịnh sử để phê phán bọn bán nước, bọn xôi thịt và gửi gắm nỗi lòng mình.
Tuy đôi lúc trong thơ văn ông, cũng như nhiều nhân sĩ cùng thời  không sao tránh khỏi nỗi buồn hiu hắt của một nhà nho cảm thấy bất lực trước “cổ xe vận mệnh” của non sông, của dân tộc đang trượt dài:
-…Tu mi tự đắc bá phu trưởng
Tái thượng sa đà niên hựu niên
(Vĩnh Thông đồn trấn)
Dịch nghĩa:
Kẻ mày râu lấy làm đắc chí hơn được nhiều người,
Thế mà phải lần lữa ở cửa ải hết năm này đến năm khác
-Biên châu nhất trạo tri hà vãng
Tháp thượng đàm tâm tửu mãn tôn
(Thu cảm )
Dịch nghĩa:
Con thuyền chèo một mái không biết đi đâu
Trên mui thuyền ngồi tâm sự, rượu đầy chén
-An đắc sơn hà y cựu nhật,
Càn khôn túy lúy nhất tao ông
Dịch nghĩa:
Ước gì non sông trở lại như ngày cũ,
Ta sẽ say tràn trời đất, làm một thi ông
(Tức Sự )
Tự thuật:
I. Râu tóc giục ta già,
Gan ruột khó bày ra
Mong cùng cảnh xuân cả,
Ước Bắc Đẩu chiếu qua…
II.Mưa đổ, trời như thủng
Triều dâng nước chảy tràn
Đường đời bùn nước lấm,
Vườn tược cỏ mọc lan
Muỗi như sấm quanh gối,
Ếch tựa trống chiều ran
Tóc sương thương đời lụi,
Rượu một chén sầu tan.
 
(Bài thơ dài, nên chỉ chép phần
dịch thơ của Nhà thơ Vũ Đình Liên )…
V.Tạm kết chuyện:
 
Tôi muốn chép lại mấy câu cuối cũng do tôi viết ở bài Nhớ Nguyễn Thông để làm đoạn kết cho bài viết về một nhân cách lớn phải nhỡ nhàng trong buổi nhiều mưa gió này.Bất ngờ chú Bảy tạt qua nhà có ghé mắt xem và ngỏ ý góp thơ.Vì vậy, tôi chép nguyên văn mấy câu thơ của chú ra đây, vừa để bạn đọc cảm thông tình ý của một người nuôi cá da trơn vừa để xin kết thúc chuyện:
Đọc thơ Bùi Hữu Nghĩa, cảm tác
 
Người xưa làm thơ
Sẻ chia cảnh đời cùng cực
Để nói lên…
Mặc vua chúa buộc ràng
Thơ hôm nay
Xin đừng giống phim Hàn Quốc,
Giả dối khóc cười, thừa thãi hợp tan…
Bùi Thụy Đào Nguyên, biên soạn
 
 °Thêm vài tư liệu liên quan:
1. Bùi Hữu Nghĩa để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như:Kim thạch kỳ duyên (tuồng), Quan công thất phủ hạ bì, Hạ ám mộ cảnh, Văn tế vợ,Thơ khóc vợ, Tây du, Mậu tùng vv…
Riêng vở tuồng ba hồi “Kim Thạch kì duyên” mang nội dung thuật lại cuộc tình duyên đầy sóng gió giữa chàng Kim Ngọc & nàng Thạch Võ Hà. Qua đó ông ca ngợi tình yêu chung thủy, đấu tranh với cái ác, khinh ghét kẻ tham vàng bỏ ngãi,…Cùng với các vở của Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, vở tuồng này đánh dấu sự chuyển biến của tuồng VN cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20.
2.Theo sách Biên Hòa sử lược:
 
-Sau khi vợ mất và BHN hãy còn làm lính ở Vĩnh Thông, ông có làm lễ đính ước với Lưu Thị Chỉ, con ông xã trưởng Lưu Văn Dự, người ở tại nơi đấy.Nhưng không dè khi ông được lệnh đi sang Xiêm (1857,?), bên đàng gái vội bội ước đem hôn thê của ông gã cho Đề Đinh, thế người chị tên Lưu Thị Ý (Hoán ) cho ông.Vì lẽ đó BHN soạn tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên nhằm khéo chỉ trích lòng dạ mau đổi thay của những con người này.
-Nơi đặt phần mộ của BHN bây giờ, khi xưa là vườn Vĩnh Lộc của  Đốc Phủ Dương Tấn Hỹ. Và tấm bia mộ ông có khắc mấy chữ:
“Đại Nam Hiển khảo
Giải nguyên Bùi phủ Quân chi mộ
Nam: Bùi Hữu Tú kĩnh lập”
-Và tại chùa Nam Nhã (nơi từng lưu dấu chân của Phan Bội Châu, Cường Ðể, Ngô Gia Tự); đình Bình Thủy (đều ở phường Bình Thủy,Tp Cần thơ) đều có ba bài vị thờ ông và hai người vợ của ông.
3.Do rạch Bình Thủy có hình tựa con rồng nằm, nên từ lâu người dân nơi đây còn gọi là Long Tuyền, đấy một làng cổ tiêu biểu ở miền tây Nam bộ. Hiện nơi này còn nhiều đồ cổ, kiến trúc xưa; và phong cảnh cây trái xum xuê, nếp sinh hoạt của dân, phảng phất ít nhiều hương vị cũ…
4. Tài liệu tham khảo:
-Hợp tuyển thơ văn VN 1858-1920.Nxb Văn Học 1984
- www.sokhcn.cantho.gov.vn
-Theo Phương Huy, báo Điện tử Cần Thơ
-Biên Hòa sử lược toàn biên, Lương Văn Lựu, 1973

Xem Tiếp: ----