Tặng Cậu Mợ Nghi, Tasmania, Úc
Để nhớ lại một thời niên thiếu ở QN.

 
Năm đó tôi sửa soạn lên lớp đệ Tam. Trong suốt những năm ở bậc trung học, thường thường năm nào cha mẹ tôi cũng bắt đi học hè, nhưng vì lớp đệ Tam được xem là lớp dưỡng sức nên năm đó tôi tha hồ rong chơi trong suốt ba tháng hè mà không phải học hành gì cả. Được gọi là lớp dưỡng sức là vì vừa qua kỳ thi Trung-học (brevet), nghỉ xả hơi chờ sang năm lên lớp đệ Nhị và chuẩn bị thi Tú-tài.
Khoảng giữa thập niên 60, kỳ thi Trung-học được bãi bỏ nên từ đó về sau lớp đệ Tam lại càng nhàn hạ lắm. Đối với tôi, năm học này rất thoải mái vì tất cả chương trình học đều giống như năm đệ Ngũ, chỉ đào sâu và học thêm một vài khái niệm mới. Tôi còn nhớ thầy dạy Toán đứng gân cổ giảng cho chúng tôi hiểu thế nào là “hàng điểm điều hoà” trong giờ Hình-học. Tôi vốn lơ-tơ-mơ về Toán, thấy khó lại càng không muốn tìm hiểu làm gì. Hơn nữa, năm đó thân xác tôi bắt đầu trổ mã, gọi nôm na là dậy thì. Ở cái tuổi dậy thì, có nhiều thứ khác cần chú ý hơn là tập trung tư tưởng vào môn Toán. Tôi biết chăm chút mái tóc hơn là ngồi trau chuốt cho bài bình luận của giờ Việt văn. Và nhất là có những cuốn sách khác quyến rũ hơn những pho sách giáo khoa; đó là tiểu thuyết. Tiểu thuyết có đủ loại để đọc, loại tình cảm, dã sử, trinh thám…v... v, loại nào cũng hấp dẫn cả. Riêng tôi lại mê kiếm hiệp mặc dù đôi khi cũng thích những chuyện tình ướt át. Tôi bắt đầu làm quen với những nhân vật huyền hoặc trong pho tự điển của Kim Dung. Càng đọc càng say mê. Dĩ nhiên, tôi không thể ngang nhiên mở cuốn Anh Hùng Xạ Điêu hoặc cuốn Vườn Thuý để đọc bất cứ lúc nào, mà phải đọc lén. Làm bậc cha mẹ, ai cũng muốn cho con cái theo đuổi việc học để sau này, trước hết kiếm chút tương lai ấm lấy tấm thân, sau nữa cho các bậc sinh thành hãnh diện với láng giềng nên không thể chấp nhận con cái cầm một cuốn sách nào khác hơn là cuốn sách giáo khoa. Tôi làm sao hiểu hết sự cần thiết của việc học hành. Hơn nữa, những nhân vật trong truyện giúp cho những thằng con trai mới lớn như tôi mơ ước được nhiều thứ, cho dù đó chỉ là không tưởng.
Nhà tôi có căn gác lửng, là nơi cha mẹ tôi để riêng cho tôi đèn sách, kỳ vọng thằng con sẽ giật được mảnh bằng Tú-tài làm nở mày nở mặt với xóm giềng. Cái bàn học tôi được kê sát cửa sổ, nhìn sang những dãy nhà san sát, cũng xây theo một kiểu như nhau trong con hẻm nhỏ. Căn gác mở ra một hàng hiên, có dãy ban-công bằng gỗ. Cả hàng hiên được phủ mát bởi những tàng cây rậm rạp của cây sầu-đông mọc bên cạnh nhà. Thời gian lý tưởng nhất trong ngày là lúc không gian đứng im lìm mệt mỏi, thời khắc trôi chầm chậm uể oải của một buổi trưa hè oi bức, có cơn gió mát thổi hiu hiu qua căn gác, đâu đó có tiếng chim hót trộn lẫn với tiếng ve sầu kêu râm ran trên tàng cây, đó là lúc tôi ngồi tựa lưng vào vách gỗ, say mê hàng giờ với những nhân vật không tưởng được nhào nặn tài tình dưới ngòi bút ma thuật của Kim Dung và Quỳnh Dao.
Vào một buổi trưa, cũng như bao buổi trưa khác, tôi leo lên căn gác, lén cầm theo cuốn Anh Hùng Xạ Điêu, ngồi tựa lưng vào vách, nghiền ngẫm đoạn Quách Tĩnh gặp Hoàng Dung, say mê đến nỗi mà có tiếng gọi bên tai mà vẫn không hay. Tiếng gọi khá to nổi lên giữa buổi trưa hè yên ắng làm tôi giật mình gập vội cuốn sách nhìn lên.
- Em chăm học quá há. Hè rồi mà vẫn còn học hả em?
Tiếng nói phát xuất từ căn gác nhà bên cạnh. Tôi quay đầu và nhận ra một thiếu nữ đang chống tay vào ban-công, mái tóc thật dài, nhìn tôi cười cười. Tôi nghe loáng thoáng học… học gì đó và chợt nhớ ra trong tay đang cầm cuốn sách kiếm hiệp. Mặt đỏ bừng, tôi cười gượng:
- Không… không, em… em đang đọc truyện.
Người thiếu nữ vẫn hồn nhiên:
- Truyện gì vậy? Cho chị xem được không?
Tôi đứng lên, giấu cuốn sách sau lưng:
- Ồ! Truyện… truyện này chị không thích đâu.
Người thiếu nữ đi dọc theo ban-công tiến dần về phía tôi. Khuôn mặt chị hiện ra rõ ràng trong tầm mắt và tôi chợt nhận ra người thiếu nữ có một khuôn mặt thật khả ái, hiền thục. Tính ra đến lúc đó, tôi đã đọc không biết bao nhiêu pho sách, đã thấy những tác giả tả các nhân vật trong truyện như thế nào, trong đó có những nhân vật nữ. Nào là khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mắt bồ câu, đôi mày ngài. Cứ nhắm mắt lại là hình dung được một mẫu người lý tưởng và tôi đã ươm biết bao là mơ ước. Tuổi mới lớn chỉ dám mơ mộng thôi chứ chưa hề nghĩ đến chuyện đối diện với một người con gái. Vậy mà giờ đây có một thiếu nữ đẹp như người trong tranh đang tiến lại gần tôi, hỏi han thì làm sao tôi không cuống lên được. Tôi gần như á khẩu, miệng lắp bắp nói không thành tiếng. May mà có cuốn sách tôi đang cầm sau lưng nên tay chân đỡ luống cuống. Cần nói thêm là bất cứ thằng con trai nào trong lứa tuổi dậy thì đều có giọng nói khàn đục, khuôn mặt đùn lên đám mụn như những cù lao nhỏ rải đều trên bờ vịnh. Khuôn mặt như thế vốn đã khó coi, còn tôi lúc đó chắc càng khó coi hơn nữa vì lúng túng, ngượng ngùng, tay chân thừa thãi. Cũng may, cử chỉ thân thiện và giọng nói dịu dàng của người thiếu nữ giúp tôi lấy lại bình tĩnh thật nhiều. Tiếng người thiếu nữ:
- Thì cứ đưa chị xem thử!
Tôi đành đưa cuốn sách ra:
- Truyện kiếm hiệp mà, chị đâu thích những loại này.
Nụ cười của người thiếu nữ thật tươi:
- Kiếm hiệp hả! Anh Kiệt thích lắm đó.
Tôi thắc mắc:
- Ủa! Chị nói anh Kiệt nào?
- À! Chị quên chưa giới thiệu với em. Chị là Hảo, còn anh Kiệt là chồng chị. Thế còn em?
- Em hả? Hưng. Anh chị mới dọn đến hả?
- Ừ! Anh chị mới thuê căn gác này được mấy ngày.
- Thảo nào, em lên đây đọc truyện hoài mà đâu thấy ai. Lúc nãy, chị hỏi làm em giật mình.
Chị Hảo nghiêng đầu, nheo nheo đôi mắt:
- Lén lên đây đọc truyện phải không?
Tôi làm lơ không trả lời câu hỏi của chị:
- Thế anh Kiệt đâu chị?
Chị Hảo nghiêng đầu hất mái tóc ra phía sau. Tôi chợt để ý đến suối tóc óng ả của chị chảy quá nửa lưng. Phải gọi là suối tóc vì một màu đen nhung thuần chất, mượt và mềm mại như giòng nước uốn mình qua khe. Mái tóc sóng sánh mỗi khi chị hất hất đầu sang bên. Buổi trưa hè, có cơn gió nhẹ thổi bay bay mái tóc huyền làm khung cảnh trở nên thơ mộng. Thuở đó, tôi chưa biết định nghĩa thế nào là đẹp. Tất cả những lối tả ví von của mấy ông nhà văn tôi cũng chưa hình dung được nhưng khi đối diện với khuôn mặt của chị Hảo chỉ cách hơn hai sải tay, tôi đã mường tượng được đây phải là một khuôn mẫu để diễn tả nhan sắc. Tôi không biết khuôn mặt trái xoan như thế nào, cũng không biết mũi dọc dừa ra làm sao, lại càng không biết thế nào là đôi mắt bồ câu – mặc dù mắt mấy con bồ câu nhà tôi nuôi nhìn lờ đờ chứ chẳng thấy gì hấp dẫn – vậy mà buổi trưa hôm đó tôi thấy khuôn mặt của chị Hảo có đủ tất cả những nét tuyệt vời mà trí óc tôi có thể tưởng tượng được. Cả người chị toát ra một sức thu hút kỳ lạ, từ giọng nói đến dáng người, làm tôi cứ ngỡ mình là một thư sinh trong truyện Liêu-trai huyền bí (đúng là lậm tiểu thuyết). Không biết có phải những đốm nắng nhảy múa lung linh trên khuôn mặt chị làm tăng thêm vẻ huyền hoặc hay không nhưng người tôi như ngây ra khi đứng trước dáng người thanh tú của chị. Một vẻ đẹp dịu dàng, tự nhiên không chút son phấn, hiền hoà dễ làm mềm lòng người đối diện.
Nhận xét của tôi là nhận xét của một thằng con trai mới lớn, bắt đầu biết mộng mơ một khuôn mặt, biết rung cảm trước một sắc đẹp và lòng thấy bồi hồi khi trò chuyện với một người khác phái. Đột nhiên tôi buột miệng:
- Chị đẹp quá!
- Chà! Biết nịnh đầm nữa há! Sao em nịnh chị giống anh Kiệt vậy?
Tôi đỏ mặt:
- Không! Em nói thật mà, chị đẹp thì em nói đẹp chớ biết nịnh ra làm sao đâu!
Chị nguýt tôi. Ôi chao ôi! Cái nguýt của chị làm tôi sướng lịm cả người.
- Đàn ông con trai đều giống nhau ở điểm này. Cứ nịnh mà không biết ngượng.
Tôi đánh trống lảng:
- Anh Kiệt đi làm hả chị?
Chị lườm tôi một cái thật dài:
- Hoá ra chị trả lời rồi mà em có nghe gì đâu! Đã bảo là anh Kiệt đóng quân ở Phù-cát, cuối tuần về thăm chị rồi lại đi ngay.
Tôi nghe nói có một căn cứ không quân ở Phù-cát, một tỉnh lỵ cách thành phố Qui-nhơn – nơi tôi đang lớn lên – khoảng 30 cây số về hướng tây bắc. Đây là căn cứ tương đối lớn, gồm đủ loại máy bay hỗ trợ cho toàn Quân khu 2. Loại vận tải cơ C-130 nối liền đường bay huyết mạch chuyển lính và quân trang quân dụng từ Biên-hoà tiếp ứng cho cuộc chiến đang leo thang dữ dội tại miền Trung. Tôi hỏi chị:
- Thế anh Kiệt là phi công hả chị?
- Ừ! Anh ấy lái trực thăng.
Tôi làm ra vẻ hiểu biết:
- Sao chị không dọn ra ở Phù-cát với anh ấy luôn? Ở đây mỗi tuần gặp nhau chỉ có một lần, nhớ chết!
Chị Hảo cười vui vẻ:
- Em nói hay quá! Nhưng em biết gì mà nhung với nhớ. Coi bộ em lậm tiểu thuyết nhiều lắm nha!…
Thấy tôi mặt đỏ lên vì ngượng (không biết tôi đỏ mặt đến mấy lần rồi!), chị đưa tay ra đập đập trong không khí:
- Chị nói đùa cho vui! Từ nãy giờ chị cứ chọc em hoài, em có giận chị không?
Đứng nói chuyện với chị Hảo là một vinh dự đối với thằng con trai mười lăm tuổi như tôi. Giá chị cứ mắng nhiếc tôi mà vẫn được đứng nói chuyện với chị tôi vẫn còn cảm thấy thú vị nữa là vài ba lời chọc ghẹo vô thưởng vô phạt từ nãy giờ. Tôi nói thật với lòng mình:
- Chị có chưởi em vẫn còn được nữa là chọc. Chị đừng lo, em lì lắm.
Chị Hảo lại lườm tôi:
- Chà! Em khéo nói quá! Em lớn lên chắc cũng không vừa gì đâu! Mấy cô gái rồi chết hết với em. Càng nói chuyện chị càng thấy em giống tính anh Kiệt ghê?
Từ nãy giờ chị Hảo nhắc đến tên anh Kiệt đến mấy lần, lần nào cũng so sánh tôi với anh. Khi nhắc đến tên chồng, đôi mắt long lanh của chị ánh lên chút kiêu hãnh, khuôn mặt chị rạng rỡ, giọng nói của chị đầy vẻ trìu mến, thiết tha. Chẳng biết tính tôi có giống anh lắm không nhưng tôi chợt nhận ra chị đang nâng niu một tình yêu đậm đà với người chồng mà tôi chỉ mới nghe giới thiệu. Trong trí óc non nớt của tôi, tình yêu là một trạng thái tình cảm không tưởng, hầu như không có thật. Đọc nhiều đoạn tiểu thuyết diễn tả tình yêu như một loại trái cấm, ăn vào sẽ mắc nghẹn ở cuống họng, tôi cho đó là cường điệu. Còn mẹ tôi, ngay từ khi tôi còn nhỏ, đã ngăn cấm những chuyện liên quan đến phụ nữ chứ đừng nói đến chuyện yêu đương. Những gì có dính dáng đến đàn bà con gái mẹ tôi đều cho đó là điều cấm kỵ. Tôi còn nhớ những lần chạy chơi rượt đuổi mấy đứa bạn chui qua hàng dây phơi quần áo; trên đó có phơi mấy chiếc quần lãnh đen đàn bà và tôi bị gọi về ăn một trận đòn đích đáng kèm theo lời giải thích là muốn nên người thì đừng bao giờ chui qua quần đàn bà. Mẹ tôi còn dí ngón tay vào trán tôi phán rằng việc học của tôi sẽ chẳng đi đến đâu chỉ vì đầu óc đã bị ngu muội nhiều lắm rồi. Không biết đầu óc tôi lúc đó có bị lú lẫn hay chưa nhưng tôi vẫn còn đủ trí khôn suy xét và hiểu rằng mẹ tôi bày chuyện vô lý. Làm gì có chuyện chạy chui qua mấy cái quần đàn bà mà đầu óc lại ngu muội đi! Nghe như chuyện thần thoại. Mãi đến khi ngồi cắn bút vì mấy bài toán động tử ở lớp nhất tôi mới nhận thấy lời răn đe của mẹ tôi là đúng. Quả thật đầu óc tôi đặc sệt, chậm hiểu về toán học không thể tưởng được. Nhiều lúc không tìm được đáp số của bài toán, tôi tự vả vào má trách mình quá ham chơi chui qua mấy cái quần để giờ này ngồi nhăn mày bóp trán vì mấy bài toán. Theo lời mẹ tôi thì chui qua một lần đã thấy dốt rồi, còn tôi chui qua chui lại suốt mấy năm trường thì đến óc bác học cũng còn lú nữa là cái đầu thiếu chất xám của tôi. Lớn lên một chút, mẹ tôi lại càng cấm tiệt những gì dính dáng đến đàn bà con gái. Mẹ tôi răn đe rằng lớn lên là để học, dính vào chuyện yêu đương sớm chỉ có mụ người đi, người sẽ đờ đẫn ra như uống phải sữa người chết. Càng cấm tôi càng háo hức muốn nếm thử và dĩ nhiên chưa bao giờ có cơ hội. Đọc trong tiểu thuyết có những nhân vật chết lên chết xuống chỉ vì yêu, tôi chợt nghĩ sao dại dột thế, yêu nhau không được thì kiếm người khác, tội gì mà phải chuốc lấy cái khổ vào thân! Tôi cũng thèm muốn được yêu nhưng chắc chắn tôi sẽ không bao giờ phải lụy vì tình. Đành rằng tình yêu cần thiết thật nhưng đâu đến nỗi phải hy sinh cả cuộc đời chỉ vì hai chữ tình yêu. Cho đến khi gặp chị Hảo, nghe chị nhắc đến tên anh Kiệt với những lời lẽ trân quý, tôi chợt nhận ra rằng tiểu thuyết và cuộc đời có lẽ giống nhau ở điểm này; quả thật trên đời có những tình yêu bất diệt, cho dù phải đánh đổi ngay chính mạng sống mình để gìn giữ nó. Nói khác đi, cuộc đời sẽ không còn ý nghĩa nữa nếu để vuột mất một mối tình chân như thế.
Đó là lần đầu tiên tôi quen biết chị Hảo và dần dần biết thêm nhiều chi tiết về cuộc tình của chị. Những ngày kế tiếp, tôi không dám lên căn gác đọc truyện vì ngại chị Hảo bắt gặp. Tôi bỗng muốn chị nghĩ rằng tôi là thằng chăm học, lâu lâu đọc vớ vẩn vài ba cuốn tiểu thuyết, thế thôi. Muốn thế nhưng lại gây thế kẹt cho tôi là không còn chỗ nào lý tưởng để đọc lén cả. Chui qua nhà thằng bạn thì cũng không xong vì cha mẹ nó có cùng một mơ uớc về con cái như cha mẹ tôi. Hơn nữa, thằng bạn đọc truyện khổ sở hơn tôi nhiều. Nó lận cuốn sách trong người rồi chui vào cầu tiêu ngồi đọc. Đọc mê mẩn đến độ nó ngồi trong nhà cầu cả tiếng đồng hồ mà vẫn không hay, mãi đến khi bố nó muốn đi tiểu, gõ cửa mới lôi nó ra khỏi thế giới đầy những nhân vật mộng mị. Thế mà cha mẹ lại lo lắng sức khoẻ cho thằng con chỉ vì sợ nó mắc bệnh táo bón. Không còn kiếm được chỗ nào khác, tôi đành quay trở lại căn gác thả hồn theo những trang sách…
Nghỉ hè, ngày dài tháng rộng, tôi tha hồ đọc truyện và bước sang căn gác thăm chị Hảo. Thật sự, tôi không dám đường đột gõ cửa nhà chị nhưng vào một bữa trưa, khoảng hơn hai tuần sau ngày gặp gỡ, chị tất tả chạy lên gác tìm tôi, trong khi tôi đang chúi mũi vào cuốn tiểu thuyết của Quỳnh Dao. Chị vẫy tay:
- Này Hưng, chiều sang nhà chị ăn cơm nghe! Anh Kiệt về.
Tôi gấp sách, ngửng đầu lên:
- Vậy hả…,
Rồi tôi ngập ngừng:
- …Có sao không?
Chị Hảo lại đập tay vào không khí, giọng thân mật:
- Sao là sao? Anh em trong nhà cả chứ xa lạ gì. Để rồi xem, em sẽ mến anh Kiệt liền. Chiều qua chị nha.
Mặc dù gật đầu nhưng trong lòng tôi lại muốn từ chối. Từ chối là vì có cái gì vương vướng trong tâm tư. Anh Kiệt chăng?… hình như vậy. Trong suốt hai tuần, mỗi lần gặp tôi, chị đều say sưa kể chuyện về anh Kiệt; nào là chuyện quen nhau và yêu nhau, đã có những lúc giận nhau, rồi những tật xấu nho nhỏ của anh mà theo lời chị – bây giờ chị đã đâm nghiện, không có là thấy nhớ nhớ thế nào ấy. Khi sôi nổi kể chuyện, chị Hảo miên man và đắm chìm vào một thế giới riêng tư mà trong đó chỉ có chị và anh Kiệt, ngụp lặn trong tình yêu nồng nàn say đắm. Có lúc chị say sưa kể chuyện gần như độc thoại và không còn biết sự hiện diện của tôi nữa. Cứ nghe chị Hảo hễ một chút là nhắc đến tên anh Kiệt khiến tôi bỗng… ghen thầm với anh, một người đàn ông mà tôi chưa hề biết mặt. Không biết người đàn ông đó có gì khác biệt để chị Hảo yêu thương nồng thắm đến thế? Trong thâm tâm tôi không muốn gặp anh Kiệt, một người đàn ông hơn hẳn tôi về mọi mặt, nhất là đã chiếm trọn trái tim của chị Hảo, một người đàn bà mà đối với tôi gần như tuyệt hảo. Chỉ mới biết chị có hai tuần thế mà tôi đã đặt chị vào một vị trí trang trọng nhất trong tâm tư và có lúc tôi đã mơ nghĩ đến sau này phải có một người yêu rập theo khuôn mẫu của chị. Tình cảm của tôi dành cho chị Hảo đặc biệt đến thế nên tôi phải nhận lời và vì tôi không muốn thấy chị buồn. Đời của chị phải là một chuỗi ngày kết hợp những niềm vui. Tôi nghĩ chị sinh ra là để tận hưởng hạnh phúc chứ không phải để u sầu. Chỉ mới tưởng tượng đến khuôn mặt ủ dột của chị tôi đã cảm thấy xốn xang trong lòng chứ đừng nói đến thấy những giọt nước mắt rơi trên gò má đỏ hồng tự nhiên của chị. Tôi còn bị mê hoặc bởi giọng nói của chị trong veo như sương mai đọng trên lá non và nghe du dương như tiếng chim hót mỗi sáng trên đầu ngọn cây. Có lúc tôi đã ngồi lặng yên hàng giờ để tưởng tượng đến khuôn mặt của chị và tin chắc rằng những lời nói trầm bổng phát xuất từ đôi môi chúm chím đó có khả năng sai khiến tôi, thằng con trai mới lớn chớm biết mộng mơ. Ôi! Nếu không một ai có thể từ chối lời mời mang nhiều âm hưởng liêu trai của chị Hảo, thì tôi làm sao có thể từ chối được.
Chiều hôm đó, tôi lững thững bước sang căn gác chị Hảo. Vừa đẩy cửa bước vào, một mùi xào nấu thơm lừng xông thốc vào mũi làm tôi cồn cào cả bụng. Đồ đạc được bày biện sơ sài nhưng trông thật ngăn nắp, gọn gàng. Căn gác khá rộng, gần như được chia làm hai bên. Bên phải tôi là căn bếp, gồm một tủ đựng thức ăn, nồi niêu xoong chảo treo hết trên vách. Hai bếp dầu hôi đỏ rực lửa, đang ra sức thúc chín thức ăn. Ở góc bếp có chắn hai tấm tôn nhỏ bao quanh đề phòng lửa bén vào vách gỗ. Chị Hảo ngồi trên một cái đòn, quay lưng về phía tôi, bàn tay cầm đũa thoăn thoắt đảo qua đảo lại trong nồi. Mái tóc được búi lên cao, chị mải làm bếp nên không biết tôi đang đứng ở ngưỡng cửa căn gác. Ngay sát chỗ tôi đứng là một chiếc bàn nhỏ, bốn chiếc ghế xếp bằng sắt dùng để ăn cơm. Nhìn sang bên phải, tôi thấy một chiếc bàn gỗ lớn hơn, trông khá chắc chắn nhờ bốn cái chân to bản, chung quanh có sáu chiếc ghế đặt ngay ngắn. Xa hơn là tấm màn gió kéo ngang nửa chiều dài của căn gác rồi chạy thẳng sâu vào phía trong làm thành hình thước thợ. Mặc dù không thấy gì ở phía sau tấm màn nhưng tôi biết chắc là cái giường ngủ, tổ ấm của vợ chồng chị Hảo.
Tôi cứ đứng tần ngần ở đó mà không biết làm gì. Nhìn chị bận rộn với công việc bếp núc, tôi nửa muốn gọi chị Hảo, nửa muốn không. Đang ngơ ngơ ngáo ngáo, tôi giật mình khi nghe tiếng từ phía sau:
- Ủa! Sao đứng ngoài này vậy. À! Hưng phải không?
Quay lại, tôi bắt gặp một thanh niên to cao mặc áo thun trắng, quần đùi, mái tóc hớt cao dang nhìn tôi cười cười. Đoán ngay là anh Kiệt, tôi nép người sang bên:
- Dạ phải. Anh là anh Kiệt?
Anh gật đầu nói vào nhà chơi đi em, đến lâu chưa?… rồi đẩy đẩy tôi bước vào nhà. Nghe tiếng động, chị Hảo đang làm cơm quay lại:
- Hưng hả? Vào đây em.
Anh Kiệt đi ra phía sau bức màn:
- Ngồi đi em. Anh ra liền bay giờ.
Khuôn mặt chị Hảo đỏ hồng vì bếp lửa:
- Chờ chị nghe. Cơm sắp xong rồi. Còn món xào nữa là mình ăn cơm.
Tôi rón rén ngồi xuống ghế, hai tay xếp gọn trên đùi. Giọng anh Kiệt ồn ào:
- Uống gì không em? Nước chanh nhé?
Tôi rụt rè:
- Thôi… anh cho em nước lạnh cũng được.
Tiếng chị Hảo từ phía bếp vọng lại:
- Cứ tự nhiên nghe Hưng. Sắp xong rồi đây. Anh em ngồi nói chuyện một chút là có cơm liền.
Thấy ai cũng chú ý săn sóc, tôi càng lúng túng. Có lẽ tôi lúng túng với anh Kiệt thì đúng hơn. Đó là một thanh niên cao lớn, khoẻ mạnh, giọng nói sang sảng. Đôi lông mày rậm chạy gần suốt chiều dài của vầng trán cao và rộng. Mắt to đen, sống mũi thẳng, miệng khá rộng, trên môi lúc nào cũng gần như nở nụ cười. Nhìn chung, khuôn mặt anh dễ nhìn nếu không nói là đẹp trai. Điểm đặc biệt đập vào mắt tôi là cặp lông mày đen rậm chạy nhạt dần về phía sống mũi, gần đụng vào nhau, làm cho khuôn mặt anh trở nên nghiêm nghị hơn. Mới nhìn thoáng, trông như một vệt đen chia hẳn khuôn mặt ra hai phần không đồng đều. Đọc truyện Tam quốc, tôi mường tượng đến cặp lông mày của Quan Công, một dũng sĩ dưới trướng Lưu Bị. Dáng anh Kiệt có lẽ cũng oai hùng như viên tướng chặn đường rút của Tào Tháo ở Hoa Dung, suýt chặt đầu tên thừa tướng làm đảo lộn cái thế chân vạc thời Tam quốc. Cái vệt đen ngăn chia khuôn mặt trở thành nét đặc thù của anh Kiệt. Người ta khó quên được một khuôn mặt như thế. Mãi về sau, khi lớn lên, nhờ đọc ít chút sách tướng theo kinh nghiệm của người xưa, tôi mới chợt hiểu ra định mệnh đã gắn liền với cái vệt đen trên khuôn mặt điển trai của anh.
Anh Kiệt thân mật hỏi tôi nhiều chuyện; đại khái học hành ra sao rồi, lớp mấy, có bồ gì chưa…v..v. Đang bưng đĩa thịt đặt lên bàn, chị Hảo xua tay:
- Trời ơi, cái anh này, hỏi gì mà kỳ vậy. Hưng nó còn nhỏ biết gì mà bồ bịch.
Rồi quay sang tôi:
- Phải không em?
Lắc đầu cho câu hỏi của anh Kiệt và gật đầu cho câu hỏi của chị Hảo, tôi ngồi im lặng không biết nên trả lời ai trước. Anh Kiệt nhái câu nói của chị Hảo:
- Trời ơi, cái “chị” này, chuyện đàn ông con trai chúng tôi “chị” xía vào làm gì.
Chị Hảo làm mặt xấu dọa chồng:
- À! dám cãi lại hả, “chị” lại không cho ăn cơm bi giờ.
Nhìn hai vợ chồng cười đùa tự nhiên, tôi chỉ biết gượng cười. Họ pha trò với nhau xem như không có tôi đang ngồi trước mặt. Tôi bỗng thấy mình thừa thãi, tay chân lại lúng túng như lần chị Hảo bắt gặp ngồi đọc truyện. Có điều tôi không ngờ nếp sống gia đình của chị Hảo lại có những tiếng cười dòn tan đến thế.
Cuối cùng, bữa cơm chiều được bày biện ra bàn. Một đĩa thịt kho với trứng, món đậu chiên và tô canh chua bốc khói. Anh Kiệt ăn rất ngon miệng, còn chị Hảo luôn tay gắp thức ăn cho anh Kiệt và tôi. Chị cứ luôn miệng dục tôi ăn, đừng làm khách. Anh Kiệt ồm oàm:
- Ăn đi nghe Hưng, con trai phải ăn mạnh vào cho to con mà lái trực thăng như anh nè.
Chị Hảo bĩu môi:
- Thôi đi ông tướng. Cứ làm như lái trực thăng là số một không bằng.
Và vội miếng cơm, anh cười cười:
- Em học lớp đệ Tam rồi phải không? Sang năm là thi Tú-tài rồi còn gì. Thế sau khi đậu em tính gì chưa?
Tôi bỏ bát cơm xuống bàn:
- Chưa anh, mà em cũng không biết tính gì nữa. Học thì học vậy thôi chứ em chưa biết phải làm gì. Mà có chắc đậu không nữa. Nếu không thì lại phải đi lính như mọi người.
- Gắng lên, cố mà đậu. Giật cho được mảnh bằng rồi xin đi bay như anh để cho biết cái thú đi mây về gió…
Anh Kiệt ngửa người ra sau, giọng sảng khoái:
- …mà không dễ đâu nghe. Để anh nói cho em hiểu. Trước hết, muốn bay phải có Tú tài, phải to con cao ráo và điều quan trọng nhất là… phải đẹp trai nữa.
Mấy chữ cuối, anh nheo mắt chọc chị Hảo làm chị lúng búng suýt bị sặc. Chị nuốt vội miếng cơm, đưa tay che lấy miệng:
- Chời ơi! Xuống đây mà xem chồng tôi khen mèo dài đuôi nè.
Mặt tôi đỏ bừng khi nghe nói đến đẹp trai. Lứa tuổi trổ mã của tôi hiện rõ trên khuôn mặt đầy mụn, chưa kể đến những vết nám đen mọc lỗ chỗ kết quả của nhiều lần đứng trước gương nặn mụn non. Khuôn mặt như thế chỉ chọc con nít khóc đêm chứ làm sao đẹp trai được. Bởi vậy tôi đâm ngượng với chị Hảo. Khi thấy tôi đỏ mặt chị thật tinh ý hiểu ngay và đỡ lời:
- Để rồi xem, Hưng học bay đi em nhưng đừng thèm lái trực thăng nữa. Cỡ em lái A37 mới xứng.
Tôi cũng chẳng nói gì để phụ họa. Chuyện tương lai đối với tôi lúc đó quá xa vời, biết ra sao mà bàn. Bởi vậy tôi chỉ cười im lặng và cơm. Anh Kiệt rất niềm nở, xem tôi như một người em thật nhưng tôi lại không cảm nhận được hoàn toàn sự hiếu khách của anh. Đây là lần đầu tiên tôi gặp anh chứ không như với chị Hảo, chị em đã nói chuyện cả mấy tuần qua nên đã thân quen. Hơn nữa, anh Kiệt hay pha trò chọc chị Hảo cười, gần như không cần biết sự hiện diện của tôi. Thấy anh âu yếm cười giỡn với chị Hảo, tôi bực tức… ghen thầm. Trong thâm tâm, tôi bỗng có đôi chút ác cảm với anh Kiệt.
Kể từ hôm đó, tôi thường qua thăm chị Hảo, nhất là những ngày thiếu vắng anh Kiệt. Chị em đã thân thiện hơn nhiều lắm. Mỗi lần được ngồi nói chuyện với chị là một hân hạnh mà tôi không bao giờ khước từ. Chị em khi gặp nhau nói đủ chuyện, từ chuyện trường, chuyện học, chuyện mấy thằng bạn dở dở ương ương. Thế mà chị ngồi nghe chuyện chăm chú. Bù lại, chị kể chuyện ngày xưa đi học, chuyện anh Kiệt đi bay về phép gặp chị, chuyện yêu nhau rồi lấy nhau. Theo lời chị, đang học dở dang ở Văn-khoa thì lấy chồng. Khi anh Kiệt đổi ra căn cứ Phù cát chị theo chân chồng cho phải đạo. Thuyền theo lái gái theo chồng, chị Hảo nói vậy. Cũng theo lời chị, nếu chị ở lại Sài-gòn với gia đình thì vợ chồng ít gặp nhau, trừ những ngày nghỉ phép thường niên. Còn nếu chị thuê nhà ở Qui-nhơn thì cứ vài tuần anh Kiệt lái xe về, vợ chồng lại có nhau. Cái gì cũng không bằng ở gần, chị bảo thế. Chị thú nhận những ngày vắng anh Kiệt như thế này, chị nhớ anh quay quắt và nhiều khi nỗi nhớ nhung hành hạ, chỉ biết ngồi thở vắn thở dài chứ không tha thiết một chuyện gì. Thời gian khắc nghiệt vắng chồng trôi qua lừ đừ, chậm rãi như muốn chọc tức kéo dài khoảng không gian cô đơn để chị ngồi ngẩn ngơ bên song cửa. Tôi không mường tượng được cái nhớ nhung da diết của chị và cho rằng đàn bà thường chuyện bé xé ra to. Tôi lại lẩn thẩn nghĩ hay là chị Hảo biết tôi “yêu” chị nên cố ý kể chuyện nhớ nhung anh Kiệt chọc tức tôi. Nếu thế thì chị đã thành công vì rõ ràng “tình địch” hơn hẳn tôi về mọi mặt, kể cả bằng cấp, sức vóc, đẹp trai và nhất là hình ảnh của “hắn” chiếm trọn trái tim của chị. Không biết còn một góc nhỏ đâu đó trong trái tim chị Hảo dành cho tôi hay không? Chị kể những đêm quỳ gối nguyện cầu Thượng Đế gìn giữ chồng và mong đất nước sớm chấm dứt chiến tranh để những chinh phụ như chị đếm thêm những năm hạnh phúc trên bàn tay. Em có thấy ước mơ tầm thường không, chị đặt tay lên vai tôi hỏi. Đến lúc đó tôi lại cảm thấy chị thật tội nghiệp và chỉ mong ngày mai anh Kiệt về ngay với chị để đôi mắt chị Hảo sáng ngời niềm vui, để nghe lại giọng nói hớn hở và tiếng cười dòn tan nở rộ trên căn gác nhỏ. Chị Hảo thở dài nói chị rất hiểu vai trò của người vợ trong thời chinh chiến, nhất là khi làm vợ lính. Chị tâm sự:
- Em biết không, lấy chồng lính là chấp nhận thương đau. Chị có người bạn, mới lấy nhau được vài tháng đã trở thành goá phụ. Con bạn chị mới 17 tuổi, vậy mà đã mang tiếng một đời chồng, em thấy có tội không. Nhìn nó mà chị khóc hết nước mắt. Mà tại duyên số cả em ơi, chị cố tránh mà vẫn vướng phải nợ lấy chồng lính. Khi yêu nhau thì phải chấp nhận tất cả. Chị bằng lòng đánh đổi cả cuộc đời để chỉ sống với người mình yêu vài tháng, may mắn hơn được vài năm. Chị lấy anh Kiệt thế đã được hơn hai năm rồi, cho nên những ngày tháng bây giờ vẫn còn có nhau là ơn Trời Phật ban. Chị không mong muốn gì hơn.
Để khuây khỏa những ngày thiếu vắng chồng, chị Hảo xin dạy lớp mẫu giáo ở một trường tư thục Công giáo. Chị yêu con nít và rất mong có một đứa con với anh Kiệt. Nhưng đi phép thất thường như thế này thì không biết khi nào chị mới được toại nguyện. Tôi chán con nít, nuôi nấng khổ cực chứ sung sướng gì. Cứ nhìn mẹ tôi nuôi mấy đứa em thì hiểu ngay đó là một nỗi khổ. Những gì mong ước của chị Hảo đều là ước mong của tôi vì thế tôi lại cầu nguyện chị sớm có con, để bồng bế cho bõ những lần chép miệng thở dài. Vài ba tuần, anh Kiệt lại về. Tôi lại sang thăm và trong tim lại nhói đau khi nhìn thấy cử chỉ săn sóc âu yếm của anh. Cứ thế, cuộc sống đầy ắp tình yêu nồng cháy của chị Hảo trôi đi lặng lẽ, ba tháng hè của tôi cũng chập chờn biến mau theo ngày tháng.
Mùa hè tuổi dậy thì năm đó mang nhiều kỷ niệm đáng yêu và sự quen biết chị Hảo là kỷ niệm đáng yêu nhất. Trở lại trường, tôi hãnh diện kể lại câu chuyện quen biết chị Hảo, thêm thắt vào đó một vài câu đối thoại tưởng tượng, làm đám bạn há hốc miệng nghe cứ như chuyện thần thoại. Câu chuyện quen chị Hảo đúng ra kể lại chưa đầy năm phút, thế mà tôi tán rộng ra đến gần nửa tiếng, vậy mà mấy thằng bạn cứ ngồi đờ ra nghe chuyện mê mẩn. Đến đoạn diễn tả nhan sắc của chị Hảo, tôi phun ra những từ ngữ đẹp nhất, duyên dáng nhất (học lỏm trong tiểu thuyết) và dĩ nhiên cả bọn nhao nhao đòi leo lên căn gác nhà tôi để xem tận mắt. Có thằng đi nước cờ cao, bĩu môi bảo rằng tôi nói dóc, làm gì có người đẹp như mày kể, có thấy tao mới tin. Tôi phất tay từ chối, nói không cần chúng mày kiểm chứng, tin hay không tin thì tuỳ. Thâm tâm tôi không muốn chị Hảo quen ai ngoài… tôi cả; anh Kiệt là chồng thì không kể, còn ngoài ra chị phải là thần tượng của riêng tôi, một mình tôi thôi. Thì thằng con trai mới lớn nào chẳng ích kỷ như tôi, nhìn đời qua tấm giấy kiếng màu hồng và trong đó tình yêu phải tuyệt đối như những lần hiện ra trong giấc mơ.
Một buổi tối rảnh rỗi, tôi bước chân sang căn gác thăm chị Hảo. Cả tuần bận học thi Tam Cá Nguyệt nên tôi phải bế môn tỏa cảng ôn bài (thì xem tiểu thuyết cũng có lúc, tôi cũng biết lo lắm chứ!), môn cuối cùng vừa thi xong lúc chiều, thế là nhẹ gánh tang bồng, tối nay tha hồ ngồi chuyện trò với chị Hảo. Trời tối mù, bước lên cầu thang dẫn lên căn gác tôi vấp đến mấy lần. Căn gác đêm nay yên ắng lạ thường, tôi gõ nhẹ lên cánh cửa, miệng gọi chị Hảo ơi. Không một tiếng trả lời. Vô lý chị ra Phù-cát thăm anh Kiệt, thường thường khi đi chị hay dặn tôi trông coi nhà dùm chị. Chưa bao giờ chị đi mà quên không nói với tôi một tiếng. Ngày hôm qua tôi còn thấy chị đi chợ về kia mà nhưng sao bây giờ vắng lặng như tờ. Căn gác tối mịt, loáng thoáng có ánh đèn mờ hắt ra từ kẽ hở bức vách. Tôi gọi tên chị Hảo lần nữa, lần này tôi nghe tiếng khóc thút thít vẳng lên đâu đó. Bỗng nhiên tóc tôi dựng đứng như lông nhím. Bóng tối phủ chụp lên tôi đe dọa, tiếng lá cây sầu đông xào xạc trong đêm nghe như ai đang kể lể thở than, và tiếng khóc nỉ non vang lên từ cõi u linh nghe thật não nùng ai oán. Tôi rùng mình. Tôi gọi chị Hảo to hơn và lần này tôi nhận ra tiếng khóc phát xuất từ bên trong. Tôi đẩy nhẹ cửa bước vào.
Căn phòng tối hẳn ở nửa căn bếp, bên phía bàn ăn khoảng ánh sáng lờ mờ phát ra từ ngọn đèn néon trắng đục và tôi thấy chị Hảo ngồi yên như một pho tượng. Mái tóc che nửa khuôn mặt, cằm tựa vào đôi tay chắp lại như nguyện xin. Khi bước đến gần, tôi nhận thấy trên đôi tay chị treo lủng lẳng sợi dây và cuối sợi là một tấm thẻ bài đong đưa theo tiếng nấc. Tiếng khóc nhỏ nhẹ nghe như một lời than van, đầy vẻ ẩn nhẫn, chịu đựng. Hình như chị đang cố nhận chìm nỗi đau khổ xuống tận đáy lòng. Một giọt nước mắt lăn trên gò má, rơi rụng trên tờ giấy đặt trên bàn có ghi hàng chữ. Tôi đoán được phần nào câu chuyện. Nỗi lo sợ của người chinh phụ về một ngày tiễn đưa chồng đến mộ huyệt đã bị định mệnh ác độc âm thầm chọn lựa. Định mệnh hôm nay đã chọn chị – trong số muôn ngàn người vợ chinh phu – để chít khăn tang và khoác vội tấm vải sô lên người. Chị ngồi đó với tiếng nấc, đôi mắt nhìn xuống nỗi đau khổ trải dài trên trang giấy mà tôi đoán có lẽ là lá thư anh Kiệt viết cho chị. Một kỷ vật chăng? hoặc lá thư viết xong chưa gửi đi thì tử thần đổ chụp lên số mạng? Tôi đang đứng trước mặt chị mà chị không hề biết sự hiện diện của tôi. Chị đắm chìm vào một quá khứ như cố níu giữ hình bóng người chồng mà giờ đây đã cách xa diệu vợi. Khi hiểu được sự tàn nhẫn của cuộc đời, tôi đứng ngây người nhìn chị mà không nói được lời nào an ủi. Tôi yên lặng để cố chiêm niệm nỗi đau khổ cùng cực của người vợ mất chồng, những người vợ đã nức nở bóc đi một phần lớn – nếu không nói là tất cả – tâm hồn để dâng hiến cho tổ quốc.
Tôi có cảm nhận được sự đau khổ mà chị Hảo đang gánh chịu không? Có lẽ được nhưng không thể ở mức độ mà chị đang cắn răng cố nuốt lấy cái thực tại đầy nghiệt ngã. Chỉ có những người vợ, nhận được tin dữ, cầm trong tay tấm thẻ bài oan khiên rồi mới thấm thía hết nỗi thương đau của một mất mát không thể nào bù đắp được. Mặc dù không cảm thông hết nỗi khổ của chị Hảo nhưng hình ảnh não nùng của chị ngồi khóc đêm hôm đó đã hằn sâu trong tâm khảm tôi những đường nét vĩnh cửu, bất diệt so với thời gian. Nó đục khắc trong tâm thức tôi những góc cạnh mà mãi sau này khi trôi nổi trên đường đời, trải qua biết bao đắng cay của cuộc sống, tôi vẫn hình dung được một chị Hảo, hai tay ôm lấy tấm thẻ bài, ngồi u sầu bên mối tình vừa chết tức tưởi. Với muôn ngàn hình ảnh thân yêu nằm sâu trong ký ức, tôi chỉ thấy nổi bật hình ảnh chị Hảo, nhất là những khi bị chà đạp dưới bùn đen. Trong mỗi tận cùng của gian truân tôi lại chợt nhớ đến lúc chị ngồi khóc dưới ánh đèn mờ. Và chính hình ảnh đó đã thôi thúc tôi vươn lên để sống, vượt qua được ý nghĩ tuyệt vọng khi tôi bị hành hạ dã man ở đáy địa ngục trần gian, biết cảm nhận một nỗi đau của người dễ dàng hơn, và biết thương xót khi nhìn những người kém may mắn hơn mình. Cũng vì dễ cảm thông với những bất hạnh xảy ra chung quanh, tôi hành xử tự trọng hơn, đối xử với người đại lượng hơn, khoan dung với đời và nhất là dễ dàng chia sẻ những gì đang có với những người xấu số. Tôi thầm cám ơn chị đã ban tặng cho tôi một hình ảnh bi tráng và tôi hằng trân quý gìn giữ qua bao thăng trầm. Sau này khi lớn lên, tôi thấy một tấm hình nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Nguyễn ngọc Hạnh, chụp một thiếu nữ có mái tóc che kín nửa khuôn mặt, giọt nước mắt lăn trên gò má, đôi tay khoác tấm thẻ bài. Tất cả giống như hình ảnh chị Hảo đêm hôm đó nhưng đối với tôi tấm ảnh đó vẫn vô hồn, nó không thật vì có thể được dàn dựng và vì tôi không là chứng nhân nỗi thương đau cùng cực mà người thiếu phụ muốn diễn tả. Đành rằng ông Hạnh cũng rung cảm bắt nhận được nỗi khổ đau của người vợ trẻ nhưng đối với tôi hình ảnh sầu muộn của chị Hảo thật quá, rõ quá và chỉ cách tôi có một sải tay.
Tôi vòng qua bàn, tiến đến đứng sát bên chị. Đôi mắt chị vẫn nhìn xuống. Nước mắt đã thấm ướt phần dưới của lá thư. Đúng là lá thư anh Kiệt viết cho chị với dòng chữ nguệch ngọac: Chắc anh không qua được, Hảo ơi! Yêu em mãi. Quá cảm xúc, tôi đặt tay lên vai chị, giọng run run:
- Chị Hảo…
Bàn tay đang ôm tấm thẻ bài thả xuống, chị ngả đầu vào người tôi, giọng nức nở:
- Anh Kiệt mất rồi, Hưng ơi…
Tôi có cảm giác chị cố chống đỡ với số mạng, giữ cho người được thăng bằng. Đến khi biết tôi đứng bên cạnh, chị không còn hơi sức nữa, tựa hết thân hình vào người tôi, đôi bàn tay thả rơi tấm thẻ bài. Tiếng kim khí rơi từ một độ cao vừa phải va chạm mặt bàn nghe khô cứng, sắc nhọn và lạnh lùng như Tử thần vung lưỡi hái hớt đi một mạng người. Một mạng người rơi rụng như hàng ngàn cái chết xảy ra trên mảnh đất khốn khổ này nhưng có những cái chết không bao giờ nguôi ngoai, không thể nào phôi phai trong tâm trí của người thân. Mãi mãi vẫn là một cái gì bất diệt, thiên thu.
Tôi bật khóc. Bàn tay tôi quàng ôm lấy vai đỡ cho chị ngồi thẳng dậy. Người chị mềm nhũn như bún. Tôi quỳ xuống, ôm lấy chị. Một tay tôi nắm lấy thành ghế để giữ thăng bằng, tay kia đỡ lấy bàn tay chị Hảo. Chị lả người, cả thân hình đổ ụp vào vai tôi. Nước mắt chị rơi thấm ướt khoảnh áo trước ngực. Chị khóc nhớ thương anh Kiệt, còn tôi khóc vì thấy chị đau khổ qua cái chết của người chồng. Hai chị em khóc thật tự nhiên. Tôi ôm lấy chị là theo bản năng của một đứa con trai khi thấy một phụ nữ yếu đuối cần nâng đỡ, đến khi ngừng khóc, tôi chợt bàng hoàng khi thấy chị Hảo yếu đuối đang nằm trong vòng tay của tôi. Mặc dù tôi với chị Hảo là tình chị em nhưng khi ôm chị lòng tôi bỗng bồi hồi khôn xiết. Tôi ước mơ giá tôi lớn hơn chị vài tuổi để tôi quàng tay qua eo chị, vỗ về ủi an và vuốt ve suối tóc của chị. Tôi quỳ như thế không biết bao lâu, người như lịm đi trong cảm giác đê mê lần đầu có người con gái khóc trên vai. Lòng tôi ao ước cứ được ôm chị như thế này mãi để an ủi chị, cho dù làm thân trâu ngựa cho chị cũng bằng lòng. Cho đến khi cảm giác tê nhức ở hai đầu gối đánh át cảm giác đê mê khó tả thì tôi mới cắn răng đỡ chị ngồi thẳng dậy. Chị Hảo gắng gượng ngồi lên rồi nửa thân hình lại đổ ập xuống mặt bàn, đầu nghiêng hẳn qua bên. Tôi thấy rõ mắt chị mở trừng trừng, vô hồn. Thân xác chị ở đây nhưng tâm trí chị đang phiêu du ở một nơi chốn nào đó không ai biết; có lẽ đang bay theo mây về nơi anh Kiệt yên nghỉ. Tôi nâng chị dậy, dìu chị đến bên giường, đỡ chị nằm xuống, và lấy tấm khăn mỏng đắp lên người. Chị hoàn toàn thụ động, bước đi như người mộng du, không thốt một lời. Căn gác lại chìm vào một sự yên lặng rợn người, thỉnh thoảng có tiếng con thạch sùng tặc lưỡi đâu đó trên trần nhà. Bóng tối buồn bã đổ tràn trên căn gác. Tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh bàn, hai tay ôm lấy đầu không biết phải làm gì. Trong bóng đêm mông lung, lần đầu tiên tôi chợt thấy thấm thía hai chữ cô đơn.
Tôi giật thót người khi nghe tiếng chị Hảo mơ màng:
- Anh ơi… anh ơi…
Vặn ngọn đèn cho sáng hơn, tôi chạy vội lại phía giường, miệng kêu rối rít:
- Em đây… em đây, chị Hảo.
Chị nằm nghiêng, xoay mặt về phía tôi, nước mắt đoanh tròng. Ôi! Đôi mắt, làm sao tôi có thể diễn tả được đôi mắt của chị. Hình như trong ánh mắt, chị nhận ra tôi. Giọng chị rã rời:
- Hưng hả em…
Tôi lại quỳ xuống bên chị:
- Chị cứ nghỉ cho khoẻ, em ngồi đây với chị.
Chị vói tay đặt lên vai tôi:
- Cám ơn em…
Chưa bao giờ tôi nhìn sát khuôn mặt của chị đến thế. Giọng tôi run run:
- Chuyện làm sao chị kể cho em nghe đi.
Chị ngẩn ngơ một lúc rồi thở dài:
- Hồi chiều có người sĩ quan cùng đơn vị với anh Kiệt đến báo tin cho chị. Anh nói là anh Kiệt tải thương binh, cố đáp xuống vùng địch bao vây để chở cho được mấy người lính bị thương về hậu cứ. Nếu không chở mấy anh đó về được thì chắc chắn họ phải chết vì cần phải tiếp máu. Anh bị trúng đạn bên hông nhưng giấu không cho ai biết. Chở về đến nơi thì… thì… anh ngất xỉu…
Chị bật khóc thành tiếng:
- …chở vào bệnh viện thì không kịp nữa vì đạn trúng chỗ hiểm. Bác sĩ cố đủ mọi cách nhưng anh Kiệt chỉ tỉnh dậy viết vội cho chị… cho chị mấy chữ rồi… rồi ra đi…
Tôi nắm lấy tay chị, nước mắt rưng rưng:
- Chị Hảo ơi, em không biết nói sao nữa… mỗi người có một số mạng… em chỉ xin chị cố giữ sức khoẻ để còn lo ma chay cho anh Kiệt.
Giọng chị nghẹn ngào:
- Cám ơn em. Chị đã chuẩn bị để đón nhận tin dữ từ lâu nhưng đến khi xảy ra vẫn không sao lường trước được lòng mình. Buồn quá Hưng ơi. Cám ơn em ở đây với chị. Có em một bên chị cũng an ủi được một phần. Ngày mai, chị đi Phù-cát nhận xác anh Kiệt rồi có lẽ theo máy bay về Sài-gòn luôn.
Tôi sửng sốt:
- Thế còn nhà cửa đây ai giữ?
- Nhà chị sụp rồi, còn gì mà giữ hả em…
Rồi chị lẩm bẩm cái gì đó tôi nghe không rõ. Và chị lại chìm vào thế giới riêng của chị. Người chị lúc tỉnh lúc mơ. Tôi nghe tiếng chị ú ớ gì đó rồi tất cả lại chìm vào yên lặng. Đêm hôm đó tôi ngồi canh thức cho chị ngủ và mệt mỏi quá tôi thiếp đi trên ghế lúc nào không biết. Trong cơn mơ màng tôi loáng thoáng nghe đâu đó giọng hát của một ca sĩ: ngày mai đi nhận xác chồng, quay đi để thấy mình không là mình…
Đó là lần cuối cùng tôi gặp chị Hảo.

*

Không ngờ mười sáu năm sau tôi gặp lại chị vào một hoàn cảnh khá lạ lùng.
Trong suốt mười sáu năm, biết bao chuyện vật đổi sao dời. Kể từ đêm chị Hảo nhận được hung tin, ngày hôm sau chị ra Phù-cát nhận xác anh Kiệt rồi theo máy bay về Sàigòn luôn. Tôi ngóng chờ mãi vẫn không thấy chị quay trở lại. Độ chừng hơn tuần sau, có người đàn bà đến thuê xe chở hết đồ đạc đem bán, trả lại căn gác cho chủ. Tôi không được chứng kiến, chỉ nghe nói lại vì chuyện xảy ra vào một buổi sáng trong khi tôi đang ở lớp học. Xế trưa về đến nhà thì mọi chuyện đã xong xuôi, người đàn bà cũng đi mất nên tôi không thể hỏi thăm về chị Hảo. Lòng tôi trống vắng như căn gác đìu hiu. Nửa năm học đệ Tam trôi qua buồn chán, đã biếng tôi càng không mấy thiết tha đến sách vở. Người tôi lờ đờ cứ như người thất tình. Mà tôi thất tình thật, tôi nhớ chị Hảo quay quắt. Buổi chiều, tôi bước lên căn gác, thẫn thờ nhìn sang nhà chị Hảo và thấy lòng quạnh hiu hơn bao giờ. Hàng cây sầu đông vẫn reo vui trong gió, trời mây vẫn xanh ngắt một màu vậy mà lòng tôi thổn thức khôn nguôi. Dãy ban-công nơi chị tựa người hỏi chuyện tôi lần đầu, nhắm mắt lại tôi vẫn hình dung được một chị Hảo đang tươi cười nhìn tôi. Ngồi bệt xuống sàn, tôi lẩm bẩm gọi tên chị Hảo…
Hết năm đệ Tam, tôi trở nên trầm lặng hơn, có lẽ vì nỗi nhớ miên man một chị Hảo ngày nào đẩy tôi vào tình trạng câm nín. Đối với tôi, mất chị Hảo thì chẳng còn gì quan trọng trên cõi đời này nữa. Sang năm đệ Nhị (lúc này được gọi là lớp 11), tôi tìm quên sự nhớ nhung bằng cách vùi đầu vào việc học; hơn nữa đó là năm thi. Thỉnh thoảng ngồi học bài trên căn gác, tôi chợt nhớ đến chị nhưng rồi sách vở lại kéo tôi ra khỏi mộng mơ. Cuối năm đó tôi may mắn thi đậu. Được đà tôi thi đậu luôn Tú tài toàn phần vào năm sau. Đứng ngấp nghé ở ngưỡng cửa đại học, tôi suy nghĩ, hỏi ý kiến của ba tôi và cuối cùng quyết định nộp đơn theo học ở trường Võ bị Đà-lạt, chọn quân đội làm nghiệp dĩ. Tôi quên mất lời khuyên đi Không quân của anh Kiệt để lái trực thăng. Trường Võ-bị đào tạo cho tôi cả 2 mặt quân sự và văn hóa. Khoá 29 chúng tôi học được 3 năm thì xảy ra chuyện Ban-mê-thuột. Ban đầu chúng tôi không chú tâm lắm, vì tin chắc bọn cộng quân sẽ chuốc lấy thảm bại. Mãi đến khi nghe lệnh di tản chiến thuật của ông Thiệu bỏ cao nguyên, chúng tôi bàng hoàng không tin ở tai mình. Đà-lạt là một trong ba cao nguyên, trong đó cao nguyên Đắc-lắc chiếm vị trí chiến lược quan trọng. Đứng ở Ban-mê-thuột, có thể nhìn sang được đất Miên, dễ dàng đổ quân xuống Nha-trang, chận đường tiến quân từ miền Trung. Có thằng bạn học chung khoá mở miệng chưởi rủa nói bỏ Ban-mê-thuột là quyết định sai lầm không thể chấp nhận được. Nó nói thêm tao không phải là nhà chiến lược quân sự tài ba gì mà còn thấy được điều đó, thì ông Thiệu phải thấy rõ hơn tao nữa. Bỏ Ban-mê-thuột thì cũng giống như đưa dao cho nó cứa cổ. Nó đưa hai tay lên trời lắc đầu than chết hết rồi chúng mày ơi. Quả đúng như nó dự đoán, tin tức mất Huế, Đà-nẵng và các tỉnh miền Trung đổ về dồn dập. Đà-lạt cũng bị áp lực nặng nề. Hai tuần trước ngày mất nước, vị Chỉ huy Trưởng ra lệnh giải tán đồng lọat các khóa sinh. Bọn tôi tuy chưa ra trường nhưng cũng được gắn lon Thiếu-úy rồi mạnh ai nấy tìm đường về quê. Tưởng cũng nói thêm là vào mùa hè đỏ lửa 1972, gia đình tôi bỏ Qui-nhơn khăn gói vào Trung-chánh, cách Sàigòn mấy cây số về hướng Tây. Nhà tôi nằm xéo cổng Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Ba tôi vẫn đi làm công chức, mẹ tôi mở quán bán hàng xén cho mấy anh tân binh.
Rồi chuyện gì xảy ra sau đó mọi người dân miền Nam đều biết. Việt cộng tiến chiếm Sàigòn. Tôi đi trình diện ở trường Vạn-hạnh với 10 ngày lương thực. Mặc dù chưa học xong chương trình để xứng đáng với lon Thiếu-úy nhưng vị Chỉ huy Trưởng đã gắn lên vai áo nên tôi xem đó là một trách nhiệm. Đó cũng là lý tưởng mà tôi đã chọn lựa và luôn trung thành nên tôi hãnh diện khai báo tốt nghiệp từ trường Võ-bị. Một vài thằng bạn chê tôi quân tử Tàu, khai thật làm gì để mang họa vào thân; vả lại mới học có 3 năm, làm gì đã được cấp úy. Quan niệm của tôi lại khác, tôi không bao giờ xấu hổ vì lý tưởng của người trai trong thời chiến, hơn nữa tôi mang lon khi bước ra khỏi cổng trường và tôi có nhiệm vụ giữ phong cách cho xứng đáng với cái lon trên ve áo. Vì thế tôi nói thật, không thêm không bớt một chữ.
Kết quả là bọn cộng sản đày đọa tôi 6 năm tù qua các trại Long Giao, Hà Nam Ninh, Cao bằng, Bắc lạng. Chúng liệt những tân binh như chúng tôi vào thành phần ác ôn ngang với cấp Tá vì theo lời chúng nó dân Võ-bị ra trường còn giết quân cách mạng nhiều hơn ai hết. Sự hành hạ dã man ở các trại tù thì ai cũng biết rồi, tôi chỉ là một trong hàng ngàn nhân chứng may mắn sống sót trở về. Đôi khi bị hành hạ quá mức, tôi chỉ muốn giết mấy thằng cảnh vệ, quản giáo trốn trại rồi ra sao thì ra. Chính hình ảnh chị Hảo đã giúp tôi nuôi hy vọng để sống, làm một cái gì có ý nghĩa hơn. Tôi không hối tiếc khi nói thật để bị thời gian tù đày gấp đôi so với những người cùng cấp. Tôi tin rằng hành xử của tôi rất xứng đáng là người sĩ quan Võ-bị và đồng thời cũng nói cho bọn chúng biết thái độ quật cường của tôi.
Trở về gia đình cuối năm 81, gia đình tôi sa sút thấy rõ. Nhìn mấy đứa em nheo nhóc tôi không cầm được nước mắt. Ba tôi đã già yếu, mẹ tôi buôn bán bữa được bữa mất, mấy đứa em dĩ nhiên phải bỏ học để phụ với gia đình kiếm sống. Gom góp hết số vốn trong gia đình, tôi vào tổ hợp đạp xích lô. May nhờ còn chút sức khoẻ, tôi đạp xe ngày 12 tiếng. Bữa cơm trong gia đình có thêm chút chất đạm, nhìn mấy đứa em rón rén nhai mãi miếng thịt không dám nuốt mà lòng tôi quặn đau. Lớn lên tôi may mắn được nếm những của ngon vật lạ, đến thời các em tôi thì đất nước lâm vào cảnh đọa đày nên nhìn cái gì chúng cũng thèm. Tôi còn xót xa đến vậy thì cha mẹ tôi lại càng khổ đau gấp bội. Nhìn ra bên ngoài xã hội, tôi càng rơi nước mắt. Các em tôi tội nghiệp thật nhưng so với những đứa trẻ lê la trên hè phố thì vẫn còn sung sướng hơn nhiều. Ăn mày, thương binh nhan nhản khắp đầu đường xó chợ. Cả một xã hội rách nát đến độ bần cùng nhất. Hôm nào kiếm được cuốc xe hậu hỷ, thế nào tôi cũng kiếm mấy anh thương binh hoặc trẻ em ăn xin tật nguyền chia sẻ chút ít. Cũng chính hình ảnh u sầu của chị Hảo giúp tôi dễ mềm lòng trước cảnh thương tâm, giữ lại chút lương tâm trong sáng giữa một xã hội đảo điên. Đôi lúc tôi bâng khuâng tự hỏi không biết chị Hảo bây giờ ra sao, còn sống trong thành phố này hay đã ra đi như những người có tiền của. Cứ thế, cuộc sống trầm luân trôi dần theo năm tháng.
Và bất ngờ tôi gặp lại chị Hảo. Lúc đó miền Nam đổi chủ đã được mười năm. Năm 1985.
Tôi đang đạp xe về nhà, đến gần ngã tư Bảy Hiền thì nghe tiếng gọi. Chả là hôm nay tôi muốn về sớm để đưa con em đi mua sắm chuẩn bị ngày đám cưới của nó. Nửa muốn đạp cuốc xe kiếm thêm chút tiền quà cưới cho con em, nửa muốn về ngay vì lời hứa với nó. Ánh nắng chói chan buổi xế trưa chém xéo rát một bên mặt. Tôi quyết định quay xe lại. Đứng bên lề đường, một người đàn bà mang kiếng đen vẫy tay gọi. Chiếc áo sơ-mi trắng ngắn tay để lộ làn da trắng nuột. Tóc chải gọn búi tó. Mặc dù cặp kiếng che gần hết khuôn mặt nhưng dáng người nàng thanh tú, sống mũi thẳng cân đối, đôi môi trái tim chúm chím. Phải nhìn nhận nàng đẹp, đó là nhận xét đầu tiên khi tôi đạp xe đến gần. Lâu lắm tôi mới thấy một người đẹp như thế. Nàng cất tiếng hỏi:
- Về Trương minh Giảng anh lấy bao nhiêu?
Đây là một điều lạ. Mất nước đã hơn 10 năm, tất cả con đường đã đổi tên và dân Sàigòn hầu như không còn ai xài tên cũ. Nàng gọi tên đường “Nguyễn văn Trỗi” là Trương minh Giảng. Tôi chợt có cảm tình với nàng, một lối phản kháng tiêu cực bằng cách ung dung xài những gì xưa cũ của một miền Nam trước 75. Nhưng một điều khác làm tôi giật mình nữa là âm hưởng của giọng nói. Có một cái gì thân quen bàng bạc trong ký ức mà tôi cơ hồ chưa nhận ra. Tôi ngẩn người ra một lúc vì hai cái bất ngờ làm tôi choáng váng. Hít một hơi dài, tôi bình tĩnh:
- Dạ thưa chị cho 1200.
- 1000 được không?
Tôi định nói xin chị cứ cho 1200 vì trời nắng đạp lên dốc rất mệt thì bỗng nhiên tôi ngờ ngợ một điều gì. Từ vóc dáng, một nửa khuôn mặt và giọng nói, nhất là giọng nói tôi không thể lầm được. Tôi bước xuống xe, tiến thêm một bước để nhìn cho rõ. Cùng một lúc, hình như người thiếu phụ cũng nhận ra một cái gì quen thuộc, nàng gỡ cặp kiếng mát xuống, miệng lắp bắp:
- Có phải… có phải là…
- Chị… chị Hảo phải không?
Trời ơi! Thật không ngờ chị em lại gặp nhau trong hoàn cảnh khá trái ngang. Tôi reo lên:
- Em Hưng nè.
Chị Hảo bước tới. Bây giờ chị đã hoàn toàn nhận ra tôi:
- Hưng, đúng Hưng rồi… Trời Phật ơi, em bây giờ đen quá, chị nhận không ra.
Chị ôm lấy tôi, thân tình như một người chị lâu ngày gặp lại đứa em ruột. Tôi đã khác xưa nhiều lắm, khuôn mặt có thể chẳng thay đổi bao nhiêu nhưng tôi đã cao lớn hơn trước. Ba năm trong quân trường tôi luyện tôi dày dạn sương gió, chưa kể sáu năm ngục tù cũng giúp tôi thêm chín chắn. Chị Hảo nhận ra tôi có lẽ nhờ giọng nói. Chính giọng nói đã mở toang cánh cửa quá khứ và ký ức hiện về nguyện vẹn một buổi trưa hè khi chị nhìn thấy tôi ngồi đọc truyện trên căn gác nhỏ. Riêng chị Hảo vẫn không khác xưa mấy, dáng người đẫy đà hơn nhưng khuôn mặt thì vẫn vậy; khác chăng là mái tóc chị búi gọn về phía sau chứ không xõa dài như mười sáu năm trước. Tôi gần như rú lên khi nhận ra chị Hảo. Làm sao diễn tả được niềm vui khi gặp lại chị. Thật không ngờ chị vẫn sống bình yên giữa thành phố hỗn loạn này. Quá khứ tôi quá nhiều buồn thảm, chỉ còn mỗi ký ức về chị Hảo nâng niu mỗi ngày làm quà cho cuộc sống cơ cực. Niềm vui ánh lên trong đôi mắt chị Hảo mà đến hôm nay tôi vẫn còn thấy đẹp, tuy có vương vấn chút u buồn. Chị không giữ được những giọt nước mắt. Tôi thấy mắt chị long lanh dưới ánh mặt trời gay gắt. Tôi cũng không kềm được nỗi xúc động. Ở trong thành phố đầy những khuôn mặt lạ lẫm đến từ phương Bắc, may mắn gặp lại cố nhân sau hơn mười sáu năm xa cách, những giọt nước mắt hội ngộ xứng đáng được chảy dài trên má. Tôi đã lớn, một thanh niên hơn 30 tuổi đời, tâm hồn đang chai cứng dần với thời gian khổ cực đọa đày, thế mà cảnh vật vẫn nhạt nhoè qua ánh mắt nhìn nghiêng.
Chúng tôi đứng ôm nhau ngay trên đường phố ở ngã tư Bảy Hiền. Những người qua đường lấy làm lạ khi thấy một người đàn bà xinh đẹp, ăn mặc khá sang trọng lại ôm một anh phu xích lô quần áo bẩn thỉu, rách thủng nhiều chỗ. Có thể họ cho rằng chúng tôi là một cặp tình nhân tình cờ lạc mất nhau khi thành phố đổi tên, và bất ngờ gặp lại nhau giữa những gian truân. Chị Hảo gần như kiễng chân lên ôm lấy tôi vì sự khác biệt chiều cao của thân hình. Tôi chợt nhớ đến lần cuối cùng khi chị tựa người vào vai tôi khóc hết nước mắt. Cũng với tâm trạng đêm hôm đó, tôi ước mong mình lớn tuổi thêm tí nữa, để vỗ về chị Hảo như một người yêu. Con gái dưới 20 thường trưởng thành sớm nên trông chững chạc hơn đám con trai cùng lứa nhưng đến một tuổi nào đó, người đàn bà dừng lại và đàn ông lớn trổi vượt lên. Tôi không biết tuổi đó phải là bao nhiêu nhưng tôi tin chắc rằng với số tuổi trên 30 như tôi, người đàn ông không còn nhỏ dại nữa. Chắc chắn tôi không còn ngơ ngáo như thằng con trai thuở gặp chị lần đầu. Lúc vừa nhận ra nhau, mừng quá nên tôi buột miệng xưng em nhưng trong thâm tâm tôi vẫn muốn chị nên xem tôi như một người bạn. Chị Hảo lại khác, tôi đối với chị vẫn là thằng Hưng nhỏ bé ngày nào, mặc dù bây giờ tôi đứng cao hơn chị nhiều lắm. Lối xưng hô chị chị em em tự nhiên của chị làm tôi ngại ngùng khi muốn thay đổi cách gọi giữa hai người. Chị buông tôi ra:
- Em vào Sàigòn lúc nào? bây giờ ở đâu?
Tôi hơi ngượng khi dùng chữ em để xưng hô:
- Gia đình… em dọn vào Sàigòn ở Trung Chánh lâu rồi chị. Còn chị ở đâu?
- Trương minh Giảng. Thì chị đón xe về nhà đó.
Tôi chợt nhớ ra chị gọi tôi để đi xe:
- Em… em thật không ngờ gặp lại chị. Chị lên đây em chở về.
Trên đường đi, tôi và chị ôn lại mẩu dĩ vãng mười sáu năm. Tôi nói về tôi nhiều hơn và biết thêm về những người thân thuộc của gia đình chị đã vượt biên. Chị sống bơ vơ giữa thành phố này em ạ, giọng chị Hảo buồn buồn. Gia đình anh Kiệt cũng ra đi hết rồi, hình như đã định cư tại Đức. Chị chấp nhận ở lại để nhang khói cho anh Kiệt. Ai cũng bỏ thành phố này hết, chị không đành để anh Kiệt nằm lại bơ vơ không ai chăm sóc. Tôi nghe lòng ngậm ngùi khi chị nhắc tên anh Kiệt. Mỗi khi nhớ chuyện cũ, tôi thường nhớ chị Hảo chứ hình ảnh anh Kiệt chỉ còn bàng bạc trong trí nhớ. Tình yêu của chị đối với người đã khuất vẫn đầy ắp như thuở sống bên nhau. Mười sáu năm, thời gian đủ dài để chôn vùi tuổi xuân của người thiếu phụ, vậy mà chị vẫn một lòng son sắt với chồng. Ôi, còn mối tình nào đẹp hơn mối tình người vợ thủ tiết thờ chồng, không phải vì tương lai con cái mà vì muốn trọn lòng với người quá vãng. Chị sống âm thầm trong thế giới riêng của chị, trái tim cứ mãi ôm ấp hình bóng cũ, trung kiên. Tôi chỉ đứng ngoài chiêm niệm mối tình chân gần như huyễn hoặc, thương tiếc cho người vắn số, ngậm ngùi cho tuổi thanh xuân của chị Hảo trôi qua nuối tiếc, và ước mơ sau này may mắn yêu và được yêu nồng nàn như chị.
Qua nhà thờ Ba Chuông, vượt giáo xứ Vườn Xoài, chị bảo tôi đạp chầm chậm. Trong suốt lộ trình, tôi tuyệt nhiên không hỏi đến gia cảnh hiện tại của chị. Thâm tâm tôi mặc nhiên nhìn nhận tình yêu chị Hảo chỉ dành riêng cho một người, ngay cả tôi cũng không chiếm được một góc nhỏ đâu đó trong tim chị. Gần đến chợ Trương minh Giảng, chị bảo tôi dừng lại và chỉ một căn nhà hai tầng, bảo đó là nhà chị đang ở. Căn nhà đó thật lớn cho một người độc thân. Tôi chợt nhận ra đây là căn nhà của một nha sĩ bỏ đi trước 75. Thằng bạn học cùng khoá Võ Bị ở trong ngõ hẻm bên hông nhà. Trước 75 hai đứa đi phép nó dẫn tôi về nhà chơi nên tôi biết rất rõ khu này. Những căn nhà có chủ bỏ đi vượt biên đều bị nhà nước trưng dụng. Chính quyền cộng sản tịch thu nhà và phát lại cho cán bộ miền Bắc điều vào. Thân thế như chị mà được ở một căn nhà khang trang như thế kể cũng khó hiểu. Chị bảo tôi vào nhà chơi. Tôi chợt nghĩ đến cái hẹn với con em nên từ chối:
- Em phải về để đưa con em đi mua sắm đồ cưới. Để hôm khác em đến.
Chị Hảo níu tay tôi:
- Vậy cũng được. Thôi, em cho chị địa chỉ nhà em đi, hôm nào chị đến thăm em.
Tôi đang hí hoáy viết địa chỉ trên mảnh giấy thì một cô gái bên kia đường chạy vụt sang xoắn lấy chị Hảo:
- Cô ơi, lúc nãy ông có nhờ em nhắn với cô cứ ở nhà đợi, ông lái xe lên Ngân hàng rồi về liền.
Tôi ngẩng mặt lên. Một cô gái trẻ, khoảng 20, cười nói với chị Hảo thật tự nhiên. Tôi sa sầm nét mặt khi nghe lời nhắn của cô gái. Hoá ra chị Hảo không ở một mình. Tôi bỗng thấy đau nhói ở trong tim. Tình cảm tôi đối với chị Hảo thật ích kỷ. Đã bao nhiêu năm trôi qua mà tình cảm độc tôn trong tôi vẫn không thay đổi. Với anh Kiệt thì khác, tôi không có một uy quyền nào bắt chị phải gạt bỏ hình bóng của người chồng cũ ra khỏi tâm tư. Hơn nữa anh Kiệt đã mất, tôi không thể ghen với người quá cố nhưng tôi lại tự cho mình có quyền ghen với bất cứ người đàn ông nào khác, khi họ bước vào chiếm hữu trái tim chị. Tôi nghĩ chị Hảo chỉ nên yêu anh Kiệt và… tôi thôi, không thể một người nào khác. Không biết chị có nhận thấy nét mặt tôi thay đổi hay không nhưng tôi tin chắc khuôn mặt tôi lúc đó cau có khó chịu lắm. Tôi hằn học dúi vào tay chị mảnh giấy rồi quày quả đạp xe đi, không thèm nghe tiếng chị Hảo gọi gấp từ phía sau.
Trên đường về, tôi nghiến răng giận dữ. Người tôi như mê đi trong cơn ghen tức. Tôi không biết tôi đang vô lý trong ý nghĩ. Tôi không có lý do nào để giận chị Hảo. Cho dù yêu anh Kiệt tha thiết nhưng không thể bắt chị sống mãi trong cô đơn. Người đàn bà giữ tang chồng được ba năm là trọn nghĩa, hơn nữa chị còn quá trẻ. Ngày khoác áo tang, tôi đoán chị cỡ 20. Hơn mười sáu năm trôi qua, tuổi xuân không thể bắt chị ngồi đó thương tiếc mãi một mối tình, tuy tuyệt vời, đã ngàn trùng xa cách. Vả lại, vẻ đẹp của chị vẫn còn sắc sảo mặn mà. Với một nhan sắc như thế, thật khó để không bước đi bước nữa vì xung quanh biết bao người săn đón. Tôi bỗng giận sắc đẹp của chị Hảo, giận khuôn mặt nở hoa lồ lộ dưới con mắt của những thằng đàn ông không ra gì, (tôi chưa biết chị lấy ai nhưng tôi đã liệt hắn vào hạng không ra gì!). Tôi lại giận định mệnh xui tôi về sớm trên khúc đường oan trái để gặp lại chị Hảo. Giá tôi đừng gặp lại chị thì hình ảnh của chị Hảo vẫn tuyệt vời trong tôi. Cứ sống mãi với kỷ niệm và đừng đối diện với sự thật thì tôi đâu chuốc lấy cái khổ bây giờ. Buổi chiều hôm đó đạp xe về mà lòng tôi rã rời hơn bao giờ.
Mấy ngày sau, tôi quyết định phải khám phá cho ra cái “thằng” sống chung với chị Hảo. Tôi đạp xe về lối cũ, mon men đến hỏi chuyện cô gái ngồi bán thuốc lá xế căn nhà chị Hảo ở. Đúng là cô gái nói chuyện với chị hôm nọ. Bỏ ra mấy trăm mua vài điếu thuốc lá lẻ, tôi bắt chuyện:
- Bán đây khá không cô?
Cái nguyên lý tự ngàn xưa là bất cứ anh phu xích lô nào gạ chuyện với cô bán thuốc lá lẻ đều xem ra tâm đầu ý hợp lắm. Thì “nồi nào úp vung nấy” nên mới dễ dàng đưa đẩy câu chuyện. Cô gái bán thuốc ngồi tịnh khẩu hàng giờ, nhạt miệng lại có anh xích lô đến ve vãn nên cô mau mắn bắt chuyện liền. Trông cô khá xinh, mặc chiếc áo bà ba màu hồng nhạt hở một hột nút phía trên, xẻ hông cao đến nửa lưng. Mỗi khi cô vươn tay sửa sửa mấy gói thuốc nằm trên mặt kiếng, vạt áo vật vờ kéo xếch lên để lộ khoảng da thịt trắng ngần. Chiếc áo hình như hơi chật bó lấy bộ ngực vun đầy, tròn trĩnh. Tôi có cảm giác cô không dám thở mạnh, chỉ sợ hàng cúc áo bật tung sau mỗi hơi thở thoang thoảng mùi kẹo chanh. Cô vuốt lại mái tóc làm duyên, miệng chúm chím:
- Cũng được thôi anh Tư… uả, anh hổng ở dzùng này hả?
Rồi không đợi tôi trả lời, cô vỗ hai tay vào nhau:
- Hèn chi, em thấy anh lạ lắm nghen.
Tôi rít một hơi thuốc:
- Không, không lạ đâu cô. Đúng ra cô gặp tôi một lần rồi.
- Dzậy hả anh. Ủa, gặp hồi nào sao em hổng nhớ cà.
Chắc cô nghĩ tôi đang mở miệng tán tỉnh bằng một câu cũ rích. Thì anh xích lô nào ghé ngang sạp thuốc của cô mà không mở đầu bằng câu đã gặp nhau đâu đó rồi. Nghe mãi đến nhàm nhưng cô vẫn thích vì cô nghĩ mình có “dziêng” nên người ta mới đứng lại lân la gạ chuyện chớ. Nhìn mặt cô rạng rỡ, tôi thú thật:
- Mấy hôm trước, tôi chở bà ở căn nhà đàng kia về, cô chạy sang nhắn lại lời của chồng bà, cô còn nhớ chứ?
Cô nhíu mày cố nhớ lại chuyện ngày hôm đó. Khi nhớ ra, cô hơi thất vọng vì anh xích lô này hỏi chuyện thật chứ không phải bày chuyện để tán tỉnh cô. Giọng cô buồn buồn:
- Em nhớ rồi, hổm anh chở cô Ba về có viết tấm giấy đưa cho cổ.
- Cô Ba?
- Ừa! Em không biết tên thật cổ.
- Thế cô Ba ở đây lâu chưa?
- Không lâu đâu, độ nửa năm trở lại. Căn nhà đó họ đổi chủ hoài à, chỗ để cho mấy ông lớn nghỉ ngơi.
- Còn chồng của cô Ba thì sao?
Cô gái khựng người:
- Ủa, sao anh hỏi dữ dzậy? Bộ tính chiện gì hả?
Tôi làm vẻ mặt tự nhiên:
- Thú thật với cô, cô Ba là người quen lâu ngày mới gặp nhau. Hôm đó tôi tình cờ gặp lại cổ ở ngã tư Bảy Hiền rồi chở về đây. Tôi không ngờ cô ta đã có chồng.
Cô gái nghĩ ngay đến câu chuyện tình ngang trái và coi bộ thông cảm với người bị phụ tình. Cô hăm hở:
- À! Ông chủ hả, chả làm lớn lắm nghen, nghe đâu ở Ngân hàng nhà nước gì đó! Em hổng thích chả, thứ Bắc kỳ khó ưa. Mặt kên kên coi dễ ghét. Chả lấy cô Ba làm bé, anh biết hôn? Nghe đâu vợ chả còn ngoài Bắc. Còn cô Ba tội nghiệp lắm. Cổ hiền lành, nói năng dễ thương. Ở khu chợ này ai mà không mến cô Ba, ghét thằng chả. Em thật hổng hiểu cái nỗi gì mà cô Ba lại đi làm bé chả. Chắc tại do hoàn cảnh hén anh…
Tôi trợn mắt há hốc miệng nhìn cô gái. Cái tin nghe như sét đánh bên tai. Ôi! Không ngờ chị Hảo lại gá nghĩa với một tên Việt cộng. Mà đã là Việt cộng thì tôi đều khinh tởm như nhau. Người tôi rã rời như vừa đạp xong một ngày xe mệt nhọc. Nhìn nét kinh ngạc trên mặt tôi, cô gái đoán chừng tôi mất người yêu vì thời thế đổi đen. Tôi nghe lòng mình chùng hẳn xuống, nặng trĩu một nỗi buồn. Đúng ra tôi thất vọng. Không, không, tôi tuyệt vọng thì đúng hơn. Loáng thoáng tôi nghe tiếng cô gái:
- Anh biết hôn, mỗi tuần cổ đều đi thăm ai đó ngoài nghĩa địa. Cổ nói với em bày bán nhang cho tiện. Tuần nào cổ cũng ghé ngang sạp em mua bó nhang rồi lên xe đi thẳng ra nghĩa địa. Mỗi bận về em thấy mắt cổ đỏ hoe.
Tai tôi lùng bùng không còn nghe gì nữa. Cái tin chị Hảo cam thân làm vợ một tên Việt cộng đủ nói lên tất cả rồi, còn tất cả những gì khác đều thừa. Cũng như lần trước, tôi quày quả đạp xe đi không một lời cám ơn cô gái. Tôi cúi đầu đi như kẻ chạy trốn thực tại, bên tai còn nghe văng vẳng tiếng hỏi… anh Tư… sao dzậy anh Tư? Cả hai lần đến khu chợ này tôi đều mua thêm lấy những thương đau.
Cả bầu trời đổ ụp trên người tôi, đè nặng lên thân xác. Người tôi bải hoải tưởng chừng từng đốt xương long hẳn ra từ chỗ nối. Chưa bao giờ đôi chân tôi tê dại đến thế, gần như không thể đạp thêm một chút nào nữa. Tạt xe bên lề đường, tôi chui vào xe ngồi thở dốc như người lên cơn suyễn. Hơi thở hắt ra từng cơn như muốn trút bỏ nỗi tuyệt vọng đang bám rễ trong tâm tư. Không tuyệt vọng sao được khi nguồn hy vọng cuối cùng của tôi bị thực tại cướp đoạt trắng trợn. Cho dù mồ hôi đổ ra khổ cực đến mấy, cho dù kẻ thù có hành hạ tôi dã man đến thế nào đi chăng nữa, hình ảnh một chị Hảo trung trinh với mối tình chân vẫn giúp tôi vượt qua những đoạn đường cam go đó. Trong quá khứ, hình ảnh chị Hảo ngồi u buồn với tấm thẻ bài đã đẩy tôi vượt thoát được những cơn cùng cực khi lý trí bị nỗi phẫn uất phủ mờ. Tôi dễ mềm lòng trước những cảnh bất hạnh vì trong tôi vẫn sáng ngời một chị Hảo hiền thục với trái tim đầy ắp yêu thương. Tôi vẫn hiên ngang sống đến ngày hôm nay vì vẫn cậy nhờ vào niềm hy vọng một ngày nào đó sẽ thấy bình minh trên mảnh đất này. Như người ngư phủ mãi ngồi bó gối chờ hừng đông để kéo mẻ cá cuối nhưng khi mặt trời vừa ló dạng thì bị đám mây đen che khuất và cảnh vật lại chìm trong bóng tối.
Chị Hảo bước đi bước nữa cũng là chuyện thường tình, tôi tuy có đau khổ thật nhưng vẫn còn khả dĩ chấp nhận. Cùng lắm tôi chỉ tự trách mình sao quá lãng mạn để chuốc lấy mối tương tư. Nhưng thiếu gì người để chị lấy một tên cán bộ. Trong nỗi đau của tôi lại có thêm cơn giận. Chị lại chấp nhận làm bé thì quả thật tôi không thể hiểu được. Bây giờ thì nỗi đau, cơn giận trộn lẫn với sự cuồng nộ. Cả hơn mười năm, tôi đã nghe và thấy những người vợ thiếu thuỷ chung, trâng tráo bán thân làm vợ những kẻ có quyền thế, những kẻ đại diện cho một chế độ ngông cuồng đang hành hạ dã man chồng mình chết dần mòn trong các trại tù. Cũng không thiếu những kẻ sĩ, đại diện cho tầng lớp trí thức ở miền Nam trước đây, cũng trơ trẽn bán thân để mua lấy một chút an nhàn nhất thời. Thế những người này không có chút sĩ diện nào sao? Tôi không trả lời được câu hỏi đó nhưng lại nghĩ đến mỗi người một hoàn cảnh. Có thể họ có một lý do riêng tư nào đó nên mới để cho thằng mán thằng mường nó leo cây quế. Tôi không dám xét đoán nhưng để cho chính lương tâm họ phán quyết, hoặc ngay chính người chồng một thời đầu gối tay ấp trở về từ trại tù cắn răng quyết định. Nhìn những cảnh vô luân xảy ra giữa một xã hội xảo ngôn, tôi vẫn an tâm sống vì trong tôi còn ôm ấp hình bóng một chị Hảo thuỷ chung. Mọi người có thể ươn hèn nhưng chị Hảo của tôi thì không. Tôi sống yên ổn với hoài niệm đó mãi đến hôm nay tôi mới biết tôi lầm.
Trong khi tôi trân quý hình ảnh của chị, thì chị lại phản bội những luân lý căn bản trong tình yêu vợ chồng. Chị cam tâm làm bé mà không hề nghĩ đến người vợ cả, không hề nghĩ đến một hạnh phúc đã bị tước đoạt chỉ vì sự hèn yếu của mình. Chưa kể chị dâng hiến trái tim cho kẻ thù, bọn người đã giết chết anh Kiệt, chồng chị. Thù nước tôi không dám nói nhưng còn thù chồng chắc chị phải nhớ chứ? Thế mà chị đành đoạn tuyệt một quá khứ thân thương, trong đó có tôi là một nhân chứng. Chị rũ bỏ dễ dàng như thay một cái áo, hằng ngày.
Thế là hết, hình ảnh chị Hảo sụp đổ trong tôi thì con người tôi cũng sụp đổ theo. Tôi còn nhớ mãi câu nói thẫn thờ của chị: nhà chị sụp rồi còn gì mà giữ hả em khi anh Kiệt nằm xuống. Tôi cũng chẳng còn gì để giữ. Ôi! Mười sáu năm tuy cơ cực nhưng đẹp biết bao; đẹp với mối tình cảm lãng đãng xa xôi nhưng nhiều lúc tôi cảm thấy ấm áp thật gần, vì nó ở ngay trong tim. Bây giờ, sức sống của tôi đã bị bóp nghẽn, trái tim đập dật dờ theo thời gian. Tôi uể oải sống, gắng gượng lê bước được ngày nào hay ngày đó. Tôi không còn nhớ tôi đã làm khổ mẹ tôi đến mức nào nhưng bà đã khóc gần như hết nước mắt vì những cơn say khốn khổ. Tôi không thiết tha đến việc đạp xe, có khách thì chở không thì kiếm hàng quán ngồi làm bạn với mấy xị đế. Lòng hăm hở đạp xe kiếm tiền nuôi sống gia đình nguội hẳn. Điều này tối quan trọng vì cả nhà trông nhờ vào những cuốc xe hàng ngày của tôi để đổi lấy miếng cơm. Bữa cơm sa sút thấy rõ. Mẹ tôi chỉ khóc tỉ tê mỗi đêm khi mở cửa dẫn thằng con say khướt vào giường ngủ. Bà không hiểu thằng con cả đột nhiên dở tính sinh tật rượu chè be bét, hư người. Ba tôi già cằn cỗi, thở dài lặng lẽ không một lời trách cứ thằng con, có lẽ không dám thì đúng hơn vì ông không còn làm ra tiền để nuôi sống gia đình nữa. Ngồi bây giờ viết lại dòng chữ này, tôi cảm thấy có lỗi với cha mẹ tôi, với các em tôi. Tương lai tôi có thể hủy hoại, sao cũng được nhưng đừng để ảnh hưởng đến người khác, nhất là những người ruột thịt thân yêu của mình. Nguyên lý xem ra đơn giản như thế nhưng lúc đó tôi không cần hiểu. Tôi đang lao mình xuống đáy vực, muốn ra sao thì ra.
Một đêm say khướt bước về nhà, tôi khật khưởng leo lên giường nằm vật xuống. Đầu óc tôi nặng chình chịch nhưng nghe loáng thoáng mẹ tôi nói có người nào tìm tôi lúc chiều. Không còn hơi sức nữa, tôi thiếp đi trong cơn say. Sáng hôm sau, khi tôi tỉnh dậy thì mặt trời đã ở ngang tầm mắt. Đang rửa mặt tôi nghe tiếng mẹ tôi đàng sau lưng:
- Hưng này, hôm qua có bà nào đến đây tìm anh. Mẹ nói anh không có nhà, bà trao cho mẹ cái hộp giấy này, nói nhờ mẹ trao tận tay cho anh. Tối hôm qua, anh say quá nên mẹ không đưa. Anh mở thử xem, không biết có gì ở trong mà nặng lắm.
Tôi nhíu mày thắc mắc. Bà nào? Bà nào đi tìm tôi. Chưa vướng nợ tình với ai nên tôi đoán có lẽ chị Hảo. Ở thành phố này tôi chỉ biết mỗi chị Hảo. Không hiểu chị đến đây kiếm tôi làm gì nữa? Giữa tôi và chị chẳng còn gì để nói, ngoài một hoài niệm buồn. Tôi sẽ cố quên những gì đã lỡ ước mơ, tôi sẽ cố bước đi để sống, tôi sẽ không để những người thân tuyệt vọng vì tôi như chị Hảo đã nhẫn tâm làm qua nếp sống vô luân. Thấy tôi đứng tần ngần một lúc, mẹ tôi chìa cho tôi xem cái hộp có bọc nhiều lớp giấy báo bên ngoài. Tôi bình thản đỡ lấy cái hộp vuông vắn có buộc chéo dây hình chữ thập. Khá nặng. Bóc lớp báo ra, tôi mở nắp hộp. Đập ngay vào mắt tôi là tấm thẻ bài với sợi dây treo cuộn xung quanh nằm gọn ngay bên cạnh tờ giấy xếp làm tư; bên dưới thấp thoáng những thỏi vàng lá được xếp ngay ngắn. Sở dĩ nhìn thoáng là biết ngay vì nhãn hiệu trái núi ở phía ngoài. Tôi đếm được 10 lượng. Từ ngày mất nước, chưa bao giờ gia đình tôi thấy một gia tài lớn đến thế. Chạy cơm từng bữa, may ra dư dả chút đỉnh phòng hờ khi hữu sự, làm sao để dành mua được từng ấy vàng. Mẹ tôi nhìn hộp vàng người run lẩy bẩy. Tôi chộp lấy tấm thẻ bài, đọc hàng tên khắc sâu vào bản sắt. PHẠM HÙNG KIỆT. Trời ơi! Làm sao tôi quên được tấm thẻ bài chị Hảo khoác lên tay ngồi xoã tóc nức nở trong đêm! Không ngờ chị vẫn giữ tấm thẻ bài của anh Kiệt từ bấy lâu nay. Mà sao chị lại gửi cho tôi? Tôi đưa cả hộp vàng cho mẹ tôi rồi mở vội tấm giấy. Nhìn hàng chữ đầu tiên tôi ngờ ngợ nét bút của chị Hảo; đúng là lá thư chị viết cho tôi:
Sàigòn ngày…tháng…năm 1985
Hưng yêu thương của chị,
Chị thật không ngờ gặp lại em tuần trước. Đã hơn mười sáu năm rồi. Chị đã lạc mất anh Kiệt, còn em chị nghĩ cũng lạc mất ở góc biển chân trời nào đó. Mỗi người ở một phương, thời thế lại đổi thay, làm sao có dịp. Thế mà định mệnh run rủi chị em gặp lại nhau. Chị nghĩ phép lạ em ạ! Thật may mắn cho chị khi nhìn lại em, nhớ lại quãng thời gian ở Qui-nhơn, lúc còn anh Kiệt, có em chuyện trò. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng thật đẹp! Anh chị tuy ít gặp nhau (một tháng đôi lần) nhưng tình yêu nồng thắm hơn bao giờ. Trong nỗi mỏi mòn trông chờ từng ngày có đượm những háo hức gặp nhau cuối tuần. Và khi anh Kiệt về, em hiểu được chị vui đến thế nào. Thấy anh bình yên đã là một niềm vui, có với nhau một ngày là thêm niềm hạnh phúc. Bên cạnh đó, em đóng vai một nhân chứng cho tình yêu của anh chị. Có em đứng giữa, những ngày chị thiếu vắng anh Kiệt thấy đỡ buồn tẻ hơn. Vậy mà chỉ trong một ngày năm đó, chị mất anh Kiệt rồi mất luôn cả em. Gặp lại em, chị hồi tưởng lại những ngày hạnh phúc qua mau mà thấy lòng thổn thức. Ký ức hiện về rõ mồn một và chính em là chiếc chìa khóa mở rộng cửa ngõ quá khứ để chị cảm thấy nuối tiếc khôn nguôi. Và chị có thêm can đảm, Hưng ạ! Để chị kể cho em nghe sự yếu đuối của chị thế nào.
Hôm em chở về, chị em đã nói nhiều chuyện nhưng chị vẫn dấu em một điều. Bây giờ chị nghĩ em đã biết điều chị muốn dấu. Ngày gia đình chị vượt biên, chị chấp nhận ở lại giữ căn nhà để nhang khói cho anh Kiệt. Ông bà cụ anh Kiệt cũng giữ một chỗ cho chị trên chiếc thuyền con của gia đình. Chị từ chối. Chị không nỡ bỏ anh Kiệt, Hưng ạ! Thế mà lại may, chừng vài tháng sau đó, họ bắt phải cải mộ anh Kiệt đi chỗ khác. Nhờ chị ở lại nên mọi chuyện êm xuôi chứ không thì họ cày xới tung các ngôi mộ vô thừa nhận; vì gia đình đã đi vượt biên không còn một thân nhân ở lại để lo việc dời mộ. Nhưng chị lại gặp cái xui. Chính quyền quyết định trưng dụng tất cả những ngôi nhà có người chạy ra nước ngoài. Đúng ra họ lấn chiếm một cách trắng trợn có hệ thống. Ban đầu, họ ngang nhiên dọn vào, nhường lại cho chủ một căn phòng nhỏ. Em nghĩ xem, chị là đàn bà con gái, lại sống chung đụng với gần chục tên công an nửa người nửa ngợm thì chịu sao được. Vấn đề bếp núc đã bất tiện, vấn đề vệ sinh lại càng khó chịu hơn. Có lần, chị vừa tắm xong, lặng lẽ mang quần áo đi về phòng, liếc mắt thấy hàng chục con mắt nhìn chị chằm chằm. Nhìn những tia mắt dã thú của bọn công an người chị nổi cả gai ốc. Ngày hôm sau chị dọn ra, tuyệt nhiên không nói một lời. Thế là họ đương nhiên làm chủ căn nhà.
Cuộc sống của chị cơ cực mấy năm đầu, nhưng rồi cũng qua dần. Mỗi tuần chị đều ra mộ thắp nhang cho anh Kiệt, có khi chị ngồi tỉ tê với anh suốt buổi chiều. Tiền cha mẹ để lại một ít làm vốn, cộng với tiền ở ngoại quốc gửi về, chị chắt chiu cũng đủ sống. Khoảng hơn năm sau, chị xin được chân kế toán (sau khi anh Kiệt mất, chị chuyển trường học phân khoa Kinh tế) tại một chi nhánh ngân hàng nhà nước. Cuối cùng mọi việc tạm ổn, chị nhắm mắt sống yên thân giữa thành phố có quá nhiều hỗn loạn. Chị cảm thấy bằng lòng với quyết định ở lại để lo cho anh Kiệt.
Vậy mà vận số vẫn không tha cho chị. Tên thủ trưởng ngân hàng không biết sao mà hắn biết được chị là vợ của anh Kiệt, một phi công ngụy. Hắn hăm dọa sẽ đuổi chị ra khỏi cơ quan và truy tố ra toà án nhân dân vì tội lừa dối khai man với cách mạng. Hưng ơi, chị chỉ là một người đàn bà yếu đuối, sống bơ vơ giữa thành phố không có lấy một người thân. Giá như chị gặp em sớm hơn, có lẽ chị cũng không đến nỗi cô đơn khi quyết định. Nhưng sự thật phũ phàng là chị cam chịu làm những gì hắn muốn – kể cả việc cắn răng cho hắn làm chủ thân xác chị – để đổi lấy sự yên thân tạm bợ. Chị kể lể cho anh Kiệt nghe nỗi khổ, sự cô đơn cùng tận không có ai giúp đỡ khi gặp cơn nguy khốn. Chị nguyện xin Trời Phật thương phù hộ cho chị thoát khỏi cơn cùng quẫn thì chị gặp lại em. Trời ơi! Em biết không, chị nghĩ phải có phép lạ mới run rủi cho chị gặp lại em giữa mấy triệu người sống hỗn độn trong thành phố này. Và thật kỳ lạ Hưng ạ, gặp lại em chị bỗng thấy ngay một giải pháp giải quyết thật gọn mọi vấn đề. Giải pháp thật đơn giản nhưng có lẽ chị không đủ sáng suốt nghĩ đến hoặc không có đủ can đảm dám nghĩ. Chỉ biết rằng, sau khi gặp em, nó hiện ra rõ ràng trong tâm trí chị và phải mất cả tuần chị mới đủ can đảm quyết định.
Cám ơn em đã xuất hiện một lần cuối trong cuộc đời chị. Lần gặp gỡ đầu tiên, không hiểu sao chị mến em như một người thân trong gia đình và mãi mãi em vẫn chiếm một chỗ trong tim chị. Gửi lại em tấm thẻ bài, tấm thẻ mà chị giữ suốt mười sáu năm nay. Cứ mỗi tuần ra thăm anh Kiệt chị lại mang theo, ngồi bên mộ, tay mân mê tấm thẻ bài mà lòng ngậm ngùi nghĩ đến những ngày xưa thân ái, khi còn anh Kiệt và có em bên cạnh. Nhờ em trao nó lại cho gia đình anh Kiệt, hiện tại đang ở địa chỉ số…, đường…, thành phố…, Germany. Cả mấy năm nay không thư từ liên lạc nên không biết ông bà cụ còn ở địa chỉ này không. Em giúp chị tìm rồi trao tận tay ông bà cụ nhé. Em cũng liệu thư từ giải thích dùm với cha mẹ chị, hiện đang ở số…, đường…, thành phố…, USA. Chị thấy thật có lỗi với những người ruột thịt nhưng không biết làm sao hơn. Giúp chị gửi lời tạ lỗi đến cha mẹ chị. Chị không thua số mệnh nhưng bằng lòng chọn lựa mệnh số để trọn tình với anh Kiệt.
Còn mười lạng vàng là tất cả vốn liếng chị dành dụm bấy lâu nay. Gửi biếu em. Của phù du không cần nữa Hưng ạ! Em có thể dùng để mua lấy chút tương lai.
Thôi, chị ngừng đây. Chị muốn gặp em tận mặt để tâm sự nhưng nghĩ sao chị thấy viết ra như thế này dễ hơn. Cho cả em lẫn chị.
Thương em nhiều,
Hảo
Tôi thẫn thờ đọc những dòng chữ cuối. Rõ ràng đây là một lời trối trăn trong bức thư tuyệt mạng. Nói vội với mẹ tôi con phải đi đây có chuyện, tôi chạy sang nhà người bà con mượn chiếc Honda phóng một mạch lên chợ Trương minh Giảng. Gần đến trước nhà chị Hảo, tôi thấy người ta đứng lớp trong lớp ngoài phía bên này đường đang chỉ chỏ bàn tán. Trống ngực tôi đập thình thịch. Ngay cửa ra vào, chiếc xe cứu thương đậu quay đầu xe ra ngoài, hai cánh cửa sau mở rộng toang hoác. Vài ba tên công an vào ra ở cửa chính, vẻ mặt nghiêm trọng. Vòng ngoài còn bốn tên công an đang giữ trật tự, một đứa xua tay mời bà con giải tán đi làm việc. Hình như chẳng ai để ý đến hắn vì người ta vẫn túa đến mỗi lúc một đông; riêng những người đã đứng từ trước cứ bình thản bàn tán chuyện trò, xem như không có hắn. Nhìn cảnh tượng diễn ra trước mắt, không ít thì nhiều tôi cũng đoán được chuyện chẳng lành. Để biết rõ hơn, tôi muốn chen chân vào trong để hỏi han nhưng không dám bỏ chiếc xe Honda bên lề đường. Đang ngóng cổ ngơ ngác, tôi bỗng nghe tiếng gọi từ phía sau:
- Anh Tư, anh Tư.
Tôi quay lại và nhận ra ngay cô gái bán thuốc lẻ. Vì quá đông người chen lấn nên cô đã bê thùng thuốc lá ra một quãng xa. Cô vừa gọi vừa vẫy vẫy tay gọi tôi. Đẩy chiếc xe Honda lại gần, tôi móc túi đưa mấy trăm cho cô mua thuốc lá, giọng run run:
- Chuyện gì vậy cô?
Cô trao cho tôi hai điếu thuốc, nhìn quanh quất rồi hạ thấp giọng như sợ ai nghe lén:
- Quá sức anh Tư ơi. Anh hổng ngờ được cô Ba dám làm như dzậy. Anh biết hôn…
Nghe giọng cô ta chậm rãi kể chuyện, tôi đâm sốt ruột:
- Sao?
- Cô Ba tự tử, anh thấy ghê hôn? Em hổng ngờ cổ gan cùng mình dzậy đó.
Tôi đứng sững người, mắt nhìn cô ta không chớp:
- Sao cô biết?
- Dzậy mới hay chớ. Mà sao lần trước em gọi mà anh đi luôn hổng nói gì hết dzậy?
Trời ơi, con nhỏ kể chuyện này bắt sang chuyện kia chắc tôi đứng tim chết quá. Tôi nhỏ nhẹ:
- Tại hôm đó vội, với lại nghe tin cô Ba có chồng làm tôi cũng buồn buồn.
Cô gái nheo mắt hỏi:
- Thế anh là gì với cô Ba dzậy?
- Bí mật, cô kể tiếp chuyện đi rồi lát nữa tôi kể chuyện tôi với cô Ba cho nghe.
Cô chỉ ngón tay vào người tôi:
- Nhớ nghen, hổng bỏ chạy như lần trước nghe. Rồi, anh biết tại sao em biết hôn, thì thắng Cúi công an cho em biết chớ ai. Cái thằng đứng trước cửa nhà kìa. Thường thường em dọn hàng sớm lắm nên sáng nào cũng thấy thằng chả lái xe đi làm, rồi một lúc sau thấy cô Ba đi ra. Mà sáng nay, em hổng thấy thằng chả cũng hổng thấy cô Ba luôn. Khoảng 9 giờ, có đám công an phường gần chục đứa mặt lầm lì bước đến nhà thằng chả. Em thấy có đứa gõ cửa rồi đứa khác dùng xà-beng nạy tung cánh cửa. Cả bọn ập vào nhà. Khoảng nửa tiếng sau em nghe thấy tiếng còi hụ từ đàng xa. Thằng Cúi công an ra mở cửa dẫn mấy người cứu thương vào, họ còn mang theo mấy cái băng ca nữa. Em đứng ngồi hổng yên lo lắng cho cô Ba, hổng biết chuyện gì xảy ra cho cổ? Thấy thằng Cúi là em vẫy tay gọi nó liền. Anh biết hôn, bụng thằng này thẳng ro hà, dzới lại nó theo em tán hoài nên nghe em gọi nó mừng húm chạy sang liền. Em hỏi chuyện thì nó cho biết trong đó có người đàn bà tự tử. Em hỏi sao biết thì nó nói là có để lại lá thư. Em biết ngay là cô Ba. Trời ơi, cổ tự tử làm gì chớ, tức thằng chả nữa thì bỏ chớ tự tử làm gì cho uổng tấm thân. Mà cái tin này mới làm anh giật mình chết giấc. Thằng chả cũng đi luôn rồi. Cô Ba đầu độc thằng chả bằng thuốc rầy. Cái thuốc diệt rầy đó độc lắm, ngửi đã thấy xây xẩm mặt mày rồi chớ đừng nói uống. Lỡ uống vào thì thuốc tiên cũng hổng cứu được…
Tôi ngắt lời:
- Thế cô Ba tự tử thế nào?
- Cũng thuốc rầy luôn. Nghe đâu trộn vào thức ăn nên thằng chả chết từ đêm hôm qua lận. Em thấy tội nghiệp cô Ba quá anh Tư. Người hiền lành dễ thương như cổ mà bạc mệnh quá anh há.
Bây giờ mới thật sự là hết. Tôi thoáng thấy người ta đẩy hai chiếc băng ca phủ khăn trắng toát lên xe. Ôi! Chị Hảo đã ra người thiên cổ. Chị chấp nhận bỏ trần gian này để sum họp với anh Kiệt. Chị hạnh phúc khi gặp lại chồng, còn tôi đứng ở bên này bờ sinh tử thương một kiếp hồng nhan, nuối tiếc vô vàn một người chị mà tình thương và tình yêu trộn lẫn.
Tôi muốn chạy đến vuốt mắt chị nhưng không dám. Tội giết cán bộ không phải chuyện nhỏ trong chế độ đảng trị sắt máu. Nếu tôi nhận là người thân của chị thì chắc chắn tôi và cả gia đình sẽ bị liên luỵ ngay. Tôi đành cắn răng đứng nhìn người ta mang xác chị đi mà chỉ lẩm bẩm mấy chữ vĩnh biệt chị… Tôi mong những lời cuối sẽ theo gió bay lên chốn thinh không gửi đến cho chị, để chị yên vui buớc sang một kiếp luân hồi.
Trời ơi! Buồn làm sao nói hết được. Tôi quay người đẩy xe đi tránh không cho cô gái thấy giọt nước mắt đang lăn trên má. Cũng như lần trước, chạy xe đi quên không chào cô gái, tôi vẫn còn nghe tiếng cô léo nhéo phía sau …anh Tư… anh Tư… còn chuyện anh với cô Ba thì sao?…
Cảnh vật mờ nhoà qua ánh mắt tôi. Thò tay vào túi áo móc điếu thuốc, tay tôi đụng tấm thẻ bài. Cầm trên tay, tôi mân mê nó như một kỷ vật. Nó như cái mắt xích nối liền anh chị Hảo và tôi lại với nhau. Quá khứ chạy vụt về như một cơn lốc, mơ quay trở lại căn gác nhỏ có người thiếu nữ tựa cằm hỏi han, khuôn mặt lung linh những đốm nắng, giọng nói trong veo như tiếng chim hót trên đầu ngọn cây, thấy lại những ngày thân quen nâng niu tình chị em thắm thiết, nôn nao lây nỗi trông chờ chồng về thăm mỗi cuối tuần, chia sẻ nỗi đớn đau khi anh Kiệt hy sinh, và sự chọn lựa cuối cùng của chị Hảo. Ôi, chuyện mười sáu năm kết thúc chỉ trong một ngày. Thật đơn giản. Ông tạo mang vận số từng người ra xếp đặt đùa giỡn, tạo thành kiếp phù sinh. Phóng xe đi mà nước mắt cứ trào ra lăn trên má, tôi nghe lòng thổn thức gọi thầm: chị tha lỗi cho em, chị Hảo ơi, chị Hảo ơi…
Lời cuối:
Tôi có bàn với mẹ tôi đứng ra nhận xác chị Hảo về chôn cất. Mẹ tôi khuyên không nên dây dưa với chính quyền, hơn nữa lại dính tội sát nhân, không ít thì nhiều mình sẽ bị vạ lây. Không khéo cả nhà đi tù vì tội đồng lõa ám sát cán bộ. Suy đi nghĩ lại, mẹ tôi nói nên bán đi một cây vàng, cúng kiến cho hương hồn cô ấy sớm siêu thoát và làm phúc bố thí cho người nghèo. Tôi đồng ý và nghĩ chị Hảo chắc cũng thông cảm chẳng trách tôi. Một năm sau, tôi vượt biên để lại cho gia đình 5 cây vàng có vốn liếng làm ăn. Tôi thật không đành bỏ cha mẹ già và mấy đứa em; mẹ tôi thực tế hơn, khuyên con ở lại đây cũng chẳng giúp ích được nhiều, nay có chút tiền của nên đi để tìm tương lai cho chính con và sau này các em cũng được nhờ; gia đình ở lại cũng còn 5 cây vàng phòng khi túng quẫn, cũng không đến nỗi nào. Thế là tôi ra đi. Ở trại tỵ nạn bên Phi mất gần 4 năm, mãi đến đầu năm 1990 mới nhập cảnh Mỹ. Khi ở Phi, tôi viết hai lá thư hỏi thăm và kể rõ sự tình, gửi cho ông bà cụ anh Kiệt ở Đức và cha mẹ chị Hảo ở Mỹ. Thư gửi đi Đức bị trả lại vì không còn người ở địa chỉ đó nữa. Thế là tôi mất liên lạc. Tấm thẻ bài tôi vẫn luôn luôn giữ bên mình, lời yêu cầu của chị Hảo cứ canh cánh bên lòng. Vậy mà hơn mười năm trôi qua nơi xứ người…
Sở dĩ tôi viết lại câu chuyện thương tâm này vì mới hai tuần trước Tết Tân Tỵ tôi bắt liên lạc được với gia đình anh Kiệt. Bước sang thế kỷ 21, kỹ thuật mạng lưới toàn cầu phát triển tột bực và nhờ một vài người quen biết ở Đức dò la nhắn tin tức, tôi tìm được chỗ ở của hai cụ. Tôi được biết thêm cụ ông đã mất, cụ bà mắt đã mù. Tôi sẽ gửi câu chuyện trên đây như một lời giải thích cho bà cụ anh Kiệt về cuộc đời chị Hảo, kèm theo tấm thẻ bài của người con cả. Tôi cũng an tâm đã làm xong nhiệm vụ với người đã khuất. Cả đời người, tôi may mắn là nhân chứng cho một chuyện tình thương đau nhưng đẹp tuyệt vời. Mỗi năm, tôi đều thắp một nén nhang thương tiếc chị. Cầu mong hương hồn chị siêu thoát ở chốn vĩnh hằng.
 
Hải Ngữ

Xem Tiếp: ----