Vầng trăng mười sáu đã vành vạnh ở một góc trời. Gió chiều thổi lộng. Cả cánh đồng không còn một vạt lúa, chỉ lỗ chỗ những khoảnh đất vừa được đào lên khảo nghiệm. Không còn cánh đồng cò bay thẳng cánh. Không còn sóng lúa rập rờn... và cây ô môi già mấy chục năm tuổi, dễ chừng gần bằng tuổi ông Tư cũng bị đốn hạ hôm qua rồi. Đám công nhân đã bẻ hết trái, chỉ còn thân cây với những nhánh đen chỏng chơ nằm như một người vừa bị trợt té. Ông Tư đứng trầm ngâm. Gió thổi lộng làm mái tóc sớm bạc của ông lòa xòa thêm. Từ lúc người ta đồn đại đất nhà ông cùng với gần hai mươi hộ gia đình khác sẽ bị giải tỏa để xây dựng một nhà máy đường quy mô, ông đã nghe buồn. Nhưng ông không ngờ công trình lại làm mau đến vậy. Từ lúc mười mấy hộ gia đình nhận được thông báo họp mặt chính thức để chánh quyền công bố lịnh giải tỏa cho đến lúc phải ra đi, thời gian chưa đầy một năm. Bây giờ, nhà ở mới đã xây cất xong. Nhà tường lợp tôn hẳn hoi. Hai thằng con trai ông, mỗi đứa một chiếc xe gắn máy đời mới đàng hoàng. Tụi nó thì vui mừng tở mở, còn ông thì buồn đau đến đứt ruột mà chúng đâu hay. Đứa con gái út đang học lớp mười vui vì nhà đã ở gần trường. Vợ ông cũng tỏ ra nhạy bén không kém mấy người ở chợ. Nhà vừa xây cất xong đã mở liền một quán cà phê. Thằng Hai mau mắn đi rinh về cái máy hát với cặp thùng và suốt mấy ngày liền ông không làm gì được khi bên tai cứ ầm ào tiếng nhạc. Bà Tư có vẻ cũng thông cảm với ông, bà nhỏ nhẻ: - Phải ráng thôi ông. Hoàn cảnh bây giờ khác rồi. “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “Nắng bề nào che bề nấy”. Ông phải quen đi mới được. Với lại tui với ông bây giờ già rồi, sức đâu làm ruộng nữa. Còn mấy đứa nhỏ, nó sống theo thời, miễn có tiền sống no đủ là được. Ông buồn hoài sanh bịnh còn khổ nữa. Ông nghe bà nói một hơi mà không trả lời một tiếng, chỉ lặng lẽ vấn thuốc hút. Từ ngày dọn nhà về đây, ông càng hút nhiều hơn. Buồn thì cứ vấn, cứ hút. Có ngày, ông không ăn được cơm. Con út đi học về phụ với bà bán quán. Khách cũng lai rai đủ tiền chợ. Thằng Hai, thằng Ba sáng xách xe ra chợ kiếm khách. Chạy xa chưa dám vì chưa quen đường lại chưa có bằng lái, tụi nó chạy gần. Mỗi ngày phụ thêm tiền gạo. Ông thấy mình là người dư thừa ra trong cái nhà nầy. Loanh quanh, luẩn quẩn ông đi kiếm tre làm một mớ cần câu cắm và bắt đầu với công việc mới của mình. Bà Tư biết chồng buồn nên thông cảm. Sáng ra, bà dậy sớm bắc nồi cơm lên bếp. Quán dọn xong thì cơm chín. Ông không ăn sớm nên giở cơm theo. Buổi trưa, ông tìm một chỗ ngồi. Nước trà nguội ngắt nhưng cũng không sao. Quan trọng là ông đã tìm lại được cái không khí của mình, tìm được cái khoảng không quen thuộc từ khi ông còn là một thằng nhỏ chăn trâu. Từ cánh đồng, con sông tới những chiếc cầu khỉ, cầu ván ông đã thuộc nằm lòng. Chỗ nào nước cạn, chỗ nào nước sâu. Chỗ nào nhiều cá, chỗ nào có tôm cua ông đều biết rõ. Nhà nghèo, hồi nhỏ ông không được đi học, ông đi giữ trâu cho nhà Sáu Đảnh, người khá nhứt trong xóm. Rồi lớn lên, ông cưới vợ. Vợ chồng siêng năng tằn tiện mua được mấy công ruộng, sắm được đôi trâu. Đời ông còn mong gì nữa. Ba đứa con ông đều được đi học. Thằng Hai tới lớp bảy thì cà trật cà vuột đòi thôi. Kệ nó, lớp bảy cũng được. Cũng hơn ông rồi. Nó làm ruộng giỏi và phụ được ông. Thằng Ba hơn anh nó, tới lớp chín, cũng nghỉ. Nó lại giỏi bắt cá, bắt cua. Ông thấy đời mình cũng đỡ vất vả rồi, còn mong gì nữa. Ba mươi mấy tuổi mới lấy vợ. Bây giờ, chỉ mong con nó có đôi có bạn để mình có cháu bồng ẵm cho vui tuổi già. Thằng Hai đã hai mươi hai mà cứ trắm trơ trắm trất ra đó. Ông biểu coi chỗ nào được thì cưới để có con. Nó cười: “Ba mua cho con chiếc xe còn có lý hơn”. Ông đâm quạu: “Mua xe rồi nó đẻ con cho mầy chắc? Bao nhiêu tuổi rồi mà chưa biết lo liệu chuyện gia đình!”. Nó cười chọc ông “Hồi đó, ba cưới má không phải tới hai mươi bốn tuổi sao? Con mới hai mươi hai mà sợ nỗi gì!”. Ông đuối lý nhưng cũng chống chế: “Hồi đó tao nghèo, đi làm kiếm ăn còn khó, nói gì tới vợ con. Còn bây giờ, tao có tiền lo, mầy sung sướng quá rồi có biết gì đâu!”. Ông nói rồi lại buồn. Năm mươi sáu tuổi rồi còn gì. Mấy người bạn đã một bầy cháu chớ ai như ông. Cũng may, tụi nó biết phụ cha mẹ kiếm tiền, chớ nếu tụi nó lại cờ bạc rượu chè hư thân, chắc ông còn khổ nữa. Ông đi cắm câu tưởng để khuây khỏa mà lại hay. Cá đem về ăn không hết lại bán cho lối xóm. Ông ra đi từ sáng. Siêng thì ở tới chiều. Bữa nào thấy uể oải thì về sớm. Từ ngày bắt đầu đi câu, ông đã tránh không đi về phía đất nhà cũ của mình. Ông không muốn nhìn thấy cảnh cũ mà thêm đau lòng. Nhưng hồi đêm nầy, ông mơ một giấc mơ lạ lắm: ông thấy mình đánh trâu cày trên đất cũ. Đằng kia, bà Tư đang cho gà ăn. Nhưng bà bỗng xa dần xa dần. Ông chạy theo, bà cứ như một làn khói... biến đi. Ông la ơi ới, tay ông đập mạnh trúng vô vách tường, đau điếng và ông choàng tỉnh. Bà Tư từ trong buồng đi ra. Bà mở công tắc đèn và thấy ông Tư ngồi chình ình trong mùng. - Ông thấy gì mà mớ dữ vậy? Bà vừa nói vừa rót cho ông ly trà nguội. Cả nhà đều thức. Thằng Hai chọc ông: - Ba thấy ăn trộm hả? Sao ba la lớn quá vậy? Ba đập muốn bể tường luôn kìa. Ông đón ly nước từ tay bà Tư uống cạn rồi lại ra ngoài đi tiểu. - Thôi! Có gì đâu, ngủ đi! Bà Tư vừa trở vô trong vừa biểu mấy đứa nhỏ đi ngủ. Con Út nằm thỏ thẻ: - Chắc tại ba đi suốt ngày mệt quá nên mớ. Má nói với ba đi một buổi thôi, dang nắng tối ngày rồi bịnh. Bà Tư nằm gác tay lên trán mà thấy thương chồng quá. Thôi thì tìm cách xoay xở kiếm lại một miếng đất cho ông, không chừng ông lại vui. ° ° ° Bà Tư âm thầm thực hiện ý định của mình. Tiền bồi thường còn dư một ít bà vẫn dành khi hữu sự. Còn số nữ trang của bà với con Út cũng bộn chớ, mà toàn là vàng 24. Bà không thích vàng 18, theo cách nghĩ của bà, rủi ro cần thiết thì không xài được. Bà nhờ Năm Miên, người em bà con dò hỏi giùm. Đất bây giờ hơi mắc, nhưng đất ruộng vẫn chưa mắc lắm, kiếm lại cho ổng có bùn mà lội, chắc ổng hết buồn. Bà mua lại được hai công đất ruộng hơi xa nhà một chút nhưng nghĩ tới nỗi vui mừng của ông, bà lại thấy vui lây. Bữa nay ông đã đi suốt ngày chưa về. Bà định chồng tiền xong mới nói để ông bất ngờ. Ông Tư đi suốt ngày và cá cũng nhiều lắm. Lúc ông vừa định quay về thì nhìn thấy mặt trăng. Trời đất! Sao trong đời ông, đã bao nhiêu lần ngắm trăng mà ông có thấy nó đẹp như vầy đâu. Thêm nỗi, cả cánh đồng cứ trơ trơ ra đó, nham nhở như một chiếc chiếu đã nhàu nát. Ông lại thấy tội nghiệp mặt trăng. Nó cô đơn quá! Cô đơn cũng như ông. Ngày xưa đâu vậy, trăng mọc thì gió hây hây, sóng lúa rập rờn... Lúa chín thì thảm lúa vàng. Mạ còn xanh non thì cả cánh đồng nõn nà như con gái vừa mới lớn. Đâu như bây giờ, nó chẳng còn nơi còn chốn để khoe vẻ đẹp mà tạo hóa đã khéo ban cho. Ông Tư thẫn thờ đứng ngắm trăng như một họa sĩ đang say sưa ngắm nhìn tác phẩm của mình. Ông nhớ lại từ chặng đời ông đã sống, đã lớn lên như thế nào trên mảnh đất này. Nhớ cái ngày mua được hai công ruộng đầu tiên, ông đã móc một nắm đất trên tay mà đưa lên mũi. Cái mùi bùn cũng quen thuộc như mùi rơm rạ trong sân. Rồi mấy công ruộng kế tiếp, rồi đôi trâu. Ông đã rớt nước mắt ngày người ta tới dắt tụi nó đi. Hai con trâu cố ghì dây gàm lại, tụi nó cũng đâu muốn xa ông. Ruộng đất đã không còn thì để trâu lại làm gì. Ông bất chợt thở dài khi nhớ lại mấy ngày trước lúc ông tình cờ đi ngang chỗ người chủ mới đang cày. Đôi trâu nhìn ra ông, tụi nó rống lên mấy tiếng nghe buồn quá! Ông cắm đầu cắm cổ bước mà nghe mắt cay cay. Trời đã thẫm màu, trăng đã lên cao hơn, gió lồng lộng thổi. Ông Tư ngồi phịch xuống đất, cái giỏ cá và mấy cần câu ông đặt kế bên. Ông móc thuốc ra vấn rồi cứ vậy mà ngồi ngắm trăng, quên cả việc về nhà, quên cả bà vợ hiền đang thắc thỏm chờ ông bên mâm cơm đã nguội lạnh. Bà Tư thấy trời đã tối mà ông Tư vẫn chưa về, đâm lo. Thằng Hai vừa dừng xe trước nhà bà đã biểu: - Chạy đi kiếm ba mầy coi, sao tới giờ nầy chưa về, không biết có chuyện gì đây! - Chắc ba ghé nhà ai đó nhậu nhẹt chút thôi, có gì đâu mà má lo, lớn rồi đi lạc đâu mà sợ. - Mầy còn ở đó nói chơi. Ba mầy lúc nầy lạ lắm, tao hổng lo sao được. - Thôi thì để con đi. Thằng Hai vòng xe lại, nó nghĩ thế nào mà lại chạy về hướng đất cũ. Ông Tư đã vấn tới điếu thứ năm rồi. Ông hút thì ít mà gió thổi làm cháy thuốc thì nhiều. Cây ô môi nằm chỏng gọng làm ông buồn không ít. Lúc nhỏ, ông cùng mấy đứa bạn chăn trâu đã coi nơi này là điểm hẹn. Cả đám cột trâu lại rồi chơi đánh nhau. Bẻ cọng u du làm đạn bắn bằng những sợi dây thun thắt lại thành bím. Cọng u du nhỏ vậy mà với tốc độ bay nhanh, khi trúng vô mặt thì đau thấu trời thấu đất chớ vừa đâu. Cây ô môi như một vị thần đã uy nghi đứng đó hằng mấy chục năm rồi. Bây giờ thần lại nằm chỏng gọng thật đau lòng. Ông Tư nghe như mình đã mất đi cái gì đó trong lòng. Cái mất không nhìn thấy và không giải thích được. Thằng Hai đã nhìn thấy ông từ đằng xa. Nó cũng hiểu được nỗi buồn của ba nó nhưng nó không đồng cảm. Có gì đâu mà tới như vậy. Lội ruộng cực khổ muốn chết mà lại ham. Về chợ ở, chưn giầy chưn dép chẳng sướng hơn sao. Nó dựng xe rồi đi về phía ông. Ông Tư vẫn chưa hay thằng Hai tới, ông vẫn trầm ngâm lắng nghe hơi thở của đất trời chan hòa trong cõi mênh mông tịch lặng. - Ba ơi! Về thôi, má chờ ba từ chiều tới giờ, má lo lắm! Ông Tư như vừa bị kéo về thực tại. Thằng Hai đã tới bên và nắm lấy tay ông. Hai bàn tay ông lạnh ngắt. Nó cũng thấy sợ. Đúng là ba nó lạ quá! Nó đâu hiểu được cái hồn của đất đai đã thấm đẫm đời ông. Chỉ có ai lớn lên từ đất mới hiểu được nỗi đớn đau đến dường nào khi phải xa nó. ° ° ° Ông Tư nằm vùi luôn mấy ngày và thỉnh thoảng lại mê sảng. Những người nhẹ dạ, mê tín thì cho là ông bị quở vì đã xúc phạm tới những vong hồn lúc ông lang thang trên những cánh đồng từ tờ mờ sáng đến tối. Bà Tư thì hiểu ông đang mắc tâm bịnh. Sáng nay, bà nấu xong nồi cháo rồi múc ra tô, để trên bàn và khẽ khàng: - Ông dậy rửa mặt rồi ăn cháo. Bữa nay có vợ chồng Năm Miên qua chơi, ráng tỉnh táo chút đi. Ông Tư giựt mình, vợ chồng Năm Miên ít tới lui nhà ông, bữa nay lại tới, có chuyện gì đây. Ông xuống nhà dưới rửa mặt rồi trở lên. Bà Tư đã xếp xong mùng mền và rót sẵn cho ông ly nước. Ông Tư ngồi xuống ghế, nhắp một ngụm trà rồi chậm rãi: - Vợ chồng Năm Miên có chuyện gì mà qua đây? - Thì chút nữa ông biết, gấp gì. Ông ăn cháo đi cho khỏe. Thằng Hai vừa dừng xe trước nhà. Hai người khách bước xuống xe. Ông Tư nhìn thấy vợ chồng Năm Miên xăng xái bước vô. Năm Miên lên tiếng trước: - Anh bịnh gì vậy anh Hai (Bà Tư vốn thứ Hai, thứ Tư là thứ của chồng)? Bữa nay tui trị cho dứt luôn nghe! Ông Tư ngơ ngác vẫn chưa hiểu điều gì. Thằng Hai dựng xe xong đã tới sau lưng bà Tư: - Má nói mau đi cho ba mừng đặng hết bịnh. Bà Tư chưa lên tiếng. Năm Miên vừa kéo ghế ngồi vừa mau mắn: - Bữa nay tui qua lấy tiền đất. Tui sang lại cho chị Hai hai công ruộng đầu hồi. Chị Hai thấy anh cứ buồn bã hoài nên mua ruộng để anh lội cho vui vậy mà. Ông Tư chầm chậm đặt ly trà xuống bàn. Ông nhìn vợ, người vợ hiền từ bao năm nay đã là người hiểu ý ông nhứt và cũng là người đã kề vai chia sẻ bao nhiêu khó khăn vất vả từ ngày lấy ông. Ông bỗng nhớ lại cái ngày đầu tiên ông mua được ruộng và cái mùi bùn ngay ngáy lại phảng phất đâu đây.