Lớp mà tôi giảng dạy là lớp đại học tại chức, học viên đa số là những người đang làm việc trong các cơ quan nhà nước. Trong suốt tiết học đầu tiên, tôi cảm thấy có chuyện gì đó không ổn: Cô học viên ngồi ở phía trong cùng bàn cuối cứ nhìn tôi chăm chăm có khuôn mặt quen quen. Tôi lục lọi quá khứ. Thời sinh viên nghèo khó, học bù đầu bù cổ đến tốt nghiệp mà chẳng có nổi một người yêu. Sau khi ra trường, tôi lao vào cuộc mưu sinh đầy gian khổ, rồi lấy vợ bốn năm sau - người yêu đầu tiên. Chắc chắn cô học viên này không thể có mối quan hệ tình cảm với tôi rồi. Giờ giải lao, tôi xuống căng-tin trường kêu ly cà phê đen. Hút chưa hết điếu thuốc đã thấy cô học viên hồi nãy thụt thò ở cửa hình như kiếm tôi. Đúng rồi, cô tiến lại gần, nói nhỏ: - Thầy! cho em ngồi với được không! Thầy không nhận ra em cũng phải, hơn chục năm rồi mừ! Tôi vắt óc, thấy cô gái này đúng là quen, từ giọng nói đến khuôn mặt. Nhưng tôi vẫn chưa nhớ chính xác nên e dè: - Xin lỗi, tôi không nhớ được! Cô nói rõ hơn một chút được không? Cô gái cười, giọng buồn buồn: - Em cho thầy xem cái này chắc chắn thầy nhớ liền! Mười năm nay ngoài chồng em ra, em không dám cho ai xem hết. Cô gái vén tay áo bên phải lên và tôi giật nảy người. Hình xăm một con ngựa nhe răng, hai chân trước chồm lên dữ tợn, bên dưới có hai chữ “Ngựa Hoang”. Huê! Đúng Huê thật rồi. Tay tôi run lên vì mừng rỡ: - Huê! Trời đất! Em học đại học rồi, hồi đó tôi cứ tưởng em nói chơi! Huê cười muốn rơi nước mắt: - Thầy! Bây giờ thầy là thầy em rồi, còn hơn ước mơ hồi đó của em. Em mừng quá, không ngờ nói chơi bậy bạ mà thành sự thật. Huê bật khóc ngon lành, bàn bên kia có mấy học viên đang xầm xì rồi cười nho nhỏ. Chắc họ tưởng Huê là người yêu cũ của tôi. Tan học, Huê đứng chờ tôi ngay cổng: - Thầy dìa nhà em cho biết. Tụi em mời thầy ăn cơm, em đã kêu ổng chuẩn bị mồi màng hết rồi, thầy tới là nhậu liền. Hông phải ai lạ đâu thầy, chồng em là một người thầy từng biết. Cái ông đã từng kiếm chuyện rồi đánh lộn với thầy đó. Thầy nhớ hôn? - Nhớ rồi. Vũ phải không? Chuyện sao mà lạ lùng như phim Hàn Quốc vậy. Tôi cũng đang muốn uống vài ly đây, hào hứng quá! Căn nhà nhỏ của Huê trong một con hẻm nhỏ ở gần đấy. Chúng tôi thả bộ khoảng mười phút thì thấy Vũ đứng đón ngay đầu hẻm. Thấy chúng tôi, Vũ la rùm lên: - Anh Long! Trái đất này nhỏ thiệt, ta lại gặp nhau, nhưng bi giờ khác rồi, giang hồ rẽ lối, em là công dân nghiêm túc! Huê nhắc chận ngay cơn hứng khởi của chồng: - Vô nhà đi! Đứng đó nói hoài. Vô nhà, tới tối, muốn nói gì thì nói. Tôi và Vũ cưa gần đứt một lít “nước mắt quê hương” rồi mà câu chuyện dường như chưa dứt. Tôi đang học năm cuối đại học, phải dọn chỗ ở, đến nơi xa hơn, yên tĩnh hơn để tập trung học, nhất là đỡ một ít nào tiền nhà. Nhà trọ mới có hơn chục phòng toàn nam. Đối diện, cách một hàng rào xi măng bên trên rào lưới B40, cũng là một dãy nhà trọ, nhưng là nhà trọ “không bình thường”. Bên đó, tiếng chửi thề, nói tục dường như không ngớt, trai gái gì cũng như nhau. Tâm, thằng bạn mới cùng phòng nói: - Mấy “con gà” đó mà, đêm nào dìa cũng xỉn, chửi đã rồi ói, nghe ớn thấy bà. Em định dọn đi nè. Tôi than thầm, đầu óc bị nhiễu sóng như vầy học sao nổi, chắc năm nay khó tốt nghiệp. Nhưng đã đóng tiền nhà trước ba tháng, khó quá! Cuối cùng tôi nghĩ ra một cách, khi nào bên đó ồn quá thì nhét bông gòn vô hai lỗ tai. Kệ, ráng chịu cực vài tháng nữa là ra trường rồi. Nghe thằng Tâm kể lại, ở nhà trọ này có nhiều thằng sinh viên bị cái đám “gà móng đỏ” dụ dỗ đến nước phải bỏ học, đi bụi, rồi thành bảo kê nhà hàng. Còn nhiều chuyện lắm! Tôi thực hiện chủ trương, hễ nghe bên đó ồn ào, ngay lập tức tôi nhét bông gòn vô tai liền. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể thực hiện tốt, một lần tôi mới đi học về chưa kịp vô nhà thì thấy một cái đầu vàng khè ló lên từ hàng rào nhà trọ bên kia: - Ê! Thằng nhỏ, mới tới ở sao không ra mắt chị, lại đây chị dạy cho vài chiêu. Tôi thấy một gương mặt chỉ bằng con em út nhà mình, ít ra cũng nhỏ hơn mình cỡ sáu, bảy tuổi mà kêu mình bằng “thằng nhỏ”. Tôi im lặng vào phòng, đóng sầm cửa lại, nhét tai hai cục bông gòn. Tôi không còn nghe gì nữa đến lúc thằng Tâm khều khều vai tôi. Tôi lấy hai cục bông gòn ra, ngước mắt hỏi: - Gì? - Anh làm gì mà con nhỏ bên đó chửi quá trời vậy, coi anh nghiêm vậy mà cũng ghẹo tụi nó! Tôi quạu: - Thề có trời, tao không ghẹo tiếng nào, ờ có lẽ vậy mà nó nóng. Bên đó lại có tiếng chửi thề, rồi tiếng cô gái hồi nãy vang lên: - Ông hông ra nói chuyện với tui, tui chọi đá lên nóc nhà cho khỏi ngủ luôn. Bộ tui kinh dị lắm hả, ra hôn? Sau đó là tiếng “ầm, ầm” trên mái tôn. Thằng Tâm nói nhỏ: - Anh ra đại coi nó nói gì. Anh không ra nó chọi đá hoài ngủ sao được, đụng tụi này mình chỉ lỗ thôi. Tôi bước ra ngoài. Tinh thần người lính trong tôi trỗi dậy, tôi nhìn thẳng vào mặt con bé, lạnh lùng hỏi: - Tôi ra nè, cô muốn gì? Nhìn vẻ bề ngoài đen đúa, rắn rỏi và bộ mặt ngầu ngầu của tôi, cô nhỏ hơi chột dạ: - Tôi chỉ muốn nói chuyện với ông thôi, sao làm phách vậy? Tôi cũng từng học hành chớ hổng phải con dốt đâu nghen. Bộ sinh viên ngon lắm à, ra trường ông làm lương một tháng không bằng tôi “nằm ngửa” một đêm. Tôi cảm giác hai lỗ tai mình nóng dần lên, nóng đến mức không còn chịu đựng được nữa. Tôi nhìn vào gương mặt non nớt, trong sáng và đẹp như thiên thần trong chuyện cổ tích đó mà rùng mình. Gương mặt đó làm sao mà chửi thề được, gương mặt đó làm sao nói những câu tục tĩu đến mức không thể tục tĩu hơn như vậy chớ! Không kiềm chế được chắc tôi đã tát mạnh cô ta một cái. Muốn kết thúc cuộc nói chuyện vô bổ này nên tôi quay lưng: - Tôi không quen nói chuyện kiểu như vậy, cô vô ngủ đi. Cô nên để yên cho những người khác! Cô nhỏ nghinh mặt: - OK, tôi không làm phiền họ với điều kiện anh phải nói chuyện với tôi thêm một tiếng đồng hồ nữa, bây giờ tui có vô cũng không ngủ được, chán quá! Cái vẻ bất cần đời dường như mất đi đôi chút, tôi không nghe cô chửi thề nữa và tự dưng tôi thấy tội nghiệp. Với tuổi này, đúng ra cô đang phải ngồi học trong một lớp nào đó, sao lại bỏ phí cuộc đời như vậy chớ? - Anh tên gì, giang hồ gọi tôi là Ngựa Hoang, tên má tui đặt là Huê, anh thích tên nào thì cứ kêu. Tất nhiên tôi thích cái tên quê mùa chân chất hơn. - Cuộc đời ai cũng có lúc buồn, lúc vui. Không lẽ chỉ mình cô buồn, cái quan trọng là phải cố gắng vượt qua những nỗi đau để sống tốt hơn, tôi nghĩ cô làm được mà. Khi tinh thần yên ổn rồi thì cô thấy mình tồn tại trên đời này có ý nghĩa hơn. Không hiểu sao tôi lại tuôn ra một hơi bài học của môn tâm lý học. Tôi nghĩ mình nói vậy cũng vô ích mà thôi, làm sao một cô gái giang hồ lại “thấm” được những câu nói “kinh điển” của tôi chớ. Cô nhỏ làm thinh ra chiều suy nghĩ một lúc lâu: - Nhưng tui buồn hơn ông, ba tui, má tui biểu tui học bác sĩ. Tui tốt nghiệp tú tài là may phước lắm rồi, họ còn đòi gì nữa. Tui không làm bác sĩ được mà còn bị cả thiên hạ này “chích”, má nó cuộc đời! Tôi chưa biết nói gì thì bên kia có tiếng đàn ông chửi thề rồi một giọng nói nhừa nhựa vang lên: - Có khách kìa, vô giùm tui cái coi, mầy tào lao hoài chắc đói cả đám. Thằng nào vậy, muốn nói chuyện kêu nó nói với tao nè. Nó muốn “dù” với mầy thì đưa tiền đây, hai “lon” không thiếu một cắc. Tôi lại nổi nóng: - Tui có muốn nói chuyện với cổ đâu, anh kêu cổ vô giùm một cái, tui còn công việc của tui chớ đâu có rảnh. Tôi quay lưng vào, nhưng mới đi được mấy bước thì nghe một tiếng bịch, hắn nhảy qua hàng rào: - Đứng lại mầy, tao phải cho mày biết luật rừng là thế nào. Hắn lao về phía tôi, vung nắm tay đấm thẳng vào mặt tôi. Tôi lùi một bước, phản công bằng một đòn số bốn của Taewondo vào ngực hắn. Sau tiếng “hự”, hắn lảo đảo lui về phía hàng rào. Lần này hắn không leo mà tắt xuống cái mương cuối hàng rào về bển. Tôi nghe hắn nói rất to: - Mầy có ngon thì ra quán cà phê đầu hẻm. Mầy không ra đó thì dọn nhà đi, tao thề không để yên cho mầy. Đến nước nầy, tôi thấy mình không còn cách nào khác. Chuyện không đâu vào đâu làm cả nhà trọ nhốn nháo. Mấy đứa chung nhà trọ đứa nào cũng muốn theo tôi ra quán cà phê để phòng khi bất trắc. Tôi trấn an họ: - Cứ để anh ra một mình, mấy đứa ở nhà học bài đi, không có chuyện gì đâu. Tôi thay bộ đồ, đi ra đầu hẻm, trong bụng cũng lo lắm, lỡ có bề gì chắc má ở dưới quê khổ, má bệnh tim mà. Tôi suy nghĩ tìm cách cho cuộc gặp gỡ này giải quyết êm đẹp. Khi vào quán, tôi thấy cô nhỏ - chắc bỏ “khách” - có vẻ lo lắng, còn hắn thì đằng đằng sát khí. Bên hông áo, nơi lưng quần hắn lú ra một cái cán dao hay mã tấu gì đó. Tôi kéo ghế ngồi, có lẽ cú phản đòn hồi nãy đã làm cho hắn dè dặt hơn. Tôi bắt đầu: - Tui nghĩ chúng ta nên nói chuyện một cách đàng hoàng, chuyện gì sau đó tính. Anh đồng ý không? Hắn nhếch mép: - Mầy muốn gì nói tao nghe thử, tối nay giải quyết cho xong hết, không xong mầy đừng hòng trở vô. Tôi bắt đầu câu chuyện bằng những lời khuyên. Tôi khuyên họ đủ điều, từ hiện tại đến tương lai, nhất là từ những người thân. Chẳng biết tôi có khiếu thuyết khách hay không mà càng nói càng thấy hắn lặng yên nghe và có vẻ suy nghĩ nhiều lắm, lâu lâu hắn lại chen vô: - Tao biết, tao biết... Còn cô nhỏ thì hai mắt bắt đầu hơi đo đỏ khi nghe tôi nói về gia đình. Không lẽ cô nhớ má? Có thể lắm chớ. Gạt bỏ những gai góc bên ngoài, ai cũng còn một vùng ký ức đầy yêu thương. Và bây giờ có lẽ cô đang sống trong vùng ký ức đó. Càng nói tôi càng có cảm giác như đang nói chuyện với những người bạn chứ không còn một khoảng cách thù hận nào. Chúng tôi nói chuyện một cách cởi mở hơn. Tôi biết được cả hai đều giận gia đình la rầy khi thi đại học rớt nên bỏ nhà đi hoang, sau đó lâm vào hoàn cảnh như hiện tại. Cả hai nương tựa vào nhau, bấp bênh với đầy rẫy những đau khổ cuộc đời. Tôi cũng nói hết những thăng trầm, khó nhọc của cuộc đời mình. Tôi thi đậu đại học mà không được đi học, má nghèo quá lại còn mấy đứa em. Tạm gác giấc mộng đại học lại, tôi đi vào quân đội với hy vọng quân trường sẽ làm cho con người mình có thêm nghị lực và sức chịu đựng. Sau khi xuất ngũ tôi thi lại vào đại học, rồi vừa làm vừa học vất vả gần bốn năm, bây giờ tôi sắp tốt nghiệp. Khi nghe tôi học sư phạm, cô nhỏ nói: - Phải chi tui được học đại học, phải chi anh là thầy tui, tui học môn văn được lắm à nghen! Tôi cười: - Nếu hai người quyết tâm thì không chuyện gì không được. Tôi mất gần năm năm mới vào được đại học còn hai người chỉ mới mất một hai năm thôi mà, có gì đâu. Mấy tháng sau đó, tôi linh cảm bên cái hàng rào B40 cao ngất kia có một sự thay đổi đang diễn ra. Hằng ngày, tôi không thấy Huê ở nhà mà đi đâu đó. Vũ cũng vậy, xách chiếc 67 đi từ sáng tới tối. Mỗi khi ăn cơm tối, tôi nghe họ nói cười. Tiếng Vũ, tiếng Huê hào hứng khoe số tiền kiếm được. Tôi vỡ lẽ, Vũ chạy xe ôm, còn Huê đi làm thuê gì đó. Tôi thi tốt nghiệp xong, sắp về quê xin đi dạy nên có ý định mời “vợ chồng” Vũ một bữa cơm để chia tay. Tối đó, Huê giản dị trong bộ áo màu xanh nhẹ, tóc đen trở lại. Vũ với gương mặt hiền lành, lấp lánh niềm vui. Sau vài ly rượu, Vũ bộc bạch: - Tụi em thiệt tình cám ơn anh nhiều lắm. Nửa năm nay tụi em thử sống theo ý anh khá yên ổn, dù hơi thiếu thốn. Mai anh dìa quê, chắc tụi em cũng dìa quê. Không đâu bằng quê mình, phải không anh. Tôi về quê được hơn một tháng thì nhà trường kêu tôi trở lên dạy. Tôi ghé lại nhà trọ cũ nhưng không thấy Vũ và Huê đâu, hỏi thì biết họ đã về quê. Vậy mà mới đó đã hơn mười năm. Vũ mặt đỏ gay ôn lại kỷ niệm xưa, Huê ngồi trên võng lâu lâu lấy tay quẹt nước mắt. Vũ nói: - Huê bây giờ làm ở hội phụ nữ phường, còn em làm bảo vệ ở nhà máy đông lạnh, sống ổn rồi anh, con tụi em học lớp một rồi. Lúc muốn có con tụi em sợ lắm, sau đó cả hai đứa liều mạng đi xét nghiệm, may mà không việc gì. Anh về thành phố hỏi giùm em xem có chỗ nào xóa vết xăm để Huê xóa bỏ quãng đời cũ. Tôi hạnh phúc lây với cái hạnh phúc đơn sơ của họ, một hạnh phúc mà họ không dễ dàng gì tìm được.Vết xăm trong tâm hồn mình xóa xong rồi thì sá gì vết xăm trên da thịt. Một tuần lễ ở Sóc Trăng đã trôi qua, tôi đã được đi tham quan hết các ngôi chùa ở thị xã với hai hướng dẫn viên miễn phí nhưng đầy nhiệt tình. Chia tay, Huê khóc nhưng bây giờ những giọt nước mắt chắc đã ngọt ngào hơn. Chiếc xe xa dần, tôi ngoái cổ nhìn lại những ngôi chùa Khmer ẩn hiện xa xa mà thấy lòng mình thật thanh thản, bình yên.