Vậy là tôi phải ở lại lớp. Cái tin đó cũng không làm tôi ngạc nhiên vì học dở phải chịu thôi. Ngoài tôi ra, thằng Tiến – bạn chí cốt – cũng không được lên lớp. Hai đứa nhà gần nên thân nhau từ nhỏ, sẵn sàng chia sẻ tình cảm vui buồn. Tôi với nó thuộc dạng nghịch phá nhất lớp và bày ra đủ trò chơi mới lạ. Lần nọ, khi bước vào lớp, thầy cô và bạn bè đều kinh ngạc trước hàng chữ được viết nắn nót ở bức tường cuối lớp: “Đậu, rớt do thầy”. Thủ phạm chính là tôi nhưng không ai bắt được tận tay, thầy cô đành cho qua. Một lần khác, cả lớp đứa nào cũng nổi lên cơn ngứa dữ dội, ai cũng hướng đôi mắt về hai đứa “nghịch như quỷ”, nhưng có lẽ “cảm động” trước hình ảnh cả hai đứa vừa gãi vừa nhảy tưng nên cuộc điều tra chuyển sang hướng mấy đứa con nít gần trường. Tác giả của “tác phẩm” này là thằng Tiến. Đó là chưa kể những lần hái trộm nhãn nhà ông Ba trên đường đi học về, chận đường mấy đứa con trai lớp dưới kiếm chuyện đánh lộn hay xì vỏ xe tụi bạn cùng lớp.
Dù gan lì như vậy nhưng nghe cô chủ nhiệm đọc tên mình ở lại lớp, thằng Tiến miệng mếu máo, gương mặt thảm não như nhà có đám. Còn tôi chỉ hơi “quê” một chút vì bị con Liên – em gái tôi – chọc. Nó nhỏ hơn tôi một tuổi. Năm học lớp hai tôi phải học lại thế là “được” học chung với nó. So ra nó học giỏi hơn tôi và đặc biệt là không cho tôi... “cóp-pi” bài. Có lần cả lớp chọc quê tôi vì tháng đó con Liên hạng nhất còn tôi... đội sổ. Sắp tới nó lại lên lớp 9 còn tôi vẫn mến... lớp 8!
Gia đình tôi sống trong xóm lao động nghèo ở vùng ven thị trấn. Má tôi đi bán hàng rong từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Ba tôi làm công nhân truyền tải điện rày đây mai đó một, hai tháng mới về thăm nhà một lần ít ai chú ý đến việc học hành của tôi. Con Liên siêng năng tự học hoặc tụm năm, tụm ba với con Hồng, con Thúy trong lớp học nhóm.
Chiều nay, ba tôi đột ngột về thăm nhà. Vừa thấy ba thấp thoáng đầu hẻm, con Liên trong nhà nhảy cẫng lên chạy ra đỡ lấy túi xách. Má tôi và mấy anh chị vừa về tới cũng mừng ra mặt. Riêng tôi thì đứng chết trân như... bị trời trồng. Vừa bước vào nhà, ba liền hỏi ngay:
- Thằng Việt đâu rồi? Có quà nè!
Tôi rón rén lại gần và đón lấy đôi giày thể thao mới tinh miệng lí nhí:
- Con cám ơn ba.
Ba tôi nước da ngăm đen hơn trước, có vẻ mệt mỏi sau chặng đường xa. Nhìn tôi một lúc, ông vỗ vai:
- Mới có hai tháng mà nhổ giò dữ quá. Bộ đi chơi dữ lắm hay sao mà đen vậy con?
Không chờ tôi trả lời, ba đi thẳng ra nhà sau. Chính câu hỏi ấy làm tôi lo lắng tột độ. Mặc dù ba tôi ít đánh đòn nhưng sẽ ra sao khi nghe tin thằng con trai một lần nữa ở lại lớp. Tôi tưởng tượng một trận đòn phủ lên người như thằng Tiến đã lãnh của ba nó. Hồi trưa, thằng Tiến mặt mày sưng húp, mắt đỏ hoe sang tìm gặp tôi mếu máo chỉ lên mông hai đường roi in đỏ. Nó còn nói thêm: “Ba tao nói tao ở lại lớp là tại mày rồi cấm không cho tao chơi với mày”. Tôi ngạc nhiên trước câu kết luận của ba nó. Không lẽ vì tức thằng con ở lại lớp roi “vu oan” cho tôi? Nhưng nghĩ lại, tôi cảm thấy hối hận những việc mình làm trong thời gian qua.
Buổi cơm chiều, cả nhà quây quần bên mâm cơm. Đang ăn giữa chừng, ba tôi chợt hỏi con Liên:
- Con học hành ra sao? Có lãnh thưởng như năm rồi không con?
Con Liên nhanh miệng:
- Dạ có!  Con hạng nhì được lãnh thưởng một cái cặp da với hai mươi cuốn tập đó ba.
Nói xong, nó lấm lét nhìn tôi nháy mắt. Tôi hiểu nó báo động: chắc chắn ba sẽ hỏi tới anh đó! Chà, sẽ trả lời ra sao đây?
- Còn thằng Việt, chắc cũng lên lớp hả con?
Câu hỏi đột ngột của ba làm tôi giật mình. Miếng cơm đang nuốt giữa chừng bỗng nhiên mắc nghẹn. Tôi chỉ biết lắp bắp:
- Dạ... dạ... năm nay con...
- Con sao? Ở lại lớp nữa à? – ba tôi hỏi.
- Dạ... dạ... con ở lại lớp 8.
Tôi nghe rõ tiếng thở dài của ba. Không khí bữa cơm như chùng xuống. Tôi cảm nhận được những cái nhìn nửa trách móc, nửa thương hại của người thân trong gia đình.
Cơm nước xong, ba ra trước hàng hiên ngồi trầm ngâm. Một lúc sau, con Liên mon men đến gần, nhỏ nhẹ nói:
-Ba ơi!  Đầu ba có tóc bạc nè để con nhổ cho.
Nó vào nhà xách cái ghế ra ngồi cạnh ba và hỏi:
- Sao ba có nhiều tóc bạc vậy?
- Ba già rồi chớ còn trẻ trung gì đâu.
- Ba nói sao chứ ba anh Tiến cũng bằng tuổi ba nhưng con đâu thấy tóc bạc.
- Ờ tại ba lo nhiều thứ đó con.
Giọng nói của ba trầm xuống. Ngồi trong nhà mà tâm trạng tôi cứ dằn vặt mãi. Chẳng thà ba bảo tôi nằm xuống đánh bao nhiêu roi, “lên lớp” hàng tiếng đồng hồ, tôi cũng chịu. Đằng này, ba cứ im lặng chẳng đả động gì đến tôi. Mấy lần trước, chỗ con Liên ngồi chính là tôi. Tôi tha hồ hỏi chuyện, đấm bóp cho ba khỏe, còn lần này thì... con Liên miệng không ngớt:
- Mà ba lo chuyện gì?
- Ba phải lo đủ thứ chuyện của gia đình, nhưng lo nhiều nhất là chuyện học hành của các con...
Nghe ba nói đến đó, tôi òa khóc nức nở, sự hối hận đã âm ỉ trong tôi từ chiều đến giờ bộc phát như một chén nước đầy được nhỏ thêm giọt nước. Nghe tiếng khóc, ba tôi nhỏm dậy gọi:
- Việt!  Ra đây ba biểu.
Tôi rón rén lại gần và nói trong tiếng nấc:
- Ba ơi, sao ba không la rầy hay đánh con?
Ba xoa đầu tôi rồi ôn tồn nói:
- Đánh con thì có được gì? Liệu khi bị đánh rồi, con có được lên lớp không? con có trở nên thông minh không? Ba rất buồn trong thời gian qua vì kế sinh nhai mà ba má không chăm sóc các con chu đáo, không theo dõi kỹ chuyện học hành của các con. Để con ở lại lớp như thế này, ba ân hận lắm. Tới đây, nếu sắp xếp được công việc, ba sẽ thường xuyên về thăm nhà, chăm sóc các con chu đáo hơn.
Tôi hiểu được tấm lòng cao cả của ba. Nghĩ lại, tôi thấy hối tiếc: lớn rồi mà chẳng phụ giúp việc gì cho gia đình mà còn bỏ bê chuyện học hành làm cho cả nhà buồn. Giọng ba vẫn nhẹ nhàng:
- Bây giờ con hãy hứa với ba má học hành đàng hoàng, không quậy phá. Ba má sẽ cố gắng tìm cách kèm con học. Mà con cũng đừng mặc cảm, có gì không biết cứ hỏi con Liên.
Con Liên được dịp lên tiếng:
- Tại ảnh lo chơi, nếu chịu học cũng giỏi lắm chớ!
Tôi đứng khoanh tay trước mặt ba rồi dõng dạc:
- Con hứa từ nay về sau sẽ ráng học không để ở lại lớp nữa. Con quyết tâm giờ này năm sau sẽ trình phần thưởng của con trước mặt ba.
Ba tôi mỉm cười gật đầu. Tôi nhìn những sợi tóc bạc của ba và cảm thấy tất cả tình thương và trách nhiệm của ba đối với các con.

Xem Tiếp: ----