Con đường dẫn vào trại tạm giam lốc xốc những ổ gà. Mấy vũng nước mưa đọng lại từ trận mưa hồi đêm đục ngầu màu đất đỏ mà đơn vị thi công vừa rải tạm để nâng cấp con đường “đau khổ” nầy. Chiếc xe ôm chồm lên mỗi lần người lái xe gặp một tình huống phải xử lý: một vài con chó chạy rông, bầy vịt có lẽ của mấy hộ dân quanh đây nuôi để cải thiện bữa ăn gia đình... Nhung ngồi cách người lái xe qua cái giỏ đựng mấy cái khăn, mấy cái quần đùi và vài cái áo thun lót. Giỏ đồ ăn với mấy thứ cần thiết được treo trước xe để cô có thể kềm giữ cái thân mình đừng chạm vào người ngồi trước. Người lái xe ôm là một thanh niên có lẽ chưa qua tuổi ba mươi, vừa cẩn thận nhìn đường vừa gợi chuyện: - Lần trước, chị cũng đi xe em mà! Bộ tới bây giờ chưa xử sao chị? - Chưa! Hồ sơ cứ làm đi làm lại hoài? Cả nhóm bốn người không ai khai giống ai nên chưa xử được. Anh chàng lái xe nhìn vào kiếng chiếu hậu và bắt gặp gương mặt buồn rười rượi của Nhung. Anh có vẻ cảm thông: - Làm kinh tế thì sướng thiệt! Nhưng không khéo thì khổ lắm! Mà ngày xưa, ảnh làm tới chức vụ gì chị? Mãi một lúc sau, Nhung mới đáp nhỏ: “Giám đốc”, tiếp theo là tiếng thở dài. Còn cách cổng trại chưa đầy năm trăm thước thì một chiếc xe du lịch mang bảng số đỏ trờ tới. Người lái xe có lẽ không nhìn thấy vũng nước trước mặt nên mấy cái bánh xe bên phải chạy tuồn qua mau “xoẹt... xoẹt...”. Anh lái xe ôm mất đà thắng gấp. Nhung ngã chúi vào lưng anh. Cả người cô, cả người anh xe ôm đầy những nước bùn màu đỏ. Chiếc du lịch dừng lại phía trước. Một bóng áo xanh bộ đội mang quân hàm thượng úy bước xuống xe. Anh tiến tới Nhung và anh lái xe ôm: - Thật vô ý quá! Làm anh chị dính hết rồi? Tôi thành thật xin lỗi vì lái xe không nhìn thấy vũng nước. Nhung quay ngoắt lại. Cô trừng mắt nhìn người đối diện: - Trời ơi! Hiểu! Anh Hiểu! Người sĩ quan được gọi là Hiểu cũng ngạc nhiên tới tột cùng: - Nhung! Sao em lại tới trại giam! Em thăm ai ở trong nầy? Ánh mắt Nhung chùng xuống và như đã chực chờ từ lâu rồi, mấy giọt nước đã ngân ngấn trong đôi mắt đẹp của cô. Người lái xe ôm lừng khừng: - Bây giờ chị đi xe em nữa không? Hay chị quá giang xe của “sếp” đây? Nhung chưa biết tính sao, Hiểu đã đỡ lời: - Tụi tôi là bạn, để tôi cho cô ấy đi nhờ xe. À! Tôi gởi tiền xe anh luôn. Hiểu móc bóp đưa tiền cho anh xe ôm. Nhung chưa kịp phản ứng gì, Hiểu lấy khăn tay: - Em lau sạch nước bùn đi! Rồi anh đưa giúp vô trỏng. Mà em vẫn chưa nói em thăm ai! Bây giờ thì hai dòng nước mắt đã chảy dài trên má. Nhung ngập ngừng: - Em thăm anh Hưng! - Thằng Hưng? Hiểu trợn trừng mắt như không tin ở tai mình. Người lái xe nhắc: - Tới giờ rồi anh. Tranh thủ làm việc trước đi rồi tính sau. Hiểu nhìn Nhung: - Thôi! Em lên xe vô trỏng luôn. Anh làm việc với mấy anh cỡ một giờ thôi. Em chờ anh ở căng-tin, anh phải biết cho tường tận. Thật tình, anh không tin được. Ông Út đập tay xuống bàn. Cái đập mạnh đến nỗi mấy ly trà tưng lên rồi lăn lông lốc trên bàn. Gương mặt ông trắng bệch ra như mặt của một xác chết rồi thâm tím lại. Mấy cái cơ bên má giựt liên hồi. - Thay đổi rồi! Thay đổi rồi! Không còn chút gì của thằng Tư ngày xưa nữa. Nó ăn trắng mặc trơn, nhà cao cửa rộng quen rồi - cái thời bận áo lính nó không còn nhớ nữa. Bây giờ mới lòi mấy cái mặt chuột ra. Tao thề từ đây về sau, không qua lại dính dấp gì tới quân phản bội đó nữa. Còn mầy - ông xoay qua, ném một cái nhìn dữ dội về Hiểu - cũng không cần xáp láp với con Nhung nữa. Đời mầy, không lẽ không có đứa con gái nào xứng đáng để thương sao? Cha nào, con nấy mà! Nói một hơi rồi, ông vói lấy cái áo lính cũ, chụp lấy cái nón rơm đi tuốt ra vườn. Hiểu nhìn theo cái dáng khắc khổ của ba mà lòng buồn rười rượi. Nó chưa thấy ông giận dữ như vậy bao giờ. Ba nó là một người lính. Nó hiểu ông nhiều hơn những gì một đứa con có thể hiểu về ba mình. Nó hiểu nỗi đau ba nó mang sáng nay khi qua nhà Nhung bàn chuyện tụi nó. Thái độ của chú Tư làm ba nó hụt hẫng và đớn đau. Nó biết mình cũng có phần trách nhiệm. Nó cứ tưởng gia đình Nhung đã chấp nhận mình - đâu ngờ! Mấy câu nói nhẹ nhàng mà dứt khoát của ông Tư đã làm ba nó bị sốc. Nỗi đau của một người bạn về một người bạn của mình không sánh bằng nỗi đau của hai người đã từng là đồng chí, đã từng vào sanh ra tử, bây giờ phải ngỡ ngàng nhìn nhau. Buổi sáng, lúc hai cha con tòn ten hai chiếc xe đạp qua nhà Nhung, ông Út còn hớn hở: “Năm năm nhằm gì? Hồi đó, tao thương má mầy chưa nói được tiếng nào đã đi tuốt chín năm. Chừng trở về, bả chưa lấy ai, tao mừng muốn chết, đi hỏi cưới luôn. Ý là lúc đó chiến tranh, chết sống còn không biết được. Bây giờ hòa bình rồi, năm năm lẹ lắm con ơi!”. Hiểu cũng vui, vui vì ba thông cảm cho mình. Nó đã quyết định thi vào Trường Sĩ quan Lục quân và đã trúng tuyển. Có điều, phải cho người lớn có đôi lời với nhau để danh chánh ngôn thuận vậy mà. Nhung là bạn học cùng lớp suốt bảy năm cấp hai, ba. Ba nó với chú Tư lại là đồng đội. Đâu có cái hợp lý nào bằng. Hai cha con bước vào nhà Nhung với khí thế tự tin vui vẻ bao nhiêu thì khi ra về lại đau đớn ê chề bấy nhiêu. Lời ông Tư vẫn còn văng vẳng bên tai nó: “Anh Út à? Chỗ anh em, tôi cũng không ngại mà nói thiệt lòng mình cho anh biết. Đời tôi cực khổ nhiều rồi! Nhưng đó là lúc chiến tranh, mình không được quyền lựa chọn. Còn bây giờ, tôi phải chọn cho con tôi con đường nào tốt nhứt. Tôi chỉ có mình nó, tôi không thể để nó sống nghèo sống khổ được. Đời lính, cho dẫu là sĩ quan thì được gì? Lương tháng có đủ no thân chưa, nói gì tới vợ con. Mà sao nó lại chọn con đường đó. Nó có thể học kinh tế mà! Đằng nào cũng phục vụ đất nước thôi! Nhưng chọn ngành kinh tế sẽ giàu hơn, sẽ làm cho vợ con được sung sướng hơn. Bây giờ, nó đã đậu sĩ quan rồi. Năm năm học đâu có ít. Bắt con Nhung chờ nó năm năm để ra trường gom mấy tháng lương chưa sắm được bộ đồ trang sức thì tội cho con tôi quá! Tôi nhứt quyết không gả con Nhung cho thằng Hiểu. Anh liệu mà kiếm chỗ khác đi”. Lúc đó, gương mặt ông Út tái lại, mắt mở trừng. Ông vẫn chưa tin vào những gì mình vừa nghe từ cái miệng của thằng bạn thân đã từng sống chết bên nhau. Đồng tiền ghê gớm thiệt. Đồng tiền có thể thay đổi con người tới mức không ngờ. Ông Út vừa mở miệng, chưa kịp nói gì thì ông Tư đã tiếp: “Tôi đã hứa gả con Nhung cho thằng Hưng. Ngày mốt nầy làm đám giáp lời. Thằng Hưng thi đậu đại học kinh tế rồi. Nhà nó sẵn của, đời con tôi phải được sung sướng!”. Ông Út nuốt nghẹn, ông chơi vơi như vừa hớp một ngụm Xuân Thạnh. Hai nắm tay siết chặt tưởng có thể đứt hết mấy mạch máu. Còn nỗi ê chề nào hơn. Ông trừng mắt nhìn ông Tư như để tìm từ gương mặt thân quen đó một cái gì để ông tin là ông Tư giỡn mình. Nhưng không, gương mặt y nghiêm nghị, khóe môi vểu lên một chút kiêu ngạo và tự tin nhưng đôi mắt y không dám nhìn thẳng thằng bạn của mình. Hiểu như rơi từ đỉnh cao xuống vực. Vậy là rõ ràng quá rồi còn gì! Thằng Hưng là con trai độc nhứt của ông Mười, chủ mấy lò đường trong huyện. Ông Tư đã không lầm khi chọn chỗ đó gả con. Còn ba nó chỉ là một người lính về vườn, với thương tật khắp người thì có cơm ăn áo mặc đã quý lắm rồi. Hiểu đưa mắt tìm nhưng không thấy Nhung. Ông Út nắm tay nó lôi về, không nhớ tới chuyện phải chào chủ nhà nữa. Dọc đường, hai cha con không ai nói với ai tiếng nào. Ông Út chạy một mạch không tránh mấy cái ổ gà. Chiếc xe đạp sườn ngang nhảy lốc xốc như một người đang bị động kinh. Thấy chồng trở về với thái độ bán chết bán sống như vậy, bà Út không dám hỏi han gì (mà hỏi làm gì nữa, khi nét mặt của ông Út đã nói lên tất cả). Bà Út lặng lẽ châm trà rồi xuống nhà dưới nấu cơm. Một tháng sau, thằng Hiểu nhập học. Ông Út làm một bữa tiệc nhỏ tiễn con với tấm lòng của một người cha. Buổi tối, khi mọi việc đã xong, ông kêu bà Út nấu giùm ấm nước, châm bình trà quạu. Hai cha con ngồi lại với nhau. Bây giờ, họ là hai người đồng chí. Ông Út khẽ khàng: - Bỏ hết đi con. Ngày mai nầy, con phải là một người mới. Là một người lính thì mọi thứ phải dứt khoát, rạch ròi Ba biết con buồn. Nhưng người ta không thể sống bằng nỗi buồn và càng không thể thành công nhờ nỗi buồn. Con Nhung nó đã yên phận. Cái thằng Tư đã không còn là đồng chí của ba. Tụi nó đã bị biến chất, bị cám dỗ rồi. Con là con của ba, làm sao để ba đừng đau lòng, đừng để ba xấu hổ với mấy người anh em đã nằm xuống của mình. Thằng Hiểu vô mùng cứ trằn trọc hoài không ngủ được. Nó lờ mờ cảm nhận được là nó yêu con Nhung nhiều hơn con Nhung yêu nó. Lá thơ nó viết gởi, con Nhung không trả lời. Có lẽ ba nó đã thuyết phục nó bằng cái giàu sang, bằng sự sung sướng khi về làm vợ Hưng. Gà đã gáy rộ, Hiểu vén mùng chun ra. Bà Út đang lui cui lo bữa cơm sáng cho nó lên đường. Hiểu bước lên nhà trên, ông Út đã dậy từ hồi nào, đang ngồi mân mê mấy cái huy chương, nét mặt trầm buồn xa vắng. Hiểu ra lu múc nước, nó cúi nhìn bóng mình lung linh và nó bỗng nhận ra, mình đã là một người mới. Đã hai ngày rồi, Hưng không về nhà. Chuyện Hưng không ăn cơm nhà đã không còn là chuyện lạ với người làm vợ như Nhung. Nhưng Hưng không bỏ nhà qua đêm, trừ những lúc phải đi xa. Sống với nhau đã nhiều năm, Hưng vẫn giữ được cái nếp ấy. Đó là điều duy nhất cho thấy Hưng vẫn còn yêu thương vợ. Họ vẫn chưa có con dù đã gần mười năm chung sống. Nhung không thấy một trở ngại nào, có lẽ họ chậm con. Nhưng từ mấy tháng gần đây, Hưng có những biểu hiện lạ. Gã có vẻ lo lắng, bồn chồn. Có những người lạ mặt tới nhà. Họ xầm xì to nhỏ gì, Nhung không biết. Lò đường của ba má Hưng mấy mùa liên tiếp thua lỗ. Đồng tiền không còn chảy vào nhà họ như nước nữa. Cái thời các chủ lò tư nhân làm mưa làm gió đã chấm dứt. Nhà nước đã xây dựng một nhà máy quy mô, năng suất cao, có thể ngốn hết cả mấy vùng nguyên liệu mía của cả ba bốn tỉnh lân cận. Ông Hai lại qua một cơn bịnh nặng. “Cọp già rụng răng”. “Lão lai tài tận”, mọi người không thích ông thường nói như vậy. Nhung ra vô bồn chồn, lo lắng. Gọi cho Hưng, chỉ nghe câu trả lời: “Số máy vừa gọi, hiện không liên lạc được...”. Nhung chỉ còn biết chờ. Nhung biết được tin dữ qua Hải, người bạn ở ngân hàng đã tới lui nhà cô như một người thân thiết nhất: “Anh Hưng bị bắt hồi sáng nầy rồi chị. Để tôi thu xếp nhờ người quen coi có cho chị thăm anh ấy được không. Công ty đã bị đình chỉ hoạt động để điều tra rồi!”. Nhung nghe choáng, cô phải vịn tay vào thành ghế. Sao chuyện tày trời như vậy mà người làm vợ như cô lại không hay biết chút gì. Hải từ giã: “Tôi về, nếu xin gặp mặt được, tôi sẽ cho chị hay”. Buổi chiều, một phụ nữ cũng trạc tuổi Nhung nhưng ăn mặc kiểu cách, chở theo một bé trai chừng ba tuổi trên chiếc Dream mới toanh tìm đến nhà. Nhung ngỡ ngàng nhìn họ: - Cô tìm ai? Nhung vừa hỏi vừa quan sát người đối diện. - Chị là chị Nhung vợ anh Hưng? Cô gái không trả lời Nhung mà hỏi lại. Đôi mắt sắc sảo của ả nhìn khắp căn phòng như để quan sát tường tận mọi thứ có ở đây. - Đúng là nhà của giám đốc. Chị có phước quá nên được chồng lo lắng như vầy. Còn tôi, cũng là vợ mà kém hơn nhiều. Nhung tái mặt. Cô vừa nghe cô gái nầy nói gì? Vợ ai? Không lẽ lại là vợ của chồng mình? Nhung ấp úng: - Tôi... tôi không biết cô nói gì? Cô tìm ai? - Tôi tìm chị. Tìm chị để nói cho rõ ràng chuyện của tôi với anh Hưng. Đây là con anh ấy. Chúng tôi sống với nhau đã năm năm nay rồi. Chị đừng ngạc nhiên khi nghe tôi nói. Sở dĩ anh Hưng không quan tâm tới chuyện chị không có con là vì anh ấy đã có con với tôi, đó là điều hạnh phúc nhất cho ảnh. Nhưng tôi thật sự không ngờ, ảnh cũng lừa dối tôi. Tôi sanh con để nối dòng nối dõi cho ảnh mà tôi chỉ được một căn nhà nhỏ xíu, không bằng cái phòng khách sang trọng nầy. Phải rồi, dẫu sao chị cũng là người được cưới hỏi đàng hoàng mà. Nhưng bây giờ khác rồi. Cái nhà nhỏ của tôi thì không ảnh hưởng gì vì tôi là người đứng tên hợp pháp. Còn cái biệt thự nầy sẽ là tài sản bị niêm phong. Tôi không biết chị còn cất giấu của chìm của nổi nào không, ráng lo cho ảnh đi. Tôi phải lo nuôi con. Đằng nào cũng là chồng hợp pháp của chị. Tôi chỉ là người ngoài cuộc. Tôi cũng nói them cho chị chuẩn bị, với tội trạng của anh Hưng, ít nhất cũng là mười năm. Tôi không chờ ảnh được đâu! Buông những lời đắng hơn thuốc xong, ả nắm tay thằng nhỏ bước xuống thềm. Nhung thấy như mọi thứ trong phòng đang quay cuồng. Cô chưa tin những gì vừa xảy ra là sự thật. - Vậy là Hưng bị tạm giam ở đây? Còn em hiện giờ ở đâu? Hiểu hớp một ngụm nước, nhìn Nhung ái ngại. - Em đã về quê ở với ba má em. Căn nhà bị kê biên rồi, chưa biết Nhà nước tính sao. Ba em buồn rầu và mắc cỡ với lối xóm nên không ra khỏi nhà nửa bước. Bây giờ ba già lắm! Hiểu nghe một nỗi buồn len nhẹ vào hồn. Nhung nhìn Hiểu hồi lâu rồi ngập ngừng: - Em nghe nói anh cũng lập gia đình rồi phải không? Có đứa nào chưa? - Tụi anh sắp rồi. Vân sẽ sanh trong vòng một hai ngày nữa. Lẽ ra, anh đã nghỉ phép, nhưng phải xong công việc bữa nay. Vân là bác sĩ quân y. Tụi anh chưa có nhà cửa riêng gì, đang ở tập thể. - Anh chị cưới lâu chưa? - Hơn hai năm rồi. Lúc đó, anh bịnh một trận gần chết. Vân đã chăm sóc anh rất tận tình và tụi anh yêu nhau. Nhung nhìn lãng qua chỗ khác, có chút gì nghèn nghẹn ở ngực. Ai cũng có con đường của mình. Cô đã chọn trước, giờ không trách ai. Đúng lúc đó, điện thoại trong túi Hiểu rung lên. Hiểu cầm máy: - A-lô, anh Hiểu ơi! Chị Vân vừa sanh xong cháu trai 3,2kg. Cả mẹ con đều khỏe. Về ngay nhe anh! Hiểu cười hớn hở: - Về! Xong việc rồi à? Anh sẽ về ngay đây! Rồi quay qua Nhung, Hiểu ân cần: - Em về cùng anh luôn nghe! Anh cho em quá giang một khúc. Nhung cười buồn: - Không, em không về cùng đường với anh được. Hiểu ái ngại: - Anh sẽ thu xếp về thăm em với chú thím. Anh hứa đó! Em về cẩn thận nghe! Hiểu lên xe. Chiếc xe vút đi, để lại mấy vũng nước đỏ ngầu trên đường. Nhung buồn bã đứng lên đi những bước chầm chậm, vô hồn. Một người xe ôm tới hỏi. Nhung lên ngồi đằng sau. Anh xe ôm quay lại: - Chạy theo hướng chiếc du lịch kia hay rẽ trái? - Rẽ trái? Nhung đáp như trong đầu đã có câu trả lời sẵn: Mình với anh ấy đã đi hai con đường khác nhau mà!