Quảng nửa năm nay, sau những buổi học, cô sinh viên người Việt đang theo học ở một trường ĐH Anh Quốc khép mình sau cánh cửa thư viện để trốn gặp mặt người quen, đặc biệt là đồng hương của cô. Và cuối năm nay cô quyết định ở lại không về quê ăn Tết, thay vào đó cô muốn trốn đi một nơi thật xa để không còn ai biết đến mình. Sở dĩ cô trốn Tết là bởi vì ngày Tết bây giờ ở nhà cô không còn là dịp để mọi người chúc mừng nhau hạnh phúc, tặng cho nhau những món quà, cùng uống với nhau chung rượu mừng mà là sự mất mát, một sự mất mát không ai chia sẻ cho ai được. Trong lúc cô chuẩn bị đồ đạc để thực hiện chuyến đi bụi dưới trời Tây thì nhận được điện thoại, mẹ cô bảo: “Nhà còn mẹ, ông bà. Mâm cổ gia tiên mẹ đã sắm cả. Tết mà bố đi vắng, con thì không về, nhà ta không ăn Tết nổi đâu!”. Vâng lời mẹ, cô quệt nước mắt trở về. Trong chuyến bay muộn ngày cuối năm chật ních kiều bào về quê ăn Tết, cô chọn cho mình hàng ghế cuối và thu mình trong chiếc áo khoác lông cừu rồi khóc suốt cả chuyến đi dài vượt đại dương. Mặc dù chuyện cha cô – Tổng Giám đốc của một công ty lớn - là đồng tác giả trong một phi vụ “ăn bớt” hàng trăm tỷ đồng từ ngân khố quốc gia đã được báo chí đăng tải ầm ỉ nhưng cô vẫn không tin đó là sự thật. Cô thần tượng cha mình, bởi ông là người đàn ông bản lĩnh, trọng danh dự và có học vấn cao. Nhưng tại sao “thần tượng ” của cô lại làm một cái việc mà theo cô là “điên rồ” thì cô không hiểu nỗi. Tốt nghiệp ra trường, lúc đầu bố làm nhân viên phòng kỹ thuật, nhờ tích cực làm việc khoa học, bố được các bác ở trên “cất nhắc” đưa bố lên làm Tổng Giám. Đường công danh của bố phất nhanh như diều gặp gió nhưng nghe nói bố cũng không “xuôi chèo” cho lắm, vì để yên vị bố đã phải “lại quả” cho các bác ở trên, trả công cho những người giúp mình.v.v. Cô miên man nghĩ đến mẹ, ông bà, rồi lại tấm tức khóc, từ ngày bố ra đi chắc mẹ tiều tuỵ lắm, còn ông bà nội tuổi cao sức yếu… càng nghĩ càng thương những tấm thân già. Mẹ có thể vì yêu bố mà vượt qua cơn sốc của đại họa, nhưng còn ông nội - một người theo nho học và luôn tự hào về sự thành đạt của con trai – sẽ phải giấu mặt vào đâu khi gặp những người thân quen? Mặc dù cô học chuyên ngành về Ngân hàng nhưng gần bốn năm Tây học vẫn không sao giúp cô thấu hiểu được sự phù du, sức mạnh, tính tàn khốc của đồng tiền đối với con người nơi trần thế. Cô lại càng không hiểu tiền giá trị hơn hay con người giá trị hơn khi một người như cha cô từng Tây học, giỏi toán, thậm chí hiểu sâu sắc cả về văn chương phương Tây lại tính sai bét một bài toán số đơn thuần? Sân ga chiều cuối năm tấp nập người về, hàng nghìn cánh tay đưa lên vẫy chào, hoa, tiếng cười và những giọt nước mắt biệt ly của người thân hàng chục năm xa cách gặp lại vỡ oà. Cô gái lầm lũi rời phi trường. Không có người yêu, bạn bè, những người giúp việc trung thành của bố đưa xe hơi ra đón như những lần trước, chỉ có một người phụ nữ nép mình bên lối đi ào tới ôm xốc lấy người hành khách cuối cùng của chuyến hành trình và nức nở: “Cún con của mẹ. Dào ơi nó đã về!”. Vâng! Sự trở về của cô dù muộn màng cũng đã làm căn nhà quạnh hiu thêm phần ấm cúng.