Lẽ ra tôi phải hiểu ngay những điều Bin vừa tâm sự quan trọng đến nhường nào. Nhưng hồi ấy tôi còn quá non nớt và thiếu kinh nghiệm sống nên vẫn cho rằng Bin có lối nghĩ đơn giản. Sự thực hoàn toàn ngược lại. Mãi sau này tôi mới được biết, sở dĩ tôi được đi săn bắn với Bin không phải do tôi có tài săn bắn, càng không phải vì tôi yếu sức, không quen phát rẫy. Chính tôi đã bảo mọi công việc người ta đều có thể quen. Vậy hà cớ gì tôi được liệt vào hàng ngoại lệ, không phải làm quen với con dao quắm và cái rìu? Tôi không hề nghi ngờ sự tin tưởng của bà con anh em, nhưng đầu óc kiêu ngạo non trẻ của tôi lại nghĩ, chính vì tôi có tài săn bắn hơn người mà tôi xứng đáng được hưởng ưu đãi như vậy. Tôi không biết rằng, ngày ngày họ vẫn quan sát tôi và họ thường xuyên “giao ban” với nhau về diễn biến tư tưởng của tôi nữa. May mà tôi không có biểu hiện gì đáng ngại, ngoại trừ sự kiêu ngạo ngấm ngầm của tuổi trẻ và sự nôn nóng muốn lập công. Tôi chăm chỉ đi săn, chăm chỉ chế biến những món ăn lạ miệng để chứng tỏ tôi luôn có ý thức trách nhiệm và tư tưởng an tâm ở lại, hơn là tình thế buộc tôi phải ứng phó. Người hiểu tôi nhất vẫn là Bin. Bin chẳng những hiểu tôi mà cậu còn tỏ ra ngưỡng mộ. Mỗi khi có chuyện gì quan trọng cần trao đổi, Bin thường tỏ ra gần gũi, thân thiết một cách lộ liễu và thế nào cậu cũng xưng “em” với tôi.
- Hồi hôm họp anh Yơng có yêu cầu em nói cho anh rõ một vấn đề quan trọng. Anh Yơng biểu phải có bí mật.
Tôi tưởng Bin vẫn còn muốn thử tôi nên làm mặt lạnh lùng:
- Mình nói thật. Mình không ngại gì hết.
- Ngại gì. Chuyện bí mật của du kích tổ mình thôi mà.
Tôi chìa tay tự tin, bắt tay cậu:
- Có nhiệm vụ gì quan trọng cũng được. Mình đã thề rồi mà.
Bin gỡ tay tôi ra, cười hồn nhiên:
- Một là tui nói cho anh rõ, - Bin lại “tui”. - du kích làng mình bắt được một thằng tù binh Mỹ có lâu hung rồi, nhưng chưa dẫn nó đi trả cho cấp trên. Bây giờ anh Yơng ưng giao nhiệm vụ cho tui và anh đem trả nó thì nó khóc. Nó biểu ưng ở lại cùng du kích. Anh có ý kiến gì không?
Tôi sửng sốt vì có chuyện lạ lùng như vậy. Vấn đề tù hàng binh chứ đâu phải chuyện đùa. Hồi mới nhập ngũ, chúng tôi được học rất kỹ. Đó là một trong những chính sách tạo nên chiến thắng, nhưng lại rất dễ vi phạm kỷ luật, nếu ta lơi lỏng, du di, tùy tiện. Tôi nhớ như in gương mặt nghiêm khắc của đại đội trưởng Hồi và chính trị viên trưởng Nhuận, hôm lên lớp cho chúng tôi về vấn đề này.
Tôi sực làm nghiêm với Bin:
- Ở lại là thế nào? Phải giải ngay nó về cho cấp trên để cấp trên khai thác.
Bin ngạc nhiên với thái độ của tôi. Cậu hỏi lại:
- Nhưng nó có gùi hàng, phát rẫy giỏi hung anh Bìn ạ.
- Thế bây giờ nó ở đâu? - Tôi hỏi.
- Ở chung với anh em ngoài rẫy phía trước chớ ở đâu.
- Nó chạy theo ta hay ta bắt được nó?
- Chô cha, bắt được nó chớ.
Tôi bỗng thấy mình trở nên có vai trò quan trọng. Không thể hiểu nổi vì sao lập trường quan điểm của mấy anh du kích này lại thấp đến mức không thể nào thấp hơn đến như vậy. Rõ ràng là mình đang đánh nhau với nó, đang suốt ngày đêm phải chịu đạn bom của nó, sống chui, sống lủi cũng tại nó, vậy mà lại đơn giản và thiếu cảnh giác đến như vậy? Ý nghĩ ấy kích thích tôi và tôi cảm thấy máu quan điểm lập trường có tự trong tôi từ hồi nào được dịp trỗi dậy, mạnh tới mức, tôi một mực đòi hoặc giải ngay nó về cho cấp trên khai thác. Còn nếu không thể làm việc đó thì chỉ có mỗi cách là giải quyết nó đi. Không có cách thứ ba. Không có chuyện ăn chung, ở chung, lại còn cả cho nó tập nói tiếng mình nữa thì thật vô nguyên tắc, chẳng còn ra thể thống gì. Hình như lúc ấy tôi còn nói gay gắt hơn những gì tôi vừa viết ra đây. Bin tỏ ra nhận thức được ý nghĩa nghiêm trọng của sự việc. Cậu chớp chớp mắt, nói:
- Để tối nay họp, tui nói cho mấy anh rõ.
Tôi yêu cầu Bin đưa tôi ra chỗ rẫy phía trước coi thử cái thằng Mỹ ấy thế nào. Nhưng cậu ngập ngừng:
- Hay là tui và anh gặp anh Yơng nói chuyện...
Đó là lần đầu tiên kể từ khi lạc vào đây, Bin nhượng bộ tôi. Chúng tôi bỏ cuộc đi săn để trở về nơi ở.
- Anh Yơng đi họp cán bộ rồi.
Mấy người đàn bà thông báo cho chúng tôi như vậy. Và tôi dấn thêm một nấc thang nữa:
- Hay mình cứ ra rẫy coi thử.
Bin nhìn tôi, một lúc sau mới gật đầu.
°
*
Không có anh Yơng, nhưng có anh Miết và anh Ru. Hai anh được anh Yơng phân công vừa làm rẫy, vừa coi chừng tên Mỹ. Thực ra việc làm những cái rẫy cỏn con ở phía trước kiểu này, chẳng qua chỉ là nhiệm vụ phải làm để giữ đất, để tạo không khí bình yên, chứ còn thu hoạch chỉ có ý nghĩa cải thiện. Hơn thế, làm rẫy là một thói quen không thể bỏ. Để có rượu uống. Để có rau ăn. Để có bắp luộc, mía lùi. Để không bao giờ thiếu cà đắng và những thứ ăn vặt suốt ngày ăn, và đặc biệt là để có cái làm suốt ngày làm. Tôi nhận ra điều này không mấy khó khăn khi Bin bảo:
“Chắc anh Yơng đi yêu cầu cấp trên cho gạo và muối”. Sự xuất hiện của tôi và Bin khiến anh Miết và anh Ru rất phấn khởi. Hình như hai anh đã phải chốt ở đây quá lâu rồi. Tôi thực sự ngạc nhiên thấy tên Mỹ cởi trần, đóng khố, đang oằn mình bổ những nhát rìu rất quyết liệt và chính xác vào thân một cây muồng vừa to vừa rắn. Hắn có vẻ như rất quen với nếp làm, nếp sinh hoạt ở đây. Tôi khoác súng lừ lừ tới gần nhìn hắn. Hắn vẫn chăm chú làm, chỉ thoáng ngửng lên nhìn tôi, thoáng nhoẻn miệng cười, rồi lại tiếp tục công việc. “Bờ tở mới”, anh Ru bảo hắn. Hắn buông rìu, dùng hai cánh tay quệt mồ hôi mặt rồi lại nhìn tôi. Có lẽ sự có mặt của tôi làm hắn chột dạ. Vẻ mặt hắn chùng xuống, nhưng hắn cố gượng nói với anh Miết:
- ĐYk! ĐYk! Giọng hắn ồm ồm như hút hơi. Anh Miết ném cho hắn cái bi đông US. Hắn ngửa cổ tu một hơi dài. Rồi lại tu tiếp một hơi nữa.
- Mắt kia? - Tôi đứng trước mặt hắn, hỏi bằng tiếng Bah Nar.
Hắn run run chỉ chỉ vào bộ ngực lông lá của mình nhìn tôi. Tôi nhắc lại:
- E mắt kia?
Hắn hiểu. Miệng hắn lắp bắp:
- Mắt ing Kon-Lơ. Kon-Lơ.
Tôi thực sự cũng chẳng còn biết hỏi gì thêm vì thậm chí vốn từ Bah Nar của tôi có thể còn thua cả hắn nữa. Bin đứng nói gì đó khá nhiều với anh Miết, anh Ru. Có lẽ cậu đang phân giải những điều mà tôi vừa nói với cậu về lập trường, quan điểm, vì trong những câu dài dặc của cậu, tôi nghe rõ các từ ấy. Rồi Bin bảo tôi:
- Mình ăn cơm ở đây, chiều về gặp anh Yơng.
Tên Mỹ được anh Miết, anh Ru cho nghỉ. Được nghỉ là hắn xin xuống suối tắm ngay. Tôi tò mò nhìn theo cái dáng vừa gầy vừa cao của hắn khoác cái gùi to gấp đôi gùi thường, trong gùi chứa đầy những quả bầu khô đựng nước. Hắn đi chân đất. Tôi chợt mỉm cười thỏa mãn, thầm nghĩ. Cái trò này là của mấy anh du kích buộc hắn phải thực hiện. Chỉ trong vòng vài phút hắn đã gùi lên một gùi nước. Các động tác lên gùi, xuống gùi thành thạo của hắn không gây được chút cảm tình nào đối với tôi. Tự nhiên, không hiểu sao tôi lại bỗng thấy máu mình sôi lên, chỉ muốn nã vào mặt hắn một băng đạn. Đó là bộ mặt giả ngây ngô, giả khuất phục của bọn cướp nước, của quân xâm lược. Lần đầu tiên tôi nhìn tận mặt một tên xâm lược da đỏ au, mắt xanh lè, mũi diều hâu, tóc tai, lông lá đều vàng như lông chó. Không thể đơn giản với bọn này
được, tôi nghĩ. Chúng chỉ có thể lừa được mấy anh du kích rừng sâu chứ cánh bộ đội miền Bắc chúng tôi thì đừng có hòng! Tôi treo võng chờ cơm, tiếp tục những ý nghĩ nặng nề về tên tù binh và mấy anh du kích đơn giản đến cả tin này. Thế nào gặp anh Yơng tôi cũng phải nói cho ra nhẽ. Phải nâng lên quan điểm thì mới hy vọng mấy anh này nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề. Tôi lại loay hoay nhớ tới gương mặt lúc nào cũng nghiêm túc một cách sâu sắc của chính trị viên Nhuận. Anh được chúng tôi, không chỉ chúng tôi, những thằng lính, mà cả cán bộ cấp tiểu đoàn vẫn gọi là “cây lý luận”. Giá bây giờ có anh ở đây thì mọi việc sẽ đâu vào đó ngay. Cái đận tôi bị kiểm điểm vì tội làm báo tường cho thằng Ton, thằng Hiễn, thằng Chính để chúng nó giặt quần áo, vác củi thay, chẳng phải từ đơn giản chuyển sang quan điểm lập trường là gì? Tôi tự nhận thức được lúc ấy cả lũ chúng tôi đều quá đơn giản vấn đề, quá du di tùy tiện, coi việc rèn luyện cả tinh thần lẫn thể xác chỉ là những công việc giản đơn mà không nghĩ được hậu quả sâu xa của nó. Trung đội trưởng Từ và tiểu đội trưởng Lâng cũng chỉ phân tích được đến mức chúng tôi làm thế là sai, là đối phó, nhưng ý nghĩa sâu xa của cái sai ấy, của hành động đối phó cập nhật ấy, thì phải đến chính trị viên Nhuận mới phân tích được thấu tình đạt lý, chỉ ra nó sai ở chỗ nào. Vâng. Xét về tình thì đồng chí Bình thương bạn nhưng không biết cách thương. Đáng lẽ đồng chí phải hướng dẫn cho anh em biết cách làm thế nào để viết được bài ca dao, hò vè, thì lại đi bao sân, làm hộ. Nếu bảo vì đồng chí Chính không biết chữ thì đồng chí phải tranh thủ dạy cho đồng chí mình học. Thế mới gọi là thương nhau. Làm hộ đã là sai, xét về lý, đồng chí Bình lợi dụng khó khăn của anh em đã vô hình trung thành ra kẻ bóc lột. Anh em đồng chí cùng giai cấp với nhau mà lại bóc lột lẫn nhau thế, đau lòng lắm các đồng chí ạ. Rồi anh kết luận:
- Tóm lại, nếu đồng chí Bình coi nhẹ việc rèn luyện thân thể thì nay mai đồng chí không đủ sức để vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, có đúng không?
- Dạ, báo cáo chính trị viên, đúng ạ.
- Ấy đấy. Thế thì đồng chí về tự làm bản kiểm điểm, phải nhấn mạnh về nhận thức, đứng trên lập trường quan điểm của giai cấp mình. Còn đồng chí Hiễn, đồng chí Ton và đồng chí Chính thì về tiểu đội, trung đội kiểm điểm thêm, sau đó phát biểu nhận thức mới với tập thể cũng được. Nhận thức phải đi trước một bước các đồng chí ạ. Anh vừa ngừng nói, tiếng vỗ tay rào rào dậy lên.
Tôi cảm động đến ứa nước mắt. Thế rồi về doanh trại, tôi thao thức suốt đêm để làm cái bản kiểm điểm dài tới ba trang. Tôi phân tích rất kỹ về nhận thức non nớt của mình. Chính vì có bản kiểm điểm chân thành ấy mà tôi được chính trị viên tiếp tục cho làm báo tường của đại đội. Tôi mừng cuống lên vì sự rộng lượng của cấp trên. Có thể nói, chính trị viên hiểu được không những tình cảm của tôi mà còn tỏ tường cả nguyện vọng của tôi nữa. Giờ đây nghĩ lại, tôi vẫn thấy lòng tôi xao lên một tình cảm sâu nặng.
- Ê mắt kia: tên gì, mày tên gì?
Không riêng gì tôi mà cả đại đội, hầu như ai cũng ít nhất một lần được anh chỉ bảo, động viên trực tiếp. Bản thân sự việc thực ra cũng chỉ là một tình tiết nhỏ nhặt trong sinh hoạt, nhưng nếu ta lơ mơ thì cái nhỏ ấy sẽ đẻ ra vô vàn cái sai mà rốt cuộc, chỉ làm tổn hại tới ý chí của người lính. Nhận thức ra vấn đề thì ta cảm thấy thật nhẹ nhàng. Bằng không, ta vô tình tự biến mình thành kẻ tụt hậu...
- Anh Bìn, dậy ăn cơm nào.
Bin vỗ vào võng gọi, làm tôi giật mình. Tôi ngồi dậy. Trước mặt tôi là rá sắn lát nấu như cơm đã được đánh nát vụn. Một cái hăng-gô cà đắng ninh nhuyễn, nắp hăng-gô đựng muối hầm. Anh Ru bê từ bếp Hoàng Cầm ra một soong canh chua lá bứa nấu với ốc và cá vụn, cua đá và cả mấy con ngóe. Anh đặt soong canh, chỉ vào tên Mỹ đang cầm cái nắp hăng-gô chờ ăn, nói với tôi:
- Nó bắt được ốc và cá đấy. Giỏi hung thằng Mỹ này.
Thằng Mỹ nhìn tôi và Bin mỉm cười rồi cầm cái thìa, chỉ vào soong canh mời tôi bằng tiếng Bah Nar:
- Xa. Xa bé!
Tôi xúc một bát sắn nấu và ít cà đắng, rắc muối lên rồi ngồi lọt trong võng nhai. Thực lòng tôi không muốn ngồi chung, ăn chung với tên tù binh xâm lược. Nhưng với anh Ru, anh Miết và cả Bin nữa họ lại coi chuyện đó là quá bình thường. Trên cả bình thường. Tôi lặng lẽ ngồi ăn. Anh Ru lùa đũa khoắng một vòng nồi canh rồi vớt cho tôi con cua đá. Tôi kiên quyết từ chối. Nhưng anh còn cương quyết hơn. Anh dằn tay tôi xuống, nói:
- Lúc bắt được con cua này, mình định nướng cho anh, ưu tiên con Kinh mà.
Tôi miễn cưỡng nhận và thầm cám ơn anh, nhưng tôi vẫn xé con cua làm đôi, bỏ vào ca của anh một nửa. Anh ngập ngừng rồi chẳng hiểu nghĩ thế nào, lại gắp nửa con cua từ ca mình, bỏ sang nắp hăng-gô cho thằng Kon-Lơ. Kon-lơ gật gật đầu ra vẻ biết ơn. Hắn ăn những miếng rất to. Cái lối ăn miếng to ấy là kinh nghiệm ăn sắn vụn với cà đắng và muối hầm, vì nếu ta ăn miếng nhỏ, cảm giác đắng sẽ tăng lên, thậm chí ta sẽ không tài nào nuốt nổi. Cứ phải tọng đầy mồm, nhai rõ to, tự nó sẽ tạo nên cảm giác ngon miệng. Nhất là khi nuốt cằn cổ sẽ không bị cái lưỡi khôn ngoan đẩy cứng thức ăn trở lại. Đánh lừa được cái lưỡi của chính mình là nghệ thuật ăn kham khổ của chúng tôi, chỉ nhằm để nạp được năng lượng vào trong cơ thể. Ấy thế mà đến cả nghệ thuật ăn của chúng tôi hắn cũng đã thành thạo thì quả thằng này không phải thằng vừa! Hắn nuốt một cách không mấy khó khăn trong khi tôi phải dựa vào nước canh mới lùa qua được cái họng khó tính, quen với cơm ngon từ hồi bé. Giữa trưa nắng gắt. Máy bay mo-ranh, một loại máy bay trinh sát của Mỹ có tiếng kêu đều đều cứ bám riết lấy chúng tôi, mặc dù chúng tôi đã cố tình làm ngơ, không để ý tới chúng. Nhưng sự dai dẳng của chúng, thêm nữa, trưa nay chúng bay hai chiếc, chiếc này vòng lên, chiếc kia chao xuống buộc chúng tôi phải cảnh giác. Thằng Mỹ Kon-Lơ buông nắp hăng-gô, tôi thấy nửa con cua vẫn còn nguyên. Hắn liếc rất nhanh qua cái ca US của Bin rồi xé làm đôi, bỏ vào đó một nửa. Bin xúc thêm một xêu sắn đã được đánh nhuyễn với canh và cà đắng thành một thứ sền sệt cho vào mồm, đoạn buông thìa, chấm cả ngón tay vào muối, mút, rồi cầm miếng cua, xé nhỏ lên ăn. Cậu ăn chậm rãi nhưng thật ngon lành.
°
*
Hai chiếc mo-ranh bắn hỏa mù xèo xèo, sau đó là rốc-két nổ đinh tai phía bên kia hẻm núi. Tôi cuốn võng. Anh Miết, anh Ru vơ vội đồ đoàn. Bin vẫn ngồi chõ vào soong canh mò thêm được con nhái lớn hơn đầu đũa. Cậu bê cả cái soong lên húp. Thằng Mỹ Kon-Lơ đón chiếc soong từ tay Bin bỏ vào gùi. Có tiếng đề-pa của loại pháo cỡ lớn nổ “ùng” rất to rồi ngay sau đó liên tiếp những tiếng nổ mà tôi không thể phân biệt được. Chúng tôi không ai bảo ai, cùng lăn xuống hầm. Thằng Mỹ ngồi sát bên tôi, mặt tái nhợt, căng thẳng. Hắn cố không động cựa, không thở to. Nhưng trò đời, càng cố thì càng lộ liễu.
- Thằng Mỹ có càn to hung rồi.
Bin nói, và leo lên khỏi hầm. Nhưng cậu tụt ngay trở xuống. Tiếng nổ rất đanh ngay trên đầu chúng tôi. Tôi ôm mặt cho đất trên nóc hầm rơi xuống, cảm thấy ngực bị những cú thoi giật nảy lên. “Nó bắn nát rẫy mình rồi”, anh Ru nói, hình như anh đang nằm co dưới góc hầm, giọng run lẩy bẩy. Bin nói câu gì đó rất gay gắt với anh rồi dựng anh ngồi trở lại. Cử chỉ thô bạo của Bin khác hẳn với cá tính thường ngày của cậu khiến tôi chột dạ. Pháo địch đã chuyển làn. Chúng tôi cùng nhau nhảy lên. Riêng có anh Ru là cứ lập bập leo lên tụt xuống. Mặt anh cắt không còn hạt máu. Tôi ngạc nhiên vì sự khiếp đảm của anh Ru. Tôi cứ tưởng các anh đã quá dạn dày với bom đạn, đã quen với tiếng nổ. Ấy thế mà anh Ru lại khác. Anh ngã bật ngửa khi tiếng máy bay phản lực xẹt sát trên đỉnh rừng cùng với tiếng bom, có lẽ trúng đám rẫy mới phát. Tôi giúp anh khoác dây gùi vào vai để kịp theo Bin đang ra hiệu cho tên Mỹ đeo cái gùi của hắn.
- Mình phải về thôi. - Bin nói.
- Tình hình có phức tạp hung đó.
Anh Miết khoác gùi đi trước. Rồi đến tên Mỹ Kon-Lơ. Anh Ru lật đật theo hắn. Bin bụm miệng kéo tôi lại, khẽ nói:
- Chô cha. Du kích tan hoang! Tan hoang, du kích tan hoang.
Và cứ thế, cậu vừa đi vừa hát, cái bài hát kỳ lạ mang lời “con Kinh” dựa theo một làn điệu dân ca Bah Nar. Nó vừa chứa chất một nỗi niềm thật cay đắng, chán chường, lại vừa hóm hỉnh khôi hài. “Tan hoang… Du kích tan hoang… ờ… Tan hoang ờ tan hoang… tàn hoang”. Không. Tôi không thể diễn đạt được, chẳng một thiên tài nào có thể diễn đạt được tâm trạng của chúng tôi trong lúc vừa chạy địch càn, vừa hát bài hát tự chế giễu mình và để động viên mình. Bin hát say sưa. Tất cả chúng tôi đều hát theo. Duy chỉ có anh Ru là cứ cặm cụi bước. Ừ nhỉ, còn tên Mỹ Kon-Lơ, hình như hắn cũng hát, nhưng chắc chắn hắn không thể hiểu được ý nghĩa của bài hát là thế nào. Lúc ấy tôi nghĩ thế.
°
*
Chúng tôi phải rời chỗ ở. Mới tờ mờ sáng mà máy bay trinh sát các loại của địch đã lượn sát sạt trên các triền núi. Rồi chúng phóng hỏa mù, bắn rốc-két, kêu pháo bầy nã cấp tập. Giữa trưa thì chúng thả bom. Bom hết đợt này tới đợt khác chồng lên nhau. Có dấu hiệu chúng càn lớn, sẽ đổ quân nống ra. Đoàn người lếch thếch dìu nhau trườn qua các khe, các hõm núi đá, tuột xuống dốc. Lúc này tôi mới biết là chúng tôi ở độ cao như thế nào. Vì càng tụt xuống, càng thấy còn phải tụt xuống nữa. Khó khăn nhất là cõng già Phới, bế già qua hết khe này, vực khác. Nhưng nhiệm vụ ấy đã có thằng Kon-Lơ đảm nhiệm. Hắn đã được anh Yơng cho đi giày và đó là một đặc ân khiến hắn làm cái việc cõng già Phới không phải ai cũng làm được dễ dàng như thế. Tôi và Bin lại được anh Yơng giao cho đi trước trinh sát, mở đường. Khi có tình hình căng thẳng Bin trở thành một con người khác. Cậu rất ít nói. Chúng tôi dẫn “đoàn quân” xuống được hố ĐYk, một loại rừng toàn cây giống như cây dừa, mọc dưới thung sâu. Anh Yơng cho mọi người chặt lá đák làm lán ở tạm, trong khi địch đã đổ quân trên các điểm cao, quanh thung lũng. Tôi và Bin phải quay lại xóa dấu vết, bố phòng bằng chông thò và nắm tình hình. Mặt trời đã nghiêng hẳn sang bên kia sườn dốc. Hai anh em tôi leo ngược lên, khi tới một mỏm đá, định tìm chỗ quan sát địa hình thì nghe tiếng xì xồ, thoang thoảng trong không gian mùi thuốc thơm. Bin ấn tôi nép sát một gốc cây to. Tôi ngước lên, cảm thấy chỗ này rất giống chỗ tôi bắn con sóc hôm nào. Tôi phát hiện được con chó béc-zê phía bên kia hõm đá khi nó vừa giương tai hướng sang phía chúng tôi. Rồi lố nhố mũ sắt, lố nhố những tên Mỹ phanh nút áo ngực. Trong khoảnh khắc tôi và Bin nhìn nhau. Bin chỉ ngón tay sang phía địch ra hiệu cho tôi làm theo cậu. Chúng tôi cùng giương súng. Khoảng cách qua bên kia hõm đá ước chừng hai mươi mét. Và tôi lẫy cò. Hai phát súng nổ gần như cùng một lúc. Tôi thấy rõ con chó nảy tung lên. Nó ôm vào một thân cây rồi văng ra. Những tên Mỹ nháo nhào trong khoảnh khắc rồi tiếng súng nổ.
Tôi và Bin cùng tụt rất nhanh xuống khe. Bin kéo tôi leo ngược lên phía bên kia núi. Khi chúng tôi tới được một hốc đá thì pháo địch nã cấp tập. Rồi lại máy bay phản lực bỏ bom và sau đó là tiếng tàu rà, tiếng cánh quạt trực thăng. Bin dẫn tôi đi cắt rừng, về được nửa đường thì hai anh em ngồi thi nhau thở. Bin hỏi tôi:
- Anh bắn thằng Mỹ hay bắn con chó?
- Mình bắn con chó.
Bin reo lên:
- Thế thì cả thằng Mỹ và con chó cùng chết rồi, anh Bìn ạ. Tui bắn thằng Mỹ.
Chúng tôi mừng quá cùng ôm lấy nhau. Sự thực thì lúc ấy tôi chẳng nhìn rõ cụ thể một tên Mỹ nào. Tôi thấy cái ức con chó có đốm trắng và tôi nhắm vào đó. Tôi cứ tiếc là không hiểu sao lúc ấy không bắn vào những cái đầu lố nhố. Bin nắm tay tôi lắc lắc:
- Không phải đã hết thằng giặc Mỹ đâu mà tiếc, anh Bìn ạ.
Mỗi lần, để biểu lộ tình thân với tôi, bao giờ Bin cũng “anh Bìn ạ”, nghe rất dễ thương. Bin dẫn tôi về tới chân Dốc Thở - một con dốc dưới rừng già vừa dài vừa gập ghềnh chứ không cao. Cái tên Dốc Thở, Bin bảo nó đã có từ thời đánh Pháp. Tôi vừa đói vừa khát vừa thèm ngủ. Mà trời cũng xế chiều rồi. Thực lòng tôi chỉ muốn được ngồi, được thả lỏng cơ thể hoặc nhào xuống nước mà lặn ngụp cho nguôi cơn đói, cơn khát. Cái tính háu đói từ hồi bé được dịp hành hạ tôi. Tôi cảm thấy mồ hôi vã ra, tay chân run, mắt đổ hoa cà, hoa cải. Tôi lại nghĩ tới cơm không cùng canh cua rau đay hoặc canh ốc nấu với chuối xanh, đậu phụ, cho thật nhiều tía tô và ớt bột. Chao ơi, giá mà có một bát ô-tô canh ấy trộn thêm cơm nguội vào mà húp, rồi thì đi với đứng hay làm bất cứ việc gì cũng được. Nhưng Bin vẫn cứ lúi húi đi. Hình như Bin cũng đang nghĩ về một món ăn nào đó. Nhà bác học Niu-tơn hay cụ Mít-su-rin của tôi mà buộc phải leo dốc vào lúc đói giữa rừng thế này, ắt hẳn cũng phải nghĩ tới cái ăn thôi. Là tôi nghĩ thế. Chợt Bin vấp vào một rễ cây, ngã giúi giụi, đập mặt vào một tảng đá bên cạnh đường. Tôi vội đỡ Bin dậy. Máu trong miệng Bin trào ra. Bin gạt mạnh tay tôi rồi cậu há hốc mồm, đưa ngón tay cái vào miệng, đẩy mạnh lên phía hàm trên. Trong khoảnh khắc ghê rợn ấy tôi thấy Bin bụm miệng, nhổ phì phì, tuyền máu là máu.
- Đau quá anh Bìn ạ. - Bin nói như thanh minh cú gạt tay vừa rồi. - Hai thằng răng của em nó bị đập vào đá, nằm chéo lên nhau thế này này.
Bin vắt chéo hai chân diễn tả. Tôi đưa cho Bin cái khăn mặt, bảo cậu ngậm chặt để cầm máu.
- Không. Để em bắt nó về đúng chỗ đã.
Nói rồi Bin lại há mồm, đưa ngón tay cái ngược lên đẩy. Tôi đứng phía sau nắm chắc gáy cho Bin làm động tác ấy.
- Có được rồi anh Bìn ạ. Bin nói và ôm đầu, gục xuống hai đầu gối, thỉnh thoảng lại lấy cái khăn mặt đang ngậm ra, nhổ. Tôi bảo Bin:
- Hay là mình nghỉ ở đây, sáng mai về sớm được không?
Bin tựa hẳn vào một gốc cây, người cúi gập, hai vai thỉnh thoảng run giật lên khiến tôi ớn lạnh. Tôi tự động dọn chỗ mắc võng cho Bin. Cậu chẳng nói chẳng rằng, ôm đầu lên võng nằm cò khoăm trông rất tội nghiệp. Thực ra nếu bình thường, có cố hết mức hai anh em tôi về tới nơi tạm trú cũng phải nửa đêm. Nhưng nằm lại đây thì cũng chẳng có gì ăn. Dù sao, trước hết tôi cũng cứ nhóm lên một đống lửa rồi nghĩ kế. Tôi chỉ có một con dao găm anh Ru mới cho và cái ống cóng bằng lon sữa gui-gô. Còn thắt lưng của Bin thì đủ cả: nào ống cóng, bi-đông, ca US, dao găm, lựu đạn, túi đựng cơm vắt. Tôi reo lên khi thấy trong cái túi ấy lạo xạo. Thì ra Bin đựng gạo và muối. Thế này thì lên tiên rồi, tôi nghĩ và xách súng xuống dốc tìm nước. Tôi chưa bao giờ thấy có một hõm suối nước chảy lờ đờ lại có nhiều hoa gì vàng và đẹp đến ngơ ngẩn như thế. Tôi thốt giật mình khi xuống bãi cát có một vạt bướm bay túa lên. Giá Bin không bị đau răng, và giá như tôi không trong trạng thái đói meo hành hạ thì thế nào tôi cũng phải ngồi trên những tảng đá kia ngắm cảnh chiều đang buông xuống rừng già. Có thể tý nữa tôi sẽ xuống đây tắm một cái. Nhưng bây giờ thì phải lo nấu nước cho Bin súc miệng. Nếu Bin đồng ý cho “huy động” hết số lương thực dự trữ “chiến lược” của cậu, tôi sẽ nấu cho Bin một cóng cháo cua hoặc ốc, hoặc có thể cả cá nữa. Cá và cua thì không thể nói trước, nhưng ở chỗ hõm suối này không thể không có ốc. Tôi nhớ tới những con ốc đá bụ bẫm thuở thiếu thời chị gái tôi đem từ đồng về và tôi cho muối, hạt tiêu vào miệng ốc rồi nướng, vừa nướng vừa ăn một cách ngon lành. Nhất định tôi phải mò ít ốc và tôi hình dung thấy cảnh cái ống cóng của tôi đầy ốc treo trên lửa. Nước ốc sôi trào ra. Tôi sẽ mút ốc luộc trừ bữa và sau đó lể cho Bin một ít nấu cháo. Thực tình tôi chưa ăn cháo ốc bao giờ. Nhưng lúc này mà có ốc nấu cháo thì còn gì bằng? Tôi lại nhớ tới những tối mùa hè, cả nhà ngồi ngoài hiên quanh rổ ốc vặn. Tôi lăm lăm đồng hai xu trong tay bẻ đít ốc và mút lia lịa. Mùi thơm của ốc vặn còn vương mãi theo tôi. Cũng như mùi của những con ốc biêu “cụ” nướng trong bẹ chuối và đất sét tôi và thằng Thướng, thằng Khang leo lên lò vôi ngoài bờ sông nướng. Thằng Thướng có tài bắt ốc, không ai có thể tài hơn. Nó bảo bọn ốc sống thành đàn vì chúng rất ham vui, ham tụ tập. Đặc biệt là rất ưa những chỗ nước chảy lờ đờ. Cứ có chỗ nước chảy lờ đờ là thế nào nó cũng tìm ra tổ ốc. Nó bảo tổ ốc cũng như tổ ong. Phát hiện được tổ ốc ta có thể bắt sạch sành sanh cả họ hàng hang hốc ba đời nhà nó. Gô nước đang reo thì Bin ngồi dậy, nét mặt cậu đã trở lại bình thường. Bin đưa chiếc khăn mặt đẫm máu cho tôi. Tôi chụm củi tập trung dưới ống cóng rồi xuống suối giặt khăn. Một loáng nước hồng hồng máu vừa loang khi tôi nhúng khăn xuống suối. Tôi khoát mạnh tay rồi vò thật kỹ, đầu tôi lại nghĩ tới thằng Thướng và những con ốc. Thôi, tranh thủ trời chưa tối hẳn, ta mò một ống cóng ốc lên luộc cái đã. Rồi sẽ tính sau. Tôi vừa nghĩ vừa luồn chân xuống những kẽ đá ven bờ thăm dò. Đúng là ốc chỗ này nhiều thật. Tôi vội lên bờ trút quần áo, định bụng mò nhanh một ít, nếu nhiều thì ăn xong tôi sẽ xuống mò tiếp. Loáng một cái tôi đã mò được cả ký ốc. Thế này thì nhất định tôi phải mò một bọc đem về cho đám bà con anh em. Tôi nghĩ tới nồi súp của mấy chị ình ịch sôi suốt ngày đêm mà có ốc cho vào. Tôi nghĩ tới đống than hừng đỏ vừa nướng ốc vừa hít hà ăn. Vâng, đích thị tôi đã phát hiện ra cái tổ ốc đây rồi. Tôi hồ hởi đem ốc về và Bin bảo hai cái răng cửa của Bin bây giờ đã thôi đè chéo lên nhau. Nó đã biết nằm im không chảy máu nhưng lại làm cho cậu đau nhiều hơn khi nãy. Tôi bảo Bin muốn không đau thì đừng nghĩ tới nó. Tốt nhất là ngồi dậy, lấy dao găm đập đít ốc cho tôi lể để có cái nấu cháo cải thiện. Theo Bin thì cháo ốc cứ để nguyên cả con nấu, sau lúc ăn cháo là mút ốc, hoặc vừa ăn vừa mút có ngon hơn. Tôi thì thế nào cũng được, miễn là có cái ăn tươi. Hai ống cóng nước sôi tôi chế vào bi-đông, phần còn lại pha nước muối, dành cho Bin súc miệng. Nước muối ấm có tác dụng sát trùng và giảm đau. Tôi bắc một hăng-gô ốc và một hăng-gô cháo với tâm trạng nôn nóng đầy phấn khích. Gô ốc vừa sôi trào ra lửa là tôi bắc xuống ngay. Tôi không hề khách sáo khi Bin bảo anh cứ ăn ốc đi, em chưa ăn được. Em chờ ăn cháo vậy. Tôi mút hết ống cóng ốc nóng cũng nhanh như khi tôi mò được chúng. Tôi bảo Bin luộc tiếp gô nữa, ăn xong nhất định tôi sẽ xuống hõm suối mò thật nhiều đem về làm quà cho lũ anh em bà con. Bin ừ hử lên võng nằm. Tôi để mặc cho cậu nghỉ. Chắc bây giờ chỗ răng bị đập vô đá của cậu mới đau dữ. Các cụ chả bảo, thứ nhất đau mắt, thứ nhì giắt răng là gì. Ở đời không ai học được chữ ngờ! Đúng là tôi đang gặp may, đang rét vớ chiếu manh. Thực chưa bao giờ tôi thấy ở đâu có nhiều ốc tụ lại một chỗ nhiều ghê gớm đến như thế. Rõ ràng tôi đang vớ được không phải một tổ mà có lẽ hàng chục tổ ốc. Tôi chỉ cần lặn xuống, vốc ốc lên. Mỗi cú lặn là một vốc ốc có tới chục con. Tôi mở tấm áo mưa, trải ra mép nước và cứ thế hì hụp lặn ngụp say sưa như con rái cá. Bin thấy tôi ôm về một bọc và tôi kể cho cậu nghe cái tổ ốc trời cho hấp dẫn tới mức, cậu muốn xuống xem xem cái tổ ốc thế nào.
Vâng, giá như tôi đừng quá say sưa với chiến tích bắt ốc và thỏa mãn với số ốc đã mò được thì đâu có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Nhưng thấy Bin có vẻ thán phục khiến tôi hào hứng. Sau khi mút hết một cóng nữa, tôi bảo Bin xuống cùng tôi coi tôi mò, mặc dù trời đã tối. Tối với sáng thì có quan trọng gì đâu. Tôi biểu diễn cho Bin xem đâu được vài ba vốc ốc với vài ba cú lặn ngắn thì bỗng quơ phải một cái xác người chết. Hình như vì quá khiếp đảm mà tôi đã nhảy dựng lên, ú ớ chỉ xuống nước rồi hất tung hết ốc, vội ôm quần áo kéo Bin chạy về chỗ ở. Tôi không đủ bản lĩnh để nói rành mạch cho Bin rõ sự tình. Hình như cậu cũng hiểu chuyện gì đã xảy ra, vì trong các động tác và những lời ú ớ của tôi, tôi đã lặp đi lặp lại cái câu “Có xác người… Người chết…”. Tôi nhớ là cú lặn ấy, khi tôi vừa quơ tay định vốc ốc thì cái xác chết vật vờ cứ áp sát vào mạng sườn tôi. Tôi gần như quàng tay qua lưng hay đùi gì đó. Cái cảm giác rùng rợn khi tôi quơ tay đụng phải, nó vừa nhầy nhầy trơn truội mà lại cứ dập dềnh, tuồng như có một sức hút nào đó, cứ hút chặt vào tôi. Tôi nhào lên bờ với toàn bộ sức mạnh mà tôi có. Đúng là nếu không có vẻ mặt bình tĩnh của Bin, hẳn sự khiếp đảm của tôi sẽ còn kéo dài không biết đến bao giờ. Tôi sực nhớ tôi vừa ăn hết cả hai ống cóng thứ ốc khủng khiếp này và tôi đã co người nôn thốc nôn tháo. Tôi cố móc họng cho nôn hết. Đúng là vừa rồi tôi đã ăn chúng ngon lành chưa từng thấy. Thảo nào mà ốc lại tụ về đây đông đến thế và chúng lại béo ngậy nữa chứ. Trời ạ! Sao mà cái số tôi lại lâm vào tình cảnh khủng khiếp rùng rợn thế này! Tôi tiếp tục móc họng và quyết tâm nôn hết. Nôn hết! Không thể để vương lại một chút xíu nào. Rõ ràng là Bin đã hiểu chuyện gì rồi, nhưng sao cậu ta lại có thể bình thản đến lạ lùng thế kia? Tôi nhắc lại cho cậu rõ và cậu thản nhiên đổ cháo vào ca rồi húp, mặc cho tôi đòi đổ cả cóng cháo đi.
- Đổ làm gì. - Bin nói. - Mình có khó khăn hung mà. Để sáng mai coi thử...
- Lại còn phải coi gì nữa?
- Có chớ. Phải coi thử xem xác thằng địch hay xác anh em mình chớ.
- Để làm gì?
- Chô cha, tui ớn anh quá. Xác anh em mình thì phải lo làm tử sĩ chớ.
Đúng là tôi không còn nghĩ được điều gì cho rành mạch nữa. Chính vì câu nhắc nhở bình thản ấy của Bin đã giúp tôi bình tĩnh lại. Nhưng tôi vẫn cứ bị cái xác chết vật vờ hút vào người ám ảnh. Ngày bé, hơn một lần tôi đã được thấy xác của người chết đuối. Con sông Hóa quê tôi vào mùa mưa lũ gần như năm nào cũng xảy ra một hai vụ đắm đò. Lũ trẻ trâu chúng tôi mỗi lần nghe có chuyện người chết trôi đều táo tác gọi nhau đi xem. Xem rồi sợ, nhưng không hiểu sao vẫn cứ phải nháo nhào tới được tận chân đê để ngày mai dọa nạt những đứa yếu bóng vía. Vẻ mặt thất thần hốt hoảng của tôi may mà chỉ có Bin biết. Cậu loay hoay chụm củi thêm vào đống lửa, nom như một ông già. Rồi cậu lấy từ đáy bồng ra một khúc sắn luộc đã tai tái khô, có mùi thiu thiu, nhưng vẫn còn ăn được, bảo tôi:
- Anh Bìn sợ làm gì, ăn củ mì đi. Tui đã một lần có uống nước phải máu anh em mình rồi đó. Chu cha, ớn lắm! Rồi Bin kể, hồi năm ngoái, sau khi đi theo bộ đội đánh đồn Kan-Nắk, đêm về mấy anh em quen uống nước ở cái giếng gần nơi tập kết. Vòi nước thì chỉ có một mà anh em mình có bốn năm người. Thế là tiện nước trong giếng, cứ mạnh ai nấy vục mặt xuống uống. Uống cho đã. Rồi ngủ cho đã. Sáng ra một anh phát hiện thấy giếng nước đỏ lòm kêu toáng lên. Máu! Máu người! Té ra đêm hồi hôm có anh Thiêng ở cánh Bắc đường về bị thương. Y sĩ Quảng xử lý vết thương xong, lười không giặt cái áo đầy máu, cứ vo lại, ném xuống giếng ngâm. Gọi là giếng nhưng thực ra đó chỉ là vũng nước do anh nuôi khơi theo mạch ngầm… Bin kể đến đây thì bậm miệng cười, rồi nói:
- Chô cha. Làm sao được? Có móc họng nôn ọe cũng không thấy máu nữa đâu. Ớn muốn chết.
Bin chùi chân lên võng, ngáp. Chỉ sau cái ngáp ấy vài chục giây Bin đã cất tiếng ngáy nho nhỏ. Đêm yên tĩnh kỳ lạ. Tôi mơ màng nghe có tiếng máy bay rì rì rất xa từ tít trên cao cùng với tiếng bom cũng rất xa. Câu chuyện của Bin mà tôi lọc ra để kể trên đây chính là liều thuốc giải cho tôi cơn run cùng những cảm giác rùng rợn. Tôi lẩn mẩn nướng lại miếng sắn khi nãy Bin cho rồi ngồi nhai. Tôi nhai chậm rãi cho đến khi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Khi tôi tỉnh dậy nhìn sang võng Bin không thấy cậu đâu. Đống lửa than cũng đã tàn. Trong khoảnh khắc mơ hồ giữa mơ và tỉnh, tôi xách súng lần xuống hõm suối. Một cảnh tượng mà tôi không tài nào phân biệt được là tôi đang run sợ hay mừng vui khi thấy Bin đang cố tình lôi từ dưới nước lên, không phải xác người mà là xác một con lợn rừng đã đến hồi thối rữa.
- Chô cha, tiếc hung anh Bìn à. Nó bị thương rồi xuống đây tìm nước uống đó mà.
Hình như Bin đã quên hẳn cái răng đau của mình và tôi cũng chẳng còn nhớ tới những con ốc lẽ ra khi tối tôi đừng vội vàng đổ hết đi. Một lũ nhặng xanh không biết từ xó xỉnh nào đã nhanh chóng xuất hiện ngày càng đông. Hai anh em tôi rời hõm suối trở về chỗ để đồ đoàn, gần như không ai nói với ai thêm lời nào nữa.
Trời đã hưng hửng sáng. Chúng tôi khoác bồng, tiếp tục lên đường. Tôi lại bắt đầu thấy đói nhưng miệng lưỡi cứ đắng chát, nôn nao, chỉ mong nhanh về tới nơi bà con anh em để buông mình xuống võng. Nhìn cái dáng vừa đi vừa chạy của Bin tự dưng tôi trào lên một tình cảm mà nếu nói ra ắt không ai có thể nói ra được bằng lời.
°
*
Gần trưa thì anh em tôi về tới nơi tạm trú của tốp bà con anh em. Tôi thấy hầm tránh pháo đã đào xong. Lán trại đã tạm ổn nên ngồi ăn sắn luộc. Bin nhào tới ché rượu cần, vừa hút rượu, vừa kể chuyện chúng tôi bắn thằng Mỹ và con chó. Hình như cậu kể cả chuyện cái răng đau cùng tổ ốc và xác con lợn rừng. Mọi người xúm xít vào nghe cười nghiêng ngả. Riêng thằng Kon-Lơ là vẫn lụi hụi dùng xẻng đập thình thịch trên nóc hầm. Anh Yơng ra hiệu cho nó nghỉ. Anh chỉ vào ghè rượu, nói với nó:
- Éc xít bé! - Tên Mỹ lắc lắc đầu rồi nhún vai:
- Inh quá!
Rồi hắn cầm quả bầu nước, tu ừng ực. Tôi đang đói nên ăn rất ngon. Mọi người bảo tôi uống rượu nhưng tôi từ chối. Tôi rất lấy làm lạ là trong tình thế này, không hiểu sao họ vẫn gùi được rượu theo để uống. Tôi đưa cho Bin nửa củ sắn nướng chị vợ anh Yơng mới cho cùng ít mật ong. Bin bảo tôi:
- Anh Bìn có thành tích to hơn mình.
Tôi tưởng Bin nói đùa, nhưng cậu nói thêm:
- Anh bắn được con chó ấy, không phải chuyện bình thường đâu.
Tôi không tranh luận với Bin vì giờ đây hai mí mắt tôi cứ díu vào nhau. Tôi chui vào lán già Phới, rúc vào tấm dồ sặc mùi khói của già, ngủ. Tôi hy vọng một lúc nào đó tôi sẽ lại được mục kích cảnh chị vợ anh Yơng cho già Phới bú. Tôi thích được xem chị ta ưỡn người, áp bộ ngực đồ sộ vào miệng già. Và tôi hy vọng chị ta sẽ lại đặt đầu tôi lên bắp vế cho tôi ngủ. Cả buổi chiều còn lại, tôi ngủ như chết. Khi tôi tỉnh dậy đã thấy Bin nằm cạnh. Bin ngủ, miệng há hốc, đầu gối lên một hòn đá, nom đến tội.