Tôi không thể hình dung được cái hình phạt có vẻ ngẫu nhiên ấy lại đẩy cuộc sống của tôi trở nên tồi tệ hơn. Tôi đã tự bôi nhọ lên không phải chỉ là danh dự của mình, mà nó đã xóa sạch mọi niềm tin của bà con đối với tôi.
Họ không thể tin tôi vì đây là lần thứ ba tôi vi phạm những điều cấm kỵ. Rõ ràng cuộc sống ở đây có một thứ luật định mà chỉ có Yàng, tức là thần linh mới hiểu được. Nhưng tôi phải hiểu! Người ta thả lỏng tôi ở một chòi rẫy, tự tôi phải biết làm gì cho đúng. Chẳng có con đường nào khác là phải từ bỏ ý định trốn khỏi họ. Không thể trốn và không được phép trốn, cả trong ý nghĩ. Tôi đã lấy máu của mình ra thề. Điều ấy vô cùng thiêng liêng, không phải chỉ với bà con mà đối với cả tôi. Lúc tỉnh táo tôi nghĩ được như thế. Hơn thế, tôi đã tự vạch ra cho mình cả một chương trình phục thiện để hành động, ngõ hầu cứu vãn tình thế. Sự hối cải của tôi không thể chín mùi, nếu tôi chưa thật thành tâm với các dự định ấy. Tôi như kẻ mộng du trong các ý tưởng của mình. Đôi khi tủi phận, tôi lén nghĩ tới cái chết. Không thể chối cãi được, giờ đây tôi đã là một tù binh. Một thứ siêu tù! Bởi vì tôi đang được tự do trong cái kỷ cương siêu hình giữa cuộc chiến khốc liệt. Tôi nhớ miền Bắc. Nhớ tới mức chỉ muốn gào lên thật to với họ rằng, tôi được miền Bắc đưa vào đây để đánh Mỹ chứ không phải để làm tù binh của họ. Những cơn suy diễn cuồng nộ đã đẩy tôi vào chốn tối tăm rồ dại của lý trí, chẳng thể hé ra tí ti ý tưởng gì cho rõ ràng, sáng láng. Máu uất dồn hết lên đầu, lên trên cả cái đầu quẫn bách làm tôi gục ngã trong mê muội. Tôi vật vã với một sức mạnh ghê gớm của sự yếu đuối và bất lực. Tôi không nuối tiếc, không “giá mà” như những lần trước. Tôi trở nên bất cần và tôi tự thấy phải hành hạ chính mình cho thích đáng. Sự tự hành hạ cũng đem lại đôi chút thanh thản. Nó đánh thức phần lý trí còn le lói trụ lại tỉnh táo dần ra trong cái đầu bé bỏng tội nghiệp của tôi, khiến tôi càng hăng máu hơn. Tôi tự đập đầu vào cây, tự đấm vào ngực, tự trói chân lại rồi lăn khỏi sàn căn chòi hôi hám xuống đất vào lúc nửa đêm. Tôi nhịn ăn có tới hai ba ngày. Cái cách tự hành xác bằng nhịn ăn giúp cho con người hoạn nạn của tôi tỉnh táo. Mọi tố chất về vật chất dường như được huy động giản dị hơn các loại hung hãn khác. Nó có ma lực cuốn hút tâm hồn con người ta vào cõi mơ mị đầy quyến rũ, mà trong đó sự lựa chọn sáng suốt của lý trí hừng lên, tựa hồ ta được sống lại một lần nữa giữa tự nhiên. Tôi không nhớ sau mấy ngày nhịn ăn ấy, tôi đã ngất đi như thế nào. Chỉ biết rằng khi tỉnh lại, tôi dường như quên hết những tội lỗi của mình. Tôi nhận ra sự có mặt của tôi giữa họ không hề mặc cảm, không hề có cách biệt. Tôi từ từ ngồi dậy, từ từ dụi mắt, cảm thấy trước mặt nhòe nhoẹt những bóng người bất động. Họ đồng loạt “ồ” lên và tôi nhận ra, tôi đang ở trong tình trạng chới với, chỉ cần yếu đuối một chút là sa ngay vào cái bẫy vô hình của mặc cảm.
Tôi nhoẻn miệng cười, cố tình không nhìn vào mặt ai. Thế nhưng, tôi vẫn cảm được ánh nhìn mừng vui vô tư của họ. Có ai đó đỡ cho tôi ngồi tựa vào vách nứa. “Hứt-han-tà-pY” (phấn khởi quá). Một câu vô nghĩa buột thốt ra từ trong tiềm thức của tôi. Tôi nhận ra sự ngỡ ngàng của họ, trước hết vì sự hồi sinh của tôi cùng với sự ngạo mạn vô lối. Chính vì sự ngạo mạn ấy mà tôi đã chinh phục được họ, là tôi nghĩ thế. Không khí trở nên trang nghiêm khi có ai đó đỡ cho tôi tựa hẳn vào người. Sự nâng đỡ dịu dàng giống như nâng đỡ cho một sinh linh bé bỏng làm tôi cảm động ứa nước mắt. ở đây có chút gì huyền bí của tôn giáo. Nó vừa lành mạnh vừa thiêng liêng. Tôi được xoa bóp và được người ta bón cho thứ nước cháo nhăn nhẳn đắng. Không hoàn toàn là đắng bởi tôi nghe đâu đó vị ngầy ngậy chua chua, lại thoang thoảng mùi thơm thum thủm. Cái thứ mùi chỉ phơ phất ấy cùng với tiếng hát mập mờ phía bên kia đống lửa quyến rũ tôi. Tiếng hát xa vời tưởng như ở bên kia thế giới vọng về vừa u trệ lại vừa phóng đãng. “Mày có tốt đẹp rồi”, hình như tiếng anh Miết văng vẳng đâu đó. Tôi cầm chắc cánh tay anh.
“Xa bé”,- anh nói nhỏ - và tôi ngoan ngoãn bê cả cái ca US đựng cháo lên húp. Mồ hôi túa ra. Người tôi nhẹ bẫng u u minh minh. Không rõ là thực hay mơ, nhưng tôi nghe thấp thoáng có tiếng nhạc cồng chiêng não nề từ đâu đó vọng lại. “Nó chết rồi, em ạ”, - anh Miết nói. Giọng anh ứ lại. Tôi cảm thấy gai ốc nổi lạnh khắp người.
“Ai?”, - tôi hỏi. “BDên chớ ai. Nó ăn lá độc”. Hình như tôi đã chồm dậy rất mạnh và anh Miết đã quật tôi ngã xuống… Nếu như không có chị Báắt, vợ anh Miết ra báo tin BDên đã được cứu sống thì tôi không hiểu đời tôi sẽ thành ra thế nào. Người ta phân công anh Miết ở hẳn ngoài chòi rẫy coi sóc tôi. Những ngày ở phía trước thực lòng tôi ít để ý tới anh. Phần vì anh rất ít nói. Phần vì công việc của tôi chẳng liên quan gì tới công việc của anh. Tôi cứ tưởng anh là một trong những người lãnh đạo đội du kích của làng. Nhưng đến khi rút về phía sau tôi mới hiểu. Anh chỉ là một du kích bình thường. Tôi thấy anh suốt ngày cặm cụi đan hết cái gùi này tới cái gùi khác, miệng xì xì liên miên một bản nhạc nào đó không ra thổi cũng không ra huýt. Sáng sáng, chiều chiều chị Báắt gùi đồ ăn thức uống ra cho hai anh em tôi. Tôi thấy anh Miết không tỏ ra vồ vập, thậm chí còn có vẻ bình thường, trong khi chị Báắt nói liến thoắng. Cái tin BDên được cứu sống chị báo cho chúng tôi vào lúc giữa trưa. Chị kể cho anh Miết nghe cùng với những động tác khiêng khiêng vác vác rất buồn cười. Nét mặt anh Miết rạng rỡ chưa từng thấy. Rồi anh quay sang tôi, nói:
- Du kích khiêng nó không bằng thằng Mỹ Kon-Lơ cõng.
- Cõng đi đâu? - Tôi hỏi.
- Cõng vào bệnh xá huyện trên dốc Kon Kinh chứ còn đi đâu.
Tôi ngồi thuỗn ra một lúc, hình dung cảnh thằng Kon-Lơ sốt sắng nắm hai cổ tay BDên khoác lên vai chạy theo mấy du kích xé rừng đi đường tắt để tới bệnh xá cấp cứu. Việc không trả hắn cho cấp trên quả có tác dụng. Nhưng sao tôi vẫn cứ cảm thấy ghét bộ mặt hau háu chờ ý anh Yơng của hắn.
- Mày được cho cấp trên huyện đội. - Anh Miết nói. - Anh Yơng ớn mày quá rồi.
Tôi không biết nên buồn hay vui. Anh Miết xiết chặt tay tôi, mắt chớp chớp. Lần đầu tiên tôi thấy anh biểu lộ tình cảm nồng nhiệt như vậy. Tôi ôm ghì lấy anh. Nước mắt tự nó tràn ra không tài nào kìm lại được. Sau cái thông báo giản dị của anh Miết, tôi có vẻ như đã trưởng thành hơn về mặt nhận thức, nói theo cách đánh giá thời bấy giờ, mặc dù tôi đã tỏ ra bồng bột lúc nghe tin. Nhưng ngay sau đó, tôi tự chủ được trạng thái tinh thần của mình. Anh Miết luôn là người chân thành và khách quan đối với các hành động của tôi, ngay cả những lần quật tôi ngã cũng như cái bắt tay hàm ý chúc mừng vừa rồi. Nhưng dù thế tôi vẫn phải giấu anh tâm trạng rối bời của mình. Tôi tự nhủ, nếu đúng như lời anh nói thì tôi đã và đang bước được một chân ra khỏi sự thực ê chề, còn chân kia vẫn đang ở lại. Chỉ cần tôi vội vàng một tí là có thể ngã bật ngửa hoặc ngã sấp mặt xuống một sự thực nghiệt ngã hơn. Chỉ Báắt đem tới một con gà và ba lon gạo mới làm bữa cơm có vẻ như để chia tay. Tôi thản nhiên giúp chị mổ gà. Anh Miết cao hứng bảo vợ về làng kiếm ghè rượu. Nhưng chị đã lôi từ trong gùi ra một quả bầu to và bảo rằng, chị đã hút rượu cần đựng vào trong đó. Cứ nói tới rượu là tôi sởn da gà. Không hiểu sao người ta lại có thể cứ uống rượu hết ngày này qua ngày khác được. Tôi đành nói thật với anh Miết là dứt khoát từ nay tôi không uống rượu nữa. Anh hiểu ý tôi muốn nói gì, nhưng anh vẫn cứ ép tôi uống ít ít. Có lẽ do cái vẻ quá chân thành và mộc mạc của anh đã khiến tôi không thể từ chối. “Thế em chỉ uống một ngụm thôi nhé”, - tôi nói bằng một giọng xúc động bất ngờ, tự nó trào dâng, tự nó chận ngang lại. Anh Miết rót rượu ra cái ca US đa cho tôi và tôi chỉ uống đúng một ngụm rồi đa sang cho chị Báắt. “Em ưng được ở lại đây”, - tôi nói. Tất cả những gì dồn nén trong tôi đã khiến tôi thốt ra câu ấy, không hề có sự chuẩn bị trước.
Chị Báắt không biết nói tiếng Kinh, nhưng chị nghe được, không phải bằng lời mà bằng linh cảm. Có tiếng lao xao ngoài chòi rẫy. Chúng tôi cùng sững lại, nhìn ra. Tôi chột dạ thấy anh Yơng và Bin cùng tên Mỹ Kon-Lơ đang rửa chân dưới vòi nước. Chắc họ tới để dẫn tôi đi, tôi nghĩ và cảm thấy cổ họng nghẹn cứng lại. Chả lẽ tôi bị họ nhìn nhận không bằng nhìn nhận thằng tù binh Mỹ, đành rằng tôi có một vài khuyết điểm. Nhưng tôi đâu phải kẻ thù, đâu phải thằng phản bội? Thằng Mỹ xin ở lại được mà tôi thì bị họ đào thải? Không hiểu sao lúc ấy tôi toàn nghĩ tới chuyện phải đưa lên huyện đội là một nhục hình mà quên mất rằng, chính tôi suốt những ngày qua chỉ mong được họ chuyển tôi tới một đơn vị nào khác. Bất kỳ đơn vị nào cũng được. Nhưng tôi đã một lần nữa hiểu lầm thiện chí của họ. Anh Yơng và Bin đến để báo tin cho anh Miết và tôi biết rằng, huyện đội yêu cầu cả tôi, cả anh Miết anh Yơng và Bin cùng tên Mỹ Kon-Lơ sáng mai phải có mặt để cấp trên giao nhiệm vụ mới, ở phía trước.
- Cả tên Mỹ? - Tôi hỏi Bin.
Cậu cầm ca rượu uống một hơi cạn rồi nhìn tôi, âu yếm nói:
- Chô cha, rượu ngon hung. Có cả tên Mỹ nữa chớ, anh Bìn ạ.
Tôi không đủ trí tưởng tượng để hình dung tất cả những gì sẽ diễn ra đối với mình, bởi vì, ngay cả huyện đội cứ tưởng là sẽ bề thế hơn, có độ tin cậy hơn đối với hoàn cảnh vất vưởng của tôi. Suốt đêm qua tôi toàn nghĩ tới huyện đội như là một đơn vị chiến đấu có tổ chức, có bài bản và tôi sẽ gặp được người này, người nọ, họ sẽ hỏi tôi những câu hỏi về lý do bị lạc, về đơn vị cũ, về lý lịch và nguyện vọng. Rồi thế nào anh Yơng và Bin cũng phải báo cáo về tôi cho họ nghe, hoặc có thể anh Yơng đã báo cáo rồi, họ chỉ việc dựa vào đó mà đánh giá tư tưởng cũng như năng lực, sau đó mới tới chuyện phân công công tác. Tôi nghĩ cả tới số phận của tên tù binh Mỹ. Hắn nhất định sẽ được họ giải lên trên để khai thác, hay nói cách khác, là hắn phải trở về đúng vị trí của hắn là một tên tù binh. Ấy thế mà mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Mọi tính toán hồi hộp của tôi trở nên vớ vẩn. Chẳng có ai chờ đón chúng tôi ngoài mấy ngôi nhà hầm ẩm mốc, dường như đã quá lâu rồi không có ai ở. Mới đầu tôi tưởng anh Yơng lầm vì tôi thấy dưới bếp có mấy cô gái đang giã gạo. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Bah Nar rất rôm rả, thỉnh thoảng nhìn tôi và tên Mỹ, nhưng không có biểu hiện gì đặc biệt. Rồi họ dọn ra cái bàn, đúng hơn là cái dàn làm bằng le một rá sắn nấu đã đánh tơi cùng một soong canh lá sắn chua, một lon muối hầm, đặc biệt có hai cóng cá chuồn khô được họ nướng cháy thơm lừng bảo chúng tôi ăn. Tôi rất lấy làm lạ là nhiều gạo thế, tại sao họ vẫn cứ ăn sắn không. Bụng đói, nhưng nhìn những thứ bày ra kia tôi cảm thấy họng khô cứng lại, thèm một bát cơm không đến cồn cào. Tôi bảo Bin có thể xin hoặc mượn họ ít gạo nấu ăn không thì cậu cười bảo tôi: “Gạo ấy ưu tiên cho phía trước. Ngày mai phải gùi gạo ra cho anh em đánh địch ăn. Mình ở phía sau ăn củ mì tốt hung rồi”. “Thế huyện đội đâu?”, - tôi hỏi. Đến lượt Bin và anh Yơng cùng ngạc nhiên nhìn tôi. Anh Yơng chưa bao giờ nói chuyện với tôi đến vài câu. Anh bỏ vào cái ca US của tôi nửa con cá chuồn to, và nói: “Một là huyện đội đây rồi. Hai là, tôi nói cho đồng chí rõ, cách mạng còn khó khăn hung, làm sao đòi hỏi?”. Tôi biết là mình không thể nói chuyện với anh ta nên vục mặt xuống ăn. Tôi vận dụng hết khả năng thích ứng của tuổi trẻ để nhai những miếng to, để nuốt vào lòng cả vị đắng hăn hắt của sắn và câu nói ít thiện cảm vừa rồi. Thằng Kon-Lơ ngồi chồm hổm trước cửa vừa khua thìa rổn rảng, miệng nhồm nhoàm nhai, thậm chí hắn còn quệt muối hầm vào ngón tay rồi cứ thế mút. Hắn gầy sọp so với dạo trước. Tôi thấy hắn thỉnh thoảng bưng miệng, quay ra ngoài có vẻ muốn ọe. Nhưng rồi hắn lại cố trợn trừng nuốt cái miếng nhồm nhoàm kia xuống được bụng. Tiếng giã gạo rộn ràng và tiếng nói chuyện rộn ràng của mấy cô gái phần nào giúp tôi bình tâm lại. Bin vừa ăn vừa cầm cái ca US của mình vào trong bếp, một lúc sau, cậu đem ra một cái nấm mối nướng nóng hôi hổi cho tôi. Cái nấm thơm như một miếng thịt nướng và tôi đã nhờ vào nó mà nuốt được một ca sắn nữa. Anh Miết, anh Yơng ăn, cứ mỗi thìa sắn là kèm theo một quả cà đắng, một trái ớt thóc cùng một chút muối hầm. Sau đó là canh lá sắn giã nhừ, húp trực tiếp từ cái muôi làm bằng sắt máy bay vừa dầy, vừa to lại sù xì, cáu bẩn. Tôi biết các anh đang thèm rượu, vì chỉ có rượu mới làm nét mặt các anh trở nên tươi tỉnh. Tôi chợt nghĩ tới đêm nay, nếu chúng tôi không phải hành quân tiếp, có lẽ tôi sẽ rủ Bin vào rừng kiếm con gì đó về cải thiện. Nhưng tôi lại nhớ ra là, chúng tôi chẳng còn đôi pin nào. Không có pin thì săn bắn cái nỗi gì? Thằng Kon-Lơ nhằn nhằn mãi với cái nắp hăng-gô sắn. Nhìn mặt hắn có vẻ lơ đễnh thế nào. Hắn đứng dậy tới bên bàn, dùng muôi lùa trong soong canh rồi lại buông ra. Hắn dùng hai ngón tay nhón muối hầm rắc lên sắn, sau đó tới bên tôi, có vẻ muốn làm thân. Tôi đứng dậy tránh cái nhìn ấy…
°
*
Té ra chẳng có huyện đội nào hết! Huyện đội vẫn còn ở một chốn rất xa xôi, bí mật, mà người ta gọi là phía trước. Theo cách phổ biến lạnh lùng của anh Yơng thì chúng tôi đang được huy động vào việc gùi gạo chuyển ra cho bộ đội ta mở chiến dịch to. Suốt đêm hôm ấy anh Yơng, anh Miết và Bin uống rượu với mấy cô gái giã gạo, còn tôi và tên Mỹ treo võng ngủ. Tôi thấy hắn ngủ li bì, gần như không động cựa. Tôi nhớ có lần Bin bảo tôi, khi không có cái ăn ngon thì bồi dưỡng sức khỏe bằng cái ngủ ngon. Cái ngủ ngon chỉ cần thời gian, còn cái ăn ngon khó khăn lắm mới kiếm được ra. Chắc thế nào cậu cũng “phổ biến” cho tên Mỹ kinh nghiệm này. Tôi thấy hắn chẳng quan tâm mấy tới hoàn cảnh. Đúng hơn hắn có vẻ yên phận. Thế mà tôi vẫn thấy nơm nớp lo, dù biết là lo vu vơ cũng chẳng được tích sự gì. Tôi buồn ngủ ríu mắt, nhưng nằm xuống đầu óc lại cứ căng ra, đành dùng thủ thuật đếm. Tôi đếm từ một tới một trăm, trên cả một trăm rồi trên cả một nghìn. Nhưng miệng đếm mà đầu cứ liên miên nghĩ hết chuyện này nhảy sang chuyện khác, không tài nào gọi được giấc ngủ. Tôi trở mình liên tục, tự khuyên không nhớ miền Bắc, không nhớ gì hết. Nhưng càng cố nó càng trỗi dậy. Mới đầu tôi nhớ canh cua nấu với rau đay, ăn kèm cà pháo giữa tra hè, u tôi đứng quạt cho tôi và anh Ổn tôi ăn xì xụp. Nhớ buổi tối mùa Đông rét cắt da, chúng tôi khiêng thùng nước muối nóng tới từng chuồng trâu của cả xóm để vẩy lên rơm cho bọn trâu ăn chống bệnh cước. Tôi nhớ lung tung, cái hôm mấy đứa tôi được anh Ổn dẫn đi xem phim bên làng Trúc. Anh tôi hơn tôi ba tuổi. Lúc ấy tôi mười bốn còn anh mười bảy. Anh cầm đầu tụi tôi trèo lên nóc chùa, nhảy vào vườn rồi luồn qua hàng rào tre dân, thứ tre nhỏ nhưng ken dày đặc, để ra bãi chiếu phim trốn vé. Nhưng tất cả chúng tôi đều bị du kích làng Trúc tóm gọn. Họ xách tai chúng tôi nhốt vào nhà kho chứa thóc, nóng hầm hập. Thế mà chúng tôi cũng ngủ được. Cho tới gà gáy, có một sáng kiến của thằng cu Lợi rất hay. Nó xui chúng tôi, mỗi đứa ị một bãi rồi lấp thóc lên, để chơi khăm lại du kích làng Trúc hay bắt nạt bọn tôi. Tôi đang cố rặn ra thứ láo lếu ấy thì anh tôi phát hiện được. Tưởng anh sẽ đồng tình, ai dè anh bắt chúng tôi dừng lại, hơn thế, anh còn bắt cả bọn dọn sạch vào một góc. Tất nhiên chúng tôi phải làm theo. Nhưng đến lúc nghe lách cách mở kho thì chúng tôi đã lén anh hốt trở lại đống thóc, rồi thi nhau giả vờ khóc mếu. Mỗi đứa bị nếm thêm một cú quắn tai nhớ đời nữa rồi được tha.
Chúng tôi cắm cổ chạy về, vừa chạy vừa cười thỏa thuê. Sau vụ ấy anh tôi nhập ngũ. Bây giờ cả bọn đàn em nhem nhuốc của anh cũng đã vào Nam chiến đấu, mỗi đứa một nơi. Giá tôi gặp được anh, hay đứa nào đó trong bọn lúc này thì đời tôi hẳn lên tiên! Tôi nhớ gương mặt thằng Lợi lúc nào cũng nhoe nhoét mồ hôi, lúc nào cũng trợn trạo với những trò ranh ma. Nó to khỏe và nghịch ngợm nhất làng. Tôi tuy bé loắt choắt, nhưng lại thân với nó, chẳng chịu thua nó một trò nào. Hai đứa tôi thường rủ nhau đi ăn trộm bòng nhà bà Tặng để ra dược mạ đá bóng. Rồi ăn trộm trứng gà nhà bà Len để nghe bà chửi. Chẳng hiểu sao bà Len chỉ sống có mỗi mình. Người ta bảo vì bà đanh đá quá nên không lấy được chồng. Lại có người bảo, hồi trước chồng bà theo gái, nên bà hận đời, thề chẳng lấy ai. Tất cả những điều ấy chẳng quan trọng gì với tụi trẻ ranh chúng tôi. Chúng tôi thích trêu bà, thích nghe bà chửi, thế thôi. Bà Len có tài chửi rất dai. Bà sẵn sàng chửi từ sáng sớm tinh mơ tới kẻng hợp tác gọi đi làm. Sau buổi làm, về tới nhà bà lại chửi. Bà vừa nấu cơm, vừa quét sân vừa chửi. Đặc biệt những buổi tối sáng trăng, trước lúc đi ngủ, bà đứng chống nạnh ngoài cổng, vỗ tay, chỉ vào mặt thằng ăn trộm vô hình mà xỉa xói ba đời, mười đời nhà nó. Tiếng chửi của bà vang vọng khắp xóm. Chúng tôi nấp ở bờ tre, bọc những bọc phân trâu bằng lá khoai nước, ném vào chỗ tiếng chửi. Bà nhảy thách lên, chửi càng hăng. Có hôm chúng tôi rủ thêm vài thằng nữa, đi diễu qua trước cổng nhà bà, vừa đi vừa lần lượt từng đứa gào lên bài vè do tôi nghĩ ra, để trêu bà. Thằng Lợi mở đầu: Ve vẻ vè ve. Tôi: Cái vè chửi đổng. Thằng Thướng: Cả làng đánh trống. Thằng Khang: Bắt thằng ba que. Thằng Lợi: Bắt trộm gà què. Tôi: Đem về nấu cháo. Thằng Thướng: Bà Len mếu máo. Thằng Khang: Hát bài tổ tông. Tất cả: Ông ổng ồng ông. Ăn ba ổ trứng. Gào xong, cả bọn chúng tôi vắt chân lên cổ chạy. Còn bà Len thì tốc váy quay cuồng lên mà chửi. Bài chửi của bà vần vè thiên biến vạn hóa, từ cao tằng thủy tổ đến năm đời chín đời sau. Từ ba hồn bảy vía thằng nào con nào ăn trộm trứng gà nhà bà, đến cả họ hàng hang hốc nhà nó. Rồi bà rủa, đứa nào ăn trứng của bà, cả dòng cả giống nhà nó sặc máu sáu cơn, đi sông đắm đò, đi bộ chết đâm chết chém. Chao ơi là chua ngoa độc địa. Ấy thế mà đến hôm bà chết, tôi và thằng Lợi là hai đứa biết đầu tiên. Chẳng là bỗng dưng mấy hôm nay không thấy bà chửi, buồn tai, tôi và thằng Lợi rủ nhau chui qua dậu nhà bà, lẻn xuống bếp định đánh cắp trứng, hoặc một thứ bất kỳ nào đó. Thằng Lợi đi trước, tôi bám áo nó ép sát vào tường đất. Nó vừa thò chân vào bếp thì bỗng nhảy dựng lên, vọt ra cửa. Tôi chưa kịp hiểu gì nhưng vì hoảng quá, níu rách toạc áo nó. Ra tới cổng nó run bần bật bảo tôi: “Bà Len chết trong ổ rơm”. Tôi dựng tóc gáy, chạy cùng nó về nhà báo tin cho anh Ổn. Chẳng hiểu vì sao lúc này đây tôi lại nhớ tới bà. Nhớ những quả trứng gà ri bé tẹo chúng tôi ăn trộm được, bọc trong vạt áo, ra tới bờ ruộng vừa thở vừa mút sống, rồi ngong ngóng chờ nghe bà Len chửi. Đám tang của bà thật đông. Cả làng không ai vắng mặt. Tôi và thằng Lợi, thằng Thướng, thằng Khang cầm cờ phướn rước bà ra mộ. Được ba ngày, anh Ổn mua cho chúng tôi mỗi đứa ba quả trứng gà ri, bảo đem ra mộ bà thắp hương. Anh dọa, nếu không làm thế, ma của bà sẽ về bắt. Chúng tôi răm rắp làm theo. Thì ra không phải anh Ổn tôi nghĩ ra trò đó, mà chính là bà Trịnh, mẹ thằng Lợi, vì bà biết, chỉ có anh mới sửa được chúng tôi thôi. Anh Ổn còn bảo tôi rằng, những người độc thân như bà Len chết thiêng lắm. Lúc sống kẻ nào bắt nạt người ta thì hãy liệu mà cúng vái cho tử tế, rồi sớm sửa đổi tính nết kẻo ma thiêng không ở một mình! Tôi và thằng Lợi vì sợ mà ngoan được vài tuần, rồi đâu lại vào đấy. Có hôm nó rủ tôi bắt con cóc cụ, nhét thuốc lào vào đầy mồm cóc rồi khâu lại. Chúng tôi lẻn vào nhà ông Thuấn thả con cóc xấu số ấy vào gầm giường. Chẳng là mấy hôm trước chúng tôi trêu bà vợ tâm thần của ông, bị ông đuổi chí chết. Ông đe, nếu còn trêu bà thì ông sẽ thiến dái. Tôi và nó thực ra chẳng biết thù oán là gì, chỉ thuần túy nghĩ ra trò nghịch, thành thử sau khi ném được con cóc vào nhà người ta rồi, đêm xuống, hai đứa lẻn nhà đi nghe ngóng thử. Trời ơi, con cóc kia bị sặc thuốc lào, nó cứ hù hụ kêu lên, giống như tiếng ho, tiếng rên của hồn ma khiến cả nhà ông Thuấn hoảng loạn, cả xóm hoảng loạn. Mãi sau người ta mới phát hiện được con cóc chết thối, thế là thành chuyện. Người ta nghi cho chúng tôi, nhưng làm sao buộc tội chúng tôi được?
Anh con trai của ông Thuấn thách chúng tôi, tất nhiên là lời thách giữa làng, rằng quân mất dạy, đố đứa nào dám chơi khăm nhà anh lần nữa. Anh kiếm ở đâu được một con chó rất to về nuôi. Con chó sủa hồng hộc chạy đuổi theo bất kỳ ai qua cổng nhà anh. Thằng Lợi bàn với tôi nướng một củ ráy thật nóng, bọc trong mớ giẻ, lặng lẽ tới cổng nhà ông Thuấn. Con chó hung dữ xộc ra. Chúng tôi ù té chạy. Nó đuổi theo. Tôi ném củ ráy nóng trêu nó. Con chó lao vào đớp củ ráy, kêu lên oăng oẳng. Hai đứa tôi lủi về nhà, đắp chăn vờ như ngủ. Sáng hôm sau cả xóm được dịp xôn xao. Chúng tôi giả như không biết chuyện gì, rủ mấy thằng cùng bọn tới xem. Khổ thân con chó. Nó cắn ngập răng vào củ ráy nóng, coi như hết đời! Bây giờ giá gặp anh con trai ông Thuấn, nhất định tôi sẽ khai ra chuyện ấy, và chắc anh cũng sẽ chẳng có lòng nào thù ghét chúng tôi, mặc dù hôm anh nhập ngũ, chúng tôi có tiễn anh một quãng đồng, nhưng anh vẫn cứ lì lì, có vẻ còn cay cú lắm. Bất giác tôi thấy buồn vì cái trò lăng nhăng lít nhít thời niên thiếu và tôi trở dậy. Tôi nhìn sang võng thằng Kon-Lơ. Hắn ngủ oặt cổ ra rìa võng, thở khò khè. Tại sao hắn lại có thể ngủ ngon lành như thế nhỉ? Chắc hắn cũng chỉ bằng tuổi tôi. Có thể nhỉnh hơn một tí. Nhưng điều ấy phỏng có quan trọng gì? Hắn ăn phải bả của bọn quan thầy làm tên xâm lược, để đến lúc này đây thành ra tù binh. Bọn hắn hèn hạ đến thế là cùng. Bị đối phương bắt được mà còn cam tâm làm kẻ hàng binh. Quân ta không có chuyện ấy. Chúng tôi đã thề trước khi vào Nam là chỉ có một sống một chết với quân thù! Nhìn hắn ngủ, tôi cứ tự hỏi mình xem, liệu hắn có lúc nào nhớ mẹ, nhớ quê không? Hắn có trò nghịch lếu láo thời thơ bé không nhỉ? Tuổi thơ của hắn là thế nào, làm sao tôi hình dung ra được? Tôi nhớ có lần Bin bỗng hỏi tôi: “Thằng Mỹ có buôn làng không?” Tôi bảo có, và tôi đã nói bừa với cậu rằng, buôn làng của thằng Mỹ gọi là thành phố. Bin vẫn không tin một khi người ta đã có buôn làng rồi thì làm sao phải đi xâm lược buôn làng kẻ khác. À ra thế. Lúc nào Bin cũng có những ý nghĩ ngồ ngộ, giống như tôi hồi bé. Hồi bé tôi không tin cô giáo Hoa của tôi lại có thể đi đái! Bởi vì cô rất sạch sẽ, lúc nào cũng có thể hát cho chúng tôi nghe. Với vẻ đẹp và tính tình dịu dàng của cô, chẳng lẽ cô cũng làm những việc tệ hại mà chúng ta, những người thường vẫn làm? Tôi hỏi anh ổn và anh đã khẳng định với tôi rằng, không thể không có. Nhưng tôi vẫn không tin. Anh tôi chẳng biết giải thích thế nào cho tôi hiểu, vì tôi đã vặn lại theo kiểu trẻ con rất cùn là anh đã trông thấy bao giờ chưa? Chưa trông thấy mà nói có hay không đều sai cả!
Những ý nghĩ liên miên của tôi rồi cũng lịm đi. Tôi đang lơ mơ ngủ, bỗng giật mình vì tiếng hú rất to. Mấy người uống rượu say đã đến màn múa hát! Tôi mệt mỏi ngồi đậy lắng nghe. Họ hát từ trong căn nhà bếp lụp sụp. Tôi hiểu, nếu tôi mò tới, thế nào cũng bị uống rượu. Bụng tôi réo lên ùng ục. Tôi đói, cảm thấy lạnh khắp người, tay chân run run. Tôi thèm cơm không. Chỉ cần cơm không! Tại sao hôm qua tôi lại đổ hết số gạo chị Báắt cho vào cái gùi, trả lại chị? Trời vần vũ những mảng tối sáng xô bồ. Cái võng của thằng Kon-Lơ đã chảy xệ xuống sát đất mà hắn vẫn ngủ. Tôi định gọi hắn dậy để hướng dẫn cho hắn biết cách mắc một cái võng thế nào cho tử tế, rồi hẵng ngủ, nhưng lại nghĩ, kệ thây hắn, cái thằng ngố, lười thối ra ấy. Tôi chập chờn nửa muốn tới chỗ mấy người du kích kiếm cái ăn, nửa sợ phải uống rượu. Tôi rùng mình nhớ tới cuộc say lần trước.
Lẽ ra hôm ấy tôi đừng uống quá mức thì tôi đã làm chủ được mình. Chẳng rõ giờ đây BDên đã trở lại bình thường chưa. Thực tình, hôm ấy vào rừng, tôi đã chẳng làm được điều gì, ngoài những cái hôn, mà người ta cứ nghĩ là tôi đã làm được! BDên ăn lá độc để chứng tỏ cô yêu tôi hay chỉ vì muốn chứng tỏ cho dân làng biết là mình vẫn còn trinh trắng? Điều ấy chỉ có cô biết. Quả tình tôi quá hoảng sợ khi nghe tin cô chết, chẳng phải vì tôi yêu cô, mà vì tôi run sợ cho số phận của mình. Điều ấy tôi nói ra thật tệ hại. Nhưng phần lớn sự tệ hại nếu được giấu kín sẽ trở thành niềm an ủi cho lầm lỗi của mỗi chúng ta. Nó có khả năng biến nỗi lo sợ thành sự thể hiện tình cảm mà cộng đồng tuy không thích thú gì, nhưng lại cứ đòi hỏi. Tôi đã nghĩ ngay rằng, nếu BDên chết thì tôi không thể sống được vì ân hận, và vì sự tự trừng phạt của cô quá mức chịu đựng đối với tôi, hơn là tôi nhận thấy tội lỗi của mình. Nhưng thôi, tôi tự nhủ, dù sao chuyện ấy cũng đã qua rồi. Tôi có nói ra ý nghĩ khi ấy của mình, cũng chỉ nhằm giải tỏa cho nỗi ám ảnh mà tôi phải gánh chịu. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi nghĩ được như thế. Và tôi đã ngủ được có lẽ nhờ lối lập luận không lấy gì làm hay ho lắm. Cho mãi tới sau này tôi vẫn không thể nguôi. Những lá thư của anh tôi gửi về, câu đầu tiên anh hỏi, ấy là cái tủ sách của anh. Rồi anh khuyên tôi nên đi bộ đội, vì theo anh, đó là một trường đại học tổng hợp lớn nhất mà anh gọi là đại-học-cuộc-đời. Anh biết tính tôi không thích đi vì tôi thấy các chú bộ đội đóng ở làng lúc nào cũng huỳnh huỵch chạy, đang ăn cơm phải báo động, hơi tí thì họp kiểm điểm, mà tính tôi ham thích tự do, sức tôi lại yếu, đầu óc tôi không nghĩ tới tương lai, ngoài việc học bài theo lối khoán, đủ cho số điểm mà thày tôi đã quá định.
Thày tôi là một ông đồ thất chí, cụ rất buồn rầu vì tính bất trị của tôi. Roi vọt theo lối giơ cao đánh khẽ của người càng khiến tôi hư hỏng thêm. Cái lối khoán điểm của cụ chẳng làm tôi lo ngại, nhưng tôi không phấn đấu vượt quá mức quá định. Tôi biết, nếu vượt quá thì yêu cầu sẽ lại tăng lên, và như thế chỉ làm thỏa mãn ý muốn của người lớn. Phần nhiều các giờ lên lớp các môn phụ tôi đều đọc truyện dưới ngăn kéo, hoặc để quyển vở đè lên quyển truyện, ngồi ngay ngắn giả như chăm chú nghe giảng, thực ra tôi đang nghiên cứu cuộc phiêu lưu của chú dế mèn, của chú người gỗ.
Suốt mười năm học, chẳng năm nào tôi đạt học sinh giỏi, đó là nỗi đau đớn của thày tôi, vì năm nào anh ổn tôi cũng đem về phần thưởng và bằng khen. Cái năm lớp mười tệ hại nhất đối với tôi vì tôi không thích đi bộ đội, mà tháng nào cũng phải đi khám sức khỏe tuyển quân. Lớp tôi các bạn đi vãn. Mãi tới tháng Tư vừa rồi, tôi cảm thấy quá mệt mỏi vì những cuộc đi khám sức khỏe lần nào cũng chỉ có ba chín cân ấy. Tôi quyết định thủ sẵn trong túi quần phăng rộng thùng thình của anh tôi để lại ba bốn cân đá vụn và tôi bước lên bàn cân, tay vẫn thọc túi quần, làm ra vẻ phớt đời. Tôi bị bắt quả tang. Nhưng bù lại, người ta đã “tha” cho tôi để tôi lọt qua vòng cân đo. Thế là tôi trúng tuyển. Tôi được ưu tiên phát bằng tốt nghiệp phổ thông trước lúc lên đường.
Đặc biệt, hành động bỏ đá trong túi quần bị lộ của tôi không ngờ lại được nêu dương. Ấy là lần đầu tiên trong đời tôi nếm mùi vinh quang. Cả trường tôi phát động phong trào học tập tinh thần hăng hái xung phong nhập ngũ của tôi. Tôi không cảm thấy xấu hổ, ngược lại, tôi thấy đúng là tôi có tinh thần hăng hái như những lời biểu dương của các thày cô thật… Bỗng một tiếng nổ trùm lên sự yên tĩnh tưởng như bất tận của rừng đêm hất tôi ngã nhào xuống võng. Thực ra tôi đã lăn xuống bằng bản năng hơn là ngã. Thằng Kon-Lơ vẫn nằm nguyên, có điều, cả hai đầu võng đều đã chảy xệ xuống, một đầu cao hơn, nom hắn vêu vao như một cái xác chết. Hắn khẽ rên lên rồi lại nằm yên ở tư thế vặn vỏ đỗ kỳ quặc khiến tôi khó chịu. Chẳng lẽ tôi lại sang, giật phăng cái dây võng phía chân hắn tuột hẳn ra cho hắn thức dậy. Nhưng tôi chưa vội làm vì có thể ngay bây giờ một quả bom nữa sẽ nổ tiếp. Có tới vài chục giây trôi qua vẫn yên tĩnh, ngoài tiếng rít xé gió của động cơ phản lực. Có tiếng nói xôn xao phía trong nhà bếp. Hình như sức chấn động của quả bom vừa rồi đã làm sập cái gì đó. Tôi nhớ có lần tôi và Bin đi qua một hố bom to tới mức tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Tôi hỏi Bin, bom gì mà ghê thế. Bin bảo bom B57. Cậu còn giải thích kỹ lưỡng cho tôi rằng, thằng máy bay B57 to hung, nó chỉ chở được một trái bom lớn gấp mười trái bom khác, chuyên thả bom vào vùng căn cứ của ta. Chắc quả bom nổ vừa rồi là thứ bom ấy, tôi nghĩ thế và đứng dậy tới bên võng thằng Kon-Lơ, định làm cái việc mà tôi vừa nghĩ ra. Tôi hoảng hồn nhận thấy hắn đã ngất xỉu, miệng ngáp ngáp, hai tay run lẩy bẩy. Tôi không nhớ tôi có kêu lên không, hoặc tôi không thể kêu lên thành tiếng. Tôi đã nhảy qua một cái hố, đập đầu vào cột bếp, ngã bật ngửa.
Tôi chồm dậy, nhào tới chỗ mấy người đang dựng lại góc trong căn bếp vừa bị đổ. “Thằng Kon-Lơ làm sao ý”, hình như tôi chỉ nói được như thế. Chúng tôi khiêng hắn vào trong nhà bếp, đặt cạnh đống lửa. Mùi hắn bốc lên khăn khẳn rất nặng, và tôi đã ọe ra những gì còn sót lại trong bụng. Hắn nằm ngay đuột, tay bắt chuồn chuồn, miệng ú ớ, mắt trợn ngược. Tôi tháo cái võng ka-ki của hắn, thì ra hắn đã bĩnh cả vào võng và tình thế buộc tôi phải ra suối gột sạch. Tôi hơ lửa khô cái võng, gấp lại, gối lên đầu cho hắn dễ thở. Tới giờ tôi vẫn nhớ cái cảm giác ghê rợn khi bàn tay tôi chạm vào cái sọ toàn xương của hắn. Cái gì đã làm hắn gầy đi nhanh đến chừng này? Toàn thân lạnh toát, hắn không còn chút sinh khí. Tôi mài mấy viên thuốc ký-ninh rồi đổ cho hắn. Tôi chưa hề có chút kinh nghiệm nào về căn bệnh sốt rét ác tính đáng sợ này, mặc dù suốt cuộc hành quân vào Nam, lúc nào cũng nghe nói về nó. Té ra hắn đã bị ủ bệnh từ lâu và đêm nay chính là đêm kịch phát. Mấy viên thuốc ký-ninh muộn mằn của Bin cho tôi, không giúp gì được hắn. Trời vừa he hé sáng thì hắn ưỡn người lên, toàn thân co giật. Tôi và Bin mỗi đứa một bên, cố giữ cho hắn nằm im để anh Yơng đổ nước cháo vào miệng. Hắn thậm chí không kịp nuốt tí cháo nào. Trước khi chết, tôi thấy hắn lắc lắc đầu. Tôi và Bin không giữ tay chân hắn nữa. Chừng như hắn có tỉnh lại một vài giây, đưa được cánh tay bằng toàn bộ sức lực còn lại chấm lên trán. Rồi buông xuôi. Tôi quỳ xuống vuốt mắt cho Kon-Lơ, một cử chỉ chưa hề được ai chỉ bảo.