Tuy cùng lứa nhưng khi chúng tôi còn nhấp nháp vị ngọt tình yêu trong tưởng tượng thì Quang đã có “nửa kia” của đời mình. Đó là Dung, sinh viên năm thứ hai đại học kinh tế. Cô bé tóc dài, mắt to, thấm đẫm hương đồng gió nội ấy đã hút khá nhiều thời gian, tâm trí của bạn tôi. Nói yêu là khổ e làm nhụt chí những người đang mon men trên đường tình nhưng với Quang quả đúng thế.
Khi đất trời còn nhá nhem sáng tối, chiếc đồng hồ báo thức hình con thỏ ngồi thu lu trên đầu giường Quang đã réo vang. Cậu ta lật đật thức giấc, làm một cuốc xe ôm miễn phí đưa nàng tới trường. Lắm hôm cuộn mình trong chăn, nhìn bạn ra đi trong gió mưa tê tái, tôi vừa ái ngại vừa một lần nữa thấy sức mạnh kinh khủng của ái tình. Quang sớm bộc lộ tư chất người chồng tương lai chu đáo khi thiết kế cho nàng từ ổ cắm điện trên đầu giường đến hàng móc phơi quần áo, từ giá sách đến cái bàn học kê vừa khít trong căn phòng thuê chung chật đến ngộp thở. Sắm dần từng thứ một, đến cuối năm học thứ hai của Dung, kẻ say tình có tên là Quang đã trang bị cho nàng từ quạt điện đến đèn bàn, từ xe đạp đến cái cassette Walkman nhỏ xíu có phôn cắm vào tai để nghe nhạc và học tiếng Anh. Quang bao luôn cho nàng cả những khoản lệ phí thi lại, tức “tiền ngu” - như lời những kẻ đứng sau quỷ và ma vẫn nói. Ngoài những lúc đi làm, thời gian còn lại anh dành cho trọn cho nàng; tất nhiên thứ bảy, chủ nhật là ngày của hai người. Nhưng chàng vẫn rên rỉ “gặp nhau lần nào cũng vội”, nghe mà thê thảm. Chưa chi chàng đã lên kế hoạch, vạch từng giai đoạn để tiến tới ngày “đưa nàng về dinh”. Bởi thế khi nghe ai đó buông lời vu vơ “ công anh bắt tép nuôi cò...”, Quang đã trợn mắt, đỏ mặt. Tôi thì ngây thơ nghĩ đôi này phải dính nhau, trời gầm cũng không rời ra được.
Ra trường, Dung bay thẳng; nghe nói cô xuôi về phương Nam; tìm được việc làm ở thành phố to nhất nước. Đi qua trường đại học bằng cánh cửa hẹp bởi thường thiếu môn nọ, nợ môn kia nhưng đường vào đời của Dung thênh thang lắm. Chẳng biết với sắc đẹp làm đàn ông mê mẩn, đàn bà ghen ghét có giúp gì để Dung có được quyền nhiều bạn trẻ thèm muốn: thoải mái chọn việc. Cứ thế nàng nhìn lên, đi tới; để mặc bạn tôi ngẩn ngơ, buồn nhớ. Sự cách trở giữa hai người đã góp phần làm tăng doanh thu của ngành bưu chính viễn thông. Máy điện thoại nào của xí nghiệp cũng có hộp gỗ, ổ khóa, dễ gì “dĩ công vi tư” nên Quang đành ra bưu điện công cộng. Nói mất tiền nhưng hình như cầm được ống nghe là Quang quên luôn điều đó. Có lần tôi ngồi đợi, nhâm nhi ly cà phê và “bắn” liền hai điếu thuốc, Quang vẫn chưa xong cuộc gọi. Tôi cáu, nhưng nhìn khuôn mặt rạng rỡ của bạn, lại thấy thương. Những lần đi theo Quang sau đó, tôi chẳng phải chờ lâu và cũng không còn thấy bạn hớn hở đi ra từ bưu điện bởi chàng không gặp được nàng. Điệp khúc ấy dài dài lặp lại. Qua những người quen làm gần chỗ Dung, Quang kiểm tra “chéo” và tròn mắt nhận ra: nàng đã đổi lòng. Kẻ đánh bạt hình ảnh Quang trong tim nàng là một người nước ngoài cùng làm trong liên doanh với Dung. Bạn tôi ngơ ngác buồn, nhuệ khí đàn ông vơi đi thấy rõ. Tụi tôi xúm vào, những mong giúp Quang lấy lại thăng bằng: “Đã tắt lửa lòng thì giải tán, chèo kéo làm gì”; “phải xóa con người vô tình ấy khỏi bộ nhớ ngay!”; “Kẻ không yêu bằng trái tim ấy có đáng để cậu nhớ?!”. Quang thu mình, lặng lẽ niêm phong những dữ dội của nỗi đau riêng. Như con chim từng trúng tên, bạn tôi đâm sợ cả làn cây cong và từ đây anh dần mất những thứ không đong đếm được. Tuổi ba mươi, chúng tôi lần lượt trao cho nhau thiệp hồng. Đã xa rồi những tháng ngày tự do với dọc ngang muôn nẻo đi về, giờ đây chúng tôi lo vun vén cho tổ ấm của mình. Đã xếp lại trong tâm trí chúng tôi những chiều đá banh đến quên cơm, những tối tụm lại đàn hát thông tầm đến gà gáy rồi những lần giao lưu, những chuyến picnic, thay vào đó là nỗi lo cơm áo thường ngày. Duy có Quang vẫn kiên trì “độc hành” một cách cố ý. Đàn hát một mình cũng nhạt, càng không thể một mình đá banh, chơi bài, thỉnh thoảng Quang ghé nhà tôi. Thấy Quang ôm thằng bé nhà tôi hôn hít, tôi bảo: “Cưới vợ đi”. Quang nhếch mép: “Rách như người tiền sử, có ma nó ưng?!”. “Nói như cậu, người nghèo ở ế cả?”. Tôi định chuyển đề tài thì cậu ta tuôn ra một tràng, chất chồng những chuyện tình oái ăm thời mở cửa. Thời nay, theo Quang, sự thổn thức của trái tim gắn liền với tiếng sột soạt của túi tiền. Đấy, một dạo là mốt Việt kiều, xấu đẹp không cần, già trẻ chẳng sao, các em cứ nhào vô như đi phá kho thóc của Nhật. Giờ thì khối em xếp hàng, nhăm nhăm xây mộng vàng với cả những thằng gù, chột, đui, thọt người ngoại quốc. Vì tình yêu chắc? Tôi cắt lời Quang: “Mày bị loạn thị rồi!”. Nhìn Quang cười cười, vẻ khinh bạc, tôi bực: “Đừng nhìn đời méo mó giống thầy bói xem voi thế”. Bạn tôi mắc chứng bi quan về phái đẹp từ đó. Với vẻ cao ngạo cùng cõi lòng u ám, chẳng biết đến bao giờ Quang mới tìm được bến đậu bình yên cho đời mình?
Hai năm sau ngày Dung xa bay, Quang lại có người yêu. Như người đang say, kẻ đang yêu không giấu được bao giờ nhưng lần này Quang có vẻ chừng mực hơn. Chẳng hiểu bằng cách nào mà Hạnh-cô nhân viên của một trường tiểu học nọ đã làm tan băng trong lòng bạn tôi. Nếu trước đây chàng say tình đến quên mình thì lần này chàng nặng về chăm chút cho bản thân. Đầu tiên là cuộc chỉnh trang về y phục. Xưa rồi những bộ đồ “si đa” với giá hạ bất ngờ, giờ chàng dùng toàn của gin, đập hộp hoặc những bộ cánh có số đo chính chủ được thửa từ những tiệm may nổi tiếng trong thành phố.
Cả con 81 với kim vàng giọt lệ, một thời làm bao người xuýt xoa mơ ước, giờ Quang cũng định thay. Tôi bảo: “Chỉ tại ống pô bể nên tiếng máy nó pạch pạch như xe công nông nhưng mông má lại, dùng tốt chán”. Quang lắc đầu. “Thế cậu định mua xe gì?”. “Tất nhiên là phiu-chờ”. Tôi ngớ người, hỏi dồn, tâm điểm vẫn là khoản “ đầu tiên”. Quang cười cười, giọng đầy tự tin: “Đã có cách”. Cách nào để chàng công nhân bậc thấp, mỗi tháng chỉ có việc làm mươi lăm ngày, thường xuyên bị quản lý nhà bếp nhắc nhở vì chậm nộp tiền ăn trong bỗng chốc xoay ra gần ba chục triệu đồng? Chẳng phải đợi lâu, ngay hôm sau tôi biết cái cách để có tiền của Quang khi anh phó giám đốc xí nghiệp gặp Quang, hỏi: “Cậu định làm gì mà nhờ xí nghiệp bảo lãnh để vay vốn xóa đói giảm nghèo?”. Quang ngớ người, mặt nghệch ra, miệng ú ớ. Rồi cậu cũng tìm được lý do khiến người lãnh đạo dễ thông cảm nhất: “Xí nghiệp ít việc, em cũng cần vốn để làm thêm chớ”. Anh phó giám đốc nghiêm khắc cảnh báo: “Trồng cây gì, nuôi con gì thì tùy cậu nhưng nuôi con bồ coi chừng có ngày mất vốn, ngân hàng không để cho yên đâu!”. Thế là khác với chúng tôi, người vay vốn để đóng chuồng nuôi chim cút hoặc gà công nghiệp, kẻ mở quầy tạp hóa hoặc mua tủ đá bán kem, Quang vay vốn để đầu tư cho “tương lai”. Chẳng rõ khi có thêm những trang bị mới, Quang có đẹp lên trong mắt nàng không nhưng tháng tháng anh phải đóng cho ngân hàng mấy trăm ngàn tiền lãi.
Để giải quyết khâu oai, Quang còn nghĩ ra những trò thoạt nghe tưởng bịa. Một sáng, tôi loáng thoáng nghe anh trưởng phòng tổ chức cự nự Quang, giọng hơi bực nhưng cố nén lại, ý chừng chỉ muốn gói gọn trong nội bộ hai người. Nắm được một đầu dây, cứ thế tôi lần tới và phát hiện ra câu chuyện bi hài, đáng kể lại cho các bạn. Số là mỗi lần đi với Hạnh, Quang đều mượn điện thoại di động của anh trưởng phòng tổ chức cầm theo. Quang “xi-nhan” trước với ai đó, cứ canh me đúng tầm chàng và nàng đang ngồi với nhau thì phôn tới. Tất nhiên chỉ cần nghe tiếng nhạc ò e của máy là đủ nhưng khổ nỗi do chưa được huấn luyện kỹ nên thay vì bấm nút đỏ-từ chối, Quang quýnh quáng bấm búa xua. Rút kinh nghiệm, những lần sau có tín hiệu gọi tới, Quang tranh thủ lên giọng sếp “chỉ đạo” hơi dài thành ra tốn tiền vô ích. Nhìn mấy cậu trong xí nghiệp diễn lại kiểu cách Quang nghe điện thoại khi bên người yêu, tôi không nhịn được cười, cười nhưng không thể vui được.
Với lý do giới thiệu Hạnh, Quang mời năm chúng tôi- những bạn thân cùng xí nghiệp đi ăn quán đúng vào ngày Tình yêu. Cái quán ăn bồng bềnh trên mặt sông ấy đẹp từ những bức thư họa treo tường đến hòn non bộ có tiếng nước róc rách đặt ngay lối vào và đến cả những người phục vụ nữa. Đã mấy lần cạn ly nhưng tôi vẫn chưa có được cảm giác tự nhiên khi nhìn tất cả quanh mình đều lộng lẫy và sang trọng. Với túi tiền teo tóp, tôi chưa một lần đến những nơi như thế. Tất nhiên giá cả cũng phải tương xứng với sự đẹp đẽ và sang trọng đó. Các bạn đừng cười khi nghe điều này, nếu người ta tính tiền trước, có lẽ tôi chẳng dám đụng đũa vào thức ăn và hẳn sẽ run tay khi nâng ly. Không để ý vẻ e dè của chúng tôi, Quang liến thoắng hết tiếp thức ăn cho mọi người, lại đưa ra lý do để mời uống. Trên đường về, tôi ghé tai Quang, hỏi nhỏ: “Tiền đâu mà cậu xông xênh thế”. Quang gạt đi: “Ối dào, cứ tẹp nhẹp hoài, chị em khinh cho”. Tôi đấu dịu: “Chẳng phải ai cũng khinh sự nghèo khó. Vả lại, điều cần cho tình yêu là sự chân thật chứ không phải là những ảo ảnh, cậu ạ”. Quang im.
Tình yêu của Quang đang trên đà phát triển bỗng khựng lại như chiếc xe lên đèo hỏng máy. Lần này chúng tôi chẳng bàn góp được cho Quang bởi cậu ta kín như ruột đá. Nhưng nhìn sắc mặt chỉ hơn người đưa đám là không rơi nước mắt kia, tôi biết ngay chàng và nàng đang có chuyện không vui. Đêm đêm, thay vì cỡi xe lao theo tiếng gọi của trái tim, Quang ôm ghi -ta bập bùng cho đến khi sương giăng mờ trên hàng phượng trước sân xí nghiệp. Rồi đến lúc Quang tự nói ra sau khi đã rào một câu lỏng lẻo: “Chỉ nói riêng với cậu thôi đấy”... Chuyện bắt đầu từ khoản vay xóa đói giảm nghèo của Quang dạo nọ, giờ trở thành món nợ khó trả. Qua người bạn làm ở ngân hàng chính sách xã hội thành phố, tình cờ Hạnh biết điều đó. Rồi nàng biết thêm nhiều điều về chàng mà lâu nay nàng tưởng thật. Nàng giận đến độ lánh mặt Quang. Tôi đau hết cả người khi đọc mấy dòng cuối trong bức thư dài nàng viết cho Quang: “Em nghĩ, hành trang của tình yêu không thể có những thứ ngụy tạo. Em yêu anh đâu phải vì vẻ hào nhoáng bên ngoài bởi vậy em xót xa khi cảm thấy chính mình bị xúc phạm... Sao anh lại ít bản lĩnh đến thế, Quang ơi!?”.

Xem Tiếp: ----