1972 … Tại một đại-học miền Đông Hoa-Kỳ.
Long đến lớp trễ, nhìn quanh chỉ còn một chỗ trống ngay hàng ghế cuối cùng nên đành ngồi xuống cạnh cô gái tóc vàng. Lớp “Decision Making Analysis’ này khó nhá nên cả lớp chỉ có vài chục người, và rất ít nữ sinh viên. Giáo sư Talor già cũng nổi tiếng là hắc ám nên Long trù trừ mãi, cuối cùng cũng đành phải ghi tên theo học lớp này vì cũng gần tới ngày ra trường, và lớp này là lớp bắt buộc trong chương  trình học của Long.
Cô gái nghiêng đầu nhìn Long mỉm cuời nhưng rồi ngay lập tức chăm chú nhìn lên bảng nơi giáo sư đang viết những công thức về xác suất. Mái tóc vàng đong đưa nhè nhẹ, khuôn mặt nhìn nghiêng thanh tú, và bàn tay như những búp măng trắng xanh, thoăn thoát ghi chép trên tập vở khiến Long ngẩn ngơ nhìn.  Hình như có linh cảm cô gái quay sang mỉm cười với Long nhưng rất nhanh hất hàm về phía giáo sư như nhắc nhở. Long ngượng ngùng mở cuốn tập nhưng lúng túng không biết bắt đầu từ đâu, và tiếng giảng bài của ông già Taylor chỉ nghe như tiếng gió thoảng.
Long thở phào khi nghe giáo sư tuyên bố “10 minute break”. Cô gái cũng buông bút quay sang nhìn Long:
Chào anh, anh đến muộn. Tìm lớp khó quá hả? [1]
Chào cô. Vâng, giờ trước tôi có lớp ở toà nhà khá xa chỗ này. Cố gắng mà vẫn tới trễ.
Tên tôi là Anna, còn anh?
Long.
Long? Anh là người Trung Hoa hả?
Không, tôi người Việt Nam.
Ồ. Tôi hầu như không thấy sinh viên Việt ở trường này.
Long mỉm cười:
Bây giờ cô thấy rồi đó. Nghe giọng nói, hình như cô cũng là sinh viên ngọai quốc.
Vâng. Tôi là người Hy-Lạp.
Long nheo mắt:
Tôi hầu như không thấy sinh viên Hy-Lạp ở trường này.
Anna bật cười, lập lại câu nói của Long:
Bây giờ anh thấy rồi đó.
Ngừng một chút Anna nhìn vào tập vở của Long:
Có lẽ anh không ghi chép được đầy đủ, phải không?
Long muốn nói là tôi bận nhìn cô nên chẳng ghi được chữ nào nhưng chỉ cười trừ. Anna hỏi thêm:
Anh có muốn muợn vở của tôi không?
Long mừng rỡ
Thế thì tốt quá, nhưng …
Nhưng sao?
Long mỉm cười nói thật nhanh vì thấy ông già Taylor đã trở về chỗ ngồi:
Cô phải cho tôi mời cô một ly coffee.
Anna chỉ mỉm cười chứ không trả lời. Cô chăm chú nhìn lên bảng nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc mắt nhìn sang phía Long.
Tan lớp Long mời Anna xuống cafeteria, mua hai ly café sữa và chọn cái bàn nhỏ cạnh cửa kính ngồi chuyện trò. Long chỉ biết Hy-Lạp qua những câu chuyện thần thọai, anh nhìn Anna và hỏi cô là nữ thần trong câu chuyện nào. Anna cười e thẹn, cô kể với anh là Hy-Lạp bây giờ chỉ còn các câu truyện cổ tích, nuớc cô không còn giầu mạnh, và gia đình cô cũng không khá giả để gửi cô sang Hoa-Kỳ theo học. Anna tâm sự:
Tôi phải xin sang làm công cho một ông chú họ giầu có, để được nuôi cho ăn học nhưng ngoài giờ học tôi phải làm việc nhà.
Anna mỉm cười nói tiếp:
Cũng may là nhà ít người, công việc cũng nhẹ nhàng, tôi có nhiều thì giờ học hành, và năm tới là tôi tốt nghiệp rồi.
Long hỏi thêm:
Tốt nghiệp rồi cô có về nước không?
Tôi chưa biết, nhưng có lẽ tôi sẽ trở về. Còn anh?
Ồ, tôi phải về chứ. Tôi là quân nhân mà!
Vậy sao? Tôi không thấy anh mặc quân phục.
Chính phủ tôi gửi một số sỹ quan trẻ sang Mỹ tu nghiệp. Trong thời gian theo học tại các đại học chúng tôi được phép mặc thường phục và sinh hoạt như một sinh viên bình thường.
Bao giờ anh về nước.
Cuối năm nay. Hy vọng là tôi tốt nghiệp đúng như dự trù.
Anna mỉm cười:
Muốn vậy anh phải tới lớp đúng giờ, phải ghi chép bài giảng đầy đủ. – Anna muốn nói thêm ‘chứ đừng ngồi đó mà nhìn tôi’ nhưng rồi chỉ ngập ngừng - Nếu anh tới trễ tôi sẽ giữ chỗ cho anh.
Long nhìn vào mắt cô gái tủm tỉm cười:
Và cô ghi bài hộ tôi nữa.
Anna bật cười:
Anh đừng có lười biếng. Tôi không uống coffee của anh nữa đâu.
Thế thì ice-cream vậy nhé?
Anna nhoẻn miệng cười, không trả lời thẳng vào câu hỏi:
Anh thuộc quân chủng nào, cấp bậc gì?
Tôi là Trung Úy của Hải Quân Việt Nam.
Ah, Navy. - Mắt Anna mơ màng – Như thế một ngày nào tàu anh sẽ ghé thăm nước tôi. Tôi đã nhìn thấy nhiều tàu chiến của Mỹ ghé vào hải cảng của Hy Lạp.
Long thở dài:
Hải Quân của chúng tôi bé nhỏ lắm. Chúng tôi lại còn đang trong thời chiến. Chắc khó mà có dịp qua tới Âu Châu. Tôi vẫn ước mong có ngày nào trong đời được ghé thăm Hy Lạp, nhưng có lẽ đó chỉ là ước mơ.
Anna cũng nhẹ thở dài:
Chiến tranh tại nước anh chắc là khốc liệt lắm?
Long nhẹ gật đầu, mắt thoáng buồn:
Vâng khốc liệt lắm. Bạn bè tôi bỏ mình cũng nhiều. Tôi được may mắn gửi đi du học nhưng trong lòng lúc nào băn khoăn, mong một ngày về.
Anna mở to mắt nhìn Long:
Anh không sợ sao?
Long lắc đầu:
Thanh niên chúng tôi không có lựa chọn. Tôi cũng đã phục vụ trên chiến hạm vài năm trước khi được tuyển chọn đi du học. Khi trở về, vơí kiến thức mới, có lẽ tôi sẽ được phục vụ trên bờ, hay thuyên chuyển tới một trường đào tạo sỹ quan làm giảng viên.
Anna nhìn Long trầm ngâm:
Tôi nghe nói VN đẹp lắm. Tôi cũng mong một ngày nào tôi được thăm đất nuớc anh.
Long mỉm cười:
Vâng đất nước tôi đẹp vô cùng, ngày nào hết chiến tranh mời Anna qua thăm. Tôi sẽ chờ.
Anh hứa nhé. Nhưng thôi, bây giờ tôi phải về. Hôm nay anh còn lớp nữa không?
Tôi còn một lớp nữa. Buổi tối tôi còn phải học chung với một nhóm bạn Mỹ ở thư-viện.
Vậy chào anh nhé. Mai mình gặp lại. Tôi sẽ giữ chỗ cho anh.
Vâng, cám ơn Anna. Mai mình gặp lại.
Long đứng lên nhìn theo bóng Anna khuất dần ở cuối đường dẫn ra bãi đậu xe thấy lòng bâng khuâng.  Mái tóc Anna cũng bồng bềnh,  đôi mắt cũng trong như gương, và giọng nói cũng nhỏ nhẹ như Uyển, người yêu ở quê nhà xa cách. Hơn hai năm rồi không gặp, thư từ qua lại tháng một hai lần, Long vẫn dạt dào thương nhớ. Thế nhưng giờ này Uyển đang làm gì nhỉ, ngồi trong quán café gần trường Văn-Khoa nghe nhạc với bạn bè hay thả bộ trên đường Bonard, và có nhớ tới Long như chưa từng nhớ bao giờ?
o0o
Dần dần như một thói quen Anna bao giờ cũng tới lớp rất sớm, chọn hàng ghế cuối lớp và đặt một cuốn sách lên chiếc ghế bên cạnh để dành chỗ cho Long. Long cũng đã quen đường đi nuớc bước nên thường là tới đúng giờ, chỉ những khi lớp trước kéo dài bất thường Long mới phải vừa chạy vừa thở, len lén vào chỗ ngồi cuối lớp, tránh cái nhìn khe khắt của vị giáo sư già, và để thấy Anna nheo mũi mỉm cười.  Anna ghi bài giảng nhanh hơn Long vì trình độ Anh Ngữ của Anna cao hơn. Long vẫn phải nghiêng đầu nhìn sang tập vở Anna mỗi khi thiếu xót vài chữ không nghe kịp, nghiêng đầu để chạm vào mái tóc vàng óng ánh, thoảng mùi thơm làm Long ngất ngây. Anna hình như cũng biết là Long cố ý nhưng chỉ mỉm cười.
Cũng như một thói quen, ra khỏi lớp hai người đều đến thư-viện ngồi học chung. Long khá về toán và probability hơn Anna nên bài tập Long làm nhanh hơn và thường giảng giải thêm cho Anna, để được Anna mỉm cưới cám ơn, và đôi khi thêm một cái hôn nhẹ trên má. Có lần Long làm Anna ngạc nhiên:
Tại sao anh có thể nhớ được những phương trình rắc rối, không cần mở sách tra cứu mà vẫn viết đúng!
Long cười sòa:
Tại nền giáo dục của VN. Cái gì chúng tôi cũng phải học thuộc lòng. Không có chuyện thi-cử mà được mở sách như ở bên đây.
Anna lè luỡi:
Tôi xin chịu thua.
Long mỉm cười:
Có nhiều cái tôi cũng không nhớ được. Như sinh nhật của Anna chẳng hạn. Cô nói lại cho tôi lần nữa coi.
Anna ngạc nhiên:
Tôi có nói cho anh biết ngày sinh của tôi bao giờ đâu.
Thế hả? Tôi cũng không nhớ là cô có nói hay không.
Anna bật cười:
Anh muốn biết sinh nhật của tôi sao không hỏi, việc gì phải ‘trick’ tôi. Anh chìa tay ra đây.
Cô muốn đánh lên bàn tay tôi như ba tôi thường làm khi tôi còn bé vì tôi hay nghịch ngợm, phải không?
Anna lắc đầu, cầm cây viết Bic viết một hàng số trong lòng bàn tay Long. Long cười lớn làm Anna phải đưa ngón tay chỏ lên môi ra dấu cho Long biết là hai người đang ngồi trong thư viện. Long ghé sát vào tai Anna thì thầm:
Tôi tuổi Bảo-Bình, Anna tuổi Song Ngư. Hai tuổi này hợp nhau.
Anna mở to mắt nhìn Long:
Sao anh biết?
Tôi … đoán thế.
Anna bật cười khúc khích:
You’re such a liar! (Anh xạo với em). [2]
Giọng Long trìu mến:
Vài tuần nữa là sinh nhật của em. Anh tới đón Anna đi ăn tối nhé.
Anna nhìn Long ngần ngại:
Em không muốn anh tốn tiền. Chúng mình còn đang đi học mà.
Đừng lo. Anh được chính phủ Mỹ trợ cấp đầy đủ khi đang theo học. Với lại anh muốn đưa em vào Câu Lạc Bộ Sỹ Quan. Nơi đó lịch sự lắm và không tốn kém nhiều. Em bằng lòng nhé?
Anna nhè nhẹ gật đầu, đưa tay nắm tay Long:
Cám ơn anh. Ngày sinh nhật năm nay chắc là  em sẽ vui vô cùng. Còn anh, sao anh không cho em biết sinh nhật của anh.
Long lục ví, móc thẻ quân nhân của mình đưa cho Anna:
Em xem đây. Anh già hơn em nhiều.
Anna chăm chú nhìn tấm thẻ sỹ-quan:
Em không đọc được chữ Việt, nhưng em cũng đoán được ngày sinh của anh rồi. Mà anh xem này, hình này không giống anh lắm.
Long bật cười:
Xấu trai lắm phải không? Anh phải giết cha chụp hình!
Anna nói nhỏ vào tai Long:
Em vẫn thấy đẹp trai như thường.
Long cũng mỉm cười nói nhỏ vào tai Anna:
Còn em, em là con của nữ thần Hy-Lạp nào? Nói cho anh biết để anh còn tôn thờ.
Anna như muốn dựa vào vai Long:
Em chỉ là con nhà bình dân. Anh có còn muốn làm bạn với em không?
Long mỉm cười, hôn nhẹ lên má Anna và không trả lời.
Có những buổi chiều hai người ngồi với nhau thật lâu, Anna quên cả giờ về, đến khi nhớ ra cuống quít chạy ra xe sau khi hờn dỗi trách móc Long. Mỗi lần như thế lòng Long lại như chùng xuống. Anna bé nhỏ và dịu dàng, lúc nào cũng tươi vui thân thiết như thể hai người đã là bạn từ lâu lắm. Thư của Uyển càng ngày thàng thưa, gần tháng nay mới gửi cho Long được vài dòng, nói vẫn yêu anh nhưng bận học thi nên anh đừng buồn. Long thở dài không biết mình nghĩ sao. Anna  như con chim nhỏ trên cành, Uyển như mây trời lãng đãng. Chim sẽ bay về đâu, mây sẽ trôi hướng nào, và Long, con nước nào sẽ đưa Long đến góc biển chân trời?
o0o
Long bấm chuông và cánh cửa được mở liền như thế là Anna đứng đó chờ Long đã lâu. Buổi tối mùa thu trời trong và mát, Anna mặc bộ váy mầu vàng nhạt, cổ áo xẻ sâu khoe bộ ngực nhỏ nhưng tròn và đầy đặn. Cô nghiêng đầu cười với Long:
Anh đâu cần phải mặc ‘coat and tie’. Sinh nhật của Anna chứ đâu có gì quan trọng.
Long nắm tay Anna, kéo cô lại gần mình và hôn nhẹ lên má:
Happy birthday, Anna. – Anh trao cho Anna một gói quà nhỏ - Đây là cuốn sách về VN. Mong là em biết thêm về xứ sở của anh. Áo em đẹp quá, còn anh, anh phải mặc ‘coat and tie’ hay quân phục mới được vào câu lạc bộ của sỹ-quan.
Anna khoác tay Long đi ra xe, vừa nói vừa cười:
Cám ơn anh cho em quà. Sao anh không mặc quân phục. Em muốn thấy anh oai phong tới bậc nào!
Long cuời nhẹ:
Em đợi đến ngày anh tốt nghiệp. Sẽ có party của đơn vị Hải Quân Mỹ tại trường đại học này,và mọi người sẽ đều mặc lễ phục.
Anh sẽ mời em tới dự chứ?
Long nhìn vào mắt Anna:
Lẽ dĩ nhiên. Ngoài em anh đâu cớ thân nhân và bạn bè thân thiết ở đây!
Anna ngã đầu chạm nhẹ trên vai Long như thầm cám ơn. Trời không lạnh lắm nhưng Long như cảm thấy hơi ấm từ thân hình Anna.
Thấy decal sỹ-quan dán trên cản xe người lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ gác cổng đứng nghiêm giơ tay chào và ra hiệu cho xe Long vào khu căn cứ Hải Quân. Anna nghiêng đầu hỏi:
Anh ở trong này hả?
Long lắc đầu:
Không. Anh ở trong domitory của trường, chỗ dành riêng cho các Sỹ Quan Hải Quân Mỹ theo học văn hóa.
Anna thắc mắc, nữa đuà nửa thật:
Em vào được không?
Đươc chứ. Mọi người đều có phòng riêng và được tự do. Anh cũng có đặc quyền vào căn cứ này mua sắm hàng miễn thuế và dùng bữa tại câu lạc bộ sỹ quan.
Ngày giữa tuần nên câu lạc bộ không mấy đông. Phòng ăn tối mờ, nhạc êm dịu như từ một cõi xa xôi. Người steward mặc quân phục trắng tinh lễ phép đưa Long và Anna tới một bàn nhỏ, trao cho hai người tấm thực đơn bọc da dầy trước khi bỏ đi. Long nhìn Anna:
Em thích gì nào?
Anna lắc đầu, đẩy tấm thực đơn về phiá Long:
Anh oder cho em. Em ăn gì cũng được. Khung cảnh nơi này trang trọng quá. Cám ơn anh.
Long mỉm cười với tay nắm bàn tay Anna đang để trên bàn;
Tất cả cho ngày của em.
Người steward trở lại. Long order hai ly rượu vang và thức ăn cho cả hai người. Anna dịu dàng ngồi yên lặng nghe Long nói về đời Hải Quân, về những xa cách của những người yêu nhau, lâu lâu mới được gặp mặt một lần, chỉ đến khi rượu được mang ra  Long mới ngừng, chạm ly với Anna chúc mừng sinh nhật. Anna hình như rất xúc động, nhìn Long nói khẽ:
Cám ơn anh, cám ơn anh rất nhiều.
Nhìn Anna ăn những miếng nhỏ nhẹ Long chợt thấy thoáng buồn nhớ tới Uyển. Cũng giáng ngồi như thế, cũng bàn tay thỉnh thoảng đưa lên vén mái tóc xõa, cũng con mắt nhìn tin cậy và cũng nụ cười vu vơ. Bây giờ em ở đâu, có còn nhớ tới anh hay là ngày tháng đã phôi pha cuộc tình?
Có một cặp thực khách trẻ đang ôm nhau ngoài sàn nhảy. Long nhìn Anna nói thầm:
Em có muốn khiêu vũ với anh không?
Anna gật đầu đứng lên mỉm cười:
Chắc là anh nhảy giỏi lắm.
Long cũng mỉm cười, lắc đầu:
Trái lại, rất tồi. Nếu anh có dẵm lên chân em, làm em đau, em đừng la to cho mọi người biết nhé.
Anna chỉ yên lặng dựa đầu trên vai Long, bước những bước chân rất nhỏ. Còn Long, anh thấy mình bồng bềnh như đang ở con tàu ngày cũ, mái tóc Anna thơm nhẹ như cơn gió biển những chiều hoàng hôn. Long thì thầm:
You are so beautiful.
Anna không nói chỉ dụi nhẹ đầu vào ngực Long.
Khi hai người ra khỏi phòng ăn trời đã tối hẳn. Long quàng tay qua lưng Anna, cùng nhau đi ra chỗ đậu xe. Anna ngước nhìn lên trời, bầu trời đầy những ngôi sao long lanh, tiếng Anna nghe mơ hồ:
Ở VN anh có nhìn thấy những ngôi sao mà em đang thấy không?
Long không nhìn lên trời, anh nhìn sâu vào mắt Anna, đôi mắt cũng long lanh như hai vì sao, và anh không thể cầm lòng, xiết nhẹ thân hình nhỏ bé và hôn lên đôi môi hồng. Anna như ngộp thở, cô vòng tay ôm cổ Long, kiễng chân cho hai cặp môi không dời nhau. Lâu lắm mới nghe Long nói nhỏ:
Anna, em thật là đáng yêu.
Tiếng Anna thật là thiết tha:
Long, anh đưa em về chỗ anh đi.
o0o
Long vui vì sắp đến ngày về, sắp đạt được một thành quả về học vấn, và sắp gặp lại Uyển. Thư của Uyển vẫn thưa thớt, và Long nghĩ dù sao cũng cần gặp nhau, để rồi xem có còn yêu nhau như những ngày đầu. Long cũng buồn, và đôi chút xót xa, khi nghĩ đến ngày chia tay với Anna. Tình cảm của Anna thì đã rất rõ ràng, riêng Long, Long cũng nghĩ là mình yêu Anna, nhưng … làm sao bây giờ?
Tối qua thứ Bảy, Anna đến và bây giờ còn ngủ lại trên giường. Nhìn khuôn mặt ngây thơ và thân hình gợi cảm của Anna cuộn tròn trong tấm khăn trải giường mỏng manh Long nhẹ thở dài. Mấy hôm trước đây Anna đã khóc đến mềm người lần đầu tiên Long nhắc tới ngày phải chia tay. Anna gục đầu vào ngực Long mà nức nở:
Tại sao anh không cho em về VN với anh? Em yêu anh và không muốn xa anh mà.
Vừa vuốt mái tóc mềm của Anna Long vừa thì thầm:
Em biết là không được mà. Ở đây anh được trợ cấp và sống đầy đủ như một sỹ quan Mỹ, nhưng khi về lại VN anh sẽ không biết phải làm sao. Đang có chiến tranh, quốc gia anh lại nghèo, lương anh một mình còn không đủ sống, không có cả chỗ ở, phải nương tưạ cha mẹ trong một căn nhà đông đúc. Anh làm sao lo cho em được nếu em về với anh.
Anna vẫn không ngừng khóc:
Em không cần anh lo cho em. Em sẽ tự lo liệu lấy, em sẽ đi làm, và em sẽ chăm sóc cho anh suốt đời.
Long thở dài:
Không dễ dàng như em nghĩ đâu. VN với em là nơi xa lạ, em không có thân nhân và người quen, trừ anh. Còn anh, chắc gì đã luôn luôn được ở bên em. Nếu anh lại phải đi công tác xa, em sẽ thật là bơ vơ, ai sẽ chăm sóc em, và anh để em sống thế sao đành. 
Anna vẫn gục đầu trên ngực Long khóc ngất, nhưng rồi những cơn nức nở cũng dịu dần, bỗng nhiên Anna ngước mặt nhìn Long, mắt mở lớn:
Hay là anh ở lại Mỹ. Chúng mình sẽ không phải xa nhau!
Long hôn nhẹ lên môi Anna;
Không được em ạ. Anh sẽ thành người đào ngũ, và là kẻ sống bất hợp pháp ở đất nước này.
Ngừng một lát Long nói thêm:
Anh cũng còn gia đình, còn bạn bè và anh em đồng ngũ ở bên đó. Nếu ở lại đây anh sẽ là người vừa hèn nhát vừa ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân, quên đồng đội, quên gia đình, quên tổ quốc. Anh làm thế sao đành. Em biết không, năm ngoái một đàn anh mà anh từng tôn thờ, sau khi tốt nghiệp cao học tại Naval Post Graduate School, California đã trốn sang Canada. Có thể anh ấy có lý do riêng để hành động như vậy, nhưng khi nghe tin anh đã khóc âm thầm. Anh rất yêu VN, dù cho có chiến tranh, có nghèo nàn, có tham nhũng, nhưng dù sao cũng là đất nuớc mình. Em có yêu Hy-Lạp như là anh yêu VN không?
Anna không nói, lại bật khóc nức nở gục đầu vào ngực Long. Long cũng lặng yên vuốt tóc Anna, thở dài, lâu lâu cúi xuống hôn nhẹ lên vầng trán Anna. Hai người đứng như thế trong bóng chiều nhạt nhoà đang lan dần qua cửa sổ. Long không cầm được lòng, một giọt nước mắt ứa ra, lăn trên má rớt xuống trán Anna. Anna nhìn lên và cô chợt nhận thấy rằng tình yêu không trọn vẹn của mình không thể quí hơn giọt nước mắt của người đàn ông. Cô thì thầm:
Anh yêu, anh đừng buồn nữa. Em sẽ không bao giờ làm anh buồn vì em nữa. Em rất yêu anh. Chúng mình vẫn còn mấy tháng với nhau.
Từ buổi tối đó Anna đã không còn giữ gìn, cô đến sống vơi Long hầu như hàng đêm, cho đến ngày Long phải lên đường về nước. Hôm chia tay Anna rất bình tĩnh nhưng Long biết là cô đã khóc suốt đêm qua. Mắt Anna thâm quầng nhưng môi cô vẫn nở một nụ cười. Anna không đưa Long ra phi trường, cô đứng thẫn thờ đưa tay vẫy chiếc xe có Long do Dennis lái, và khi chiếc xe khuất bóng sau một lùm cây, Anna ngã khụy, bật khóc nức nở  như chưa bao giờ Anna khóc nhiều như vậy trong đời.
o0o
2002 … California.
Long nhìn tấm thiệp mời và lá thư viết tay của Dennis, lầm bầm:
Thằng Bum lười như hủi này mang hai sao rồi.
Long thở dài, cũng đã 30 năm rồi còn gì, nếu ngày đó không ‘tan hàng’ thì không biết bây giờ mình ra sao? Biết đâu chừng cũng là Đô Đốc, hay là cũng đã giải ngũ, làm ông giáo già ở một tỉnh nhỏ đâu đó trong đất nước mình. Long mở bức thư ngắn của Dennis, đọc bằng tiếng Việt cho vợ nghe:
“Long,
Tao sắp nhận quyền chỉ huy Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân San Diego. Mày xuống dự lễ nghe. Nhiều năm không gặp, nhưng có chuyện này tao phải kể mày nghe. Dài lắm không viết trong thư được. Nhớ xuống nghe. San Jose cũng chẳng xa gì. Mong gặp mày.
Dennis, The Bum!”
Long hỏi Uyển:
Em đi không?
Uyển lắc đầu:
Thôi, lần nào anh đi gặp bạn cũng mải mê chuyện trò không rứt, bỏ em một mình lớ ngớ. Anh xuống gặp Dennis đi, nhân tiện ghé Santa Ana thăm bạn cùng khoá. 
Long gật gù:
Chắc anh phải đi. Dennis là sponsor đỡ đầu cho gia đình mình ra khỏi Camp Pendleton năm 1975. Dù sao thì chúng mình cũng nợ nó một món ân tình.
Long ngồì trên khán đài nhìn xuống, dưới đó Dennis trong bộ đại lễ mầu trắng, tay trái nắm hờ thanh kiếm đeo bên hông, chân bước những bước thật chậm theo tiếng cồng của ban nhạc, đi giữa hai hàng thủy thủ đứng nghiêm như những pho tượng thạch cao. Người lính đứng cuối hàng thổi tiếng còi chào, một nghi lễ dành cho hạm trưởng lúc ngừời chỉ huy đặt chân lên cầu tầu.  Đi hết hàng quân dàn chào Dennis quay người lại, chính thức trở thành tân chỉ huy trưởng của đơn vị, dõng dạc ra một khẩu lệnh ngắn trước khi bước lên khán đài chào đón quan khách.
Long thở dài bùi ngùi, mắt long lanh như muốn khóc. Con đường đó cũng là con đường Long lựa chọn nhưng nửa đời gẫy cánh, bơ vơ trên xứ người, nhọc nhằn vì cơm áo, quá khứ  chôn vùi, và chỉ sống dậy những phút như lúc này để mà xót xa thương thân.
Buổi tiếp tân sau đó kéo dài gần một giờ. Dennis đi loanh quanh chào hỏi mọi người, nháy mắt với Long, và khi quan khách đã ra về gần hết Dennis mới đưa Long vào văn phòng riêng của mình. Hai người ngồi đối diện trên hai chiếc ghế bành bằng da đặt cạnh chiếc bàn giấy khổng lồ. Long mở lời trước:
Chúc mừng mày.
Demnnis đưa tay che miệng ngáp:
Dammed tired! Mày dạo này ra sao?
Same shit! Tao vẫn làm việc cho Sun MicroSystems.
Vợ chồng tao muốn mời mày ăn cơm tối, nhưng mày phải ra về ngay chiều nay. Thôi được, uống với tao một ly rồi tao nói chuyện này cho mày nghe.
Dennis với tay cầm ly whiskey trên bàn, nốc một hơi cạn rồi mới khề khà cứ như xưa khi cả hai người còn đang học trong trường:
Năm ngoái khi còn là Đại Tá hạm-trưởng của một chiếc tuần dương hạm của Đệ Lục Hạm Đội, hải đoàn của tao có ghé thăm xã-giao Hy-Lạp. Vị chỉ huy trưởng hạm đội mở tiệc tiếp tân, và tao đã gặp một sỹ quan hải quân Hy-Lạp với bà vợ thật đẹp nói tiếng Anh lưu loát. Bà ta hỏi tao có nhớ bà tao không, tao ngớ người không biết đã gặp bà ta ở nơi nào nên đành xin lỗi. Ông chồng vui vẻ giải thích: “Chắc ông đã quên nhưng Anna, vợ tôi, có một trí nhớ phi thường. Anna thấy ông là đã nhận ra bạn học cùng trường cũ.”
Dennis tạm ngừng, xoay chiếc ly không trên tay:
Chắc mày đã biết là tao gặp lại ai rồi, phải không?
Long như nghẹn lời:
Anna phải không? Bây giờ cô ấy ra sao?
Dennis thở dài:
Anna xin phép chồng đi dạo với tao ngoài vườn hoa để nói chuyện cũ. Câu đầu tiên bà ta hỏi là tao có biết mày bây giờ ở đâu không. Tao nói: “Biết chứ. Tôi là sponsor của gia đình nó khi vợ chồng Long và đứa con gái nhỏ tới Camp Pendleton vào năm 1975.” Anna đưa tay chặn ngực “Cám ơn trời! Khi Sài-Gòn thất thủ ngày nào tôi cũng cầu nguyện cho anh ấy được an toàn. Chúa đã nghe lời cầu xin của tôi.” Tao thấy mắt Ana long lanh như muốn khóc. Lâu lắm bà ta mới hỏi thêm: “Anh ấy có bao giờ nhắc tới tôi không?” Thực tình thì tao đếch biết là mày có bao giờ nhắc đến Anna không nhưng tao vẫn gật đầu lia lịa: “Có chứ. Long nhắc tới bà luôn. Chúng tôi gặp nhau thường mà!”
Long cười buồn:
Mày cũng không sai mấy. Tao không nhắc tới cô ấy nhưng cũng không bao giờ quên.
Dennis nhè nhẹ lắc đầu:
Tội nghiệp người đàn bà! Tao thấy bà ta có vẻ vui hỏi xin tao có địa chỉ của mày. Tao nói không mang theo, để khi về Mỹ sẽ gửi sang. Bà ta thẫn thờ nhìn lên những ngôi sao trên trời rồi nói thật buồn: “Mà thôi. Mỗi người đã có một đời sống riêng. Mong là anh ấy được hạnh phúc.” Mày biết không, tao chửi thầm mày, và thương Anna quá chừng”.
Long thở dài:
Ước gì mày xin lỗi Anna dùm tao. Anna có hạnh phúc không?
Làm sao tao biết. Nhưng tao nghĩ là gia đình bà ta rất êm đềm. Trở lại phòng tiếp tân tao có nói chuyện thêm với cả hai vợ chồng. Ông chồng khoe có hai đứa con đã trưởng thành. Nói đứa con đầu đã gần 30 tuổi.  Tao nghĩ tới thời gian chúng mình học chung nên hơi ngỡ ngàng, đưa mắt nhìn bà ta. Anna đưa mắt nhìn lại, đôi mắt buồn thăm thẳm và như có trăm ngàn điều gửi gấm!
Long thẫn thờ:
Chẳng nhẽ …
Tao không rõ. Ông chồng nói gần 30 nhưng điều đó cũng có thể là 27 hoặc 28! Bố ai biết được.  Mày lo nghĩ làm đếch gì!
Long buồn rầu:
Không, tao chỉ thương Anna thôi.
Muộn rồi ‘con’ ạ.
Ừ, muộn rồi …
Long chào Dennis ra về lòng buồn man mác, vừa lái xe vừa  nghĩ thầm, ngày đó Anna rất thích mình mặc bộ đồ trắng Hải Quân, bây giờ ở phương trời xa đó em đã lấy người mang cùng màu áo.  Mong là em hạnh phúc. Có bao nhiêu con đường cho chúng ta chọn nhưng rồi chúng ta vẫn phải xuôi theo dòng đời. Anna ơi, cho anh xin lỗi em thêm một lần.
Trần Quang Thiệu
July-2007
Chú thích:
[1] Tác giả xin phép viết những câu đối thọai bằng tiếng Việt thay vì tiếng Anh.
[2]  Từ đây tác gỉa xin được dùng ‘anh’ và ‘em’ để diễn tả đối thoại của Long và Anna.

Xem Tiếp: ----