Kết thúc cuộc hội thảo do Viện hàn lâm khoa học châu Âu tổ chức tại Pari, kinh đô hoa lệ, với đề tài đang là cơn sốt trong giới khoa học ;  “ Robot trong ứng dụng công nghệ mới “, giáo sư – tiến sỹ Lê Bá Học lịch sự  từ chối lời mời của ông chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Nga, Vladimir Jubov  sang tham quan thủ đô Moscow một chuyến, mà vội vã lấy vé máy bay về nước bởi ông linh cảm chuyện chẳng lành. Đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, không thấy vợ ra đón như đã hẹn, giáo sư bèn gọi điện thoại về nhà. Chờ mãi, không người nhấc máy, giáo sư – tiến sỹ Lê Bá Học nóng ruột như lửa đốt. Ông  chui vội vào taxi, hối bác tài đi với tốc độ của tay đua thể thức I. Vòng vèo qua những con phố ngoằn ngoèo, đông đúc, mãi gần nửa giờ sau mới đến nơi.
Sau khi thanh toán tiền cước, giáo sư – tiến sỹ Lê Bá Học bước đi như chạy trên con đường rải sỏi dẫn đến biệt thự. Trời trong gió mát, phong cảnh hữu  tình, hoa thơm bướm lượn khiến lòng người ngây ngất như say, nếu không mang tâm trạng lo lắng, bất an, có lẽ, giáo sư đã ngâm nga mấy câu thơ của Huy Cận. Nhìn thấy cánh cổng chính đóng im ỉm, giáo sư Học khẽ rùng mình như điện giật. Ông lật đật tra chìa vào ổ khóa xoay một vòng. Chiếc bản lề khô dầu ken két như tiếng nghiến răng bầy quỷ đói. Bên trong tối tăm như hũ nút. Giáo sư vừa cất tiếng gọi vợ, vừa đưa tay lần tìm công tắc đèn. Chiếc đèn ống nhấp nháy mấy cái rồi bừng sáng soi rõ cảnh tượng  bừa bãi như vừa xảy ra trận càn. Ông dễ dàng tìm thấy bức thư để trên chiếc tủ cá nhân trên chiếc bàn đặt trong phòng ngủ. Nội dung thư như sau:” Cuối cùng em đành phải gạt nước mắt và chính thức nói lời chia tay với anh. Trước khi đến với anh, em cứ đinh ninh chúng ta sẽ sống rất hạnh phúc bởi chúng ta có rất nhiều điểm chung, vậy mà..Thôi thì, đã không thể dung hòa với nhau, tốt hơn hãy chia tay để không làm khổ nhau. Đơn ly dị, em đã ký sẵn, anh hãy hoàn tất nốt thủ tục và gửi đến tòa án dân sự. Chúc anh gặt hái nhiều thành công trong việc chế tạo robot. Vĩnh biệt! “.
Giáo sư – tiến sỹ Lê Bá Học lảo đảo bước đến tủ rượu, cầm cả chai XO tu một hơi. Trong cơn say, ông liên tục gào thét và nguyền rủa bọn đàn bà..
 
°
 
Thuở còn mài đũng quần trên ghế giảng đường đại học, chàng sinh viên khoa tự động hóa đã phải lòng cô sinh viên khoa ngữ văn cùng tuổi, thích nghe nhạc Chế Linh, đọc tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Mối tình tréo cẳng ngỗng kéo dài đúng một năm thì kết thúc một cách bất ngờ và vội vã khi Lê Bá Học bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp với số điểm tuyệt đối của hội đồng giám khảo. Quả là phước bất trùng lai, họa vô đơn chí.
Một nhà thơ lãng mạn đã từng thốt lên, tình yêu như ngọn gió, bất chợt đến và bất chợt đi không dự báo. Phát ngôn của một thi sĩ  hết thời đang kiếm sống bằng công việc sửa xe đạp, có thể không đúng với người khác nhưng hoàn toàn chính xác với trường hợp của Lê Bá Học. Sau khi bảo vệ thành công luận án cao học với đề tài “ Phương pháp chế tạo người máy trong công nghệ nanô “, thạc sỹ Lê Bá Học được cấp kinh phí để tiếp tục công việc nghiên cứu. Suốt nửa năm  trời ròng rã, thạc sĩ Học là thành viên không chính thức thư viện Quốc gia. Ông có mặt từ lúc thư viện chưa mở cửa đến khi nhân viên cuối cùng rời khỏi thư viện. Sự đam mê công việc của ông đã khiến cô nhân viên thủ thư xúc động. Cô lặng lẽ chăm sóc ông bằng cốc trà xanh mát lạnh, đến ổ bánh mỳ kẹp thịt. Sự cảm thông, quý trọng là cánh tay vô hình kéo hai người gần nhau hơn. Thời gian ngắn sau đó, cô nhân viên thư viện ngoài việc đưa sách đến tay bạn đọc,  còn kiêm thêm chân thư ký không hưởng lương cho người đàn ông đạt nhiều thành công trong chinh phục đỉnh cao tri thức nhưng luôn thất bại  trong chuyện tình duyên. Vào một buổi tối mưa rơi tầm tã, người phụ nữ trẻ đã không nén được lòng mình:
- Em yêu anh!
- Anh là một gã trai ngờ nghệch, không biết cách chăm sóc, chiều chuộng phụ nữ. Lấy anh, đời em sẽ khổ.
- Được chung sống với người mình yêu là hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ, em sẵn sàng đánh đổi tất cả. Em sẽ chăm sóc anh từng miếng ăn, giấc ngủ..
- Anh không biết nói những lời yêu thương đắm đuối.
- Em không cần những ngôn ngữ giả tạo, em cần tình yêu chân thành của anh thôi.
- Anh là một kẻ hời hợt, là thằng bé con lớn xác chẳng làm nên tích sự gì.
- Em yêu cái đểnh đoảng, sự vụng về của anh.
- Anh không biết cách chăm sóc trẻ.
- Em sẽ làm công việc đó thay anh.
Đúng một tháng sau hai người tổ chức đám cưới. Giờ đây thạc sỹ Lê Bá Học không phải đến thư viện nữa, bởi tất cả đã có vợ lo liệu, ông cần sách gì thì cô nhân viên thủ thư  mang về trao tận tay. Có người yêu thương, chăm sóc, san sẻ gánh nặng công việc, việc nghiên cứu của Lê Bá Học băng băng như diều gặp gió. Đúng tám tháng sau, ông bảo vệ luận án tiến sỹ tại trường đại học quốc gia. Trước hội đồng giám khảo, những giáo sư, phó giáo sư đầu ngành có uy tín  trong giảng dạy và nghiên cứu, thạc sỹ Lê Triều đã trả lời phản biện một cách tinh tế,  sâu sắc, đủ sức thuyết phục những người khó tính nhất. Cuối cùng, ông phát biểu:
- Kính thưa quý vị! Tình hình hiện nay, chế tạo robot là vấn đề cấp bách mang tính sống còn. Những công việc chạy đua với thời gian, đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối nhất thiết phải do robot thực hiện. Ngoài ra sự tham gia của robot trong cứu hộ, cứu hỏa sẽ giảm đi những thiệt hại đáng kể về nhân lực, tài lực và vật lực. Tôi tin, tương lai không xa, robot của chúng ta sẽ xuất sang những nước có nền khoa học, kỹ thuật tiên tiến nhất. Robot sẽ là yếu tố quyết định sự chuyển mình mạnh mẻ về khoa học và kinh tế. Robot sẽ tham gia vào đời sống thường nhật như con người thật sự. Và tiến đến robot cũng có lý lịch, hồ sơ quản lý, có quyền lợi và nghĩa vụ  như con người.
Kết thúc  buổi bảo vệ luận án, tiến sỹ Lê Bá Học không sao thoát khỏi vòng vây cánh nhà báo và những người hâm mộ. Mãi gần ba mươi phút sau, tổ bảo vệ phải dùng kế điệu hổ ly sơn, ông mới thoát được ra ngoài. Công việc đầu tiên, của tân tiến sỹ là gọi điện về nhà báo tin vui cho vợ. Tội nghiệp, cô nhân viên thư viện đã vất vả vì ông quá nhiều.
Ông thật sự ngạc nhiên, phía đầu dây bên kia là giọng nam rè rè.
- Anh là ai? Vợ tôi đâu?
- Thậm chí, đến tôi mà anh cũng không nhận ra sao? Hùng, em chị Ngọc Hương, vợ anh đây mà.
- À, nghe giọng quen quen nhưng nhất thời, tôi không nhớ ra. Chị Tư của cậu đâu?
- Ô hay, chị ấy  nằm viện, anh không biết sao?
Ông ngạc nhiên:
- Bệnh gì phải nhập viện? Khi nào?
- Anh cứ như người trên trời rơi xuống! Chị Ngọc Hương bị viêm ruột thừa, nằm nhà thương hơn tuần nay, cả nước đều biết, chỉ mỗi mình anh là không!
Ba hôm sau, cô nhân viên thủ thư xuất viện. Cô không về biệt thự của chồng mà về nhà cha mẹ ruột. Ngày hôm sau, nhân viên bưu điện mang đến cho ông lá đơn ly dị có sẵn chữ ký của vợ.
Sau hai lần gãy gánh nửa đường, tiến sỹ Lê Bá Học cạch chuyện vợ con, ông trói mình  vào công việc trong phòng nghiên cứu đặt tại tầng hầm biệt thự, hòng xua nỗi cô đơn, trống  vắng, thậm chí, cả tuần liền, ông không đặt chân ra khỏi cửa. Trong thời gian này, tiến sỹ Lê Bá Học chuyên trị dùng thực phẩm đóng hộp và nước uống có ga.
Không hiểu sao, công việc hầu như giẫm chân tại chỗ, mặc dù, ông đã lao động gấp hai, gấp ba lần trước kia. Rốt cuộc, ông cay đắng ngộ ra chân lý, sự thất bại của ông có liên quan đến phụ nữ. Ông căm ghét phụ nữ. Trong suy nghĩ của ông, đàn bà là động vật cao cấp, tham lam, ích kỷ, họ chỉ chăm bẳm  nghĩ đến cái tôi của mình. Căm thù  họ nhưng ông rất cần họ, không có họ ông như con sông dở ròng, dở lớn, chẳng làm nên tích sự gì. Âm với dương phải hòa hợp với nhau mới tạo nên nguyên khí.
Sau đợt nghỉ phép dài ngày để xả stress, ông quay trở lại với công việc. Tay nhân viên bảo vệ đã nắm cổ ông ném ra ngoài  vì không nhận ra ông, vì nghi ông là đạo chích. Thấy tình cảnh bi đát của người cộng sự, ông viện trưởng họp các thành viên nội các để tìm phương cách  tháo gỡ. Sau gần hai giờ moi tim, vắt óc vẫn không sao tìm ra lối thoát, bỗng ông Thậm, phó viên trưởng reo lên:
- Phải tìm cho Lê Bá Học một người phụ nữ. Nhưng phải là người phụ nữ thấu hiểu, thông cảm, thậm chí cùng chia sẻ công việc của chồng, cuộc hôn nhân như thế mới bền vững.
- Đúng vậy, tó cùng chia sẻ quan điểm với cậu,  - ông viện trưởng khẽ gật đầu và không dấu vẻ băn khoăn:- Nhưng biết tìm người đàn bà đạt những tiêu chuẩn khắt khe ấy ở đâu? Tôi e, đốt đuốc đi khắp thế gian cũng không tìm thấy.
- Chẳng cần đi đâu xa xôi. Người phụ nữ ấy đang làm việc tại Viện chúng ta. Cô Nga ở phòng nghiên cứu, các vị thấy thế nào?
- Hơi già! – Một người thốt lên.
- Gừng càng già càng cay! Vả lại, cô Nga cũng chỉ mới ngoài ba mươi. Tuổi này còn đẻ đái được. Hơn nửa, cô ấy đã có bằng thạc sỹ khoa học. Điều quan trọng nhất, cả hai cũng đang nghiên cứu về robot. Không có chỗ nào đẹp hơn đâu.
Đích thân ông viện trưởng đứng ra mai mối và tổ chức đám cưới. Hôn lễ rình rang tại nhà hàng – khách sạn năm sao. Trước đó, bên công đoàn đã kịp đặt một căn phòng sang trọng tại Đà Lạt trong thời gian nửa tháng để đôi vợ chồng đam mê khoa học hưởng tuần trăng mật. Sau tiệc cưới, đôi tân lang và tân nương không về nhà mà lên xe du lịch đời mới ra thẳng khu nghỉ mát. Một khởi đầu không thể tốt đẹp hơn.
Đôi trai tài gái sắc quả tâm đầu ý hợp. Suốt bữa  ăn tối, hai người trao đổi với nhau về đề tài “ người máy trong thời đại kỹ thuật số “. Kết thúc bữa ăn, họ tráng miệng bằng món “ công nghệ bán dẫn và sức bền vật liệu “. Trong buổi đi dạo, hai người tâm tình về “ silicon trong ứng dụng khoa học “. Đến giờ đi ngủ, họ giải trí bằng “ những con chíp có thể chứa hàng tỉ transitor “…
- Em biết không, anh mơ có một ngày robot sẽ làm toàn bộ công việc của con người. Lúc ấy con người chỉ có mỗi việc nghỉ ngơi, giải trí và yêu nhau.
Rít vài hơi thuốc lá, giáo sư tiến sỹ Lê Bá Học tiếp tục mơ màng:
- Anh vừa tìm ra một hợp chất siêu dẫn trong môi trường chân không. Khám phá này góp phần giải quyết những vấn đề nan giải trước đó, không những thế, nó còn có ý nghĩa lớn lao trong ngành công nghiệp năng lượng. Em có vui không?
Ăn mãi một món cũng chán, lời hay nghe mãi cũng nhàm,  Người  vợ  đã bị bội thực bởi những món khoa học cho ông chồng công phu chế biến. Trong khi, giáo sư – tiến sỹ Lê Bá Học đang thao thao bất tuyệt về “ điều khiển robot bằng hệ thống định vị toàn cầu “, thì người vợ len lén thở dài. Chị cần một đứa con bằng xương bằng thịt chứ không phải đứa con được tạo bằng cơ khí và vi mạch điện tử.
Hai năm sau ngày cưới, giáo sư – tiến sỹ Lê Bá Học đã đạt được những thành công to lớn trong chế tạo robot. Thoạt tiên, ông trình làng robot RVN ( robot Việt Nam )  giúp việc nhà, có thể thực hiện được năm mươi  lệnh của người điều khiển. Từ những việc nhỏ nhặt nhưng đòi hỏi chính xác cao như; thêu thùa, may vá, sửa chữa hệ thống điện, thậm chí đến những công viêc nặng nhọc như; khuân vác, làm vườn, hái trái cây và nói những câu đơn giản. Trong khi các nhà khoa học chưa hết sửng sốt, giáo sư – tiến sỹ Lê Bá Học lại tiếp tục tung ra robot RVNZ  thế hệ thứ hai. Robot thế hệ mới khắc phục được những nhược điểm những robot chế tạo trước đó; thông minh hơn, thực hiện được nhiều động  tác hơn, robot RVNZ  thậm chí có thể hát được nhiều dòng nhạc khác nhau; pop, rock, punk… và cả dân ca Quan họ bằng  giọng  nam lẫn giọng nữ, ngoài ra robot RVNZ còn  biết khiêu vũ và hình dáng giống hệt người thật. Trong suốt thời gian triển lãm,  sân vận động Quốc Gia luôn kín chỗ ngồi. Vé mời miễn phí bị bọn phe vé hét cao ngất ngưởng, vẫn không đủ vé để bán. Rất nhiều nhà khoa học, robot học  danh tiếng khắp nơi trên thế giới  đáp máy bay sang Việt Nam dự khán, trong đó có cả ngài Paul Young, chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Châu Âu. Họ thật sự choáng ngợp, bất ngờ và vô cùng thán phục  trước những thành tựu lớn lao mà giáo sư – tiến sỹ Lê Bá Học cùng những người cộng sự đã đạt được.
- Các bạn đã tiến xa hơn nền khoa học thế giới cả trăm năm! Tôi thật sự ngưỡng  mộ các bạn.
Giáo sư – tiến sỹ Lê Bá Học tỏ vẻ tiếc rẻ:
- Tôi chưa thật sự hài lòng với những kết quả đạt được, dù sao robot vẫn là robot. Tôi đang ấp ủ ước mơ cháy bỏng một ngày nào đó sẽ chế tạo thành công một robot hoàn hảo như con người.
Ngài Paul Young nói:
- Ngài đã mở toang cánh cửa rộng lớn của tri thức để mọi người cùng nhập cuộc. Tháng tới, chúng tôi có cuộc hội nghị khoa học về robot tại Pari,  sự có mặt của ngài sẽ giúp hội nghị thành công tốt đẹp. Hy vọng ngài không từ chối.
Giáo sư – tiến sỹ Lê Trình vui vẻ nhận lời. Ngài Paul Young nói:
- Ngài nên chuẩn bị sẵn bài tham luận. Những kinh nghiệm quý báu của ngài sẽ giúp chúng tôi mở mang đầu óc.
Mãi bận rộn với những công trình nghiên cứu robot, trước khi đáp máy bay sang Pari hai vợ chồng mới có được một buổi tối dành cho nhau. Vợ ông nói:
- Em muốn buổi tối nay là của riêng chúng ta, vì thế em đề nghị, chúng ta không đề cập đến công việc.
Ông vui vẻ đồng ý. Hai người đi ăn tối tại nhà hàng sang trọng. Thực khách vừa ẩm thực, vừa nghe tiếng violon réo rắt trong vùng sáng vừa đủ. Nhân viên phục vụ bàn bưng thức ăn ra, ông nhìn những thứ bày trong đĩa rồi ngơ ngác nhìn vợ:
- Đây là món gì anh mới thấy lần đầu. Tây hay Tàu? Ăn như thế nào cho đúng cách?
- Trời ạ, đây là món bánh cuốn thuần Việt, em vẫn thường làm cho anh ăn đấy thôi.
Ông lẩm bẩm:
- Lạ thật, mình ăn lúc nào nhỉ?
Ăn tối xong, ông đề nghị đi xem phim. Tất nhiên vợ ông sung sướng nhận lời.
- Em muốn xem phim gì? Tình cảm hay hành động?
- Tùy anh. Sở thích của anh cũng là của em.
Giáo sư Triều đưa vợ đến rạp hiện đại bậc nhất thành phố, có máy điều hòa nhiệt độ và hệ thống báo cháy. Cả hai sóng đôi vào rạp cũng là lúc phim bắt đầu chiếu. Trong khi, giáo sư Triều chăm chú nhìn lên màn ảnh thì vợ ông xây mặt sang hướng khác ngủ gật. Ông hoàn toàn không hiểu tại làm sao phim hay như thế mà vợ ông lại bỏ qua. Mãi đến cảnh cuối cùng, nhân vật nam chính bị bắn chết và nhân vật nữ chính bị hóa điên, ông mới giật mình, hình như mình xem phim này rồi?
- Đúng thế, - vợ ông làu bàu,:- chúng ta đã xem đến lần thứ ba rồi đấy.
Dù sao người vợ cũng cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì chồng bà đã giữ đúng lời hứa, không nhắc đến công việc. Xem phim xong họ trở về nhà trong vui vẻ và trữ tình. Người vợ đã kịp thay bộ đồ ngủ rất gợi  cảm và không quên xức thêm một ít nước hoa để tăng thêm phần lãng mạn. Gần sáu tháng qua, chồng bà quên nghĩa vụ làm chồng. Bà đã bước sang tuổi ba mươi lăm, phụ nữ lớn tuổi sinh đẻ khó khăn.
Hai người nằm kề bên nhau trò chuyện một lúc, giáo sư Triều bỗng  ôm chặt vợ và hôn như mưa. Hai cơ thể cuộn vào nhau. Trong đam mê thể xác, bà thạc sỹ khoa học bỗng bị dội một gáo nước lạnh.
- Anh suy nghĩ kỹ rồi em ạ. Sau hội nghị anh sẽ tiến hành thủ tục xây dựng  một nhà máy chế tạo robot. Sản phẩm sản xuất theo dây chuyền sẽ giảm giá thành đáng kể các doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng lợi…
- Anh nói nhăng nói cuội gì vậy?
Giáo sư vừa thực hiện nghĩa vụ làm chồng, vừa say sưa với những viễn cảnh vô cùng xán lạn:
- Volfram kết hợp với chất siêu dẫn sẽ làm tăng thêm tính chịu nhiệt, diện dẫn và trên hết là...
Bà nữ thạc sỹ khoa học  bèn dùng hết sức bình sinh hất ông chồng bắn xuống giường. Trong lúc ngài giáo sư khả kính chưa hiểu chuyện gì xảy ra, vợ ông đã khoác vội chiếc áo lên người và nhanh chóng biến mất phía sau cánh cửa,  bỏ lại tiếng khóc ở sau lưng..
 
 
 
°
 
 
Quá tam ba bận, giáo sư – tiến sỹ Học hạ quyết tâm không lấy vợ nữa. Đàn bà thật phiền toái, dây dưa với họ chỉ tiền mất tật mang. Thật vậy, sau mấy lần ly hôn, ngôi biệt thự rộng rãi có vườn hoa, bể bơi, sân chơi tennis đã hóa thành ngôi nhà cấp bốn nằm khép nép trong con hẻm tồi tàn. Từ một người giàu có, tiền tỉ gửi ở ngân hàng bỗng hóa thành  chúa Chổm. Hơn thế nữa, mỗi người đàn bà đi qua đời ông đều để lại vết thương trí mạng, những khi trăng khuya, gió lạnh vết thương lòng lại tái phát nhức nhối vô cùng.  Sau một đêm thức trắng, vị giáo sư khả kính quyết định bắt tay vào chế tạo một robot thật hoàn hảo. Robot này sẽ là vợ của ông.
Một người vợ robot hẳn nhiên là có nhiều ưu điểm vượt trội hơn người vợ được sinh sản tự nhiên, bởi robot chỉ biết phục tùng và phục tùng; robot không biết mè nheo, yêu sách, robot không cần thực phẩm, lương thực vẫn sống đàng hoàng, robot không già đi, không xấu đi, chính vì thế không phải ném tiền một cách oan uổng vào các salon làm đẹp. Rõ ràng, robot là người vợ lý tưởng.
Thế là giáo sư – tiến sỹ Lê Bá Học bắt tay vào việc  chế tạo một người vợ lý tưởng. Mười tám tháng rúc trong phòng thí nghiệm với biết bao khó khăn chồng chất tưởng chừng không thể vượt qua, cuối cùng người vợ robot cũng ra đời đúng vào ngày ông ra tòa ly dị với người vợ thứ ba  hai năm trước. Robot Tấm có chiều cao một mét, sáu mươi lăm, nặng năm mươi cân, thông thạo ba ngoại ngữ: Việt, Anh, Hoa. Tấm có thể thực hiện công việc nhân viên thư  ký, biết đàn hát, giao tiếp tốt, tài nội trợ có thể nói thiên hạ vô địch. Đây là khâu quan trọng và cực kỳ phức tạp, giáo sư Học phải nhờ đến chuyên gia ẩm thực và đội ngũ những nhà tâm lý học nỗi tiếng. Tấm có thể đọc được ý nghĩ để làm vui lòng chồng. Điều mà những cô con gái của mẹ Âu Cơ không thể thực hiện được. Tuy nhiên trong thời gian làm vợ, robot Tấm đã bộc lộ những hạn chế. Chẳng hạn, Tấm cứ lẫn lộn giữa cơm và gạo ( trong tiếng Anh  rice vừa có nghĩa là cơm, vừa là gạo ), cô  không phân biệt cách sử dụng  từ “ sỉ và lẻ “ giữa người miền Nam với người miền Bắc ( người miền Nam hiểu từ sỉ là nguyên, theo lố, theo chục. Người miền Bắc hiểu ngược lại ). Và điều khiến giáo sư Lê Bá Học rất thất vọng, mỗi khi sinh hoạt tình dục, Tấm cứ trơ ra như khúc gỗ, chẳng biểu lộ chút cảm xúc nào, mất hứng. Không nản chí, giáo sư Lê Bá Học tiếp tục công việc nghiên cứu, khắc phục những hạn chế. Mãi vùi đầu vào công việc, cả tám tháng trời ông quên đến hiệu cắt tóc, lại không có người cận kề chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, nom ông chẳng khác người nguyên thủy. Rốt cuộc, sự lao động miệt mài của ông đã được đền đáp, Tấm trở thành người vợ kiểu mẫu nhất trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mỗi ngày đúng năm giờ sáng, Tấm đánh thức chồng dậy. Trong khi giáo sư – tiến sỹ Lê Bá Học đang chạy vòng quanh công viên thì nàng Tấm âm thầm chuẩn bị bữa điểm tâm. Tập thể dục xong đã có nước ấm cho ông tắm. Trong lúc ông ăn sáng, nàng lặng lẽ chuẩn bị quần áo, giày dép cho chồng. Nàng giúp chồng thắt cavat, buộc dây giày. Và tất nhiên nàng không quên chìa má cho chồng hôn trước khi rời khỏi nhà.
Giáo sư Lê Bá Học đến Viện nghiên cứu, cũng là lúc nàng Tấm xách giỏ đi chợ. Nàng rất thạo trong việc chọn lựa thực phẩm và giá cả. Buổi trưa, giáo sư Học về nhà thì cơm canh đã sẵn sàng. Thức ăn luôn nóng sốt và rất hợp khẩu vị.
- Công việc của anh như thế nào? Có trôi chảy không? – Nàng nói nhỏ nhẹ và liên tục gắp thức ăn cho chồng:- Món sườn xào chua ngọt, anh thấy thế nào?
- Trên cả tuyệt vời!  – Ông ngước mắt nhìn nàng: - Em đã ăn chưa?
Nàng khẽ gật đầu, đôi mắt bồ câu chớp chớp mấy cái:
- Dạ, trước đó em đã sạc đủ điện rồi. Anh khỏi phải lo cho em.
Buổi tối sau khi tắm rửa, cơm nước xong, giáo sư Học ngả lưng trên ghế. Nàng bắc ghế ngồi bên cạnh đọc cho ông nghe chương hai quyển Ruồi Trâu. Thỉnh thoảng ông đưa nàng đi dạo, mua tặng nàng những món quà nho nhỏ. Nàng vui lắm, mắt rưng rưng cảm động:
- Anh là người chồng tuyệt vời, cám ơn anh!
Đoạn, nàng vòng tay lên cổ chồng và đặt lên môi nụ hôn thắm thiết.
Đôi khi, ông mải vui với bạn bè, quên cả đường về nhà, nàng âm thầm lái xe tìm chồng. Bao giờ nàng cũng tỏ ra vô cùng khéo léo, tế nhị với những đồng nghiệp của chồng. Và chẳng ai biết rằng đàng sau vẻ nhu mì, đoan trang kia là những mạch vi điện tử, những con chip có thể thực hiện hàng tỉ phép tính chỉ trong một giây.
Nàng nhẹ nhàng dìu ông lên giường, lấy khăn sấp nước đặt lên trán chồng rồi đi pha nước chanh cho ông uống đặng mau dã rượu.
- Em thức suốt đêm?
- Vâng, anh say quá. Sợ anh bị trúng gió, em không dám ngủ. Lần sau, anh đừng uống nhiều như thế nữa nhá. – Giọng nàng vừa nũng nịu, vừa hờn mát.
Giáo sư Học không nén được tình cảm, lao đến ôm ghì nàng vào lòng. Nàng nhắm chặt mắt, hơi thở nóng hổi phả vào cổ chồng. Ông nhanh chóng cởi bỏ y phục trên người nàng:
- Anh yêu em!
- Em yêu anh!
Họ quấn vào nhau trong đê mê thể xác. Nàng nói hấp hổi:
- Em muốn có một đứa con!
Giáo sư Học giật mình sửng sốt. Robot Tấm đang đòi hỏi nhân quyền.
- Anh sẽ chế tạo ra một robot con cho em bồng bế. Em thích trai hay gái?
- Em thích con trai nhưng nó phải giống anh! Khi nào, anh cho em được toại nguyện?
Ông lồm cồm ngồi dậy mặc quần áo. Từ nhà vệ sinh, ông nói vọng ra:
- Công việc nhiều quá. Đợi thư thả rồi tính.
Mắt nàng thoáng buồn. Tuy nhiên robot Tấm không hề kêu ca hay than vãn mà chỉ biết âm thầm chấp nhận, bởi những chi tiết này không được lập trình.
Ba tháng trôi qua, nàng mỏi mòn chờ đợi. Và giáo sư Học hầu như quên mất lời hứa của mình, tính ông vốn vô tâm, hời hợt. Nàng buồn, tuy nhiên nỗi buồn ấy chỉ âm thầm nén trong con chíp  bộ vi xử lý mà thôi.
Kết thúc hội nghị về Robot học tại thành phố,  giáo sư  Lê Bá Học có nhã ý mời giáo sư – tiến sỹ Boby Robson, ông bạn đồng nghiệp, người Mỹ, đến dùng bữa cơm thân mật và ngủ qua đêm tại tư gia, tất nhiên vị giáo sư Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vui vẻ nhận lời. Đây là vinh dự hiếm hoi.
 Robot Tấm bước ra chào khách đặt sệt ngôn ngữ bản địa vùng Texas, giáo sư Robson vô cùng kinh ngạc trước vẻ đẹp tinh khiết và kiến thức phong phú của nàng:
- Ngài có một người vợ thật tuyệt vời! Tôi thật sự ghen tỵ với ngài.
Tấm chào khách rồi xuống bếp chuẩn bị bữa ăn tối. Hai nhà khoa học lừng danh tiếp tục chuyện phiếm  về “ hệ thống truyền tải dữ liệu kỹ thuật số “ và “ phương pháp sinh sản vô tính với loài rùa “.
- Xin mời các anh dùng bữa ăn tối.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn Tấm đã chuẩn bị xong hơn mười món ăn, Tây, Tàu đủ cả. Giáo sư – tiến sỹ lại một phen kinh ngạc khi thấy đĩa bò bít tết:
- Ô hay, sao cô biết tôi thích dùng bít tết kiểu Ấn? Ngoài vợ tôi ra chưa một ai biết được sở thích của tôi. Nhưng cô ấy đã qua đời vào năm ngoái. Từ ấy đến nay, tôi chưa có dịp thưởng thức lại món này. Tuyệt thật.
Giáo sư Lê Bá Học nheo mắt nhìn người bạn đồng nghiệp:
- Tôi cũng chỉ  vừa hay tin này qua những người cộng sự với ngài. Thành thật chia buồn. – Đoạn, giáo sư Học day mặt về phía robot Tấm:- Tất nhiên rồi, không những thế, cô ấy còn biết ngài thích dùng rượu vang của Pháp chứa trong cốc pha lê và khiêu vũ điệu tango Argentina không pha tạp...Cô ấy có thể đọc được ý nghĩ của mỗi người.
Giáo sư – tiến sỹ Boby Robson thốt lên kinh ngạc lẫn thán phục:
- Không thể tin được! Mời bà ngồi. Tôi mời bà một cốc được chứ?
Tấm lịch sự từ chối. Lê Bá Học nói:
- Bổn phận cô ấy là phục vụ chúng ta. Ngài cứ tự nhiên đừng bận tâm đến cô ấy làm gì.
Đối mắt Tấm tối sầm. Ngài Robson nói:
- Chúng ta đeo đuổi khoa học cốt để giải phóng phụ nữ. Hành động của ngài, tôi e, thiếu tôn trọng.
Lê Bá Học cười vang. Cạn hết chai vang đỏ, giáo sư Học đã say chếnh choáng:
- Tửu lượng của tôi yếu lắm. Tôi mệt rồi, xin phép đi nằm một chốc. Ngài cứ thoải mái như ở nhà mình,  đã có người phục vụ.
- Ngài không được làm như thế! – Giáo sư Robson nói gay gắt:- Tôi thật sự thất vọng về cách hành xử của ngài. Ông xem vợ mình chẳng khác nàng hầu.
- Ha..ha..ha..Bé cái lầm rồi ông bạn thân mến của tôi! Robot đấy!
- Gì? Người máy ư? – Ông Robson trợn trừng đôi mắt:- Thật phi thường. Tôi không bao giờ nghĩ ngài có thể chế tạo ra robot hoàn hảo đến thế. Ngài định lừa tôi đấy phỏng?
- Không những thế,  robot Tấm còn có thể cho ngài một đêm lên tận cõi thiên thai! – Đoạn giáo sư – tiến sỹ  Lê Bá Học day mặt về phía Tấm:- Em hãy làm cho ngài Robson đây có một đêm thật ấn tượng và vui vẻ nhé!
Giáo sư Lê Bá Học thức dậy vào lúc mười giờ sáng. Đầu óc vẫn còn quay tít như chong chóng. Ngó dáo dác, không thấy Tấm đâu, bèn gọi lớn:
- Tấm ơi, sao em không thức anh dậy. Sáng nay anh có cuộc họp quan trọng. Muộn rồi còn họp hành gì nữa.
Không có tiếng trả lời, giáo sư Lê Bá Học đinh ninh robot  gặp phải sự cố. Bộ vi xử lý thỉnh thoảng lại dở chứng ăn vạ. Ông khẽ càu nhàu, bước ra phòng khách. Và chẳng khó khăn, ngài giáo sư khả kính phát hiện bức thư để trên bàn. Nội dung bức thư chỉ vẻn vẹn mấy dòng ngắn ngủi:” ..Xin anh đừng trách em. Cám ơn anh đã tạo ra em nhưng em  phải thuộc về người biết yêu và tôn trọng mình! Anh đừng hy vọng chế tạo thêm robot nào nữa, bởi họ cũng sẽ bỏ anh mà đi thôi nếu anh vẫn không chịu thay đổi. Ký tên robot Tấm.
Giáo sư – tiến sỹ Lê Bá Học đứng chết lặng rồi gọi điện thoại đến Lãnh sự quán Mỹ đóng tại thành phố. Bên kia đầu dây phát giọng nam ồ ồ, khó nghe:
- Xin  thông báo cho ngài được rõ, giáo sư – tiến sỹ Boby Robson đã cùng phu nhân đáp máy bay về Mỹ, lúc tám giờ sáng nay..A lô! A lô! Ngài có nghe tôi nói không? Ngài vẫn ổn chứ? A lô! A lô!
 
 
 
HẾT

Xem Tiếp: ----