Đang giữa trưa, nắng chang chang, mây đen bỗng ùn ùn kéo đến. Một vệt chớp rạch ngang lưng trời kèm theo là tiếng ầm ì như bom dội. Thiên nhiên tích tụ nước bao ngày, bắt đầu xả nước một cách hào phóng xuống những cánh đồng khô hạn. Mưa. Người lớn rúc vội vào nhà. Chỉ có bọn trẻ là vui như ngày hội. Chúng rủ nhau từng đám chia phe đá banh trên bãi đất trống hợp tác xã. Tốp khác thì chơi trò đuổi bắt, cướp cờ...Tiếng cười, tiếng hò reo lấn át cả âm thanh cuồng nộ thiên nhiên. Mưa vẫn rơi rả rít. Bọn trẻ đã bắt đầu thấm lạnh. Chúng rúc vào nhà. Xé vội trang giấy trong quyển vở học trò sếp thuyền giấy. Những con thuyền loang vết mực trôi theo con nước và chìm lỉm dưới dòng nước đục ngầu trong ánh mắt tiếc rẻ của lũ trẻ. Giữa lúc thời tiết xấu như thế này, bỗng từ phía ngã ba chợ Quận thấp thoáng bóng người khách lạ trong bộ quân phục cũ sờn, tay trái cầm gậy bước dò dẫm dọc theo bờ sông. Khách cử động vô cùng khó khăn bởi cái chân bên phải cứ đơ ra như gỗ, vì thế mỗi bước đi đều bị lệch về bên trái. Lúc ấy, khách lại dùng gậy ấn mạnh lên nền đất rồi đẩy sang bên phải khiến thân hình liên tục lắc lư như con lật đật. Khách càng khó khăn hơn, trên vai mang thêm chiếc ba lô con cóc căn phồng và sũng nước. Mưa như trút, khách ướt như chuột nước. Chỉ trừ một thứ còn khô ráo là con búp bê xinh xắn được bọc trong bịch ny lon mà khách luôn kè kè trên tay như báu vật. Áng chừng chục người; già trẻ, bé lớn đủ cả đang đục mưa trong cái chòi canh lúa bên vệ đường, dõi mắt nhìn theo người đàn ông tật nguyền và tỏ vẻ ái ngại. Bác nông dân có dáng dấp một lão nông tri điền đang phì phà thuốc rê, chép miệng than: - Thằng cha này không khùng thì cũng điên, mưa gió đùng đùng mà cứ nhẩn nha như người đi dạo! Một chị đang cho con bú hửi phải mùi thuốc lá khét lẹt ho ran mấy tiếng rồi nhăn mặt cằn nhằn: - Ông khùng thì có. Chỗ đàn bà, con nít mà nhả khói như hỏa diệm sơn. Đoạn chị đưa tay vỗ vỗ lên mông thằng bé: - Bú đi con. Mưa gió như vầy chắc tới tối mới về đến nhà. Bác nông dân búng mẩu tàn thuốc ra ra vũng nước tắt ngấm, nhìn người phụ nữ cười hề hề: - Này, bú đi bé con, đừng làm mình làm mẩy nữa. Người ta thèm muốn chết mà không được đây. Đám đông cười ồ lên. Chị phụ nữ có con nhỏ ngượng tím mặt, lườm một cái sắc như dao: - Đồ dê già! Con đàn, cháu đống vẫn không chịu chừa cái tật bờm xơm. Đang đi, khách đột ngột dừng lại, đưa mắt nhìn quanh quất như tìm kiếm gì đó. Chiếc gậy trên tay huơ thành nửa vòng cung. Suy nghĩ một lát, khách đi ngược về phía căn chòi coi lúa: - Làm ơn chi giùm đường tới bến đò ông Bốn. Khách phát âm lào khào khó nghe, chỉ loáng thoáng mỗi từ “ ông Bốn “. Một người thò đầu ra khỏi lều, đưa tay trỏ về phía trước. Nhanh nhẩu nói: - Đi thẳng độ trăm mét, quẹo tay mặt là tới. Nhưng mưa gió đùng đùng như vầy ổng không rước khách đâu. Khách muốn hút thuốc nhưng gói thuốc lá trong túi quần đã bị nước mưa làm cho rã bét. Khách vần vo gói thuốc trong tay tỏ vẻ tiếc rẻ. Bác nông dân hiểu ý, liền chìa ra bọc thuốc rê: - Thứ này được hôn? Nhưng hơi gắt à nghen! Khách vấn thuốc với bàn tay còn lành lặn. Khi khách cúi xuống châm lửa từ chiếc hộp quẹt có in hình cô gái mặc đồ hai mảnh rất gợi cảm thì mọi người mới mục kích được gương mặt gớm ghiếc người đàn ông. Nó khủng khiếp đến nỗi nhiều người phải giật thót người như điện giật. Bọn trẻ sợ quá ôm chặt người thân khóc như ri. Trong lúc, khách còn đang xớ rớ bỗng một giọng nữ cao vút trong đám đông ré lên: - Trời ơi, người hay quỷ? - Sợ quá má ơi! Lời nói như nhát roi vụt xuống người, khách ró người lại đau đớn. Mưa vẫn tơi bời. Hình dạng của người đàn ông vô cùng kinh khủng. Gương mặt bị lửa làm biến dạng; những thớ thịt sần sùi ửng đỏ chảy sệ, hai vành tai bị cháy trụi, chiếc mũi chỉ còn lại hai lỗ trống tối đen. Vùng da bên vai phải bị cháy, cơ gân phía dưới bị co rút lại, vì thế mỗi khi nhìn sang bên trái, khách phải xoay cả thân hình. Quả thật, nếu bộ phận trên cổ tách rời ra thì cho dù một người có óc tưởng tượng phong phú đến mấy cũng không thể nghĩ rằng đó là một gương mặt người. Mọi người trong lều coi lúa liên tục ném những cái nhìn ác cảm về phía khách. Đứa trẻ vừa day vú mẹ, vừa run như cầy sấy. Bác nông dân nhìn khách, tỏ vẻ bất nhẫn: - Khổ thật, làm sao mà ra nông nỗi này, hả chú? Khách bối rối, vê vê điếu thuốc trong mấy ngón tay, chưa kịp lên tiếng thì người đàn bà có con nhỏ đã thét lên: - Xin ông cút đi cho! Thằng nhỏ sợ đến chết rồi đây! Khách đứng dậy, lí nhí vài câu xin lỗi rồi tiến về phía bến đò bằng cái chân cà nhắc. Đang đi, bỗng khách trượt chân ngã ùm xuống nước, con búp bê văng ra xa nửa mét. Khách gượng đau, lồm cồm đứng dậy. Lại ngã. Lần này con búp bê ướt sũng. Nhà chờ đò được lợp bằng lá đừa nước còn thơm mùi. Ông Bốn hành nghề chèo đò từ năm lên mười đến nay đã vào cái tuổi cổ lai hy vẫn theo nghiệp chèo đò. Ông Bốn đã thay cả chục xác đò, những đứa trẻ năm nào đã có gia đình, sanh con, đẻ cái. Và ông ngày càng già đi. Thời gian vật đỗi, sao dời, chỉ có dòng sông muôn đời trẻ mãi. Khách gieo người ngồi xuống hai cây tre cột lạt, tháo chiếc ba lô trên vai đặt xuống chân. Đôi mắt đùng đục dõi theo làn mưa đan xiên. Thủy triều lên, từng đám lục bình xanh mướt trôi về phía thượng nguồn. Khách khẽ ôm ngực ho húng hắng vài tiếng. Gió từ bờ sông lồng lộng thổi vào mang theo cái lạnh thấu xương, khách nép người vào góc kín để tránh gió nhưng cái lạnh như từ bên trong lạnh ra, khách cứ run lên bần bật. Lát sau trên cầu đò xuất hiện người đàn bà quảy gánh rau trên vai. Dáng thấp lùn lại đội chiếc nón lá quá rộng nom bà như cây nấm rơm di động. Bà đặt gánh xuống, đưa hai tay sục vào mớ rau nguội rồi làu bàu mấy tiếng: - Ông Trời lâu lâu làm một trận nhớ đời! của ông chỉ duy nhất bài “ Tình anh bán chiếu “. Cư dân bến đò chưa từng nghe ông hát bài thứ hai. Chừng mười lăm phút sau, xuất hiện thêm anh thương binh, chân trái bị cụt quá gối. Anh di chuyển khó khăn trên đôi nạng gỗ. Mỗi bước chân để lại hai vết lõm tròn trên nền đất ướt. Anh cởi áo mưa, ngồi xuống chỗ trống bên cạnh khách, vừa hút thuốc, vừa tháo chiếc túi vải trên vai ôm vào lòng. Bên trong túi vải có vài thẻ nhang, con gà mái tơ luộc chín được bọc trong lớp giấy sáp. - Trời mưa, trời gió, đi đâu cho cực vậy, Mười Túc? - Ủa, dì Sáu. Dì ngồi chong ngóc vậy mà tui không thấy. Xin lỗi dì nghen. Bữa nay, tui ra xã xin tạm ứng tiền chánh sách để đóng học phí cho con nhỏ. Lâu ngày mới ra thị xã, gặp đồng đội cũ, tụi nó cứ giữ rịt không cho về. Tui không làm dữ tụi nó dễ gì chịu tha. - Bây thương con nhỏ dữ ha. Cha ruột có khi không bằng. Nghe hai tiếng “ Mười Túc “, khách đang gục đầu lim dim bỗng bừng tỉnh. Khách từ từ xoay người lại, đôi mắt buồn thảm lấp lóe như hai ngọn đèn dán chặt vào vết thẹo cỡ ngón tay cái dưới cằm Mười Túc. Khách cố nén xúc động bằng cách đan hai bàn tay vào nhau, các ngón tay bíu chặt. Nhưng cảm xúc vẫn hiển hiện qua huyết hầu liên tục di chuyển theo chiều thẳng đứng. Mười Túc đưa tay rờ lên chỗ thẹo, toét miệng cười hề hề: - Bị mảnh bom của Mỹ, tưởng đâu mất chỗ đội nón. Bữa đó, máu ra nhiều quá, chắc mẩm theo đoàn tụ ông bà, cũng may, thằng bạn cùng chung nhóm máu… Mười Túc bỏ lửng câu nói giữa chừng, xăng xái lấy thuốc lá mời khách. Nhìn khách thật lâu rồi nói bằng giọng cảm thông: - Bị thương ở mặt trận nào vậy? - Miền Đông. - Vậy hả? – Mười Túc nói như reo:- Tui với ông là đồng đội rồi. Tui đã từng chiến đấu và gởi một cái giò tại đó. Chà, dạo ấy bom na pan cua Mỹ trút xuống như mưa, rất nhiều người chết cháy. Trò chuyện một lúc, cả hai đột nhiên im lặng, mắt đăm đăm nhìn ra phía trước. Trên sông, cô gái mảnh mai đang điều khiển chiếc xuồng ba lá gắn máy đuôi tôm, đi ngược thủy triều, thoáng ẩn thoáng hiện trong làn mưa xiên. Khách là người lên tiếng trước: - Từ đây về Thạnh Phú bao xa? - Trên dưới một cây số. Tui cũng ở đó. Bộ ông có người quen hả? Khách im lặng, nuốt nước bọt khô đắng trong cổ họng, bàn tay trái đặt hờ lên ngực. Nỗi xao xuyến ẩn giấu sau ánh mắt: - Vậy anh có biết Kiên, chồng cô Hường không? Mười Túc “ à “ lên một tiếng. Giọng nói rổn rảng hẳn lên: - Ai thì tôi không biết, chớ thằng Kiên với tui là bạn nối khố. Hai thằng thân nhau như tay mặt với tay trái, giá như một trong hai đứa là đàn bà chắc tụi tui đã nên chồng nên vợ. Mười Túc ngừng nói, đưa tay bóp bóp đầu điếu thuốc tát ngấm. Câu chuyện được tiếp tục sau đó qua làn khói mờ đục, khét lẹt: - Tui với Kiên học cùng một trường, cùng đi bộ đội và cùng yêu một người đàn bà... Nói đến đây, giọng Mười Túc bỗng chùn xuống, mắt nheo lại đăm chiêu: - Người đàn bà ấy là Hường. Thật tình tôi yêu Hường, nhưng Hường chẳng ngó ngàng gì đến tui! Với lại tui không thể nào bì được với Kiên. Kiên cao ráo, đẹp trai như tài tử xi nê, lại có tài đờn hay hát giỏi, nó mà lên sáu câu vọng cổ, cóc trong hang cũng nhảy ra. Thậm chí, có lần, đoàn văn công của Miền có lần gởi thơ mời nó theo nghiệp ca hát nhưng nó nhất quyết không nghe. Nó nói làm trai là phải xông pha chốn lằn tên mũi đạn mới thỏa chí tang bồng hồ hải. – Đoạn, Mười Túc xuống giọng buồn rầu:- Số nó đoản mạng. Nếu theo nghiệp đờn ca thì đâu phải bỏ mạng oan uổng. Mười Túc ngậm ngùi khiến khách cũng cảm động theo. Rất nhanh, Mười Túc trấn tỉnh lại. Cái miệng cười toe toét trên gương mặt buồn so: - Tánh tui đồng bóng, cải lương, bà xã cằn nhằn hoài vẫn không chừa cái tật. Tui kể tới đâu rồi, ta? Ừ, tui với Kiên cùng đơn vị đóng trong rừng. Hường là giao liên dãi nắng, dầm mưa mà đẹp như công chúa trong chuyện cổ tích, cánh lính chúng tôi ai thấy cũng động lòng và đem vào giấc ngủ. Mỗi tuần đôi bận, Hường chèo xuồng vô cứ. Chợt thấy bóng dáng cổ từ xa, thằng Kiên lập tức tức cảnh sanh tình, hát liền mấy câu giọng cổ:” Hỡi cô giao liên đang chèo xuồng bên rặng dừa nước giữa buổi chiều thu chạng vạng……...hãy vào đây uống cạn chén chung tình.”. Kiên hát muồi đến nỗi Hường phải bỏ xuồng lên bờ, ở hẳn luôn trong cứ. Tui yêu Hường nhiều lắm, yêu thiệt lòng, nhưng mặc cảm xấu trai, kém tài nên chỉ dám nhìn lén mà thôi. Mà không phải chỉ mỗi mình tui đâu nghe, hầu như toàn bộ đám lính trẻ đều mang trong lòng mối tình đơn phương khoắc khoải. Tình trạng đó kéo dài đúng một năm thì hai đứa tụi nó làm đám cưới. Ngày vui của bạn, tui chạnh thấy vừa buồn vừa tủi. Cùng là con người như nhau cả, sao ông Trời lại ưu ái dành cho bạn những gì tốt nhứt, đẹp nhứt. Còn tôi, số phận cứ mãi đen đủi, hẩm hiu? Khách tỏ vẻ xúc động khi nghe những lời gan ruột. Mười Túc nói bằng giọng rè rè: - Đám cưới tổ chức giữa rừng đơn giản mà vui, có cả cán bộ trung đoàn xuống dự. Ấy là, tui nghe mấy đứa đi dự về kể lại chớ tui đâu tham gia. Thấy bạn bè hạnh phúc chỉ càng thêm tủi. Tối đó, tui giả bộ đau bụng, nằm trên võng và than thân trách phận với bầy muỗi đói. Khi Hường cấn thai thì cũng là lúc chúng tôi được lệnh chi viện cho mặt trận Miền Đông. Mưa bắt đầu nhẹ hột nhưng bầu trời vẫn tối tăm như lúc nửa đêm, kèm theo là những cơn gió giật. Thời tiết xấu như vầy chẳng ai dám mạo hiểm đưa thuyền ra sông. Khách im lặng, cầm gậy ấn mạnh tạo thành những vết lõm nham nhở trên nền đất nhão. - Nghĩ lại, mình đã trách oan cho ông Trời. So với đồng đội, tôi còn hên lắm. Chiến trường khốc liệt, bom rơi, đạn nổ như trấu ném, người chết như rạ, tui chẳng suy suyển gì. Có lần pháo nổ ngay cửa hầm cả tiểu đội chết sạch chỉ chừa lại mỗi mình tui. Hành quân, bị pháo 130 li rót xuống giữa đội hình, tui chỉ bị hất ra xa còn tất cả thì lãnh đủ. Chỉ một lần duy nhứt bị mảnh rocket phang ngay cổ, nếu không có máu của thằng Kiên chắc tui ngỏm củ tỏi từ khuya rồi. Bữa đó, nó hiến ba đơn vị máu, kim vừa rút ra nó té xỉu liền tại chỗ. Tui nợ bạn bè món nợ thứ nhứt.. Đoạn, Mười Túc ngước đôi mắt buồn thảm nhìn khách: - Nợ, tất nhiên là phải trả. Nhưng cũng có những món nợ mà suốt đời ta không sao trả nổi phải không ông bạn? Khách đưa cánh tay co rút choàng qua vai Mười Túc như đôi bạn thân tình rồi cất giọng thì thào vừa đủ nghe: - Anh không nên bị ám ảnh hoài những chuyện như vậy. Trong hoàn cảnh đó không ai có thể làm khác. - Giọng điệu của ông chẳng khác thằng Kiên! Khách im lặng, mặt cúi gầm xuống đất. Chợt nhớ tới chai rượu, Mười Túc bèn lôi ra đãi khách. Mười Túc rót rượu vào cái nắp chai xoay vài vòng kính cẩn, miệng lẩm nhẩm mấy câu:” Kiên ơi, mày sống khôn, thác thiêng hãy về đây uống với tao chung rượu lạt..”. Rồi rưới rượu lên mặt đất. Sau đó mới bắt đầu mời khách: - Mỗi khi uống rượu tui đều mời nó. Chúng ta đều là những người lính, xin mời anh một ly. Xoay hai tua, Mười Túc tiếp tục câu chuyện: - Tánh khí thằng Kiên lạ lắm. Lúc xung trận nó câm như hến, mặt tái lại như đổ chàm. Nòng súng khạc đạn, răng cắn chặt vào nhau đến tóe máu, bom đạn bay vèo vèo mà nó cứ nhắm mắt lao đại lên phía trước không màng đến sống chết. Nhưng khi tan trận miệng nó như nở hoa, cười nói huyên thuyên. Khi hay tin Hường sanh con gái, Kiên chạy giáp vòng đơn vị, gào lên như con nít, lại còn chế hẳn một bài vọng cổ:” Con ơi, hãy ngủ cho ngoan để cha yên lòng dấn thân nơi chiến trận..để ngày mai non nước sẽ huy hoàng..”. Kể từ giây phút đó hễ mở miệng là Kiên chỉ nhắc đến con, ăn nhắc tới con, ngủ nhắc tên con, thậm chí khi choảng nhau chí tử nó cũng không ngớt gọi tên con. Nếu có giải thưởng ghi nhận tình yêu thương con trẻ của người cha, Kiên xứng đáng được trao giải nhứt. Mười Túc bỗng đặt ly rượu xuống, mắt rưng rưng: - Một người cha tốt như thế, mà ông Trời lại bắt phải chết thảm. Kiên hy sinh trong đợt giội bom na pan như trút của Mỹ, đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy xác. Mười Túc không nói nữa mà uống như người sắp chết khát. Khách nhấp từng ngụm nhỏ và tỏ vẻ quan tâm đến câu chuyện: - Vợ con anh Kiên hiện giờ.. Người đàn bà đang nhơi trầu cạnh đấy bỗng vọt miệng: - Sao hỏi đúng người quá vậy. Họ hiện giờ là vợ, là con của thằng Mười Túc đây nè! Khách giật thót người. Đôi đồng tử tưởng chừng lồi ra khỏi hai hốc mắt. Mười Túc bỗng đưa tay đấm ngực thùm thụp: - Tui là thằng bạn tồi đang tâm cướp vợ con bạn thân, người đã cứu sống mình. Tui mang thêm món nợ thứ hai. Mười Túc rũ người như tên tội đồ trước vành móng ngựa: - Nhiều đêm nằm mơ, tui thấy thằng Kiên mang thân hình bê bết máu me đứng cạnh chỗ tui nằm. Nó trách tui là thằng lọc lừa, phản bạn. Tui vừa khóc, vừa phân bua hết lời mà nó chẳng thèm nghe, thậm chí còn nguyền rủa tui sẽ gặp báo ứng.. Mười Túc run rẩy rít vài hơi thuốc lá. Giọng nói đã bắt đầu kéo nhựa: - Thật tình, tui có tình ý với Hường. Nhưng tui đâu phải là kẻ rắp tâm hại bạn để chiếm đoạt vợ con. Tui đến với Hường ngoài tình yêu còn có lương tâm và trách nhiệm. Trách nhiệm với người đang sống và người đã chết. Thật ra chúng tôi đến với nhau là do sự sắp đặt của người lớn. Bởi trong thâm tâm Hường không tin Kiên đã hy sinh. Cổ cứ khăng khăng, sống phải nhìn thấy người. Chết phải tìm thấy xác. Thế là Tui và Hường đã cất công lặn lội từ Nam chí Bắc, từ nghĩa trang này đến trại điều dưỡng nọ, mòn vẹt hàng chục đôi dép nhưng vẫn không tin tức gì. Công việc mò kim đáy bể kéo dài suốt nhiều năm ròng rã. Vậy mà, hễ nghe phong thanh có chuyện gì liên quan đến hài cốt, người mất tích, Hường lập tức lên đường, bất kể đêm hay ngày, mưa hay nắng. Tiền bạc, thời gian, sức khỏe đã cạn dần trên cuộc hành trình vô vọng. Cuối cùng, dì Tám, má thằng Kiên đành phải thuyết phục cô con dâu đừng hoài công vô ích nữa mà hãy chấp nhận thực tại, yên ổn sinh sống, làm ăn đặng mà nuôi con. Hường bất đắc dĩ phải nghe theo chớ trong lòng vẫn canh cánh về người chồng tài hoa bạc mệnh. Đích thân dì Tám đứng ra tổ chức đám cưới cho hai đứa chúng tôi. Lễ cưới đơn sơ nhưng đầy ắp nghĩa tình, bạn bè đứa nào còn sống đều đến dự đông đủ. Chúng tôi đã mặc niệm vài phút tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh, những người còn trôi dạt phương trời nào đó. Thú thật với ông, lấy được Hường không chỉ là niềm vui vô bờ bến mà còn xuất phát bằng tấm lòng, bằng trách nhiệm. Tôi dám chắc rằng ngoài Kiên ra trên đời này không có ai yêu thương và hiểu mẹ con cổ bằng Mười Túc này. Tui muốn thay bạn thân chăm sóc mẹ con cổ chu đáo, tôi muốn trả món nợ ân tình đeo đẳng. Khách cảm động nói: - Anh đã hành động như người bạn tốt, người lính thật sự. Với tình cảm chân thành của anh, tôi tin họ sẽ sống hạnh phúc. Rồi sau đó.. Mười Túc trầm ngâm: - Chúng tôi chung sống cùng một mái nhà, cùng gọi dì Tám là má. Kiên đã hy sinh, má Tám dồn tất cả tình thương cho những người còn lại. Có được người mẹ phụng dưỡng sớm hôm tôi cảm thấy lòng bớt đi những băn khoăn, day dứt đeo đẳng mãi trong lòng. Tiếc thay, tôi không có diễm phúc được chăm sóc má lâu hơn. Sau cơn bạo bệnh, má Tám âm thầm ra đi vào một đêm trăng non tháng chạp. Chiểu theo ý nguyện của má, chúng tôi đưa má đi hỏa táng. Tro cốt gởi lại chùa, sớm hôm nghe tiếng mõ, lời kinh đặng mau siêu thoát.. Khách quay mặt đi che giấu thủy triều cuồn cuộn trong ánh mắt, răng cắn chặt vào nhau đến tóe máu. Tiếng Mười Túc nghèn nghẹn hòa lẫn với tiếng mưa gõ nhịp trên mái lá. Khách lập cập chống gậy bước ra mép nước, vểnh tai lắng nghe tiếng chuông chùa từ bên kia bờ sông vọng sang. - Ngày đưa tiễn má Tám về nơi yên nghỉ cuối cùng, họ hàng cô bác, bạn bè đều đủ cả, chỉ thiếu mỗi thằng Kiên. Chúng tôi đã hứa với nhau, sẽ tìm cho được hài cốt bạn bè về lại nơi chôn nhau cắt rốn. Khách trở lại chỗ ngồi, đón lấy ly rượu từ tay Mười Túc và uống cạn. Mười Túc cầm cả chai mà tu. Rượu sắp hết rồi. - Tui hiếm khi uống nhiều như vầy. Sức khỏe của tui dạo này không được tốt. Chứng sốt rét kinh niên và những mảnh đạn trong người vẫn luôn hành hạ tui những lúc trái gió, trở trời. Hường bảo tui nếu kiêng được thứ gì thì nên kiêng. Nhưng mọi việc với tôi sao khó quá. Tui là gã đàn ông thiếu bản lãnh. Từ ngày lấy nhau Hường rất ít khi nhắc đến Kiên. Tôi hiểu, chẳng qua cổ sợ tui bị tổn thương mà thôi, chớ trong lòng vẫn không nguôi thớ đến người chồng cũ. Tui cũng nhớ Kiên. Cả hai chúng tôi sống vì một người... - Đứa con? Mười Túc khẽ gật đầu. Đôi mắt u tối bỗng rực sáng như ngọn hải đăng: - Đúng vậy. Đó là một cô bé xinh xắn và đáng yêu nhứt thế gian. Nói không phải để khoe, tui dám chắc rằng bất kỳ một ai có trái tim bằng đá cũng phải rung động trước vẻ đẹp hồn nhiên, thánh thiện của nó. Tui tự hứa với lòng, phải đem đến cho nó một cuộc sống giàu sang, sung sướng để bù đắp những mất mát mà nó phải hứng chịu. Con gái giống cha giàu ba họ. Khách tỏ vẻ xúc động, đôi tay cứ huơ huơ nột cách vô thức. Hai nấm mồ bừng sáng ánh lân tinh: - Anh nói sao, cô bé giống cha? Mười Túc gật đầu: - Giống lắm, giống như tạc. Giống đến nỗi mỗi khi nhìn cháu, tui lại nhớ đến thằng Kiên. Từ gương mặt, tướng đi đến tánh tình, thậm chí nó ca cải lương cũng muồi như ba của nó. Câu chuyện xoay quanh cô bé tên Trang khiến hai người đàn ông bỗng xích lại gần nhau hơn. Bầu không khí nặng nề, u ám được ngón gió trong lành, mát rượi cuốn đi từ lúc nào. Khi Mười Túc kể đến đoạn bé Trang bị té từ cây chùm ruột xuống đất, khách nhăn mặt xuýt xoa tỏ vẻ đau đớn lắm. Mười Túc khề khà: - Thiệt ra, lúc đầu con bé không chấp nhận tui, thậm chí còn khinh ghét ra mặt. Nó cằn nhằn với nội, rước người lạ vào nhà làm chi. Tui nói với cháu, chú không phải là người dưng mà là người một nhà. Nó nung nẩy bỏ đi, tui với chú quen hồi nào vậy? Không biết, từ nay hễ có chú là không có tui.. Mười Túc bật cười một mình: - Con nhỏ thiệt là bướng bỉnh giống hệt cha của nó. Kể từ lúc đó, hễ tui có mặt trong nhà là nó bỏ ra ngoài. Tối đến, nó nằng nặc đòi ngủ chung với mẹ, đuổi tui ra nhà trước. Và nhứt định không chịu gọi tui là ba, cho dù bà Nội và Hường đã dùng hết mọi cách, từ thuyết phục đến phân tích từng lời lẽ thiệt hơn, rồi đến biện pháp mạnh là dùng roi vọt nhưng vẫn không sao lay chuyển được con nhỏ. Nhìn những vết roi hằn trên mông nó mà tui muốn rơi nước mắt. Chẳng trách con nhỏ được, trong tâm khảm của nó, hình ảnh của Kiên là đẹp nhứt, vĩ đại nhứt không ai có thể thay thế được.. Trong nhà chờ đò có thêm vài người. Mười Túc mãi đắm chìm trong triền miên ký ức: - Tui xin vào làm bảo vệ tại hợp tác xã. Từ chỗ làm việc cách trường học của bé Trang không xa. Tiện đường, tui lò dò đến trường đón cháu về luôn một thể. Tui đứng nấp sau cửa sổ, nhìn cháu chăm chú làm bài, bím tóc đen nhánh thả dài xuống lưng mà rưng rưng xúc động. Nó lớn nhanh như thổi. Tan trường, cháu cùng bạn học bước nhanh ra cửa. Trông thấy tui, mấy đứa bạn khều vai nó nói khẽ: - Ba bạn tới rước bạn về kìa! Sướng quá ha! Con bé trừng mắt nhìn tui: - Chú mà tới đây lần nữa, tui nghỉ học luôn cho biết! Tui cười cười như biết lỗi: - Chú hứa! Cháu lên xe chú chở về nhà. - Con bé nhứt định không chịu. Thế là, tui đành phải xuống xe đi bộ với nó. Đường xa khó đi, người lành lặn còn mệt đến thở hơi tai huống hồ một kẻ tật nguyền như tui. Cuối cùng con nhỏ cũng đồng ý lên xe, sau khi chắc chắn tui không lặp lại lần thứ hai. Mười Túc cười khà một tiếng: - Nhưng rồi mưa dầm cũng thấm đất, tình cảm chân thành của tui cũng khiến con nhỏ nghĩ lại, nó thân thiện hơn với tui, tuy nhiên giữa hai chú cháu vẫn còn khoảng cách không dễ dàng san lấp một ngày một buổi. Cho đến một hôm.. Mười Túc rít hơi thuốc lá một cách tham lam, mắt mơ màng theo hồi ức xa xăm: -..Bữa đó, trời đất bỗng lên cơn bão bùng. Chuyến đò đưa bé Trang thi tốt nghiệp tiểu học trên đường trở về, ra đến giữa dòng bỗng bị cơn sóng dữ nhận chìm. Lúc ấy, tui cũng đang trên đường ra bến đón con, vừa nghe tiếng kêu cứu, tui lập tức lao xuống dòng nước hung hãn như con ác thù sút chuồng. Tui tuy tật nguyền nhưng bơi lội rất giỏi, thậm chí thanh niên trai tráng lành lặn còn thua xa. Cứu được năm đứa nhỏ cũng là lúc sức lực trong người tui đã cạn, phó mặc cho nước cuốn trôi đi...Bé Trang đã chạy dọc theo bờ sông, vừa khóc, vừa gào lên khản hơi. Nó gọi như vầy: - Ba ơi, đừng chết nghe ba. Ba hãy về với con, với má. Con thương ba lắm! Kể đến đây, Mười Túc rơi những giọt nước mặt hạnh phúc: - Số tui coi vậy chớ sống dai như đỉa, chiến tranh bom đạn còn không làm gì được tui nữa là. Tui bị vướng vào bụi ô rô. Và Thần Chết lại một phen tức tối trở về với tay không. Nghe được những lời chân thành của con trẻ, tui bỗng khóc ngất lên vì sung sướng. Tui lóp ngóp trèo lên bờ. Hai cha con ôm chầm lấy nhau khóc muồi mẫn. Nó nói: - Con có hai người cha. Cha nào cũng tốt. Khách cũng không ngăn được xúc cảm, nắm tay Mười Túc siết mạnh: - Anh thật sự là người chồng, người cha tốt. Biết được điều này, người chết chắc chắn sẽ ngậm cười nơi chín suối. Mười Túc đột ngột hỏi khách: - Lúc nảy, ông có nhắc tới Kiên. Vậy ông với bạn tui quen biết như thế nào? - Chúng tôi chỉ tình cờ quen nhau, lâu rồi. Thời còn ở chiến khu D. Mười Túc gật gù: - À, thì ra là vậy. Chắc ông đã lập gia đình? Khách ngồi yên bất động như tượng. Lúc sau cất giọng trầm buồn: - Vâng, nhưng đã nhiều năm, tôi chưa gặp lại người thân.. Khách bỏ dở câu nói giữa chừng. Mười Túc thở khí một cái như trút những ưu tư, phiền toái trong lòng: - Chiến tranh thật tàn ác. Thôi, chúng ta hãy cố quên đi chuyện cũ. Xin mời cạn ly vì cuộc gặp gỡ tình cờ, vì những người đã hy sinh, vì những gì còn, mất trên cuộc đời này. Khách mấp máy môi như muốn nói điều gì đó nhưng lại. Mưa đã tạnh, bầu trời trở nên thoáng đãng như chiếc gương khổng lồ được bàn tay chăm chút lao chùi. Chuyến đò từ bờ bên kia sông đang nhích dần về phía bên này. Trên mũi đò xuất hiện cô bé khoảng mười hai, mười ba tuổi, tóc thắt bím, xinh xắn trong chiếc áo thêu hoa, tay phải cầm chiếc dù gấp lại màu xanh lá mạ. - Ba ơi! Không ai bảo ai, cả hai người đàn ông cùng đứng lên, cùng bước ra sát mép nước. Đò chưa cập bến, cô bé đã nhảy xuống, ôm chầm lấy Mười Túc: - Ba đi lâu quá, ở nhà con lo muốn chết! Mười Túc đặt bàn tay to bè, thô ráp lên vai cô bé, giới thiệu với khách: - Con gái của tui đây. Chào bác đi con. Con bé có vẻ sợ sệt, Mười Túc nói: - Bác đây đã từng chiến đấu như ba và ba Kiên của con. Bom Mỹ đã khiến bác ấy tàn tạ như vầy đó, con có hiểu không? Cô bé khẽ gật đầu, đôi mắt tròn xoe như hai trái nhãn, vòng tay, cúi đầu chào khách. Giọng nói hồn nhiên, thánh thót tựa tiếng chim buổi sớm: - Bác cũng đi bộ đội nhứt định bác phải quen với ba cháu rồi? Khách gật đầu máy móc, toàn thân run rẩy như chiếc lá cuối mùa, nếu không có chiếc gậy trên tay khách đã khuỵu xuống rồi. Cô bé vẫn tiếp tục liến thoắng: - Cháu biết ngay mà! Tài giỏi như ba Kiên ai mà không biết, có phải vậy không bác? Vậy bác đã từng nghe ba Kiên ca giọng cổ chưa? Khách gật đầu, gương mặt sần sùi nhòe nước. Đột nhiên khách quỳ xuống, ôm chặt cô bé hôn tới tấp như mưa: - Con ơi! - Sao bác lại kêu cháu là con? Khách bối rối lấy tay quệt nước mắt. Mười Túc thở dài: - Bác ấy cũng có một đứa con trạc tuổi, lâu ngày không gặp.. - À, ra vậy. Cháu cũng hôn bác nhá? Cô bé đặt nụ hôn xinh xắn lên gương mặt biến dạng. Khách lật đật đứng lên, lấy con búp bê ấn vào tay cô bé: - Bác tặng cháu. Cháu đừng phụ công ơn sanh thành dưỡng dục, cố học hành thật giỏi, nghen. Cô bé mừng rỡ, cám ơn rối rít. Chuyến đò chiều từ từ rời bến, khách đứng trông theo, bàn tay vẫy vẫy đến khi con đò cập bến bờ bên kia. - Con ơi, hãy tha thứ cho ba. Ba không thể về với con được. Khách thốt lên trong nấc nghẹn rồi chống gậy hướng ra bến xe liên tỉnh. Đây là chuyến xe cuối cùng trong ngày. Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 9 năm 2003 HẾT