Cho đến tận phút cuối cùng, A-lếch-xan cũng chưa nhìn thấy sự thất bại. Ngày 12 tháng 6, khi những tin tức của trận Han-béc bay về Tin-dít báo tin trận đánh đã kết thúc với những tổn thất nặng nề và quân Nga đã phải rút lui thì Công-xtăng-tin, em hoàng đế A-lếch-xan, đã dùng những lời lẽ rất mạnh thúc giục Nga hoàng nên điều đình ngay với Na-pô-lê-ông. Công-xtăng-tin thưa rằng: "Tâu hoàng thượng, nếu hoàng thượng không muốn giảng hòa với nước Pháp thì hoàng thượng hãy phát cho mỗi binh sĩ một khẩu súng ngắn nạp sẵn đạn và ra lệnh cho họ tự bắn vào đầu họ, hoàng thượng cũng sẽ thu được kết quả giống như việc hoàng thượng muốn đánh một trận cuối cùng khác, trận đó tất nhiên sẽ mở cửa cho quân đội Pháp tràn vào đất đai của hoàng thượng". A-lếch-xan không muốn nghe gì hết. Ông ta rời Tin-dít, đến gặp các lực lượng dự bị cuả quân Nga vào chiều ngày 14 tháng 6 tức là đúng vào lúc quân Nga bị chết chìm trong sóng nước sông An-le ở Phrít-lan, và sáng ngày 15, những tin tức đầu tiên về cuộc thất bại bắt đầu về tới Tin-dít: người ta được biết rằng một phần ba đội cận vệ của quân Nga đã bị tiêu diệt ở Phrít-lan sau một trận chiến đấu anh dũng, Ben-nít-xen đã mất trí và không biết làm thế nào cả. Tiếp theo những tin đồn đại là tin chính xác hơn: ở Phrít-lan, quân đội Nga đã bị thất bại khủng khiếp, không kém gì ở Au-xtéc-lít năm 1805, Na-pô-lê-ông và đại quân có thể tràn ngay vào nước Nga. Bộ tổng chỉ huy quân Nga hoảng loạn. Đê-ni Đa-vi-đốp, người chiến sĩ du kích nổi tiếng năm 1812, viết về tình trạng quân đội Nga sau trận Phrít-lan như sau: "Ngày 18 tháng 6, tôi đến đại bản doanh thấy nhốn nháo một lũ người tạp nham: Anh, Thụy Điển, Phổ, bảo hoàng Pháp, các viên chức hành chính và quân sự Nga, tư sản, những nhân vật không biết gì về công tác quân sự cũng như tất cả các công việc khác, bọn ăn bám, bọn âm mưu, nói tóm lại đó là nơi họp chợ của bọn đầu cơ chính trị và quân sự, chúng giãy giụa trước sự đổ vỡ của bao nhiêu hy vọng bao nhiêu chương trình và bao nhiêu mưu mô của chúng. Tất cả bọn chúng đều nơm nớp lo sợ, dường như chỉ trong nửa giờ nữa là đến ngày tận số của loài người". Ben-nít-xen đề nghị A-lếch-xan cho phép một hiệp ước đình chiến. Lần này, A-lếch-xan đành cam chịu... Na-pô-lê-ông chấp nhận những đề nghị đó ngay khi vừa tiếp được. Ông ta cũng không còn lý do gì để tiếp tục chiến tranh với Nga, vì muốn tiến hành một cuộc chiến tranh như vậy thì phải mưu tính một cuộc chuẩn bị hoàn toàn khác. Nước Phổ đã bị quy phục và nước Nga có thể chấp thuận thực hiện phong tỏa lục địa và như vậy là Nga sẽ đi theo đường lối chính trị của Na-pô-lê-ông. Lúc này, Na-pô-lê-ông chỉ cần ở A-lếch-xan có thế mà thôi.Ngày 22 tháng 6, A-lếch-xan cử tướng bá tước Lô-ba-rốp Rô-tốp-xki đến gặp Na-pô-lê-ông ở Tin-dít, nơi hoàng đế Pháp đóng bản doanh sau khi rời Phrít-lan. Na-pô-lê-ông mở cuộc hội đàm với Lô-ba-nốp; vừa tiến sát đến cái bàn trên trải một tấm bản đồ, và vừa chỉ sông Vi-xtuyn, Na-pô-lê-ông vừa nói rằng: "Đây là biên giới của hai đế quốc, bên này là hoàng đế của ông trị vì, bên kia là tôi". Nói như vậy là Na-pô-lê-ông đã để lộ ra ý định thủ tiêu nước Phổ và chia cắt nước Ba Lan. Lúc này, A-lếch-xan đang ở Sáp-li. Trong những ngày khủng khiếp chờ đợi Lô-ba-nốp ký hiệp ước đình chiến trở về, A-lếch-xan đã sống lại những ngày qua sau trận Au-xtéc-lít, và còn khốn khổ hơn thế nữa. Vì chỉ trong một tuần rưỡi là Na-pô-lê-ông có thể tới Vin-nô. "Chúng ta bị tổn thất ghê gớm về sĩ quan và binh lính: tất cả các tướng lĩnh của chúng ta, và trước hết là những vị tướng giỏi đều đã bị thương hoặc đau ốm - A-lếch-xan thú nhận như vậy - tất nhiên, rồi đây nước Phổ sẽ lâm vào cảnh gay go, nhưng có những lúc trước hết ta cần phải suy nghĩ đến việc bảo tồn mình và chỉ nên tuân theo một nguyên tắc duy nhất là: quyền lợi của quốc gia". Sự quan tâm "bảo tồn mình", như A-lếch-xan đã bày tỏ trong câu chuyện với hoàng thân Cu-ra-kin ở Sáp-li, đã buộc A-lếch-xan phải thay đổi về căn bản đường lối trong 24 tiếng đồng hồ; sau khi nhận được tin về Phrít-lan phải quyết định đình chiến và nếu cần, còn phải liên kết với Na-pô-lê-ông chuyển hướng bất ngờ ấy của nước Nga mà nước Phổ có vĩnh viễn mất đi hay chỉ còn lại một mảnh thì đó chỉ là vấn đề phụ. Các triều thần tập hợp quanh Sa hoàng ở Sáp-li, run như cầy sấy, chỉ sợ đội tiền vệ của Na-pô-lê-ông tập kích tới. Khi được tin Na-pô-lê-ông ưng thuận đình chiến và ký hòa ước A-lếch-xan và quần thần lại hoan kỉ cuống cuồng. A-lếch-xan đệ nhất lập tức ra lệnh báo cho Na-pô-lê-ông hay tin rằng Nga hoàng khao khát mong muốn có sự liên minh chặt chẽ với Na-pô-lê-ông, và chỉ có sự liên mình Pháp - Nga mới có thể đem lại hạnh phúc và hòa bình cho thế giới. Sau khi phê chuẩn hiệp định đình chiến, A-lếch-xan ngỏ ý muốn hội kiến riêng với Na-pô-lê-ông. A-lếch-xan không thể nào trì hoãn việc giải thích cho Phri-đrích Vin-hem đệ tam, người mà cho đến phút cuối cùng vẫn còn tin vào tình hữu nghị của A-lếch-xan. Nga hoàng đã giải thích cặn kẽ và vua Phổ đã xin đình chiến với Na-pô-lê-ông. Vua Phổ định cử thượng thư Ha-đen-be, người giàu lòng yêu nước, đến đại bản doanh của Na-pô-lê-ông ở Tin-dít. Nhưng Na-pô-lê-ông nổi khùng ghê gớm khi người ta đọc đến tên Ha-đen-be ông ta giậm chân và hét lên đến nỗ người ta không dám nói đến Ha-đen-be nữa. Người ta báo vua Phổ hiểu rõ là nhà vua sẽ bị đối xử một cách không khoan nhượng. Ngày 25 tháng 6 năm 1807, lần đầu tiên hai vị hoàng đế gặp gỡ nhau. Để A-lếch-xan không phải qua bên bờ sông phía quân Pháp, bởi lẽ quân Pháp đã chiếm được sông Ni-ê-men, cũng như Na-pô-lê-ông không phải qua bên bờ phía quân Nga, người ta đã cắm ngay ở giữa lòng sông một cái bè trên dựng hai cái lều lộng lẫy. Tất cả đội cận vệ của Na-pô-lê-ông xếp hàng dọc ở bờ sông bên này, và trên bờ sông bên kia là đội cận vệ của A-lếch-xan với số lượng ít hơn. Đê-ni Đa-vi-đốp được chứng kiến sự kiện lịch sử ấy và bài tường thuật của ông đã làm sống lại trong đầu óc chúng ta cái cảm tưởng của những người đã tham dự cuộc hội kiến ở Tin-dít và chẳng có sử gia nào có thể viết hơn được. "Chúng ta sắp được mắt thấy vị tướng vĩ đại, nhà chính trị, vĩ đại, nhà làm luật, nhà cai trị và người đi chinh phục, người mà sau khi đã đè bẹp... những quân đội của toàn châu Âu và hai lần đè bẹp quân đội Nga. Chúng ta sắp được thấy con người có tài khuất phục tuyệt đối được tất cả những ai mà người ấy cần gặp, và có trí thông minh kỳ lạ...""... Tới bờ sông, chúng ta thấy Na-pô-lê-ông cưỡi ngựa, tay cương thả lỏng, đi giữa hai hàng rào cựu vệ binh của ông ta. Tiếng hoan hô, tiếng reo như sấm quanh ông ta và inh ỏi vang sang bờ bên kia: quân hộ tổng và tùy tùng Na-pô-lê-ông ít nhất cũng tới 400 kỵ binh... Trong giờ phút này, cảnh tượng vĩ đại đã trùm lên mọi tình cảm khác... Mọi con mắt đều quay nhìn và đổ dồn sang bờ bên kia, sang chiếc thuyền chở con người phi thường đó, người tướng mà chưa bao giờ người ta được trông thấy hoặc được nghe nói kể từ thời A-lếch-xan đại đế và Giuyn Xê-da đến nay, con người đã trội hơn A-lếch-xan đại đế và Giuyn Xê-da biết bao nhiêu về thiên tài nhiều mặt và về vinh quang do tự mình tạo nên bằng cách khuất phục nhiều dân tộc có trình độ văn minh và văn hóa cao nhất". Vì lý do kiểm duyệt nên Đê-ni Đa-vi-nốp không thể nhắc lại trong hồi ký những cảm giác không phải chỉ của riêng ông mà là của đa số sĩ quan Nga về A-lếch-xan trong ngày hôm đó; theo lời Đa-vi-lốp thì A-lếch-xan "che giấu nỗi xúc động bằng một sự bình tĩnh giả tạo". Tuy nhiên, chúng ta sẽ hiểu thêm về A-lếch-xan qua những bằng cớ sau đây. Trong giới quân sự Nga, người ta luôn luôn coi hòa ước Tin-dít là sự kiện còn nhục nhã hơn cả những trận thất bại ở Au-xtéc-lít hoặc ở Phrít-lan. Và về điểm này, quan niệm của tầng lớp quý tộc tự do trẻ tuổi của thế hệ sau này đều thống nhất với quan niệm của những người đã trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh đó. Trong một bài thơ của Pu-skin (1824), A-lếch-xan gặp lại Na-pô-lê-ông trong giấc mộng: "Na-pô-lê-ông xuất hiện Hệt như khi quét những đạo quân phương Bắc Trên chiến trường Au-xtéc-lít xa xôi, Lúc người Nga học chạy để giữ lấy sống còn. Và Na-pô-lê-ông còn xuất hiện, Hệt như kho ở vùng Tin-dít, Với bàn tay của người chiến thắng Na-pô-lê-ông hiến dâng Hòa bình và hổ nhục Cho vị Sa hoàng trẻ tuổi"Chỉ sau Cách mạng, người ta mới dám in nguyên văn những câu thơ đó, cho trong hầu hết những lần xuất bản trước người ta đã in ra những câu thơ đã sửa lại cho nhẹ đi ("Hòa bình hay hổ nhục") và làm sai lạc cả tư tưởng Pu-kin. Dù sao chăng nữa, khát vọng của A-lếch-xan đã được thực hiện không khó khăn, khổ sở như ông ta đã tưởng. Ngay khi hai vị hoàng đế cùng bước xuống mảng, Na-pô-lê-ông ôm choàng lấy A-lếch-xan và cả hai đều bước vào một nhà lều rồi bắt đầu hội đàm ngay với nhau trong gần hai tiếng đồng hồ. Cả hai vị hoàng đế không ai kể lại tỉ mỉ cuộc gặp gỡ, nhưng bọn tùy tùng đứng ngoài đã tiết lộ ra một vài câu chuyện và đương nhiên là nội dung chính của cuộc hội đàm này được ghi lại trong bản hòa ước sẽ ký trong mấy ngày sắp tới. Na-pô-lê-ông hỏi: "Tại sao hai nước chúng ta đánh nhau? " A-lếch-xan nói: " Thưa ngài, tôi căm ghét người Anh cũng như ngài... Tôi sẽ là trợ thủ của ngài chống lại nước Anh". "Nếu như vậy thì hòa ước đã ký rồi", Na-pô-lê-ông đáp. Suốt trong thời gian hai vị hoàng đế hội đàm với nhau trên mảng, vua Phổ trú ở bên bờ sông Ni-ê-men phía quân Nga, luôn luôn hy vọng người ta sẽ mời cả mình đến nữa. Mãi đến ngày hôm sau, Na-pô-lê-ông mới để cho vua Phổ vào với cương vị là người thứ ba và đối xử với vua Phổ một cách khinh miệt nhất. Lúc chia tay, hoàng đế Pháp mời hoàng đế Nga ăn trưa, không mời vua Phổ và bỏ đi sau khi chỉ hơi khẽ gật đầu chào vua Phổ. Ngày 26 tháng 6, theo lời yêu cầu của Na-pô-lê-ông, A-lếch-xan qua sông sang Tin-dít, và từ đó hai người gặp nhau hàng ngày. Lúc đầu, Na-pô-lê-ông không cho một vị bộ trưởng nào của mình có mặt trong cuộc hội đàm. Na-pô-lê-ông nói với A-lếch-xan: "Tôi sẽ là thư ký của ngài và ngài sẽ là thư ký của tôi". Ngay từ lời phát biểu đầu tiên của Na-pô-lê-ông người ta đã nhìn thấy tình cảnh nước Phổ thật đáng tuyệt vọng biết bao nhiêu. Na-pô-lê-ông đề nghị rất giản đơn việc phân chia như sau: A-lếch-xan sẽ lấy tất cả phần phía. dòng sông Vi-xtuyn, còn Na-pô-lê-ông lấy tất cả phần phía tây, Na-pô-lê-ông không thèm nói chuyện cả với vua Phri-đrích Vin-hem và trong những trường hợp hãn hữu mà ông ta cho phép Phri-đrích Vin-hem đến gần, ông ta nói chuyện công việc thì ít nhưng chửi mắng sỉ nhục thì nhiều. "Một ông vua nhơ nhuốc, một quốc gia nhơ nhuốc, một quân đội nhơ nhuốc, một cường quốc lừa dối người và không đáng tồn tại", đó là lời phát biểu của Na-pô-lê-ông với A-lếch-xan về bạn của A-lếch-xan, về con người mà Nga hoàng có lúc thề thốt kết nghĩa đồng minh và tình hữu hảo đời đời trước di hài của Phri-đrích Vin-hem đệ nhị. A-lếch-xan chỉ vừa trả lời bằng nụ cười mơn trớn và xã giao vừa yêu cầu hoàng đế Pháp rằng, ngoài tất cả những điều mà người Pháp có thể trách Phổ thì cũng nên để lại một cái gì của nước Phổ.Vua Phổ khiếp sợ, sẵn sàng làm tất cả mọi việc, thậm chí còn lợi dụng cả đến sắc đẹp của vợ mình: ông ta cho triệu gấp hoàng hậu Lu-i-dơ, vốn đẹp có tiếng, đến Tin-díp. Chính Lu-i-dơ là người mà ngay từ thời kỳ đầu cuộc chiến tranh với nước Phổ đã bị Na-pô-lê-ông coi như kẻ thù và đã ra lệnh công kích một cách thô bỉ trên báo chí. Tuy nhiên, trong triều đình Phổ, người ta nuôi hy vọng rằng cuộc hội kiến thân mật với người đàn bà có sắc đẹp quyến rũ đó sẽ có thể làm dịu được trận lôi đình của kẻ chiến thắng tàn nhẫn, và người ta vội vã thì thầm kế hoạch với hoàng hậu, nhưng dù sao họ cũng không quá trông cậy vào đó, bởi người ta đã biết Na-pô-lê-ông ít bị đàn bà làm lung lạc, ngay cả đối với những người mà Na-pô-lê-ông say mê. Cuộc hội đàm được bố trí ở lâu đài Tin-dít. Hoàng hậu có nhiệm vụ phải cố gắng thu hồi lại ít nhất là vùng Mát-đơ-bua và một vài mẩu đất đai khác cho nước Phổ. Sau cuộc cưỡi ngựa đi dạo, Na-pô-lê-ông quay trở về lâu đài, bận bộ đồ đi săn, tay cầm roi ngựa, và được hoàng hậu, trong bộ triều phục lộng lẫy, ra tiếp đón. Cuộc mật đàm kéo dài rất lâu. Sau cùng, khi vua Phri-đrích Vin-hem không thể chịu đựng nổi được nữa tình trạng nhục nhã của mình dưới con mắt của bọn quần thần, đã liều mạng bước vào, cuộc hội đàm thân mật giữa hoàng đế và hoàng hậu bị cắt đứt lúc Lu-i-dơ chưa kịp thu hồi được gì... Sau này, Na-pô-lê-ông nói đùa với các thống chế của mình rằng: "Nếu vua Phổ vào chậm một chút thì chắc ta đã trả lại Mát-đơ-bua". "Nước Phổ cũ", xứ Pô-mê-ra-ni, Bran-đen-bua và Xi-lê-di được để lại cho nước quân chủ thuộc dòng Hô-hen-xon-le. Số còn lại, về phía đông cũng như phía tây, đều bị tước đoạt. Ngoài ra, Na-pô-lê-ông còn tìm cách giày xéo lên tinh thần tự hào dân tộc của nước Phổ bằng cách ghi trong điều 4 hiệp ước Tin-dít rằng, Na-pô-lê-ông hoàn lại bốn tỉnh đó cho nước Phổ vì "nể lời hoàng đế toàn nước Nga". Tất cả những đất đai Phổ về phía tây sông En-bơ đều bị sáp nhập với vương quốc Vét-xpha-li do Na-pô-lê-ông vừa mới thành lập, còn sáp nhập thêm cả đại công quốc Hét-sơ. Na-pô-lê-ông phong cho Giê-rôm làm vua Vét-xpha-li. Những đất đai Ba Lan tước được của Phổ (gồm tỉnh Pô-dơ-nan và Vác -sa-va) nay thành đại công quốc Vác-sa-va, và Na-pô-lê-ông chỉ định vua Xắc-xơ làm vua đại công quốc ấy. A-lếch-xan đệ nhất (do Na-pô-lê-ông yêu cầu) sáp nhập vùng Bi-ê-lốt-xtốc nhỏ bé vào đất đai của mình. Một hiệp ước liên minh tiến công và phòng thủ, tạm thời giữ bí mật, được ký kết giữa hai hoàng đế. Như thế là từ đó nước Nga gia nhập cuộc phong tỏa lục địa. Ngày 8 tháng 7 năm 1907, hoà ước Tin-dít được chính thức ký kết, nó là một cái nhục cho nước Phổ và cho toàn nước Đức. Hội hè và duyệt binh diễn ra liên tiếp ở Tin-dít cho tới đêm mồng 8 tháng 7. Suốt thời gian này, hai vị hoàng đế đều tỏ ra rất quyến luyến nhau, và Na-pô-lê-ông chú ý nhấn mạnh đến mức độ cao cả của mình đối với kẻ thù ngày hôm qua, nay đã trở thành đồng minh. Ngày 9 tháng 7, Na-pô-lê-ông và A-lếch-xan cùng đi duyệt đội ngũ cận vệ Pháp và nga, và sau khi hôn từ biệt nhau trước hàng quân và đông đảo quần chúng chen chúc trên bờ sông Ni-ê-mem, hai ông hoàng đế từ giã nhau. Trừ hai vị hoàng đế và những triều thần gần gũi nhất của họ ra, chưa một ai có thể biết được rằng trong mấy ngày diễn ra cuộc tiếp xúc ở Tin-dít tình hình thế giới đã thay đổi lớn lao.