Thời niên thiếu của Na-pô-lê-ông Bô-na-pác
Chương 1-Phần 1

Ngày 15 tháng 8 năm 1769, tại thành phố A-giắc-xi-nô thuộc đảo Coóc, Lê-ti-ti-a Bô-na-pác, 19 tuổi, vợ một người quý tộc địa phương làm nghề luật sư, đang đi ngoài phố bỗng thấy đau đẻ, vội rảo bước về nhà thì sinh được một đứa con trai. Lúc bấy giờ, quanh Lê-ti-ti-a không có ai nên đứa bé đã bị đẻ rơi. Thế là gia đình của Sác Bô-na-pác, một luật sư nghèo ở thành phố A-giắc-xi-ô, thêm một người. Sác Bô-na-pác quyết định cho con mình hấp thụ nền giáo dục Pháp chứ không phải nền giáo dục Coóc. Khi đứa bé lớn lên, gia đình đông người ấy không có đủ tiền cho con ăn học, Sác Bô-na-pác đã xin được học bổng cho con vào theo học ở một trường võ bị Pháp.
Đảo Coóc, sau nhiều năm thuộc về nước Cộng hoà Giên, đã nổi dậy dưới sự lãnh đạo của một địa chủ địa phương tên là Pao-li, và, năm 1755, đã đuổi được người Giên ra khỏi đảo. Lẽ dĩ nhiên, đó là một cuộc khởi nghĩa của tầng lớp tiểu quý tộc nông thôn và của nông dân được những người săn bắn, những người chăn cừu ở trên núi và dân nghèo ở một vài thành thị ủng hộ. Tóm lại, đó là cuộc khởi nghĩa của một dân tộc muốn thoát ra khỏi ách bóc lột hà khắc về thuế khoá và cai trị của một nước cộng hoà buôn bán. Cuộc khởi nghĩa thu được thắng lợi, và từ năm 1755, đảo Coóc sống độc lập dưới sự lãnh đạo của Pao-li. Những tàn dư của xã hội tộc trưởng vẫn còn mạnh (đặc biệt ở trong nội địa đảo). Thỉnh thoảng, các thị tộc lại giao tranh ác liệt và dai dẳng. Tệ tục "thù truyền kiếp" rất phổ biến, thường được kết thúc bằng những trận chiến đấu khủng khiếp.
Năm 1868, nước Cộng hoà Giên đã bán lại cho vua nước Pháp Lu-i XV "quyền hành của mình" ở Coóc-thực tế quyền hành ấy đã bị thủ tiêu-và mùa xuân năm 1869, quân đội Pháp đã đánh bại quân của Pao-li (việc này xảy ra vào tháng 5 năm 1869, ba tháng trước khi Na-pô-lê-ông ra đời). Đảo Coóc trở thành đất đai thuộc Pháp.
Như vậy, Na-pô-lê-ông đã sống những ngày thơ ấu trong một thời mà lòng dân đảo Coóc còn luyến tiếc nền độc lập chính trị đã mất đi một cách quá đột ngột, còn như một bộ phận của giai cấp địa chủ và tư sản thành thị thì tự nhủ rằng tốt hơn hết là hãy trở thành những thần dân trung thành và tự nguyện của nước Pháp. Bố Na-pô-lê-ông, Sác Bô-na-pác, thuộc phái "thân người bảo vệ đảo Coóc đã bị đưa đi đày, và căm ghét những người xâm lăng.
Ngay từ hồi còn nhỏ, Na-pô-lê-ông đã tỏ ra không nhẫn nại và nôn nóng. Sau này, khi ôn lại những kỷ niệm thời ấu thơ của mình, Na-pô-lê-ông nói rằng: không ai bắt nạt được mình, hay gây gổ, hay đánh đứa này, chọc đứa khác và mọi đứa bé đều sợ cậu ta. Đặc biệt là Giô-dép, anh Na-pô-lê-ông, đã phải chịu đựng chuyện ấy nhiều.
Na-pô-lê-ông đánh anh, cắn anh, nhưng chính Giô-dép lại bị quở mắng, vì sau cuộc ẩu đả, Giô-dép chưa kịp hoàn hồn thì Na-pô-lê-ông đã đi mách mẹ. Na-pô-lê-ông kể thêm: mưu mẹo đã giúp tôi như vậy đấy, nếu không mẹ tôi đã phạt tôi về tội hay cãi nhau và không bao giờ tha thứ những hành động gây gổ của tôi.
Na-pô-lê-ông là một đứa trẻ lầm lì và nóng tính. Tuy bà mẹ yêu con, nhưng dạy dỗ Na-pô-lê-ông cũng nghiêm khác như đối với anh em của Na-pô-lê-ông. Gia đình sinh hoạt tằn tiện nhưng không túng bấn. Trông bề ngoài, ông bố là một người đàn ông tốt và bà Lê-ti-ti-a, người chủ thật sự của gia đình, một người đàn bà quả quyết, nghiêm khác và cần cù. Na-pô-lê-ông thừa hưởng của mẹ tinh thần ham làm việc và nếp sống trật tự nghiêm ngặt.
Đảo Coóc ở xa lục địa, nhân dân còn man rợ sống trong núi rừng, những cuộc xung đột kéo dài giữa các thị tộc, tệ nạn "thù truyền kiếp", mối ác cảm rất khéo che giấu nhưng sâu sắc, dai dẳng của dân đảo đối với bọn xâm lược Pháp, tất cả những đặc điểm đó đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến những cảm giác đầu tiên của cậu bé Na-pô-lê-ông.
Năm 1779, sau bao lần chạy chọt, Sác Bô-na-pác mới gửi được hai đứa con lớn là Giô-dép và Na-pô-lê-ông sang Pháp theo học ở trường trung học Ô-toong; mùa xuân năm ấy, Na-pô-lê-ông được nhà trường nước Pháp cấp học bổng và chuyển sang học ở trường võ bị Briên, một thị trấn nhỏ ở miền đông nước Pháp. Lúc này, Na-pô-lê-ông 10 tuổi.
ở Briên, Na-pô-lê-ông là một đứa bé âu sầu, kín đáo, cáu kỉnh và hay giận dữ lâu, không gần gũi ai, không coi ai ra gì, không bạn bè, cảm tình với ai, rất tự tin mặc dầu tầm vóc nhỏ bé và còn ít tuổi. Người ta đã thử sỉ nhục, trêu chọc, chế giễu giọng nói địa phương của Na-pô-lê-ông. Cậu Bô-na-pác đã giận dữ ẩu đả, có khi được có khi thua, nhưng cũng đã làm cho bẹn bè của cậu hiểu rằng những cuộc xung đột như vậy không phải là không nguy hiểm. Na-pô-lê-ông học giỏi lạ lùng, nghiên cứu đến nơi đến chốn sử Hy Lạp và sử La Mã, cũng rất say mê toán học và địa lý. Các giáo sư của trường võ bị ở cái tỉnh nhỏ đó không giỏi lắm về các môn khoa học mà họ giảng dạy nên cậu Na-pô-lê-ông phải bồi bổ thêm kiến thức của mình bằng cách đọc sách. Na-pô-lê-ông đọc sách trong những năm còn ít tuổi và sau này còn đọc rất nhiều và đọc rất nhanh. Lòng yêu quê hương đảo Coóc của Na-pô-lê-ông đã làm cho bạn bè người Pháp ngạc nhiên và xa lánh Na-pô-lê-ông: lúc bấy giờ Na-pô-lê-ông còn coi nước Pháp như một chủng tộc xa lạ, là những kẻ xâm lược hòn đảo quê hương của mình. Na-pô-lê-ông chỉ liên lạc được với tổ quốc xa xôi của mình bằng thư từ của bố mẹ, anh em, vì gia đình không đủ tiền cho Na-pô-lê-ông về nhà nghỉ hè.
Năm 1784, 15 tuổi đã học xong và tốt nghiệp, Na-pô-lê-ông được gửi đi học ở trường võ bị Pa-ri, nơi đào tạo sĩ quan của quân đội lúc bấy giờ. Trường này có nhiều giáo sư rất giỏi, trong số đó có nhà toán học Mông-giơ và nhà thiên văn học La-plát. Na-pô-lê-ông say sưa học và đọc sách. ậ đó, Na-pô-lê-ông có sách, có thầy để học. Những ngày trong năm đầu, Na-pô-lê-ông đã gặp một điều không may: vào học ở trường võ bị từ cuối tháng 10 năm 1784 thì đến tháng 2 năm 1785, bố Na-pô-lê-ông chết vì bệnh ung thư dạ dày cũng như sau này chính Na-pô-lê-ông đã bị. Hầu như gia đình không còn cách sống. Không thể trông mong được mấy vào người anh cả Giô-dép, một người bất lực và lười biếng, cậu học sinh sĩ quan 16 tuổi phải đứng ra chăm sóc mẹ và các em trai, em gái của mình. Sau một năm học ở trường võ bị Pa-ri, ngày 30 tháng 10 năm 1785, Na-pô-lê-ông nhập ngũ, mang cấp hiệu thiếu uý và nhận công tác ở một trung đoàn đóng ở Va-lăng-xơ.
ở Va-lăng-xơ, viên sĩ quan trẻ tuổi ấy sống một cuộc sống khó khăn. Hàng tháng, Na-pô-lê-ông gửi về cho mẹ gần hết số lương chỉ giữ lại đủ để trả tiền những bữa ăn đạm bạc của mình và không vui chơi giải trí gì. Trong ngôi nhà Na-pô-lê-ông thuê được một căn buồng, có một cửa hàng nhỏ bán sách cũ. Na-pô-lê-ông đã dành tất cả thời gian rỗi rãi của mình vào việc đọc sách do người chủ hiệu cho mượn. Na-pô-lê-ông không thích giao du, vả lại Na-pô-lê-ông ăn mặc quá tồi tàn đến nỗi không muốn và cũng không thể có một cuộc sống xã giao tối thiểu. Na-pô-lê-ông say mê đọc sách chưa từng thấy, khi đọc ông ghi chép và viết những ý kiến phân tích của mình dày đặc cả sổ tay.
Trước hết, Na-pô-lê-ông thích đọc các tác phẩm lịch sử quân sự, sách toán học, địa lý và các sách tả cuộc du lịch. Na-pô-lê-ông cũng đọc cả sách triết học. Chính vào thời kỳ này Na-pô-lê-ông bắt đầu nghiên cứu những tác giả cổ điển của Thế kỷ ánh sáng: Von-te 3, Rút-xô, Đa-lăm-be, Ma-bơ-li và Ray-nan.
Thật khó mà xác định được vào thời kỳ nào thì xuất hiện ở Na-pô-lê-ông những dấu hiệu đầu tiên của lòng căm ghét đối với những nhà tư tưởng của cuộc cách mạng tư sản và thứ triết học rất đặc biệt của Na-pô-lê-ông. Dù sao, lúc này, người trung uý phó 16 tuổi vẫn học nhiều hơn là phê phán. Và đây nữa cũng là một điểm cơ bản của tinh thần Na-pô-lê-ông: thời thanh niên, khi đọc sách cũng như khi tiếp xúc với người mới quen biết, Na-pô-lê-ông đều khao khát và nóng lòng muốn được hấp thụ nhanh chóng và đầy đủ những điều mà mình chưa biết tới, những điều có thể góp phần bồi dưỡng tinh thần cho bản thân mình.
Na-pô-lê-ông cũng đọc các tác phẩm văn học bằng văn xuôi, văn vần; say mê cuốn tiểu thuyết Véc-te và một vài tác phẩm khác của Gớt: đọc cả tác phẩm của Ra-xin, Coóc-nây, Mô-li-e, các bài thơ lừng danh một thời bị gán là của ốt-xi-ăng, một thi sĩ hát rong người ê-cốt thời trung cổ (thực tế chỉ là một sự lừa nghịch trong văn học). Đọc những loại sách ấy xong, Na-pô-lê-ông lại lao vào sách toán học và các tác phẩm có liên quan đến các vấn đề quân sự, đặc biệt là pháo binh.
Tháng 9 năm 1786, Na-pô-lê-ông xin phép nghỉ dài hạn về quê ở A-giắc-xi-ô để thu xếp sự sinh sống của gia đình. Khi chết, bố Na-pô-lê-ông có để lại một ít tài sản và một số công việc khá rắc rối. Na-pô-lê-ông đã giải quyết những công việc đó một cách tích cực và có kết quả. Na-pô-lê-ông được phép nghỉ thêm đến giữa năm 1788, không được hưởng lương nhưng kết quả hoạt động của Na-pô-lê-ông để ổn định công việc gia đình đã bù đắp lại.
Trở về Pháp vào tháng 6 năm 1788, Na-pô-lê-ông đi theo trung đoàn lên đóng ở ốc-xon và, lần này, Na-pô-lê-ông ở trong trại, không ở nhà riêng nữa. Na-pô-lê-ông vẫn mê mải đọc tất cả các loại sách đã có trong tay và đặc biệt là các tác phẩm bàn về những vấn đề quân sự đã làm say mê các chuyên gia ở thế kỷ thứ XVIII. Một lần, bị phạt không được đi lại, Na-pô-lê-ông đã tìm được ở nơi nhốt mình một cuốn sách cũ nói về pháp luật đời cổ La Mã, viết theo lệnh của Hoàng đế Giu-xti-niêng. Na-pô-lê-ông không những đã đọc hết cuốn đó, mà gần 15 năm sau, trong khi biên soạn bộ dân luật, Na-pô-lê-ông còn đọc thuộc lòng cả bộ tuyển tập pháp luật La Mã. Việc này đã làm cho các nhà luật học lỗi lạc nhất ở Pháp ngạc nhiên. Na-pô-lê-ông quả có một trí nhớ phi thường.
Khả năng làm việc bằng trí óc một cách căng thẳng cũng như khả năng tập trung cao độ và lâu dài sức suy nghĩ của Na-pô-lê-ông đã thấy lộ rõ từ thời kỳ này. Sau này, nhiều lần Na-pô-lê-ông nói rằng: nếu người ta thấy tôi luôn luôn sẵn sàng đối phó với mọi tình huống thì điều đó có thể giải thích như thế này: trước khi làm bất cứ việc gì, tôi đã suy nghĩ kỹ trước khá lâu và dự kiến hết những gì có thể xảy ra. Chẳng phải là đã có một vị thần thánh nào thình lình hiện ra để gà cho Na-pô-lê-ông những tình huống dường như bất ngờ đối với những người khác, Na-pô-lê-ông nói thêm rằng "... Lúc nào tôi cũng làm việc, làm việc trong khi ăn, ở rạp hát, ban đêm...". Khi nói đến thiên tài của mình thì lời lẽ của Na-pô-lê-ông thường đượm vẻ châm biếm hoặc giễu cợt và rồi bao giờ Na-pô-lê-ông cũng nhấn mạnh và rất nghiêm túc đến tinh thần làm việc của mình. Na-pô-lê-ông lấy làm tự hào về khả năng làm việc vô tận của mình hơn bất cứ năng khiếu nào khác mà tạo hoá đã ban cho một cách vô cùng rộng lượng.
ở ốc-xon, Na-pô-lê-ông viết một cuốn sách nhỏ nói về thuật bắn (về cách phóng đạn. Binh chủng pháo binh thật sự trở thành sở trường của Na-pô-lê-ông. Trong tài liệu của Na-pô-lê-ông ở thời kỳ này, người ta còn tìm thấy một vài bản thảo tác phẩm văn học, những công trình nghiên cứu có tính chất triết học và chính trị, v.v. Tư tưởng của Na-pô-lê-ông thường thấy đượm ít nhiều màu sắc của chủ nghĩa tự do và đôi khi còn lắp lại y nguyên một số tư tưởng của Rút-xô, mặc dầu, nói chung, người ta không thể nào coi Na-pô-lê-ông như một tín đồ của tác phẩm Khế ước xã hội.
Trong những năm này, có một điểm nổi bật: ý chí và lý trí của Na-pô-lê-ông đã hoàn toàn khống chế được những ham mê về dục vọng. Na-pô-lê-ông không bao giờ ăn thích khẩu, thường xa lánh chỗ đông người, xa lánh giới phụ nữ, khước từ mọi cuộc vui chơi giải trí, làm việc không mệt mỏi, dành tất cả thời giờ nhàn rỗi vào việc đọc sách. Liệu Na-pô-lê-ông có cam chịu mãi mãi với số phận của mình, số phận của một viên sĩ quan nghèo tỉnh nhỏ, xuất thân trong gia đình quý tộc nghèo người Coóc, luôn luôn bị lũ bạn bè quyền quý và bọn cấp trên quyền quý nhìn bằng con mắt khinh bỉ không?
Trước khi Na-pô-lê-ông có thời gian để tìm được câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi ấy và cũng chưa có cả thời gian để xây dựng kế hoạch cụ thể cho tương lại thì cái sân khấu mà Na-pô-lê-ông đang chuẩn bị vai trò để bước lên hoạt động đã bắt đầu lung lay, rồi cuối cùng tan vỡ và sụp đổ: Cách mạng Pháp bùng nổ.