Kể từ chiều ngày 19 Tháng Sương mù, ở Xanh Clu, khi Muy-ra báo cáo lên Na-pô-lê-ông rằng phòng họp của Hạ nghị viện đã được quét sạch và công việc tiến hành tốt đẹ p, thì tướng Bô-na-pác đã trở thành vị chúa tể độc tôn của nhân dân Pháp trong suốt 15 năm trời. Dù trong năm năm đầu, Na-pô-lê-ông tự xưng là đệ nhất Tổng tài, và 10 năm sau là hoàng đế, dù nước Pháp thoạt tiên gọi là một nước Cộng hoà và về sau là một đế quốc thì nước Pháp cũng không thay đổi gì về thực chất, kể cả về nền tảng xã hội của chế độ mới cũng như về bản chất của nền chuyên chính quân phiệt Na- pô-lê-ông. Nền chuyên chính của giai cấp tư sản phản cách mạng đã được thiết lập như vậy đó, nền chuyên chính của cái gia cấp trong khi đi tìm lợi nhuận, đã dẫn nước Pháp đến bờ vực thẳm và biết rằng mình mất trí, "mất tin tưởng vào năng lực chính trị của mình", đã đi đến kết luận duy nhất là: chỉ có bóp nghẹ t được nền dân chủ cách mạng, chỉ có núp dưới sự bảo hộ của một chính quyền mạnh mẽ và vững vàng, dẫu rằng chuyên chế, dẫu rằng phải hiện thân ở người võ quan tàn ác, ngông ngạo là Bô-na-pác, thì xã hội tư sản mới có thể tự do phát triển được và mới bảo đảm được cho tư bản tư nhân tha hồ hoạt động. Bô-na-pác hoàn toàn thấm nhuần những nguyên tắc cơ bản đó của nhà nước mới. Ông ta đã mang tất cả sức mạnh của thiên tài của mình để củng cố những nguyên tắc đó, và trước hết, lợi dụng triệt để cả những điều kiện khách quan thuận lợi cho ông ta trở thành người thủ lĩnh độc nhất và tuyệt đối của cái nhà nước mới đó. Trong khi Bô-na-pác huỷ bỏ, thành lập và thay đổi những cơ quan của nhà nước thì làm thế nào mà ý nghĩa và mục đích của chúng lại có thể hoàn toàn không thay đổi được: chúng phải làm cho bộ máy nhà nước biến thành công cụ phục vụ cho quyền lực tối cao của Bô-na-pác. Nhưng nếu trong mọi công cuộc của mình, Na-pô-lê-ông đều nhằm mục đích cuối cùng là xây dựng và củng cố quyền hành tuyệt đối của mình, thì để đạt được Na-pô-lê-ông đã dùng đến nhiều biện pháp rất khác nhau, trong số đó, phải kể đến tài ngoại giao, đến nghệ thuật ký kết các tạm ước, các cuộc ngừng chiến, nghệ thuật biết chờ thời và kiên nhẫn. Sau này, Na-pô-lê-ông bắt đầu mất những tài năng đó, những tài năng mà ông ta có rất dồi dào trong những năm đầu nắm chính quyền. Na-pô-lê-ông đã nói về bản thân mình rằng lúc thì đóng vai con cáo, lúc lại đóng vai sư tử: theo ông ta, bí quyết để thống trị chỉ là biết lúc nào phải làm cáo và lúc nào phải làm sư tử.Và chính là trong thời kỳ chế độ Tổng tài, Na-pô-lê-ông đã xây dựng được bộ máy chính quyền tập trung (hoàn toàn thích ứng với nền quân chủ chuyên chế), bộ máy mà không một chính phủ nào ở Pháp, sau Na-pô-lê-ông cho đến ngày nay, muốn từ bỏ hay muốn sửa đổi, trừ Công xã Pa-ri. Những cải cách về hành chính của Tổng tài thứ nhất không phải là biện pháp duy nhất của ông ta đã từng luôn luôn kích động và hiện đang tiếp tục kích động tình cảm của những nhà tư tưởng tư sản ở trong và ngoài nước Pháp, họ còn tán dương vị Tổng tài thư nhất đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc yên ổn làm giàu trong thương nghiệp và công nghiệp; nói tóm lại, Na-pô-lê-ông quy kết thành một hệ thống sáng sủa và có hiệu lực tất cả những cái đã thúc đẩy giai cấp đại tư sản đánh đổ và triệt tiêu những thắng lợi của năm 1789 và của những năm sau. Với tư cách là "người sáng tạo" ra những hình thức biểu hiện của tình trạng và quyền thống trị kinh tế của giai cấp tư sản, vai trò xây dựng của Na-pô-lê-ông đã bộc lộ một cách đặc biệt rõ rệt trong suốt thời kỳ Tổng tài, điều đó đã làm cho Na-pô-lê-ông rất nổi tiếng, không phải chỉ trong những năm đầu ông ta nắm chính quyền, mà còn cả dưới con mắt những nhà viết sử tư sản hiện đại, phản ánh những quan điểm của giai cấp thắng thế. Như vậy là viên tướng 30 tuổi ấy, từ trước đến nay chẳng làm gì khác hơn là chiến đấu, người đã chinh phục nước ý, đã chinh phục Ai Cập, người đã thủ tiêu chính phủ hợp pháp của nền Cộng hoà trong phút chốc, buổi tối ngày 19 Tháng Sương mù đã trở thành người cầm đầu một trong những nước lớn nhất ở châu Âu. Nhưng thực tế, lúc ấy ông ta không biết điều đó và cũng chưa có cơ hội để biết. Chỉ tính từ thời Clô-vít, đất nước ấy đã có 15 thế kỷ lịch sử, rồi cách mạng đã phá huỷ cái vương quốc già nua 1.500 tuổi ấy, quật đổ cùng một lúc cả chế độ phong kiến lẫn nền quân chủ gắn liền với nó; nền Cộng hoà đã được thiết lập và giờ đây, một người quý tộc đảo Coóc, làm tướng của chính cái nước Cộng hoà đó, đã lật đổ chế Cộng hoà và trở thành ông chúa đất nước. Trước mắt Na-pô-lê-ông ngổn ngang những đống đổ nát khổng lồ của chế độ cũ cũng như cả một khối lớn vật liệu mới do cách mạng đẻ ra. Na-pô-lê-ông đứng trước bao nhiêu việc đã làm và chưa làm xong, bao nhiệu việc đã khởi công và bỏ dở, bao nhiêu việc đã bắt đầu và bắt đầu lại; tất cả đểu ở trong tình trạng hỗn độn và cấp bách. Về mặt đối ngoại, vị Tổng tài thứ nhất cũng phải đối phó với một tình thế khó khăn và nguy hiểm đến cực độ. Trong khi ông ta đi chinh phục Ai Cập, cuộc liên minh châu Âu thứ hai đã cướp mất của Pháp nước ý. Chiến dịch của Xu-vô-rốp đã tiêu huỷ mọi chiến quả mà Bô-na-pác thu được vào những năm 1796-1797. Sự thật là sau khi vượt qua núi An-pơ, Xu-vô-rốp thiếu lực lượng và phương tiện cần thiết để xâm chiếm nước Pháp, nhưng khối liên minh không hạ khí giới và chắc rằng sang xuân người ta có thể thấy kẻ thù ở biên giới nước Pháp. Ngân quỹ sạch trơn; nhiều quân đoàn không nhận được tiền để chi ăn từ mấy tháng nay. Với thái độ chăm chú và giễu cợt, những nhà chính khách lão luyện đang chờ xem trước những hoàn cảnh phức tạp, rối bời và ngặt nghèo như vậy, chàng thanh niên người Coóc, ngoài nghề lính ra chưa hề làm nghề gì khác và cũng chẳng biết gì hơn, sẽ xoay xở ra sao.Chú thích:. Clô-vít (Clovis): vua đầu tiên trị vì xứ Gôn (Gaule) từ năm 481 đến 511, Gôn là nước Pháp ngày nay.