Dịch giả: Tưởng Bình Minh

Nguyên tác tiếng Hungary, truyện ngắn ” Hét krajcár”.

 
Đức Chúa nhân từ thật khéo sắp đặt, bởi đến cả những thân phận khốn cùng nhất của cuộc đời này cũng có thể bật lên tiếng cười. Văng vẳng từ túp lều rách nát kia đâu chỉ có những bi thương ai oán, mà còn có cả giọng cười chân thành. Thậm chí, kẻ nghèo khổ còn cười rất nhiều ngay những lúc đáng lẽ ra họ phải ôm mặt khóc.
Tôi biết rất rõ về thế giới này. Cũng như nhiều thế hệ của dòng họ Soós, cha tôi đã sống qua những tháng ngày tồi tệ nhất trong đói khát nghèo hèn. Lúc ấy ông làm công nhật tại một xưởng máy nhỏ. Hệt những kẻ cùng làng, cha tôi chẳng lấy làm thích thú tự hào gì mỗi khi có dịp nhắc lại quãng thời gian vất vả ấy. Thật sự là vậy.
Và cũng thật sự rằng, suốt cả quãng đời sau này, tôi chẳng bao giờ còn được cười nhiều như những năm tháng thuở ấu thơ.
Làm sao tôi còn có thể cười được, khi bóng hình mẹ thương yêu đã mãi mãi khuất xa. Làm sao tôi còn có thể mừng vui được, khi sẽ chẳng bao giờ còn thấy lại những ánh cười trên khuôn mặt đỏ ửng của mẹ tôi năm nào. Mỗi khi mẹ tôi cười, từng giọt long lanh lã chã tuôn rơi từ khóe mắt, để rồi sau đó là những tràng ho rũ rượi khiến cổ họng mẹ gần như tắc nghẹn.
Và chưa bao giờ mẹ tôi đã cười nhiều như trong một chiều đáng nhớ ấy, khi cả hai chúng tôi cùng nhau lục tìm để có được bảy đồng tiền xu. Vâng, chúng tôi đã tìm và đã kiếm được chúng. Ba đồng ở ngay trong ngăn kéo của chiếc máy khâu, đồng thứ tư ở ngăn trên cùng của cái chạn trong bếp … Với những đồng còn lại thì mọi việc đã chẳng dễ dàng chút nào.
Mẹ tôi chính là người tìm thấy ba đồng xu đầu tiên. Mẹ tin rằng chúng tôi còn có thể kiếm được nhiều hơn thế từ cái ngăn kéo máy khâu. Bởi vì những lần nhận tiền công từ việc may thuê vá mướn, bao giờ mẹ cũng cẩn thận cất tiền vào đó. Với tôi, chiếc ngăn kéo nhỏ bé ấy là kho báu vô tận. Chỉ cần thò tay vào một chốc lát là tôi có thể lôi ra từ đó đủ mọi thứ trên đời.
Vậy mà tôi vẫn hết sức kinh ngạc khi mẹ lấy ra từ trong đó cơ man nào là những cây kim đã gãy tự bao giờ, rồi những chiếc kéo sẫm màu han rỉ, những mảnh vải nhỏ xíu đã sờn màu, và đủ loại cúc áo nữa. Với đôi mắt mở to vì quá đỗi ngạc nhiên, mẹ tôi thốt lên:
”Chúng trốn ở đây!”
”Chúng" là những ai hở mẹ?”
”Những đồng xu,” mẹ nói trong tiếng cười.
Rồi mẹ lôi hẳn cả chiếc ngăn kéo ra khỏi bàn khâu.
”Nào con trai bé bỏng, con bước qua bên đây cạnh mẹ, chúng ta sẽ cùng nhau tóm cổ quân xấu xa này. Những đồng xu ranh mãnh quá đi thôi”.
Liền đó, ngay vừa lúc ngồi thụp xuống đất, hai tay mẹ đã thật nhanh lật úp chiếc ngăn kéo lên trên nền nhà. Nhanh đến mức tôi chẳng thấy thứ gì kịp rơi ra ngoài. Hình như mẹ sợ những đồng xu sẽ bay đi mất. Mọi thứ y như lúc người ta đang cố bắt chú bươm bướm bằng chiếc mũ đội đầu vậy.
Không thể không bật cười trước cảnh tượng khôi hài đó.
” Chúng ở đây, ngay trong này”, mẹ nhoẻn miệng cười, tuồng như chẳng có lý do gì để mẹ vội vã nhấc ngăn kéo lên ngay, ”Cho dù sẽ chỉ có duy nhất một đồng xu thôi, nhất định nó phải ở trong đây, đúng không con trai của mẹ?”.
Tôi cũng ngồi thụp xuống nền nhà và đưa mắt cẩn thận dò quanh, lỡ có đồng xu lấp lánh nào đã lọt ra ngoài thì sao.Im lìm. Nhưng thật sự mà nói thì cả tôi lẫn mẹ chẳng ai tin đã có đồng xu nào đó kịp rơi ra từ chiếc ngăn kéo tội nghiệp kia.
Chốc lát, mẹ và tôi nhìn nhau, rồi cùng phá lên cười trước trò chơi trẻ con do chính chúng tôi bày ra.
Tôi đưa tay lên chiếc ngăn kéo đang nằm úp trên nền nhà.
”Suỵt!”, tiếng mẹ thầm thì, ” Cẩn thận thôi con trai của mẹ, kẻo chúng sẽ chạy thoát mất. Con vẫn chưa biết đâu, bọn xu hết sức nhanh nhẹn. Chúng có thể chạy rất nhanh, đúng hơn là chúng lăn rất nhanh. Nhưng mà bây giờ chúng có thể lăn như thế nào được nhỉ…”.
Chúng tôi nghiêng người sang phải rồi lại sang trái. Đã nhiều lần mẹ lỡ làm rơi những đồng xu xuống nền nhà và chúng lăn thật nhanh vào những chổ khó tìm.
Rốt cuộc thì tôi cũng đã bình tĩnh trở lại. Tôi thò tay ra toan lật nghiêng chiếc ngăn kéo.
”Khoan đã con trai!”, lại là tiếng của mẹ. Tôi giật thột và rụt ngay tay lại, cứ như là các ngón tay của tôi vừa chạm vào lò sưởi rực lửa vậy.
”Từ từ thôi nào con trai hấp tấp của mẹ! Đừng dễ dàng cho chúng thoát như vậy. Những đồng xu sẽ là của mẹ con mình, chừng nào chúng vẫn nằm dưới chiếc ngăn kéo này. Con hãy để cho chúng lặng yên một lát nữa. Vì như con biết đấy, mẹ muốn giặt vài mẻ quần áo ngay bây giờ. Nhưng để có thể giặt giũ, chúng ta cần xà phòng. Và để mua được xà phòng, mẹ con mình cần có ít nhất bảy xu. Vì nếu ít hơn bảy xu, người ta sẽ không bán cho mình. Chúng ta đã kiếm được ba xu rồi, bây giờ chỉ cần thêm bốn xu nữa thôi. Bốn đồng xu của mẹ con mình đang nằm dưới ngôi nhà tí xíu này đấy”, mẹ vừa nói vừa chỉ tay vào chiếc ngăn kéo, ”Chúng sống trong đó. Và bọn xu không muốn bị kẻ khác quấy rầy. Nếu cảm thấy bực mình, chúng sẽ bỏ đi ngay lập tức, và mẹ con mình sẽ chẳng bao giờ còn được nhìn thấy chúng nữa đâu. Phải cẩn thận, vì bọn xu rất khó tính, nên đối xử với chúng một cách khôn khéo. Và bằng sự tôn trọng nữa. Chúng đỏng đảnh như các nàng tiểu thư vậy… Con trai, con không biết bài hát nào để dụ bọn xu ra đây ư?”.
Mẹ và tôi lại bật cười. Tôi biết chứ. Tôi vẫn thường hát để dụ lũ ốc sên thò cổ ra khỏi vỏ của chúng mà. Những bài hát của chúng tôi rất vui. Và thế là tôi bắt đầu:
” Bác tiền ơi ra đây nhanh
Nhà bác đang cháy tanh bành, ra đi…”
Hát xong, tôi nhấc bổng chiếc ngăn kéo và nhẹ nhàng đặt nó sang một bên. Vô số những món đồ lặt vặt lẫn giữa cơ man nào là rác rưởi. Chẳng thấy đồng xu nào cả. Một xu cũng không. Mẹ bặm môi ra chiều tiếc nuối nhưng vẫn cố sục sạo giữa mớ hỗn độn trên nền nhà. Vô ích.
” Thật là tệ”, mẹ nói,”Vì nhà ta đến một chiếc bàn cũng chẳng có. Nếu như chúng ta úp ngăn kéo lên mặt bàn thì bọn xu sẽ được tôn trọng hơn, và chúng đã không bỏ đi”.
Tôi thẫn thờ. Đôi bàn tay tôi quờ quạng lần mò một cách vô thức để nhét đống ”kho báu” vào lại ngăn kéo. Mẹ lặng thinh không nói gì cả. Có lẽ mẹ đang cố lục tìm trong trí nhớ tất cả những nơi mà có lúc nào đó mẹ từng cất tiền.
Hình như một ánh chớp đã vụt qua óc tôi.
”Mẹ ơi, con biết một chổ có xu!”
”Ở đâu thế con trai, mẹ con mình sẽ tìm ngay trước khi nó kịp tan như tuyết”.
”Trong chạn bếp. Ngăn trên cùng mẹ à”.
”Ôi cậu bé bất hạnh của mẹ. Thật may mắn vì bây giờ con mới nói ra, nếu không thì gã xu ấy cũng đã bỏ mẹ con mình mà đi như bọn bạn của nó rồi”.
Chúng tôi ngồi bật dậy và nhanh chóng ra bếp. Tấm kính ở cửa chạn đã vỡ từ lâu. Nhưng tôi biết ở góc trái ngăn trên cùng có một đồng xu. Đã ba ngày nay tôi cứ dùng dằng nửa muốn lấy nó ra nửa lại không muốn. Nhưng rốt cuộc tôi vẫn kìm lòng được. Nếu bạo gan hơn một chút, tôi đã có thể dùng đồng xu ấy để mua một viên kẹo.
”Nào, bây giờ mẹ con mình đã có bốn xu rồi. Đừng bao giờ lo lắng gì cả, con trai của mẹ nhé. Chúng ta đang có hơn một nửa số xu. Chỉ cần ba xu nữa thôi. Mẹ con mình đã mất một giờ đồng hồ để tìm ra xu thứ tư thì chúng ta cũng sẽ tìm ra ba xu còn lại trước khi trời tối, phải không con trai? Thế là mẹ vẫn sẽ kịp giặt một mẻ trước lúc mắt chúng ta cũng mù như màn đêm. Nhanh lên nào con yêu, chúng ta sẽ lục lần lượt các ngăn chạn. Thể nào mỗi ngăn cũng có một xu”.
Nếu như mỗi ngăn chạn đều có một xu thì hai mẹ con tôi tha hồ mà nhiều tiền. Có thể là ngày xửa ngày xưa cái chạn này đã được dùng trong bếp của một gia đình khá giả nào đó chẳng hạn. Nhưng ở đây, trong nhà tôi, chúng tôi chẳng mấy khi có thức ăn hay vật dụng để mà phải dùng đến nó. Điều đó lại là sự may mắn cho cái chạn tội nghiệp, vì nó đã quá ọp ẹp rồi, cứ lung lay run rẩy như răng bà lão vậy.
Mỗi lần lôi ra một ngăn chạn rỗng tuếch là mẹ tôi lại buông lời trách móc than vãn:
” Anh bạn thật giàu quá đấy chạn ạ. Không bao giờ anh bạn có thứ gì cả. Làm sao có thể chấp nhận được. Ôi gã ăn mày, đến một xu anh cũng chẳng có sao? Và anh cũng sẽ chẳng bao giờ có đâu nhỉ. Anh bạn luôn trung thành với sự đói nghèo của chúng tôi mà. Sẽ tốt hơn nếu anh chẳng có đồng xu nào hết. Vì cứ cho là có đi thì khi chúng tôi muốn dùng nó để mua xà phòng thì anh bạn cũng đâu chịu đưa?”.
” A ha, cậu này mới là giàu nhất này!”, mẹ reo lên khi chiếc ngăn chạn dưới cùng được lôi ra. Nó nhẹ tênh vì đã mất đáy tự bao giờ.
Mẹ quàng tay ôm lấy cổ tôi và cả hai chúng tôi cùng ngồi phịch xuống đất để cười ngặt nghẽo.
”Gượm chút nào con trai”, giọng mẹ thật hối hả, ”Chúng ta sẽ có tiền. Trong túi quần của cha con!”.
Rồi mẹ đi nhanh tới cạnh mớ quần áo của cha được vắt trên những chiếc đinh đóng chặt vào tường. Thật kỳ diệu, mẹ rút tay ra từ chiếc túi đầu tiên và chìa cho tôi xem một đồng xu. Không thể tin nổi.
”Đây rồi, một xu nữa! Chúng ta đang có bao nhiêu cả thảy hở con trai? Mẹ con mình thậm chí còn chẳng kịp đếm nữa. Một, hai, ba, bốn, năm…Năm! Chỉ cần thêm hai xu nữa thôi. Hai xu chẳng là cái gì cả. Nếu chúng ta đã có năm xu thì cũng sẽ có thêm hai xu nữa, đúng không con?”.
Rồi mẹ lục hết tất cả số túi còn lại của áo quần cha, nhưng vô ích. Chẳng có thêm gì cả. Hai xu nữa thôi. Nhưng biết kiếm đâu ra bây giờ.
Khuôn mặt mẹ tôi giờ đây đã đỏ bừng. Có thể do chúng tôi quá hồi hộp, thậm chí còn tỏ ra khá kích động. Đáng lẽ mẹ không được phép làm việc gì cả, nếu không mẹ sẽ lại ho và ốm. Tất nhiên không tính chuyện chúng tôi đang làm. Vì chẳng ai có thể cấm người ta lục lọi trong nhà của chính họ để tìm tiền”.
Lúc này đây, hoàng hôn đang từ từ buông xuống. Chốc nữa thôi là trời sẽ tối mịt. Ngày mai cha tôi có công chuyện nên phải mặc sơ mi. Nhưng chỉ với nước giếng, không có xà phòng, mẹ sẽ chẳng tài nào tẩy hết những vết dầu mỡ loang lỗ trên áo cha.
Chợt nhiên mẹ vung bàn tay đánh bộp vào trán mình.
”Ôi, mẹ mới chính là kẻ ngớ ngẩn! Chẳng bao giờ mẹ chịu nghĩ đến túi của chính áo quần mình. Nhưng không sao, bây giờ đã nhớ ra rồi, mẹ sẽ xem chúng ngay!”.
Mẹ lục lọi thêm một hồi. Và rồi không thể tuyệt vời hơn, chúng tôi có thêm một xu nữa. Xu thứ sáu.
Chúng tôi gần như phát sốt. Bây giờ chỉ cần duy nhất một xu nữa thôi.
”Con trai, con lục trong túi của con xem. Biết đâu …”.
Trong túi tôi ư? Tôi lộn ngược tất thảy chúng lên. Nhưng chẳng có gì hết.
Đêm đang xuống rất nhanh, và chúng tôi đứng chôn chân dưới nền nhà với sáu đồng xu. Thiếu mất một đồng, sáu xu kia trở nên thật vô nghĩa. Với sáu xu, chủ hiệu đầu làng sẽ chẳng bán cho mẹ nửa bánh xà phòng. Mẹ đã quá nhiều lần van nài ông ta xin được mua thiếu rồi. Những người hàng xóm, ai cũng nghèo như chúng tôi. Mà chẳng lẻ mẹ lại đi vay có mỗi một xu?
Mẹ và tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài việc cười và cười trước hoàn cảnh éo le hy hữu ấy.
Thình lình một người ăn mày bước vào sân. Bằng giọng nghe như hát, ông ta bắt đầu cất lời cầu xin.
Mẹ tôi nhìn người ăn mày rồi bật cười ngặt nghẽo.
”Tội nghiệp cụ, chúng tôi chẳng có gì cho cụ đâu”, mẹ nói, ” Cả chiều hôm nay, hai mẹ con tôi cứ mãi đánh vật để mua cho được nửa bánh xà phòng. Đến giờ vẫn còn thiếu mất một xu”.
Người ăn mày, với khuôn mặt phúc hậu, trợn tròn đôi mắt vì quá ngạc nhiên.
”Một xu?”, ông ta hỏi.
”Vâng”.
”Đây, cầm lấy đi!”.
”Có cần vậy không, nhận cả bố thí từ kẻ hành khất như cụ!”.
”Đừng nói thế nữa mà, con gái, ta chẳng thiếu gì cả đâu. Thứ duy nhất ta vẫn còn thiếu là một xẻng đất. Với nó, mọi thứ trên đời này sẽ êm xuôi”.
Đoạn, người ăn mày đặt vào lòng bàn tay tôi một đồng xu. Ông cám ơn và giã biệt chúng tôi bằng những bước chân tập tễnh buồn bã.
”Cầu Chúa phù hộ cho cụ!”.
Mẹ tôi lặng đi một lát rồi bật lên những tiếng cười to.
”Chúng ta có đủ tiền mới đúng lúc làm sao! Bây giờ thì mẹ chẳng thể giặt giũ được gì nữa rồi con trai ạ. Chúng ta chẳng có dầu để thắp đèn”.
Giọng cười của mẹ chết nghẹn bởi những tràng ho rũ rượi tưởng chừng thít chặt cổ họng. Tôi bước đến bên cạnh và ôm lấy mẹ. Mẹ úp cả bàn hai tay vào mặt và run rẩy sau mỗi đợt ho. Có thứ gì đó âm ấm rớt lên tay tôi.
Máu. Đó là những giọt máu quý giá của mẹ tôi, người đã có thể bật lên những tiếng cười chân thành từ con tim, điều mà không phải kẻ nghèo khổ khốn cùng nào cũng có thể làm được.
Móricz Zsigmond
1908 

Xem Tiếp: ----