Thành Cát Tư Hãn rất coi trọng săn bắn. Ông thường nói, săn bắn là công việc chính đáng của quân quan, rất có ích, binh sĩ được rèn luyện, người lính thì làm hết nghĩa vụ của mình. Họ được học cách truy đuổi con mồi, cách bắn hạ con mồi, cách bày trận, cách triển khai vòng vây bằng vào số người nhiều ít... Khi không có chiến trận, họ thường tổ chức săn bắn, khuyến khích binh sĩ đi săn. Mục đích không chỉ vì săn được con mồi, mà còn có thói quen săn bắn, sử dụng thành thạo cung tên và chịu đựng gian khổ. Tifiner "Tiểu sử những kẻ chinh phục thế giới" - Quyển Thượng. Gió xuân ấm và ẩm ướt thổi trên thảo nguyên Ơlon, từng cụm mây trắng đến lóa mắt sà thấp, thảo nguyên đơn điệu bỗng trở nên linh hoạt, lúc sáng lúc tối, lúc vàng lúc trắng, đổi màu liên tục như ảo đăng. Khi đám mây lớn che khuất mặt trời, Trương Kế Nguyên cảm thấy khắp người nổi gai vì lạnh. Nhưng khi đám mây bay đi, cái nắng gay gắt như nắng đầu hạ, khiến mặt và chân tay cậu toát mồ hôi, ngay cả áo ngoài cũng khét mùi nắng. Cậu đang cởi khuya áo để hóng gió thì một đám mây lớn lại che khuất mặt trời, đưa cậu trở lại cái rét âm của mùa xuân. Băng đã mềm ra, tuyết đã tan, từng vạt đất cỏ màu vàng lộ ra. Mầm cỏ xuân nhú sớm bị tuyết vùi có màu vàng, chỉ chỗ nhọn thoáng chút xanh. Không khí sặc mùi cỏ úa, các rãnh nhỏ đầy nước tan từ tuyết. Từ trên đỉnh dốc nhìn xuống cánh đồng, những chỗ trũng và ao hồ đều đầy nước, hàng trăm hàng ngàn những hồ ao như thế soi bóng những đám mây trắng bay qua. Mây trắng trên trời, mây trắng dưới nước bay qua từ phía sau lưng. Trương Kế Nguyên và Batu mai phục trong những bụi cỏ vồng đã hơn một tiếng đồng hồ. Họ đang đợi sói. Sự cố đàn ngựa và chuyện đưa tin rởm khiến uy tín của anh sa sút nghiêm trọng, anh chuyển hướng cơn giận sang đàn sói. Trương Kế Nguyên cũng để lỡi thời cơ tại bãi vây, giờ muốn lấy lại ảnh hưởng. Hai người sau khi nghỉ ngơi vài ngày, đem theo hai khẩu bán tự động trở lại sườn dốc bên đầm lầy. Batu đoán đàn sói tiếc những con ngựa chết dưới đầm lầy, tuyết đã tan, băng đã tan, nhưng vẫn có thể lôi những con ngựa bên rìa đầm lên để ăn. Lúc này mà đàn sói không hành động thì chúng không còn dịp nào nữa. Những vũng nước lúc sáng lúc tối tiếp tục làm lóa mắt. Hai người vừa lau nước mắt, vừa chĩa ống nhòm sang con dốc phía đối diện, quan sát kỹ từng chấm đen, chấm nâu, chấm vàng. Bỗng Batu cúi xuống nói nhỏ: Nhìn dốc bên trái. Trương Kế Nguyên nhẹ nhàng chuyển động ống nhòm, cố trấn tĩnh nhưng vẫn không nén được tâm trạng hồi hộp. Cậu trông thấy hai con sói lớn đang chậm rãi đi tới, thoạt tiên là cái đầu, sau đến cổ và ức. Hai người bám sát con mồi. Hai con sói từ phía sau dốc ló ra đến quá nửa thân thì dừng lại, quan sát tỉ mỉ những chỗ khả nghi trong tầm mắt. Chúng không tiến lên nữa, mà nấp sau những bụi cổ vồng, nấp kỹ, y như chúng cũng là thợ săn. Hai người, hai con sói đều nấp sau những bụi cỏ vồng đợi thời cơ. Trương Kế Nguyên nhận thấy những người đi săn chuyên chọn những bụi cỏ cao để nấp, chính là học từ sói. Hai con sói không vội, chúng đợi xem con người giở trò gì. Sói đủ kiên nhẫn đợi trời tối mới hành động. Cỏ vồng là cái tên đám thanh niên trí thức đặt cho một loại cỏ thường gặp trên thảo nguyên Mông Cổ, rất đẹp và rất lạ. Trên mặt đất phẳng hoặc trên sườn dốc đột nhiên mọc lên những bụi cỏ cao ngang ngực, thẳng đuỗn, đều tăm tắp, trông giống những cây lúa nước hoặc những cây lau cạn. Sang thu, chúng nở đầy hoa trắng như bông lau, nhìn ngược ánh sáng, chúng như lông vũ thiên nga, dưới ráng chiều, chúng lấp lánh như những đốm lửa. Trên mặt bằng thấp, chúng nổi lên như những đàn hạc, đàn gà, đập vào mắt hơn những bông hoa dại nở khắp đồng. Sang đông, lá và bông bị gió cuốn đi, nhưng thân cỏ thì kiên cường trụ lại, và cũng như sói, uốn không cong, đè không gãy, bảo không nghe. Bạch mao phong có thể đè rạp chúng xuống, nhưng gió ngừng thổi là chúng lại đứng dậy, chĩa thẳng lên nền trời xanh. Từng búi như vương miện của quốc vương châu Âu. Mục dân dùng thân chúng làm chổi quét nhà hoặc chổi bếp, đẹp và bền. Cỏ vồng không chỉ đẹp mà còn rất lạ. Lạ ở chỗ mọc từng khóm một. Cỏ vồng, thân mọc thành vồng, bên ngoài ken dày, bên trong rỗng, trông như cái rèm bằng cây sậy, chu vi tròn như vẽ bằng compa rồi gieo hạt trông theo đường tròn, to có nhỏ có. To thì đường kính hơn một mét, nhỏ đường kính chỉ hai tấc. Mục dân cần nghỉ ngơi, xuống ngựa ngồi đè lên một nửa, phần ngồi lên trở thành cái đệm mềm mại có tính đàn hồi, phần không bị đè lên, trở thành tay vịn và tựa lưng. Trong lều Mông Cổ không có sôpha, nhưng trên thảo nguyên bất cứ chỗ nào đều có ghế sôpha để ngồi. Đám trí thức Bắc Kinh lên thảo nguên thích ngay cỏ vồng, có cậu đặt luôn cho cái tên "cỏ sôpha", "cỏ ghế tựa". Trên thảo nguyên trơ trọi, cỏ vồng với hình dáng đặc biệt, đã trở thành nơi trú ngụ trời cho. Các bậc anh hùng trên thảo nguyên thoạt trông tưởng như nhau, nhưng sói mới là kẻ thống trị đầu tiên, và cũng là kẻ đầu tiên phát hiện và sử dụng cỏ vồng. Batu bảo, sói thường nấp trong đám cỏ vồng, tập kích dê vàng đi qua hoặc cừu của người. Trương Kế Nguyên từng thấy phân sói trong khóm cỏ vồng, xem ra chúng rất thích loại cỏ này. Ông Pilich nói cỏ vồng do trời sai xuống để cho sói che thân. Lúc này người và sói đều ẩn nấp rất có nghề. Sói không nhìn thấy người. Người cũng không thể ngắm bắn sói. Sói bị người phát hiện trước, nhưng Batu còn ph!!!9688_17.htm!!!
Đã xem 154238 lần.
http://eTruyen.com