Những người trẻ lạ lùng

Ông Khai Trí, chủ nhà sách Khai Trí nổi tiếng ở Sài Gòn trước kia, năm nay 73 tuổi, viết cho tôi một bức thư đại ý: Ông đã nhiều lần đọc cuốn Gió heo may đã về của tôi, rất thích thú, lần đọc sau thấy hay hơn lần đọc trước, nhưng cuốn sách đó đã làm hại ông vì nó làm ông nhớ đến tuổi của mình, mà từ lâu ông đã quên, nhờ sống theo một triết lý sống khác: không có cái gọi là tuổi già, bởi vì hồi 20 – 30 tuổi người ta còn quá trẻ, 30 – 40 thì còn đang trẻ, 40 – 50 hãy còn trẻ, 50 – 60 trẻ không ngờ, 60 – 70 trẻ lạ lùng và trên 70 là trẻ vĩnh viễn. Hiện nay mỗi sáng ông đều đi bộ đến hồ bơi, bơi một chập rồi đi bộ về, bày thức ăn ra cho chim chóc trên các cành cao quanh cửa sổ phòng ông đến ăn, rồi đọc báo, nghe đài… Ông vẫn ấp ủ giấc mộng mở một nhà sách mới, có phòng riêng dành cho thiếu nhi vừa vui chơi vừa đọc sách, có chỗ dành cho các văn nghệ sĩ, tác giả đến trao đổi, tâm tình, toạ đàm, trong một không khí thư giãn… Do vậy, tuy ông đã ở vào lứa tuổi trẻ vĩnh viễn, tôi thấy nên xếp ông vào lứa tuổi trẻ lạ lùng thì đúng hơn. Trong thư ông cũng trách tôi vì sao gọi Giáo sư Trần Văn Khê là “một ông già dễ thương” trong bài viết “Đời thường GS Trần Văn Khê” đăng trên báo Kiến thức ngày nay. Ông nói ông Trần Văn Khê mới 78 tuổi, không thể gọi là ông già được dù là “ông già dễ thương”. Mà thiệt! Thấy sức làm việc của GS Trần Văn Khê thì các bạn trẻ khó có ai bì kịp. Ông làm việc mỗi ngày 12 – 16 tiếng đồng hồ không mệt mỏi, liên tục di chuyển từ nước này sang nước khác, hết thuyết trình tới thu băng, làm thơ, viết báo. Đọc những “chuyện tình” của ông trong cuốn Tiểu phẩm (TVK) mới thấy ông trẻ lạ lùng. Ông có khả năng làm chủ được nhịp điệu sinh học của mình. Các buổi diễn thuyết của ông rất chính xác về giờ giấc. Giữa hai chuyến đi, ngồi đợi chuyển máy bay ở phi trường 30 phút thì ông “lim dim” đúng 30 phút, tỉnh dậy hoàn toàn sảng khoái, thảnh thơi để bước vào cuộc hành trình mới. Ông ôm ấp một tâm nguyện là hết lòng biểu dương nhạc Việt ở xứ người và truyền đạt cho thế hệ sau lòng tự hào về nhạc cổ Việt Nam.
Nói đến chuyện tình của những người trẻ lạ lùng, tôi nhớ có lần được gặp hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn ở nhà hoạ sĩ Phạm Văn Hạng. Lúc đó ông đã 88 tuổi. Ông hào hứng giới thiệu với chúng tôi về “người yêu” bằng nữa số tuổi của ông. Ông kể từ lúc còn trẻ ông đã sắm một chiếc xe ngựa triển lãm tranh lưu động đặt tên là “Mê ly” để đi từ Bắc chí Nam. Đến Huế ông gặp nhạc sĩ Văn Phụng, nhạc sĩ đã cảm hứng viết bài: “Ô mê ly, mê ly đời ta…!”. Hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn có cách nhiếp sinh rất lạ. Ông luôn để cho “trái tim xao động” vì… yêu, ông lại có khả năng thở rất chậm, mỗi nhịp thở kéo dài hai phút. Ông nói ông đã tập thở như vậy từ nhỏ, bây giờ mỗi lần đi máy bay từ Hà Nội vào Tp. Hồ Chí Minh ông chỉ cần thở 60 cái là đến nơi (!). Thật là một người trẻ lạ lùng, rất thong dong và khoáng đạt.
Tôi lại nhớ GS Ngô Gia Hy, một vị thầy của nhiều thế hệ bác sĩ. Năm nay ông đã 84 tuổi, hoạt động năng nổ mà bọn chúng tôi khó lòng bì kịp. Ông vừa quản lý một trường Đại học dân lập, lại vừa giảng dạy ở trường Y, phụ trách hai tờ báo, Phó chủ tịch thường trực Hội y dược thành phố… mà sức khoẻ vẫn dồi dào. Ông viết nhiều bài báo vế Khí công, về Thiền trên báo Giác Ngộ.
Ôi, những người trẻ lạ lùng mới dễ thương làm sao!
1998