Hơn 40 năm trước, một chú nhóc vào tuổi 15, thất học, phụ mẹ bán hàng xén tại một thị trấn nhỏ xa thành phố, một hôm, trong dịp đi Sài gòn bổ hàng cho mẹ đã tình cờ mua được một cuốn sách “xôn” trên vỉa hè, đó là cuốn Kim chỉ nam cho học sinh, tác giả Nguyễn Hiến Lê. Cuốn sách nhỏ đó làm thay đổi đời chú. Chú thực hành theo hướng dẫn của sách, lập chương trình học ôn, “học nhảy” để đuổi kịp bạn bè mà do hoàn cảnh mà chú phải bỏ học nhiều năm. Về sau, khi trở thành một bác sĩ, và cũng là người học trò gần gũi với tác giả, chú đã viết một cuốn sách “bổ sung” cho Kim chỉ nam của học sinh, đó là cuốn “Những bệnh tật thông thường trong lứa tuổi học trò” (1972) do chính Nguyễn Hiến Lê đề tựa. Chú nhóc đó – nói ra hơi mắc cở một chút – chính là tôi, đang cần trong tay cuốn Kim chỉ nam của học sinh vừa tái bản sau gần nữa thế kỷ (in lần đầu năm 1951) mà không khỏi có chút bùi ngùi, cái cảm xúc có lẽ gần giống như Anatole France ngồi ở vườn Luxemboug nhìn những chú nhỏ tung tăng trong buổi tựu trường với cập vở trên vai mà thấy lại hình ảnh chính mình ngày xưa. Quả thật trong đời có những cuốn sách là bạn ta, là thầy ta. Ta như bắt được cái tần số của nó, như chia sẻ cùng tác giả những nghỉ suy, những cảm xúc. Học là một việc nặng nhọc, vất vả, nhưng không ai chỉ cho ta một phương pháp học sao cho nhẹ nhàng, cho sảng khoái, cho thấy sự học là vui, là hạnh phúc, giúp ta “enjoy” cái sự học đó ngay trong lúc đang học chứ không phải đợi lúc thành đạt. Kim chỉ nam của học sinh đã giúp ta điều đó. Tuy sách đã ra đời từ nữa thế kỷ trước, nhiều điều nay đã lỗi thời nhưng các nguyên tắc, phương pháp thì vẫn còn nguyên vẹn giá trị của nó. Như muốn học được lâu dài, học tốt, thì không thể không chăm sóc đến cơ thể, không thể không biết cách ăn, cách ngủ, cách nghỉ ngơi sao cho có sức bền. Ngay từ thời đó, tác giả đã khuyên rằng “phải theo nổi chương trình” mới nên học, không nên vì danh hão mà học quá sức mình, rằng “Việt Nam cần rất nhiều thợ lành nghề”, rằng “Đừng qúa chú trọng bằng cấp. Phải ngay thẳng trong kỳ thi”, thì vẫn còn giá trị trong thời buổi thừa thầy thiếu thợ, bằng giả, bằng dỏm… hiện nay. Vai trò của người thầy cũng được nhắc đến, rằng thầy không phải là người nhồi nhét kiến thức cho trò mà là người chỉ dẫn, đưa cho trò cái chìa khoá để mở kho tàng “tự học”. Những chương như “Làm sao giỏi” vẫn là chương có ích, chỉ cho ta cách học một bài sử, bài địa, bài toán, bài văn… như thế nào một cách cụ thể vì được viết từ những kinh nghiệm sống của tác giả chứ không phải từ những lý thuyết viễn vông… Điều đáng quý hơn hết với tôi là Kim chỉ nam của học sinh đã tạo được trong tôi một niềm tin – niềm tin vào chính mình – khi bắt tay tổ chức việc học sao cho dễ thành công. Tôi mong cuốn sách nhỏ này cũng sẽ tiếp tục giúp các bạn trẻ bây giờ cũng như đã giúp cho chú nhóc là tôi hơn 40 năm về trước.