Tôi đến Paris vào giữa tháng sáu, tháng mà nhà thơ Nguyên Sa bảo "Trời không mưa tôi cũng lạy trời mưa" nên mưa vẫn còn khá nhiều và thời tiết có hôm 11 – 12 độ, lạnh. Có điều mưa ở Paris cũng giống mưa Sài Gòn, làm cái ào rồi nắng ráo hoảnh. Nhiều bữa mặt trời chói sáng cho tới 9- 10 giờ đêm làm tôi không khỏi bỡ ngỡ vì ở nhà quen ngủ sớm dậy sớm. Mọi người ra đường phải trang bị dù (ô), áo mưa, áo ấm đàng hoàng. Thế rồi một hôm, một ngày đầu tháng 7, Paris bỗng thay đổi hoàn toàn. Paris như khoát một cái áo mới, nắng vàng rực rỡ, nóng đến 23 độ và các ông tây bà đầm ùn ùn kéo nhau ra đường phơi nắng. Và trời ơi, Paris rún ơi là rún, đến đâu cũng thấy rún, đặt biệt là khu La tinh nỗi tiếng với nhiều du khách lũ lượt qua lại. Mọi người khoe rún một cách thoải mái với những kiểu quần áo không biết đã chuẩn bị từ bao giờ, bày rún ra đủ kiểu, rún trắng rún vàng rún đen rún xám, rún lồi và rún lõm. Và hàng hoá bắt đầu bán “xôn”, đại hạ giá. Đi đâu cũng thấy người ta chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè. Các đồng nghiệp bác sĩ bạn tôi cũng chuẩn bị nghỉ “vacance” cả tháng. Họ nói cái tháng tám này, Paris trống vắng, mọi người đổ xô nhau đi nghỉ hè nên mở phòng mạch cũng chẳng có ma nào đến khám. Dĩ nhiên bệnh viện phải tổ chức trực cấp cứu. Còn báo chí thì thôi bày vẽ đủ kiểu làm sao cho da nâu giòn mà không bị cháy nắng, không bị ung thư. Rồi cả một chiến dịch quảng cáo rầm rộ chỉ dẫn mọi người cách làm sao cho gầy ốm, cho có eo trong mùa hè. Sách vở bày vẽ đủ kiểu từ cách ăn mặc, tập luyện, suy tư sao cho cơ thể được mảnh mai. Tội nghiệp, giá mà cứ rau muống hột vịt như mình thì đâu đến nỗi khổ như thế. Nghĩ lại thấy mình lâu nay may mắn nhờ cà pháo, tương chao, giá sống mà người nào cũng thon thả, xinh xắn (suy dinh dưỡng vừa phải, và nếu suy dinh dưỡng nặng thì sẽ thành người mẫu thời trang đó!), nhưng nay cũng bắt đầu báo động. Ở quận 13, nơi đông người Việt, mấy bà đầm Việt Nam đã lên cân hơi bộn rồi! Rồi chuyện bầu bì. Ở Paris, ai có bầu thì mừng lắm, khoe ra ngay. Tìm cách gì đó để bày bụng ra cho người ta biết mình đang có bầu. Thì ra nhiều bà đầm không sao đẻ được, cứ phải chạy vạy sang nước thứ ba xin con nuôi, nên họ khuyến khích sinh đẻ dữ lắm. Báo chí giới thiệu các bà bầu như những "gương điển hình tiên tiến", phỏng vấn chụp hình lia lịa. Có một cô người mẫu hùng hồn tuyên bố là sẽ làm đám cưới ngay với anh chàng đã vừa tặng cô cái bầu tuyệt diệu. Thì ra lâu nay cô ta tìm mãi mới có được một người đàn ông như thế. Nghĩ lại bên mình, ai có bầu thì lo sốt vó, nghe có bầu thì đôi khi còn "quất ngựa truy phong". Một hiện tượng đáng ghi nhận nữa là đồng tính luyến ái. Sách vở đề cập cổ vũ vấn đề này hơi nhiều! Đã có những cuộc biểu tình vận động cho người đồng tính luyến ái có quyền có nhà ở, việc làm, cưới hỏi… như những người khác. AIDS, các căn bệnh lây qua đường tình dục, ma tuý, thuốc lá v.v… là những vấn đề y tế cộng đồng lớn ở Pháp, đặc biệt trong giới trẻ. Tôi thực sự ngạc nhiên thấy giới trẻ nữ hút thuốc lá quá nhiều trong khi nam gần như giảm hẳn. Các nhà xã hội học và y học ngao ngán lắc đầu không tìm ra cách khống chế hút thuốc lá giới nữ trong khi tỷ lệ ung thư cứ càng ngày càng gia tăng. Rượu và tai nạn giao thông trong giới trẻ cũng là một vấn đề được các giới chức quan tâm. Về AIDS, họ khác với mình, gái mại dâm sử dụng bao cao su 100% là truyền thống từ xưa nên không đáng lo, trái lại giới trẻ có tỷ lệ quan hệ tình dục khá cao thì không chịu dùng bao cao su. Đến nay nhờ tích cực vận động, đẩy mạnh các chương trình truyền thông mà giới trẻ đã bắt đầu chấp nhận, nhưng cũng chỉ đạt 50% mà thôi. Cũng phải nói thêm rằng môi trường Paris không sạch sẽ lắm vì có quá nhiều… cứt chó. Người thì nghiêm chỉnh, to-let tự động ở khắp mọi nơi, cứ nhét vào 2F là cửa tự động mở, xong rồi thì tự động làm vệ sinh đâu đó đàng hoàng, nhưng chó thì thoải mái, tự do phóng uế… mà khổ nỗi bà đầm nào cũng nuôi một con chó. Nói chung, Paris vẫn tuyệt vời, văn minh và hiếu khách. Đi giữa Paris có cảm giác an toàn tốt hơn ở một số thành phố lớn khác. Hệ thống giao thông công cộng rất tốt. Các viện bảo tàng khổng lồ và cuốn hút một cách kỳ lạ. Các nhà thờ cổ xưa tuyệt đẹp. Khu Montmartre, đằng sau Sacré Coeur, các hoạ sĩ sẳn sàng vẽ cho bạn một cái chân dung. Tôi gặp một hoạ sĩ người Việt ở đó, anh nói tiếng Việt không rành, bảo từ sáng tới giờ mới "làm được ba cái đầu”, và mỗi ngày anh kiếm trung bình 1.000F nhờ vẽ chân dung cho du khách. Ở bảo tàng người sáp Grévin, bạn có thể nhầm người sáp với người thiệt dễ dàng, và tôi đã nhầm như thế khi gặp một người sáp, chào, không nói, nên lúc gặp người thiệt tưởng sáp, bèn sờ thử một cái! Giới thầy thuốc Pháp vẫn như đang băn khoăn giữa hai khuynh hướng: nền y khoa kỹ thuật cao và một nền y khoa nhân bản, toàn diện. Người dân Pháp hình như thích nền y học nhân văn, một nền y học xanh (Medecine verte) hơn, như nhiều sách báo đã đề cập.