Nước mắt vô cùng trời đất biết Biển dâu một cuộc nghĩ mà thương Sương Nguyệt Anh - Ba Mạ ơi! Anh Phúc về! Anh Phúc về! Tiếng la thảng thốt của thằng Vĩnh ngoài hiên vang vào nhà khiến ông Mẫn đang vuốt những tờ bạc lẻ mà bà Mẫn vừa mới trao phải khựng tay lại. Bà Mẫn đút vội phần tiền còn lại vào túi áo bà ba rồi cả hai ông bà lao ra cửa... Phúc sừng sững bước vào. Thả cái sắc tay xuống đất, hai tay dang rộng ôm chầm lấy Ba Mạ. Bà Mẫn sụt sùi, vuốt ve gò má Phúc, lẩm bẩm: - Trời ơi! Răng mà ốm dữ ri con! Ông Mẫn bặm môi, giọng nghẹïn lại: - Con chắc đói lắm, nghỉ đi để Ba đạp xe ra chợ mua vài ký gạo ăn mừng. Khi cả ba bình thản lại thì dân trong xóm đã bu đông nghẹt cả nhà để thăm hỏi Phúc. Vĩnh nói lớn, với Phúc cũng như nói chung với bà con trong xóm: - Được giấy báo anh được tha về, ngày ni em cứ ra sân đứng chờ. Ba Mạ nôn lắm, từ sáng sớm tới chừ cứ lau chùi quét dọn hoài. Phúc bắt tay từng người trong xóm. Kể từ khi anh đi cải tạo đến nay đã hơn sáu năm. Nhìn căn nhà sạch sẽ, ngăn nắp, nhưng trống trơn, chàng cũng hiểu gia đình đã phải bán dần để sinh sống. Ông Mẫn dắt chiếc xe đạp ra sân, bảo: - Con nghỉ đi, Ba đi chút về liền! Thằng Vĩnh chống nạïng cà thọt đến bên anh kể lể: - Em thì què, chẳng làm chi ra tiền giúp Ba mạ được, thiệt là em vô tích sự quá! Bà Mẫn la át: - Cái thằng ni! Nhà đang vui, nói chi mấy chuyện nớ? Tin Phúc cải tạo về lan nhanh trong xóm, khiến hết người này đến thăm, tới người khác. Phúc cảm động trước những tình cảm bà con cô bác lối xóm dành cho cho gia đình chàng. Khi ông Mẫn đem gạo về thì bà con tự hiểu phải nhường lại những giờ phút thiêng liêng ấy cho gia đình ông Mẫn. Bữa cơm đạïm bạc được dọn ra, một tô canh cải chua nấu sườn heo, một dĩa thịt heo luộc chấm mắm nêm. Bốn người quây quần bên mâm cơm, Phúc thấy thèm thuồng bởi ăn đói lâu ngày. Anh ăn vội vàng, khi anh chợt ngẩng lên nhìn thấy Mẹ chỉ ăn cầm chừng, cứ đăm đăm nhìn mình, Phúc ngừng đũa, hỏi: - Răng Mạ không ăn? Mạ lại thút thít: - Ăn răng được mà ăn con! Mạ mừng quá, cám ơn Trời Phật cho con về khi Ba Mạ còn sống. Rồi bà trút hết chén cơm qua cho Phúc: - Con ăn cho no đi, Mạ không thấy đói. Bây giờ Phúc mới vỡ lẽ ra... nồi cơm đã hết nhẵn. Cổ chàng nghẹn lại, chàng buông đũa xuống, nhích đến bên Mạ, ôm cứng hai vai bà nghẹn ngào, chỉ biết lắc đầu trong yên lặng. Ông Mẫn nói như thú nhận: - Nói thiệt với con, nhà mình độ ni túng quẫn lắm, Mạ Ba hàng ngày chở nhau trên xe đạp theo bà con ra chợ Đông Ba mua qua, bán lại, kiếm gạo từng ngày sống lấy lất. Thằng Vĩnh từ hồi đi theo nhà trường lượm lon, bao ny lông, làm kế hoạch nhỏ, đạp phải mìn cóc cụt chân tới chừ là chịu thua, không làm chi giúp Ba Mạ được hết! Sau đó, ông thở dài, rồi im bặt vì ông như vừa mới nhớ ra ông đã quá vô duyên khi kể lể với con trong ngày vui đoàn tụ. Trước mặt, Vĩnh ngồi như chết trân bên chiếc nạng gỗ lóng nghe những lời của Ba. Phúc nén xúc động, bước ra sau bếp như để lẩn trốn sự thật. Bỗng dưng chàng thảng thốt la lên: - Ô, răng lạ như ri nì! Ông bà Mẫn hấp tấp chạy xuống, tay Phúc run run chỉ xuống nền nhà. Bà Mẫn hiểu ra, đáp liền: - Thì có chi mô con, nghe tin con sắp về, nhà không có tiền, Ba Mạ kêu người đến cạy gạch bán đi, mua gạo cho con ăn đỡ rồi mình kiếm tiền lót lại, có răng mô! Nghĩ cũng may, nhờ thời trước làm ăn khấm khá sắm được căn nhà, nếu không chừ còn khổ hơn nữa con à. Những lời giải thích vô tư của Mạ, Phúc nghe mà tưởng trái tim mình đang bị ai bóp nghiến. Tiếng lọc cọc của chiếc nạng gỗ của Vĩnh đang tiến lên cũng khiến Phúc tưởng như tiếng búa ai đóng đinh vào đầu. Chàng mím chặt môi để khỏi bật ra tiếng thét lên lời thống hận. Ngày đoàn tụ của Phúc với gia đình thế đó. ° Một năm sau. Khi Phúc may mắn đến được Mỹ nhờ vào cuộc vượt biển do một người bạn tổ chức, không chờ đợi Hội USCC kiếm việc giùm, ngày đầu tiên theo người trong Hội dẫn đi chợ Việt Nam cho biết cảnh sống mới, Phúc tìm cách hỏi nơi người bán thực phẩm xem họ có cần người làm không và chỉ vài giờ sau chàng đã là nhân viên của tiệm thực phẩm ấy. Xót thương trước những lời tâm sự của chàng, chủ nhân đã tình nguyện đưa đón chàng hàng ngày cho đến khi nào chàng có phương tiện đi lại. Hai tuần lễ sau, cầm trong tay tấm check đầu tiên trong đời tại Mỹ, Phúc gửi ngay tiền về cho gia đình kèm theo lời nhắn hơi dài dù phiếu nhắn chỉ có ba hàng: "Con vẫn khỏe. Ba Mạ làm lại nền nhà. Đi chợ mua nhiều thức ăn cho cả nhà ăn bồi dưỡng. Con sẽ gửi thêm sau. Thương Ba Mạ và em Vĩnh rất nhiều. Phúc". Gửi tiền và lời nhắn đi rồi, Phúc nghe lòng nhẹ tênh. Những công việc khuân vác hàng hóa với chàng tuy hơi nặng bởi thân thể gầy yếu, tàn tạ vì những ngày tháng bị tù tội, nhưng đổi lại với tấm check chàng vẫn thấy nhẹ nhàng, lòng vui phơi phới khi tưởng tượng ra gương mặt rạng rỡ của Ba Mạ và thằng Vĩnh. Tối nào đi làm về, câu đầu tiên khi bước vô nhà, Phúc cũng hỏi bác Bảy chủ nhà: - Cháu có thư gì không hả bác? Phúc chỉ mong có thư nhà kể rõ lại phút giây gia đình nhận được tiền của chàng. Phúc muốn biết tâm trạng của Ba Mạ, của thằng Vĩnh. Phúc muốn nghe lòng rộn lên niềm vui khi biết được cả nhà vui. Hôm nay, ngày nghỉ, Phúc ngồi vào bàn viết một bức thư dài tới sáu trang kể từng chi tiết khi chàng đến Mỹ. Chàng thích thú nói lại những cảm xúc của chàng khi lãnh cái check đầu tiên. - Cậu Phúc! Có thư Việt Nam nè! Tiếng bác Bảy gái ở ngoài phòng khách vang vào, Phúc mừng rỡ, buông bút, chạy nhanh ra nhận bức thư. Cầm bức thư bì màu xanh, nét chữ của thằng em thân yêu, Phúc nghe lòng vui mừng với cảm giác như mình là một đứa trẻ được Mẹ cho quà. Vào phòng, Phúc hấp tấp xé thư ra, chàng bực mình vì cơm hay hồ dán quá kỹ dính cả vào giấy viết thư khiến chàng phải rút mạnh, rách mất mấy chữ. Chàng từ từ ngả lưng xuống giường, nâng tờ thư trước mặt và chậm rãi đọc: "Anh Phúc thương yêu, Được tiền và lời nhắn của anh cả ba tuần nay rồi, hôm nay em mới rảnh viết lại cho anh đây. Trước hết, em xin anh thật bình tỉnh để nghe những điều em sắp kể với anh: Anh ạ, khi anh nhận được thư ni thì Mạ mình đã mồ yên mả đẹp rồi! Em muốn nói rõ là Mạ đã mất! Mạ mất đau đớn lắm anh ơi! Em đang viết cho anh qua màn lệ. Hôm đó, ngày 15 tháng 7 vào một chiều mưa, Ba với Mạ sau một ngày lo mua bán, chuẩn bị đèo nhau bằng xe đạp để về nhà, không may có một đám du đãng thanh toán nhau bằng súng, lạc đạn trúng ngay vào ngực Mạ. Người ta chở Mạ vào nhà thương cứu cấp. Mười phút sau thôi, Mạ tắt thở. Ba ở trong nhà thương với Mạ đến gần năm giờ sáng mới về. Em thì anh biết đó, với chiếc nạng gỗ, chỉ đi tới đi lui gần nhà thôi, tiền bạc, phương tiện không có, đêm đó Ba về Ba bệnh luôn. May có tiền anh gửi về lo kịp lúc để có ma chay cho Mạ, một mình em lo đám tang cho Mạ vừa lo bệnh cho ba nữa. Bà con quanh xóm tới giúp đỡ, nhưng em cũng mệt lắm anh Phúc ạ. Dì Thơ ở Đà Nẵng nghe tin, nhưng có lẽ nghèo quá nên không thấy ra Huế tiễn Mạ phút cuối. Đọc mấy lời nhắn của anh, em và ba khóc ngất. Tội Ba lắm. Giờ như lẩn rồi, cứ lò mò xuống bếp kêu Mạ hoài, khiến nhiều lúc em cứ ngỡ Mạ còn sống, còn bận làm chuyện gì đó không kịp đáp lời Ba. Ôi chao ôi sao mà em thấy cuộc đời đau khổ quá anh Phúc ơi! Em không biết bên nớ anh làm chi mà mau có tiền gửi về vậy hả? Hôm mở cửa mộ Mạ, em mua thật nhiều thức ăn ra mộ, em khóc trước mộ mạ thiệt nhiều, kể lại cho Mạ nghe những lời anh viết trong phiếu nhắn gửi tiền. Anh ơi! Mạ mô còn nữa để mà ăn! Chỉ có Ba và em ăn thôi! Ba không thiết gì ăn uống cả. Em phải vừa năn nỉ, vừa dỗ, Ba mới rán ăn chút chút. Em nói với ba: Ba mà không ăn, anh Phúc ở Mỹ biết được sẽ buồn lắm. Chừ em chán sống quá. Buồn quá anh à. Em biết anh thương Ba Mạ và em vô cùng, mà em cũng thương anh vô cùng vô tận. Anh ráng coi, có ai ở Mỹ thương anh thì anh lập gia đình để có chị lo cho anh vì lúc còn sống, Mạ mơ ước nhất điều đó. Còn em, tàn tật như ri, chắc ở giá suốt đời thôi anh ạ. Chừ thêm Ba cứ tối ngày lò mò đi lên nhà trên rồi đi xuống nhà dưới tìm Mạ. Chắc em sẽ điên theo quá, anh Phúc biết không! Thư viết cho anh không đầu không cuối, lộn xộn lung tung, anh cố gắng đọc và tha thứ cho em. Em ngưng một chút để ra dỗ Ba ăn chút cơm. Anh Phúc này, vĩnh viễn anh em mình không còn Mạ, em buồn lắm, kể hết cho anh nghe tất cả, nghe anh Phúc! À quên, em kể thêm cho anh chuyện này nữa: Hôm qua, sau một giấc ngủ trưa, gần xế chiều, Ba thức dậy, ra phòng sau rót trà uống, khen trà ngon làm em mừng quá đỗi tưởng Ba đã hoàn toàn tỉnh táo, không ngờ Ba bước ra cửa em hỏi vọng theo: Ba đi mô đó Ba? Ba quay lui, đáp tỉnh bơ: "Tau qua nhà Mụ Nguyện kêu Mạ mi về, đi chi lâu rứa!" Em hết hồn luôn, theo Ba, giải thích cho Ba hiểu, rồi suốt cả buổi chiều, Ba bắt ghế ra sau hè, ngồi im lặng cho tới tối luôn. Sự im lặng của Ba, em thấy hồn em nặng trĩu, đau đớn quá chừng. Thà Ba cứ nói năng lung tung, nói gì cũng được mà em thấy dễ chịu hơn. Anh là người duy nhất để em than thở, em nhớ anh hay mắng em ủy mị như con gái, phải chi em làm con gái hỉ, sướng hơn, khóc không ai cười cả! Em ôm mãi nỗi buồn cô đơn. Mạ thì chết! Ba thì nhớ nhớ quên quên, không biết rồi Ba có tỉnh lại không. Anh thì xa xôi ngàn dặm. Em cần anh khỏe mạnh để nâng cho em lúc này nghe anh Phúc! Thằng em bất hạnh của anh. Rất nhớ anh, thương anh. Lê Vĩnh." ° Phúc đọc một mạch bức thư khá dài của Vĩnh. Anh không hiểu sao mắt anh cứ ráo hoảnh, dù tim nghe như muối xát, kim châm vào. Môi mím chặt, ý chí cương quyết, Phúc tự nhủ thầm phải tạo cho mình một cuộc sống bình thường để lo cho thằng em bên kia bờ đại dương đang chờ đợi, đặt hết niềm hi vọng nơi người anh xa xôi. Phúc lảo đảo đứng dậy. Nhưng không gượng nổi, anh nằm vật xuống. Bây giờ, Phúc mới thấy sức lực của mình đã kiệt. Mắt hoa lên. Phúc như đang thấy rõ thằng em chống cái nạng gỗ đi lịch kịch ra thăm mộ mạ, đứng trước mộ nó lâm râm. Phúc cũng thấy hình ảnh người cha ngồi im lìm trong bóng hoàng hôn. Chàng nghe tim mình đập từng nhịp quặn thắt. Cả người Phúc như tê dại, chàng rít lên lên trong đau đớn uất nghẹn: Trời ơi! Đổi đời! Đổi đời! Không ai mong cả, tại sao lại đổi đời hả Trời? Tự dưng Phúc bật khóc thành tiếng. Chàng khóc như một đứa trẻ thơ, như chưa bao giờ được khóc. 08/25/00