Phần I

 
 
Đấy là tên chữ của núi Cấm (cao 716 mét). Có ý kiến cho rằng phải gọi là Thiên Cẩm Sơn mới đúng vì đấy là một ngọn núi hùng vĩ,đẹp đẽ nhất trong dãy Thất Sơn, nằm trong khu tam giác Tịnh Biên-Nhà Bàng-Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang. Còn người dân tộc Khơ-me gọi núi Cấm là Thalot. 
 
I Vì sao có tên núi Cấm?
 
Có nhiều giả thuyết về tên gọi:
 
Theo Nguyễn Văn Hầu, giả thuyết đáng tin cậy hơn cả là Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên) đã cấm các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, giáo phái do ông gầy dựng, lên đó cất nhà cửa hoặc chùa am để ở. Vì lẽ có người ở ăn tất sẽ có sự ô uế núi non, một nơi linh tu mà ông nhận thấy cần giữ gìn cho trong sạch.
 
Cũng có giả thuyết cho rằng, Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn truy nã có lúc phải bỏ Phú Quốc vào núi này để trốn lánh. Để cho tông tích khỏi lộ, các cận thần của chúa Nguyễn phao tin nơi rừng núi có nhiều yêu quái ác thú; nhiều dốc cao vực sâu nên nghiêm cấm dân chúng vào núi.
 
Cũng có giả thuyết khác cho rằng Đơn Hùng Tín (biệt danh của  Lê  Văn Tín, quê Cao Lãnh) có lúc dùng nơi này làm sào huyệt để xuất phát những trận ăn cướp lớn. Do đó y cấm dân gian bén mảng tới để dễ bề ngăn chặn bọn do thám, lính kín của Tây (Nguyễn Văn Hầu, nữa tháng trong miền Thất Sơn, Nxb Trẻ, 1996)
 
 
Vì vậy có thể từ lệnh “cấm” này khiến bây giờ người ta quen gọi tên chữ là Thiên Cấm Sơn  chăng?
 
II.Thất Sơn gồm những núi nào?
 
Thất Sơn là 7 ngọn núi tiêu biểu trong số 37 ngọn núi được biết đến ở  2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang.
 
Trong Đại Nam Nhất Thống Chí (1865) từ “Thất Sơn’’lần đầu tiên được ghi đó là các núi:Tượng Sơn, Tô Sơn, Cấm Sơn, Ốc Nhẫm, NamVi, Tà Biệt, Nhân Hòa.
 
Nhưng theo Hồ Biểu Chánh (Thất Sơn Huyền Bí ), Nguyễn Văn Hầu (Thất Sơn Màu Nhiệm) cho rằng đó là các núi: Tô, Cấm, Trà Sư, Két,Dài, Tượng, Bà Đội Om.
 
Có giả thuyết khác như của Trần Thanh Phương trong sách Những Trang sử về An Giang, xb năm 1984 cho rằng đó là các núi:  Cấm (Thiên Cấm Sơn ), Dài năm giếng (Ngũ Hồ Sơn ),Tô (Phụng Hoàng Sơn ), Giài (Ngọa Long Sơn), Tượng (Liên Hoa Sơn )Két (Anh Vũ Sơn) và Nước (Thủy Đài Sơn )
 
Cũng có giả thuyết khác nữa cho rằng đó là các núi: Cấm, Dài, Tô, Phú Cường,  Nam Qui, Sam, khối núi Trà Sư (gồm núi Giai, Két, Trà sư …)
 
 
III.Năm Non tại núi Cấm: 
 
“Non’’ thường chỉ một chỏm cao trên dãy núi, còn gọi là “vồ’’.
 
 Theo Nguyễn Văn Hầu (sách Thất sơn mầu nhiệm ) năm non chỉ 5 đỉnh núi cao của núi Cấm bao gồm:
 
1.Vồ Bồ Hong:là đỉnh cao nhất và nổi tiếng nhất của Thất Sơn, cao 716m, ngày xưa ít người lui tới. Giả thuyết cho rằng nơi này có nhiều côn trùng gọi là bồ hong sinh sống.
Về đêm, vồ Bò Hong sương mù phủ trắng và lạnh nhứt vào mùa đông.Còn ban ngày, đứng tại nơi được coi là “nóc nhà” của Đồng bằng sông Cửu Long này, khách tham quan có thể phóng tầm mắt nhìn thấy toàn cảnh những cánh đồng ruộng ngút ngàn; sẽ thấy ngay cả con kinh Vĩnh Tế ( gắn liền với bao công lao của cha ông thời mở cõi) chạy dài, tiếp giáp với sông Giang Thành chảy ra tận  biến Hà Tiên.
 
2.Vồ Đầu: là  đỉnh cao đầu tiên của Núi Cấm tính từ phía Bắc, cao 584m.
3.Vồ Bà: cao 579, vồ  này có điện thờ Bà Chúa Sứ.
4.Vồ Ông Bướm: (Ông Voi ) cao 480m. Giả thuyết cho rằng xưa kia có hai người Khmer lưu lạc giang hồ về cư trú nơi chỏm đá này, đó là Ông Bướm và ông Vôi nên mới đặt tên như thế.
5.Vồ Thiên Tuế: cao 541, nơi đây trước kia là rừng cây thiên tuế.
 
Thực tế hiện nay, núi Cấm còn có nhiều “non’’ hơn nữa như Vồ Chư Thần, Vồ Cây Quế, Vồ Mồ Côi, Vồ Đá Dựng, Vồ Pháo Binh vv…
Ngoài ra dọc theo những lối mòn từ chân núi lên tới đỉnh có suối Thanh Long, điện Cây Quế, hang Ông Thẻ, suối Tiên, động Thủy Liêm, đặc biệt là điện 13 tầng, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long…& còn biết bao “cẩm tú” khác đang chờ đợi bước chân và tấm lòng của du khách tìm đến.
 
Nhưng trong số hang động kỳ bí chưa được khám phá hết này, phải nhắc đến hang Bác vật Lang.
Vì sao hang có tên ấy & Bác vật Lang là ai?
 
IV.Bác vật Lang:
(Ngày trước danh từ Bác vật có nghĩa gần giống như từ Bác học bây giờ; nó dùng để chỉ những người thông thái, hiểu biết sâu về một hay nhiều lĩnh vực khoa học)
Kỹ sư Lưu Văn Lang sinh ngày 5/6/1880 (mất ngày 3/8/1969) tại Tân Phú Đông, Sa Đéc (Đồng Tháp). Ông sinh và lớn lên trong một gia đình làm nghề thủ công phục vụ cho nông nghiệp.Dù nhà nghèo nhưng do chăm chỉ nên ông giành được học bổng tại trường Chasseloup Laubat Sài Gòn, năm 17 tuổi đậu tú tài 2 của Pháp với số điểm xuất sắc, được học bổng sang Pháp học École Centrale de Paris - nơi đào tạo kỹ sư lớn nhất nước này.
Năm 1904, ông tốt nghiệp kỹ sư hạng ưu (đứng thứ 3 trong số 250 người) là kỹ sư đầu tiên của Nam Bộ thời bấy giờ. Về nước, ông được nhà cầm quyền cử sang Vân Nam (Trung Quốc) tham gia xây dựng tuyến đường xe lửa nối Trung Quốc với Đông Dương. Ông thường xuống Bạc Liêu theo dõi các công trình xây dựng.
Nhiều người kể, khi cầu Long Thạnh do kỹ sư Pháp xây dựng sắp xong, ông lấy gậy gõ vào thành cầu rồi khẳng định với kỹ sư Pháp rằng một tháng nữa cầu sẽ sập. Viên kỹ sư Pháp hết sức phẫn nộ nhưng rồi vô cùng bái phục bởi cây cầu sập đúng như ông nói. Từ đó cầu Long Thạnh được gọi là cầu Sập. Viên tỉnh trưởng Bạc Liêu thời đó rất khâm phục Lưu Văn Lang nên đối đãi ông rất hậu hĩ. Để đáp lại tình cảm đó, ông xây tặng viên tỉnh trưởng chiếc đồng hồ đá này.
 
Hiện đồng hồ đá nằm trong khuôn viên (phía sau dãy nhà giữa) Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bạc Liêu, số 84 đường Hai Bà Trưng, thị xã Bạc Liêu, được Bảo tàng tỉnh tôn tạo, giữ gìn và được đưa vào điểm tham quan lịch sử.
Trở lại chuyện, người ta kể rằng ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn mở màn cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ 2.
Lưu Văn Lang được mời tham gia Hội đồng Nam Kỳ của chính phủ “bù nhìn” Nguyễn Văn Thinh.Ông đã thẳng thắn trả lời: Je suis trop vieux pour sevir de valet!(tôi đã quá già để làm tay sai)…
 Và một lần người Pháp đã đưa Bác vật Lang lên núi Cấm và thòng dây thả ông xuống để thám sát lòng hang.Trong hang rất tối, lạnh lẽo, thiếu dưỡng khí nên mọi thứ đèn đuốc đều khó cháy sáng. Sau gần một ngày xem xét ở dưới đó, ông trở lên mặt đất và từ đó ông không nói một lời nào…Và cũng từ đó hang sâu này được  người đời gọi theo tên của ông.
Sau này tên Bảy Đởm, một tay anh chị của đất miền Tây, theo giặc được phong đến chức “thiếu tá” đã cho pháo binh ở căn cứ Chi Lăng bắn lên cho đá lấp cửa hang lại.
Dù chuyện xảy ra đã lâu, hôm nay nhiều người vẫn tìm đến chỉ để đứng trước cửa hang, thầm tưởng tượng những gì vừa thiêng liêng, kỳ bí nơi chốn thẳm cùng vừa để thắp một nén hương tưởng niệm một con người tài ba và khảng khái của đất Nam bộ.
V.Điểm qua vài danh lam:
1.Chùa Vạn Linh:
Cấm Sơn có một vài ngôi chùa và nhiều am cốc, như chùa Phật Nhỏ, chùa Phật Lớn, Trung Sơn Thiên Tự, Cao đài tự…, trong đó có một ngôi chùa được đông đảo người đến chiêm bái,đó là chùa Vạn Linh
Là danh lam trên đỉnh núi Cấm. Chùa là một kiệt tác về kiến trúc, vừa mang sắc thái Á Đông vừa mang tính hiện đại, vừa bề thế vừa trang nghiêm và hài hòa với khung cảnh xanh tươi, hùng vĩ, nhiều huyền thoại của núi rừng…
Chùa Vạn Linh trước đây có tên là chùa Lá. Người bạt núi dựng chùa đầu tiên là Nguyễn Văn Xứng, sinh năm 1895 tại Bến Tre, đệ tử của tổ Phi Lai thuộc dòng Lâm Tế. Ngài đã xuất gia lên núi tìm thầy học đạo từ năm 1918, pháp danh là Thượng Thiện Hạ Quang.
 Hòa Thượng Thích Hoằng Xưng, thường trực tại bổn chùa hiện nay cho biết: Vào năm 1929, Hòa Thượng Thích Thiện Hạ Quang đã chọn đất lập am thờ Phật, lúc đầu làm bằng tranh lá đơn sơ để ẩn tu, dần dần số đệ tử quy tụ về đông hơn, mới cùng nhau ra công góp sức tu bổ. Đến năm 1940, cái am nhỏ bắt đầu đổi thành chùa, lấy tên là chùa Vạn Linh.
Năm 1943 chùa được xây dựng lại đàng hoàng hơn, to đẹp và kín đáo hơn. Đến năm 1946, chùa bị quân Pháp phá hủy hoàn toàn. Mãi tới sau ngày Pháp rút đi, chùa mới được xây dựng lại kiên cố hơn. Rồi chiến tranh lại xảy ra, năm 1970, máy bay Mỹ đã ném bom biến cả khu vực chùa Vạn Linh thành bình địa. Giữa cảnh hoang tàn đổ nát, ông Lâm Cáo Kía, một cư sĩ mộ đạo Phật, đứng ra dựng lại một cái chòi lá ngay trên nền chùa cũ và lập bàn thờ Phật để ngày đêm hương khói.(nay chòi lá được kiến tạo lại bằng xi măng trông giống hệt như tre lá thật )
 Cho đến năm 1983, ngôi Chùa Lá mới phục hồi. Năm 1995, được chính quyền địa phương ủng hộ, các sư tăng cùng người tín ngưỡng bắt tay vào việc thiết kế và xây dựng chùa mới gần bên nền chùa cũ.Chỉ tính việc vận chuyển sắt thép, xi măng, gạch ngói…từ chân núi lên đến tận đỉnh, trong khi đường đá hãy còn khúc khuỷu, lởm chởm, dốc đứng kề bên vực sâu…ai nấy đến thăm viếng đều trầm trồ thán phục trước tâm và lực của những con người miệt mài xây dựng nên danh lam này.
Hiện nay chùa bao gồm tiền đường và hậu đường. Phần chính điện là nơi an vị các tượng Phật sơn son thếp vàng lộng lẫy giữa một khung cảnh trang nghiêm, trầm mặc và thoát trần, tạo ra một ấn tượng thẩm mỹ giữa phong cảnh u tịch của núi rừng.Trước tiền đường nhìn ra là Quan Âm các cao 35 mét, là tháp chuông với quả đại hồng chung nặng 1,2 tấn; là tháp chín tầng  mỗi tầng an vị một vị Phật bằng đá cẩm thạch lớn cở người thật, tạc rất mỹ thuật.Và bên phải là tháp Tổ có khắc thơ hoặc kệ giáo huấn…
Chung quanh chùa là những vườn hoa, vườn kiểng, vườn cây ăn trái và cây rừng tươi tốt bốn mùa, tạo nên một phong cảnh vừa nên thơ vừa rất thiền… Toàn cảnh tạo nên một nét đẹp hài hòa giữa lối kiến trúc tôn giáo và cảnh sắc thiên nhiên
2.Chùa Phật Lớn & tượng Phật Di Lặc:
 
 
Nghe tên ắt chùa hẳn ai cũng tưởng đó là danh lam đồ sộ, uy nghi, nào ngờ chỉ là một ngôi chùa nhỏ bé, nằm trong không gian tĩnh mịch, chìm đắm bên những gốc bồ đề cổ thụ nhuốm màu thời gian hơn một thế kỷ. Không gian thờ phượng cũng khá chật hẹp với một tượng Phật không lớn. Tuy vậy, những người cao tuổi và người Việt gốc khơ-me rất sùng kính nơi này.
Theo lời kể, thuở xa xưa nơi đây có một ngôi chùa của người Khơ-me rất đẹp đẽ, to lớn; nhưng vì sự tàn phá của thời gian, vì chịu nhiều nhiều bom đạn nên chùa cũ đã hư hại hoàn toàn.
 
Để từng bước tôn tạo lại, vào tháng 10 năm 2003, ban quản trị chùa Phật Lớn đã cho thi công tượng đài đức Phật Di Lặc cao 33,60 mét, sừng sững giữa một vùng cây cối xanh um, mặt hướng về chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh. Tượng Phật Di Lặc vừa mới hoàn thành trong năm 2006, kỳ thú nhứt là khách tham quan đứng ở bất cứ nơi nào trên các vồ núi cũng đều nhìn thấy tượng Phật trắng uy nghi giữa một không gian xanh, thoáng mát …
 Đây là một công trình nghệ thuật tôn giáo đồ sộ nhứt từ trước tới nay trên vùng Bảy Núi, cũng có thể nói hiện nay, đây là tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á.
 
 3. Cao Đài Tự:
 
Năm 1941,Giáo chủ đạo Cao Đài là Phạm Công Tắc lên núi Cấm lập bản doanh. Tháng 4-1943, Nguyễn Ngọc Điền tự xưng là “Đại nguyên soái”. Ông ta cho người vào rừng tìm hạ một cây gỗ lớn để làm cột cờ.Khoảng 150 người hết sức vất vả trong nhiều ngày mới mang được cây gỗ dài gần 30 thước,đường kính gốc 8 tấc về tới sân bản doanh.Nhưng rồi cả “triều đình” không ai biết cách nào để dựng cột cờ lên được. “Đại nguyên soái” phải cho người qua chùa Lá (Vạn Linh) đón hai thầy trò Thiện Quang và Thiện Thới (tức ông Hai Sự, người rất giỏi võ và có sức khỏe thật phi thường) sang trợ giúp.
Lúc dựng cờ xong, Giáo chủ và “Đại nguyên soái” rất vui nên cho mở tiệc ăn mừng.Bỗng đâu mây đen ùn ùn kéo đến, rồi một cơn cuồng phong nổi lên.Lá cờ dài hơn 3 mét, rộng 2 khổ vải, thêu 4 chữ “Hoàng đế xuất dương” bị gió lốc cuốn phăng đi. Mãi mấy tháng sau, mới có người tìm thấy “ông”( tức lá cờ) nằm tận bên vồ Thiên tuế.Còn cây cờ bị mưa ập xuống quật ngã làm hư hại nhiều “đền đài”.
Riêng“Đại nguyên soái” cùng mấy bà “phi tần” bị giông tố hất văng xuống khe sâu.Sau khi cấp cứu sơ, ông Hai Sự đồng ý nhận lãnh việc đưa mấy bà này xuống núi vào nằm nhà thương ở chợ Sà- tón ( nay là chợ Tri Tôn )…
 
Năm ngoái tôi có đến thăm và ngủ đêm tại chốn này.Trên đỉnh đồi xưa, giờ chỉ còn một ngôi chùa nhỏ đơn sơ, quạnh quẽ; tên Cao Đài Tự; môt dãy nhà  tol lá dành cho khách thập phương tạm trú…