Quân về mang theo vị mặn của biển và nồng nồng của gió. Nó cười, “nhìn phong trần ra phết”. Quân im lặng kéo tay nó đi.Nó học văn là vì Quân. Quân bảo thích con gái khoa văn dịu dàng và có vẻ... là con gái, nó bướng bỉnh “Bản tính thì làm sao thay đổi được” nhưng Quân nói “ Môi trường sẽ tác động đến con người”. Nó tạm tin như vậy và thử. Nó chán nản tập tành làm thơ, cứ viết viết xóa xóa rồi liệng vào sọt rác. Nếu không phải vì Quân? Mỗi tuần nó nhận một lá thư vào thứ bảy và gửi một lá vào chủ nhật. Những lá thư Quân gửi về đều có vị mặn của biển và không thể thiếu một câu: “Tuần này có viết được gì không Chi”. Thư từ biển xa tít tắp, thư từ những con sóng xô từng đêm, có lúc thư lao về từ bão táp mang theo nỗi nhớ để lại sự thấp thỏm, lo âu “Không biết nơi ấy, biển đã bình yên hay chưa?”.Năm hai, nó có bài đăng báo. Nó nghẹn ngào xúc động. Chắc là Quân vui lắm khi nhận được tin đó. Một phần mong ước của Quân. Nó bắt đầu lao vào viết, cốt để đăng báo, cốt để Quân vui. Không hiểu sao trong mỗi trang viết đều có vị mặn của biển và những ánh sao đêm. Nó nhớ mỗi lần Quân về lại kể: “Sao đêm trên biển là một bức tranh kỳ diệu mà không có một nét bút nào vẽ nổi”. Nó tưởng tượng ánh sao hằng đêm lấp lánh và dịu dàng như đôi mắt Quân, và nó viết bằng sự tưởng tượng đó.Thứ bảy nhận thư, Quân nói “Quân đọc bài của Chi rồi, hay, nhưng sao buồn quá!”. Nó hỏi lòng “Có phải vì Quân?”. Thư Quân làm cho tim nó muốn nhảy ra khỏi lồng ngực “Chi ơi, thứ bảy tuần sau Quân về”. Nó háo hức, bận rộn chuẩn bị. Nó ngồi hàng giờ trước gương để nhìn mình mỉm cười, chải mái tóc dài đến khuỷu chân mà mỗi lần về Quân vẫn dặn “đừng cắt tóc nghe Chi.” Nó đo bằng gang tay, hình như tóc dài thêm một đoạn. Chắc là Quân ngạc nhiên lắm và nó sẽ không để cho Quân kịp nhận ra mà nói với Quân rằng: “Chi vẫn gọi đầu bằng hoa bưởi đấy”. Quân sẽ cười “đó là loại dầu hảo hạng của Chi mà”. Nó thấy lòng rộn ràng hẳn lên “Quân vẫn nhớ”.Sài Gòn về đêm dường như đã trút bỏ hết vẻ bụi bặm bên ngoài, để hiện ra một Sài Gòn lộng lẫy sắc màu. Sông Sài Gòn bình yên chưa từng có, gió lồng lộng thổi lên từ lòng sông sâu thẳm, đám lục bình trôi lềnh bềnh tựa như những con thuyền nhỏ nhấp nhô trong đêm. Nó ngã đầu lên vai Quân mà quên mất câu xin phép dí dỏm của hai đứa “cho Chi mượn vai chút nha”. Quân vẫn chưa nói một câu nào từ lúc về, chỉ im lặng một cách tuyệt đối. Nó cảm nhận có một gì đó khang khác ở Quân nhưng lại nghĩ “Có lẽ Quân còn mệt và chưa thích nghi kịp với sự thay đổi của Sài Gòn”. “Quân thấy Sài Gòn có gì khác không? Nó hỏi: “Nhiều chứ?”. “Ừ, nhưng những kẻ đi xa về mới nhận ra điều đó”. Nó thấy lòng nặng trĩu. Nó thèm được nghe Quân nói và nói cho Quân nghe. Nó muốn kể về những lần thức thâu đêm vắt óc suy nghĩ để viết bài là vì Quân. Rồi có lúc không có Quân nó vẫn mỗi tuần một lần vào quán chè cũ ăn đủ hai ly của hai đứa. Còn cả chuyện... à mà thôi chuyện này nói ra chắc Quân sẽ cho là mít ướt. Điều này cũng do Quân thôi. Từ khi học văn, nó trở nên mềm yếu và rất nhạy cảm. Nó không còn khô khan và không còn ngông nghênh như hồi trước dù nét bướng bỉnh vẫn còn đó. Có lẽ Quân nói đúng “Môi trường có thể tác động đến con người”. Lần này, Quân không kể chuyện biển, không nói về những ánh sao đêm lung linh như thế nào và tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền những lần biển giận. Quân cũng không nói vẻ xuýt xoa: “Sao Chi dạo này ốm quá! Tay cũng nhỏ đi này. Phải ăn nhiều vào chứ!”. Nó ngúng nguẩy: “Chi không muốn mình là ổ bánh mì đâu. Vậy sẽ xấu lắm”. “Chi thích thành que củi khô lắm hả? Lúc đó có lẽ Quân sẽ không nhận ra đâu”. Bàn tay nhỏ nhắn của nó ngoan ngoãn nằm trong tay Quân. Tay Quân lúc nào cũng ấm áp và mạnh mẽ luôn mang cho nó một cảm giác bình yên.Ánh điện dường như đủ cho nó nhìn rõ vẻ mặt của Quân lúc này. Quân nhìn xa xăm, vô định. Nó im lặng, thắt lòng và nhói đau vì cái xiết tay quá mạnh của Quân. “Quân!” - nó thảng thốt. Quân nhìn nó nồng nàn và tha thiết đến nỗi nó bất giác cúi mặt. Nụ hôn đầu tiên vội vàng... Quân lại về với biển.Nga bảo: “Mày lúc nào cũng như con bé thất tình đấy Chi ạ! Chẳng lẽ mày và Quân...” - Nga bỏ lửng câu hỏi. Nó nhói lòng “Quân và tao vẫn bình thường” rồi quay đi cố giấu giọt nước mắt vào lòng. Nó đánh trống lảng: “Còn Hưng của mày thì sao rồi?”. “Tao xù rồi Chi ạ. Không gì hơn những thằng con trai khác. Tao đã nghĩ ra một điều”Không nên cho ai nhiều hơn những gì mình được nhận. Với tao sống sao cho vui vẻ là được”. Nó thấy miệng mình đắng ngắt. Ước gì nó vô tư yêu, vô tư chơi và vô tư khẳng định con tim mình được như Nga. Biết đâu nó sẽ không như bây giờ.Thứ bảy, nó đứng ngồi không yên, chốc chốc lại giật mình vì tiếng xe máy chạy qua. Nó chờ biển...Chủ nhật, lá thư theo định kỳ vẫn được gửi đi. Nó thấp thỏm chờ đợi và tự biện minh cho Quân “Có lẽ Quân quá bận vì mấy hôm nay biển có bão”.Nó viết và đăng báo chỉ mong sao Quân đọc được. Mái tóc dài và cả hương tóc nó không thay đổi nên nó không tin Quân sẽ khác, chỉ có điều Quân bận. “Mày biết tin gì chưa Chi?” - Nga hỏi nó. “Là tin gì chứ?”. “Quân sắp cưới...”. Tai nó ù đi. “Mày nói gì hả Nga? Mày nhắc lại đi. A, không..., không... không cần”. Nó chết lặng, chỉ mong mình đang mơ, chỉ là mơ thôi... Nga vẫn huyên thuyên: “Mày thấy không? Cuộc sống này không có gì là tồn tại mãi mãi, là vĩnh hằng, chỉ có tiền thôi Chi à! Mày cũng chưa biết Quân lấy ai mà? Mày còn nhớ Hương, em họ tao không? Ba nó là thuyền trưởng sắp về hưu, có lẽ Quân sẽ thay vào chỗ đó”. Chợt nhận ra là mình không nên nói vậy, Nga bối rối: “Tao xin lỗi mày... Mày khóc đi Chi. Khóc cho nhẹ nhàng hơn”. Nó lắc đầu một cách yếu ớt. Nga đi rồi, những giọt nước mắt nó bắt đầu rơi. Giờ thì nó hiểu tại sao Quân quên thứ bảy, vì sao Quân lại nhìn nó như vậy. Lần cuối cùng, Quân đã trao nó nụ hôn vội vã nhưng không một lời chia tay. Nó chợt thấy lòng se sắt vì thương Quân. Quân đã khổ nhiều quá rồi.Nó viết bài không để đăng báo hay cho một người nào đó đọc mà chỉ cho riêng mình. Quân không cần niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà nó thắp lên hoặc cũng vì một lý do nào khác. Nhưng điều đó không quan trọng. Quân đã ra đi nhưng biển và sao đêm thì vẫn ở lại. Nó chợt nhận ra mình yêu biển hơn bao giờ hết. Vị mằn mặn không thể tan khỏi bờ môi...