Dịch giả : Thanh Vân
Chương 3
CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI DU MỤC

Lớn lên ở châu Phi, tôi không có cảm giác lịch sử ở các nơi khác trên thế giới lại quan trọng đến thế. Tiếng nói của tôi là Somali, cho đến năm 1973 mới có chữ viết, vì thế chúng tôi không được học đọc, học viết. Những hiểu biết đều là truyền miệng – thơ ca hoặc chuyện dân gian – hoặc, ý nghĩa hơn cả là những kỹ năng cha mẹ đã dạy chúng tôi để có thể sống còn. Ví dụ, mẹ tôi đã dạy tôi đan các thứ để đựng bằng cỏ khô sao cho đủ khít để có thể chứa sữa, cha tôi dạy tôi cách chăm sóc gia súc sao cho chúng béo khoẻ. Chúng tôi không mất nhiều thời gian nói về quá khứ - chẳng ai có thời gian để làm thế cả. Mọi việc đều là hôm nay, chúng ta sẽ làm gì cho hôm nay? Liệu hôm nay tất cả bọn trẻ con có còn đủ không? Súc vật có an toàn không? Chúng tôi sẽ ăn uống ra sao? Sẽ kiếm nước ở đâu?
Ở Somalia, chúng tôi sống theo nếp tổ tiên đã sống từ hàng ngàn năm nạy chẳng có gì thay đổi đột ngột với chúng tôi. Là dân du mục, chúng tôi sống không có điện, điện thoại, xe hơi, chưa kể đến máy tính, truyền hình hoặc du lịch trên không. Những thực tế này cùng với tầm quan trọng sống trong thời hiện tại đã đem lại cho chúng tôi sự nhìn nhận về thời gian khác biệt với người sống ở thế giới phương Tây rất nhiều.
Cũng như những người khác trong gia đình, tôi không biết mình bao nhiêu tuổi, tôi chỉ có thể đoán phỏng chừng. Ở nước tôi, một đứa trẻ ra đời rất ít được bảo đảm sống cho đến khi một tuổi, vì thế quan niệm theo dõi ngày sinh tháng đẻ không có ý nghĩa lắm. Hồi tôi còn bé, chúng tôi sống hoàn toàn không có thước đo thời gian do con người tạo ra như đồng hồ và lịch. Thay vào đó, chúng tôi sống theo mùa và mặt trời, lên kế hoạch di chuyển theo nhu cầu cần mưa, coi khoảng thời gian của ánh sáng mặt trời là ngày. Chúng tôi tính thời gian bằng mặt trời. Nếu bóng ngả phía tây là buổi sáng, đứng bóng là giữa trưa. Khi bóng ngả sang phía bên kia là chiều. Ngày dài hơn thì bóng tôi cũng ngả dài hơn, đó là tín hiệu để tôi về nhà trước khi trời tối.
Buổi sáng khi thức dậy, chúng tôi quyết định xem hôm nay làm gì, rồi cố hết sức thực hiện nhiệm vụ đó cho xong hoặc làm cho đến tối mịt không nhìn thấy gì. Chúng tôi không hề có ý niệm thức dậy là có cả một ngày đã được hoạch định sẵn cho mình. Ở New York, người ta thường rút sổ tay ra và hỏi:
- Chị có rảnh để ăn trưa vào lúc mười bốn giờ hoặc mười lăm giờ được không?
Tôi đáp:
- Sao anh không gọi điện hẹn trước với tôi?
Đã bao nhiêu lần tôi ghi lại các cuộc hẹn, song vẫn không quen được với kiểu này. Hồi tôi đến London lần đầu, tôi rất bối rối khi mọi người liên hệ với nhau cứ nhìn vào cổ tay rồi kêu lên "Tôi sẽ đến!" Tôi cảm thấy mọi người đang lao đến khắp nơi, mọi hành động đều được xác định bằng thời gian. Ở châu Phi, không hấp tấp, cũng không căng thẳng. Thời gian ở Châu Phi rất rất chậm, rất bình tĩnh. Nếu bạn nói "Tôi sẽ gặp anh vào trưa mai" có nghĩa là vào khoảng bốn hoặc năm giờ. Cho đến ngày nay, tôi vẫn không chịu đeo đồng hồ.
Trong suốt những năm thơ ấu ở Somalia, chưa lần nào tôi nghĩ đến tương lai hoặc đào bới quá khứ để hỏi "Mẹ ơi, con lớn lên như thế nào?" Hậu quả là tôi ít biết về lịch sử gia đình, nhất là từ khi tôi bỏ nhà ra đi sớm như thế. Giờ đây, tôi không ngừng mong ước có thể trở về và hỏi những câu ấy, hỏi mẹ tôi hồi bé bà sống ra sao, hoặc mẹ tôi là người ở đâu, hay cha tôi mất như thế nào. Cứ nghĩ có thể không bao giờ tôi biết những việc ấy làm tôi phiền não.
Tuy nhiên, có một điều tôi biết về mẹ tôi là bà rất đẹp. Tôi biết nói thế có vẻ như tôi là đứa con gái sùng mộ mẹ mình, nhưng bà đẹp thật. Gương mặt bà như pho tượng Modigliani, nước da bà đen và mịn màng, trông bà như tạc bằng đá hoa cương thật hoàn mỹ. Vì da mẹ tôi đen thẫm và răng bà trắng đến lạ lùng, nên ban đêm, mỗi khi bà mỉm cười, chúng tôi nhìn thấy hàm răng lấp lánh của bà, như thể đang trôi trong bóng đêm. Tóc bà dài và thẳng, rất mềm, bà dùng những ngón tay vuốt tóc vì chưa bao giờ có lấy một cái lược. Mẹ tôi cao và mảnh dẻ, một đặc điểm mà tất cả các con gái của bà được thừa hưởng.
Tính mẹ tôi rất điềm đạm và dịu dàng. Nhưng lúc bắt đầu trò chuyện, bà rất khôi hài và hay cười. Bà kể chuyện tiếu lâm, trong đó có một số chuyện vui, một số chuyện tục tĩu, có những chuyện ngớ ngẩn làm chúng tôi rất khoái chí. Bà nhìn tôi và bảo:
- Waris, sao mắt con lại biến mất thế?
Câu đùa mộc mạc, ưa thích nhất của bà là gọi tôi là "Avdohol", có nghĩa là "Miệng xinh". Mẹ tôi nhìn tôi vô cớ rồi hỏi:
- Này, Avdohol, sao miệng con lại bé xíu thế nhỉ?
Cha tôi rất điển trai, và bạn hãy tin tôi đi, ông thừa biết như thế. Ông cao khoảng mét chín, mảnh dẻ, nhẹ nhàng hơn mẹ tôi. Tóc ông màu nâu, cặp mắt ông màu nâu sáng. Cha tôi tự phụ vì biết mình đẹp trai. Ông hay trêu mẹ tôi:
- Tôi có thể đi kiếm bà khác, nếu mình không… - và điền vào chỗ trống bất cứ việc gì ông muốn. Hoặc là – Này mình ạ, ở đây tôi chán quá. Tôi sắp kiếm bà khác đây…
Mẹ tôi cũng trêu lại ông:
- Ông cứ đi đi. Xem ông có thể làm gì được nào.
Cha mẹ tôi thực sự yêu quý nhau, nhưng thật không may có ngày những lời trêu đùa ấy đã thành sự thật.
Mẹ tôi lớn lên ở Mogadishu, thủ đô của Somalia. Còn cha tôi là dân du mục và luôn sống lang thang trên sa mạc. Lúc gặp cha tôi, me tôi thấy ông đẹp trai đến mức được sống cùng ông, lang thang đây đó trong cảnh du cư có vẻ rất lãng mạn, thế là họ nhanh chóng quyết định lấy nhau. Cha tôi đến gặp bà ngoại tôi vì ông ngoại tôi đã mất, và hỏi cưới mẹ tôi. Bà tôi bảo:
- Không, không, không, tuyệt đối không! – Rồi nói thêm với mẹ tôi – Nó chỉ là một thằng chơi bời thôi!
Bà tôi không cho phép cô con gái xinh đẹp của bà ném cả cuộc đời vào việc nuôi lạc đà ở nơi hoang vu với gã này – người đàn ông của sa mạc! Song hồi đó mẹ tôi sắp tròn mười sáu tuổi, mẹ đã bỏ trốn và lấy cha tôi.
Họ đến tận phía bên kia đất nước và sống cùng gia đình ông trong sa mạc, gây nên hàng loạt rắc rối cho mẹ tôi. Gia đình mẹ tôi có tiền và thế lực. Bà chưa bao giờ lường được cuộc sống du mục khắc nghiệt loại này. Song điều khó xử hơn cả là cha tôi thuộc bộ lạc Daarood, còn mẹ tôi thuộc bộ lạc Hawiye. Giống thổ dân Mỹ, dân Somalia chia thành nhiều bộ lạc riêng, và ai cũng trung thành với bộ lạc của mình đến mức cuồng tín.Niềm tự hào về bộ lạc đã là nguồn cơn của nhiều cuộc chiến tranh trên khắp đất nước này.
Bộ lạc Daarood hết sức kình địch với bộ lạc Hawiye. Và gia đình cha tôi lúc nào cũng đối xử ghẻ lạnh với mẹ tôi, cho bà là người thấp kém hơn chỉ vì bà xuất thân ở một bộ lạc khác hẳn họ. Mẹ tôi đã bơ vơ suốt một thời gian dài, nhưng bà phải thích ứng. Sau khi bỏ trốn khỏi nàh và tách khỏi gia đình, tôi mới hiểu cuộc sống của bà, phải sống lẻ loi giữa những người Daarood.
Mẹ tôi sinh con, và việc nuôi dạy các con đã đem lại cho bà tình yêu thương bị mất khi phải chia lìa với bộ lạc của mình. Giờ đây khi đã trưởng thành, ngoảnh nhìn lại tôi mới nhận ra bà có tới mười hai người con. Tôi nhớ khi mẹ tôi có mang, bà bỗng đột ngột biến đâu mất và chúng tôi không nhìn thấy bà trong suốt nhiều ngày. Rồi lúc xuất hiện, bà bế một đứa trẻ tí xíu. Bà ra sa mạc một mình và sinh con, mang theo một vật sắc để cắt dây rốn. Một lần, sau khi bà biến mất, chúng tôi phải chuyển trại trong cuộc tìm kiếm nước không ngừng. Mất bốn ngày sau bà mới tìm thấy chúng tôi, bà đã đi bộ qua sa mạc, tay bế đứa trẻ sơ sinh trong lúc tìm chồng.
Dù sao mặc lòng tôi luôn cảm thấy bà cưng tôi nhất trong tất cả các con. Mẹ con tôi rất thông cảm với nhau, suốt cả đời ngày nào tôi cũng nghĩ đến mẹ tôi, cầu Thượng Đế che chở cho bà cho đến khi tôi có nghề có nghiệp. Hồi bé lúc nào tôi cũng muốn được ở gần bà, suốt ngày tôi chỉ mong ngóng đến chiều để về nhà, được ngồi cạnh mẹ và được bà xoa đầu.
Mẹ tôi đan những cái giỏ rất đẹp, phải mất nhiều năm mới đạt được sự khéo léo đến thành thục như thế.
Mẹ con tôi ở bên nhau nhiều giờ lúc mẹ dạy tôi làm một cái chén nhỏ để uống sữa, nhưng khi thử làm các đồ vật lớn hơn, tôi không bao giờ làm được như mẹ tôi. Giỏ tôi đan thưa xuệch xoạc và đầy những lỗ hổng.
Có hôm, tôi thèm được ở bên mẹ tôi và sự tò mò tự nhiên của trẻ con đã làm tôi đi theo bà. Mỗi tháng một lần, bà rời trại và đi đâu một mình suốt buổi chiều. Tôi nói với bà:
- Con muốn biết mẹ làm gì, mẹ ạ. Tháng nào mẹ cũng làm việc gì ấy.
Bà bảo tôi nên để ý đến việc mình, trẻ con ở châu Phi không có quyền can thiệp vào việc của cha mẹ. Rồi như thường lệ, bà bảo tôi ở nhà trông các em. Nhưng lúc mẹ tôi vừa đi, tôi vội vàng theo sau bà cách một quãng, nấp sau các bụi cây khuất tầm nhìn. Bà gặp năm người đàn bà khác đi từ những nơi xa đến. Họ cùng ngồi dưới một cây to, tuyệt đẹp suốt mấy giờ liền trong lúc chúng tôi ngủ trưa, mặt trời thiêu đốt không thể làm được việc gì khác. Trong khoảng thời gian ấy, súc vật và cả nhà đều nghỉ, vì thế họ có thời giờ rảnh rỗi. Từ phía xa, tôi thấy những cái đầu màu đen của họ chụm vào nhau như đàn kiến, tôi ngắm họ ăn ngô rang và uống trà. Họ nói chuyện gì tôi không biết vì tôi ở quá xa không nghe được. Cuối cùng tôi quyết định đánh liều lộ diện, cái chính vì tôi muốn có một ít thức ăn của họ. Tôi đi với vẻ nhu mì và đến đứng cạnh mẹ tôi.
- Con ở đâu ra thế này? – Mẹ tôi kêu lên.
- Con đi theo mẹ mà.
- Hư lắm, một đứa con gái hư đốn – mẹ tôi mắng.
Nhưng những bà khác thì cười và thủ thỉ:
- Xem kìa, cô bé mới xinh đẹp chứ. Lại đây cháu… - Thế là mẹ tôi dịu đi và cho tôi ít bắp rang.
Trong những năm thơ bé này, tôi không có ý niệm về một thế giới nào khác với thế giới chúng tôi đang sống cùng dê và lạc đà. Không có những cuộc du lịch đến các nước khác, không sách vở, không tivi hoặc phim ảnh, vũ trụ của tôi bao gồm những cảnh tôi thấy xung quanh hàng ngày. Chắc là tôi không hề có ý niệm về việc mẹ tôi xuất thân từ một cảnh sống khác hẳn. Trước khi Somalia độc lập năm 1960, Italy đã chiếm các vùng phía Nam làm thuộc địa. Kết qủa là văn hoá, kiến trúc và xã hội của Mogadishu bị ảnh hưởng Italy sâu sắc, nên mẹ tôi nói tiếng Italy. Thi thoảng, lúc cáu bà tuôn ra một tràng những lời chửi rủa bằng thứ tiếng này.
- Mẹ ơi – tôi nhìn bà hoảng sợ - Mẹ nói cái gì đấy?
- Ồ, đấy là tiếng Italy.
- Tiếng Italy là gì hả mẹ? Nó có nghĩa gì hở mẹ?
- Chẳng gì hết, con hãy để ý đến việc của mình – rồi bà xua tôi đi.
Sau này tôi khám phá ra – giống như tôi phát hiện ra Mỹ và các toà nhà – rằng Italy là một phần của thế giới rộng lớn hơn, ngoài túp lều của chúng tôi. Nhiều lần, bọn trẻ con chúng tôi hỏi mẹ về chuyện bà lấy cha tôi:
- Sao mẹ lại đi theo người này? Hãy xem chúng ta sống ở đâu, còn anh chị em của mẹ sống khắp nơi trên trái đất, họ là đại sứ, còn mẹ thì thế này! Sao mẹ lại bỏ đi với một người kém cỏi thế này?
Bà đáp rằng vì bà yêu cha tôi và bà phải bỏ trốn, họ mới có thể chung sống với nhau. Mẹ tôi là một phụ nữ mạnh mẽ. Tôi chưa nghe thấy bà phàn nàn bao giờ, dù tôi được chứng kiến mọi sự bà trải qua. Chưa lần nào tôi nghe thấy bà nói:
- Mẹ chán việc này – hoặc – Mẹ không muốn làm việc này nữa.
Mẹ tôi lặng lẽ và rắn như thép. Rồi không hề báo trước, bà nói với chúng tôi một câu đùa giản dị của bà. Mục tiêu của tôi là đến một ngày nào đó, tôi sẽ mạnh mẽ như bà, lúc đó tôi có thể nói cuộc sống của tôi đã thành công.
Trong hơn sáu mươi phần trăm người Somalia là dân du mục, gia đình tôi thuộc dạng điển hình trong việc chọn nuôi gia súc làm cách kiếm sống. Theo định kỳ, cha tôi ghé vào làng và bán một con gia súc để mua một bao gạo, vải vóc may quần aó hoặc chăn mền. Thỉnh thoảng, ông đem của cải riêng bán cho bất kỳ du khách nào đến thành phố, rồi đi mua một loạt các thứ ông muốn.
Một cách kiếm tiền nữa là chúng tôi thu hoạch trầm, thứ trầm được nhắc đến trong Kinh Thánh như một món quà các đạo sĩ mang đến cho Jesus Hài Đồng. Hương thơm của nó là thứ hàng giá trị từ thời cổ đại cho đến tận bây giờ. Trầm hương có ở cây Boswellia, mọc ở vùng cao nguyên đông bắc Somalia. Đó là một lại cây nhỏ bé xinh đẹp, cao khoảng mét rưỡi, cành cây cong như một cái dù đang mở. Tôi cầm rìu bập nhẹ vào cây – không làm hại đến nó – chỉ đủ rạch vỏ cây. Sau đó, chảy ra một loại nhựa màu trắng sữa. Tôi đợi một ngày cho nhựa này cứng lại, thực ra, đôi khi chúng tôi nhai nó như nhai kẹo gôm, song vị đắng hơn. Chúng tôi thu nhặt các mảnh nhựa vào giỏ, rồi cha tôi đem bán. Vào những đêm lửa trại, gia đình chúng tôi cũng đốt trầm, và giờ đây, bất cứ khi nào ngửi mùi này tôi như được trở lại với những buổi tối ấy. Thỉnh thoảng, tôi tìm được quảng cáo hương trầm ở Manhattan. Khao khát có một thứ nhắc nhở đến quê hương, tôi mua chúng nhưng hương của nó chỉ như một thứ bắt chước mờ nhạt, không thể sánh với mùi thơm ngào ngạt, kỳ lạ của những đống lửa cháy trong đêm sa mạc.
Gia đình đông đúc của chúng tôi cũng là tiêu biểu ở Somalia, nơi trung bình một phụ nữ có bảy đứa con. Bọn trẻ được coi như khoản trợ cấp tuổi già cho người lớn tuổi, chúng sẽ chăm nom cha mẹ khi họ già yếu. Trẻ em Somali kính trọng cha mẹ, ông bà, không bao giờ dám chất vấn về quyền hành của họ. Bạn phải kính trọng tất cả những người lớn tuổi, kể cả các anh chị bạn, và phải làm theo ý họ. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm hành động chống đối của tôi bị coi là đáng hổ thẹn vô cùng.
Một lý do nữa của các gia đình lớn không hạn chế sinh đẻ vì càng có nhiều người gánh vác công việc, cuộc sống càng dễ dàng hơn. Chỉ riêng việc lấy nước – không nhiều hoặc đủ, mà chỉ là lấy nước nói chung – đã là một việc cực nhọc. khi vùng quanh chúng tôi khô cạn, cha tôi đi tìm nước. Ông mắc nhiều túi to lên lạc đà, những cái túi mẹ tôi đan bằng cỏ. Sau đó ông rời nhà và đi nhiều ngày cho đến khi tìm được nước, đổ đầy các túi rồi trở lại chỗ chúng tôi. Chúng tôi cố ở nguyên một chỗ đợi ông nhưng mỗi ngày trôi qua là thử thách lại tăng lên, vì chúng tôi phải đi nhiều dặm cho gia súc uống nước. Thỉnh thoảng chúng tôi phải di chuyển mà không có ông, song ông luôn tìm được chúng tôi, chẳng cần đường sá, biển hiệu hoặc bản đồ. Nếu cha tôi đi vắng, vào làng để kiếm thức ăn chẳng hạn, một trong những đứa con phải làm việc này vì mẹ tôi phải ở nhà trônng nom mọi việc.
Đôi khi, việc này đổ xuống vai tôi. Tôi đã đi nhiều ngày dài dặc để tìm nước, vì không thể trở về nhà mà không có nước. Chúng tôi hiểu không bao giờ nên trở về với hai bàn tay trắng, vì lúc đó chẳng còn hy vọng gì. chúng tôi phải đi cho đến lúc tìm được một thứ gì đó. Không ai chấp nhận lý do "Con không thể". Mẹ tôi bảo tôi đi tìm nước, thế là tôi phải tìm cho ra. Khi tôi chuyển đến thế giới phương Tây, tôi sửng sốt thấy người ta than phiền "Tôi không thể làm việc được vì đau đầu". Tôi muốn nói với họ "Để tôi giao cho bạn một công việc vất vả. Bạn sẽ không bao giờ phàn nàn về công việc nữa".
Một trong những phương pháp cung cấp thêm người đỡ đần gánh nặng công việc là tăng số đàn bà và trẻ con, có nghĩa là lấy thật nhiều vợ, đó là một thông lệ phổ biến ở Châu Phi. Cha mẹ tôi là trường hợp bất thường vì đã chung sống nhiều năm chỉ có hai người. Cuối cùng, đến khi đã có mười hai người con, mẹ tôi nói:
- Tôi già quá rồi…sao ông không kiếm người khác để tôi được nghỉ ngơi? Bây giờ hãy để tôi sống một mình.
Tôi không biết bà có ý định ấy hay không – chắc chắn bà chưa bao giờ nghĩ cha tôi lại bỏ bà.
Nhưng rồi đến một ngày, cha tôi biến mất. Lúc đầu, chúng tôi tưởng ông đi kiếm nước hoặc thức ăn và mình mẹ tôi trông coi mọi việc. Ông đi được hai tháng, chúng tôi nghĩ rằng ông đã chết. Rồi một buổi tối, cha tôi xuất hiện cũng đột ngột như lúc ra đi. tất cả bọn trẻ con đang quây quần đàng trước túp lều. Ông đi lên và hỏi:
- Mẹ các con đâu?
Chúng tôi đáp mẹ vẫn ở ngoài kia với đàn gia súc.
- Này các con – ông nói và cười toe toét – Ta muốn các con gặp vợ ta – Ông kéo ra phía trước một cô bé chỉ khoảng mười bảy tuổi, không lớn hơn tôi là mấy. Tất cả chúng tôi nhìn cô ta chằm chằm vì không được phép nói gì, vả lại, chúng tôi không biết nói gì.
Lúc mẹ tôi về nhà mới thật kinh khủng. Tất cả các con đều căng thẳng đợi xem sẽ xảy ra chuyện gì. Mẹ tôi nhìn cha tôi trừng trừng, không để ý đến người phụ nữ kia trong bóng tối và nói:
- Kìa mình, mình quyết định xuất hiện à?
Cha tôi đổi hết chân này sang chân kia và nhìn quanh.
- Ờ, đúng vậy. Nhân thể, hãy gặp vợ tôi đi – và ông vòng tay quanh người cô dâu mới. Không bao giờ tôi có thể quên gương mặt mẹ trong ánh lửa. Nó chảy xệ xuống. Rồi bà hiểu ra:
- Khốn kiếp, tôi đã mất ông cho cô gái bé nhỏ này ư? – mặc dù mẹ tôi chết lặng vì ghen, bà hết sức cố gắng để không lộ ra.
Chúng tôi không biết vợ mới của cha tôi là người ở đâu, cũng như không biết gì về cô. Nhưng điều đó không hề ngăn cản cô ta điều khiển tất cả đám con chồng ngay lập tức. Ngay sau hôm đến, cô gái mười bảy tuổi này bắt đầu chỉ huy cả mẹ tôi, bảo mẹ tôi làm việc này sai tôi việc khác làm tôi mệt phờ. Mọi sự trở nên hết sức căng thẳng, vì một hôm cô ta phạm phải một sai lầm chết người: đánh Ông Già, em trai tôi.
Hôm xảy ra chuyện ấy, tất cả chúng tôi đang ở chỗ chơi thường xuyên (mỗi lần di chuyển, chúng tôi lại tìm một cái cây gần lều làm "phòng riêng" cho bọn trẻ), hôm ấy tôi đang ngồi dưới gốc cây với anh chị em thì nghe tiếng Ông Già khóc. Tôi đứng phắt dậy và phát hiện ra đứa em trai nhỏ của tôi đang lao đến.
- Em làm sao thế? Có chuyện gì hả? – tôi vừa nói vừa cúi xuống lau mặt cho nó.
- Cô ấy tát em, cô ấy tát em rất mạnh!
Tôi không cần hỏi là ai, vì trong gia đình tôi, không ai đánh Ông Già. Không phải mẹ tôi, không phải các anh chị em tôi, thậm chí không phải là cha tôi, trong lúc ông đánh những đứa khác là chuyện thường. Không được đánh Ông Già, nó là người thông minh nhất trong chúng tôi và luôn cư xử đúng đắn. Tát em tôi là một việc xâm phạm, vượt qua sức chịu đựng của tôi và tôi đi tìm cô gái ngu xuẩn nọ:
- Sao cô lại tát em tôi? – tôi hỏi.
- Nó uống sữa của tôi - cô ta nói, ngạo mạn như một bà hoàng sở hữu tất cả số sữa trong đàn gia súc của chúng tôi.
- Sữa của cô? Tôi để sữa sẵn trong lều, nếu nó muốn, nếu nó khát thì nó uống! Cô không cần phải tát nó!
- Ồ, im đi và tránh xa tôi ra! – cô ta rít lên, giơ bàn tay xua tôi. Tôi nhìn cô ta trừng trừng và lắc đầu, vì tôi mới gần mười ba tuổi, tôi biết cô ta đã phạm một sai lầm to lớn.
Các anh chị em ngồi đợi tôi dưới gốc cây, căng thẳng chờ nghe cuộc đối thoại giữa tôi và vợ của cha tôi. Lúc đến gần, tôi chỉ vào các khuôn mặt chất vấn của họ và nói "Ngày mai". Tất cả gật đầu.
Ngày hôm sau, thật may mắn cho chúng tôi vì cha tôi bảo ông đi vắng vài ngày. Đến giờ nghỉ trưa, tôi dong đàn gia súc về nhà, và tìm đứa em gái cùng hai em trai.
- Cô vợ bé bỏng của cha đang lấn lướt – tôi tuyên bố rõ ràng – Chúng mình phải làm gì đó để dạy cho cô ta một bài học, vì việc này phải chấm dứt.
- Ờ, nhưng chúng mình làm gì được? - Ali hỏi.
- Rồi các em sẽ thấy. Đi với chị và giúp chị một tay.
Tôi lấy một sợi dây dày và dai, loại dây dùng buộc đồ đạc lên lạc đà mỗi khi di chuyển. Chúng tôi đưa cô vợ đang sợ hãi của cha tôi ra xa trại, ấn cô ta vào bụi rậm và bắt cô ta cởi hết quần áo. Rồi tôi buộc một đầu dây quanh một cây to, buộc đầu dây kia quanh mắt cá chân cô vợ bé bỏng. Cô ta hết nguyền rủa chúng tôi rồi lại la hét, khóc lóc trong lúc chúng tôi rút sợi dây và kéo cô ta lên khỏi mặt đất. Các em tôi và tôi nghịch với sợi dây, kéo lên kéo xuống cho đầu cô ta đung đưa, cách mặt đất khoảng hai mét rưỡi để không con thú nào ăn thịt cô ta. Rồi chúng tôi quấn dây vào cành và bỏ về nhà, để cô ta lại đấy, quằn quại và la hét trong sa mạc.
Chiều hôm sau, cha tôi về sớm một ngày. Ông hỏi chúng tôi người phụ nữ bé nhỏ ấy đâu. Tất cả chúng tôi đều nhún vai và nói chúng tôi không nhìn thấy cô ta đâu cả. Thật may là chúng tôi đưa cô ta đi đủ xa, nên không người nào nghe thấy tiếng cô ta la hét.
- Hừm – ông nói và nhìn chúng tôi ngờ vực.
Đến tối, cha tôi vẫn chưa thấy tăm hơi cô ta. Ông biết có chuyện hết sức tồi tệ và bắt đầu tra hỏi chúng tôi:
- Lần cuối cùng các con nhìn thấy cô ta là khi nào? Hôm nay các con có nhìn thấy cô ta không? Hôm qua có thấy cô ấy không?
Chúng tôi nói tối hôm trước cô ấy không về nhà, và lẽ tất nhiên điều ấy là thực.
Cha tôi hoảng hốt và cuống lên đi tìm cô ta ở khắp mọi nơi. Nhưng ông không thấy, cho đến sáng hôm sau. Lúc cha tôi cắt dây đỡ cô ta xuống, cô dâu của cha tôi đã bị treo lộn ngược gần hai ngày, và trông hình dạng rất thảm hại. Lúc về nhà, ông vô cùng giận dữ:
- Đứa nào làm việc này? – Ông hỏi.
Tất cả chúng tôi im lặng và nhìn nhau. Tất nhiên là cô ta mách cha tôi:
- Waris là đứa cầm đầu. Nó tấn công em đầu tiên!
Cha tôi đến sau tôi và bắt đầu đánh tôi, nhưng tất cả bọn trẻ con xô vào ông. Chúng tôi biết đánh cha là hư, nhưng chúng tôi không thể cứ thế mãi.
Sau ngày hôm đó, cô vợ mới bé bỏng của cha tôi thay đổi hẳn. chúng tôi đã cho cô ta một bài học, và của ấy học rất nhanh. Sau khi dồn máu vào đầu hai ngày liền, tôi đoán trí não của cô ta tỉnh táo hơn, cô ta trở nên ngọt ngào và lễ phép. Từ lúc đó trở đi, cô ta hôn bàn chân mẹ tôi và đợi bên bà như một người nô lệ.
- Em có thể lấy gì cho bà? Em có thể làm gì cho bà? Không ạ, em sẽ làm việc đó. Bà cứ ngồi nghỉ đi.
Tôi nghĩ "Lẽ ra cô nên hành động như thế ngay từ ngày đầu, con sói cái bé nhỏ ạ, sẽ tránh cho chúng tôi mọi nỗi khổ không cần thiết này".
Nhưng cuộc sống du mục thật khắc nghiệt, dù trẻ hơn mẹ tôi hai mươi tuổi, cô vợ mới của cha tôi không được khoẻ. Cuối cùng, mẹ tôi hiểu rằng bà không việc gì phải sợ cô gái bé nhỏ này.
Cuộc sống du mục thật khắc nghiệt, nhưng cũng tràn đầy vẻ đẹp – một cuộc sống gắn kết với thiên nhiên đến mức không tách rời. Mẹ tôi đà đặt tên tôi theo một phép mầu của thiên nhiên: Waris nghĩa là hoa sa mạc. Hoa sa mạc nở trong môi trường cằn cỗi, rất ít có sinh vật có thể sống nổi. Thỉnh thoảng Somalia không có mưa đến hơn một năm. Nhưng lúc làn nước rơi xuống, rửa sạch bụi bậm cho quang cảnh, hoa sa mạc xuất hiện như một điều thần diệu. Những bông hoa như một quả cam màu vàng tươi sáng, và do vậy, màu vàng luôn là màu ưa thích của tôi.
Khi một cô gái lấy chồng, những người phụ nữ trong bộ lạc ra sa mạc hái hoa. Họ phơi khô, rồi cho thêm nước vào và nghiền thành một thứ bột nhão, bôi lên mặt cô dâu tạo thành một lớp lấp lánh màu vàng. Họ trang điểm bàn tay và bàn chân cô dâu bằng lá móng, vẽ những hoa văn cầu kỳ. Họ còn bôi phấn côn viền quanh mắt cô dâu, để cặp mắt trông sâu thẳm và gợi tình. Tất cả những thứ mỹ phẩm này đều lấy từ cây cỏ, nên hoàn toàn tự nhiên. Sau đó đám phụ nữ quấn cô dâu bằng những tấm khăn màu sắc tươi sáng, đỏ và hồng, da cam và vàng – càng nhiều càng tốt. Có thể họ không có nhiều khăn, nhiều gia đình nghèo đến không thể tin nổi nhưng chẳng việc gì phải xấu hổ về điều đó. Cô dâu thường mặc những thứ đẹp nhất mà cô, mẹ cô, chị em cô, bạn bè cô tìm được, và đi lại tự hào như một con gấu Somali. Ngày cưới đến, cô sẽ bước ra như một giai nhân lộng lẫy chào chú rể của cô. Đàn ông không xứng để được thế!
Đến ngày cưới, dân chúng trong bộ lạc mang quà tặng đến, họ không cần phải lo mua những thứ này nọ, hoặc phiền lòng vì không có được thứ khá hơn. Bạn có gì tặng nấy: dệt một tấm chiếu cho cô dâu chú rể, hay tặng một cái bát. Nếu không có những thứ đại loại như thế, bạn có thể mang đến ít đồ ăn dùng cho bữa tiệc cưới sau nghi lễ. Trong văn hóa của chúng tôi không có tuần trăng mật, vì thế ngay sau đám cưới là ngày làm việc cho cặp vợ chồng mới, và họ cần mọi thứ quà tặng để bắt đầu cuộc sống chung.
Ngoài các đám cưới, chúng tôi còn một số lễ kỷ niệm khác. Không có các ngày nghỉ theo lịch. Thay vào đó là lễ mừng những cơn mưa chờ đợi từ lâu. Ở Somalia, nước hiếm hoi như thế nên nước là tinh chất của cuộc sống. Dân du mục trên sa mạc trân trọng nước sâu sắc, coi mỗi giọnt nước là một thứ hàng hóa quý giá, và cho đến ngày nay tôi vẫn yêu qúy nước. Chỉ cần nhìn thấy nước, tôi đã thấy lòng vui dào dạt.
Sau nhiều tháng khô hạn, lắm lúc chúng tôi rất nản chí. Dân chúng tụ tập để cầu mưa. Có lúc cầu được có lúc không. Một năm trôi qua, lúc mọi người tưởng là đến mùa mưa, song vẫn chẳng có giọt nào. Nửa số gia súc của chúng tôi đã chết và nửa kia yếu lả vì khát. Mẹ tôi bảo tất cả chúng tôi phải đi cầu mưa. Dân chúng từ những nào không rõ kéo đến rất đông. Tất cả cầu nguyện, hát và nhảy múa, cố tỏ ra vui vẻ và cổ vũ tinh thần cho nhau.
Sáng hôm sau, những đám mây kéo đến và mưa bắt đầu rơi. Rồi như bất cứ lúc nào trời mưa, niềm hân hoan thực sự bắt đầu. Chúng tôi cởi hết quần áo và ào vào trong cơn mưa, té nước và kỳ cọ, tắm rửa lần đầu trong nhiều tháng nay. Dân chúng kỷ niệm bằng một vũ điệu truyền thống: phụ nữ vỗ tay và hát, giọng họ trầm trầm ngọt ngào ngân vang qua sa mạc, đàn ông nhảy thật cao trong không khí. Ai cũng góp thức ăn, và chúng tôi ăn uống ngon lành để ngợi ca ân huệ của cuộc đời.
Những ngày sau trận mưa, hoang mạc bừng nở những bông hoa màu vàng và các đồng cỏ trở nên xanh tươi. Súc vật có thể ăn uống no nê, còn chúng tôi có dịp thoải mái và tận hưởng cuộc sống. Chúng tôi có thể đến các hồ mới do mưa tạo thành, tắm táp và bơi lội. Trong bầu không khí tươi mát, chim hót líu lo và sa mạc của dân du mục trở thành chốn thiên đường.
< Sửa đổi bởi: Ct.Ly -- 18.7.2007 15:31:03 >
(trả lời: tumbleweed)
[Gửi Thư Riêng] Post #: 3 | IP: 75.63.127.57
RE: Hoa sa mạc - Desert Flower (Waris Dirie) - 3.7.2007 8:22:52
Không có Bài Mới
tumbleweed
Hiệp sĩ
Bài viết đã đăng: 368
Gia nhập ngày: 6.6.2006
Hiện trạng: offline Chương 4
TRỞ THÀNH ĐÀN BÀ
Đã đến lúc Aman, chị lớn nhất của tôi cắt bỏ âm vật. Giống như mọi em bé hơn, tôi ghen tị với chị vì chị đang bước vào thế giới của người lớn. Aman đang độ thiếu nữ, lớn hơn một chút so với lứa tuổi thông thường để cắt xẻo âm vật nhưng chẳng bao giờ chọn đúng thời điểm. Vì gia đình tôi di chuyển khắp nơi theo một vòng tròn bất tận, đàng nào chúng tôi cùng bỏ lỡ mụ gypsy cử hành nghi thức cổ lỗ này. Cuối cùng, khi cha tôi tìm thấy, ông đưa bà ta đến cắt âm vật cho hai chị lớn nhất của tôi là Aman và Halemo. Nhưng lúc bà ta đến trại nhà tôi, tình cờ chị Aman đi lấy nước, vì thế mụ gypsy chỉ cắt âm vật cho chị Halemo. Cha tôi trở nên lo lắng, vì chị Aman sắp đến tuổi có thể kết hôn, nhưng không thể tổ chức đám cưới nếu chị không được "định hình" đúng kiểu. Theo hiểu biết phổ biến ở Somalia, thì những thứ giữa đôi chân một cô gái, phần thân thể bẩm sinh ra đã có, là xấu xa và không sạch sẽ. Cần phải cắt bỏ hết – âm vật, môi nhỏ và hầu hết môi lớn của âm hộ - chỉ để lại một vết sẹo nơi đã là cơ quan sinh dục nữ. Nhưng những chi tiết của cuộc hành lễ cắt xẻo này vẫn là điều bí ẩn, không bao giờ giải thích cho các cô gái. Khi nào đến lúc, các cô chỉ được biết là sắp xảy ra một việc đặc biệt.
Do vậy mà tất cả các thiếu nữ ở Somalia đều lo lắng đợi chờ nghi lễ đánh dấu sự biến đổi từ một cô gái nhỏ thành đàn bà của họ. Khởi đầu, tục lệ này diễn ra khi cô gái đến tuổi dậy thì, và nghi thức này mang một ý nghĩa nhất định, chứng nhận cô gái đến lúc có khả năng sinh sản và có thể mang thai đứa con của mình. Nhưng thời gian trôi qua, việc cắt xẻo này được thực hiện trên các cô gái ngày càng bé hơn, phần vì sức ép của chính các cô gái này, các em háo hức đợi "thời khắc đặc biệt" như một đứa trẻ phương Tây đợi tiệc mừng sinh nhật, hoặc đợi Ông già Tuyết đến trong lễ Giáng sinh.
Lúc nghe tin mụ gypsy đến để cắt xẻo cho Aman, tôi cũng muốn được làm như thế. Aman là người chị xinh đẹp của tôi, là thần tượng của tôi, và chị muốn gì, có gì, tôi cũng muốn được như chị. Hôm trước sự kiện lớn ấy,tôi bám lấy tay mẹ tôi, vật nài:
- Mẹ ơi, làm cho cả hai chúng con đi. Đi, mẹ. Ngày mai làm cho cả hai chúng con đi!
Mẹ đẩy tôi ra:
- Suỵt, im nào, cái con bé này!
Song chính Aman không háo hức như thế. Tôi nhớ chị thì thào:
- Con chỉ mong không kết thúc như Halemo.
Nhưng hồi ấy tôi bé quá nên không hiểu câu ấy có ý gì, và khi tôi đề nghị Aman giải thích, chị chỉ nói lảng sang chuyện khác.
Hôm sau từ rất sớm, mẹ tôi và bạn của bà đã đưa Aman đến gặp người đàn bà thực hiện việc mổ xẻ này. Như mọi khi, tôi nài xin được đi, song mẹ tôi bảo tôi phải ở nhà với các em. Vụng trộm như lần trước, tôi vừa đi theo bà vừa nấp sau các bụi và cây to, giữ một khoảng cách an toàn sau những người phụ nữ.
Mụ gypsy tới. Trong cộng đồng của chúng tôi, bà ta được coi là một nhân vật quan trọng không chỉ vì có nihều hiểu biết đặc biệt, mà còn vì bà ta kiếm được nhiều tiền từ những việc cắt xẻo âm vật. Khoản tiền trả cho nghi lễ này là một trong những khoản chi phí lớn nhất mà một gia đình phải chịu, nhưng vẫn được coi là khoản đầu tư có lợi vì nếu không làm, các cô gái sẽ không thể đưa ra chào mời gả bán được. Những cô gái còn nguyên vẹn bộ phận sinh dục bị coi là dâm đãng, bẩn thỉu, không đủ tiêu chuẩn và không một người đàn ông nào muốn lấy làm vợ. Vì thế bà gypsy – như một số người gọi – là một thành viên quan trọng trong cộng đồng của chúng tôi nhưng riêng tôi gọi bà là Mụ Giết Người vì nhiều bé gái đã chết vì tay mụ.
Nấp sau thân cây nhìn ra, tôi quan sát chị tôi ngồi xổm trên mặt đất. Rồi mẹ tôi và một người bạn của bà nắm lấy vai Aman và ấn chị xuống. Mụ gypsy bắt đầu làm gì đó giữa hai chân chị tôi, và tôi thấy vẻ đau đớn lan khắp mặt chị Aman. Chị tôi đã lớn, và rất khoẻ, bỗng nhiên – phum! Chị giơ chân lên, đạp mạnh vào ngực mụ gypsy, làm mụ ngã ngửa. Rồi chị tôi vùng khỏi những bàn tay đang giữ chặt và nhảy dựng lên. Tôi kinh hoàng thấy máu chảy theo chân chị xuống cát, để lại một vệt dài lúc chị chạy. tất cả đuổi theo chị, nhưng Aman đã bỏ xa họ, chị chạy cho đến lúc ngã sụp trên mặt đất. Những người đàn bà quây quanh chỗ chị ngã và tiếp tục công việc của họ. Tôi thấy buồn nôn nên không thể xem tiếp nữa, vì thế tôi chạy về nhà.
Lúc này biết được chút ít, tôi thực sự ao ước gía tôi không biết gì. Tôi không hiểu xảy ra chuyện gì, nhưng tôi hoảng sợ khi nghĩ nó sẽ xảy ra với tôi. Tôi không thể hỏi mẹ tôi cho rõ sự tình, vì không dám để lộ đã chứng kiến việc đó. Họ để Aman cách ly với các trẻ khác trong thời gian chị lành vết thương, và hai ngày sau tôi mang cho chị ít nước. Tôi quỳ xuống bên chị và hỏi rất khẽ:
- Nó như thế nào hả chị?
- Ôi, kinh khủng lắm!...- chị bắt đầu nói. Nhưng tôi đoán chị nghĩ tốt hơn hết là không kể thật với tôi, biết rằng tôi sẽ phải bị cắt xẻo và lúc đó tôi sẽ sợ lắm chứ không còn mong nữa – Đằng nào thì em cũng sắp bị làm rồi, họ sẽ làm việc đó với em sớm thôi – và chị chỉ nói có vậy.
Từ đó trở đi, tôi khiếp sợ cái nghi thức tôi sẽ phải trải qua để trở thành đàn bà. Tôi cố dẹp nỗi sợ ra khỏi tâm trí tôi, và thời gian trôi qua, nỗi thống khổ mà tôi đã chứng kiến trên gương mặt chị tôi đã trở thành hồi ức. Cuối cùng tôi tự thuyết phục mình một cách ngu xuẩn rằng tôi cũng muốn trở thành đàn bà và được gia nhập vào với các chị tôi.
Một người bạn của cha tôi và gia đình ông ta hay đến thăm chúng tôi. Ông ta là một ông già bẳn tính, bất cứ lúc nào em gái tôi hoặc tôi làm ông ta khó chịu, ông ta xua chúng tôi như xua rồi và trêu chọc chúng tôi:
- Tránh xa tao ra, hai con bé mất vệ sinh này, chúng mày là những con bé bẩn thỉu. Chúng mày còn chưa được cắt xẻo kia mà!
Ông ta luôn làu bàu như thể cái thực tế là chúng tôi chưa bị cắt xẻo làm chúng tôi đáng tởm đến mức ông ta không thể chịu nổi việc nhìn chúng tôi. Những lời nhục mạ ấy chọc tức tôi cho đến ngày tôi thề tìm cách làm ông ta im cái miệng ngu xuẩn ấy lại.
Người đàn ông này có một đứa con trai tên là Jamah đang tuổi thiếu niên và tôi thích Jamah dù anh ta cứ lờ tôi đi. Jamah không thích tôi, nhưng thích chị Aman. Tôi cứ nghĩ anh ta chú ý đến chị tôi hơn vì chị ưu việt hơn tôi, chị đã được cắt xẻo. Giống như bố, Jamah chắc không muốn giao thịệp với các cô gái bẩn thỉu, chưa được cắt xẻo âm vật. Hồi mới lên năm, tôi đã nhùng nhằng đòi mẹ tôi:
- Mẹ ơi, mẹ tìm bà ấy cho con, bao giờ mẹ mới đi hả mẹ? – tôi nghĩ mình phải làm được điều này, phải làm cho xong điều bí ẩn này mới được. May làm sao, mấy hôm sau mụ gypsy xuất hiện một lần nữa.
Một buổi tối, mẹ tôi bảo tôi:
- Nhân tiện cha con gặp mụ gypsy. Chúng ta đang đợi bà ấy, hôm nay bà ấy sẽ đến đây.
Đêm trước cuộc mổ xẻ, mẹ bảo tôi không được uống quá nhiều nước hoặc sữa để không đi tiểu nhiều. Tôi không biết thế là có ý gì, nhưng tôi không hỏi bà mà chỉ gật đầu. Tôi căng thẳng nhưng quyết đạt cho bằng được. Tối hôm ấy, cả nhà đặc biệt rối rít quanh tôi và tôi được thêm đồ ăn vào bữa tối. Đây là truyền thống tôi đã được chứng kiến qua nhiều năm, làm tôi ghen tị với các chị tôi. Trước khi đi ngủ, mẹ dặn:
- Đến sáng, lúc nào cần mẹ sẽ đánh thức con dậy.
Bằng cách nào đó mẹ tôi biết khi nào người đàn bà kia đến, tôi không hiểu được nhưng mẹ tôi luôn biết những việc như thế. Bà luôn cảm thấy bằng trực giác có ai đó sắp đến, hoặc thời điểm chính xác có việc xảy ra.
Đêm hôm ấy, tôi nằm thức chong chong vì náo nức, cho đến lúc mẹ tôi bỗng nhiên đứng trước tôi. Trời vẫn còn tối, đó là trước lúc rạng đông, màu đen sáng dần thành màu xám. Mẹ ra hiệu cho tôi im lặng và nắm lấy tay tôi. Tôi nắm lấy tấm mền nhỏ xíu của tôi và vẫn còn mơ ngủ, tôi loạng choạng đi theo mẹ tôi. Bây giờ tôi mới biết vì sao người ta đưa các cô gái đi từ sáng sớm như thế. Họ muốn làm trước khi có người thức dậy, để không ai nghe thấy tiếng các cô la hét. Nhưng lần này, tôi bối rối, tôi làm theo những gì được bảo. Chúng ta ra khỏi lều, đi vào bụi cây.
- Chúng ta đợi ở đây – mẹ tôi nói và chúng tôi ngồi xuống trên mặt đất mát mẻ. Ngày mỗi lúc rạng dần, tôi có thể nhận ra các hình dạng, và ngay lúc ấy tôi nghe thấy tiếng dép xăng đan của mụ gypsỵ Mẹ tôi gọi tên bà ta, rồi hỏi:
- Có phải bà đấy không?
- Ừ, tôi đây – có tiếng nói, dù tôi vẫn chưa nhìn ra ai. Rồi chưa nhìn thấy bà ta đến gần, bà ta đã ở ngay cạnh tôi – Ngồi ra đàng kia – bà ta chỉ một phiến đá phẳng. Không chào hỏi, không trò chuyện. Không hỏi "Cháu có khoẻ không?" hoặc "Việc xảy ra hôm nay sẽ làm cháu đạ, nên cháu phải tỏ ra là một cô gái can đảm". Không có gì hết. Mụ Giết Người chỉ có thuần tuý công việc.
Mẹ tôi cầm một khúc gỗ của cái cây già cỗi, rồi đặt tôi ngồi lên tảng đá. Bà ngồi sau tôi, kéo đầu tôi tựa lên vai bà, chân bà quặp lấy người tôi. Mẹ tôi để khúc rễ vào giữa hai hàm răng tôi:
- Con cắn lấy cái này.
Tôi lạnh cứng người vì sợ lúc hồi ức về bộ mặt đau đớn của Aman bỗng trở lại hiển hiện trước mắt tôi.
- Sắp bị đau rồi! – tôi lẩm bẩm qua đoạn rễ cây.
Mẹ tôi cúi xuống và thì thầm với tôi:
- Con biết là mẹ không thể giữ được con. Mẹ chỉ ở đây thôi, vi1 thế con hãy cố là đứa con gái ngoan, con nhé. Hãy dũng cảm lên vì mẹ và nó sẽ nhanh thôi mà.
Tôi nhìn giữa hai chân tôi và thấy mụ gypsy đã sẵn sàng. Trông mụ ta giống như bất cứ bà già Somali nào, một chiếc khăn sặc sỡ quấn quanh đầu và mặc bộ áo bằng vải bông màu sáng – trừ bộ mặt không hề có nụ cười. Mụ lạnh lùng nhìn tôi, một cái nhìn chết chóc, cố lục lọi trong cái túi bằng thảm cũ. Mắt tôi dán lên mụ vì tôi muốn biết mụ sắp cắt tôi bằng cái gì. Tôi mong là một con dao nhíp to nhưng thay vào đó mụ rút trong túi ra một cái bao nhỏ xíu bằng vải bông. Thò những những ngón tay dài vàotrong, mụ moi ra một lưỡi dao cạo gẫy. Mụ lật đi lật lại xem xét. Lúc này mặt trời vừa lên, ánh sáng đủ để nhìn thấy màu sắc nhưng không rõ chi tiết. Tuy vậy, tôi vẫn thấy máu khô trên mép lởm chởm của lưỡi dao. Mụ nhổ nước bọt lên đó và lau vào áo. Trong lúc mụ lau chùi, trời đất bỗng tối sầm lại vì mẹ tôi buộc một chiếc khăn quanh mắt tôi để bịt lại.
Việc tiếp theo tôi cảm thấy là da thịt tôi, bộ phận sinh dục của tôi bị cắt mất. Tôi nghe thấy tiếng lưỡi dao cùn cứa đi cứa lại trên da tôi. Mỗi khi nhớ lại, tôi thật lòng không thể tin việc đó đã xảy ra với tôi. Tôi cảm thấy như tôi đang kể về một người nào khác. Tôi không thể giải thích cảm giác đó như thế nào trên đời. Nó giống như có người cắt thịt đùi của bạn hoặc cắt cánh tay bạn, trừ việc đây là phần nhạy cảm nhất trên thân thể bạn. Song, tôi không nhúc nhích một ly, vì tôi nhớ tới Aman và biết không thể thoát nổi. Tôi muốn mẹ tôi tự hào vì tôi. Tôi chỉ ngồi đó trơ như đá, nhủ thầm nếu càng cựa quậy nhiều, chỉ càng thêm đau đớn mà thôi. Thật không may, chân tôi bắt đầu run bắn lên, run không sao kìm lại được và tôi bắt đầu cầu nguyện Thượng Đế, lạy Trời, xin chấm dứt nhanh lên. Ngay sau đó, tôi ngất đi.
Lúc tỉnh lại, tôi tưởng chúng tôi đã xong nhưng bây giờ điều tồi tệ nhất mới bắt đầu. Cái khăn bịt mắt bị tuột ra và tôi thấy Mụ Giết Người xếp cạnh mụ một chồng gai nhọn của cây keo. Mụ dùng chúng đâm thủng nhiều chỗ trên da tôi, rồi xâu một sợi chỉ trắng, xỏ qua các lỗ khâu chúng lại. Chân tôi đã hoàn toàn tê dại, nhưng tôi đau giữa hai chân ghê gớm đến mức tôi mong được chết. Tôi cảm thấy mình bập bềnh thoát khỏi mặt đất, để nỗi đau lại đàng sau, tôi bay lơ lửng lên cách cảnh này hàng mét và nhìn xuống, theo dõi mụ đàn bà đang khâu thân thể tôi lại, trong lúc người mẹ khốn khổ của tôi ôm tôi trong tay. Lúc này tôi cảm thấy hoàn toàn thanh thản, tôi không còn lo lắng hay sợ hãi nữa.
Trí nhớ của tôi chấm dứt ngay lúc đó cho đến khi tôi mở mắt và mụ đàn bà đã đi rồi. Họ đã chuyển tôi, và tôi nằm trên đất gần phiến đá. Hai chân tôi bị buộc lại với nhau bằng những sợi dây vải, bó suốt từ mặt cá lên đến hông để tôi không thể cựa quậy. Tôi nhìn quanh tìm mẹ tôi, nhưng bà cũng đi mất rồi, nên tôi nằm đó một mình, không biết rồi sẽ xảy ra chuyện gì tiếp theo. Tôi quay đầu nhìn phiến đá, nó ướt sũng máu như thể vừa mổ một con gia súc trên đó. Những mẩu thịt của tôi, cơ quan sinh dục của tôi nằm trên mặt phiến đá, yên ổn khô dần dưới mặt trời.
Tôi nằm đó, ngắm mặt trời leo thẳng lên đỉnh đầu. Không còn cái bóng nào quanh tôi và những đợt hơi nóng đập xuống mặt tôi cho đến lúc mẹ và chị tôi tới. Họ kéo tôi vào bóng một bụi cây trong lúc họ sắp xếp cho xong cái cây của tôi. Đây là một truyền thống, dựng một cái lều nhỏ đặc biệt dưới cây, tôi sẽ ở đấy một mình nghỉ ngơi và hồi phục khoảng vài tuần, cho đến lúc khoẻ. Lúc mẹ tôi và chị Aman làm xong, họ khiêng tôi vào lều.
Tôi những tưởng sự đau đớn đã chấm dứt, song cho đến lúc phải đi tiểu, tôi mới hiểu lời mẹ khuyên tôi đừng uống nước quá nhiều. Sau nhiều giờ chờ đợi, tôi muốn đi vô cùng nhưng chân tôi bị buộc lại với nhau nên không thể động đậy. Mẹ tôi đã đe tôi không được đi, nếu không tôi sẽ bị rách toạc, vì nếu vết thương bị rách sẽ phải khâu lại lần nữa. xin bạn hãy tin tôi, đấy là việc cuối cùng tới muốntrên đời.
- Em phải đi tiểu – tôi gọi chị tôi. Vẻ mặt chị bảo tôi rằng đấy là tin chẳng tốt lành gì. Chị đến lật tôi nằm nghiêng và bới một cái hốc nhỏ trong cát.
- Đi đi.
Giọt nước tiểu đầu tiên chảy ra ngoài, da tôi bỏng rát như bị tạt a xit. Sau khi mụ gypsy khâu, cái khe duy nhất để nước tiểu và máu hành kinh lọt qua chỉ là một cái lỗ rất nhỏ, đường kính bằng một que diêm. Chiến lược tài giỏi này bảo đảm tôi không thể hoạt độg tình dục ch odn khi lấy chồng, và chồng tôi đoán chắc lấy được một cô gái trinh. Lúc nước tiểu tụ lại trên vết thương đẫm máu của tôi và từ từ chảy xuống chân lên cát, mỗi lần một giọt – tôi khóc nức nở. Ngay cả lúc Mụ Giết Người cắt xẻo tôi nhiều mẩu tôi cũng không khóc, nhưng lúc này nó bỏng rát ghê gớm và tôi không thể nói gì hơn được.
Chiều đến, lúc trời tối dần, mẹ tôi và Aman về nhà, để tôi ở lại một mình trong lều. Nhưng lần này tôi không sợ tối, sư tử hoặc rắn, dù tôi nằm đó bơ vơ, không thể chạy được. Từ lúc tôi trôi nổi khỏi thân thể và nhìn mụ già khâu bộ phận sinh dục của tôi lại, không có gì còn làm cho tôi sợ được nữa. Tôi nằm trên mặt đất rắn như thanh củi, quên cả sợ, đờ đẫn vì đau, không quan tâm mình còn sống hay đã chết. Tôi không thể nghĩ đến mọi người ở nhà đan cười bên đống lửa trong lúc tôi nằm một mình trong bóng tối.
Nhiều ngày nặng nề trôi và tôi nằm một mình trong lều, cơ quan sinh dục bị nhiễm trùng và tôi bị sốt cao. Tôi hết ngất lại tỉnh. Sợ đau đớn lúc đi tiểu, tôi cố kìm nén cơn buồn tiểu lại cho đến lúc mẹ tôi bảo:
- Con ạ, nếu con không đi tiểu, con sẽ chết mất.
Thế là tôi cố ép mình chịu đựng, nếu tôi phải đi tiểu, vì không có ai bên cạnh, tôi phải tự lăn nghiêng và sẵn sàng cho cơn đau xé ruột mà tôi biết là sắp đến. Nhưng vết thương nhiễm trùng một thời gian và tô không hề đi tiểu một tí nào. Mẹ tôi mang nước và thức ăn đến cho tôi hai tuần tiếp đó, những lúc khác tôi nằm một mình, hai chân vẫn bị buộc vào với nhau. Và đợi cho vết thương lành lại. Lên cơn sốt, buồng chán và bơ phờ, tôi không thể làm được việc gì ngoài việc băn khoăn: tại sao? Tất cả những thứ này để làm gì? Vào tuổi ấy, tôi không hiểu gì về tình dục, tôi chỉ biết rằng tôi bị tàn sát mà lại được mẹ tôi cho phép và tôi không thể hiểu tại sao.
Cuối cùng mẹ đến đón tôi và tôi lết về nhà, chân vẫn bị buộc lại với nhau. Đêm đầu tiên trở về căn lều của gia đình, cha tôi hỏi:
- Con thấy ra sao?
Tôi cho rằng ông ám chỉ đến tình trạng nữ tính mới mẻ của tôi nhưng tôi chỉ nghĩ đến nỗi đau giữa hai chân. Vì tôi mới lên năm, tôi chỉ mỉm cười và không nói năng gì. Nào tôi có biết làm đàn bà là thế nào đâu?
Dù lúc đó tôi không hiểu, tôi đã biết nhiều về người phụ nữ châu Phi, tôi phải biết sống yên tĩnh, chịu đựng một cách thụ động, đúng kiểu bơ vơ của một đứa trẻ.
Chân tôi bị buộc đến hơn một tháng, vết thương mới lành. Mẹ tôi không ngừng khuyên bảo tôi đừng chạy nhảy, nên tôi đi lại rón rén. So với một người nhanh nhẹn và hoạt bát, chạy nhảy và trèo cây như một con báo, nhảy qua các tảng đá như tôi, thật là một cực hình với một cô gái trẻ, phải ngồi yên trong lúc các anh chị em chơi đùa. Nhưng tôi quá sợ phải trải qua toàn bộ quá trình ấy một lần nữa nên tôi chỉ dám nhúc nhích chút ít. Mỗi tuần mẹ tôi lại kiểm tra xem vết mổ có khít không. Rồi các sợi dây bó quanh chân tôi được tháo bỏ, lần đầu tiên tôi có thể nhìn mình. Tôi phát hiện ra một miếng da hoàn toàn nhẵn nhụi, trừ một vết sẹo chạy xuống dưới trông giống như một cái khóa kéo, và cái khoá ấy rõ ràng là rất khít. Cơ quan sinh dục của tôi kín mít như một bức tường gạch, không một người đàn ông nào có thể thâm nhập cho đến đêm tân hôn của tôi, lúc ấy chồng tôi sẽ cắt mở cho tôi hoặc thúc cái ấy của anh mở tường vào trong.
Vừa có thể đi lại được, tôi đã có một nhiệm vụ. Tôi đã nghĩ đến việc này hàng ngày trong suốt nhiều tuần tôi ở đó, kể từ khi mụ già đó cắt xẻo tôi. Nhiệm vụ của tôi là trở lại tảng đá, nơi tôi đã bị huỷ hoại, xem các bộ phận sinh dục của tôi còn ở đó hay không. Nhưng chúng đã biến mất rồi, chắc là kên kên hay linh cẩu đã ăn – những loài ăn xác thối ấy là một phần của chu trình sống ở châu Phi. Vai trò của chún glà dọn sạch những thứ thối tha, chứng cứ không lành mạnh trong cuộc sống sa mạc khắc nghiệt của chúng tôi.
Cho dù có phải chịu hậu quả của cuộc cắt xẻo, tôi vẫn là người may mắn. Thông thường, với nhiều cô gái khác, sự việc còn tồi tệ hơn nhiều. Vì chúng tôi đi khắp Somalia, chúng tôi gặp gỡ nhiều gia đình và tôi chơi với các con gái của họ. Khi lại thăm họ lần nữa, thấy thiếu nhiều cô gái. Không ai nói thật về sự vắng mặt ấy thậm chí không hề nhắc đến họ. Họ đã chết vì bị cắt xẻ - chảy máu đến chết, hoặc quá yếu, hoặc bị nhiễm trùng, uốn ván. Xem xét các điều kiện thực hiện phẫu thuật thì chẳng có gì là ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên là chúng tôi lại sống sót.
Tôi nhớ đến chị Halemo của tôi. Hồi tôi khoảng ba tuổi, tôi nhớ có thấy chị ở đó, sau rồi không thấy chị nữa nhưng tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra với chị. Sau này tôi được biết khi "thời khắc đặc biệt" của chị đến và bị mụ gypsy mổ xẻ, chị đã chảy máu đến chết.
Năm tôi lên mười, tôi nghe được chuyện của cô em họ tôi. Nó bị cắt mổ hồi lên sáu, sau đó một trong các anh trai của nó đã đến ở với gia đình chúng tôi và kể cho chúng tôi nghe. Một người đàn bà đến và cắt mổ em tôi sau đó để nó nằm trong lều chờ hồi phục. Nhưng "cái ấy" của nó – như cậu em gọi – bị sưng phồng lên, căn lều của nó hôi thối nồng nặc không chịu nổi. Vào lúc cậu ta kể chuyện này, tôi không tin. Tại sao em tôi lại bốc mùi khó chịu đến thế, điều đó đã không xảy ra với tôi hoặc chị Aman? Giờ đây tôi biết cậu ta kể thật: đó là hậu quả của những điều kiện bẩn thỉu lúc tiến hành cắt xẻ, các cô gái bị làm trong bụi rậm, vết thương của họ bị nhiễm trùng. Cái mùi khủng khiếp ấy là triệu chứng hoại tử. Một buổi sáng, mẹ họ đến xem cô con gái đã ở trong lều một mình suốt đêm. Bà thấy cô bé đã chết, thân thể lạnh giá và xanh lét. Trước khi những loại ăn xác thối kịp dọn sạch các chứng cứ ốm yếu ấy đi, gia đình đã kịp chôn cất em.