1. Bố mẹ tôi ly dị. Bên nội không ai chịu nhận tôi về nuôi. Thực ra, ông bà nội cũng muốn nuôi tôi nhưng vì những lời bóng gió của chú và mợ nên tình thương của ông bà đành giấu kín trong lòng. Tôi không trách ông bà nội mà cảm thấy thương hơn. Bố mẹ tôi mỗi người đi mỗi ngả, tôi về ở với bà ngoại, lúc ấy tôi 5 tuổi. Vườn rau nhỏ nhắn của bà nằm khiêm nhường bên phải ngôi nhà. Bà cháu tôi nương tựa nhau qua ngày chính là nhờ vào vườn rau ấy. Mùa nào thức nấy. Bà chăm sóc rau cẩn thận như đã từng chăm sóc tôi. Ngày ngày bà ra vườn hết nhổ cỏ, bỏ đạm rồi xới đất. Bao giờ cũng vậy, mỗi khi nhổ cỏ hay xới đất, bà cũng nhẹ nhàng. Nếu bà không làm như vậy, rễ của những cây rau sẽ bị đứt. Khi đó, những cây rau vốn đã yếu ớt, rồi sẽ héo dần mà chết. Và bà thấy tội nghiệp! Trông bà tôi vẫn khỏe hơn các ông các bà cùng tuổi. Trên mặt đã có những nếp nhăn nhưng răng thì đều tăm tắp. Chẳng như bà thằng Bờm, mỗi lần ăn trầu đều phải nhờ con cháu nhai hộ hay phải bỏ vào một chiếc cối đồng nhỏ xíu, giã cho miếng trầu dầm dập rồi mới cho vào miệng. Bà tôi cho miếng trầu vào miệng và nhai rau ráu. Nhìn bà ăn trầu ngon không chịu được! Miếng nào miếng nấy đỏ chon chót. Có lẽ nhờ lao động mà bà còn khỏe mạnh như vậy. Bà chỉ sinh được mình mẹ tôi. Ông ngoại hy sinh ở chiến trường Campuchia. Rồi mẹ tôi lấy chồng xa, bà phải thui thủi một mình. Nhiều lần mẹ dẫn tôi về thăm nhà, sau lại ra đi, tôi thấy bà khóc. Bà nắm tay tôi tạm biệt mà như muốn van vỉ mẹ con tôi ở lại. Mẹ tôi hiểu điều đó nhưng cũng chỉ ở nhiều nhất là một tuần. Rồi lật đật trở về bên nội... Hằng tháng bà vẫn nhận được một khoản tiền trợ cấp do Nhà nước dành cho. Số tiền ấy bà cất thật kỹ để dành nuôi tôi đi học sau này. Còn cuộc sống hằng ngày bà cháu tôi tằn tiện bằng những đồng tiền bán rau. Bà còn nuôi thêm một con lợn trong chuồng, để đỡ phí những thứ cơm thừa canh cặn trong nhà. Vả lại, ở quê mà không nuôi một con gì dù to hay nhỏ thì cũng thấy văng vắng! Ngày đó, tôi thích bà nuôi một con mèo để tôi có thể bồng bế hoặc nựng nịu nó. Nhưng cũng chẳng hiểu vì sao, tôi lại không nói với bà. Mặc dù hồi đó, tôi vẫn được bà khen là ngoan ngoãn. Tôi đem theo ước mơ của mình vào giấc ngủ, để đêm đêm, tôi lại vòng tay ôm bà hay rúc vào nách bà mà ngủ ngon lành. 2. Dưới bàn tay chăm bẵm của bà, tôi dần dần lớn lên và bắt đầu đi học. Tôi học buổi sáng còn buổi chiều đi chăn trâu cho nhà bác Dục. Bác Dục sinh được ba người con, các anh chị đều đã đi xa, người đi làm, người đi học. Thấy tôi đã lớn hơn rất nhiều so với ngày mới về, bác Dục bèn sang nhà tôi hỏi bà để mượn tôi đi chăn trâu giúp. Mỗi tháng bác trả cho bà một yến thóc và nuôi tôi bữa cơm tối. Tôi không chịu ăn cơm nhà bác mà đòi về ăn cơm cùng bà. Lần đầu tiên theo lũ bạn lùa trâu ra đê, tôi thực sự choáng ngợp trước sông. Sông quê không rộng và to nhưng nước trong và bình lặng. Chỉ vì chưa bao giờ được ra khỏi nhà nên đứng trước sông tôi mới có cảm giác như vậy. Con sông hiền hòa, chầm chậm trôi, nước chảy thành dòng uốn lượn, có chỗ hai bên bờ co vào. Từ bờ bên này, nhìn sang bờ bên kia thấy rất gần. Và một thế giới được mở ra từ khi tôi thấy sông. 3. Tôi ôm khúc chuối ở đâu dạt vào bờ rồi từ từ tập bơi. Tụi thằng Tài, thằng Nhân... nhìn tôi cười chế giễu nhưng tôi vẫn mặc kệ. Loay hoay mãi tôi vẫn không làm sao co chân lên để đạp nước. Bởi mỗi lần tôi co chân lại bị chìm xuống. May mà tôi tập ở gần bờ. Nếu lỡ bị chìm, chắc sẽ tha hồ uống nước. Tập đến lúc mệt lử thì tôi đứng tựa vào bờ, ngắm nhìn tụi nó bơi qua bơi lại trên sông một cách thèm thuồng. Tôi ước, một ngày nào đó cũng sẽ bơi giỏi như thằng Tài, thằng Nhân. Còn giờ, tôi đứng rờ rẫm ven bờ, tay khoát khoát nước lên người. Nước sông mát rượi khiến tôi cảm thấy thích thú với công việc đang làm. Đến chiều, cả lũ lên bờ lùa trâu về nhà. Vừa lúc đó, có người đi ra tháo cống, nước sông chảy cuồn cuộn về bến cuối. Dòng nước bây giờ không còn trong xanh như lúc chúng tôi tắm nữa mà đục ngầu. Những túi rác hay đám rong rêu theo dòng nước trôi dập dờn. Tuy vậy, cả lũ vẫn hò nhau đập trâu xuống sông rồi để trâu bơi ngược dòng nước. Bọn chúng ngồi trên lưng trâu, chẳng cần đạp chân tay gì cả mà chỉ việc vung chiếc roi vào mông trâu để trâu bơi nhanh hơn. Chốc chốc, bọn chúng lại hét hò rất sung sướng. Lếch thếch dắt trâu trên bờ, lòng tôi cũng thấy xốn xang. Chú trâu tôi chăn hình như cũng muốn xuống sông bơi hay sao mà cái đầu cứ ngúc ngoắc? Thế rồi, tôi liền đập trâu xuống sông, tay nắm chắc dây thừng. Cầm chiếc roi trong tay, tôi ra sức quất vào mông trâu những mong sẽ đuổi kịp bọn thằng Nhân, thằng Tài... Quả thật không có gì thú vị bằng ngồi trên lưng trâu rồi để mặc nó chở mình đi. Tôi có cảm giác như đang ngồi trên một con tàu vậy. Nhưng được một đoạn, tôi trượt khỏi lưng trâu và bị dòng nước cuốn đi. Nước chảy mạnh làm tôi chới với giữa dòng. Những ngụm nước ngòn ngọt bắt đầu vào cổ họng rồi xuống bụng. Tôi khua khoắng tay chân nhưng vẫn không thể dạt vào bờ được. Rồi cứ thế, tôi thấy mình trôi theo dòng nước, không còn cảm giác gì nữa. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trên đường đê, xung quanh là tụi thằng Tài, Nhân, Bờm, có cả một bác làng chài, vẻ mặt ai cũng lo lắng. Đầu tôi ong ong, nặng trịch. Chợt từ đằng xa, trong ánh chiều chạng vạng tôi thấy dáng bà tôi tất tả chạy trên đường đê, thỉnh thoảng vấp phải cục đất giữa đường khiến bà ngã nháo nhào. Nhưng bà vội vã đứng dậy rồi tiến về phía tôi. Bà vừa chạy vừa khóc: “Ới Lành ơi là Lành ơi! Sao mày bỏ bà mà đi hả Lành...”. Lúc ấy, tôi muốn đứng dậy chạy về phía bà nhưng không tài nào dậy nổi. Tôi cứ nằm vậy để mặc nước mắt lưng tròng. Sau lần chết hụt ấy, tôi bị ốm và phải ở nhà một tuần để bà chăm. Mấy ngày không được đi chăn trâu, tôi thấy nôn nao quá đỗi. Nhưng có lẽ, tôi nhớ nhất là sông. Một tuần không được trằn mình trong dòng nước mát lạnh, kể ra cũng nhớ thật. Nên khi vừa khỏi ốm, tôi hớn hở chạy sang nhà thằng Bờm rủ nó đi chăn trâu ngay. Thằng Bờm đưa cho tôi một quả ổi rồi cả hai đứa cùng lùa trâu ra đê. Khi tôi vừa ra đến nơi đã thấy tụi thằng Tài, thằng Nhân đang vùng vẫy dưới sông. Tôi và thằng Bờm nhanh chóng nhập cuộc. Lần này, cả lũ xúm vào tập bơi cho tôi. Có lẽ sau sự cố lần trước, bây giờ đứa nào cũng quan tâm đến tôi nhiều hơn. Thằng Tài chạy đi đâu một lát, sau về cầm trên tay một con chuồn chuồn bụp, to dễ bằng ngón tay cái. Mấy đứa còn lại vật tôi ra rồi để thằng Tài đưa con chuồn chuồn lại gần bụng tôi. Tôi ra sức giãy giụa nhưng bất lực. Đến khi con chuồn chuồn cắn vào rốn tôi đau điếng, tôi liền giãy thật mạnh làm cả bọn đứa nào cũng ngã chúi vào nhau. Mãi sau này tôi mới biết bọn chúng đang giúp tôi sớm biết bơi. Mà quả thật, không biết có phải nhờ chuồn chuồn cắn rốn hay không mà mấy ngày sau, được sự giúp đỡ của mấy đứa bạn, tôi đã biết bơi! Tôi sung sướng hét vang cả một khúc sông. Bắt chước tụi bạn, tôi đứng trên thành cống rồi nhảy tùm xuống sông trong tiếng reo hò của bọn nó. Kể từ khi tôi biết bơi, hình như các trò chơi dưới nước đều vui hơn. Cả lũ cứ trằn mình dưới nước, hết trò chơi này đến trò chơi khác cho đến khi mắt đứa nào đứa nấy đỏ hoe như mắt cá gáy. Có hôm, cả bọn thi nhau lặn xuống đáy sông, đứa nào gặp may lại nhặt được một quả trứng vịt đẻ rớt. Mừng như bắt được vàng! Vậy là chiều về, cả lũ tập trung tại nhà tôi cùng đánh chén. Ngon không có gì tả nổi! Tôi cứ vậy mà lớn lên, bên dòng sông, trong tình thương của bà. Có lẽ, tình thương của sông và bà quá lớn nên tôi cũng ít nhớ về cha mẹ của mình. Mặc dù mấy đứa bạn của tôi, đứa nào cũng có đầy đủ cả cha và mẹ. Tôi đi chơi, đi học, đi chăn trâu cùng chúng nó nhưng không hề có một chút mặc cảm mà còn thấy hạnh phúc khi được sống bên bà. Khi lớn lên, tôi mới biết đó gọi là món nợ ân tình. Mà nợ ân tình thì không bao giờ có thể trả được. 4. Năm tôi mười lăm tuổi thì mẹ tôi về. Tôi không vui mà cũng không buồn trước sự hiện diện của mẹ. Mẹ tôi đã không còn cái dáng vẻ tất bật, lam lũ như những người dân quê nơi đây. Mẹ tôi trẻ ra nhiều, quần áo là lượt. Tôi chợt nhớ ra lời kể của bà và bỗng thấy lòng nao nao khi nghĩ về đôi bàn tay ngày xưa của mẹ vẫn thường tắm cho tôi vào mỗi đêm hè, để tôi được ngủ ngon giấc. Trời ơi, tôi muốn chạy tới ôm lấy mẹ mà khóc nức nở, cho bõ những ngày xa mẹ biết bao mà sao đôi chân của tôi không buồn nhúc nhích. Tôi cứ đứng nhìn mẹ bằng đôi mắt vừa xa lạ lại vừa tha thiết. Bà ngoại không nói gì, cứ ngồi lặng lẽ nhìn đống quà cao ngất. Chẳng hiểu sao mẹ là con gái của bà, lâu ngày mẹ con mới gặp nhau mà bà cũng chẳng vui. Bà vẫn ngồi trầm ngâm, mãi đến khi mẹ lên tiếng phá tan bầu không khí nặng nề: “Thưa mẹ, con về đây trước là để cảm ơn mẹ đã nuôi thằng Lành nên người. Sau đó, con muốn xin phép mẹ được đón cháu lên phố ở với con để cháu nó có điều kiện học hành”. Bà tôi im lặng một lúc rồi mới nói: “Bây giờ thằng Lành cũng lớn rồi, mẹ để nó tự quyết định...”. Rồi bà quay sang tôi, bảo: “Lành! Ý cháu thế nào?”. Tôi nhìn mẹ rồi nhìn bà: “Để cháu suy nghĩ đã!”. Nói xong, tôi chạy ra bờ sông ngồi một mình, lòng xáo trộn. Tôi lấy hòn sỏi nhỏ ném xuống lòng sông, những con sóng thi nhau chạy dài, tầng tầng lớp lớp, ngổn ngang như lòng tôi vậy. Năm nay tôi vừa học xong trường làng, sang năm sẽ lên học ở trường huyện. Trường huyện cách nhà khá xa nên rất khó khăn trong việc đi lại. Tôi lên học trường huyện chắc là bà sẽ xót xa vì thương tôi. Tôi biết, lúc nãy bà không trả lời câu hỏi của mẹ vì nửa muốn tôi lên phố học, để tôi có được một tương lai tốt đẹp; nửa lại không muốn phải xa tôi, đứa cháu nhỏ đã gắn bó với bà trong những ngày cuối đời. Tôi ngồi phân vân mãi. Tôi biết, dù quyết định như thế nào thì bà vẫn luôn ủng hộ tôi. Chỉ có điều, quyết định nào cũng thật khó đối với tôi. Lúc này đây, tôi ước giá như lòng mình cũng bình lặng như sông. Để tôi mãi được ở bên bà, ở bên những đứa bạn đã cùng tôi lớn lên. 5. Tôi thất thểu đi về, khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc. Bà và mẹ ngồi hai bên ghế, nói chuyện gượng gạo. Sự chờ đợi biểu lộ trên khuôn mặt của bà và mẹ. Tôi lặng lẽ đứng trước bà rồi lí nhí: “Cháu có lỗi với bà...”. Rồi tôi oà khóc. Bà nhẹ nhàng: “Cái thằng này! Có gì phải khóc nào... Đàn ông đàn ang phải mạnh mẽ lên chứ”. Bà chỉ nói đến đó rồi nghẹn lại. Tôi đến thu xếp quần áo thì mẹ bảo không cần, lên đó mẹ sẽ sắm cả quần áo lẫn sách vở. Tôi đứng đó, tay chân bỗng nhiên lóng ngóng. Ừ thôi, quần áo tôi để lại, mai này bà có nhớ tôi cũng đỡ trống trải hơn. Bây giờ, tôi muốn nói với bà cái ước mơ ngày nhỏ biết bao, nhưng tôi không thể nói được lời nào. Hơn nữa, một con mèo liệu có thể làm bà đỡ nhớ tôi được không? Cháu thương bà quá, bà ơi! Mẹ đến nắm tay tôi rồi bảo chào bà. Tôi lí nhí mãi vẫn không tròn câu. Chỉ thấy bà cứ đưa ống tay áo lên chậm chậm nước mắt. Mắt tôi cũng nhòe đi. Nghĩ đến cảnh, ngày mai bà phải thui thủi một mình là lòng tôi quặn lên. “Cháu đi đây bà ơi!”. Tôi chỉ nói được chừng ấy rồi để mẹ nắm tay dắt đi, hai chân ríu vào nhau, không thể bước dứt khoát. Mẹ dẫn tôi ra bến xe, sau lưng bà đứng nhìn mãi. Hai mẹ con tôi đi trên đường, không ai nói với nhau dù chỉ một câu. Ra đến bến sông, đột nhiên tôi đứng sững lại. Những kỷ niệm ùa về, dồn dập. Sông đã gắn bó suốt một thời trẻ dại; đã cùng tôi vui đùa bên lũ bạn. Sông cũng là nơi tôi suýt phải về thế giới bên kia. Sông nuôi tôi lớn khôn và dạy tôi biết yêu thương. Sông đã trở thành một phần máu thịt của tôi từ khi nào. Sông cũng lành hiền như bà tôi vậy! Đến đây, đôi chân tôi không thể nhúc nhích được dù chỉ là một bước nhỏ. Tôi quay sang mẹ, nói một câu dứt khoát: “Mẹ tha lỗi cho con” rồi nhằm hướng nhà bà chạy về, để mẹ một mình ngơ ngác. Tôi chạy miết, trong lòng chộn rộn khi nghĩ về bà. Khi tôi về đến đầu ngõ, vẫn thấy bà đứng đó, khuôn mặt buồn buồn. Tôi chạy đến ôm chầm lấy bà, chỉ kịp thốt lên “Bà ơi” rồi khóc tức tưởi. Bà cũng khóc nhưng tôi thấy hình như khóe miệng của bà đang cười.