Bức thư đến, vô tình chấm dứt bữa cơm tối của đôi vợ chồng già, và tự dưng rẽ họ về hai phía trái ngược nhau. Bà Cảnh chợt thấy miếng cơm nghẹn đắng ở cổ và một cái gì anh ách ở đâu đó trong bộ ngực lép xẹp, khi nhìn sự hồ hởi thái quá cũng như niềm vui đột ngột không thể giấu được trên nét mặt chồng. Bà thừa hiểu đó là thư của Tâm, mẹ cái Gianh, bởi chỉ thoáng qua cái cười lẫn trong râu và cái nháy mắt ranh mãnh của ông bạn già giao thông xã lúc giúi bức thư vào tay ông Cảnh qua hàng rào dâm bụt thì biết rõ.
Ông Cảnh vừa có chén rượu trước lúc xới cơm, nên trong người thấy phấn chấn, và không hiểu sao, lại hứng khởi nhắc đến cái chuyện hồi còn nhỏ của hai người, làm bà Cảnh vừa thích thú cười móm mém, vừa e thẹn đỏ cả mặt. Đấy là cái thời gái mười bảy, trai đôi mươi trẻ nhất làng, đêm đi tham gia cổ động, đuốc cháy đỏ trời, khi tan cuộc hai người trở về trên lối cũ tối om, đây đó dọc vệ đường còn leo lét những tàn đuốc cháy trong cỏ. Khi đó, không hiểu sao ông nhắc đến chuyện lũ rắn cạp nong hay theo đóm ăn tàn; và bà, cũng không hiểu sao đi sát ông hơn và quờ tay nắm lấy khuỷu tay ông, bắt đền phải đưa về tận nhà. Bàn tay của họ tìm nhau trong bóng tối, và như có một luồng điện truyền qua, khiến họ lặng đi, nóng rực, chỉ nghe rõ lời của hai trái tim đập dội trong lồng ngực.
Đó là cái phần đời đẹp đẽ và duy nhất họ có được với nhau trong hơn ba mươi năm qua; và ông chỉ nhắc khi chỉ có hai vợ chồng, muốn làm vui lòng bà. Bà Cảnh nghe ông nhắc lại chuyện ấy không biết bao lần kể từ hồi gặp lại nhau, nhưng lần nào bà cũng thấy mới mẻ và thích thú rơm rớm nước mắt. Hôm nay cái Gianh vắng nhà, nó bận tham gia đợt dã ngoại lên Bạch Mã của học sinh cấp ba, nên ông Cảnh nhắc lại chuyện cũ chẳng cần ý tứ.
Bữa cơm đang vui vẻ và ngon miệng như thế, thì cái thư đến, và họ chẳng thể tiếp tục như cũ được nữa. Bà Cảnh ngồi thừ người, tay chống đũa trong bát cơm ăn dở, và nhìn ông Cảnh một cái nhìn trách móc, tủi hờn của kẻ "chồng chung ai dễ chi nhường cho ai". Ông Cảnh, có lẽ do quá mừng, đã không chú ý đến điều đó, tay run lẩy bẩy lật đi lật lại phong thư, miệng lẩm bẩm như nói với mình: "Thư của Tâm, thư của Tâm, bà nó ạ". Và suýt nữa ông hôn lên những nét chữ quen thuộc trên phong bì, nếu không kịp liếc qua mặt vợ. Ông cố lấy lại bình tĩnh bằng câu nói to: "Để xem... thư nói gì nào...", nhưng tay ông luống cuống đến mức bóc rách cả phong bì, và khi gí trang thư vào bên cạnh đèn, ông mới biết là mình lật đật bỏ quên cái kính lão ở đâu.
Bà Cảnh không tài chi ngủ được, cứ rên hừ hừ như mọi lần bà cần rên. Nhưng đêm nay, bà thực sự thấy mình mệt mỏi quá sức, yếu đuối quá sức. Bà trở mình liên tục và thấy đau nhức từng khớp xương ống chân, ống tay. Hình như những đòn tra tấn của giặc xưa kia nó lặn đi đâu, giờ trở lại hành hạ bà. Và điều này lại khiến bà càng hờn giận những "ai" đó gấp bội. Hừ... hừ... "Người ta" sao lại quá sung sướng đến thế. Được tập kết ra bắc, được sống rong ruổi đây đó ở nơi xa bom đạn, thế chưa đủ sao? Mà "người ta" còn rửng mỡ đèo bòng, còn thêm vợ nọ con kia? Để bây giờ...
Bà Cảnh bực bội trong cơn ghen tức âm thầm khi thấy ông Cảnh vẫn chưa chịu tắt đèn đi ngủ, ngồi lặng lẽ bên bàn trà, thỉnh thoảng mở trang thư ra đọc lại, và hình như còn cười thầm một mình nữa. Bức thư của Tâm viết có mấy dòng, rằng chị ốm đã mấy hôm nay, rằng không hiểu sao chị thấy nhớ cái Gianh quá". Và lần này xin phép "anh chị trong nớ" cho em nó ra quê chơi ít bữa.
Hừ... Ôi dào, bà thì bà hiểu tâm địa các người, bà đi guốc trong bụng các người. "ốm đã mấy hôm nay" - dễ thường đời này chỉ một mình chị ốm chắc? Hừ... hừ... "Không hiểu sao thấy nhớ cái Gianh quá - Nhớ cái Gianh hay nhớ "anh Cảnh"? Điều đó thì rõ như ban ngày rồi, lại còn "không hiểu sao"! Mà cái Gianh mới mười lăm tuổi ranh ấy đi từ trong ni ra ngoài nớ một mình được răng? Khiếp. Thế mới biết người ta nhắn nhe hẹn hò nhau khôn ngoan đáo để chưa, ranh ma chưa! Nhưng không qua nổi mắt gái già này đâu! Bà thì bà biết tỏng tòng tong cái tổ con chuồn chuồn! Hừ... hừ...
Nỗi bực bõ và đau khổ ngấm ngầm cứ dày vò, hành hạ bà. Đầu tiên bà đổ lên đầu ông Cảnh, người chồng đã bội bạc lời nguyền ước xưa: "Chỉ hai năm thôi, hai năm là anh lại về... Em ở lại cố...". Bà nhớ lúc đó, bà quàng cái tay nải gạo qua chiếc ba-lô của ông và nói, cố dằn cơn nhớ nhung, tủi hờn đang dâng lên trong cổ: "Anh đi sức gối mạnh chân... chớ lo chi cả. Mọi cái ở lại đã có em...". Bà phải cắn vào ngón tay mình để khỏi bật ra tiếng khóc, tiếng khóc của người vợ vừa mới bén hơi chồng ba hôm đã phải chia xa. Hừ... hừ... Thế mà ông đi biền biệt, không một mẩu tin, hơn hai mươi năm mới trở lại. Và khi trở lại, nào phải chỉ có một thân một mình.
Đành rằng, cái chuyện trở về không đúng hạn chẳng phải riêng ông, và cũng chẳng phải lỗi tại ông, nhưng bà vẫn thấy tưng tức. Ông trở về, lại dắt theo một con bé chừng mươi tuổi, và tươi cười hơn hớn bảo với bà rằng: "Đây, con chúng ta đây!". Ôi chao rứa có xung máu không? Đã không thấy được cái lỗi của mình, lại còn xưng xưng như thể vừa lập được chiến tích. Té ra, bà phải chịu cảnh tù đày, tra khảo để cho "các người" ở ngoài nớ tha hồ mà... Lần ấy suýt nữa bà đã nổi trận lôi đình ngay giữa họ hàng, chòm xóm cho đã cơn giận. Nhưng cái vẻ ngây thơ con trẻ trên gương mặt phúc hậu sáng sủa và cái vẻ khép nép của người chịu nhún thay mẹ nó của con bé đã làm dịu đi cơn tam bành của bà.
Nhưng liền đấy, bà thấy tủi thân tủi phận quá thể. Và bà òa khóc. Ông Cảnh ngỡ đấy là những giọt nước mắt mừng rỡ của ngày gặp mặt, nên cứ vuốt mãi mái tóc sớm bạc của bà mà an ủi, rằng đất nước đã trọn vẹn, rằng giờ anh đã trở về đây, em đừng khóc nữa.
Ông Cảnh đâu hay rằng tận sâu thẳm tâm can, bà buồn tủi biết bao, thấy mình mất mát biết bao! Phải. Ngày ấy chia tay chồng chưa được mấy tháng, có kẻ đã rình rập theo dõi. Rồi cái "luật mười năm chín" đẫm máu tràn qua, xóm thôn tan nát, bàng hoàng như vừa qua cơn ác mộng. Bà bị chúng bắt lên bắt xuống, tra khảo, đòi tuyên bố từ bỏ người chồng ngoài bắc không biết bao lần. Người mẹ chồng già yếu đã không qua nổi đòn thù, để lại một mình bà trơ trọi, cô độc như một nhành cây yếu đuối trước bão tố, với cái tuổi hai mươi lăm dằng dặc nỗi nhớ chồng nơi xa ngái...
Không biết bà sẽ sống tiếp ra sao, nếu không có tổ chức đến móc nối, và dẫn dắt bà. Và nỗi nhớ chồng, lời nguyền ước lúc chia tay lần ấy của ông, đã thành chỗ nắm vịn, chỗ tựa đỡ cho bà đi qua những tháng năm nghiệt ngã... Lần sơ sẩy duy nhất trong quãng đời hoạt động của bà, là lần tổ du kích bố trí giết tên xã trưởng ác ôn giữa ban ngày. Công việc thực hiện trong một khoảnh khắc cực kỳ mạo hiểm, tới mức khi cài được tờ lệnh thi hành án của Mặt trận lên cái cúc áo giữa ngực của tên bán nước, nơi cạnh đó là một lỗ thủng của viên đạn còn rỉ máu, thì bà nhận được ám hiệu có động. Bà chỉ kịp rút lui một quãng và thay đổi bộ lốt hợp pháp, thì bị bắt. Chúng nghi chính bà đã làm cái việc tày trời đó, nhưng vẫn chưa có cơ sở xác đáng; phần nữa, chắc chúng còn muốn khai thác, đơm nhử đồng đội bà, nên chúng giam bà trong một xà-lim kiên cố. Rồi từ đó, bà bị đẩy từ nhà tù này đến nhà tù khác, với bao nỗi cực nhọc mà bà không nhớ hết. Và cái phương cách giúp bà vượt qua những cực hình khủng khiếp của kẻ địch, là trong đầu bà luôn choán ngợp hình ảnh ông, là những đêm gối ấp tay kề ngắn ngủi, là lời trao gửi cho nhau ngày chia biệt...
Cho đến một hôm, nghe súng nổ loạn xạ, rồi xà-lim bật mở, và ngoài sân lố nhố bóng áo xanh mũ tai bèo, bà mới tin là mình thoát chết. Bà đã sống trong niềm vui tràn ngập nụ cười đẫm nước mắt của ngày Đất Nước hoàn toàn giải phóng, trong nỗi háo hức chờ đón chồng trở về. Và vợ chồng sum họp như xưa...
Những bực bõ, hờn ghen về sự ba thê bảy thiếp của chồng phút đầu, rồi cũng qua đi. Dẫu sao, giờ đây ông cũng đã trở về với bà, hiển hiện, bằng xương bằng thịt sờ sờ ra đấy, chứ không phải trong mơ như trước. Từ nay bà sẽ giữ riệt lấy chồng, sẽ không để mất ông một lần nữa, không sẻ chia cho bất kỳ một ai nữa...
Nhưng, ngay đêm đầu tiên hai vợ chồng có được sau hơn hai mươi năm trời cách biệt, bà đã khóc tức tưởi, đấy là những giọt nước mắt buồn tủi và thất vọng về niềm hạnh phúc, đến lúc ấy, bà mới chợt nhận ra rằng mình đã quá già đã ngoài năm mươi, rằng cái tuổi hồi xuân ngắn ngủi của người đàn bà ở bà cũng đã qua đi từ hồi nảo hồi nào trong tù. Tiếng khóc của bà rấm rứt mãi khiến ông Cảnh tỉnh giấc. Có lẽ ông không hiểu bà, nên đã kéo bà vào lòng, dỗ dành như một nhà thuyết giáo: "Hoàn cảnh đất nước, hoàn cảnh lịch sử, chứ đâu phải riêng mình ta, em?". Nhưng dẫu câu nói trong khuya và cử chỉ khuyên bảo âu yếm của ông cũng làm bà dịu lại. Hoặc giả chính bà cố dịu đi để ông khỏi mất ngủ. Bà thương ông lắm lắm, giận thì giận, bà vẫn thương chiều mọi sở thích của ông như bao người đàn bà biết sống một mực về chồng...
Có một điều, phải, một điều thôi, bây giờ bà không thể vì thương ông, vì nể ông mà gắng chiều được nữa. Với cái tuổi chưa đến sáu mươi, nước da đỏ au nhanh nhẹn và còn tráng lực như ông, đã nói chi chuyện già? Chao ôi, tạo hóa sao nỡ bất công đến thế? Trong khi bà chỉ thua ông vài tuổi. Có thể một phần do bị tù đày tra khảo, phần nữa sống trong trạng thái mòn mỏi mong chờ, đã đẩy bà nhanh qua cái mốc ấy khi nào: để bây giờ người bà chỉ còn như con mắm khô quắt, và hết kiệt mọi ham muốn, mọi thèm khát, nếu không muốn nói là "chuyện ấy" trở nên cực chẳng đã với bà. Ban ngày mọi lo toan làm khuây khỏa, nhưng đêm đến là nỗi lo âm thầm của bà.
Quả thật, với bà đêm chỉ muốn ngả lưng cho sớm, sau khi đã nhẩm đếm số tiền bỏ ra và số tiền nhặt về của gánh rau mùi trên vai sau mỗi buổi chợ; rồi một giấc ngủ êm nhẹ của người già đến từ lúc nào; cho đến khi thấy mỏi nhừ và đau ở sống lưng biết là trời sắp sáng, dậy đỏ lửa, đun cho ông ấm nước pha trà và bắc lên nắm gạo nấu miếng cơm cho cái Gianh đi học.
Cái mong ước ấy của bà ít khi thực hiện được, bởi đêm đêm bên cạnh bà, ông Cảnh hình như không ngủ, cứ hay trở mình, gác tay gác chân, và đôi khi trườn cả người qua người bà. Thương ông bà gắng chiều, nhưng sự gắng chiều ấy đã trở thành một sự chịu đựng...
Rồi bà cũng tìm được cách khéo léo để "cách ly" ông. Đấy là một dịp mùa hè đến, bà bảo ngủ chung nóng lắm, và dọn cho ông một giường riêng. Cái nhà ba gian, gian liền sát bếp là chỗ của bà và cái Gianh (buồng bà phía trong, giường cái Gianh ở phía ngoài, cạnh cửa sổ, giữa là lối đi xuống bếp), gian giữa đặt bàn thờ ở phía trong, phía ngoài là bộ bàn trà, gian trên cùng đặt giường của ông. Bà yên tâm vì đã tìm được cách mà bà cho là diệu kế này. Nhưng bà nhầm, bà không tính đến chuyện ông có đôi chân. Một tối, bà đang nằm thiêm thiếp thì chợt nghe tiếng dép nhè nhẹ đi đến, rồi thấy ông quờ tay lên người bà, vuốt tóc bà và khẽ nằm xuống bên cạnh bà...
Từ đấy, bà nín thở và thon thót lo mỗi khi có tiếng dép của ông lê qua, dù có khi ông chỉ đi tiểu tiện. Có một lần, không hiểu vì quá lo lắng, hay vì một lý do gì khác, bà bỗng lên tiếng rên khe khẽ khi có tiếng dép của ông từ xa. Và lần ấy tiếng dép của ông chần chừ một giây rồi xa dần và im hẳn. Bà nín cười... Đấy, cái sự thỉnh thoảng hay rên hừ hừ về đêm của bà, có căn nguyên vậy đó.
Nhưng, hôm nay bà rên không phải vì lý do đó, bà thực sự thấy mình đau yếu, thấy mình bất lực. Bà lo không biết xử trí ra sao trước yêu cầu thế nào cũng nói vào sáng mai của ông, là sẽ đi ra ngoài ấy thăm Tâm. Trước đây, lâu lâu ông xin phép bà đi thăm bạn bè, hay bà con đâu đó dăm bảy bữa, bà không đắn đo cân nhắc, thoải mái chấp nhận ngay, và thậm chí còn chuẩn bị chu đáo cho ông đi xa. Nhưng bây giờ, không hiểu sao bà hoàn toàn không muốn ông đi ra ngoài ấy một chút nào. Trái tim bà như bị ai bóp chặt khi mường tượng rằng ông sẽ được Tâm chăm sóc vồ vập như trời hạn lâu ngày gặp mưa, rằng đêm đêm hai người má ấp vai kề, thầm thì "anh anh, em em" mọi điều nhung nhớ, rồi...
Hừ... hừ... không, không thể được. Ông ấy là chồng bà, là của riêng bà, không ai có quyền... Phải! Bà không chấp nhận chuyện đó. Bà không thể để ông đi. Hừ... hừ...
Và, suốt đêm bà không sao chợp mắt, vừa rên vừa nghĩ kế giữ chân ông.
Sáng hôm sau, ông Cảnh không ngồi nhấm trà như mọi khi, mà xăm văn đi vào đi ra, khi xếp các thứ rau vào rổ cho bà, khi tìm đôi quang gánh ở chái bếp... Bà Cảnh biết ông định nói điều gì rồi, nhưng bà giả lơ, không đụng đến. Cho đến khi bà cắp nón và ghé vai vào chiếc đòn gánh tre mỏng mảnh, ông Cảnh mới ấp úng, như đứa trẻ có lỗi:
- Mình ạ... Có lẽ... tôi phải đưa cái Gianh ra quê, nhân thể xem mẹ nó ốm đau thế nào...
Biết ngay mà! Bà Cảnh ngừng lại, lấy tay quệt thứ bã trầu dính đỏ bầm khóe miệng, ra chiều cân nhắc một giây, rồi xởi lởi:
- ờ... Mà để tui coi... Từ hồi được làm chị làm em với mẹ cái Gianh tới chừ, đã khi mô ông cho tui được gặp mặt bà con họ hàng dì ấy ngoài nớ? Thôi chuyến ni nhân có mấy ngày nghỉ, ông để tui đưa cái Gianh đi, chị em gặp nhau lâu lâu.
Bà nói và quày quả đặt gánh lên vai như thể sợ kéo dài chợ trưa, và như thể chuyện không có gì phải bàn lại nữa, khiến ông không kịp phản ứng gì. Khi bà ra khỏi cửa rồi, ông mới ngớ ra, mới kịp hiểu, và đứng ngẩn tò te hồi lâu như đứa trẻ bị cụt hứng, trước cái lý lẽ đơn sơ mà chết cứng ấy của bà...
Bà Cảnh, sau chuyến đi cùng cái Gianh ra thăm "dì nó" trở về, hoan hỉ như sau một chuyến công cán dàn xếp thắng lợi. Bà hồ hởi kể với ông say sưa bao nhiêu thu nhặt được ở quê "ngoài nớ": Nào cái dòng sông Gianh nước trong và xanh dễ sợ, cứ ngỡ không có đáy, nào chạy dọc hai bờ bãi là tít tắp ngô non và lạc, với bốn bề viền những bờ dâu xanh mướt; nào đi trong đường quê cấm có thấy ánh mặt trời, cam bưởi cứ thả hương quấn quít theo người, nào bến sông chiều con gái tắm đông chi lạ, o mô o nấy tóc dài và da trắng hết chỗ nói...
Bà vô tình, hoàn toàn không hay biết rằng, đã chạm đến nỗi niềm sâu kín nhất trong lòng ông Cảnh. Bà đơn giản nghĩ rằng, tả thực cảnh quê hương ngoài đó, cái quê hương mà quả thật đã khiến bà thích thú, sẽ làm ông vợi nỗi nhớ Tâm. Điều bà luôn luôn mong muốn là làm sao trong ông hình ảnh Tâm không vượt trội bà. Nhưng bà đâu hay rằng chính những điều bà nói, đã thắp bùng lên nỗi nhớ Tâm cháy bỏng trong ông.
Chao ơi, cái làng quê bên bờ sông Gianh ấy cứ như là nơi ngọn nguồn nỗi nhớ của ông. Thuở ấy, ông còn trai tráng lắm. Đơn vị hải quân của ông đóng ở cảng Cửa Gianh, trấn giữ một vùng mặt biển và một cửa sông trên bến dưới thuyền tấp nập. Chiều chiều, dòng sông xanh chở những con tàu trắng đi lại giữa hai bờ làng quê trù phú yên vui. Những cô gái gánh cá lên bờ còn ngoái lại trêu mấy chàng lính thủy trên tàu. Nhưng cảnh thanh bình ấy chấm dứt đột ngột, khi những quả bom đầu tiên của giặc Mỹ ném xuống miền bắc lại rơi đúng bến cảng này.
Không thể tiếp tục cuộc chiến đấu bất lợi giữa những con tàu chỉ đi lại được trên mặt nước hạn hẹp và trống trải, với lũ diều hâu rộng đường nhào lộn trên không và có vũ khí la-de lợi hại, đơn vị ông chuyển sang lối đánh du kích. Và những con tàu đang đêm lặng lẽ ngược dòng sông Gianh, về neo ẩn dưới những lùm tre cao vút, xanh um vươn ra mặt sông, như từ lâu nó đã chuẩn bị cho cuộc chiến đấu ác liệt này. Rồi từ đó, đêm đêm, dòng sông Gianh lại lặng lẽ tiễn đưa những con tàu ra đi trong nỗi thắc thỏm mong chờ... Để sớm hôm sau, trước khi có ánh ngày, những con tàu lại trở về nằm nghỉ dưới những lùm tre cao vút, xanh um, lim dim nghe sóng sông Gianh vỗ về ru hát, thì trên mặt báo in đậm những chiến công của nó: số tàu chiến giặc bị đánh chìm số xuồng biệt kích bị bắt gọn ngoài khơi. Đó là nỗi kinh hoàng của bọn giặc biển và nỗi khủng khiếp đến phát điên của bọn giặc trời Mỹ. Và hàng trăm tốp máy bay phản lực ngày càng sục sạo ráo riết khắp nơi mọi chốn, cố tìm cho ra dấu vết những con tàu bé nhỏ của đơn vị ông.
Ông nhớ một lần, những mái hầm của tiểu đội ông chưa kịp ngụy trang trước lúc ra đi, sớm hôm sau trở về đã thấy mọc dày những cây dâu non. Ông không ngờ có một bàn tay con gái đã làm việc đó. Và, cái chàng lính thủy ấy đã "vương phải tơ" của người con gái đất Phù Kinh tơ lụa. Những người lính chuyên đánh trận về đêm, ban ngày cố ngủ. Nhưng ông nào ngủ được đâu khi gót chân của nàng nhẹ êm bên cửa hầm và bàn tay quay xa của nàng như múa? Cái đuôi mắt hình lá dâu của nàng cứ mở to lo lắng và hồi hộp ngóng theo bóng con tàu của ông ra đi lúc hoàng hôn...
Rồi một hôm, ông nhớ rõ là một sáng mùa hạ trời rất trong, trong đến nỗi có thể trông rõ những nhành cây khẳng khiu với những tán lá lưa thưa trên vách lên màu xám của chín mươi chín chóp núi đá vôi của dải Phượng Hoàng chạy dọc phía nam dòng sông, không hiểu chúng nghi là những con tàu nép hai bờ sông, hay chỉ là sự điên cuồng săn tìm trả thù vu vơ, mà bầu trời yên vui ban mai bỗng chốc đen đặc bóng lũ giặc trời. Thoạt đầu chúng chia thành hai toán bay hàng dọc theo hai hướng đi qua, rồi đột ngột quay ngoặt trở lại, ngỏng những cái cổ ánh bạc lên cao và bất thần đâm bổ xuống dòng sông. Cùng với tiếng rú rít gào thét man dại của hàng chục động cơ máy bay, tiếng nổ váng óc của mưa bom, của rốc - két và tiếng giòn đanh của các ổ đại liên, mười hai ly bảy dân quân vây bủa trên các đỉnh lèn đánh trả quyết liệt, là những cột nước tự lòng sông, những cột lửa từ hai bên bờ dựng vụt lên trời. Tất cả như chìm trong một vùng hỗn chiến của lửa, nước chạy dọc hai triền sông.
Nhưng, như có phép thần, những lùm tre vẫn gan góc vươn ra che chở những con tàu. Và dòng sông Gianh cũng như đất mẹ hai bờ hứng chịu các luồng bom không chút chần chừ. Càng sục sạo săn tìm, lũ giặc trời càng điên cuồng cắt bom hối hả...
Và, trong tiếng đạn nổ bom gào, những người lính thủy nghe rõ cả tiếng trẻ con khóc thét, tiếng của người bị thương kêu rên, tiếng gia súc thét rống, tiếng của những ngôi nhà bốc cháy nổ lốp đốp... Trái tim của họ đau nhức nhối. Không thể được! Không thể để nhân dân vì ta mà mất mát đến tính mạng và tài sản quá thể, con tàu ông xin lệnh nhổ neo, kéo cờ đỏ sao vàng, mặt đối mặt với lũ giặc trời Mỹ, thu hút các luồng bom, để bảo vệ nhân dân và hàng chục con tàu khác.
Phút chốc, con tàu chiến sơn mầu nước biển, ở đâu đó lao vút ra giữa dòng sông. Trên boong những người lính, không ai bảo ai, gọn ghẽ trong bộ đồ lính thủy mới nhất của mình: chiếc áo trắng in những con sóng xanh, chiếc mũ xanh có hai đuôi én tung bay, lanh lẹn và bình tĩnh ngồi vào vị trí chiến đấu quen thuộc quanh cỗ pháo hai nòng vươn thẳng lên trời một cách tự tin. Lũ máy bay giặc, như một bầy nhặng, bâu lấy con tàu của ông.
Ông nhớ là lúc đó, ông hoàn toàn không nghe một tiếng bom nào, chỉ thấy loang loáng những bóng đen to nhỏ khác nhau lao thẳng từ trời cao vút xuống hạm tàu. Con tàu khi nghiêng khi ngửa, khi chồm lên khi giật lùi, vừa tránh bom đạn vãi tứ phía, vừa nhả đạn đánh trả quyết liệt. Nước sông Gianh lúc đó cứ sôi lên sùng sục ở hai mạn tàu, và như nhuốm đỏ bởi máu đồng đội.
Về chiều, con tàu như kiệt lực vì thương tích đầy mình mẩy và vì những hòm đạn từ đất liền chuyển ra trên những con thuyền nhỏ nhoi của các cô dân quân với búi tóc tròn và bộ đồ đen nước dính chặt thân người, vừa bơi vừa đẩy dưới mưa bom, có lúc không đủ nạp cho cỗ pháo hai nòng bấy giờ đã đỏ bỏng. Không biết lũ phi công Mỹ nhận biết điều đó, hay chúng sợ tối trời để sổng mất con tàu, đã tập trung đánh đòn cuối cùng xuống con tàu của ông. Ông nhớ là lúc đó, ông thấy chớp lóe trùm con tàu, và mình bị hất tung xuống lòng sông như một tảng đá. Từ đáy sông lắng cát, không biết nhờ một sức mạnh nào: có lẽ là sự sống còn sót lại ở hơi thở cuối cùng trước khi tắt lịm, đã đẩy bật ông lên khỏi mặt nước. Nhưng hai cánh tay ông hình như không còn điều khiển được nữa, và trở nên nặng nề, đau buốt trong sự quẫy đạp của ông. Ông bơi chỉ bằng hai chân, đúng hơn là ông chống chọi tuyệt vọng với thần chết đang nắm hai tay ông từ từ kéo xuống lòng sông ngạt thở...
Ông tỉnh dậy khi hoàng hôn vừa buông xuống mép nước, bên bờ dâu thẫm xanh, nằm ngửa trong vòng tay một cô gái áo quần ướt sũng. Dòng sông và bầu trời yên ắng trong mầu tím sẫm của nó, như chưa từng mấy phút trước đó có cuộc ác chiến nước sôi lửa bỏng. Không biết nước từ mái tóc rối bời của người con gái chảy xuống, hay nước từ cái đuôi mắt hình lá dâu mở to lo lắng của nàng nơi mặn chát môi ông...
Chính tình yêu đã giúp Tâm tìm được ông ở phút hiểm nghèo, và vừa bơi vừa dìu ông từ giữa dòng sông mênh mông vào bờ, trong đôi tay quay xa kéo sợi dẻo mềm của gái Phù Kinh, dưới cái bầu trời mưa bom khủng khiếp ấy.
Sau này, khi cuộc chiến ngày càng ác liệt, có lẽ vì cái thời điểm về nam của mỗi người đã trở nên không hạn định được cụ thể, ở trên người ta cho phép những người tập kết ra bắc có thể xây dựng gia đình. Và ông đã cưới Tâm. Để kỷ niệm trận đánh không quên ấy, họ đã chọn tên sông đặt cho con gái của mình.
Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông trở về thăm quê, không ngờ người vợ thuở ấy, sau bao năm tù tội, giờ vẫn còm cọm chờ ông. Lúc đó theo lời khuyên của Tâm: "Anh sống với em như thế là đủ cho em một đời hạnh phúc rồi, bây giờ anh hãy vì chị ấy... Chị ấy nào đã trọn một ngày gọi là hạnh phúc...", ông trở về, và mang theo cái Gianh cho đỡ nhớ...
Điều hoàn toàn bất ngờ và khó xử đã xảy ra ngoài suy nghĩ của bà Cảnh (có lẽ cả ông Cảnh nữa) là sự xuất hiện của Tâm ngay sau khi bà từ ngoài ấy trở về được ba hôm. Chiều ấy, ông Cảnh vừa hoàn thành một vòng bơi và vừa mặc quần áo, ông vừa cảm thấy hài lòng vì sự dẻo dai của mình vẫn còn khả dĩ. Ông trở về lòng thư thái. Đó là một điều hiếm hoi. Từ lâu, ông Cảnh đã là một ông già đầy tâm trạng, lặng lẽ mà man mác buồn. Chẳng còn dấu vết gì ở ông của một thuyền trưởng tiếng tăm nữa, ngoài mái tóc đốm bạc thường xuyên cắt cua kiểu lính và nước da mầu đồng hun một đời ăn nắng ăn gió, với thói quen ngày hai buổi, lúc tinh mơ và lúc chiều nhạt nắng là lại ra con sông trước làng bơi một vòng.
Ông vừa bước vào sân, thì ngoài ngõ đã nghe tiếng của Tâm. Thoạt đầu cả ba người cùng lặng đi mấy phút. Với ông Cảnh và Tâm, có lẽ là sự dồn nén của bao ngày mong mỏi, nhớ trông; giờ gặp lại mừng quá nghẹn ngào không nói nên lời, lại nữa bên cạnh họ còn có bà Cảnh đang há hoác miệng vì ngạc nhiên, khiến họ phải dằn lòng. Nhưng bà Cảnh không thể nào tưởng tượng nổi một "nước cờ" táo bạo và khôn ngoan của "đối phương", khi nghe Tâm, sau phút giây trấn tĩnh, đã tìm được cách lý giải rằng chị đi ký hợp đồng gì đó cho hợp tác xã, tiện thể ghé lại...
Bữa cơm chiều diễn ra bề ngoài vui vẻ, nhưng bên trong nhiều tâm trạng trái ngược nhau. Bà Cảnh lấy cớ "dì nó mới vô, còn lạ nước lạ cái", giành lấy công việc xới cơm và tiếp thức ăn, để che lấp cõi lòng rối bời đến nỗi không tài chi ăn uống bình thường được. Ngực bà lại như có một cái gì đè chẹn, tưng tức khi thấy ánh mắt chợt trở nên lấp lánh, trẻ trung của ông Cảnh cứ hướng về phía Tâm. Dào ơi, sao ông vẫn chưa chịu yên cái phận già, mà còn tí tởn!
Họ còn gắp thức ăn bỏ vào bát nhau, nài nỉ nhau ăn thêm như một cặp uyên ương còn trẻ, khiến bà Cảnh thấy ngứa mắt. Và liền đấy bà cảm thấy tủi thân tủi phận, cảm thấy mình là người thừa trong mâm cơm, mặc dù họ cùng nhau gắp thức ăn bỏ lên bát bà thúc giục bà ăn. Nhưng bà có nuốt được đâu. Bà nhìn trộm mái tóc dài và mượt chảy phủ cái eo lưng còn thon thả của Tâm mà thèm, và giận. Này cô kia, sao bỗng dưng ở đâu lại ghé lưng vào chỗ chồng bà? Chao ôi, sao người ta hạnh phúc đến thế? Sao các người hạnh phúc đến thế? Bất giác, bà lại bật lên tiếng rên "hừ... hừ..." ngay giữa mâm cơm.
- Chị làm sao thế? - Tâm hơi hốt hoảng và hỏi bà một cách ái ngại, khi chị thoáng nghe tiếng rên.
- Không. Ơ mà... cái hồi bị chúng tra tấn, chừ trở trời cứ hay tức ngực...
Bà Cảnh nói lí nhí và đưa tay vuốt ngực, cố nén cơn hờn ghen đang dâng đầy ứ trong người.
Rồi bà cũng tìm được cách để chống trả "đối phương". ấy là đêm đó, trước khi đi ngủ, bà Cảnh nói như phân công.
- Dì nó với cái Gianh ngủ giường của tui trong buồng cho rộng; hai mẹ con tha hồ tâm sự, hỉ!
Đấy là bà nói cho hợp lý thế thôi, chứ cái Gianh đã ý tứ xin phép bà đi học tổ và ngủ lại nhà bạn từ đầu hôm. Rồi trước khi tắt đèn, bà dịch cái giường đơn của Gianh ra chặn cửa buồng, và vừa soạn chỗ nằm cho mình, bà vừa phân bua rằng: "Để hai chị em trò chuyện cho rõ".
Cứ thế, suốt nửa tháng trời có mặt của Tâm, đêm đêm bà Cảnh nằm canh cửa buồng, mặc cho hai đầu ông Cảnh và Tâm, cứ trở mình thao thức trong khuya... Của đáng tội, mấy lần ông Cảnh có mạnh bạo bước tới, nhưng tiếng dép của ông dù nhẹ nhàng, dù rón rén đến mấy, cũng bị những ăng - ten thính giác của bà phát hiện, và lập tức miệng bà phát ra những tiếng rên "hừ... hừ...", khiến ông phải rụt cổ lại.
Không thể nấn ná, hy vọng tìm kiếm một cơ hội nào được nữa, Tâm đành dằn lòng khăn gói trở về, sau hơn nửa tháng vợ chồng chỉ được phép "kính nhi viễn chi". Ngày Tâm lên đường là một buổi chiều nắng cuối xuân vàng mong manh trên từng ngọn so đũa ven đường. Ông Cảnh vừa đưa Tâm đi được một quãng, cả hai chưa nói với nhau được một lời riêng tư, đã nghe sau lưng tiếng chân gấp gáp. Không hiểu sao đến phút chót bà Cảnh lại thay đổi ý kiến: bà không muốn để ông Cảnh tiễn chân Tâm một mình, bà đuổi theo họ. Bà vừa thở vừa phân trần về sự cần thiết có mặt của mình rằng: chuyện vé vũng ở bến tàu là phức tạp lắm, dì nó thì lạ, mà ông Cảnh đàn ông đàn ang vô lo, rồi kẻ cắp nó móc sạch...
Thế là cả ba người có mặt ở sân ga, ngồi trơ như ba pho tượng trên một cái ghế băng đặt ở góc phòng đợi, không giấu được vẻ ngượng nghịu và sượng sùng. Cho đến khi cửa nhà ga bật mở và người tuôn vào như nước chảy về phía đoàn tàu đang đợi họ, bà Cảnh như sực nhớ điều gì, liền đi đến mấy quán hàng bày bán dọc ga. Bà mua vội mua vàng mấy gói kẹo, vài ổ bánh mỳ, rồi quay trở lại chỗ cũ; nhưng ông Cảnh và Tâm không còn ở đấy nữa. Bà đuổi theo bóng họ thấp thoáng ở cuối đoàn tàu.
Khi tìm được số ghế của Tâm, nhận ra túi đồ đạc đơn sơ của chị xếp gọn trên giá, mà không thấy hai người đâu, tự dưng bà thấy khó thở. Và một cái gì lại đầy ứ trong cổ họng và anh ách trong lồng ngực vừa khô khát vừa day dứt, thúc giục bà lao đi. Bà lách về phía cuối toa, nơi có phòng vệ sinh nhỏ bé, nhưng ở đấy bọn con buôn đã lèn chặt quá đầu những bao tải lớn hàng hóa. Như con mèo đuổi hút bóng con chuột, bà đảo mắt một lượt dọc các lối đi, phán đoán và lường ước điều gì, rồi bà lao qua phía cửa bên kia, nơi đoàn tàu quay lưng với một bức tường bao bọc sân ga dài và cao có chắn thép gai. Đấy là nơi vắng vẻ nhất hiện giờ. Bà nắm lấy lan can toa tàu, vội vã bước xuống bậc tam cấp bằng sắt cuối cùng, định nhảy xuống đường đá. Nhưng không hiểu vì cái bậc quá cao so với mặt đường lổn nhổn đá khiến bà sợ, hay vì một cái gì khác làm bà khựng lại. Bà thấy bải hoải và con tàu chao đảo dưới chân. Bà tựa người vào thanh vịn bằng sắt rỉ vàng lấm tấm, bên bậc cửa lên xuống của con tàu, và rũ ra.
Không ai thấy cả (người ta còn bận tíu tít với việc tìm chỗ ngồi và xếp hành lý ở phía bên kia), chỉ có một mình bà thấy, Tâm, một tay vòng qua vai ông Cảnh, tay kia lần những ngón tay dài và trắng của gái Phù Kinh tằm tơ xưa kia, xoa vuốt bờ vai và bộ ngực còn vạm vỡ của ông một cách âu yếm. Đầu nàng tựa ngả vào ngực và hướng khuôn mặt phúc hậu với đôi mắt nhắm lơ mơ vào mặt ông Cảnh, để mặc cho nước mắt ràn rụa hai má, miệng nở một nụ cười sung mãn của hạnh phúc. Ông Cảnh đứng như trời trồng một tay vòng qua eo lưng Tâm, tay kia vuốt nhẹ mái tóc dài được búi lại thành trái bưởi sau gáy. Ông gần như quay lưng lại, nên bà không nhìn rõ sắc mặt ông. Rồi bà thấy ông cúi xuống, áp khuôn mặt của mình vào khuôn mặt của Tâm, đôi môi của họ tìm được nhau và hút chặt lấy...
Bà Cảnh như sực nhớ điều gì, đứng bật dậy, và thay vì nhảy phóc xuống, kéo xé hai người ra như bà đã từng tốn công kèm giữ họ lâu nay; không hiểu sao, bà lại lật đật leo lên sàn tàu, và vội vã tụt xuống phía cửa trước, nơi người ta vẫn còn lên xuống đông đúc. Bà sấp ngửa bước qua những con đường đá có những thanh tà vẹt bằng bê-tông bắc ngang và những đường ray sắt chạy dọc một cách vô thức. Hình như bây giờ bà không còn ý thức được thời gian và không gian quanh mình nữa. Bà đi như một cái máy, đôi khi suýt đâm bổ vào người đi ngược. Cứ thế bà đi, bước qua tất cả, bàn chân gầy guộc xương xẩu va vào đá vẫn không biết đau. Bà bước lên cái hành lang rộng có mái che, bước qua cánh cửa phòng đợi, qua những dãy ghế giờ không một bóng người, đầu không ngẩng lên. Có lẽ chính bà cũng không biết bà đi đâu. Cho đến khi nghe tiếng cô nhân viên bán vé giọng miền trung hỏi thoảng đâu đó rất xa xăm: "Mẹ xuống ga mô?", bà mới sực tỉnh, và nhận ra là tay mình đang chìa tiền qua cửa bán vé. "Lệ Sơn", bà nói rồi cầm tấm vé quày quả trở lại con tàu, cũng vội vã và vô thức như khi bà đi đến đây: bàn chân gầy guộc rớm máu vượt qua những con đường rải đá, những hàng tà vẹt bê - tông bắc ngang và những đường ray sắt chạy dọc. Hai bên thành tàu chỉ còn lại những người đưa tiễn, mặt hướng về các cửa sổ, và loáng thoáng đó đây những lời dặn dò chúc tụng cuối cùng. Bà gặp ông Cảnh cũng vừa từ trong toa bước xuống bậc tam cấp, mặt ửng đỏ và mi mắt còn ngấn lệ chia phôi. Tự dưng, nước mắt bà cũng trào ra, chảy ào xuống gò má đầy nếp nhăn của lớp da mồi khô đét vì tuổi tác và vì những tháng năm tù đầy cay cực. Bà ngăn ông lại ở bậc cửa và giúi vào tay ông tấm vé tàu.
- Ông đừng quay lại nữa...
-??
- Nó còn trẻ người non dạ rứa, ông nỡ để nó đi một mình răng đành?
Không hiểu nhờ một sức mạnh nào; một cái gì mới mẻ, bao dung và độ lượng đã giúp bà đứng vững và nói được những lời rắn rỏi đó, khiến ông Cảnh cầm tấm vé lật đật quay vào toa tàu, như thể vừa nhận được một mệnh lệnh không thể thối lui...
Và con tàu chợt giật mình, như thể vừa chứng kiến quá say sưa cuộc đưa tiễn dùng dằng của ba người suýt làm nó trễ giờ, liền hú lên một hồi còi giữa trời hôm sâu thẳm...
Có phải tất cả mọi cái xảy ra trong mơ không? Bà không biết nữa. Chỉ biết rằng, khi cái chấm đen cuối cùng của con tàu nhòa hẳn vào không gian hun hút xa lắc, bà mới quay người lại, chợt nhận ra sân ga vắng lặng, và mình bà đứng trơ giữa những con đường đá với những hàng tà vẹt bê-tông rải ngang, những đường ray sắt chạy dọc vô tận. Bà bỗng bật lên tiếng nấc tủi thân, vì tuồng như con tàu đã bỏ rơi bà; trơ trọi và cô độc giữa đời...
Bà cắm cổ bước như chạy ra khỏi sân ga, lủi thủi một mình và cũng hoàn toàn vô thức. Cho đến khi bàn chân bắt gặp loi bờ sông quen thuộc, nơi chồng bà sớm và chiều hai lần gắng gỏi bơi đủ một vòng, bà cố lấy lại vẻ bình thường để vào nhà; bởi bà biết trong nhà còn có cái Gianh. Nhưng khi đã vào được buồng mình, bà nằm vật ra giường, âm thầm héo rũ đi. Trái tim bà vẫn chưa dễ tha thứ cho hành động mã thượng của bà lúc ở sân ga. Thế là, cơn giằng co giữa lòng vị tha, độ lượng của người mẹ cao cả, với sự hờn ghen tủi phận của người vợ bị cướp mất chồng cứ bám riết, hành hạ bà; chốc chốc lật tấm thân già nua, khô héo của bà từ mép giường bên này sang mép giường bên kia.
Bà mơ hồ có tiếng chân bước nhẹ, và liền đấy cảm nhận được một cái gì mềm mại, mát rượi và êm ái đang lướt trên lớp tóc cằn khô của mình, đã kéo bà dứt ra khỏi cái tâm trạng dằn vặt kia. Và đến lúc đó, bà mới hiểu ra rằng, đó là những ngón tay thon thả của cô gái đang lớn phổng trong nhà bà - cô con gái đã tắm uống cái nguồn nước sông Gianh kia từ thuở lọt lòng.
- Má... Ba đi rồi hả má?...
Không biết nhờ tiếng nói khẽ khàng, dịu ngọt, pha giọng của hai vùng đất của Gianh, hay nhờ một cái gì khác, khiến bà thấy mình bỗng chốc khỏe khoắn như không. Và cái cảm giác bị bỏ rơi trên sân ga cũng không còn nữa. Phải rồi, chuyến tàu của bà là chuyến cuối cùng với Gianh, thậm chí cùng con cái của cái Gianh...
Bà nhỏm dậy, kéo cái Gianh vào lòng, và kín đáo lau những giọt nước mắt tấm tức của mình bằng mái tóc mềm mượt của nó.
Lúc đó, căn buồng bỗng rạng lên chốc lát bởi những tia nắng cuối ngày bất chợt rọi qua những song cửa phía tây.
Huế, 8-1990
Đồng Hới, 12-1990

Xem Tiếp: ----