Ngày mồng một tháng 8, Y vội vã thức dậy từ sáng sớm, đội mũ đeo găng tay để đi tới hồ sen nổi tiếng trong công viên Yakushiike của thành phố. Y nhớ là phải đến trước 6 giờ sáng. Lần trước đã lâu lắm rồi, đi với bà Matsunaga bằng xe hơi mà cũng phải khởi hành từ 5 giờ rưỡi sáng. Sen trồng ở hồ này rất đặc biệt, đó là giống sen Ô ga. Sen Ôga do tiến sĩ Ô ga đã có công gây được tại nông trường Chiba, bằng một hạt sen duy nhất trong ba hạt sen khai quật được tại một di tích khảo cổ thuộc thời đại Yayoi cách đây khoảng 2000 năm trước. Hàng năm hồ sen của công viên Yakushiike mở hội xem hoa từ 6 giờ sáng, và đặc biệt là công viên sẽ tặng cho 300 người khách đầu tiên mỗi người một gói nhỏ có năm hạt sen để đem về trồng, trong gói có tờ giấy in bài chỉ dẫn cách gieo hạt sen. Sở dĩ hội xem hoa bắt đầu sớm cũng vì hoa sen Ôga chỉ nở vào buổi sáng sớm, đến 10 giờ sáng thì cánh hoa bắt đầu khép lại. Biết vậy nhưng Y sửa soạn xong xuôi ra khỏi nhà thì cũng đã gần tới 6 giờ. Sợ trễ Y bèn đi xe đạp cho mau nhưng cũng hơn nửa giờ sau mới tới nơi. Từ cổng vào không thấy giòng người xếp hàng như lần trứơc, và nhìn đồng hồ, Y biết không có hy vọng xin được hạt sen, bèn đi luôn tới hồ để xem hoa. Không hiểu sao hồ rất ít nụ lẫn hoa sen, khác hẳn với ký ức của Y về hồ sen năm trước. Lá sen trong hồ có nơi hơi bị úa vàng. Y thất vọng quá, chẳng xin được hạt sen, mà hoa sen cũng chẳng đẹp. Nhưng dù sao, dẫu không được ngắm hoa sen thỏa lòng thì vườn Yakushiike cũng có nhiều cảnh đẹp khác. Y bèn đi vòng sang phía hồ nước giữa vườn, men theo đồi hoa mai –tháng này không còn một quả mơ nào nữa- để đi tới quán nước. Ở đây có bán nước trà konbu, tức là rong biển khổ tai đã được nghiền thành bột để pha trà. Sau lưng quán trà là vườn hoa Manyoshu ( Vạn Diệp Tập ) nơi có trồng nhiều loại thảo mộc có tên trong tập thơ Ngàn lá này. Y ngồi uống nước trà mà nhớ mùa hè năm mẹ sang chơi, Y đã đưa mẹ vào thăm vườn, đã tỉ mỉ đọc tên từng loại thảo mộc cho mẹ nghe. Trà dọn ra, Y uống từng ngụm nhỏ, bỗng nghe có tiếng ve kêu ré lên. Rồi hàng ngàn con ve sầu ở khắp nơi, từ đồi hoa anh đào bên kia hay đồi hoa mai vừa đi ngang qua, cũng đua nhau kêu lên inh ỏi. Khi đi với mẹ trong vườn Vạn Diệp, Y cũng thấy cơ man bao nhiêu là xác ve đã lột bám đầy thành từng chuỗi trên các ngọn cỏ dưới gốc cây. Ve đâu mà nhiều như kiến thế này. Y hỏi mẹ, xác ve đã lột có làm thuốc được không hả mẹ, mẹ lắc đầu bảo mẹ quên rồi. Chả là vì khi nghỉ học ở nhà, mẹ có học về nghề thuốc một thời gian với ý định muốn làm nghề này. Khi đó nhà ông ngoại còn nuôi ông đồ, cũng là ông bác họ của mẹ và là bạn đồng môn với ông ngoại, để dậy thêm chữ nho. Mẹ học chữ nho với ông đồ và muốn học nghề bốc thuốc. Tên Yakushiike của vườn này viết chữ Hán là Dược Sư Trì, bởi vì đây chính là hoa viên kiêm vườn trồng các loại cỏ thuốc của một ông thầy lang nổi tiếng thời xưa. Tình cờ vườn ở gần nhà, mẹ Y nghe nói vậy thì cũng háo hức muốn đến xem. Thành ra từ đó mỗi khi đến đây Y thường nhớ đến mẹ, với lòng ngậm ngùi thương mẹ, bởi vì rốt cuộc rồi mẹ cũng không học được cả nghề bốc thuốc đến nơi đến chốn như mẹ đã mong ước. Uống trà xong, Y vào vườn Vạn Diệp thơ thẩn, vừa đi vẫn vừa nghĩ đến mẹ nhiều hơn là ngắm hoa ngắm lá. Nói cho đúng thì có lẽ phải có đôi chút kiến thức về các loại cỏ thuốc, hay đã phải thuộc tập thơ Vạn diệp, mới thấy hứng thú khi vào vườn này. Cũng ví như ta phải thuộc câu thơ hay câu hát về những đồi hoa sim thì khi thấy hoa sim thực sự mới lại càng thấy đẹp hơn, ai đã đọc "Níu gót em bằng sợi cỏ may" thì mới thích ngắm hoa cỏ may ngoài đồng. Y chưa thuộc được bao nhiêu câu thơ Vạn Diệp thì cho dù có đọc tên hoa tên lá cũng chỉ như vịt nghe sấm thôi ấy mà. Mẹ thì khác, nhìn thấy cây cỏ kohakobe là mẹ liền reo lên " Cỏ tập tàng đấy, cỏ tập tàng cũng mọc trong vườn nhà con hồi mùa xuân năm trước, mà mẹ đã bảo con đấy". Thấy cây yomogi thì mẹ bảo là lá ngải cứu đấy. Nào lá này là lá gai, nào cây kia là rau dền v.v..những cây cỏ mà Y còn chưa biết tên tiếng Nhật là gì. Mẹ nhận diện cỏ cây rất nhanh. Thảo nào mà khi ở miền Trung, thấy họ bán lá vào ngày mồng 5 tháng 5, mẹ cũng nhận ra lá vối và đặt họ đem từng chùm hạt vối đến bán cho mẹ phơi khô để nấu nước vối uống thay trà. Y còn đang miên man nghĩ về mẹ thì bỗng có tiếng người hỏi,mà không hiểu sao Y lại biết đó là câu hỏi dành cho mình: -Owakai no ni yoku Mayoushu ga osuki desu ne ( Cô còn trẻ mà cũng thích thơ Vạn Diệp tập à? ) -Ie chigai.... Y buột miệng toan nói không phải ạ, nhưng kịp nhớ ra là không thể dài dòng giải thích về kỷ niệm với mẹ, nên bỏ dở câu nói và cười chữa thẹn. Trước mặt Y là một bà Nhật cũng trạc tuổi mẹ, có vẻ nhanh nhẹn. Bà mặc quần tây, lưng đeo ba lô trên lưng như một vài ông bà già Nhật gần đây mỗi khi ra đường, để hai tay được tự do cầm nắm hay vịn cho khỏi ngã. Bà Nhật lại hỏi -Cỏ này ở câu thơ nào, cô có nhớ không. Nói thật là tôi thơ thẩn vào đây chứ có thuộc thơ Vạn Diệp tập đâu! Được lời như cởi tấm lòng, Y bèn khai thật là mình cũng không thuộc nhiều câu trong tập thơ ấy, và nhân thể vào đây chỉ vì nhớ mẹ. Ánh mắt của bà Nhật bỗng như sáng lên, và bằng một cử chỉ thân thiện hiếm có của người Nhật đối với người lạ, bà nắm lấy bàn tay Y, ân cần hỏi -Cô đến Nhật lâu rồi phải không? Chắc là lâu ngày chưa gặp mẹ? Cô nhớ mẹ lắm phải không? Y chỉ nói trước đây đã từng có lần cùng mẹ vào đây, và khuôn mặt lẫn giọng nói của Y thường khiến nhiều người Nhật không nhận ra được rằng Y là người nước ngoài, vậy mà bà Nhật này đã nhận ra ngay, câu hỏi của bà cũng rất tế nhị, khiến Y phải nghĩ rằng người đàn bà trước mặt mình chắc hẳn rất thông minh. Qua vài câu trả lời chiếu lệ, Y định từ giã quay về, thì bà Nhật bỗng bịn rịn nắm tay Y - Cô có vội về không? - Dạ không vội đâu ạ. - Thật ra, tôi đọc báo của thành phố mới biết tới vườn Yakushiike này và mới đến đây có một lần. Cô có thường đến đây không? Ở đây bốn mùa thế nào, có những mùa hoa nào? Y bắt đầu giải thích về hoa cỏ bốn mùa ở vườn Yakusshiike cho bà Nhật nghe. Bà Nhật cứ nhìn đăm đăm vào mặt Y, khóe miệng rất tươi khẽ mỉm cười, ánh mắt ưu ái. Y vừa dứt lời, bà cảm ơn, rồi nói -Cô thuộc đủ hoa cỏ bốn mùa ở đây thế là thích hoa lắm phải không? Chà, chắc là cô phải biết làm thơ? Y e thẹn gật đầu, nghĩ bụng "Bà này thông minh đúng như mình nghĩ ". Bà Nhật lại đột ngột hỏi như vừa chợt nhớ ra -Sao lại đi xem hoa một mình? Trẻ con đang nghỉ hè mà. Y vội giải thích rằng mình chỉ có con trai. Bà Nhật lại hỏi tiếp vì tình cờ bà cũng chỉ có một đứa cháu duy nhất, cháu ngoại và là cháu trai. Rồi bà rút trong túi áo ra một chiếc điện thoại di động và mở ra xem mục nhắn tin, miệng lẩm bẩm -Đấy! thằng cháu nó lại gửi mail hỏi tôi đang làm gì ở đâu. Bà bấm nhanh thoăn thoắt trả lời mail, rồi đóng máy lại, trước sự thán phục của Y. Y lại nghĩ thầm “Bà Nhật này thông minh quá”, bởi vì chính Y còn đáng tuổi con bà mà Y còn chưa biết gửi mail bằng điện thoại di động. Y trầm trồ khen bà Nhật. Bà lại rút máy ra lần nữa, bảo Y: -Thằng cháu tôi nó dậy tôi đấy. Mà nó ác lắm, nó giao hẹn tôi phải học thuộc cách gửi mail mới cho bà ngoại vác ba lô đi dạo. Nó nói cháu bận lắm không có thì giờ bắt điện thoại, bà phải biết cách bấm mail để nhắn tin kẻo lỡ bà đi lạc không biết bà ở đâu mà tìm. Nó giam tôi trong phòng, giao hẹn chỉ dậy một lần và bắt tôi phải học thuộc ngay. Nó bảo nó không có nhiều thì giờ dậy đi dậy lại. Dậy rồi nó bỏ đi, hai giờ sau mới quay lại, đã hỏi liền “ Nào bà ngoại đã thuộc chưa, hãy thử gửi mail cho cháu xem nào! Ijiwarui..Totemo ijiwarui na no! ( Tàn nhẫn.. Tàn nhẫn lắm! ) Thế rồi tôi cũng phải căng óc ra mà thuộc, vì tôi đã biết tính nó. Nó đã nói thế nào là nó làm y như thế! Nó bảo tôi rằng "Bà ngoại thông minh mà! " Y bật cười vì câu nói sau cùng của bà trùng hợp với ý nghĩ của Y nẫy giờ, và vội vàng giải thích -Tôi nghĩ là bà cũng rất thông minh. Và tôi biết rồi, cháu của bà cụ cũng thông minh lắm phải không ạ? Đúng là bà nào cháu nấy! Nhưng rồi bà nói tiếp, ánh mắt dần dần như có bóng mây mù che phủ -Ừ thì nó cũng có thông minh. Nhưng mà tàn nhẫn, y như con rể tôi. Mà cũng tại con gái tôi cũng tệ quá cô ạ! Vì vậy tôi chẳng muốn ở nhà, cứ sáng sớm là vác ba lô lang thang suốt ngày thế này, đến chiều mới về. Tôi đi lang thang, có khi là tra trong báo thấy ở đâu có vườn hoa hay có viện bảo tàng gì đó thì tìm đến, đi đâu cũng được miễn là đừng phải ở nhà! Y sững sờ trước những lời tâm sự đột ngột của bà Nhật, khẽ đáp -Ô, thế sao ạ. ° ° ° Lát sau Y và bà Nhật đã ngồi trên ghế dưới bóng cây, tay trong tay, và giòng tâm sự của bà Nhật cứ tuôn trào không dứt. Bà Nhật kể là con rể và con gái làm nhà mới xong, cứ một mực xúi mẹ bán nhà dưới tỉnh đến ở chung, vì họ đã làm cho mẹ một phòng riêng. Bà nghe lời bán nhà đến ở chung, mới biết con gái và con rể muốn giao cho mẹ già lo việc cơm nước. Bà cho biết ông con rể làm chức vụ khá lớn ở công ty buôn bán, quen tiếp khách hàng, mồm miệng rất khéo nên bà nghĩ là bà đã mắc mưu con rể. Con gái bà chỉ có một cậu con trai đã lớn, sắp ra trường, đã có công ty hứa nhận và cháu ngoại bà cũng đã thuê nhà ở riêng. Nhưng con gái của bà là một nhà thư pháp có tên tuổi mà bà không muốn nói tên. Con gái bà chỉ muốn dành thì giờ để sáng tác, vì vậy có lẽ cần có mẹ già đến ở, thay vì thuê người giúp việc. Khi hiểu ra điều này bà đã bỏ nhà đi biệt, không cho ai hay biết bà đi đâu. Bà bỏ đi lang thang các tỉnh nay đây mai đó, tối tối dừng chân nơi các lữ quán. Bà hối hận vì đã lỡ nghe lời đường mật của con rể mà bán căn nhà cũ của người chồng đã quá cố. Bán đi thì dễ, nay mua lại cũng khó. Thế rồi họ tìm được bà về. Nhưng bởi tính cách của người Nhật, giữa họ không một ai nói thật ra những ý nghĩ trong lòng, rể và con gái chỉ coi như bà mẹ già mải đi thăm họ hàng rồi đãng trí quên báo về nhà. Thằng cháu ngoại bắt bà phải biết cách dùng điện thoại di động để liên lạc khi cần. Bà thoái thác vác ba lô đi chơi bảo là để cho khỏi thiếu vận động sinh bệnh tật tuy tình thực là để khỏi phải bỏ tiền túi đi chợ và nấu cơm tối cho con gái và rể, mà bà nghĩ là họ coi như bà phải lo tiền chợ thay vì trả tiền phòng. Tối tối bà về tới sau khi họ đã ăn cơm, đi thẳng về phòng, mà con gái hay rể cũng chẳng mời mẹ xuống ăn tối, tuy hình như cũng có để phần cơm. Bà bảo - Chúng nó giả vờ bảo nhau rằng " Để cho mẹ nghỉ ", mà chẳng thèm mời tôi ra ăn tối. Cho nên tôi cũng biết thân lo mua cái gì về phòng ăn cho qua bữa tối. ° ° °Y cảm thấy đau lòng vì phải nghe một người mẹ kể tội con gái mình, bèn hỏi sang chuyện khác - Con gái bà là nhà thư pháp à? Y chỉ hỏi một câu, bà Nhật lại bắt đầu vừa nói vừa hồi tưởng lại những kỷ niệm êm đềm, và tuy bà nói một cách khiêm tốn như thói quen của người Nhật khi nói về người thân của mình, nhưng không giấu được niềm tự hào về con gái. Ừ, nó viết từ khi còn học trung học cơ. Đầu tiên là viết thơ haiku gửi dự thi các kỳ thi thơ của thành phố, rồi được thưởng. Bài ấy nó viết về gì nhỉ … Sau đó thì người ta mời viết chỗ này chỗ kia. Nó không chỉ làm thơ mà còn vẽ nữa, rồi nó học thư pháp, được bằng sư phạm mở lớp dạy. Có tác phẩm được đăng trong các cuộc triển lãm, đăng báo này báo kia. Cô biết đấy, nhà thư pháp hay thi sĩ hay họa sĩ là phải giàu trí tưởng tượng, ví dụ tác phẩm về mùa thu thì đã phải hoàn thành từ mùa hè chứ đâu phải đến mùa thu mới đi xem lá đỏ hay cảnh thu rồi mới sáng tác đâu. Tôi cũng biết là nó rất bận rộn, đầu óc không thảnh thơi. Bà bỗng chép miệng rồi buông ra một câu, thật bất ngờ -Ngày xưa thanh tú đẹp đẽ là thế mà bây giờ như cái thùng tô nô ấy! Chán quá! Nãy giờ Y cũng nhận thấy bà Nhật này dáng người thanh tú lịch sự, nên đoán biết được bà con gái của bà hẳn là xưa kia rất đẹp, và hiểu được phần nào nỗi thất vọng của bà. Bà vẫn còn kể từ tốn nhưng không ngừng, từ chuyện con gái sang chuyện con trai. Hóa ra bà có còn có một ông con trai cũng thông minh học giỏi làm việc tại một viện nghiên cứu kỹ thuật nọ, nhưng tình duyên gia đạo không được may mắn. Càng nghe bà nói Y càng hiểu ra rằng đây là một bà mẹ Nhật đã dầy công dậy dỗ hai con nên người, một khoa học gia tài giỏi và một nhà nghệ thuật tài ba, đến nỗi bà phải giấu tên tuổi của hai con. Tuy kể tội con nhưng thỉnh thoảng bà vẫn buột miệng nói ra những lời rất tự hào về con về cháu. Hôm nay là cái hôm gì mà bà lại tâm sự cùng Y? Có lẽ vì Y là một người nước ngoài, nên bà đã không e ngại như đối với người Nhật, và đây là dịp duy nhất cho bà tâm sự cũng nên. Y thấy tội nghiệp cho bà, tìm lời an ủi, mà đó cũng là những suy đoán của Y: -Cháu bà thông minh, và vì biết bà cũng thông minh nên mới bắt bà nhớ này nhớ kia, và thanh niên Nhật thời nay dễ gì đã chịu gần gũi với người già, tôi nghĩ là cháu bà thích bà đấy. Quả nhiên, mắt bà cụ bỗng sáng lên - Đúng đấy. Nó làm như tôi là tiểu đồng của nó hay học trò của nó, để nó thử dậy tôi thứ này thứ kia, xem tôi có hiểu không và xem thử nó dậy có giỏi không! Nó đang bắt tôi học sử dụng máy vi tính và tập viết email, tập đọc internet đấy cô ạ -Thôi đúng là cậu ấy thích bà ngoại chứ còn gì nữa ạ? Bà Nhật nở nụ cười tươi nhất từ nẫy đến giờ - Có lẽ là thế. Y lại thử dò hỏi: -Còn con gái của bà, tôi nghĩ là cô ấy vô ý thôi chứ không phải là có tà ý với mẹ đâu. Nhưng có lẽ bà là một người quen sống tự lập, nên bà cảm thấy gò bó tù túng vì cuộc sống chung với con và con rể? Lần này thì bà Nhật không dễ dàng bị Y thuyết phục, đôi mắt bà lộ vẻ hoang mang -Con gái tôi nó đã thay đổi nhiều sau khi nó có gia đình. Nó nghe lời chồng nó. Y không dám đi xa hơn nữa, chỉ dám nói vớt vát: -Nhưng cô ấy thông minh và là một nghệ thuật gia, tâm hồn cô chắc hẳn vẫn còn những tố chất cao quý của bà. Cô muốn bà đến ở vì cô chỉ có thể tin cẩn mẹ mà thôi. Người nghệ sĩ thường rất khó tính và có những bí mật trong nghề nên không dễ gì nuôi người lạ trong nhà. Bà nở nụ cười lóe lên ánh mắt thông minh như đã đọc được thâm ý của Y, nhưng với một chút hạnh phúc sung sướng mãn nguyện, bà gật đầu bảo Y -Ta cũng mong là thế! Y cảm thấy mình nên rút lui là vừa, vả cũng đã gần trưa, nên rủ bà ra khỏi vườn Vạn Diệp. Họ đi qua quán trà, ghé lại uống nước, và bấy giờ hỏi thăm người bán hàng mới phát giác ra rằng ngày mồng một đầu tháng 8 không phải là ngày lễ hội hoa sen Ô ga, mà là đến chủ nhật tới, tức là chủ nhật đầu tháng 8 cơ. Bà Nhật bỗng tha thiết nắm tay Y dặn dò, bịn rịn. -Nhớ nhé, sáng chủ nhật nhớ đến xem hoa nhé. Rồi mình lại gặp nhau. Thế nào cũng gặp lại nhau nhé. Rồi hai người chia tay, không ai ngỏ ý cho người kia biết địa chỉ hay số điện thoại của mình. Bà Nhật đi ra cửa vườn, không biết là dự định sau đó đi đâu, vì theo lời bà thì bà thường lang thang ngoài đường giết thì giờ suốt ngày. Ở thành phố này các ông bà già có vé đi xe buýt miễn phí nên đi đâu cũng được. Y đi chầm chậm sau lưng bà, vòng lên đồi hoa mai trước khi đi vòng ra cửa vườn. Quanh đồi hoa mai là một rặng cây gì rất cao, ve kêu inh ỏi. Y ngửa mặt nhìn lên vòm lá, nhớ lại câu chuyện vừa qua với bà Nhật. Bất giác hai giòng lệ nóng hổi bỗng chảy dài xuống má, Y để mặc cho sóng lòng trào dâng thổn thức, những tiếng nấc nhè nhẹ hòa vào với tiếng ve kêu inh ỏi trên vòm cây. Không ạ, bà ơi, xin lỗi bà, tôi sẽ không đi xem hoa sen vào chủ nhật tới đâu. Để một ngày nào đó bà sẽ đi với con gái, với cháu ngoại của bà. Bà hãy quên tôi, một người nước ngoài tình cờ gặp gỡ, không biết tuổi tên. Y bỗng nhớ mẹ hơn bao giờ hết. Quỳnh Chi ( 22/8/2007)