Mẹ nàng vừa đi làm tóc như đã có hẹn trước. Remy đi ngay đến thư viện công cộng, một toà nhà bằng bêtông và kính theo kiểu kiến trúc của những năm 50, ở ngã tư các đại lộ Lualane và Loyola. Nàng đọc bài báo in lại trên màn ảnh của máy vi tính. Bản tin về vụ chiếc Crescent Dragon bị đắm đã được đăng ở trang ba của tờ báo. Chỉ dài già nửa các cột báo và có vẻ không đáng được nói tiếp thêm bằng một bài khác. Tại sao phải thế, nàng nghĩ thầm. Đã không thiệt hại đến tính mạng người nào, đã không có cuộc tổ chức đi cứu táo bạo ở ngoài khơi, thủy thủ đoàn không phải sống ngày nào trên phao cao su, không có dầu bị xì ra. Và không có ai trong số thủy thủ đoàn là người New Orleans, thậm chí ở Louisiana. Nếu không phải là sự kiện chủ chiếc tàu ấy là một công ty tàu thủy của địa phương này và vụ đắm tàu đã xảy ra ở vịnh Mêhicô, thì Remy nghĩ rằng tờ báo đã dành hơn một đoạn cho bài báo này, nếu có đăng. Nàng đọc lại bài báo. Theo lời thuyền trưởng, một ông có tên là Titus Edward Bortholomew ở Cornwall - Anh quốc, tuổi già của chiếc tàu cộng với biển động đã làm cho thân tàu chở dầu hư hại về cấu trúc. Vào khoảng 10 giờ tối ngày 9 - 9, tàu bắt đầu vô nước. 20 phút sau, khi các máy bơm không bơm nước ra kịp và chiếc tàu lâm vào tình trạng tồi tệ hơn, người thuyền trưởng đã ra lệnh bỏ tàu. Sau đó 12 giờ, một tàu chở hàng đi ngang qua gần đó thấy hỏa châu bắn lên kêu cứu tại các phao cao su nên đã ghé lại cứu thủy thủ đoàn. Một chiếc tàu tuần dương đã lục tìm sau đó và thu lượm được một ít đồ vụn vặt còn lại, nhưng không thấy có dầu bị lan ra trên mặt nước. Trong cả bài báo, Remy chỉ thấy một điểm đáng nghi đôi chút thôi, đó là chiếc tàu dầu đã không phát đi một lời kêu cứu. Rõ ràng máy phát vô tuyến của tàu đã chọn đúng lúc đó để hư hỏng. Thật sự là trước đó đã có các báo cáo về các máy móc trục trặc. Có lẽ một cách tiện lợi chăng? Nàng đã muốn tìm ra điều gì? Nàng không chắc chắn. Có lẽ là một dấu hiệu dẫn nàng đến một chỗ khác để theo dõi. Nàng không thấy gì cả trong bài báo này, nếu có trong đó. Tuy vậy, nàng yêu cầu một bản sao và chờ máy in cung cấp. Ở đây ra nàng đi đâu? Có tin tức gì thêm trong các hồ sơ của công ty không? Chắc chắn trong đó có tên và địa chỉ thủy thủ đoàn còn lại của chiếc Dragon. Nhưng làm sao nàng xem được? Trước đó nàng không hề tỏ ý quan tâm đến công việc của công ty, nên bây giờ nàng không thể chỉ ghé lại và yêu cầu cho xem các hồ sơ mà không bị người ta để ý đến nàng, và đến việc tìm tòi của nàng. Đó là điều nàng tối kỵ không muốn để xảy ra nữa, nhất là từ sau tối hôm qua. Tối hôm qua, khi nàng về tới nhà, sau khi đã rẽ lộn vào một đường khác mà không biết, cho đến khi đi tới đường bờ sông và phải quay lui, Gabe đã có mặt ở đó. Nàng vừa đi vào thì nghe anh ta đang cãi với cha nàng về nàng: - Ta không thèm đoán bằng cách nào tên Hanks ấy đã tìm ra được nó. Nhưng về phần ta, thì điều đó làm thay đổi hết mọi sự. Remy phải đi vào dưỡng đường ấy. Ta muốn nó ở đấy an toàn, tránh khỏi phải nghe những câu hỏi và lời buộc tội ấy. - Đó không phải là cách nên làm, thưa ba – Gabe đã cãi lại – Em con cần ở đây với chúng ta, để chúng ta còn theo dõi nó được, chứ không phải cách đây 300 dặm. - Dưỡng đường là chỗ tốt nhất cho nó. Ta không quan tâm đến lời của con. - Ba ạ, em con nó đã bảo một lần là nó không đi. Nếu ba cố bắt nó đi, nó sẽ chống cự lại, nhất là bây giờ. Ba muốn vậy phải không? Muốn sứt mẻ với nó phải không? Con không nghĩ vậy. - Frazier – Mẹ nàng đã xen vào – Có lẽ Gabe nói đúng. Cha nàng thở dài não nuột: - Tôi không biết. Tôi không biết nữa! - Remy đâu rồi? – Mẹ nàng lo ngại hỏi. - Con không biết. Nó ra đi trước con. Con đưa nó ra xe, nó… Đúng lúc đó, Remy bước vào như được nhắc: - Con đi đến nửa đường lên phi trường mới biết là lộn đường. Con nghĩ chắc là chiếc xe hơi nó biết đường về nhà, nên không để ý. Không ai nhắc đến dưỡng đường hay nhắc đến Howard Hanks nữa, dù sao, trước mặt nàng thì không. Nhưng nàng nghe lỏm chừng đó đã đủ. Gia đình nàng cương quyết bảo vệ nàng, không cho nàng biết chuyện “không hay” về chiếc Dragon, dĩ nhiên vì lợi ích của nàng. Có lẽ xưa nay họ luôn luôn đối xử với nàng như thế, nhưng lần này nàng không chịu để cho họ làm vậy. Chuyện rắc rối nàng đã cảm thấy, ắt hẳn là những lời buộc tội đã lường gạt tiền bảo hiểm này. Nàng biết một điều gì đó, nàng chắc chắn như vậy, có lẽ một điều gì có thể minh oan cho Cole hay kết tội anh ta. Nàng phải tìm cho ra điều ấy là gì. Nàng không thể ngồi yên không làm gì cả để chờ trí nhớ trở lại, nếu có bao giờ nó trở lại. Giả sử các lời buộc tội ấy là đúng, phải có nhiều người hơn là một người bị dính líu vào vụ này. Đâu đó phải có bằng chứng về việc đó. Có lẽ các hồ sơ cua công ty có thể cung cấp điều đó được? Đó là vấn đề sắp tới của nàng. Nàng trả tiền bản sao bài báo, về nhà hơn 20 phút trước khi mẹ nàng về. Bản sao bài báo nhòa đi trước mắt nàng. Chẳng phải là điều quan hệ, nàng nghĩ thầm. Nàng đã đọc đi đọc lại quá nhiều lần nên nhớ thuộc làu. Nàng đặt bài báo lên đùi và nhìn quanh trong phòng ngủ. Bóng tối áp sát vào cửa kính ra hành lang và căn phòng tối mờ mờ. Remy không khỏi để ý thấy nàng có vẻ thư thả như thế nào, ngồi dựa ngửa trên ghế, mặc cái áo ngủ xa tanh màu ngọc thạch, nhưng biết rằng nếu quan sát kỹ hơn sẽ thấy nàng căng thẳng. Nàng liếc nhìn cái đồng hồ ở bàn ngủ và thở dài. Thì giờ qua chậm như sên. Nàng định coi lại một lần nữa trong các ngăn kéo của cái bàn viết nhỏ, nhưng cả buổi chiều nàng đã làm việc đó, và không tìm được gì ngoài những bản thông báo của ngân hàng, các chi phiếu trắng, một tập giấy viết thư có in tên và các phong bì cùng màu, một vài lá thư cũ của những cô mà nàng đoán là bạn của nàng, những lá thư có lẽ nàng chưa có dịp trả lời, một cuốn sổ ghi tên và số điện thọai của nhiều người mà nàng chẳng nhớ, có hai trang dành cho các ngày sinh nhật và kỷ niệm của gia đình. Có cả một cuốn lịch mới, nhưng ghi chú ít ỏi trong tháng giêng mà thôi, phần lớn là nhắc nhớ lại các buổi hẹn ăn tối, một buổi chiêu đãi của ai đó, những cuộc họp ở viện bảo tàng, hay các chuyến tham quan, và một buổi hẹn đi chữa răng, cuối cùng là thì giờ, tên hãng máy bay, và số chuyến bay của nàng đi Nice. Tên Cole không hiện ra ở chỗ nào cả. Remy không biết phải chăng điều đó có nghĩa là nàng đã cắt đứt liên hệ với anh ta từ trước khi năm mới bắt đầu, hay là nàng không cần được nhắc về những lần hẹn hò với anh ta. Trong các ngăn kéo không có cuốn nhật ký nào, chẳng phải là nàng đã chờ đợi có cuốn nào. Ngay bây giờ nàng cũng không cảm thấy thúc đẩy phải viết ra trên giấy các ý nghĩ của mình. Và cũng không có những bản liệt kê những việc cần làm. Nếu nội dung các ngăn kéo ấy biểu tượng cho đời sống của nàng, thì có lẽ nàng đã có một cuộc đời vô tư lự, không có trách nhiệm với ai, không đòi hỏi gì ai, không có nghĩa vụ gì cả. Phải chăng nàng đã luôn luôn để cho người khác làm việc này việc nọ cho nàng? Như Nattie, chị ta nấu ăn, dọn giường, cho nàng, dọn phòng cho nàng, và coi sóc nàng có khăn lông sạch mỗi khi đi tắm. Và những người giúp việc ban ngày, quét dọn nhà, giặt ủi áo quần. Và mẹ nàng lo quyết định ăn gì, quản lý cả nhà, sắp đặt các buổi tiệc tối, và lo cho có hoa tươi ở tất cả các phòng. Và cha nàng, chú nàng và người em họ của nàng, họ lo điều hành công ty tàu thủy để đem lại lợi tức cho nàng, tuy rằng lợi tức của nàng không phải chỉ có thế. Theo một số giấy má nàng tìm được ở bàn giấy, nàng có một quỹ ký thác thuộc loại gì đó. Do ông nội nàng lập ra cho nàng, nàng nghĩ vậy. Nhưng nàng đã có bao giờ đóng góp gì, ngoại trừ dự các buổi họp hội đồng quản trị cho có mặt lấy lệ. Phải chăng nàng đã luôn luôn để các người khác lo liệu cho các nhu cầu của nàng được thoã mãn, để cho họ phải làm việc và lo lắng về công ty tàu thuỷ trong khi nàng sống thong dong đến bây giờ? Nhưng ắt hẳn không phải cho đến giờ phút này nàng mới nhận thấy nàng thiếu sót. Không, ắt hẳn nàng đã thấy sớm hơn. Nếu không, nàng đã không khi nào bị cảm giác đang gặp rắc rối như lúc còn ở bệnh viện tại Nice, khi nàng còn chưa biết gì về thân thế của nàng cả. Phải chăng những lời buộc tội lường gạt của công ty bảo hiểm đã làm nàng thức tỉnh khi nàng biết có chúng? Hay là đã xảy ra trước đó nữa? Có lẽ vì Cole đã chỉ trích nàng không biết tý gì về tình trạng tài chánh của công ty? Trời ơi, thật là mỉa mai vô cùng, nàng nghĩ thầm, và rồi nghe có tiếng chân và tiếng nói rì rầm ở hành lang bên ngoài của phòng nàng. Nàng vội vàng bỏ bản sao bài báo vào giữa các trang của tờ Harper’s Bazaar mới nhất, rơi trên sàn gạch, cạnh ghế ngồi. Một phút sau có tiếng gõ cửa phòng nàng. - Vào đi – Nàng nói. Như nàng chờ đợi, cha mẹ nàng đi vào. Cha nàng mặc lễ phục thắt cravat trắng, mẹ nàng mặc áo dài voan màu hồng, vai quàng một áo khoác lông chồn màu bạc. Họ sắp đi dự một buổi dạ hội nữa, một trong hàng chục buổi như thế rải rác trong mùa đại hội hoá trang, bắt đầu từ đêm mồng 6 tháng 1 – gọi là đêm thứ 12 – và kéo dài đến Mardi Gras, càng lúc càng vui nhộn thêm lên. - Ba mẹ muốn con biết là mẹ ra đi bây giờ – Mẹ nàng nói, và nhìn nàng lo lắng – Con có chắc là con ở nhà một mình không sao chứ? - Con đã 27 tuổi đầu rồi – Remy bất giác mỉm cười và sực nhớ không nên tỏ ra quá vui, hay quá lo lắng chờ đợi họ ra đi – Con nghĩ tuổi đó đã khá lớn để ở nhà một mình ban đêm, phải không? - Phải, nhưng mà… con đang bệnh… và… - Con chỉ nhức đầu một chút, có lẽ do mệt nhọc. Ngoài ra không can gì, con cam đoan. - Cũng vậy thôi, ba mẹ sẽ gọi về sau để chắc chắn là con không việc gì – Cha nàng nói. - Không, ba mẹ đừng làm vậy. Nếu con không trả lời, ba mẹ càng thêm lo, và con sẽ không trả lời đâu – nàng nói và nghĩ thật nhanh – Con đã định ngắt máy điện thoại để khỏi bị quấy rầy. - Có lẽ vậy cũng hay – cha nàng đáp – Con biết ba mẹ ở đâu rồi, nếu cần gì thì cứ gọi. - Dạ biết. Gabe đi chưa? – Nàng nghe như có tiếng xe của anh nàng, nhưng không chắc. - Được 10 phút rồi. Khi cha me nàng bước ra cửa, nàng nói thêm: - Ba mẹ đi chơi tối nay vui vẻ, đừng lo cho con. Con sẽ không sao cả. Remy chờ nghe tiếng xe Mercedes chạy đi và chờ thêm 10 phút, rồi lặng lẽ băng qua hành lang ở lầu hai đi đến phòng ngủ chính. Nàng dừng lại nhìn một lát vào nắm cửa bằng đồng đặc, tim đập mạnh và ruột quặn thắt, rồi đưa tay cầm nó vặn, bước vào phòng. Nàng có cảm tưởng y hệt như một tên trộm lẻn vào phòng ngủ của cha mẹ nàng, nhưng không phải lấy cắp mà chỉ mượn. Nàng bật đèn lên và đến ngay bàn giấy. Ở đấy trên mặt bàn, trong một cái khay hình bầu dục đựng tiền lẻ của cha nàng, một cái cặp tiền giấy không có tiền, và một con dao bỏ túi, một xâu chìa khóa có chừng nửa tá chìa móc ở đó. Mỉm cười đắc thắng, Remy cầm nó lên. Khi ông ra đi, quần dài thẳng tắp, không có tiếng chìa khoá leng keng, nên nàng đã tin rằng, ông chỉ mang theo chìa khoá nhà và chìa khoá xe, còn bao nhiêu để lại trong nhà. Những chìa khóa đó mở nơi nào, nàng không biết, nhưng nàng hy vọng rằng khi ông từ chức chủ tịch hội đồng quản trị công ty Crescent, ông đã không trả lại chìa khóa văn phòng ông. Trở về phòng mình, Remy mặc vào một cái quần xốp màu xanh hải quân và một áo len ăn màu, cầm theo một cái áo vest đã lộn tuyết màu nâu, và ra khỏi nhà. 30 phút sau nàng ở trong khu bán hàng Quốc tế, đứng trước vào cửa vào trụ sở Công ty Crescent. Chìa khoá thứ một và thứ hai không vào lọt ổ khoá. Remy bỏ qua hai chìa kế có dấu hiệu Mercedes, có lẽ là chìa khoá dự phòng cho xe hơi của mẹ nàng. Nàng thử chìa khóa thứ năm. Nó vào ngay. Nàng vặn chìa, và ổ khoá mở ra. Đèn trong các văn phòng còn để sáng. Vì lý do an ninh chăng? Hay ai đã quên tắt đèn khi ra về? Hay… có ai đang ở đấy? Remy bước qua một phòng bên vào phòng tiếp tân và lắng nghe có tiếng ghế di chuyển, hay giấy tờ kêu sột soạt, tiếng máy vi tính kêu lách tách hay một tiếng lạ nào không… Im lặng hoàn toàn. Không dám tin chắc, nàng khép cửa lại và rón rén đi vào xem. Chợt nghe tiếng vải cọ xát vào nhau, miệng nàng khô queo, các thớ thịt hết sức căng thẳng. Nàng không thấy có ai ở đây cả. Nàng có một mình. Nàng thở một hơi dài và bắt đầu tìm. Nàng liếc vào một cái máy vi tính. Chỉ cần chạm vào một nút thích hợp là có tất cả các thông tin nàng muốn hiện lên. Giả thiết nàng có thể suy ra các mật mã để gọi chúng lên. Nhưng không phải nàng muốn xem tài liệu ở máy vi tính. Nàng đi đến tủ hồ sơ. Tủ khóa. Nàng đi xuống dãy tủ, kéo từng cái quai ở ngăn kéo. Khóa, khóa, khóa, tất cả đều khoá. Nàng dựa vào cái tủ cuối, thất vọng tràn trề. Và cố suy nghĩ. Các thư ký giữ hồ sơ phải có chìa khóa. Họ mang về nhà chăng? Bỏ vào ví hay túi để quên khi đưa đồ đi giặt ư, hay quên trên bàn ở bếp chăng? Không, họ không chấp nhận liều lĩnh như thế đâu, chắc chắn họ để lại trong bàn giấy của họ. Trong ngăn kéo đầu, nàng thấy một xâu và bắt đầu mở thử. Remy phải mất 15 phút để biết được cách sắp xếp hồ sơ, và thêm 25 phút để gom lại tất cả giấy tờ liên quan đến chuyến đi cuối cùng của chiec tàu chở dầu. Nắm trong tay tên các thủy thủ trên tờ khai chuyển vận của chiếc tàu, nàng đến chỗ để hồ sơ lương tiền, và rút hồ sơ của từng người ra. Không muốn xem ngay tất cả các tài liệu, nàng vặn máy sao bản, và trong khi chờ đợi cho nó nóng lên, nàng liếc qua các giấy tờ. Tất cả đều có vẻ đơn giản và ngay thẳng. Một bản kê các cửa hàng và các hóa đơn liên hệ của họ, một hóa đơn của lô dầu thô chuyển chở trên tàu, và một bản sao chi phiếu trả tiền đầy đủ cho lô hàng ấy, các phí về nhiên liệu và các dịch vụ dưới tàu, các bản sao những loại giấy phép gì đó, các thẻ của nhân viên và thông tin cá nhân. Thế nhưng có một điều gì làm nàng không yên tâm. Nàng đã chụp lại tất cả tài liệu và đang xem được một nửa hồ sơ cá nhân của các thủy thủ thì phát hiện ra đó là điều gì. Nàng vội vàng chụp phần còn lại, nhét hết vào một cái cặp rỗng để mang theo, trả các nguyên bản lại trong các hồ sơ và bắt đầu xem tới những hồ sơ cá nhân của nhân viên khác, để xem có phải nàng đã đoán sai hay không. Nàng không đoán sai. Thuỷ thủ đoàn trên chiếc Dragon trong chuyến đi biển chót và cuối cùng, từ người thuyền trưởng đến thủy thủ hạng bét, chưa hề làm việc cho công ty Crescent trước đó, cũng như từ đó trở về sau. Căn cứ trên các hồ sơ, chẳng phải là không thường có, nếu một thuỷ thủ hay một thuyền phó, thậm chí một thuyền trưởng chỉ đi cho công ty có mỗi một chuyến. Nhưng cả một thủy thủ đoàn? Không, điểm đó quá ngẫu nhiên và chỉ có thế là đáng ngờ vực, rất đáng ngờ vực. Remy nhìn vào các tên thủy thủ, đa số là người phương Đông, có thể là người Triều Tiên, và nghĩ rằng việc này sao quá buồn cười, buồn cười một cách kỳ cục và chua xót, vì nàng nhận thức đó là điều nàng đã hy vọng tìm ra. Và bây giờ đã tìm ra, nàng lại ước chi chưa tìm thấy. Bây giờ họ ở đâu, nàng tự hỏi. Có lẽ, tản mát khắp bốn phương, hay trong trường hợp này, khắp tám hướng. Có nhiều khả năng là trong túi họ rủng rỉnh nhiều tiền để họ giữ im lặng về điều họ biết, hay đã thấy. Và nếu Howard Hanks nói đúng, cái họ thấy là chiếc tàu đầu bốc dỡ dầu thô xuống các xà lan đang chờ sẵn, hay vào một ống dẫn dầu ngoài khơi. Thuỷ thủ đoàn ắt phải biết chuyện gì đã xảy ra, ít nhất là các sĩ quan phải biết rõ. Và các thủy thủ ắt hắn phải nhận thấy việc bốc dỡ dầu thô, khi tàu mới ra khỏi cảng một hay hai ngày là một việc không bình thường, và rồi còn tiếp tục đi dù là tàu trống. Và Remy biết mọi cố gắng của nàng để tìm ra ai trong thủy thủ đoàn đều là vô ích. Có lẽ Howard Hanks đã nói chuyện được với một số trong bọn họ. Có lẽ do đó mà anh ta đã nắm được bằng cớ có sự lường gạt. Hoặc có lẽ anh ta đã không nói chuyện được với ai trong bọn họ cả. Nếu có, ắt hẳn anh ta đã biết dầu thô đã được bốc dỡ xuống xà lan hay vào một ống dẫn dầu ở ngoài khơi. Anh ta ắt hẳn đã không nêu lên cả hai khả năng ấy. Có lẽ Gabe đã nói đúng. Có lẽ Hanks không có gì chắc chắn ngoài sự nghi ngờ. Có lẽ anh ta cố gắng làm cho một ai đó hoảng sợ mà phạm một sai lầm. Ai đó, như là Cole chẳng hạn. Nàng xua đuổi các ý nghĩ ấy và bước tới cửa sổ, bên ngoài bóng tối như một tấm gương phản chiếu nỗi cô liêu mà nàng bỗng cảm thấy. Nàng nhìn ra ngoài, thẳng về hướng đèn sáng ở khu Algiers. Bên dưới là quảng trường Tây Ban Nha với bể nước có đèn ở đấy. Và ở khoảng giữa là một dải rộng đen ngòm, của dòng sông Mississippi đang uốn quanh như lưỡi liềm, nổi bật lên bởi các đèn sáng dọc hai bên bờ. Rồi, nàng thấy có ánh đèn di chuyển ngay trên mặt nước. Thoạt tiên, nàng tưởng là đèn của chiếc phà từ mũi đất ở đường Canal băng qua sông, hướng về mũi Algiers. Rồi nàng nhận ra là đèn trên một chiếc tàu đang ngược dòng chậm như rùa, xa quá nên bản thân chiếc tàu không rõ, chỉ là một bóng đèn trên dòng sông đen ngòm. Đột nhiên nàng thấy một chiếc tàu tối om khác, gần sát bên nàng, bao phủ trong sương mù cuồn cuộn. Hai người in bóng trên lan can con tàu, những đường nét thật đậm kéo dài về phía nàng. Một giây đồng hồ trôi qua nàng mới ý thức được hình ảnh chiếc tàu ấy ở trong trí nàng. Ở mũi tàu có hàng chữ trắng, tên chiếc tàu. “Lạy Chúa, cho con đọc được tên nó” – nàng thì thầm. Crescent Drag… - Tôi không thèm biết anh nói gì – Một giọng phụ nữ cay chua vang lên như buộc tội, làm tan biến hình ảnh Remy vừa nhớ lại – Cô ta khiêu vũ sát rạt vào mình anh, đến nỗi có lẽ phải dùng một đòn bẩy mới nạy được hai người tách ra. Ghê tởm! Nàng quay phắt lại và nhìn sững ra cửa còn mở ở hành lang, trong giây lát, đứng lặng người vì có tiếng chân đang đi tới. Có ai ngoài đó! Ai? Tại sao? - Em trông chờ anh làm gì? Xô nàng ta ra à? Giọng nói ấy, là giọng của Lance. Chúa ơi, nàng không thể để hắn tìm thấy nàng ở đây. Nàng dòm quanh căn phòng có đèn sáng, tìm một chỗ để nấp. Cái cửa hông ấy, nó phải dẫn đi đâu, dù chỉ là một cái buồng kín. - Anh không phải có vẻ mặt như lấy đó làm vui thích. - Mẹ kiếp, Julie! Mỗi lần ra ngoài chơi buổi tối chúng ta lại phải cãi cọ nhau như thế này sao? Lance giận dữ cãi lại, trong khi Remy chạy đến cái bàn giấy. Lúc này cần phải nhanh chân, nhưng cần tránh tiếng ồn. Nàng chụp cái ví đầm ở trên bàn, đeo nó lên vai và ôm cặp hồ sơ sát vào mình, hy vọng tiếng nói của họ át tiệng động do nàng gây ra. - Đáng lẽ anh phải nên mừng vì sau bảy năm lấy nhau em còn quan tâm đến nỗi còn ghen. Tiếng nói của họ gần hơn, và họ đi về phía nàng. Nàng lao tới cửa hông. Vừa đến cửa, Remy nghe tiếng cái máy sao bản còn chạy. - Anh chưa hề bao giờ thích các cô mắt xanh lục Julie ạ. Remy chạy lui, tắt cái máy sao bản, tiếng máy đánh cách nghe lớn quá. Nàng chạy trở lại cửa, và cố nín thở vặn nắm cửa từ từ. Khi cửa mở, nàng chỉ kéo ra vừa đủ để lách mình vào. Nhưng khi nàng cố gắng đi thật êm, cái ví đầm đập vào khung cửa. - Cái gì đấy? - Cái gì? Remy đóng cửa lại, và nép sát vào đó, nhắm mắt, không dám thở mạnh. - Anh nghe có tiếng động – Tiếng Lance nói ở hành lang, kèm theo tiếng bước chân sải bước vững chắc. Ngay sau đó tiếng giày cao gót gõ lóc cóc. Remy mở choàng mắt ra. Các tủ hồ sơ. Nàng đã quên khóa chúng lại. Bây giờ quá trễ. Anh ta đã tới quá gần. Anh ta có nhìn thấy không? Có quy trách cho một người thư ký bất cẩn không? Trời đất! Remy dòm quanh và nhận ra không phải ở trong một cái buồng xếp nào mà là trong một văn phòng của ai đó. Của Lance chăng? Không thể được, hay có thể? Nàng thấy cánh cửa ở hành lang và lao về phìa ấy, nép mình sát vào vách cạnh bản lề để cánh cửa che nàng nếu bị mở ra. - Chào, có ai trong này không? – Anh ta ở ngay ngoài cửa, chỉ có bức vách giữa họ. Remy cắn chặt môi dưới để khỏi thở mạnh và bị lộ. - Có lẽ là mấy người quét dọn, Lance – Người phụ nữ lên tiếng, có lẽ là vợ anh ta – Không còn ai làm việc vào giờ quá trễ này. Anh ta đang đi ngang qua cửa văn phòng, về phía phòng hồ sơ, bước chân anh ta bây giờ chậm lại, như thể nghe ngóng. Nàng phải ra khỏi nơi này. Nếu anh ta bắt đầu tìm tòi, thế nào cũng bắt gặp nàng. Không có chỗ nào nấp cả… - Lance… Ngậm thinh lại. Remy nhích qua bên kia cửa và vặn nắm cửa thật cẩn thận, mở nó ra tí xíu, và dòm ra ngoài. Hành lang trống trơn, cả hai phía. Chắc họ đang ở trong phòng hồ sơ. Rồi có tiếng một ngăn kéo đựng hồ sơ bằng kim khí trượt vào đóng lại. Chắc là nàng đã để quên không đóng. Nàng còn bao nhiêu giây nữa, trước khi anh ta mở cửa thông sang văn phòng này. Nàng có được một cơ hội và lợi dung ngay. Nàng lách ra hành lang và lặng lẽ chạy nhanh về phòng tiếp tân, hoàn toàn lộ liễu và chờ đợi bị anh ta phát giác và kêu lại. Nhưng không, nàng đến được chỗ quẹo, và ngoảnh lại nhìn. Hành lang vẫn trống trơn. Nàng lao ra cửa. Cửa còn để mở. Nàng không dám tin mình may mắn đến thế. Nàng mở cửa và bước ra ngoài, lần này cẩn thận không để cho ví đầm đập vào khung cửa. Nàng đóng cửa lại thật êm và quay lại, nhìn từ các thang máy đến cửa dẫn tới cầu thang để dùng trong lúc khẩn cấp. Cầu thang không nên dùng, quá lộ liễu, quá ồn, tiếng động gì ở đó cũng dội lại. Nàng chạy đến các thang máy và ấn nút xuống, rồi chờ cho mũi tên bật sáng trước một cái thang máy. “mau lên, mau lên”, nàng lẩm bẩm qua hơi thở, rồi nghe tiếng một thang máy đi lên. Bỗng nàng sực nhớ, cái chuông, cái chuông chết tiệt sẽ kêu lên khi thang máy tới tầng này. Nó kêu, một tiếng quá to như là còi báo động bên tai nàng. Remy nhìn lui một lần nữa về phía cửa văn phòng, rồi lao vào trong thang máy, ấn nút tầng dưới cùng rồi ấn nút đóng cửa lại. Cửa thang máy từ từ đóng lại. Nàng đi chuyến thang máy giật gân nhất chưa từng có, hai tay ôm chặt cái quai ví đầm và tập hồ sơ mà tự hỏi Lance có thấy hoặc nghe tiếng nàng hay không, và ban bảo vệ có chờ nàng ở dưới nhà khi cửa thang máy mở ra hay không. Nhưng khi thang máy xuống đến tiền sảnh, không có người bảo vệ mặc đồng phục nào chờ cả. Remy ngần ngừ bước ra và trà trộn ngay vào một nhóm người vừa cười vừa nói lớn từ một thang máy khác bước ra. Một người đàn ông vô tình chạm vào nàng. - Ồ xin lỗi – Trong khi Remy để ý thấy người bảo vệ ở ban giấy đang cầm máy điện thoại. Nói với Lance chăng? - Ê, trông cô dễ thương quá, cô biết không? – Người đàn ông quàng một tay lên vai nàng, miệng sặc mùi rượu. Remy thấy người bảo vệ liếc nhìn nhóm người, và nàng cẩn thận không phản kháng gì sự chú ý công khai của người đàn ông. - Cám ơn – Nàng đáp và để ông ta kéo nàng theo nhóm người đi ra phía cửa. - Cô làm gì ở đó? Làm việc trễ ở văn phòng hả – Ông ta hỏi và nhìn tập hồ sơ trong tay nàng. - Gần như vậy. - Bậy chưa. Còn chúng tôi thì liên hoan. - Thế à. - Phải, chúng tôi uống ở quầy rượu trên nóc nhà. - Nóc khu buôn bán. - Phải, tên nó là vậy – Ông ta cúi sát xuống cười khúc khích - Agnes mất cái ví. Cô ta để nó trên quầy, và một phút sau nó biến mất. Cô biết cái quầy rượu ấy quay không? Khoảng một giờ sau, thấy lại cái ví. - May chưa! Tôi mừng vì cô ta tìm lại được cái ví – Họ đi ngang qua bàn giấy người bảo vệ. - Cô muốn dự liên hoan với chúng tôi không? - Tôi không biết. Các người đi đâu bây giờ? Ông ta cau mày: - Ê, Johnny! - Ông ta gọi một người đàn ông trong nhóm – Chúng ta đi đâu đấy? - Đến Pat O’brien’s. - Ừ, Pat O’Brien’s. Tôi sẽ đãi cô một ly rượu nổi tiếng ở đó. - Bão tố. - Cái gì? - Không sao – Họ ra cửa, trời đêm mát lạnh. Nàng gỡ khỏi cánh tay của ông ta, nói nhanh – Tôi đã uống ở Pat O’Brien’s rồi. Có lẽ để lần khác. Nàng phải kềm chế không chạy ra bãi đậu xe, vì biết rằng nàng đã gần như an toàn và không muốn có hành động gì để người ta chú ý đến mình. Đến gần chiếc Jaguar màu đồng bóng lộn, nàng hấp tấp mò tìm tay lái, đặt cái ví và tập hồ sơ lên nệm xe, rồi dựa ngửa ra ghế. An toàn. Xong rồi. Hay chưa? Hay chỉ mới bắt đầu? “Ta vừa dính líu vào chuyện gì vậy”, nàng lẩm bẩm, “Có lẽ ta điên rồ!”. Nhưng nàng không điên, và chẳng dấn thân vào chuyện gì cả. Trái lại, nàng đã dính líu ngay từ đầu, ý thức hay vô thức. Có một điều nàng chắc chắn: nàng đã thấy chiếc Crescent Dragon buộc neo ở một bến tàu, trong sương mù và đêm tối. Nhưng nàng còn thấy gì khác nữa? Hay là thấy ai khác nữa? Nàng thở dài thất vọng và tra chìa khoá vào xe.