Thu rất ghét cái tên của mình: Nguyên Thu. Cứ khi nào cô mãi suy nghĩ, quên không cười thì người khác lại bảo: Sao trông mặt đầy cả một mùa Thu buồn vậy? Không lẻ lúc nào cũng phải cười thì méo mất cái quai hàm, còn gì là vẻ xinh xắn của tôi? – Thu thường bực bội nghĩ như thế, nhưng cô lại mỉm cười, khoe hai cái răng chó nhọn phát khiếp – Cho chúng nó chạy không kịp luôn. Cả ngày ngoài đường nắng nôi, về đến nhà chỉ mong được yên tĩnh, thế mà có được yên thân đâu, nhà tập thể mà: Bên cạnh bé khóc, trên lầu mở nhạc muốn bể lổ tai, dưới lầu mở đá banh, hò hét như ngoài sân vận động. Chiều nay, cô đầy lòng bực bội vì cô bé hàng xóm lại tỉ tê khóc sau cửa. Thương nó quá, nhưng lại phải làm tượng gỗ, chẳng biết làm sao. Cứ nghĩ đến bà mẹ của nó là cô muốn phát bệnh. Con khóc, không dỗ, cứ mãi dán mắt vào tivi, gặp đoạn phim buồn thì nước mắt như mưa. Em bé đã 3 tuổi mà cứ nhét vào ngồi trong cái xe dành cho em bé tập đi, cấm không cho leo ra. Nhà rộng nhé, cứ ngồi trong đó mà lê la, khỏi phải lo nó sờ công tắc, nó lật cái quạt, nó vạch lên tường … Túm lại là: không có cửa để phá phách. Thỉnh thoảng, mẹ nó lại lấy tấm gỗ to chặn cầu thang, cho em bé ra ngoài, chạy một mình trên hành lang trong cái xe trứ danh đó. Muốn bồng nó ra, phải xin phép mẹ nó cho nó ra khỏi cái xe trong bao nhiêu phút. Hết giờ thì như là gõ kẻng, phải cho nó trở vào xe ngay – Để nó quen thì phiền lắm – Mẹ nó cười xuê xoa. Hình như em bé biết thân, biết phận, nó ngoan ngoãn dang hai chân, xỏ vào hai cái lỗ. Có hôm, Thu còn nhìn thấy nó đứng, hai tay nhấc hẳn cái xe ấy lên và bước đi như dũng sĩ HecQuyn. Tuy ở đây đã 10 năm, cô hầu như không biết hết tên của nhà hàng xóm. Một phần do họ mua mua, bán bán, đổi chủ, phần khác là do chính cô: Sáng ra khỏi nhà, tối về là đóng cửa, lên gác. Những khi lên xuống cầu thang, gặp người già thì: Chào bác, gặp người lớn hơn thì: Chào anh, chào chị, gặp mấy đứa lóc chóc thì cười, nhưng rốt cuộc bác là ai, anh chị là ai, lóc chóc là ai thì cô cũng … Không biết. Có một người duy nhất cô biết rất rõ, đó là tổ trưởng tổ dân phố, vì tháng nào cũng đóng tiền điện, nước cho bác tổ trưởng. Cuối tuần họp tổ dân phố, hai vợ chồng trung niên vừa chuyển đến không bao lâu, có hai đứa con đang học đại học, chi phí nhiều mà họ thì không có việc làm nên xin lập bãi giữ xe cho nhà tập thể ở lối đi dưới tầng trệt. Khu tầng trệt chỉ có thể để được 35 chiếc xe, vừa đủ cho mỗi hộ được gởi một chiếc. Giá gởi xe thì 55.000 một tháng, chỉ bằng hai phần ba gởi bên ngoài, lại lấy dễ dàng, không như khi trước ở các bãi xe khác, riêng cái chuyện lấy xe cũng mệt: May mắn, nó nằm ngay lối đi thì khỏe, xui xẻo, nó nằm trong hốc bù tó thì dời xe để dẫn xe mình ra cũng tiêu hết cơm sáng, cơm trưa. Nhà tập thể ai cũng vui vẻ vì không phải gửi xe nơi khác, bất tiện. Bây giờ thì cứ xuống nhà là lấy xe đi, vừa gọn, vừa có bảo vệ không mất tiền. Có bảo vệ rồi thì đẻ ra chuyện khác. Trước đây, những người đi sớm, về muộn, có riêng một chìa khóa cổng. Chỉ những người không có chìa khóa, lâu lâu có việc đột xuất về trễ, đi sớm, thì hơi phiền phức. Đi sớm thì phải mượn chìa khóa của người về muộn, về trễ thì gọi người nhà xuống mượn chìa khóa để mở cửa. Bao giờ cũng bị cằn nhằn vì đánh thức người ta giữa đêm, có lúc, người ta vờ như ngủ say, gọi mãi cũng không ư hử, đành tự thân vận động, đi đâu kiếm nhà quen mà làm phiền. Trên lối đi bây giờ hẹp chỉ còn hai mét, một bên dựng xe ngang, một bên dựng dọc. Không có chỗ mà làm phòng ốc, ban ngày, bảo vệ ngồi trông xe, ban đêm, kéo ghế dài ra giữa lối đi mà ngủ. Mọi người thống nhất một bảng quy định về giờ giấc. Tuy đã xem xét dựa trên công việc đi sớm, về trễ của mọi người, nhưng cũng có người bất chợt đi về ra ngoài quy định. Như ngày trước thì mệt rồi, bây giờ thì cứ dộng cửa ầm ầm, bảo vệ không muốn thức, cũng phải thức, không muốn mở, cũng phải mở. Bảo vệ bảo họ gởi xe nơi khác, đi bộ về vào mình ên cho tiện thì xảy ra một trận đấu khẩu ồn ào rằng: Tôi ở nhà tôi, chứ có phải ở tù đâu mà phải có giờ giấc? Có người cũng rảnh việc, muốn làm thêm nên gặp vợ chồng bảo vệ đề nghị làm ca tối. Nhưng tiền đã ít, còn chia năm xẻ bảy, lại phải bàn giao trách nhiệm nhiêu khê, vợ chồng họ từ chối. Kể từ ngày ấy, khu nhà tập thể chẳng mấy khi được yên. Hai nhà trở thành mặt trăng, mặt trời, cải nhau inh ỏi đủ thứ chuyện: Hôm thì Bác già bảo vợ ông bảo vệ phun nước miếng khi mình đi qua, khi khác thì xô mình té, khi khác cô trẻ xuống làm dữ vì người nhà từ quê lên, có số điện thoại mà bảo vệ cũng không thèm kêu dùm, để người nhà già cả phải xách nặng lên mấy tầng lầu, thật là độc ác … Bên nói có, bên nói không. Tổ dân phố cứ họp hành liên miên để giải quyết những chuyện từ trên trời rơi xuống như thế. Cứ phải trân mình ngồi suốt cả tiếng nghe mọi người nói, Thu dần biết hết những nhà xung quanh là những ai. Thật là một sự hiểu biết phải trả giá không ít, nó làm cô càng thấy con người thật phức tạp. Người ta thì bán bà con xa, mua láng giềng gần. Họ thì giống như ai cũng bán tuốt, thật là chán. Phiền phức quá, mọi người bèn công kênh hai người từng dộng cửa ồn ào và cô trẻ hay gây gổ làm ông tổ trưởng và bà tổ phó. Những tưởng khi có “chức quyền” thì họ sẽ để mọi người yên, nào ngờ vẫn y như cũ! Chẳng hiểu mọi chuyện rồi sẽ đến đâu vì tổ không hòa giải nổi, họ lôi nhau lên phường, ra công an. Có một ngày thức dậy, mình sẽ thấy cái bãi xe biến mất, người đi sớm, cứ đi sớm, người về muộn, cứ về muộn, vào không được thì cứ lang thang cho hết đêm cho đáng đời tội về quá trễ …. Và, một hôm nào đó đi làm về, bỗng phát hiện nhà mình sạch trơn, chỉ còn đôi dép rách không bán được ở lại, giống như nhà hàng xóm dạo trước, mình sẽ làm sao nhỉ? – Rồi cô tự cười – Làm sao mặc kệ, hồn ai nấy giữ, thế thôi.