Quê tôi ở vùng đồng trũng. Họ hàng nhà tôi nghèo từ đời cụ tổ. Chi gần chi xa đều rách rưới, ít học. Ông nội tôi,bố tôi nối nhau làm nghề đánh dậm. Cái nghề mà bốn mùa cứ đen thủi đen thui. Quần vận như khố, áo mặc như dây. Đến đời tôi thì chấm dứt. Bố tôi bảo: “ May quá! Giời có mắt,chẳng lẽ…ba đời nhà ta đánh dậm? Thời thế đã thay đổi,con hãy cố học hành để thành người danh giá. Hai đời nhà ta đã bị sai bảo rồi…đời con phải quyết tâm làm thế nào để sai bảo người!. Được vậy,bố có phải ăn cháo cầm hơi cũng sướng. Vong hồn ông nội con chắc cũng mỉm cười nơi chín suối!”.
Với một quá  khứ như vậy,thời gian đầu di học,tôi có nhiều mặc cảm. Càng học lên lớp cao,tôi lại càng ít giao du với bạn bè trong lớp. Thực ra,với cá tính và lí lịch của tôi như vậy. Bọn chúng cũng coi tôi như hạng ruồi muỗi. Đến năm tôi thi vào đại học,thật không ngờ…quá khứ hai đời đánh dậm của tôi lại được nhà trường ưu ái. Tôi đỗ vớt. Thi vào ngành xây dựng cũng vậy,tôi cũng đỗ nhờ vào “hoàn cảnh!”.
Thật đáng tiếc,bố tôi không đủ nhẫn nại sống để chứng kiến những thăng hoa của tôi. Bố tôi mất lúc tôi đang học năm thứ ba đại học xây dựng.
Khi tôi đã cầm trong tay tấm bằng kĩ sư tôi mới cảm thấy có chút tự tin. Tôi về quê tảo mộ. Có một ông thầy tướng bảo tôi: “ Cung quan lộc của cậu tốt lắm, được âm phù. Đời cậu rồi sẽ rạng danh phú quí là nhờ vào mồ mả đến ngày phát!”. Tôi sung sướng đến tê người và hậu tạ cho ông.
Chỉ sau một thời gian ngắn,tôi đã  có trong tay gần bốn trăm người để “ sai bảo “. Tôi nghiệm thấy cấp trên tin dùng tôi cũng bởi lí lịch của tôi có hai đời đánh dậm. Bây giờ,tôi đã khác trước. Ông nội của tôi,bố tôi…có sống lại chắc hẳn cũng không thể nào tin những gì tôi đã đạt được.
  Có một đêm,tôi mơ thấy bố tôi và ông nội về. Họ vẫn ăn mặc rách rưới như xưa. Sắc mặt ông nội tôi hầm hầm,còn bố tôi thì rạng rỡ. Hai “cụ” không ngồi nơi nghế mà ngồi trên nóc tủ. Đột nhiên,ông nộI mắng bố tôi: “ Mày có vẻ tự hào về thằng con của mày lắm hả?”. Bố tôi ôn tồn trả lời: “ Vâng! Thưa cha! Cháu nó đã làm rạng danh họ nhà ta. Bây giờ,nó đã là một nhân vật tầm cỡ,giầu sang phú quí khó ai bằng…vậy cha bảo không vui sao được!”. Thấy bố tôi hoan hỉ như vậy,tôi vui như mở cờ trong bụng. Nhưng tôi bỗng giật mình khi nghe thấy ông nộI tôi hét vào tai bố tôi: “ Mày ngu lắm con ơi! Không xứng là bậc đánh dậm. Kể cả nó nữa…con mày hoặc là cháu tao cũng rứa. Nó không đủ tư cách đứng ngang hàng với những kẻ đánh dậm đâu…đừng có tưởng. Mày mừng vui khi thấy con mày giầu sang phú quí mà không tìm hiểu xem của cải ở đâu ra. Nó là thằng tham nhũng,có những thủ đoạn tinh vi mà tao rõ hết!”.
Tôi cảm thấy ớn lạnh xương sống khi chợt nghĩ đến những “vụ việc” làn ăn đã qua. Nói xong,ông nội tôi bỗng vung tay lên,vả vào mặt bố tôi liền hai cái. Mạnh đến mức bố tôi lộn nhào xuống đất. Tôi vội chạy lại,nâng bố tôi dậy. Nước mắt bố tôi giàn giụa,bố hỏI tôi:
Có đúng vậy không con?
Tôi vẫn còn đủ trí tuệ để ý thức được rằng. Đây chỉ là giấc mơ,chỉ là ảo ảnh,cả ba chúng tôi đều là những âm bản. Vậy thì sợ gì mà không nói thật:
Thưa cha,ông nội đã biết hết sự thật! Con xin nhận!
Cha tôi liền thay đổi thái độ. Không biết ông rút con dao chọc tiết lợn ỏ đâu ra cầm lăm lăm trong tay,vừ tiến về phía tôi ông vừa nói:
Giá như cứ để cho mày nối nghề đánh dậm thì lương dân đỡ khổ,mày còn được làm “người” bây giờ thì hãy theo tao về với cụ tổ!
Tôi hoảng quá,định chạy trốn. Nhưng đôi chân cứ ríu lại. Cũng may,vừa hay nội tôi nhảy bổ xuống,hai tay ngăn bố tôi lại và bảo:
Mày làm sao giết hết được những loại như nó?! Bỏ dao xuống!
Bố tôi ngoan ngoãn vâng lời rồi run rẩy hỏi nội:
Thưa cha,có thật là trên dương thế bây giờ còn nhiều đứa đổ đốn như nó không ạ?
Nội xoa đầu bố tôi như đã từng xoa cách đây hàng thế kỉ rồi nói:
Đúng vậy! Loại như nó…hơi bị nhiều! Mà mày cũng đừng buồn,thời nào chả có. Nó không đơn độc đâu!
Vừa nghe thấy vậy,mặt bố tôi đầy vẻ thất vọng,người thốt lên:
Trời ơi! Thế thì bây giờ những người đánh dậm chắc hẳn phải khổ hơn ta rồi!
Nội tôi phụ họa:
- Khổ hơn cả đời tao nữa! Bố con mình chết rồi lại hóa ra may!…ha…ha…ha…
  Tiếng nội cười ẩn hiện chất ma quái làm tim tôi như ngừng đập. Tôi sụp xuống,vái như tế sao. Tiếng ông nộI vẫn sang sảng:
Này cháu,mày có biết tại sao ngày xưa tay bố mày bị tật không?
Thưa ông,cháu không biết ạ! – Tôi cung kính trả lời.
Chỉ vì đói,ăn trộm một phẩm oản mà bị bọn hương lí gô cổ ra sân đình đánh cho bốn mươi hèo. Không có gì đút lót nên chúng vụt mạnh quá,trẹo cả xương khớp rồI thành tật đó.
  Tôi cảm thấy thương cha tôi quá và căm thù bọn chức sắc ngày xưa,tôi thốt lên:
Thật là không công bẳng,bọn ác bá!
Ông nội chợt quắc mắt nhìn tôi rồi mắng:
Mày mà cũng dùng đến hai chữ công bằng ư? Tao kể chuyện ấy không phải để lên án bọn chúng,bởi thờI ấy chúng vô học. Tao muốn nói về mày,về những chuyện mày đã làm cơ…thử hỏi,nếu tội của mày đem ra xử theo lệ làng ngày xưa thì mày phải chịu phạt bao nhiêu hèo?…mười đời thằng vác hèo vụt cũng chưa xong!
Tôi bỗng cảm thấy buốt ở mông,ê ẩm ở lưng khi nghĩ cái mức bị vụt dai dẳng mười đời nhà vác hèo mà thất kinh. Tôi lẩm bẩm:
Ông tìm cách cứu cháu với ông ơi!
Đến lúc này,tôi mới cảm thấy run sợ thật sự. Tôi sợ bị tố cáo. Một viễn cảnh tồi tệ chờ đón tôi…
Hai “cụ” vẫn ngồi chễm trệ trên nóc tủ như khi mới xuất hiện. Vẻ mặt của cha tôi ủ rũ như lá héo,tôi nhận thấy cánh tay tật nguyền của người hơi rung động. Một nỗi thương cảm bỗng dâng lên tràn ngập trong tôi. Đã lâu lắm rồi mới có được cảm giác này. Tôi bỗng thèm được làm nghề đánh dậm,thèm được thanh thản tâm hồn như cha ông đã sống. Có lẽ,với tôi điều đó đã muộn. Ông nội lại nói:
Ông không cứu được mày đâu! Tự mày mới làm được điều đó,hãy cố mà phục thiện.
Thưa ông,nếu những vụ “làm ăn” của cháu bị bại lộ,ông có phù hộ cho cháu được không ạ?
Tôi thấy nội mỉm cười với cha tôi rồi nói:
Nếu tội của cháu bị phanh phui thì chỉ có nhà tù mới cứu nổi!
Cha tôi lạnh lùng nói thêm vào,thản nhiên như ngâm thơ:
Tội của con mà gặp đúng luật pháp công minh thì…ba đời nhà ta dễ đoàn tụ lắm!
Cả hai “cụ” cười ha hả rồi nhảy xuống đứng trước mặt tôi. Nội nhìn tôi rồi nghiêm mặt nói:
Thôi,hãy hy vọng vào đời sau vậy! Mày không hiểu sao?…thằng con trai của mày đó!…Nó phải gọi tao là cụ,gọi bố mày là ông,gọi mày là bố…
Tôi gật đầu với nội và chợt nhớ ra thằng con trai duy nhất của tôi. Rất tiếc là tôi không hợp với nó,bởi nó có tính khí bất thường. Tuy vậy nó cũng đã tốt nghiệp trường mĩ thuật. Tôi chán nản nói:
Thưa ông và bố! Theo con thì chẳng hy vọng gì vào cái thằng họa sĩ bướng bỉnh và gàn dở ấy được!
Bố tôi quát:
Đừng coi thường một ai cả! Nó đã lớn rồi,phải coi nó như một người bạn. Mày đã xem tranh của nó chưa?
Tôi ân hận thú thật:
Dạ thưa cha,chưa hề ạ!
Ông nội chợt nói:
Thôi,cha con tao phải “về” đây! Hãy quan tâm đến thằng con mày. Chúng tao trông cậy vào nó đấy! Bảo với vợ mày đừng có “gửi” ô tô,xe máy,đô la,vàng bạc xuống làm gì kẻo bọn tao bị ảnh hưởng đấy! Kỳ này “hóa” cho chúng tao hai bộ đánh dậm,nhớ chưa?
Dạ cháu nhớ ạ!
Tôi bàng hoàng trả lời như một cái máy và không kịp nhận biết các “cụ” đã biến đi tự lúc nào. Tôi có cảm giác như ngửi thấy thoang thoảng mùi tôm cá trong căn phòng sang trọng của tôi.
  Tôi chợt bừng tỉnh và nhận thấy mồ hôi dấm dứt quanh cổ. Trong im lặng, máy điều hòa vẫn chạy ro ro. Tôi nhìn đồng hồ,mới bốn giờ sáng. Đầu óc tôi bỗng vụt tỉnh táo,sự tỉnh táo đi ngược lại qui luật thời gian. Tôi vụt dậy và tò mò sang phòng thằng con trai.
  Nó vẫn lúi húi trước giá vẽ. Khi thấy tôi vào, nó quay lại mỉm cười rồi tiếp tục công việc “bôi,phết”. Nó không hề tỏ vẻ ngạc nhiên khi lần đầu thấy bố nó đến vào cái giờ gần sáng này. Một lát sau,nó hỏi tôi mà không hề quay mặt lại:
Hôm nay đặc biệt thế bố?
Tự nhiên tao muốn đến xem mày “vẽ vời” ra sao!
Bố thực sự thích thú điều đó?
Chẳng lẽ sự quan tâm của tao làm mày khó chịu?
Không đâu bố ơi! Ngược lại là đằng khác!Tiện đây,bố thử xem bức tranh con vừa hoàn thành gần như đúng lúc bố vào đây.
Tôi nhìn vào giá vẽ. Một bức tranh trông thật đơn điệu nếu không muốn nói là vớ vẩn. Nó vẽ ba cái ghế được đặt thứ tự lên nhau giữa một không gian đen ngòm. Tất nhiên mấy cái ghế được thể hiện bằng màu trắng. Cái ghế dưới cùng to nhất là loại có tựa lưng mà ta thường thấy ở các công sở. Cái thứ hai cùng loại,xếp trên. Cái thứ ba là chiếc ghế đẩu nhỏ xíu xếp trên cùng. Trời ơi! Nó say mê suốt đêm để vẽ một bức tranh xoàng xĩnh như thế kia thì quả là thằng cả ngố! Tôi hỏi đùa:
Tại sao chỉ vẽ ba cái ghế?
Thưa bố,con mới vẽ có ba cái mà đã thấy run tay rồi,con cảm thấy như nó sắp rơi…bởi cứ vẽ xong một cái là con tự “ngồi thử!”…đến cái thứ ba,con đã có cảm giác chóng mặt. Bố có tin rằng lúc đó gai ốc con nổi lên không?!
Chà! Mày quả là một “họa” sĩ có tâm hồn bay bổng! Nhưng mày đừng quên rằng trên đầu bố mày có hai đời đánh dậm! ( Đến đây,tôi chợt cảm nhận được ý châm chọc của bức tranh. Nó muốn dạy đời cách leo trèo )… Thì ra,mày cũng biết “Thượng thu - Hạ thách”  cơ đấy!
Thưa bố,đó là yếu tố bắt buộc của sự tồn tại!
Mày có hàm ý độc địa gì ám chỉ tao không?
Con vẽ và sáng tạo hoàn toàn do cảm xúc,thưa bố!
Tôi cố nén cơn giận cốt để hiểu sâu tâm trạng của nó:
Mày tin rằng có người sẽ mua bức tranh này?
Con xin tặng bố!
Tôi lặng người giây lát bởi sự xúc phạm có ý thức của con trai mình.Toàn thân tôi run rẩy.Tôi cảm thấy sự sụp đổ từ trí tuệ…da thịt đang tan rữa…Tôi nghẹn ngào bảo nó:
Nếu là tặng tao,mày phải vẽ thêm lên trên vài cái ghế nữa!
Không được đâu bố ơi! Con không thể vẽ thêm dù chỉ là một!
Tao buộc mày phải vẽ thêm ít nhất là một chiếc nữa! Mày nghe rõ chưa!?…
Rứt lời,tôi tức giận bước ra,đóng sập cửa lại như để cho nó hiểu rằng đó là mệnh lệnh không có quyền từ chối.
… 
Sáng hôm sau,khi biết nó đã ra khỏI phòng. Tôi lặng lẽ bước vào. Tôi muốn xem một đứa con thực hiện lờI dạy của ngườI cha hơn là xem một chiếc ghế.
Tôi lặng người khi xem bức tranh…Trên mặt chiếc ghế thứ ba,nó vẽ thêm một chiếc quan tài nhỏ xíu. Phía dưới có mấy chữ loằng ngoằng như giun giãy chết:
“ Kính tặng cha của con!”…
(Trích trong tập: Vùng xoáy Luân hồi)

Xem Tiếp: ----