Ở tuổi Quyên, chuyện gia đình còn chưa là đâu là muộn. Có lẽ vì mấy năm thời con gái, chị đều dành dụm cho công việc. Khi công việc đã ổn định, chị giật mình thấy đời mình còn thiếu một bóng đàn ông. Bà nội Quyên đã già. Tuy vậy bà vẫn duy trì nghề làm gốm. Cứ vài tuần, bà cùng mấy người làm nghề đốt chung một lò rồi mang ra chợ huyện bán. Mỗi lần Quyên về, bà đều giục Quyên chuyện gia đình như là bắt vạ: “ Cái khổ nhất của người đàn bà là không có chồng. Không có chồng cũng như là nhà vô phước. Xem có người nào thương đến thì lấy đi. Đối với tao, giàu nghèo không thành vấn đề, cốt là cái nhân cách. Tìm trong đám trai làng ấy, khối người cũng được.”. Mỗi lần bà nói thế, Quyên chỉ mỉm cười: “ Bà ơi, thế thì bà nhắm người nào mà bà cho là hợp với cháu đi.”. “Được rồi! Chị nói đấy nhé! Để tôi lo.”. Quyên ôm lấy bà, giụi đầu vào khoảng lưng đã héo mòn sự sống, nũng nịu:” Bà không sợ người ta rước cháu đi bỏ bà lại một mình à?”. Bà làm ra điều giận dỗi:” Tôi có thân tôi tự lo, không cần phải nhờ đến cô. Cốt sao có người rước cô đi là tôi nhẹ nợ rồi.”. “ Bà nhớ nhé. Vậy thì sau này lấy chồng cháu sẽ lôi cả về đây ăn vạ bà cho đến hết đời.”. Không phải Quyên không nghĩ đến điều bà nói, song chuyện ấy phải tự nó đến chứ gượng ép sao được. Là một cô gái nông thôn, cho đến tận khi đã ra làm việc, Quyên vẫn giữ cái bản chất giản dị đến khó thay đổi. Cũng có thể do hoàn cảnh khiến Quyên tự khép mình vào một nếp sống riêng. Vẻ mặt nghiêm nghị kín đáo của Quyên không hợp với sự ồn ào của đất thị xã này. Người bạn trai đầu tiên của Quyên là Phú. Đó là cậu bạn làng xóm hơn Quyên hai tuổi. Ngày nhỏ, Quyên thường bị bạn bè bắt nạt, người duy nhất bênh vực Quyên là Phú. Đối với Quyên, Phú là chỗ dựa tinh thần, là nơi để Quyên hờn dỗi, hoặc nhỏ những giọt nước mắt. Tuổi thơ Quyên lớn lên bên Phú từ lúc cả hai đứa còn để truồng tắm sông, cắt cỏ đến lúc đến ngượng nghịu. Rồi Quyên học lên Đại học. Những ngày đầu khi phải xa Phú đối với Quyên thật khó khăn. Rồi cuộc sống mới, môi trường mới bắt Quyên phải thích nghi dần. Quyên đi học, bà nội ở nhà còm cỏi một mình. Những ngày đó, Phú thường qua lại đỡ đần bà. Dạo bà ốm nằm viện, Phú ngày hai buổi đưa cơm. Những hôm Quyên ở trường về, Phú đứng đợi ở chỗ cái miếu hoang ngoài đồng rồi từ đó hai người xuống dắt xe đi bộ về nhà. Quyên rất yêu giòng sông quê. Mỗi lần về quê, Quyên đòi Phú đưa ra sông chơi bằng được. Đối với Quyên, bờ đê, bãi đá, làng chài đã trở thành những hình ảnh thân thương ăn sâu vào máu thịt. Rồi những đêm trăng, thả bộ trên con đường làng, ngắm nhìn làng xóm, nghe tiếng chuông cầu nguyện từ nhà thờ bên kia sông, khiến Quyên nghĩ cuộc đời này chỉ cần có bấy nhiêu. Rồi Phú cưới vợ. Xuýt nữa thì Quyên đã bỏ học sau chuyện ấy. Sau ngày Phú lấy vợ, Quyên ít về nhà. Có khi lo cô ốm, bà nội lại phải lặn lội lên thăm. “ Dạo này bà ở nhà có khoẻ không?”, Quyên hỏi. “ Tôi thì làm sao mà không khoẻ. Chỉ có chị là không thấy vác mặt về.”. “ Tại con bận học bà ạ.”. “ Bận hay chị sợ giáp mặt thằng Phú. Con đừng trách nó. Vợ chồng là cái duyên cái số. Không có duyên ở với nhau làm sao được.”. Quyên ở trong khu tập thể của cơ quan. Phòng của chị có một khoảng sân nhỏ với bờ rào râm bụt quanh năm nở hoa. Công việc bận rộn nên vài tuần Quyên mới về thăm bà một lần. Mỗi lần về, Quyên thường phụ bà nặn gốm dưới tán mát cây lan trà. Ít có loại cây nào như giống lan trà. Hoa có màu trắng muốt và nở quanh năm. Hương thơm cứ như người nói lời thủ thỉ, nhẹ nhàng xâm vào không khí mà chẳng để cho ai phải phật lòng. Bà bảo, người làm gốm phải giữ cho tâm hồn thư thái mới có được sản phẩm tốt. Ngồi dưới hoa thế này, bao nhiêu phiền muộn tan biến hết. Vậy mà có đôi lần nặn gốm bà tự dưng bật khóc. Những lúc đó Quyên cũng không thể cầm lòng được. Cây lan trà được bố Quyên trồng từ hồi ông còn sống. Cả cái chậu gốm trồng cây to vật vả cũng tự tay ông nặn. Làng gốm, chẳng nhà nào không theo nghề gốm. Nhà Quyên cũng theo nghề gốm. Nhưng một lần lò gốm sập, Quyên đã mất cả bố lẫn mẹ. Ở làng cũng nhiều người thiệt thân vì nghề như bố mẹ Quyên. Song, từ năm này qua năm khác, những lò gốm vẫn đỏ lửa. Quyên dặn bà:” Đốt gốm thì còn có người nọ người kia, chứ mang hàng ra chợ bà đợi hôm nào cháu về thì đi. Bà già rồi, lóc cóc cái xe cải tiến ai mà nom được. Rồi qua cái dốc đê nữa, chẳng may trượt chân thì sao? Bà có chuyện gì thì cháu sống không được đâu.” Bà cười xuê xoa:” Thì tao vẫn còn sức, gắng được chừng nào cứ gắng. Với lại cũng còn người nọ người kia. Với lại cả vợ chồng thằng Phú nữa.”. Nhắc đến Phú, Quyên lại thấy chạnh buồn. Môt hôm, Lan, cô bạn làm cùng cơ quan đế chơi. Thấy Quyên cứ lủi thủi cơm nước, Lan nghiêm mặt ra bộ quan trọng:” Chị nên chấm dứt cuộc sống độc thân đi. Để em giới thiệu với chị một người. Em mà duyệt được thì chị khỏi phải suy nghĩ.”. Quyên cũng cười nửa đùa nửa thật:” Ra Lan đã quyết định chọn chồng cho chị rồi đấy.”. Mấy hôm sau lan đến với một người đàn ông nom có vẻ đạo mạo. Lan giới thiệu:” Đây là anh Sơn anh họ em”. Rồi Lan nháy mắt, ghé vào tai Quyên nói thầm:” Hai người có vẻ rất hợp nhau đấy”. Từ hôm đó Sơn hay đến phòng Quyên chơi. Có vào lần Sơn đến cùng với một người bạn nữa. Anh bạn Sơn mỗi khi đến chơi thường chọn chỗ ngồi bên cửa sổ, nơi có thể nhìn ra bờ rào râm bụt. Và anh thường ngồi như thế đến hết buổi mà rất ít khi tham dự câu chuyện. Quyên và Sơn hiểu nhau nên tình cảm cũng tự nhiên nảy nở. Người theo dõi sát sao sự tiến triển giữa Sơn và Quyên là Lan. Mỗi khi hai người có dịp đi uống nước hay mua sắm cùng nhau Lan đều bắt Quyên kể tỉ mỉ mọi việc cứ như Lan cũng là một phần trong mối quan hệ của hai người. Đôi lúc nghe Quyên kể Lan cứ lơ đễnh đi đâu. Rồi Lan lại giật mình giục Quyên kể tiếp. Hôm nghe Quyên kể về buổi cùng Sơn về quê anh chơi, tự nhiên Lan có vẻ không vui. Bữa đó Quyên bảo Lan ở lại ăn cơm, nhưng Lan viện lí do bỏ về. Những lúc có thời gian rỗi, Quyên thường một mình đi chùa thắp hương. Một lần vào chùa Côn Sơn, Quyên thấy Lan và Sơn khoác tay nhau bên khu nhà bia tình tứ. Quyên có vẻ chột dạ. Quyên nhận rõ sự bối rối trên khuôn mặt hai người. Sau buổi đó Lan đến tìm Quyên:” chị Quyên, đáng lẽ em phải nói với chị chuyện này. Anh Sơn thực ra không phải anh họ em. Ngày trước chúng em từng yêu nhau. Rồi sau đó cảm thấy không hợp chúng em chia tay. Dù vậy chúng em hứa nhau sẽ sống như bạn và luôn giúp đỡ nhau. Sơn là người tốt nên thực lòng em muốn giới thiệu với chị. Em cứ tưởng làm như thế thì mình sẽ bớt day dứt về mốt tình ngày trước. Lúc đầu thì đúng như vậy, nhưng về sau thấy hai người càng gắn bó thì ghen tuông trong em càng trỗi dậy. Đến lúc đo em nhận ra em vẫn còn yêu Sơn. Khi em nói với Sơn, Sơn cũng thú nhận rằng không thể quên được em.”. Quyên ngồi chết lặng. Cả căn phòng nhỏ chật hẹp rùng rùng như đang chuyển động. “ Chúng em sẽ làm đám cưới”, Lan nói tiếp. Quyên muốn hét thật to nhưng rồi chị lại rũ ra. Hôm Sơn và Lan làm đám cưới Quyên cũng tới. Nhưng dự được nửa chừng Quyên đứng dậy bỏ về. Chị đóng sầm cửa, nhốt mình trong phòng như một kẻ trốn chạy. Một lần về quê bà nội bảo Quyên:” Hôm rồi có một người nói là bạn của cháu đến chơi. Anh ta không nói tên gì chỉ đề nghị thỉnh thoảng đuợc về thăm làng gốm. Anh ta có vẻ rất thích nghề gốm thì phải.”. Quyên rất ngạc nhiên kể từ hôm nghe bà nói, chị cứ tự hỏi người đó là ai. Lần sau Quyên về bà nói ngay:” Mới hôm rồi anh ấy lại về. Người đâu mà lạ. Thấy đống đất là anh ta xắn quần lội ngay vào chẳng ngại ngần gì. Cơm nhà chỉ có rau rền luộc chấm với nước cáy mà cứ xuýt xoa khen ngon. Tao nói em nó về cứ hỏi là ai, anh ta chỉ cười”. Sáng chủ nhật Quyên tất tả đạp xe về làng. Hôm nay đốt lò Quyên muốn về phụ giúp bà một tay. Về đến nhà Quyên thấy sân vắng tanh vắng ngắt. Số gốm mộc đã được chuyển đi hết. Chắc bà giờ này đang ở ngoài lò. Quyên dựng xe vào gốc cây lan trà rồi chạy tắt ra khu đốt lò. Ngoài lò gốm Quyên thấy bà và mấy người đàn ông đang hì hụi làm. Chợt chị sững người, trong số những người đàn ông chị thấy có cả anh bạn ngày nào của Sơn. Dù đã có nghĩ đến những người bạn thậm chí cả Sơn khi nghe bà nói về người vẫn về làng giúp bà, chị chưa bao giờ nghĩ đó là người ấy. Sử, tên anh bạn của Sơn, đã có vợ nhưng hai vợ chồng chia tay khi một lần Sử bắt gặp vợ mình ngoại tình với chính ông trưởng phòng của anh trong chính ngôn nhà mà anh gây dựng lên. Từ đó Sử một mình nuôi cậu con trai. Sau một hồi ngỡ ngàng Quyên bối rối:” Anh Sử cũng mê nghề này à?”. Một câu hỏi có vẻ ngốc. Sử không đáp chỉ tủm tỉm cười. Quyên nhìn mọi người rồi chị xắn quần áo cúi xuống cùng Sử bê những bó củi bỏ vào trong lò. Chỉ lát nữa thôi những lò gốm này sẽ rực lửa. Và qua vào đêm một mẻ gốm mới sẽ ra lò…/.