Tiếng mành trúc lao xao một lát rồi chủ quán mới hiện ra. Thoáng trông, tôi ngỡ ông là dân vạn chài vùng biển. Cao lớn, quần áo bà ba nhuộm gụ, da đỏ au, để râu dài, và đi guốc. Ông nhìn hai chúng tôi từ đầu đến chân, hỏi:
- Các chú muốn gì?
Cậu Tuyến bạn tôi ấp úng:
- Đây có phải quán đặc sản rết?
- Phải. Nhưng ví các cậu có dày không mà đến đây?
Tôi chạnh tự ái:
- Theo ông, phải bao nhiêu mới gọi là dày?
- Tùy. Tiền triệu cũng gọi là dày, tiền trăm cũng gọi là dày. Mà tay không cũng gọi là dày.
- Thế thì ông cho chúng tôi thưởng thức đặc sản của ông đi. Nếu ví không đủ dày, đã có cái kia - tôi chỉ vào cái xe máy to lênh khênh như con lạc đà của bạn tôi dựng trước quán - được chưa?
Ông già vuốt chòm râu rủ xuống tới cái cúc áo thứ hai trước ngực, lẹp kẹp lê guốc quay vào. Tiếng mành trúc bên trong lại lao xao và tiếng ông già vọng ra: "Các chú vào đây. Quán này, ai cũng phải làm mới có ăn. Thích ngồi một chỗ gọi bồi bàn, thì đi nơi khác".
Tuyến đưa mắt nhìn tôi. Tôi cũng liếc sang nó. Hai đứa ngầm trao đổi với nhau một cảm giác rờn rợn như lạc vào một tửu quán nơi Lương Sơn Bạc. Có điều Lương Sơn Bạc này không hồ rộng núi cao, không đèo dốc hiểm trở, mà là bên một cánh đồng lúa vàng bát ngát trải dọc theo quốc lộ 6, ở phía tây thủ đô Hà Nội. Còn "Tụ nghĩa đường" chỉ là ngôi nhà tre lợp lá cọ, rộng mông mênh, ngoài cổng có giàn hoa giấy và một cây đại sù sì hình như đã sống cả nghìn năm.
Dưới gốc đại là cái cổng tre có hai thanh chốt ngang, thứ cổng cực kỳ "cổ điển" ở nông thôn. Và qua khỏi đó là con đường đất thẳng, dưới hai hàng nhãn, quét sạch như ly như lau.
Khi chúng tôi dắt xe qua cái cổng chốt, ông chủ quán ra chốt cửa lại. Vừa chốt ông vừa lẩm bẩm nói trống không, cốt giải thích cho chúng tôi hiểu:
- Quán Tư Hiền không bao giờ tiếp khách quá ba lần một ngày. Không bao giờ tiếp hai hội khách cùng một lúc.
Các thủ tục tiếp đón thế là đã xong. Không treo biển quán. Không trang trí lòe loẹt để mời chào. Vắng teo. Bốn bề lặng lẽ như tờ. Chỉ có gió sáng tháng chín se lạnh và lồng lộng nắng vàng cuối thu.
Rợn thật. Nhưng hãy dấn thân một lần xem thử. Nếu đây là chốn giang hồ, ắt có luật giang hồ của nó. Luật giang hồ cũng có nét phân minh dễ chịu, đâu phải tất cả đều hãi hùng kinh tởm như người đời vẫn tưởng.
ấy là theo lối suy luận bạt mạng của riêng tôi. Thằng Tuyến, không hiểu nó nghĩ thế nào mà mặt hơi tái đi. Nó sợ lõm túi chăng. Chắc là không. Nó từng sống ở thành phố Rôm bên ý mới về. Nghe đâu nó còn có cả đô la gửi nhà băng bên ấy nữa. Là "con nhà nòi", nó giàu có hơn tôi là chuyện hẳn nhiên. Nhưng tôi ngầm bất bình vì từ hôm về nước tới nay nó tỏ vẻ in hệt một ông kễnh bên Tây sang chơi xứ mọi, hễ mở miệng là bên ấy người ta thế này, bên ấy người ta thế nọ, chứ đâu lặt vặt tủn mủn như xứ mình. Tôi nổi cáu, xì một tiếng rõ dài:
- Cậu mới đi xa mấy năm mà khéo quên cả quê hương rồi. Tớ ấy à, đi chơi nước này nước nọ vài ba tuần lễ thì khoái, chứ phải ăn cơm Tây tới một tháng là ớn tận cổ. Tớ thích ăn cơm ngồi xếp bằng trên chiếu, dưa cay với cá rô rán dòn, với ốc nhồi nấu đậu phụ chuối xanh...
Cuộc khích bác lẫn nhau dẫn đến cuộc phiêu lưu quán nhậu Tư Hiền sáng nay. Thực tình, tôi mới nghe mấy tay nhà báo bẻm mép khoe về cái quán nhậu ngoại thành này chứ đâu dám mon men tới. Tại thằng Tuyến thách: "Đố cậu tìm được cửa hàng ăn nào sang trọng, sạch sẽ như bên ấy, nên tôi liều đưa nó đi, vừa đi vừa hỏi dò đường tới đây.
*
Phòng tiệc quán Tư Hiền chỉ là một chái lợp lá, vẩy ra sau hồi nhà, bên cạnh con mương thủy lợi, và phải kể thêm cả cái phông vĩ đại là cánh đồng vàng cùng vòm trời mùa thu trong veo không một gợn mây. Nền không lát gạch, mà là thứ đất nện phẳng như mặt kính. Gần một nửa diện tích trong phòng dùng để dựng nên một phong cảnh núi non hùng vĩ, tất cả đều được đắp bằng đất sét. ở một "sườn núi đổ dốc xuống "dòng khe" cạn ngoằn ngoèo, có một cái lồng lưới sắt, bên trong lúc nhúc tới vài trăm con rết, không con nào thật to, chỉ sàn sàn cỡ cái bút chì, cái bút máy trở xuống; nhưng cũng không có con nào quá nhỏ.
Từ cái "trại rết" này, có chiếc cầu bắc qua "khe" cạn, bằng một thanh nứa dài uốn cong, để sang đám sân rộng chừng nửa tờ báo được quây kín ba phía bằng lưới thép. Ngay dưới cây cầu vồng nứa, trong lòng khe cạn, có ba ông đầu nhau đội một cái chảo nhôm rộng vành đựng nước.
ông Tư Hiền ném vào mảnh sân quây lưới thép một con gà giò đã mổ sạch sẽ; lại để cạnh con gà một cái nắp ga men đựng nước trong, ông bảo là rượu. Đoạn, ông đưa cho tôi và Tuyến mỗi đứa một cái que nhỏ, rồi mở cửa "trại" rết.
- Các chú thích ăn bao nhiêu con thì gạt chúng ra.
Bọn rết đói ngửi thấy mùi thịt gà sống liền nháo nhào dẫm đạp lên nhau. Chẳng đợi chúng tôi phải gạt, chúng kìn kìn kéo ra khỏi cửa lồng, chen chúc bò qua cầu... Ông Tư Hiền hỏi Tuyến "Thế đủ ăn chưa"? Tuyến gật đầu. Cái cửa lồng được sập lại. ở mảnh sân bên kia cầu có khoảng bốn, năm chục con rết đang ngấu nghiến bâu quanh con gà ăn rào rào. Không ngờ lũ rết phàm ăn đến thế. Con gà chừng bảy, tám lạng, mà mươi phút sau chỉ còn trơ lại bộ xương. ăn xong con nào con nấy bụng phình ra, lại vục đầu vào cái nắp ga men tranh nhau uống nước mà kỳ thực là uống rượu. Cha sinh mẹ đẻ ra lũ rết chưa bao giờ được nếm cái thứ nước kỳ quái ấy của loài người. Lại, từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi mới được thấy cảnh lũ rết say rượu ngất ngư bò qua thanh nứa uốn cong để về lồng. Nhưng chẳng con nào về được lồng. Chảo nước bên dưới cái cầu vồng kia đã sôi bùng bùng từ lúc nào. Lũ rết say qua đó gặp hơi nước xông lên đều lần lượt rơi lõm bõm xuống chảo.
Đợi hóa kiếp cho con rết cuối cùng xong, ông Tư Hiền cầm cái môi dùi lỗ như môi nhúng bánh phở, sục vào chảo vớt rết lên. Mỗi con ông cầm tuốt một nhát, xếp vào chiếc đĩa sứ. Thoắt cái, đĩa rết trắng ngần như đĩa ngó cần, đầy có ngọn.
Hóa ra trong quán còn một ông già nữa mà ông Tư Hiền giới thiệu là chú Năm úc. ông Năm úc người xương xương, cũng bận quần áo bà ba nhuộm gụ, cũng để râu dài nhưng khác với ông Tư Hiền là có mái tóc búi tó như quả bưởi treo sau ót.
Ông Năm úc chắp tay khiêm nhường chào khách, mỉm cười không nói. Ông xuất hiện với những công việc của người phục vụ: trải chiếu ra nền đất, xếp cây đèn cồn và mấy cái soong có cán bằng thép không rỉ vào một góc. Tiếp sau, ông bê một đĩa rau thơm, một đĩa ớt đỏ, một đĩa tôm chua cùng các thứ ăn kèm như bát gừng sắt chỉ, khế xanh, chuối chát, hành chẻ, thịt lợn ba chỉ,... món nào cũng được thái mỏng, xếp sắp hài hòa đẹp mắt chung quanh cái khay đựng bún lá, trông như bức tranh, lại như bông hoa mỗi cánh một mầu vừa nở trên mặt chiếu.
Ông Tư Hiền bê ra một hũ sành nút lá chuối. Cả chủ và khách cùng vào tiệc. Với cây đèn cồn, lọ dầu rán thực vật, mấy cái soong có cán, ai muốn ăn rết nướng, rết luộc, rết đảo dầu,... ông Năm úc vui vẻ chiều ý.
Thiết tưởng cũng nên kể thêm chi tiết này: những năm đánh Mỹ trong Nam bộ, chúng tôi vẫn từng suy tôn món thịt rết ngang hàng với món tôm sú, tôm nghệ, tôm gạo, tôm he ở các cửa biển miệt rừng đước ven bờ vịnh Thái-lan. Nhưng thảng hoặc lắm chúng tôi mới tóm được một con từ các ngách hầm, từ trong lá mục, có khi từ kho đạn và cả từ trong nòng súng B40 bò ra. Những dịp hiếm hoi ấy, việc đầu tiên là phải nhóm một đống lửa, gạt cho chú rết bò thẳng vào đó, rồi bẻ mấy khúc chia nhau. ăn kiểu lính mà. Bởi thế, với tôi dù không lạ món thịt rết, mà vẫn phải trố mắt trước đĩa rết ở quán nhậu Tư Hiền. Tôi chọn món rết nướng lửa đèn cồn, rất "truyền thống" con nhà lính. Tuyến đòi thưởng thức cả rết nướng, rết luộc, và rết đảo dầu. Ông Tư Hiền gật gù với ông Năm úc.
- Chú cho tôi món tái dấm.
Thế là cả Tuyến và tôi cùng đòi theo. Rết tái dấm, nghe đủ mê rồi. Chỉ nể ông Năm úc bận rộn thêm một lúc nữa. Rồi chúng tôi chuẩn bị nâng chén. Cái nút lá chuối trong tay ông Tư Hiền vừa bật khỏi miệng hũ, tôi và Tuyến cùng sững sờ. Rượu gì mà chưa uống đã thấy ấm ran người, và cứ ngỡ như mình đang được ngồi giữa ruộng lúa nếp cái trổ đòng đòng.
Tôi nhìn Tuyến, thay cho câu hỏi: ở bên ấy cậu uống rượu nho mấy trăm tuổi, uống Hênétsi, Uýtky, Napôlêông các loại thượng thặng của xứ Tây, đã được nếm loại "thánh tửu" này lần nào chưa?
Hình như Tuyến không hiểu ý tôi. Nó ngồi ngây như phỗng, hai cánh mũi phập phồng. Tay nâng chén rượu sáng long lanh từ tay ông Tư Hiền trao, cu cậu chỉ dám chạm ướt môi rồi lại ngẩng lên, đầu nghiêng nghiêng ra vẻ ngẫm ngợi, ra vẻ cố mà chiêm ngưỡng một kỳ tích vô tiền khoáng hậu trong cõi trời đất bao la. Bất ngờ, Tuyến buông một câu hỏi rất chi là thị trường:
- Rượu này bao nhiêu một lít. Bác?
Ông Tư Hiền cười rung cả chòm râu:
- Của đâu mà có lắm thế? Nhân thể tôi nói cho các chú hay: Rượu này không ở đâu có, ngoài quán Tư Hiền. Chính tay Tư Hiền lựa giống nếp cái hoa vàng, chính tay Tư Hiền ủ, cất. Do đó mà không bán, không tính tiền với khách. Nếu tính, chắc phải mười đô la một chén...
Tuyến nghe thế giật mình. Ông già càng cười to, chỉ đũa vào đĩa tôm chua:
- Món này là "độc chiêu" của chú Năm nhà tôi. Chú ấy phải xuống tận cửa sông Vân úc, đón tôm nước lợ, mua lúc còn búng tanh tách. Rồi phải muối ngay dưới đó mang về.
Thịt rết, tôm chua, khế xanh, chuối chát,... gắp sáu, bảy gắp mới vừa một miếng và thêm ngụm "thánh tửu" nữa bỗng như trời và đất, mây và nắng hòa nhập cả vào mình đưa mình bay đến tột cùng vũ trụ.
Đĩa thịt rết đã vơi. Có tiếng người gọi ngoài cổng. Tôi nhanh nhảu tình nguyện thay mặt chủ quán ra hẹn với khách 3 giờ chiều hẵng trở lại, nếu chiều không tiện thì hẹn 8 giờ tối.
Tốp khách lên xe ô-tô con phóng đi. Tôi trở vào, đã thấy ông Tư Hiền bế cậu Tuyến đặt nằm thẳng cẳng trên chiếc giường có đệm mút, phủ "ra" trắng. Ông Tư Hiền lần ngón tay bấm vào cái huyệt nào đó dưới gan bàn chân Tuyến, đắp cho cậu ta tấm chăn mỏng rồi mới trở lại chiếu tiệc.
- Chú này đi Tây đi Tàu mà tửu lượng xoàng - ông Tư Hiền nói - Nhưng yên chí. Ngủ một lúc dậy lại khỏe như không. Khách đến đây chẳng mấy tay về ngay được đâu.
Cũng nhờ cảnh báo ấy của ông chủ quán, tôi cố hết sức giữ cho đầu óc tỉnh táo. Trong lúc ông Năm úc thu dọn chiếu tiệc, tôi ngồi uống trà cùng ông Tư Hiền, bắt qua chuyện khác:
- Thưa bác - tôi gợi chuyện - Theo cháu biết người miền bắc ít khi gọi thứ thay tên?...
Ông già điềm nhiên gật đầu: "Đúng thế".
- Nhưng, vì sao tên của bác nghe lại rất miền nam?
- à... chú muốn biết chuyện đó hả?
- Thưa vâng.
Ông già trầm ngâm một lát.
- Tôi người tỉnh Hà Đông cũ. Còn cái thứ Tư, là cách gọi theo tôn ty trật tự của giới giang hồ. Trên giang hồ, tôi chỉ vào loại thứ tư thôi.
- Vậy thứ nhất là ai?
- Ông bị bọn Mỹ bắn chết rồi - đột nhiên ông già nói giọng miền nam - Bọn nầy tuy là giang hồ, nhưng ủng hộ Việt Cộng. Một lần đi diệt ác ôn, cả ổng và tui lọt vô ổ kích của mấy thằng cha cảnh sát. Vì có đứa phản...
Ông già ngồi im rất lâu, hai bàn tay hộ pháp mân mê hoài bộ râu muối tiêu, khiến tôi bối rối biết mình vừa vô tình chạm vào một quá khứ sâu kín của con người này. Nhưng rồi ông Tư lại kể tiếp:
- Bọn này vừa đỡ tay cho anh em biệt động thành, lại vừa sanh nhai bằng nghề đi cướp. Nhưng chú yên tâm heng. Tụi nầy chỉ cướp của, chớ không giết người. Cướp của người giàu, mà đều bao giờ cũng phải để lại cho họ ít nhiều đặng họ khỏi tuyệt đường làm ăn buôn bán.
Tôi ngập ngừng:
- Thưa bác. Bác đang nói chuyện trong nam?
- ủa. Tôi ngỡ chú hiểu rồi chớ! Cái giới tuyến Mỹ Diệm dựng lên, đối với giới giang hồ bọn tôi đâu có xá gì. Bà con ngoài mình nghèo khổ, lại còn giặc giã lu bu, mình sao nỡ tay. Vậy nên muốn mần ăn động trời, ắt phải vô trỏng.
- Nhưng thưa bác...
- Gì nữa?
- Bác... bác "giải nghệ" hồi nào?
- Ha ha ha. Chuyện đó dài, nhưng muốn thâu ngắn cũng thâu ngắn được. Cái dạo đằng mình tràn vô Quy Nhơn, chú ở đâu?
- Dạ, cháu đang cùng đơn vị hoạt động trên lộ Bốn.
- Vậy hả. Tôi thì từ Sài Gòn nhào ra Quy Nhơn. Giữa thời ly loạn, tính mần ăn một món lớn rồi thôi. Vậy là tôi nhằm trúng tiệm vàng "Âu- Mỹ", to nhứt Quy Nhơn hồi đó.
Ông Tư Hiền ngừng lại, vớ cái hũ rượu còn để cạnh bàn trà, rót đầy hai chén. Ông đưa cho tôi một chén, và giơ cao chén của mình lên:
- Sáng, là chuyện nhậu có khách có chủ, kẻ bán người mua sòng phẳng. Còn giờ này là chuyện bác cháu mình bộc bạch tâm tình với nhau. Nào, ta cụng ly!
Hai chén rượu được dốc cạn. Ông Tư Hiền rót thêm hai chén, nhưng bảo hai chén này đợi lúc kể xong câu chuyện:
- Có mở đầu, phải có kết thúc. Phải không?
Ông già trấn an sự nôn nóng lộ trên nét mặt tôi:
- Sắp xong rồi đấy. Tôi lựa lúc trời nhá nhem tối, súng đạn ì ùng, người chạy loạn ngập đường, bèn lẻn vào tiệm vàng Âu- Mỹ. Đang hốt nào cà rá, dây chuyền, hạt xoàn bỏ vô túi thì có người thình lình bẻ quặt cả hai tay mình ra sau. Người đó hỏi: "ăn trộm hay ăn cướp, cha nội?". Cơ sự đã đến nước đó, còn chối cãi mà làm chi. Mình đáp: "Cướp. Bộ không thấy sao còn hỏi?".
- Phải hỏi mới biết rõ trắng đen chớ. Ông định lấy hết tiệm của tui?
- Lấy một ít thôi.
- Còn một ít, để lại làm chi?
- Để lại cho anh làm vốn.
Hắn bật cười:
- Muốn lấy hết thì lấy, nhưng phải theo một điều kiện.
- Điều kiện gì?
Hắn buông tay mình ra, hai đứa nhìn dằn mặt nhau.
- Điều kiện là, ông phải đấu với tôi. Nếu ông thắng, tôi cho ông lấy cả.
- Còn nếu thua, anh nộp tôi cho cảnh sát chớ gì?
Hắn lại cười:
- Còn đâu cảnh sát nữa mà nộp. Tụi nó dông hết trơn rồi.
- Vậy thì sao?
- Nếu ông thua, tôi sẽ biếu ông chút ít rồi mời ông đi kiếm nơi khác mần ăn. Được chưa, cha nội?
Từ lâu tôi đã biết Bình Định là đất võ - lời ông Tư Hiền - Nhưng ngó bộ thằng cha này nhỏ con, người ốm nhách, mình gật đầu nhận đấu. Hai đứa đưa nhau ra vườn sau nhà hắn quần thảo một trận trời long đất lở. Lạ lùng một nỗi, mình tung ra độc chiêu nào là hắn đỡ lại dễ như không. Tới chừng mình thấm mệt, mồ hôi ướt lưng áo, hắn bảo:
- Thôi huề. Đừng đánh nhau nữa. Thế gian không nên để mất hai kẻ anh hùng trong một ngày. Mời anh vào nhà uống nước ta nói chuyện...
Tới đây, tôi như kẻ khát nước không sao dằn lòng được, đành lên tiếng giục ông Tư Hiền:
- Rồi sao nữa. Thưa bác?
Ông thong thả trả lời:
- Sau đó, tôi với hắn kết nghĩa anh em.
- Thật vậy ư?
- Hắn nói: "Từ thuở tìm thầy học võ, tôi chưa từng được thử sức với người nào võ nghệ cao cường như quý anh". Còn tôi thì mắc cỡ mà nhận rằng tôi chỉ đáng bậc học trò của hắn. Thế mới là sự đời. Chú!
- Nhưng, thưa bác. Cho cháu hỏi thêm một câu.
- Thì cứ hỏi. Sao khách khí thế?
- Thưa. Cái người nhận anh em kết nghĩa với bác, hiện giờ ra sao?
Thấy ông Tư chưa trả lời, tôi nhắc lại:
- Cái ông chủ tiệm vàng Âu - Mỹ ấy?
Ông Tư vẫn im lặng, vớ cái hũ sành rót thêm một chén rượu đầy tràn, rồi cất giọng oang oang gọi xuống nhà dưới:
- Chú Năm đâu rồi? Lên đây!
Hình như ông Năm úc đang rửa bát đĩa ngoài mương nước. Ông vừa chạy vào vừa dùng vạt áo bà ba lau vội đôi bàn tay ướt.
- Dạ. Anh Tư kêu em?
Ông Tư Hiền chia ba chén rượu cho ba người. Với ông Năm, ông bảo:
- Cụng ly đi. Rồi chú trả lời cậu này giùm tôi: Ông chủ tiệm vàng Âu - Mỹ giờ ở đâu?
Sau khi uống cạn chén rượu, ông Năm úc chắp hai bàn tay vào nhau.
- Dạ thưa cậu. Chủ tiệm Âu - Mỹ chính là tôi.
Tôi bàng hoàng không tin ở mắt mình:
- Trời đất! Sao lại có chuyện kỳ lạ này?
- Dạ thưa cậu - vẫn lời ông Năm úc - chia tay với anh Tư tôi hôm trước, hôm sau lính Cộng hòa kéo tới đập phá, cướp hết tài sản của tôi. Xong, tụi nó đem chiến xa tới bắn sập nhà tôi. Bỗng chốc tôi thành tay trắng, vợ con không còn. Điêu linh, tan nát. Đang lúc tôi tính chuyện xuống tóc quy y nơi cửa phật thì nhận được tin anh tôi đã ra ngoài này...
24-11-1996