Không rõ cô gái có cái tên kỳ dị này từ lúc nào. Mãi đến khi lớn lên, lúc đầu được kêu bằng con Mù U, qua cô Mù U và sắp tới còn gì nữa đây thì ai mà hiểu được, nhưng cái tên đã dính chết với cuộc đời cô hẳn rồi. Cô chẳng còn để ý tới nguyên do hay lai lịch tại sao mình phải mang cái tên đó nữa. Cô bằng lòng chấp nhận như chấp nhận lấy cái nghiệp đeo đẳng nơi cô.Thế nhưng thiên hạ đâu bao giờ chịu để cho cô yên với thân phận của cô. Người ta chặn đầu này, người ta ngăn đầu nọ, đi tới đâu cô cũng bị cụng đầu vì những câu hỏi chẳng hạn: chớ cô được sanh đẻ từ rừng mù u nào ra hả? Cô cười hề hề và tránh trả lời các câu hỏi kỳ cục này.Rồi bị hỏi thét, cô đâm cáu nên nói một lần dứt giạt cho rồi: chèn ơi, tui biết gì đâu nà mà cô bác cứ tò mò vây hỏi dữ dzậy. Hồi nhỏ, tui chỉ nghe má tui nói quê tui ở tuốt ngoài Bắc lận, miệt Bắc Ninh gì đó. Mà tui có biết chút lời ca quan họ gì đâu. Tui năn nỉ xin má dạy cho một vài câu làm vốn, má tui hứa tới hứa lui, rồi chưa kịp truyền cho tui được nửa câu làm thuốc, bả đã lăn đùng ra chết. Ngoài Bắc thì làm chi có mù u, mù iếc gì đâu mà mấy người đặt bày rừng này rừng kia nghe bắt mệt. Cô nói rồi thở một cái ào.Mấy cô bà nghe cô gái nói đều chưng hửng. Chèn đết, dzậy mà tui tưởng con nhỏ sanh ra đâu miệt Năm Căn, Cái Nước gì đó chớ. Tội nghiệp hôn, thì ra con nhỏ trôi giạt từ cái xứ Bắc Kỳ dzô, ai dè, mà sao con nhỏ nói tiếng Sè Goong rặt. Từ đó, người ta hổng còn tra vấn con nhỏ về nguồn gốc xuất xứ, song cái tên Mù U thì vẫn bám chặt với cô.Tên Mù U này là tên lóng ngoài đời người ta gọi để đừng lẫn tên này với tên khác, tỷ như ông Sáu Xe Bò, bà Tư Bánh Canh, cô Năm Thuốc Tây chẳng hạn. Chớ tên trong giấy tờ của cô chỉ có chữ Ba ngắn ngủi. Ngay cái tên này cũng do tình cờ cô tự đặt, chớ ba má cô cũng hổng đặt làm gì.Hồi hai ông bà còn sống, lúc cần kêu sai biểu chuyện chi, ông ba bà má thường gọi trống trơn: con gái đâu, ra biểu. Một cũng Gái, hai cũng Gái. Lớn lên có dịp ở gần mấy cô đi bán ba, nghe xóm giềng kêu mấy cổ làm Gái, nên cô đoán là tên này không hay ho gì. Chẳng qua họ xách mé khinh khi mấy người đi làm nghề quen tùm lum mấy cha ưa nhậu.Cho nên kỳ công an hối mọi người lo làm thẻ căn cước thì họ hỏi cô khai tên chi, cô a thần phù nói đại tên Ba cho gọn. Tên này dễ nhớ vì nó trùng với thứ bậc của cô. Trước cô, hai ông bà có sanh được một cậu, nhưng lớn lên đi mất biệt. Cô sanh thứ hai theo thứ tự ngoài Bắc, nhưng mấy dì, mấy thiếm, cứ nhứt định là: mày thứ ba chớ hổng phải thứ hai. Ôi, chuyện đời hơi sức đâu mà cãi cho mệt, Hai hay Ba gì thì cũng đi ăn nhờ ở đậu, chớ làm vương làm tướng gì mà giành.Cô lớn lên tự nhiên như cây tre miễu, chẳng cần chăm lo tưới bón gì cũng trỗi dậy. Có điều tre mọc thành lùm nên gai góc tứ tung, đêm khuya cha nội nào đi nhậu say băng xiên băng nai, loạng choạng té vô là hết đường ra khỏi. Sáng người đi đường thấy chả say nằm chèo queo một đống thì la rùm lên bị ma dấu, rồi một đồn năm, năm đồn mười, kháo um là ma hiện mỗi đêm. Tội nghiệp làm mấy thằng nhóc bị tía sai đi mua thêm rượu ban đêm, băng ngang chạy thiếu điều muốn són đái. Còn mấy cô ham coi cải lương khuya về, cũng teo ruột nên rủ rê nhau đi có nhánh, có luồng. Đã vậy lúc áp gần bụi tre thì mạnh cô nào cô nấy rống như tuồng báo cho ma mãnh biết là họ đang đi tới. Rủi có thằng cô hồn nào núp lén giả ma, nó hù là mấy cô nhoáng nhoàng bỏ nhau chạy một mạch.Vậy rồi bữa sau là y như có lời đồn thổi con này con kia chạy đứt guốc mà còn bị con ma đè mò dzú. Cô Ba Mù U thì coi thứ ma này là đồ bỏ. Hổng cách mấy ngày cô vắng qua lại bụi tre này. Cô đi chậm rãi mà cũng chẳng cần phải đánh tai đánh tiếng, có thấy con ma bùn nào ra phá cổ đâu. Cô đem chuyện nói lại ý khoe với mấy cô gái, họ cứ đổ hô tai vía chị nặng nên ma nó chê. Nhưng có người thì lại dặn dò: đừng ỷ y mà có ngày mang họa. Chớ chị hổng nghe người dưng hay nói đi đêm có ngày gặp ma đó sao. Cô Ba Mù U nghe mà cứ bắt tức cười.Cô Ba lớn lên cũng có duyên chớ bộ. Cô chẳng lịch sự, da dôi phấn dặm gì, nhưng vẻ đẹp tự nhiên cũng khiến mấy anh thấy muốn mê. Ngặt cái là trai tráng thì chê cô Ba chẳng có được một chút tài sản, chỉ có cái xát xi trơn, lấy nhau dzìa rồi dòm nhau sống được chăng. Còn mấy ông chấp cha chấp chỏm gặp cô Ba ở đâu là lụp chụp buông lời ong tiếng ve thì tía nào tía đó vợ con đùm đề và bà nào cũng ghen tổ chảng. Nghe mấy bả hăm he đủ ớn ợn: tao mà bắt được con nào chàng ràng với thằng chả là tao gọt đầu bôi vôi, trói căng cho voi dầy ngựa xé.Thế nên mỗi lần tía nào sáp lại ỏn è ỏn e: Ba à, em dzìa với anh đi, bảo đảm đời em sẽ vô cùng sung sướng. Cô Ba Mù U đã mắng tạt nước té re vô mấy tía bặm trợn này: thôi đi tía non, đụng vô tía sướng đâu chưa thấy chớ thân tàn ma dại là cái chắc cầm chầu. Bà xã tía dữ như cọp cái, thâm tựa rắn hổ mang, trêu ngươi vô để bị sởn đầu sởn tóc, tui hổng ngu tía ơi.Bởi thấy cảnh đời trầm luân khổ cực, đau đớn tràn trề nên cô Ba dốc lòng đi làm công quả cho chùa. Chẳng những ngày rằm mùng một, mà thông thường bữa nào cô cũng tham gia vô công việc nhà trai. Cô quét cái sân, cô chùi lư khánh, cô dọn nhà bếp, cô nấu bữa chay, hổng từ nan công lênh khó nhọc. Mấy ni cô, sa di thấy cô lượn lờ tam bảo, nên chăm lo khuyến khích cô thời bữa với quí vị luôn. Cô Ba Mù U thường từ chối sợ mang tiếng ăn vào của Phật, mấy nữ tu nghe bắt phì cười. Tuy vậy, nói riết cô Ba cũng nghe, nhưng khi ăn cô chậm rà chậm rãi, bươi chén cơm như gà bươi rác, như mái chèo đò.Gần chùa có một ngôi trường, ngày bữa cô Ba đều đi ngang đó. Nghe bọn nhóc ngồi đọc ê a, giọng trầm giọng bổng, líu lo tợ chim, lào xào tợ gió, cô cũng nôn ruột muốn học lấy đôi điều. Tiếc là thuở giờ nào cô có được cho đi học chi đâu nên lúc này lớn bộng vô ngồi học chung với con nít mắc cỡ chết. Một hai, cô chỉ dám lấp ló ngoài rào, nghe lời thầy để thấy lòng rộn rã.Một lần, thầy giáo bắt gặp. Thầy đang đọc chính tả từng câu, học trò lăm lăm ngồi chép, thầy bước ngang bước dọc, sợ sấp nhỏ “ cọp dê “ thì thấy cô Ba đang lui cui như ăn trộm. Thầy tằng hắng, cô nhỏ giựt mình, lẻn lẻn bỏ đi. Sau giờ học, thầy đón chặn cô nơi đường đi chùa. Thầy hỏi cô làm gì lấp ló ngoài hiên. Cô nói trại đi đứng chờ thằng cháu.Thầy biết tỏng tòng tong là cô nói xạo, nhưng cũng không muốn vạch mặt cô mà chỉ dặn lần sau có đi đón cứ việc vô lớp chờ. Rồi thầy nhếch mép cười khì. Cô Ba được phép mà có đời nào dám vô lớp, một mặt cô sợ rủi thầy nhờ đọc thay một đoạn gì đó thì lòi ra dốt đặc; mặt khác lại sợ thầy hỏi này hỏi nọ thì biết ăn nói làm sao. Dù gì ổng cũng là thầy đám nhỏ, còn mình dốt đặc cán mai, trừ phi cô Ba có ý đồ gì chớ không thì làm sao bù chét dám sánh với rồng.Ấy vậy mà ông thầy lại nghĩ khác. Thấy cô Ba mon men vào chốn sân Trình, cửa Khổng, thầy nghĩ là cô ham học mà chưa có dịp may. Cho nên thầy tận tình theo hỏi. Lần đầu thầy ấp úng hổng biết gọi cô là gì thì may là cô đã hấp tấp thưa: dạ, em tên Ba. Thầy ờ ờ, chớ cô Ba sao hổng đi học cho biết chữ biết nghĩa. Cô nhỏ bóp bóp ngón tay mà thỏ thẻ trả lời: hồi nhỏ thì ba má hổng ưng cho đi lớp, giờ lớn tồng ngồng còn đầu óc đâu mà chứa chữ nghĩa cho vô. Đứng nghe lóm hoài mà có nhớ được gì đâu, cái đầu đặc sệt như hồ như cháo, lỗ tai này vô thì lỗ tai khác ra. Y như nước đổ đầu vịt, bụm chất lỏng ở lá khoai, còn giữ tay thì nước còn sóng sa sóng sánh, buông tay ra nước trôi hết hổng còn.Thầy nói: ờ, nếu cô Ba chịu học, muốn học thì tui có thể sắp đặt giờ để hướng dẫn mình ên cô. Nhưng cô Ba vội vàng từ chối: ý hổng được đâu thầy, rủi cô nhà tưởng tui với thầy có điều khuất tất, cô dện cho một trận làm sao. Cô Ba định dùng chữ tò te mèo chuột để diễn tả chuyện trai gái luông tuồng mà e thầy chê là ăn nói kiểu đời thường nhảm nhí. Phần thầy cũng định kể là có cô nào, mợ nào đâu mà cũng bỗng ngọng ngang.Chuyện chỉ có vậy mà ba cái miệng con gái xía vô hổng dứt. Bỗng từ đâu điều tiếng đồn ùm. Con Tư Sầu Riêng khen chị có “ diên “ nên thầy để mắt tới. Còn con Sáu Bò Khô thì hỏi đâm ngang: chị tính chừng nào đám cưới vậy, chị Ba. Cô thiếu điều muốn bứt tai, bứt tóc. Cô càng đính chánh chừng nào thì họ càng chọc ghẹo hung hơn. Thậm chí tới mấy tía non cũng bắt đầu có ý kiến: chà, cô Ba chê tui rồi a thần phù nhào vô thầy giáo. Tưởng gì chớ ổng từ đâu tới, giỏi lắm trụ được một hai năm là lại dông tuốt một khi. Ối hơi đâu nghe lời ngon lẽ ngọt, theo ổng rồi có nước bị bỏ chợ trôi sông.Đàn ông thiệt kỳ. Ăn không được đạp đổ, đố ông nào chịu nhường cho người. Cô Ba phân trần mà có tía nào chịu lắng nghe đâu chớ. Riết rồi cái tin chó cán xe vang dậy khắp cùng. Ông Hai, bà Tám gặp cô đâu hỏi đó: sao mày, chiện đó thiệt hôn. Báo hại cả thầy giáo lẫn cô đều điếng hồn hết trọi.Đáng sợ nhứt là lũ học trò. Tụi nó nghe tía má hay chị, dì nói là bày điều chọc ghẹo. Chúng đi học gặp cô là chắp tay cúi mọp thưa cô. Cô tức muốn ký cho tụi nó mỗi thằng mấy kí, nhưng chưa nói xong là chúng đã chạy rẹt vô trường. Cô Ba đem chiện này lên thưa với mấy sư cô, một hai đòi cạo đầu mới được. Sư cô nói: miệng đời ai lấy thúng úp được mà nôn. Họ nói xí la xí lô thét rồi cũng hết, mắc mớ gì mà xuống tóc làm chi. Giá như dứt lòng đi tu thì cạo đầu cũng được, còn vì ba lời tầm xàm mà hành hạ thân mình là oan nghiệt đời đời. Cô Ba nghe mà ngơ ngơ ngẩn ngẩn.Cái tin cô Ba ăn chay trường cũng được loan mau như chớp. Người tin, kẻ nghi, náo loạn cả lên. Dăm con mẹ vốn không ưa cô Ba nên xỏ xiên nói khóe: ới, thứ đó tu Phật nào chứng. Sống thì như con ngựa vía mà giả dạng đạo đức ăn chay. Họ nói mà giọng kéo dài như lưỡi cưa lụt cạp vào miếng ván. Nghe đã sốt lòng mà còn rờn rợn làm sao.Bị ba cái miệng lằn, lưỡi mối rúc rỉa mỗi ngày, cô Ba đau đầu mệt óc. Cô tránh biệt hổng mon men đi lại chỗ trường học nữa. Muốn lên chùa, cô lựa lúc trường vắng hoe, có bữa cô đi vào buổi tối và xin sư cô cho ở lại luôn, thức khuya dậy sớm làm công quả, siêng còn hơn việc nhà. Thầy giáo chưng hửng khi thấy cô bằn bặt, bọn học trò thấy thầy bí xị đứa nào đứa nấy xếp re. Lớp học đâm buồn tẻ, đến con ruồi bay qua cũng nghe rõ.Ở chùa mà nào được yên thân. Bữa nay cô này ghé, bữa mai cô khác tới. Thơ chim xanh lả lướt thả trôi. Con Tư Sầu Riêng xí xọn một thì con Sáu Bò Khô ma mãnh sấp mười. Cái lưỡi chúng dẻo nhẹo đặt điều, đặt chiện. Chuyện có nói không, chiện không nói có, ối miệng đời ai bưng cho nổi. Cô Ba vào ở chùa mà bọn hổng để cô yên. Chúng đồn thầy giáo nhờ nói này nói nọ. Cô Ba đâm bực phải nạt chúng: mày dìa nói với ổng tao thoát nợ đời rồi, để tao yên chí mà tu.Con Tư Sầu Riêng cười bò lăn bò càng, còn con Sáu Bò Khô thì rich rich tựa chuột kêu, nghe dễ ghét. Cô Ba Mù U phải nẹt lớn tiếng: trời đất, chỗ chùa chiền mà bay coi như ở chợ. Bay hổng sợ Trời Phật quở và các sư cô phiền sao. Hai đứa con gái chẳng câm thì chớ, còn chọc giận thêm: mặt bà mà tu, bà tu được chắc thầy giáo cũng bò vô chùa mất. Thiệt là dễ ghét. Miệng nói hổng để mọc da non, cầu cho mấy nhỏ lấy chồng, gặp thằng cà lơ nó dọng cho tét mồm, tét mỏ mới chừa. Cô Ba hổng dám nhắc mấy lời nguyên văn của bậc già cả hay nói, nghe hổng êm tai chút nào, nhứt là đang đứng trước cảnh chùa.Mùa hè lặng lẽ tới, trường nghỉ học. Bọn nhỏ chữ nghĩa trả hết lại thầy, nhong nhong nghịch phá thả giàn. Chẳng còn một cây ăn trái nào hổng bị bọn chúng vặt phá. Thậm chí chó mèo, gà vịt gì chúng cũng bị bê hoặc bị thuốc xí lắt léo hết. Cả vùng um lên lời la mắng “ nhứt quỉ, nhì ma, thứ ba học trò “ chẳng lúc nào ngơi. Phụ huynh trong xóm răn đe con cái đừng theo bọn phá xóm phá làng, nhưng nói thì nói mà vấn nạn không thuyên giảm. Các sư cô cũng đã đặt chương trình giảng giải sau các buổi lễ, nhưng bọn nhóc có mấy đứa đi chùa, nên xem ra thiếu hữu hiệu.Lơ thơ dư luận đã có người trách cô Ba. Họ cho rằng tại cô mà thầy giáo bỏ đi trong mấy tháng nghỉ hè. Rắn mất đầu thì đám sâu bọ còn sợ ai nữa. Cô Ba thấm lắm, xong cố diễn dịch: ối, ổng còn cha mẹ, anh em thì dịp nghỉ cũng phải dìa thăm cho phải đạo. Hết hè, ổng trở lại, mọi việc đâu lại vô đó.Thế nhưng ước nguyện của cô Ba Mù U không còn tác dụng nữa. Hè đã xong mà thầy giáo không thấy trở lại. Trường im ỉm đóng cửa vì chẳng có ai dạy. Chỉ bọn trẻ mừng vô cùng. Chẳng ai hiểu lý do tại sao. Từ đó, nhà trường xuống cấp theo ngày tháng, rồi một lần thì đổ sụp sau một cơn mưa to.Cô Ba Mù U đột nhiên cũng bỏ đi vì không chịu nổi những lời trách móc của dân xóm. Hẳn nhiên là không một ai biết cô đi về đâu.Đỗ Thành/Huân Long