KIM YU- JONG
(1808-1937)
Sinh ngày 22 tháng Giêng năm 1808 tại Shillé, một làng nhỏ ở một vùng núi phía bắc Nam Hàn, trong một gia đình khá giả. Kim Yu-Jong, mồ côi sớm, sau những năm theo đuổi học vấn tại trường Trung học Humoum tại Séoul và sau đó năm thứ 1 tại đại học Yonsei. Từ đó trở đi Kim Yu-Jong sống lang thang nay đây mai đó chia xẻ cuộc đời ông với những kẻ nghèo khó nhất trong giới nông dân khi mở trường dạy học, giao du với những người bán rượu rong (deulbyong’i) và sáng tác trước khi qua đời vì bệnh lao vào năm 1937. Công trình văn chương của ông thật ngắn ngủi nhưng sáng chói, cô đặc, gắn bó, tương phản, nên thơ, đầy sức sống: Khoảng 30 truyện ngắn được viết vào 4 năm cuối cùng của ông với những chủ đề về sự lao động nhọc nhằn, khốn khó, đời sống vợ chồng của giới nông dân nghèo khổ... Những truyện ngắn này đã đưa ông lên hàng danh nhân của nền văn học Hàn quốc thế kỷ thứ XX. Mưa Rào là một trong những truyện nổi tiếng của Kim Yu-Jong mà tôi được đọc khi tình cờ tìm thấy trong tủ sách của một cô con gái tôi hiện sống tại Toulouse. Truyện đã làm tôi liên tưởng đến nhiều người đàn bà Việt Nam hiện tại đang phải sống nhẫn nhục trong những hoàn cảnh tương tự. TỪ VŨ Paris, 10.8.2007. MƯA RÀO
Mặc dù những đám mây nặng đang tụ tập trên bầu trời, báo trước cơn mưa sắp tới nhưng mặt trời vẫn tiếp tục sức nóng thiêu đốt ngôi làng trên vùng núi này như để sẵn sàng ngấu nghiến sau khi đã nướng chín. Thỉnh thoảng một cơn gió mạnh nổi lên từ các thửa ruộng làm lay động dữ dội những vòm cây. Những nông dân đã lũ luợt rủ nhau đi làm trên những cánh đồng quanh làng. Một sự yên lặng buồn tẻ bao trùm, chỉ duy nhất vang lên từ những cây dương tiếng kêu chói tai của những con ve, ki ki ki ki, như đánh nhịp đời sống nông thôn nơi mà hết năm này sang năm khác, càng ngày càng khó nhọc hơn.
Ngồi trước ngưỡng cửa ngôi chòi lá mà anh ta đã phải trả với giá 5 wons (tiền Hàn quốc) vào mùa xuân năm nay, cầm kê trên nắm tay phải, Trương Hô ngắm cô vợ trẻ của anh. Ngồi sổm ngay trên nền đất nện, vợ anh đang lau rửa những củ khoai tây, là món ăn buổi tối của hai vợ chồng. Khuôn mặt người đàn ông, hằn dấu vì những khó nhọc của việc đồng áng, đang chứa đầy những nét giận dữ. Nhiều đêm thức trắng mà anh vừa phải trải qua đã làm mặt anh trở thành xanh tái.
Thêm một lần nữa, anh lại hỏi cô vợ bằng một giọng gay gắt:
- Thế là mày không thể nào xoay sở được cho tao 2 wons à?
Vợ anh ta không trả lời. Cô ta vẫn tiếp tục kì rửa những củ khoai, im lặng như một cô dâu mới vừa về nhà chồng.
Phải trả lời cái gì chứ, được hay không được, sao lại im lặng như vậy nhỉ! Cơn giận sôi sục trong đầu Trương Hô. Trong làng này anh là một kẻ lạ đến đây một cách ngẫu nhiên, chẳng một ai muốn cho anh vay mượn gì, ngay cả phải trả tiền lời thật cao, lại cũng chắng ai muốn mua lại căn chòi của anh đang che mưa tránh nắng này. Anh không thế tài nào bán lại được giá 3 wons, ngay cả 2. Anh cảm thấy là mình đang bị bó tay trong khi cô vợ anh, thật vậy, đâu đến nỗi xấu xí gì, nhất định phải tìm ra được 2 wons mà anh đang cần! Hy vọng duy nhất của anh đặt nơi người vợ, nhưng - anh thấy rằng không thể còn chịu nổi được nữa! - vợ anh hình như chẳng thèm để ý đến những lời anh nói.
Xoay người, bất thình lình, anh ta hét lên:
- Như thế là mày nhất định không muốn kiếm tiền cho tao phải không?
Cũng lại không có tiếng trả lời.
Cơn giận bùng lên, Trương Hô bật dậy, mắt đỏ ngầu như lửa, chụp lấy cây gạy mà anh đang dùng để chống chiếc giỏ dựa vào tường, rồi, như một cơn lốc nhẩy chồm về hướng cô vợ.
- Đồ đĩ ngựa, có vợ để làm gì? Mày không biết làm thế nào để đỡ đần khi chồng mày đang có viêc lo nghĩ hay sao? Đâu phải mày chỉ biết ngủ với chồng mày thôi, mày không biết như thế hả?
Hét xong, Trương Hô xáng cho cô vợ một cú trên thắt lưng. Tiếng kêu đau đớn của chị vợ vang lên, vượt khỏi hàng dậu - một màn chắn thưa thớt. Cây gậy lại như tự động rơi xuống trên gót chân, trên mông đít cô vợ trẻ đang ngồi sổm.
- Đồ khốn kiếp, mày có biết là bao lâu nay tao yêu cầu mày việc này không?
Trương Hô lại giơ chiếc gạy lên cao, gầm gừ như một con hổ.
Bật lên một tiếng hét, cô vợ vùng chạy như bị ma đuổi vèo một cái đã đến tận chiếc cửa thưa nhỏ của hàng dậu. Vừa khóc vừa chạy, nhiều lần như muốn ngã, cô ta chạy nhanh xuống dốc, vượt chiếc lạch nước, lao vội vào con đường dẫn về hướng cánh đồng trồng đậu nành phía trước mặt.
- Mày tưởng là mày thoát được tay tao hả?
Tiếng hét từ xa đàng sau lưng vẳng lên làm cô vợ ngừng chạy. Cô ta ngoảnh lại, nhìn về phía anh chồng đang đứng giữa dốc trên chiếc cổng rào, tay săm săm chiếc gạy. Như một đứa trẻ bị lỗi, cô vợ lẩm bẩm trong miệng điều gì đó mà cô cũng không biết. Như sợ chồng sẽ đuổi theo, sau cùng cô ta cũng lên tiếng:
- Tôi đến nhà mẹ của Xuân Đôn.
Rồi với cớ này, cô tất tả quay đi.
*
Cô ta cũng chẳng hiểu nguyên do nào mà chồng cô lại cần thật gấp 2 đồng wons như vậy. nhưng đối với cô, so với vài xu mà cô kiếm được, đây là một số tiền khổng lồ. Mỗi buổi sáng khi vừa mở mắt, cô đã phải chụp lấy chiếc túi của cô, vội vã trước mọi người, tất tả đi vào núi để hái hết gòc này đến góc khác vài cây hiếm mà người ta đi tìm, như cây rau hoa chuông hay rể cây sâm núi. Chân thì mang một đôi dép quê kệch bằng rơm, cô leo bám trên những triền đồi hiểm trở của vùng núi tối tăm này. Mồ hôi đổ giọt, người ta có thể nghĩ được rằng từ tấm thân mỏng manh của cô đã phải xử dụng hết sức mà nó đã chứa đựng từ thời thơ ấu.
Như ngăn trở bước đi của cô, chiếc váy cũ kỹ một lần vải mỏng manh như dán vào ngực, vào đùi. Những cây ngấy làm lột da bắp chân đẫm mồ hôi của cô. Và cái nặng nề của một mùi gì đó xông lên từ đất làm cho cô nghẹt thở. Cho dù như thế, không điều gì giống như một sự thở than đến trong tâm trí của người đàn bà trẻ đã làm hết những gì có thể được để sống này.
Ngược lại, khi cô vừa chợt nhận ra một hai mầm rau hoa chuông chồi lên giữa đám cây rừng chằng chịt - hình ảnh này làm cô chợt tưởng tượng đến cây đậu mọc giữa sa mạc -, làm cô ta không thể ngăn được nụ cười rạng rỡ trên đôi môi cô.
Để trèo được lên những tảng đá lớn, cô phải bàm vào rễ những cây leo. Cô cởi chiếc áo khoác bằng vải bẩn thỉu đẫm mồ hôi, buộc vào thắt lưng. Cô đi ngược đi xuôi trong những dãy núi của vùng Khang Vân nơi đầy beo cọp, như người ta đồn; nhiều khi từ đâu bỗng nhiên chồm ra. Chiếc váy của cô giở tung do những làn gió từ thung lũng thổi lên, bị dính chặt vào những bụi gai. Nếu như những bông hoa của những cây leo mà có mắt thì chắc chắn chúng cũng phải bật cười. May mắn thay, chẳng có gì khác, trong cái xó rừng núi tăm tối này chỉ có những con chim cu gáy cười ghẹo cô mà thôi.
Tất cả những gì mà cô hái được suốt cả một ngày cũng chỉ vừa đủ để đựng trong một hoặc hai chén cơm. Cô xuống núi, quay về làng để đi từ quán này sang quán khác đổi lấy một chén lúa mạch. Nhưng vào mùa này lại chẳng cò gì để hái. Cô đành phải giã gạo thuê cho những chủ trại. Suốt một ngày làm cũng chỉ cho cô được một bát lúa mạch để chia sẽ với chồng cô ta. Trong lúc đó, Trương Hô, để giết thời giờ, ngồi không ở nhà, bởi lẽ chồng cô chẳng có được một mẩu đất để cầy cuốc. Cứ như thế, ngày tiếp ngày.
Trong hoàn cảnh như thế, dù cho có chặt cổ cô ta đi chăng nữa, cũng chỉ có thể lấy được một chút máu, chứ chắc chắn không thể có được 2 wons mà chồng cô đang cần.
Làm cách nào, chẳng lẽ lại đi vay lúa rồi bán để có được 2 wons? Cả làng này, hoạ may chỉ có một người có đuợc số tiền này: mẹ của Xuân Đôn. Bà ta, mọi người sầm sì sau lưng bà với một sự ghen tị: bà ta đã chẳng tự làm số phận mình thay đổi bằng chính cái thân mình của bà ta hay sao?
Cô vợ của Trương Hô chẳng một chút vui thú nào với ý định đến xin xỏ gì với người đàn bà đang sống một cách se sua trong khi chính bà ta lại rất nghèo. Cũng chẳng hiểu sao nhưng cô vợ trẻ này lại cảm thấy rằng mình sẽ làm một điều đáng chê trách gần như chuyện trộm cắp. Mẹ của Xuân Đôn cũng cùng gốc gác như cô ta, con một nhà nông nghèo khổ nhưng từ ngày bà ta được trời cho - và từ cái cửa quần của thầy Lý, người giầu nhất vùng - bà ta trang điểm bảnh bao, chưng diện áo quần, không cần phải lo đến thức ăn thức uống... nói chung lại, bà đang nằm trên đống vàng. Phần cha của Xuân Đôn, chồng bà ta thì nhắm mắt, cảm ơn trời. Ông ta bỏ công việc đồng áng đã chỉ có thể đem lại cho ông sự bần khó, để ông Lý cho ăn cho mặc. Đúng là ông ta đã trúng số. Nhưng thực tế; những lý do chính đã làm cho cô vợ của Trương Hô không muốn gặp mẹ của Xuân Đôn lại là việc khác.
Cuối mùa xuân năm ngoái, vào một buổi tối trăng lên, Trương Hô thì đi xem lễ hội tinh tú. Trời đã khuya mà anh ta vẫn chưa về. Cô vợ trẻ ở nhà chờ anh không được đành lên giường một mình và nghĩ rằng anh sẽ ngủ ở đâu đó. Rồi trong lúc cô đang ngủ, một người đàn ông, như một con bò rừng, chồm lên người cô. Trên thân thể cô, người đàn ông lay động vội vã. Kinh ngạc, cô vợ trẻ của Trương Hô kêu thét lên làm người đàn ông phải tháo chạy, bỏ dở công trình vừa chớm khởi sự. Người trong làng, với tâm hồn vốn dĩ trong trắng, chẳng ai quan tâm nhiều đến chuyện này. Nhưng chỉ vài ngày sau là cô vợ Trương Hô đã biết được tác giả của việc phạm tội này không ai khác ngoài thầy Lý. Cũng chình vì lý do này mà vợ Trương Hô không muốn đến gặp mẹ Xuân Đôn, người chẳng dính dáng gì đến sự cố. Mỗi khi gặp bà ta cô bối rối, đỏ mặt đỏ mày vì cô nghĩ rằng cô đã phạm một lỗi rất trầm trọng đối với người cũng là đàn bà như cô. Mỗi lần thầy Lý khệnh khạng trước mặt cô và thốt ra những lời như: " Anh ; em biết mà, anh có 3 chiếc váy và 4 đôi vớ ", cô vợ của Trương Hô nghĩ mình là mục tiêu của những lời chế diễu. Cô cũng nghĩ rằng mẹ Xuân Đôn cũng biết được chuyện đã xảy ra, và bà ta cũng lại có thể nghĩ đây chính là ý đồ của cô nữa. Cô vợ vô tội của Trương Hô, trong sự rối rắm của cô, đã không dám ngước mắt nhìn lên được nữa.
Nhưng tận sâu thẳm tâm hồn, cô tự nói với cô, nếu mà cô muốn thì bây giờ cô đã ở địa vị của mẹ Xuân Đôn, bây giờ cô đang nằm trên chiếu vàng. Nghĩ như vậy rồi cô cắn môi vì đã bỏ qua một dịp may hiếm có, cô cảm thấy một sự hối hận cay đắng trong cô. Thêm nữa, chẳng thà là nuốt nhục còn hơn là phải tiếp tục chịu đựng những trận đòn dữ tợn của thằng chồng càng ngày càng hung bạo?
Cuối cùng cô quyết định đến tìm mẹ Xuân Đôn.
Cô vợ trẻ của Trương Hô tiến vào một con đường với hai bên là hai hàng cây liễu nằm giữa những cánh đồng. Trong thâm tâm cô, cô e rằng cô đến mà cũng sẽ chẳng được gì.
*
Đối với một thôn nữ, cô ta xinh đẹp, nhỏ nhắn, dong dỏng cao. Người trong làng nói vớí nhau rằng nếu cô đừng ăn mặc bó chặt một cách thảm thương như một bó củi và đừng toát ra một cáí mùi làm ngay cả một kẻ vô lại cũng phải che mặt xấu hổ thì cô ta đã có một cuộc sống ngon lành rồi. Cô đi thong thả, giữ tà váy lúc bằng tay phải lúc tay trái, chú tâm để không một mảnh da thịt nào lộ ra.
Những đá mây nặng nề, đang đe dọa phủ kín bầu trời. Mây chất đầy trên những hẻm núi, rối rắm trên những ngọn núi, làm cho cảnh vật trở thành ảm đạm. Tiếng chó sủa vẳng lại từ xa, những ngọn núi làm vẳng lại. Mây mỗi lúc một nhiều và thật nhanh cơn mưa kéo đến.
Cô vợ trẻ của Trương Hô chạy vội tránh mưa dưới hàng cây dẻ trên lề đường đưa mắt nhìn về phía dưới, nhà của mẹ Xuân Đôn vẫn còn xa. Đấy là một căn nhà tranh dễ thương, ngồi ngay trên một mõm đất lồi ra về hướng bắc, được bao bọc bởi một hàng rào cao. Chiếc cổng vào sân nhà đóng kín: Mẹ Xuân Đôn đi đưa cơm tối cho hợp tác xã vẫn chưa về. Vợ Trương Hô đứng bất động không biết phải làm gì. Những hạt mưa chảy dài trên má, chui cả vào nịt vú. Gió đập vào thân thể cô những luồng thật ẩm lạnh như đá. Chiếc váy của cô đã ướt đẫm dán dính vào đôi ngực, đôi mông, đôi chân để lộ ra hình dạng thật rõ rệt.
Mẹ Xuân Đôn vẫn chưa về. Cô vợ trẻ của Trương Hô bắt đầu ngáp ngủ vì chán nản. Bỗng chợt cô nghe tiếng chân, về phiá trái. Quay đầu lại và thật nhanh, cô ẩn mình vào một thân cây.
Cái bụng đi trước như hình dạng một chiếc lọ tròn, phần thân sau lắc lư, tay thì che một chiếc dù làm bằng giấy dầu, thầy Lý bước hướng vào lối nhà mẹ Xuân Đôn. Đấy là một người đàn ông béo lùn, tuổi chạc 50 với bộ râu dậm, ông ta có dáng đi khá chững chạc. Đầu đội một chiếc mũ chùm đầu bằng cước mà người ta không thấy một người nào trong làng đội, đấy có nghĩa ông ta là một vị công chức.
Đến nhà mẹ Xuân Đôn, ông ta đẩy chiếc cồng rào và tiến vào nhà như thể đây là nhà của ông ta.
Nhìn thấy vậy, cô vợ trẻ của Trương Hô tự cảm thấy một có cái gì đau nhói trong lồng ngực. Cô, phần cô với cuộc sống của một con chó, bị đánh đập, bị ngờ hoặc, bị khinh miệt, trong lúc mẹ Xuân Đôn thì lại được cưng chiều gấp hai, từ trong nhà ra đến ngoài đường, khi bà đi ra khỏi nhà, bà ta thật đỏm đang... Hai người là hai thế giới khác nhau! Sự may mắn mà mẹ Xuân Đôn có được đã làm cho cô vợ Trương Hô ganh tỵ lại thêm vào đấy cô ta bị giằng co giữa sự hối tiếc và lòng ham muốn. Đời sống cô ta, cô tự nhủ, đã có thể thay đổi khác ngày hôm nay.
Cô nhìn về hướng nhà mẹ Xuân Đôn với vẻ lơ đãng rồi để lộ ra một tiếng thở dài.
Nước mưa chảy ào ào trên triền dốc. Bùn đã ngập đến cổ chân cô. Cô rùng mình vì mưa đã làm cô ướt đẫm từ đầu đến chân.
Cô rùng mình lo lắng, rồi yên tâm rằng chung quanh không có ai khác ngoài cô ra, sau cùng hướng về căn nhà tranh với cái nhìn như một thử thách. Cô suy nghĩ: trong nhà nhất định chỉ có thầy Lý, vì lẽ cửa rào không đóng kín và quần áo giặt còn vắt vẻo trên giây phơi; tất cả đều như báo hiệu rằng chỉ có mình ông ta. Thu hết can đảm, cô chạy vội vàng dưới mưa, vượt chiếc cổng rào. Trước ngưỡng cửa cô lên tiếng gọi:
- Mẹ Xuân Đôn ơi, bà có nhà không?
Hiển nhiên là cô không nghe tiếng trả lời của nữ chủ nhân căn nhà ngược lại, thầy Lý đang có mặt ở trong phòng của nữ chủ nhân căn nhà thò đầu ra nhìn. Ông không thể tin được dưới mắt ông ta dù rằng ông không thể mở rộng được đôi mắt mình cho lớn hơn nữa.
Nhìn cô vợ trẻ của Trương Hô bằng cập mắt láo liên từ đầu đến chân, từ ngực đền bụng...Một nụ cười làm khuôn mặt ông ta linh hoạt hơn. Tiến ra khỏi phòng và như một lời trấn an ông lẩm bẩm:
- Mẹ Xuân Đôn à? Bà ấy vừa đi xong...Bà ấy sẽ về ngay. Cô đợi một chốc, vào đi...
- Bà ấy đi đâu vào lúc trời mưa gió như thế này?
- Đi xuống kia...nhưng bà ấy về ngay đấy...
- Thế mà tôi lại chắc chắn là bà ấy có nhà..., cô vợ trẻ của Trương Hô lẩm bẩm làm ra vẻ như thất vọng. Rồi lưỡng lự một chút, cô lùi lại một bước như chực đi. Với giọng nói như một con chim mai-hoa, cô lên tiếng:
- Tôi trở lại lần sau. Chào ông!
- Nhưng cô chờ một chút đi, bà ấy bảo với tôi sẽ về ngay mà!
- Tôi sẽ trở lại.
- Không mà, cô đợi một chút! Hãy nghe tôi đi!
Ý nghĩ cô ta sẽ ra đi làm cho thầy Lý không còn giữ gìn gì nữa: Ông ta chẳng cần ý tứ luẩn quẩn gì nữa và tất cả mọi phương pháp đều tốt miễn sao giữ được người đàn bà trẻ này ở lại. Dịp may như thế này không thể xảy ra hai lần được: Cô ấy đến một mình, dưới trời mưa gió lại ở tại một nơi vắng vẻ như thế này. Chẳng còn kềm chế nữa, ông quẳng chiếc tẩu hút thuốc vào một góc phòng phía sau lưng, ôm choàng thân thể ngưòi đàn bà và lôi xổ vào phía trong.
Cô vợ trẻ của Trương Hô kinh ngạc, thử tìm cách gỡ ra.
- Nhưng..sao ông lại làm như vầy? Bỏ tôi ra, làm ơn bỏ tôi ra!
- Đợi ở đây! kiên nhẫn một chút!
Thầy Lý chừng mắt như để trấn an, vẫn ôm choàng người đàn bà trẻ nhưng nới lỏng vòng tay một chút.
Bây giờ thì tay phải ông ta gì chặt người đàn bà vào người, tay trái giữ quần, vì quần không có giây nịt đang như muốn tuột ra. Tìm mọi cách sau cùng ông cũng lôi được cô vợ trẻ của Trương Hoa vào trong rồi với tay khoá chặt cửa phòng lại.
Bên ngoài, cơn mưa ào ạt quất trên những cây bắp cải; những chiếc lá cây cuống loạn trong cơn gió. Những cơn sấm chớp gầm gừ như trút xuống từ trên đỉnh cao của rặng núi, làm rung chuyển tận nền đất của căn phòng. Buổi chiều chấm dứt.
Một lát sau, thầy Lý thở ra một hơi dài bộc lộ sự hài lòng của mình. Ông ta tự thán phục rằng sau cùng ông cũng khuất phục được cô ta. Ông cảm ơn trời mưa vì nhở vậy mà người đàn bà trẻ này đã không chống cự quá sức ông, cô ta đang nằm dài, ngoan ngoãn, quấn vào đầu gối ông ta, chìm vào sự mệt mỏi.
Ông nhìn cô vợ Trương Hô rồi mỉm cười hài lòng. Người đẫm mồ hôi, cô ta hình như nóng lắm thì phải. Thầy Lý với tay lấy ở móc áo một chiếc sơ mi của mẹ Xuân Đôn, rồi cẩn thận thấm mồ hôi, từ đầu đến chân, cho vợ Trương Hô.
- Em được 19 tuổi phải không? Lý lên tiếng với một giọng lẳng lơ.
- Ph...ả..i.
Dưới bàn tay của thấy Lý, người đàn bà trẻ bất động như chết.
Sau một hồi lau chùi cẩn thận, Lý lại buông tiếng thở dài và châm một điếu thuốc.
- Kể cho anh nghe, thằng chồng hèn mạt của em, nó đánh em cả ngày phải không? Vì không có câu đáp lại, ông ta tiếp tục:
- Rồi em làm sẽ xử sự như thế nào, chẳng lẽ em cứ tiếp tục như vậy hay sao? Chẳng ai thể đoán được chuyện gì không may sẽ xảy ra, nếu nó đánh đập em chết thì em cũng chẳng thể nào than vãn gì được nữa. Nếu em lo nghĩ một chút cho tương lai của em thì hay nhất là quẳng thằng đó đi...
Lý thuyết một hơi dài làm như hắn ta thực tâm lo lắng cho số phận của người đàn bà này. Sau đó, bằng một giọng tò mò Lý lên tiếng:
- Hình như là em có một đứa con bị chết khi vừa sinh ra phải không?
- Ư..ư..
- Người ta bảo lúc đó là em cũng chẳng lớn bao nhiêu...
Một màu đỏ ửng lên vì thẹn trên trán người đàn bà trẻ, cô quay đầu đi chỗ khác, chẳng biết trả lời như thế nào.
Lý không nhấn mạnh thêm gì ở chuyện này nữa. Hắn chợt ngửi thấy một mùi lạ lùng xông lên như mùi củ cải thúi. Hắn không lưu ý đến điều này từ lúc đầu nhưng bây giờ thì hắn có cảm tưởng là mùi hôi đó đang quấy rối hắn. Nhíu cập chân mày, chỉ về chiếc rốn của người đàn bà trẻ bằng chiếc tẩu thuốc mà hắn đang cầm trên tay, Lý la lên:
- Này, nhìn đám cáu ghét bẩn thỉu này! Em không thể rửa ráy được một tý hay sao? Nước ở đây đâu có thiếu thốn gì!
Hắn tặc lưỡi, như bộc lộ một sự đáng tiếc vì việc này đã làm thiệt hại đến sự vui vẻ mà hắn đang có.
Khi, cô vợ Trương Hô, muốn chết vì xấu hổ, đứng dạy để mặc váy vào, Lý nổi nóng: giật tung quần áo của người đàn bà, ném vào một góc phòng, kéo cô ta lại nơi mà cô đã bị tấn công lúc nãy. Sau đó Lý xuống giọng, nhẹ nhàng quở trách làm như cô ta là một đứa con gái của hắn:
- Chỉ hay lăng xăng! Em không thể yên được một chút hay sao hả?
*
Vợ Trương Hô rời căn phòng. Cô ta đã ở trong căn nhà này chỉ không đầy một giờ đồng hổ. Trời vẫn mưa như trút nước.
Cô đã để lại tất cả mồ hôi trong người cô nhưng đây không phải là việc phí công mà ngược lại, cô ước tính là mình đã có được một điều may mắn lạ lùng.
Cô nhún vai, nở nụ cười, chưa bao giờ cô gặp phải một sự nhuc nhã như thế, thêm vào đó một cảm tưởng mà cô vừa phải chịu đựng, cô có nhiều lý lẽ nhất để hài lòng. Điều may mắn nào cũng đòi phải có một phần cống hiến, cô sẽ chấp nhận chịu đựng cả trăm lần như vậy nếu cái giá đổi lại là chồng cô không còn đánh đập cô nữa mà cả hai sẽ sống hoà thuận với nhau. Bây giờ thì cô thấy rằng thầy Lý là một người đáng kính trọng bởi vì ông ta là một ân nhân, một người che chở cho cô. Tất cả sự phiêu lưu vừa rồi làm đầu óc cô quay cuồng:
Cô sẽ trở thành một nhân tình của thầy Lý đổi lại một thửa ruộng mà ông ta sẽ cho chồng cô, rồi ngày mai, cũng vào giờ này, cô có cái hẹn với ông ta ở nhà mẹ Xuân Đôn, ông ta sẽ cho cô 2 wons. Lời hứa của ông ta làm cô nhẹ hẳn người, như một cách để quẳng đi được cái gánh nặng mà cô đang phải chịu. Nhưng duy chỉ một điều, nếu ngày nào mà chồng cô khám phá ra được việc thậm thụt này chắc chắn cô sẽ bị đánh nhừ tử...
Vừa sung sướng lại vừa lo âu, cô tất tả chạy về nhà, như một con linh dương, dưới cơn mưa.
° ° °
Trương Hô đang ngồi bệt trên ngưỡng cửa, cơn giận dữ vẫn chưa rời khỏi anh ta.
Tại An Dư, làng quê nơi anh được sinh ra, mùa màng thất bát hết năm này sang năm khác. Nợ nần đầy người, anh đã phải sống dưới sự đe doạ ngày càng nặng nề của những chủ nợ.
Ba năm trước đây, Trương Hô quyết định bỏ trốn, vào một đêm, để lại tất cả, đồ đạc, nhà cửa. Không một xu dính túi, anh lang thang hết vùng này sang vùng khác với ý định tìm một nơi mà cuộc sống tốt đẹp hơn, lôi theo trong tay anh cô vợ trẻ. Trong tình cảnh như thế mà anh đã đến làng này. Nhưng đâu tình cảnh cũng vẫn chẳng có gì thay đổi: khi bàn tay anh rờ vào một chiếc cán cuốc, chỗ khác hay ở đây, anh không cảm thấy một chút gì thiện cảm với nó được nữa. Duy nhất vẫn chỉ những tối tăm của lo âu, đói khát nhào tới vây bủa anh. Chẳng một ai biết điều nhường nhịn lại cho anh một khoảnh đất nhỏ; chẳng một ai muốn thuê anh làm công, mà nói cho ngay thì việc đồng áng cũng chẳng đủ nhiều ngay cả cho những người đó nữa. Trong những điều kiện như thế làm sao anh có đủ để sinh sống. Thêm nữa, anh ta lại còn lao đầu vào việc cờ bạc đỏ đen, trò chơi này cùng lúc với sự nghèo khổ đã tàn phá dữ dội cuộc đời những người nông dân nơi các vùng thôn dã.
Trương Hô nghe nói rằng ngay trong thời gian này một số tiền lớn đang được đặt cuộc tại một địa điểm trong vùng núi ở mé dưới. Anh mơ tưởng sẽ làm giầu...nhưng muốn giầu, bây giờ anh cần phải có trong túi một số tiền là 2 wons. Nếu anh tìm ra được 2 wons, biết đâu chừng sau cùng anh cũng sẽ giầu như ai? Nếu mà anh thắng được 30 hoặc 40 wons, anh sẽ trả được gần hết nợ nần, mua quần sắm áo rồi sau đó sẽ rời bỏ vùng quê chán chết này.
Khi mà anh đến được Hán Thành, anh sẽ tự xoay xở để vợ anh ta kiếm ra tiền, cô đi làm giuờng cho những người giầu, còn anh, anh sẽ làm thợ thuyền nơi một cơ sở nào đó.
Cả hai đổi một chút sức lao động, anh và vợ anh chắc chắn sẽ có một cuộc sống thoải mái. Chấm dứt cảnh sống như một con chó đói ở vùng quê này. Chính vì thế mà anh đã yêu cầu vợ anh kiếm tiền cho anh. Song, đáng lý ra phải vâng lời anh thì cô vợ anh lại tự bằng lòng, đồ khốn, khi thoát khỏi được những cái đá, cái đấm của anh như một con lươn trong rọ.
Khi cô vợ vừa tái xuất hiện, mình mảy ướt đẫm, trước khi cô ta kịp mở miệng, Trương Hô lấy hết sức xáng cho vợ một cái bợp tai.
- Đồ đĩ thoã, mày biết né tránh những cái đấm của tao phải không? Mày đi đâu từ nãy đến giờ?
Cô vợ trẻ đáng thương trong tình trạng ngất ngư vì vừa nhận cái tát như trời giáng. Trương Hô vẫn chưa nư giận, chồm người chực lấy chiếc roi. Khiếp vía, hai tay chắp lại, van xin tha tội, với giọng nói thật yếu ớt chỉ vừa đủ để có thể nghe:
- Ngày mai, ngày mai... tiền... em sẽ có...
Tin mừng này bị chìm trong những tiếng khóc nức nở. Anh chồng nửa tin nửa ngờ, nhấp nháy mắt, lên giọng:
- Ngày mai hử?
- Vâng, ngày mai, chắc chắn.
- Thật không?
- Thật, thật, em sẽ có tiền.
Trương Hô quá biết phong tục ở xứ này để hỏi han cô vợ tiền moi ở đâu ra. Bình tĩnh trở lại, anh ra ngồi trên ngưỡng cửa, đốt một điếu thuốc.
Cô vợ lúc này đã tìm lại được một chút tự tin, vào bếp để luộc mấy củ khoai tây.
Trương Hô đứng lên, bước theo vợ, đột nhiên một sự trìu mến tràn ngập trong lòng, anh lên tiếng:
- Em ngả bệnh bây giờ đó...vào buồng phơi khô quần áo đi... để anh luộc khoai cho...
° ° °
Đêm thật đen. Mưa, tăng gấp hai, ba lần, đập vào tứ phiá căn chòi tranh tồi tàn của họ. Nước rỉ ra từ vách ngoằn nghèo vẽ trên nền đất nện. Hai mảnh chiếu trải ngay dưới đất là chỗ họ nằm. Không một ngọn đèn, tối thui như địa ngục. Những con rận, hoan hỉ vây bủa làm thịt hai vợ chồng Trương Hô.
Đã quen ngủ để nguyên quần áo, cả hai nằm yên lặng lắng nghe tiếng mưa không ngớt ở bên ngoài. Sự nghèo khổ như đã cấm đoán sự trìu mến của họ. Không ngày nào làkhông có sự tàn nhẫn, nguyền rủa và hung bạo. Nhưng đêm nay, lần đầu tiên, họ cảm thấy có được một sự hoà hợp. Chỉ riêng với ý nghĩ rằng 2 wons rơi vào túi anh chồng...
- Bao giờ thì mình đi Hán Thành? Đầu kê trên cánh tay trái của chồng, cô vợ trẻ dịu dàng lên tiếng hỏi.
Rất nhiều lần, chồng cô đã nói với cô về những phố xá tráng lệ ở Hán Thành cùng với sự hào phóng của những người ở thủ đô...Cô vợ trẻ này chưa bao giờ được nhìn thấy một tỉnh thành, cô ao ước được đến đó. Chao ơi! đến đó càng nhanh được ngày nào càng tốt và quên đi cuộc sống cùng cực như chó đói ở nhà quê này!
- Không bao lâu nữa chúng mình sẽ đi. Nếu mình mà không vướng phải nợ nần thì hay biết mấy!
- Mình cứ đi trước rồi trả nợ sau.
- Em đừng lo. Anh chắc chắn là mình sẽ đi trước cuối tháng này, bằng một giọng vui vẻ Trương Hô trả lời vợ.
Chẳng ai biết được làm thế nào Trương Hô có thể nhắm mắt để chọn được những lá bài trúng. Anh hoan hỉ với ý nghĩ là anh sẽ cấp tộc đến nơi đang có sòng bài ở dưới đó và chính anh, anh sẽ vơ trọn tất cả tiền đặt cuộc của thiên hạ. Trương Hô tự thán phục mình vì sự khôn khéo, thành thạo mà anh ta có.
- Chưa bao giờ em đến Hán Thành hả? Trương Hô hỏi lại vợ như để khẳng định.
Hãnh diện vì đã được tới đó một lần, và cũng để nhấn mạnh câu hỏi, Trương Hô lúc lắc cánh tay cô vợ đang gối đầu. Bản tính thiếu kiên nhẫn, anh muốn sửa soạn chuyến đi của hai vợ chồng ngay lập tức nhưng có một điều làm anh cảm thấy buồn phiền: Đó là việc cô vợ mà anh đã cưới, một người con gái nhà quê thực sự, sẽ gặp khó khăn để thích ứng với cuộc sống ở dưới đó và vợ anh sẽ có thể bị người ta chỉ trỏ sầm xì nên việc cần làm bây giờ là phải dạy cho cô ta những bài học về nhiều đề tài.
Trước tiên là vợ anh ta phải để ý đến lời ăn tiếng nói địa phương quê mùa mà cô đang có. Những người nông dân khi lên Hán Thành luôn bị chế nhạo cũng chỉ vì giọng nói mà ra. Người ta khinh miệt gọi là "nhà quê ". Ngoài đường phố, nếu có vẻ rụt dè, nhút nhát, điều đó chứng tỏ là cô ấy vừa ở vùng quê đi ra: cô ta phải đi nhanh nhẹn, nhìn thẳng phía trước không lộ ra vẻ lưởng lự...
Vợ Trương Hô đáp lại chồng " dạ, dạ " bằng giọng một con chim con, sau mỗi lời dạy bảo chắc nịch của chồng.
Trong suốt hơn hai tiếng đồng hồ, Trương Hô thuyết trình như vậy, cho cô vợ để tâm vào hàng ngàn vần đề, vào các tập tục ở Hán Thành, trong những cách cư xử phải tôn trọng, theo dự kiến của anh ta.
Sau cùng anh đề cập đến khoản trang điểm. Anh ta nghe nói rằng, những năm trước đây, một cô gái nhà quê, đã đạt đến được việc "có một chiếc giường" nơi nhà chủ của cô ta và cô ấy với một chút nỗ lực, vài năm sau đó là cô ta có được một căn nhà - nhưng muốn được thế, cần phải xinh đẹp.
- Bởi lẽ đó, em cần phải bôi dầu vào tóc em, đánh phấn, đi vớ ngắn...nghĩa là làm cho các ông chủ ưa thích...
Rồi trong khi Trương Hô tự để mình đánh cao giá về tài năng dông dài của mình thì bỗng chợt nhận ra được một nhịp thở đều đặn bên cạnh anh. Quay đầu nhìn về phiá cô vợ, anh thấy vợ anh, như một con mèo, đã nhắm mắt ngủ say từ lúc nào không biết nữa.
- Đồ khốn, nó ngủ lúc mình đang nói chuyện với nó...Trương Hô lẩm bẩm. Sau đó, anh vuốt gọn lại những đọn tóc đang rối bời trên vầng trán cô vợ trẻ. Cái qúy giá nhất trên đời mà anh hiện đang có, thực vậy, dù thế nào chăng nữa, là người đàn bà này! Anh, chồng của cô, thế mà chưa bao giờ sắm sửa cho cô được một bộ quần áo "coi cho được", cô ta chỉ biết đến sự khốn cùng từ ngày sống với anh. Tim Trương Hô như bị thắt lại, anh cảm thấy một niềm buồn tiếc sâu xa trong anh. Hai cánh tay Trương Hô vòng quanh thân thể cô vợ trẻ rồi âu yếm kéo nàng thật sát vào người anh.
*
Mưa, không ngừng rơi suốt đêm qua, đã yên từ sáng. Vào buổi trưa, tia nắng mặt trời chọc thủng màn mây. Nước róc rách chảy trong những cái rãnh quanh các thửa ruộng. Tiếng trò chuyện vui vẻ của đám nông dân hoà lẫn với tiếng đùa rỡn của bọn trẻ con đang mò cá trong những con kinh nhỏ.
Trương Hô cũng cảm thấy sung sướng như họ, hình như trận mưa vừa qua đã rửa sạch đi tất cả những âu lo của anh ta.
Vào giữa buổi chiều, Trương Hô nói với cô vợ trẻ, bằng một giọng thiếu nhẫn nại:
- Gần đến giờ rồi, nhanh lên đi em, chải đầu nhanh lên em!
- Chưa đâu, chưa đến giờ đâu!
- Đến giờ rồi mà!
Những sợi tóc của cô, suốt từ gần nửa tháng nay không hề được đụng đến chiếc lược, đang quấn quện nhau. Làn da của cô tươi mát, hồng hào hơn, kết qủa sự âu yếm của anh chồng hung tợn như cọp vừa trả công cho cô đêm qua - điều mà từ thật lâu nay đã không còn đến với cô. Thỉnh thoảng, một nụ cười thật tươi, lẽ tất nhiên với hậu ý nào đó để cô phải bối rối, làm rạng rỡ khuôn mặt cô.
Trương Hô mất kiên nhẫn vì sự chậm chạp của vợ. Chụp lấy chiếc lược, anh ta khởi sự chải đầu cho vợ. Rồi, thấm nước để tóc lóng lánh sáng hơn. Một tay vừa nắm chặt những lọn tóc trong tay vừa vuốt từ trên đỉnh đầu, thắt cho cô vợ một búi tóc. Sau đó, anh bảo vợ xỏ đôi chân vào đôi giầy hở gót làm bằng rơm mà anh bện sáng nay rồi bằng đầu nắm tay đập vào những mút thắt để sửa sang lại cho vừa vặn.
- Xong rồi, đi đi, Trương Hô nói với vợ. Về ngay nghe không, hứa nghe?
Dứt lời Trương Hô cho vợ đi lấy tiền, sau khi đã chau chuốt thật cẩn thận cô vợ để chắc chắn rằng nàng sẽ mang về cho anh ta 2 wons, không thiếu một xu nào.
Paris - Troyes, 21.8.2007
TỪ VŨ Phỏng dịch
theo truyện "Sonagi"- Rain Shower - (1935) của Kim Yu-Jong
ĐÔI LỜI VỀ DỊCH GIẢ:
. Từ Vũ là bút hiệu và cũng là tên thật. . Sinh năm 1945 tại Bắc Việt. . Đi học tại HàNội. . Theo gia đình di cư vào Nam năm 1953. . Đi học: Bá Ninh, Lê Qúy Đôn NhaTrang, Trần Hưng Đạo ĐàLạt, Taberd, Nguyễn Bá Tòng, Lê Bảo Tịnh, Trường Sơn Sàigòn... . Đi lính - Giải ngũ. . Định cư tại Pháp. . Làm việc với tư cách một Giám Đốc cho các công ty sản xuất kỹ nghệ của người Pháp như Weber & Broutin - Lafarge Réfractaires - Allia - Allibert & Sommer.... . Làm thơ, viết văn tài tử từ thời đi học và đăng tải trong các nhật báo, tuần báo tại Sàigon trước năm 1975 dưới rất nhiều bút hiệu khác nhau. . Sáng lập website hội ngộ văn chương Newvietart.com - Việt Văn Mới.com và Tủ Sách Việt Văn Mới.