Buổi sáng có con chim khách đến kêu trước cửa nhà. Nó nghênh đầu, phô ra khoang ngực trắng, ngoáy cái đuôi dài, tiếng kêu giòn tan: "Khách! Khách! Nhà có khách!" Rồi lao vút đi giữa các lùm cây. Tỏ nghĩ, con chim kêu nhầm nhà. Nhà anh chẳng bao giờ có khách. Tỏ sống một mình, giữa vùng chân núi hoang vu, trước mặt là cánh đồng mênh mông nước trắng. Quanh đây cũng có xóm làng, ở rải rác trong núi hoặc ngoài rìa đồng nhưng cái trại nhỏ của Tỏ dường như tách biệt hẳn với cộng đồng dân cư ấy. Đôi khi Tỏ phải vào làng hoặc người làng ghé qua trại của anh, chỉ vì có công việc gì đấy không thể đừng, nói với nhau dăm bẩy câu là xong, thậm chí chỉ cần đứng nói qua rặng rào. Tỏ không có khách và cũng không có thói quen chờ đợi khách. Mặc cho con chim khách kêu trước cửa nhà, cái thế giới đơn độc, kín bưng của anh vẫn cứ bình lặng thế. Buổi chiều con chim khách lại đến, chẳng rõ là con chim ban sáng hay một con chim khác, nó vẫn nghênh đầu, phô ra khoang ngực trắng, ngoáy cái đuôi dài, kêu: "Khách! Khách!" Tỏ vẫn dửng dưng, sự dửng dưng vốn là thói quen của anh. Con chim chợt lao vút qua lùm cây và mất mút. Lúc này trời đã xế chiều, bóng núi phía sau nhà đổ dài, sẫm dần lại còn mặt nước đồng phía trước nhà thì dềnh lên, nhòa nhòa mầu trắng đục. Tỏ ngồi ở đầu hiên, thư giãn một mình, sau cả ngày làm lụng nặng nhọc. Bầu không khí vắng lặng khiến anh dễ chịu và trong tâm tưởng của anh chỉ bảng lảng hình ảnh ông lão Nhòe, người cha cả đời vất vả, nuôi dạy anh theo cái cách lạ lùng nhưng mãi rồi Tỏ cũng quen. Sự cô độc của Tỏ hiện thời chẳng qua là tiếp nối cái đời cô độc của ông lão. Một năm xa lắm, lão mang Tỏ tới đây rồi mọc rễ ra ở nơi heo hút này. Tỏ còn nhỏ tuổi, chỉ biết lếch thếch theo cha. Lớn thêm vài tuổi, bắt đầu thắc mắc về cái gốc gác và lai lịch của mình, mẹ mình là ai, vì sao chỉ có hai bố con phiêu bạt? Nhưng lão Nhòe kín bưng, hễ Tỏ mở miệng hỏi là lão trợn mắt lên, gạt phắt: "Mày biết cũng chẳng để làm gì. Thôi, im đi!" Tỏ đến tuổi trưởng thành, lão Nhòe không thể chỉ cộc lốc một câu là xong, lão hứa: "Mày hãy cứ chờ, trước khi tao chết tao sẽ nói cho mà nghe!" có thể lão định thế thật, cũng có thể không chẳng biết thế nào, bởi lão chết quá ư đột ngột. Lão vốn xương đồng da sắt, đến già vẫn khoẻ như vâm, bỗng bị một trận cảm gió, cấm khẩu ngay tức khắc. Có một phút hồi tỉnh, lão mở mắt nhìn Tỏ, cái nhìn ấy là tất cả, chỉ biết thế thôi rồi lão hơi dướn mình, khẽ nấc một cái và đi luôn. Cái thế giới lão Nhòe để lại cho Tỏ là một thế giới tự cô lập, khép kín, có một góc sâu mờ mịt Tỏ không sao nhìn thấu được. Vào lúc chạng vạng tối có một chú bé chui ra từ bụi cây đầu ngõ, chú bé nhìn quanh rồi bước nhanh vào trong sân nhà Tỏ. - Cháu chào chú! Tỏ hất hàm: - Mày là con cái nhà ai? Cần gì? - Cháu không phải người vùng này. Cháu ở dưới thuyền neo đậu bên kia đồng, mà chiếc thuyền ấy cũng không phải là nhà cháu. Cháu... cháu khát quá, khát cháy họng, chú làm phúc cho cháu xin ngụm nước! Chú bé vừa uống nước vừa nhìn Tỏ, cái nhìn thăm dò, cầu khẩn và chú nói lân la: - ở đây khuất, chú nhỉ. Từ dưới đồng nhìn lên chẳng thấy nhà cửa gì cả. Cháu thật may mắn. Cháu xin chú cho cháu ngủ nhờ đêm nay, cháu chỉ ngủ ở dưới bếp kia thôi! - Nhưng mày phải nói mày là ai, mày đi lang thang hay buộc lòng phải trốn chạy ai thì tao mới cho mày ngủ nhờ được chứ. - Vâng, cháu trốn chạy, cháu lang thang nhưng quyết không phải là đứa hư hỏng. Với lại cháu bé thế này, nếu cháu giở trò láo lếu, chú chỉ di nhẹ ngón chân là cháu chết bẹp như con ngoé. Cháu van chú, chú cho cháu ngủ nhờ đêm nay đi! Thằng bé cố giấu kín bưng điều cần giấu và nó nhất định chỉ xin ngủ nhờ ở dưới bếp. Nó thu xếp chỗ nằm rồi lăn ra ngủ rất nhanh. Vậy là đêm nay nhà Tỏ có một người khách không mời. Sự hiện diện của cái sinh linh xa lạ, nhỏ nhoi ấy như là sự khuấy động bất thường vào cái thế giới đã đông cứng lại của Tỏ. Thuở lão Nhòe dắt Tỏ đến đây, Tỏ cũng bé như thằng bé này, có khi còn bé hơn. Cả vùng chân núi hoang rậm chỉ có hai bố con. Lão Nhòe phá hoang, cuốc đất mầu phủ lên trên sỏi đá, trồng sắn, trồng khoai. Tỏ vào trong núi kiếm củi đem ra chợ bán. Chợ xa lắm, ở bên đường hàng tỉnh chỗ con đường gặp dòng sông. Trẻ con các làng quanh chân núi thường đi kiếm củi, đem ra bầy ngay bên vệ đường, bán cho dân phố và khách đi ô-tô từ trên ngược về xuôi. Lão Nhòe không bao giờ đi chợ, thậm chí chuyện chợ búa do Tỏ đem về lão cũng chỉ nghe dửng dưng. Bần cùng lắm lão mới vào làng, dù lão thông tỏ đường đi lối lại mọi làng xóm trong vùng. Giải đồng chiêm chân núi ngăn cách lão với thế giới bên ngoài, lão thu mình lại trong ngờ vực, khinh khỉnh và giận dữ một cái gì đó mà chỉ mình lão biết. Nhưng lão Nhòe cũng là người cha mạnh mẽ và đầy lòng kiêu hãnh. Lão yêu thương Tỏ theo cái cách của lão, nghiêm khắc và dữ tợn đến ghê người. Lão bảo Tỏ: "Tao cho mày đi củi là để học cách kiếm sống. Liệu hồn, chớ có tí tởn theo lũ trẻ cùng đi củi với mày. Duyên ai phận nấy, nghe chưa!" Tỏ trở thành một đứa trẻ lầm lũi, ngơ ngác, cục cằn. Đôi khi cái bản tính phóng khoáng hồn nhiên trong nó nổi dậy, nó rông đi chơi với lũ bạn, trèo cây, lội nước và mơ màng trong giấc mơ con trẻ. Lão Nhòe quát: "Tao cấm mày!, Mày chơi bời lêu lổng, nghĩ ngợi lung tung thì chỉ hư hỏng thôi con ơi! Hãy ở nhà làm lụng cùng với tao, nghe lời dạy bảo của tao, để chứng tỏ cho thiên hạ biết mày là thằng Tỏ con trai lão Nhòe khởi nghiệp trên mảnh đất này. Thôi không đi củi rồi phơi mặt ra bên lề đường để bán củi nữa! Cũng không cắp sách đến trường ở mãi tít trong làng để học hành gì nữa! Hãy học cha mày đây". Tỏ vào khuôn phép của lão Nhòe từ bao giờ chính anh cũng không biết. Hai cha con làm quần quật đổ mồ hôi sôi nước mắt, xây dựng dần lên cái cơ ngơi biệt lập hiện thời. Và cùng với nó. Tỏ cũng quen với sự xa cách, trở nên lạnh lùng và kiêu hãnh ngay với mình và chỉ với mình thôi. Trước khi đi ngủ, Tỏ cầm đèn đi soi một lượt quanh nhà rồi anh vào bếp, đặt cây đèn lên cái bệ gạch ngay phía trước mặt thằng bé. Thằng bé nằm co quắp, mặt xoay nghiêng, ánh đèn làm mi mắt nó thoáng động đậy nhưng nó vẫn ngủ say mê mệt. ừ, ừ... thằng bé này, cái sinh linh xa lạ này từ thế giới bên ngoài, rơi lạc đến đây, nó năn nỉ xin ngủ nhờ nhưng nhất định không hé lộ điều bí mật nó mang theo. Tỏ có chút động lòng trắc ẩn, một chút thôi còn trong sâu xa anh không quan tâm đến thằng bé, hình ảnh của nó chỉ chờn vờn bên ngoài chứ không thể thâm nhập vào được cái thế giới riêng của anh. Tỏ ngủ ở nhà trên cánh cửa cài then, ngọn đèn đặt trên bàn vặn nhỏ, xanh lè hạt đỗ. Nửa đêm thức giấc, Tỏ có cầm đèn xuống bếp soi qua thằng bé một lần nữa. Thằng bé vẫn ngủ say, một dòng nước dãi chảy ra bên khoé miệng. Tỏ nghĩ thuở nhỏ, lúc theo ông bố gan lì, với một bầu tâm sự âm thầm, sôi sục đến đây, mình có giống thằng bé này không nhỉ? Chắc là có. Mà cũng không. Nó đang giấu cái tâm sự của riêng nó, điều bí ẩn của riêng nó và mặc dù nó yếu đuối, trẻ thơ nhưng nó giống ông bố gai góc của mình. Tỏ định lay thằng bé dậy, hỏi han căn vặn, buộc nó phải nói rõ nguồn cơn. Nhưng ý định chỉ thoáng qua, chính anh cũng đang dở giấc, mắt cứ ríu lại. Tỏ lên nhà trên ngủ tiếp và trong giấc ngủ anh mơ thấy thằng bé biến đi, rõ ràng là nó biến đi, chỉ có điều anh không biết nó biến đi như thế nào. Sáng sớm hôm sau Tỏ trở dậy, thấy nền bếp trống trơn, mọi thứ đồ đạc lặt vặt để trong gian bếp còn nguyên xi, không suy suyển một tý gì. ở ngoài đồng có chiếc thuyền đậu ở chỗ cửa ngòi, gần con bờ bao vòng vèo về phía chân núi. Gã chủ thuyền nhảy lên bờ, nhìn ngó quanh quẩn rồi leo dốc lên nhà Tỏ. Tỏ đang hì hục đánh gốc cây ở góc vườn. Gã chủ thuyền đi tới, đôi mắt hấp háy nhìn xoi mói: - Chào người anh em! ở đây vắng vẻ nhỉ... Tỏ dừng tay rìu, đứng lặng im. Gã chủ thuyền đành phải nói: - Tôi ở dưới thuyền lên đây tìm một đứa bé. Nó cao chừng này - gã đưa tay ra khoảng ngang bụng gã - gầy, đen nhưng nhanh nhẹn. Người anh em có trông thấy nó, biết nó trốn ở chỗ nào quanh đây không? Tỏ hơi nhíu mày, vẻ khó chịu và anh vẫn lặng im. - Thế nào người anh em, tôi đã có lời, người anh em nghe rõ chứ? - Rõ. Nhưng đấy là việc của ông, không dính dáng gì đến tôi. Tôi không biết đứa bé nào, không biết gì cả. Đừng có quấy rầy tôi! Gã chủ thuyền đi về phía chân núi, loanh quanh một lúc rồi lại quay ra. Lần này giáp mặt Tỏ, gã đột nhiên trở nên dữ dằn: - Này, người anh em là con trai ông lão Nhòe, đúng không? Tôi biết ông lão, hồi ông lão còn sống, ông lão ghê gớm nhưng vẫn nể tôi lắm... Lẽ nào người anh em lai phớt lờ tôi, không giúp tôi! - Thôi đi, đừng dài dòng - Tỏ cắt ngang - Ông muốn tôi giúp ông cái gì mới được chứ? - Giúp tôi tìm đứa bé. Tôi phải tìm được nó. Tôi tốt với nó nhưng nó lại phản tôi. Mà cái thân phận nó là gì? Là của gán nợ, mẹ nó gán cho tôi. Tôi có quyền tìm bắt nó, lôi cổ nó về thuyền, dậy cho nó một bài học phải không nào? Tỏ gắt: - Tôi nhắc lại là tôi không biết. Đấy là chuyện của ông, không liên quan gì đến tôi! - Vâng, đấy là chuyện của tôi. Nhưng tôi xin hỏi anh, chung quanh đây đồng nước mênh mông, thằng bé không trốn theo lối này thì còn lối nào? Đêm hôm qua tôi đã sục sạo khắp các gò đống nổi trên đồng nước rồi. Không có nó. Chắc chắn là thằng bé đã mò đến nhà anh, anh chỉ đường cho nó vào trong núi. Tôi có lời tử tế với anh, anh giúp tôi bắt nó hay anh giúp nó trốn khỏi tôi nào? Gã chủ thuyền vờ nhún nhường nhưng vẫn lộ vẻ thách thức, gã nói hai chữ "tử tế" một cách giật cục, có nghĩa là gã dám chơi trò không tử tế rồi. Trước khi rời khỏi nhà Tỏ, gã dừng lại trước ngõ, hắng giọng quát một câu vu vơ: "Tao mà bắt được thằng bé tao cho một trận nhừ đòn. Mà bất kể kẻ nào che giấu, chứa chấp nó cũng phải nhừ đòn với tao!" Tỏ chỉ cười nhạt, anh quay vào đánh nốt cái gốc cây đang đánh dở ở góc vườn. Tâm trạng Tỏ bỗng nhiên đổi khác. Lúc đầu gã chủ thuyền hỏi anh về thằng bé, anh nói "không biết" vì quả thực anh không biết, nó đã biến đi trong đêm không một lời thưa gửi và anh chỉ đơn giản muốn chấm dứt nhanh câu chuyện chẳng dính dáng gì đến mình. Nhưng gã chủ thuyền lại quay trở lại, lên mặt phách lối, dám viện ra cả ông bố đã khuất của anh, hầm hè hăm dọa và lên giọng thách thức anh. Gã nhầm. Gã chẳng hiểu gì về ông lão Nhòe và con trai ông lão, hai cha con đầu đội trời chân đạp đất giữa chốn hoang vu này. Một năm thời tiết nghịch, trời đất tối xầm, mưa đổ xuống ào ào suốt ngày đêm. Sườn núi phía sau nhà đã thành sườn núi trọc từ lâu, trẻ con đã thôi đi củi, nay biến thành cả thác nước, nước xô ầm ầm, xuống tới chân núi dâng thành con lũ quét. Ngôi nhà của hai cha con Tỏ bị chìm trong mưa, gió đánh tả tơi, xiêu vẹo, chung quanh nhà ngổn ngang đất đá do con lũ cuốn về, dồn tụ lại. Lão Nhòe bảo Tỏ: "Con ơi, trời ra oai là để thử lòng người, con không được nhụt chí. Bố con ta phải biến cái tai họa này thành điều có lợi cho ta!" Sau trận mưa lũ kéo dài, trời nắng như đổ lửa, mặt đất bị rang khô, gió cuốn bụi bay mù. Hai cha con Tỏ hì hục dọn đất đá. Có những tảng đá lớn bằng con bò con trâu thì đành chịu, nó nằm đâu bỏ mặc đó. Những tảng đá nhỏ hơn thì bẩy lên, vần đi, khiêng vác ra ngoài rìa khoảnh đất vườn. Rồi hai cha con thay nhau giữ choòng, quai búa đập. Lão Nhòe thở hi hóp, nhễ nhại mồ hôi, lão chùi tay vào ống quần, nói tưng tửng: "Thật là giời vần đá xuống đây cho mình để mình đập. Cái thế đất vườn nhà mình dốc nghiêng, đất trơ cằn, phải có đủ đá hộc xếp thành tường vây, rồi đổ đất mầu lên san cho phẳng thì vườn cây mới tốt được!" Một đời lão Nhòe, đến thách thức của trời lão còn không chùn bước, lão để lại cho Tỏ mảnh vườn xanh tươi giữa một vùng đất chết và cái ý chí cứng rắn đến lạnh lùng. Gã chủ thuyền xa lạ kia là cái thá gì mà dám nhơn nhơn trước mặt Tỏ, lên giọng thách thức anh? Tỏ nổi tự ái, đầu anh bốc nóng phừng phừng và anh quyết định đã thế thì anh phải đi tìm thằng bé, chắc chắn nó còn chui lủi quanh đây, đưa nó về nhà, che chở cho nó. Xem ra gã chủ thuyền cũng chỉ thuộc loại mềm nắn rắn buông, Tỏ coi thường! Việc tìm thằng bé đối với Tỏ không khó. Anh thông thuộc địa hình và mọi ngóc ngách vùng chân núi, chỉ cần căn cứ vào một vài biểu hiện khác lạ nhỏ nhặt là có thể phán đoán ra hướng lẩn trốn của thằng bé. Loanh quanh một lúc Tỏ đã đứng trước cửa cái hốc đá nông choèn, được che phủ phủ bởi đám cây bụi và dây leo. - Này cháu bé, ra đi. Cháu trốn được ai khác chứ không trốn nổi chú đâu. Ra đi, chú đưa cháu về nhà. Thằng bé lồm cồm chui ra khỏi hốc đá, mặt xám ngoét, vẻ sợ sệt. - Chú biết cháu lẩn trốn ai rồi. Kẻ ấy vẫn neo thuyền rình rập cháu ở chỗ cửa ngòi dưới đồng kia. Nhưng cháu đừng sợ. Nào, nào... đi theo chú! Tỏ giấu thằng bé vào cái chái buồng kho, cửa ngoài có khóa, lại thông vào trong nhà qua một cửa ngách. Anh không chỉ hỏi thằng bé vì sao lại lặng lẽ biến khỏi nhà anh vào lúc trời chưa rạng và cả câu chuyện mà nó giấu anh dẫn nó tới chỗ phải lẩn trốn gã chủ thuyền. Điều quan trọng đối với Tỏ không phải là bản thân thằng bé, nó vẫn hoàn toàn xa lạ đối với anh, anh giấu nó thản nhiên chỉ là để chứng tỏ anh dám đương đầu, chấp nhận sự thách thức của gã chủ thuyền hợm hĩnh vô lối. Tỏ đem cơm nước vào tận nơi cho thằng bé, qua cái cửa ngách phía trong nhà và nhắc đi nhắc lại, giọng quả quyết: "Cháu đừng sợ, dù gã chủ thuyền có mò vào tận đây, đã có chú che cho cháu. Đừng sợ!". Gã chủ thuyền vẫn neo thuyền chỗ cửa ngòi. Gã đi sục sạo vẩn vơ và lảng vảng quanh nhà Tỏ. Thỉnh thoảng Tỏ lại bất ngờ giáp mặt gã khi anh đi xuống bến nước, anh nhếch môi cười và buôn ra một câu lơ lửng: - Ông chủ thuyền vẫn còn ở đây kia à? Như một câu thăm hỏi vu vơ, không cần đợi trả lời. Rồi gã chủ thuyền cũng phải chịu thất bại, nhổ thuyền đi nơi khác. Tỏ lôi thằng bé ra khỏi cái chái buồng kho, phủi bụi và mạng nhện trên đầu tóc cho nó, giọng anh reo lên đắc thắng: - Bây giờ thì yên ổn rồi, kẻ truy bắt cháu biến rồi, cháu không còn phải lo sợ gì nữa. - Cháu cảm ơn chú. Ơn này cháu sẽ nhớ đời... Nhưng cháu phải đi. Chú cho cháu đi nhé. Tỏ không giữ thằng bé, anh chỉ hỏi nó có cần gì không, thằng bé nói "không ạ" rồi nó cúi đầu, chắp hai tay vái Tỏ thay cho lời chào từ biệt. Giây phút ấy lòng Tỏ đột nhiên xao động, anh xoa đầu thằng bé và cứ tự nhiên bàn tay tuột xuống đặt trên vai nó: - Khoan đã, cháu hãy ngồi xuống đây cho chú hỏi. Cháu có phải của gán nợ, mẹ cháu nợ nần gì đó gã chủ thuyền, phải đem cháu gán cho hắn không? Thằng bé ngồi im, khuôn mặt nó tối xầm, co giật, miệng mấp máy nhưng không nói nên lời: - Cháu hãy bình tĩnh. Chuyện của cháu, cháu muốn kể hay không muốn kể cũng không sao! - Cháu muốn chứ, muốn kể ngay từ cái hôm chú đi tìm cháu rồi giấu cháu vào cái buồng kho. Nhưng chú không hỏi đến thành ra cháu ngại. Gã chủ thuyền hắn bịp chú đấy. Sự thực khác hẳn... Mẹ cháu chẳng nợ nần gì gã chủ thuyền, chính cháu đòi đi theo gã, mẹ cháu can ngăn mãi không được đành phải cho cháu đi. Hóa ra cháu bị quân độc ác, nham hiểm ấy nó dùng lời lẽ ngon ngọt nó lừa. Cháu bị lừa. Cháu có lỗi với mẹ cháu, cháu nhớ thương mẹ cháu quá chú ơi! Câu chuyện của thằng bé lộn xộn, luôn luôn xen vào những ý nghĩ tha thiết đến quằn quại về mẹ nó. Hai mẹ con sống lủi thủi, mẹ nó bện chổi đót và đan lát những thứ lặt vặt bằng tre nứa, cặm cụi suốt ngày may lắm mới đủ tiền đong gạo. Còn nó chạy rông quanh chợ, thỉnh thoảng đảo xuống bến thuyền, ai sai gì làm nấy. Ngày phiên chợ có một chiếc thuyền cập bến, chở theo những món hàng của thành phố xa xôi như quần áo may sẵn, đồ nữ trang bằng nhựa mầu lòe loẹt, son phấn rởm, băng nhạc và tranh ảnh. Gã chủ thuyền thường thuê thằng bé khuân hàng lên bờ mỗi khi có người đến cất buôn. Công sá chẳng đáng là bao nhưng thằng bé thích vì được đụng chạm và tha hồ nhìn ngắm những món hàng lạ lùng, hấp dẫn, khêu gợi lên một cuộc sống khác với cuộc sống ảm đạm của nó. Gã chủ thuyền nhìn ngắm thằng bé kỹ lưỡng rồi nói với nó dịu dàng: "Con là đứa trẻ thông minh, lanh lợi, cứ chui rúc ở cái nơi heo hút này thì tàn đời. Con có muốn đi theo ta không? Ta có bạn ở khắp nơi, làm đủ nghề. Con muốn học nghề buôn sông nước như ta, ta dạy. Thích học nghề khác thì tùy, ta sẽ gửi gắm các bạn ta". Thằng bé về nói với mẹ nó rằng nó sẽ đi theo gã chủ thuyền. Mẹ nó can ngăn, dỗ dành nó không được thì òa khóc: "Con ơi, con lỡ bỏ mẹ ở nhà một mình thui thủi, mẹ thương nhớ con, lo lắng cho con đến héo ruột gan mà chết mất!". Thằng bé cũng khóc, nó thương mẹ nhưng nó muốn thay đổi cuộc sống, được đi xa, học lấy một nghề rồi trở về làm ăn nuôi mẹ. Thằng bé ra đi. Được một thời gian, cứ đến phiên chợ gã chủ thuyền lại quay thuyền về bến để thằng bé về thăm nhà, đưa tiền cho mẹ nó. Mẹ nó cầm tiền, càng lo lắng. Còn nó đang tuổi dại khờ, gã chủ thuyền đổi hướng, cho thuyền đi quanh quẩn vùng đồng chiêm chân núi, nó vẫn tin theo gã. Bẵng đi lâu lắm không được về nhà, nó chỉ âm thầm nhớ mẹ thôi. Nhưng cũng vì thế, vì có hình bóng mẹ lặn vào trong tâm tưởng, thằng bé phát hiện ra nó bị gã chủ thuyền lừa... Thằng bé nhìn Tỏ, kêu lên hốt hoảng: - Cháu không nghe lời mẹ cháu nên cháu bị lừa. Đáng đời cháu. Cháu phải về với mẹ cháu ngay bây giờ để mẹ cháu khỏi phải rơi nước mắt vì cháu! Tỏ trấn an thằng bé và nói rằng anh muốn nó nán ngồi lại với anh lâu hơn chút nữa, giục nó hãy cứ kể tiếp đi. - Thì cháu đã kể rồi, cháu bị lừa! - Thằng bé hấp tấp nói, như muốn thoát nhanh ra khỏi nỗi kinh hoàng nó vừa phải trải qua - Gã chủ thuyền ấy là quân buôn người, nó lừa cháu để đem bán cháu đi. May mà có mẹ cháu hiện ra trong giấc ngủ, mách bảo cháu, lay tỉnh cháu... Trước mắt thằng bé hiển hiện cảnh con thuyền neo đậu trong đêm tối, gã chủ thuyền ngồi uống rượu với một kẻ lạ mặt ở phía mũi thuyền. Hai tên đàn ông trò chuyện, thỉnh thoảng lại khạc nhổ và văng tục. Thằng bé nằm nép trong khoang, nó mơ thấy mẹ trong giấc ngủ và vừa tỉnh dậy. Tên lạ mặt nói: "Tôi không ưng món hàng của chú. Nó bé quá, không làm được việc nặng, nuôi tốn cơm!" Gã chủ thuyền nói: "Thôi đi, lớn bé đều đã có giá. Ông anh đưa nó lên tút hút rừng xanh núi đỏ, giao cho đứa lớn kèm cặp, bé cũng phải làm, làm mãi phải quen!" Thằng bé chưa nghĩ ra là hai tên đàn ông đang bàn về nó. Bỗng tên lạ mặt hỏi: "Nó ngủ rồi à?" Gã chủ thuyền dí ngọn đèn dầu vào trong khoang rồi lại đặt đèn xuống cạnh mâm rượu: "ừ, nó ngủ rồi. Mà nó chưa ngủ cũng chẳng sao. Anh em mình cứ say túy lúy đi. Sáng sớm mai tôi sẽ giao hàng..." Thằng bé tỉnh thức hẳn, tim nó đập thình thình nhưng hai mắt vẫn nhắm nghiền, người cứng ra. Dường như nó nghe văng vẳng tiếng mẹ nó nói, lẫn trong tiếng gió đồng: "Con ơi, con đã thành món hàng để người ta mua bán trao tay..." Thằng bé vờ trở mình, lăn dần về phía cuối thuyền. Đến khi hai tên đàn ông say mèm, nói năng lẫn lộn thì nó tụt xuống ngòi nước, lội vào bờ rồi cắm đầu chạy thục mạng. Đêm tối thui, nước đồng dềnh lên trắng mờ lênh láng, chỉ vùng chân núi in trên nền trời một mảng thấm đen. Thằng bé lần mò quanh quẩn gần suốt đêm, hướng về phía chân núi. Đến tờ mờ sáng, nó rúc vào bụi rậm ở sườn con dốc lên nhà Tỏ giở sống giở chết, may mà ngày hôm đó gã chủ thuyền còn mải lùng tìm nó ở dưới đồng nước, chưa kịp mò lên đây. - Nhờ có mẹ cháu mách bảo, cháu mới tìm đến được nhà chú. Phúc đức cho cháu quá, chú ơi! Điều thằng bé nói vẻ như vô lý nhưng chính vì nó vô lý nên Tỏ bị hấp dẫn. Có cái gì lạ lẫm rung lên mơ hồ trong lòng Tỏ. Thằng bé trở nên gần gũi đối với anh, nó nhập vào cái thế giới khép kín của anh, đem theo thứ tình cảm thiết tha về người mẹ. - Cháu phải về với mẹ cháu ngay bây giờ - thằng bé đột ngột đứng lên và nó lại chắp hai tay vái Tỏ - Cháu biết ơn chú, chú cho cháu đi... - Cháu đừng nói đến chuyện ơn huệ, to tát quá - Tỏ nắm chặt tay thằng bé - ừ, cháu đi. Nhưng cháu không thể băng đồng, đi theo đường sông nước, nhỡ lại rơi vào tay gã chủ thuyền. - Tỏ bật nói ra cái quyết định vừa đến thức thời, gần như không phải suy nghĩ gì cả - Chú sẽ đi với cháu. Chú biết lối tắt theo đường núi, đến cái phố chợ có nhà cháu. Đi đường ấy cùng với chú, vừa an toàn vừa nhanh hơn... Nào, chú cháu ta lên đường! Con đường núi chính là con đường Tỏ thuở nhỏ vẫn đi kiếm củi, đem ra bán ở phố chợ. Nhiều quãng bị cỏ dại che phủ cả lối mòn nhưng anh vẫn nhớ như in. Thằng bé lẽo đẽo đi theo Tỏ, mồ hôi nhễ nhại, thở hụt hơi. Tỏ sợ thằng bé mệt, muốn dừng lại cho nó nghỉ nhưng nó nắm cánh tay áo Tỏ khẽ giật giật và nói líu ríu: "Cháu sắp được gặp mẹ cháu rồi cứ đi đi, đi nhanh nữa chú ơi!". Đến quãng đường quanh và bằng phẳng thằng bé còn chạy vọt lên phía trước rồi quay lại nhoẻn cười. Nó không biết rằng Tỏ đã ghìm bước chậm lại cho vừa sức đi của nó. Thằng bé mỗi lúc một thêm náo nức, nó nhắc đi nhắc lại: "Cháu sắp được gặp mẹ cháu rồi. Mẹ cháu ngồi bện chổi đót, lúc nào cũng cắm cúi nhưng mà lạ lắm chú ơi, hễ cháu đi đâu về, mẹ cháu không cần ngẩng nhìn cũng biết ngay!". Những mẩu chuyện vụn vặt của thằng bé về người mẹ lam lũ, tràn đầy tình thương yêu nhọc nhằn đối với nó cùng với cái giọng kể trẻ thơ của nó dội vào lòng Tỏ, lay động vùng sâu xa mù mịt, bị vùi lấp của anh. Thuở anh còn nhỏ, theo ông bố cứng rắn đến ương gàn đến lập nghiệp ở đây, anh từng thắc mắc về cái gốc gác của mình và tưởng tượng mơ hồ về một người mẹ. Lão Nhòe bố anh đã mang theo điều bí ẩn ấy xuống mồ, để lại trong anh một khoảng trống. Cái bóng của lão Nhòe trùm lên khoảng trống đó, khiến nó bị chìm khuất đi. Nhưng lúc này khoảng trống ấy hiện ra khiến anh cảm thấy chông chênh... - Ô, con đường đá kia rồi. Đi hết khúc quanh ở phía trước kia, xuống chân dốc là đến lối rẽ vào phố chợ rồi! - Thằng bé nhẩy cẫng và reo to lên - Mẹ ơi, con sắp gặp mẹ rồi! Tiếng reo náo nức của thằng bé va đập vào khoảng trống trong lòng Tỏ. Mới khoảng mười giờ sáng, mặt trời chênh chếch đỉnh đầu, Tỏ không ngờ thằng bé theo anh vượt chặng đường xa và gập ghềnh nhanh đến thế. Vào đến phố chợ, thằng bé vượt lên trước, bây giờ đến lượt nó dẫn Tỏ đi. Thằng bé thoăn thoắt rẽ phải, rẽ trái, lại rẽ trái, đi sâu vào ngõ hẹp rồi dừng lại trước một ngôi nhà nhỏ: - Nhà cháu đây. Mẹ cháu đang ngồi bện chổi đót ở góc sân kia kìa! Tỏ đẩy nhẹ vào lưng thằng bé: - Cháu vào đi! Vào đi! Thằng bé hơi chùn lại: - Sao lại thế ạ? - Chẳng sao cả. Chú muốn đứng lại đây giây lát. Cháu vào với mẹ cháu đi! Vào đi! Mãi sau này Tỏ vẫn nhớ đến cảnh tượng hai mẹ con chú bé gặp nhau. Chú bé lắp bắp nói câu gì đó và òa lên khóc nức nở. Người mẹ ngồi ngay đờ rồi giật mình bừng tỉnh, bà lau nước mắt cho đứa con, áp cả hai lòng bàn tay vào khuôn mặt nó, kéo nó gần lại phía mình: "Đừng khóc! Đừng khóc! Nào, nào... ngẩng mặt lên cho mẹ nhìn con lâu lâu một chút nào!" Hình ảnh người mẹ của chú bé xa lạ thoắt trở nên gần gũi, thay thế vào cái khoảng trống mơ hồ trong tâm hồn anh khiến anh không còn bị chông chênh và cân bằng trở lại... Tỏ thay đổi một cách tự nhiên, như cuộc sống lớn lao, bình dị lôi cuốn anh vào. Bây giờ anh hay vào làng gặp người này người khác và người làng cũng thường ra khu trại nhỏ của anh, có khi vì công việc, cũng có khi chỉ chuyện gẫu cho vui. Tỏ nhớ con chim khách, nó mải bay đi phương nào nhỉ? Chính nó đã từng bay đến kêu ngay trước cửa nhà anh!Tháng 12 năm 1998 N.K.