Mưa bắt đầu dày hạt, không còn li ti, réo rắt mà chuyển sang một cung bật cao hơn, ồn  ào và mạnh mẽ. Như những bàn tay vỗ mạnh vào phím đàn, mưa xối xuống mặt đường, lên cành lá tạo nên thứ âm thanh vừa rõ ràng vừa hỗn loạn. Tôi lầm lũi bước, đất mềm ra dưới cơn mưa hay dưới chân tôi, bước chân của kẻ quay về! Đất ùa ra trào qua kẻ ngón, bao trùm lấy bàn chân. Trong cái lạnh gió mưa, nghe hơi ấm của đất nồng nàn quen thuộc. Ôi, đất mẹ quê hương! Nơi đã sinh ra tôi trong nhọc nhằn đau đớn, tiễn tôi đi rồi khắc khoải đợi chờ, và bây giờ… mảnh đất cằn cỗi phèn chua lại dịu dàng đón bước tôi về! Qua màn mưa nhạt nhòa mờ ảo, con đường đê rộng, dài, thẳng tắp vụt trở thành con đường làng ngoằn ngoèo, quanh co, khúc khuỷu và nhỏ bé có một thời tôi thuộc lòng từng ngõ ngách, từng cây cầu khỉ, từng bãi trâu nằm. Con đường nằm kề bên dòng sông lúc nào cũng ngầu đục phù sa, nhiều tôm, nhiều cá. Sau lưng nó là cánh đồng rộng mênh mông không phải với ruộng lúa thần nông mượt mà xanh, đang vào thì con gái mà mọc đầy cỏ năn, cỏ lác cao lút đầu người với bông súng trắng thân nhỏ ruột mềm, tôi thường nhổ về cho mẹ nấu canh chua cá lóc hay bông súng tím thân to giòn rụm chấm với mắm kho, những món ăn mà đến mãi bây giờ chỉ cần nghĩ về nó thôi là nước bọt đã tứa đầy miệng… Đặc biệt, con đường ấy có một khoảng dài không mái nhà nào cả nên người ta gọi là Khúc Vắng. Giữa Khúc Vắng trơ vơ ngôi miếu nhỏ lợp tranh dột nát nằm lọt thỏm giữa lùm cây âm u, rậm rạp, gọi là miếu Cô Hồn. Sau lưng miếu sừng sững một cây bằng lăng cổ thụ ba người ôm không xuể, mùa hè về lại trổ bông tím ngát. Cây bằng lăng này đã tạo nên nhiều huyền thoại cho miếu Cô Hồn. Ngoại kể: Xa xưa lắm có tên ác bá dùng bạc tiền, thế lực chia rẽ một đôi tình  nhân. Để được mãi mãi gần nhau, đôi tình nhân đã cùng nhau treo cổ trên cây bằng lăng này. Tên ác bá kia tức giận dẫn gia nhân đến hạ thi thể của họ xuống đem đốt thành tro bụi. Khi ngọn lửa bốc cao, tên cường hào kia bỗng lăn đùng ra chết. Cha lại kể: Mới đây thôi, thời chống Mỹ, dưới gốc bằng lăng là hầm bí mật của cô cán bộ du kích còn trẻ lắm. Ngày kia, một kẻ đốn mạt, đê hèn đã phản bội người bạn, người đồng chí của mình… Máu của quân thù, máu của cô gái ấy đã nhuộm đỏ gốc bằng lăng, còn tên phản bội mấy ngày sau bị rắn cắn chết rấp ngay cửa miếu… Đây rồi, tôi dừng bước. Bao nhiêu năm vật đổi sao dời, miếu Cô Hồn giờ không thấy nữa nhưng gốc bằng lăng huyền thoại vẫn còn kia sừng sững như một tượng đài. Bất chợt, tôi rùng mình, trong tận cùng tâm thức hay ẩn hiện ngoài gió mưa, một âm thanh vừa xa xôi vừa gần gụi, như nhớ như quên mà có lẽ ít nhất một lần trong đời tôi đã nghe qua: “Cứu… cứu… Tí ới ời… cứu với!”. Ma! Đúng rồi! Ma đang rượt thằng Tèo. Như phản xạ bản năng tôi co giò vùng chạy. Lạ kìa! Sao chân tôi không nhấc được lên khỏi đất… Phải! Đất mẹ dịu hiền rộng lượng nhưng không bao giờ tha thứ cho những kẻ bỏ rơi bè bạn. Hai mươi năm trước tôi cũng sợ hãi như bây giờ và tôi cũng chạy… Nhưng tôi chạy về nơi có tiếng kêu cứu của Tèo để kéo Tèo ra khỏi dòng nước xiết… Đêm ấy hai chúng tôi phải trèo lên cây bằng lăng cổ thụ ngồi đợi sáng vì đường về làng bị lũ cuốn vỡ tung từng đoạn, xung quanh chúng tôi nước ngập trắng đồng. Mưa vẫn không ngớt hạt và gió gầm gào rung giật, khi hai đứa trong tay nhau, trong hơi thở và trong tiếng nấc, đất mẹ thiêng liêng đã chứng minh cho một tình bạn vĩnh hằng. Cả hai đứa đều không dám ngủ vì sợ rơi xuống nước. Vừa đói vừa lạnh, chúng tôi ngồi ôm nhau nhai đọt bằng lăng, nghe vị chát tê tê trên đầu lưỡi mà thèm một miếng bánh xèo để gói. Tôi ngậm ngùi bảo Tèo: “Thế là tiêu hai giỏ cá, uổng công đi thả câu từ sáng tới chiều”. Tèo nhìn xa xăm bảo: “Cái đất Đồng Tháp mình thiệt ngộ, khi hiền khô, lúc quá trời hung dữ. Lớn lên tao sẽ học cái cách làm cho nó chỉ hiền thôi…”. Từ ngày chết hụt ấy trở đi chúng tôi không còn được bên nhau  như bóng với hình, không còn được cùng nhau giậm cá lia thia mỗi mùa nước nổi hay trốn nhà hôi cá tận đồng xa… Vì… vì tôi đã rời khỏi mảnh đất phèn chua nắng cháy, đỉa lội đầy đồng đi theo một tiếng gọi quyến rũ và xa lạ lắm…
Hai mươi năm, thằng Tèo bạn tôi đã trở thành kỹ sư thủy lợi Lâm Thành Minh, bạn tôi đã và đang thực hiện ước mơ thời thơ bé. Còn tôi, tôi đã làm được gì cho xứ sở quê hương! Thế mà tôi ơi! Khi vừa đặt những bước chân đầu tiên ngượng ngập quay về, đứng trước cây băng lăng - tượng đài ghi lại chiến công hiển hách của thằng cu Tí ngày xưa suýt nữa tôi đã gạch tên mình trên trang sử vang tình bạn. Có ai không! Ai đã một lần vô tình soi lại mảnh gương thần ký ức và nhận ra TA - NGÀY ẤY - BÂY GIỜ. Hãy trả lời cho tôi biết có phải thời gian đã làm cho ta hèn nhát, hay lối sống tự tư, ích kỷ được che đậy bằng những mỹ từ phồn hoa, hiện đại… đã làm cho lòng nhân ái, lòng can đảm bị bào mòn… Tôi quỳ xuống cởi áo ra, mưa quất vào lưng tôi như ngọn roi của mẹ ngày xưa mỗi khi trốn học đi chơi hay làm điều gì lầm lỗi. Dưới những giọt mưa tinh khiết, bụi hồng trần hai mươi năm và những nhỏ nhen dục vọng, những ham muốn thấp hèn trôi đi… Tôi thấy mình trở về bản ngã thành đứa trẻ sơ sinh, trong trắng và thánh thiện… Mưa tạnh rồi, mẹ quê hương đã tha thứ cho tôi, một đứa con nửa đời lạc lối. Mưa ngoài trời đã tạnh nhưng trong tôi dòng cảm xúc chợt hóa thành bão lớn thổi vào tim vỡ tung ra những lời thổn thức: “ Tuổi thơ ấu hoa bằng lăng tím rụng, trôi đầy sông tím mảnh hồn tôi, tím hoàng hôn tím cả chân trời, tím mực mồng tơi, tím cả tuổi đời còn tím. Rồi khôn lớn cạm bẫy đời hóc hiểm, màu tím ngày xưa trắng đổi đen dời, hoa lạc mấy dòng trôi nổi bao nơi, đài úa nhụy tàn rã rời cánh mỏng… Dòng nước ngày xưa một hôm lạc bước tìm về, mùa hoa đã tàn nhưng trái kết sum xuê, lòng chợt bồi hồi mân mê nhành lá… Dòng sông ấu thơ vô tình trôi êm ả, để tuổi hoa niên đi mãi chưa về, thực tế trắng đen đổi dời còn ở lại, bên dòng trôi văng vẳng tiếng gọi sầu: Hoa bằng lăng, hoa bằng lăng tím của tôi đâu?”.
 
 
Q.T

Xem Tiếp: ----