Dịch giả : Từ Vũ

M ặc dù đã suy đi xét sự việc xảy ra cả ngàn lần trong đầu nhưng tôi vẫn nhất quyết rằng tôi chẳng có gì dính dáng đến vụ đó, cái vụ làm tôi phải có mặt tại cơ quan cảnh sát lúc này.
Nếu thằng Toại có bán vợ của hắn cho tên lái trâu thì đấy là do chính sáng kiến của hắn chứ đâu phải của tôi - điểm này là điểm chính. Tôi cũng chẳng cám dỗ, lôi cuốn vợ hắn vào bãy, tôi cũng lại chẳng âm mưu gì với thằng Toại lúc hắn ta ký giấy bán vợ.
Hơn nữa, thằng Toại đâu phải là loại người dễ dàng bị đánh lừa, điều này thì cả làng, cả xóm này ai mà không biết chứ!. Chúng tôi là hàng xóm với nhau, tất nhiên, ngay cả mày mày tao tao khi xưng hô, nhưng hắn ta chẳng bao giờ thích trò chuyện, khi bàn luận bất kỳ vấn đề gì hắn cũng chỉ tự bằng lòng với câu trả lời duy nhất một, hai, may lắm là ba... tiếng - không phải chỉ riêng với tôi mà còn đối với tất cả mọi người, ngay cả bè bạn thân thiết của hắn nữa. Là người có tính hay làu bàu, trán hắn lúc nào cũng trũng sâu với những lớp nhăn, nhìn vào người ta có thể nói là hắn tức bực cả làng, cả nước, cả thế giới. Đến nỗi rằng, cách đây không bao lâu, vợ hắn sang nhà tôi vừa khóc vừa kể lể than vãn. Vợ hắn kể rằng, ông chồng to như một con gấu bẩn của cô cứ ì ra hệt như pho tượng đất trong một góc phòng, miệng câm như ngậm hạt thị trong khi cả nhà tìm không ra được một thứ gì để nhét vào bụng. Rằng, ông chồng cục cằn của cô suốt ngày chẳng chịu làm lụng gì, điều này thực đã khó lòng chiụ đựng lại còn thêm cứ lầm lầm lì lì im lặng chẳng nói một tiếng nào!...Rằng, dù cô ta đã làm tất cả những gì mà một người vợ đảm đang phải làm, rằng cô ta vun vén đủ điều... kết qủa cũng chỉ bữa ăn bữa nhịn, nhiều khi phải van xin, cầu khẩn như ăn mày nơi hàng xóm láng diềng.
Nếu bảo là tôi, trong vụ này, có một chút ảnh hưởng không tốt nơi thằng Toại, thì cứ cho là có thể được đi. Nói cho cùng, điều sai duy nhất của tôi, là đã viết một tờ giấy biên nhận hộ cho hắn.
Hôm đó, trong lúc tôi vừa ăn sáng xong và đang ngồi thắt chiếu, thằng Toại lù lù dẫn thân đến, trên tay hắn một tờ giấy trắng phất phới theo chiều gió, hỏi tôi:
- Mày có biết viết một tờ biên nhận không?
- Tờ biên nhận để làm gì? Tôi hỏi.
- Tao hỏi mày có biết viết hay không?.
Hắn vặn lại, biểu lộ rằng hắn không muốn trả lời câu hỏi của tôi, cử chỉ hơi lúng túng, có lẽ vào lúc đó trong nhà không phải chỉ có một mình tôi.
Tôi nghĩ ngay việc này chắc có liên quan đến cô vợ hắn vì hắn đã hé lộ một vài điều với tôi mấy ngày hôm trước mà tôi cũng không nhớ rõ lắm. Tôi ngừng tay làm, đứng lên, lôi hắn ra ngoài hỏi nhỏ:
- Về vụ mụ vợ của mày phải không?
- Ừ.
Hai mắt hắn tròn xoe, vẻ băn khoan suy nghĩ, sau đó tiếp tục:
- Tao quyết định bán nó cho thằng lái trâu, cái thằng cha ở bên kia sông đó. Mụ vợ thằng Sơn (mày biết mà, thằng chủ quán trọ đó) đã làm mai làm mối. Hiện thằng lái trâu đang có mặt ở quán trọ. Nó kèo nài cho bằng được một tờ biên nhận nhưng cả bọn tao đâu có ai biết viết lách gì. Tao bảo với nó là kiên nhẫn đợi tao một chút, thời gian để tao về nhờ mày giúp tao. Mày đã đến trường như thế là mày có thể viết được một tờ biên nhận phải vậy không?
- Nhưng tao lại không có bút, mực gì ở nhà!
- Không sao cả, cứ đi với tao.
Gió cuối thu thổi trên ngọn đồi, quét dồn những chiếc lá héo của chòm cây thích xuống tận giòng suối bên dưới. Hai chúng tôi rảo bước, hắn khép kín mình trong im lặng, tôi, hai tay chắp sau đít đi đằng sau hắn. Tôi cũng đã muốn, nhân danh tình bạn bè, thuyết phục hắn, dù hắn có nghe hay không đi chăng nữa, nhưng tôi lại không dám mở miệng, chẳng phải là tôi không muốn nói khi nghĩ đến thằng Cu Đe, đứa con mới 4 tuổi đầu của hắn, để bảo thẳng với hắn rằng bằng bất cứ với giá nào hắn cũng nên giữ cô vợ lại. Nhưng điều này cũng là điều thật tế nhị cho tôi vì tôi không muốn bị lôi kéo vào chuyện chẳng dính dáng đến mình nhất là tôi lại chẳng thể giúp đỡ được gì cho gia đình hắn ta trong việc mưu sinh thường nhật. Vả lại, nếu vợ chồng hắn cứ ôm khịt lấy nhau mà chết trong cảnh đói khổ thì thôi chẳng thà là cứ để cô vợ của hắn đi nơi khác sống còn hắn thì dù sao cũng có được một số tiền để xoay sở, thoải mái hơn một chút...
Đi sau hắn, tôi lại nghĩ đến hoàn cảnh của tôi hiện tại, cũng chẳng hơn gì hắn với những loay hoay xoay trở suy tính: Vụ gặt trong năm của tôi đã phải dành ra tất cả để trang trả những món nợ bên tả, bên hữu mà tôi vay mượn. Cả nhà chỉ còn lại được ngót nghét gần 15 kí lô thóc. Dẫu thế, dù sao tôi cũng còn đỡ hơn là Toại, vì hắn, hắn không tài nào có thể trả được những món nợ đã vay mượn. Khi tưởng tượng phải chịu đựng hoàn cảnh hiện nay của tôi, tôi có cảm tưởng rằng trời sẽ đổ ụp trên đầu tôi. Tôi tự nhủ rằng tốt hơn là kể từ mùa đông năm nay tôi cũng nên đi xin làm một chân thợ mỏ trong những mỏ vàng, hay thử thời vận cờ bạc đỏ đen - chuyện này thì ở đây chẳng thiếu chỗ. Nhưng muốn cờ bạc thì cũng phải có một chút tiền vốn mà tôi thì lại chẳng có vợ để bán như anh chàng Toại bạn tôi. Nhà tôi, cũng có đàn bà, đó là mẹ tôi, nhưng khổ một nỗi là bà lại đang bị đau ốm. Hơn nữa (tôi thật xấu hổ khi phải nói ra điều này), chẳng những mẹ tôi đã già, mà lại chỉ cha tôi là người có quyền làm gì thì làm với bà ấy còn tôi chẳng chút quyền hành gì.
Đấy, vì thế mà tôi không có thể nói thẳng ra được với thằng bạn của tôi rằng nó đừng bán vợ nó...thú thực dù sao trong tôi cũng có một chút tiếc rẻ là tôi đã không lấy vợ, như hắn: tôi đã có thể, tôi cũng vậy, bán vợ tôi...
Lúc cả hai đã ra đến đường cái, tôi bảo với thằng Toại:
- Đi trước đi, tao sẽ đến ngay. Tao phải đi mượn thỏi mực và cây bút.
- Nhớ mượn thêm bình mực nữa nghe...Hắn noí để nhắc tôi.
Tôi tà tà thả bộ và đến quán trọ, dưới những tàn cây dẻ, bằng ngã sân sau đầy cứt gà. Tôi tò mò muốn biết cái mặt mẹt của tên lái trâu. Nếu hắn có khả năng mua một mụ đàn bà và trâu bò thì chắc hẳn là hắn có đầy đủ phương tiện.
Khi mở cửa bước vào phòng, tôi trông thấy một người chột mắt, má phính và đẫy đà, đáng ghét. Ngồi trước cái bàn đầy những chai rượu, hắn nhìn tôi bằng con mắt không một chút thiện cảm. Quần áo hắn dính đầy những vết mỡ được trang hoàng hình như để làm dáng bằng những dải vải có vẻ giả tạo của quân đội. Ngồi cạnh hắn là vợ Toại, mẹ của thằng Cu Te đang vạch vú cho con bú. Cô ta khép nép khiến người ta nhìn vào có thể nghĩ ra được rằng cô sẽ bằng lòng chấp thuận mọi điều kiện đưa ra về việc này. Dưới mắt nhìn của tôi thì cả hai, nhất quyết không thể xứng đôi vừa lứa. Khi trông thấy tôi, cô vợ Toại đỏ mặt. Cô ta chào tôi:
- À, anh đã đến?
Dứt lời, cô ta cúi mặt nhìn xuống.
Chính mụ già, chủ quán đã làm công việc giới thiệu mọi người (mụ này là một mụ phù thủy thật sự chứ không phải đùa ):
- Đây, là người cháu, cháu xa gọi tôi bằng cô; anh ấy là lái trâu, anh ấy không bủn xỉn đâu...
Sau đó, mụ vỗ vào vai tôi bằng bàn tay xương xẩu của mụ rồi nói tiếp:
- Còn anh này, anh Bông, anh ấy biết viết những tờ giấy biên nhận.
- Hân hạnh! Tên lái bò lên tiếng bằng một giọng ồm ồm. Tôi không biết anh nhưng tôi xin tự giới thiệu: Tôi là Hoàng Cô Phòng, cư ngụ bên kia sông.
Tôi, cũng vậy, một cách nghiêm chỉnh tự giới thiệu và trịnh trọng nói với hắn rằng 10 năm trước đây, cha tôi cũng có rất nhiều ruộng đất...nhưng, thay vì nghe tôi nói hắn cướp lời đi ngay vào vấn đề:
- Tôi nhờ anh đến đây để viết một tờ biên nhận. Đáng tiếc rằng tôi đã làm phiền anh việc này song hãy viết cho tôi một tờ biên nhận thật chu đáo.
A, con khỉ một mắt này! hắn dám chận lời tôi như vậy hả! Tôi có đến đây cũng chỉ vì thằng Toại: chẳng một lý do nào khiến tôi lại phải nghe tên ba trợn này ra lệnh. Tôi tự nhủ rằng hắn đúng là một kẻ thô tục rồi vừa quay đầu đi chỗ khác vừa giận dữ cau mặt lại. Chính ngay vào lúc đó, hắn đưa một ly rượu mời tôi:
- Nào, trước hết chúng ta hãy cụng ly cái đã.
Không cách nào từ chối được; tôi cầm ly rượu một cách lịch sự, bằng hai tay.
Mới chỉ uống được 3 ly thì thằng Toại (mặt hắn lúc đó dài ra như mặt ngựa) đã chực nhào tới cạnh tôi. Để làm hắn bình tĩnh lại, tôi lấy bút (lúc này thì tôi cũng chẳng còn nhìn được rõ cho lắm) và viết nguệch ngoạc điều mà tên lái trâu muốn:
Tờ Biên Nhận
50 Wons
Tôi thừa nhận đã nhận số tiền này
đổi lấy vợ tôi
Ngày 20 tháng 10 năm 1934, năm Hợi
Chu Trương Toại
Để cho Hoàng Cô Phòng
Thằng Toại đã lăn ngón tay cái của hắn vào tờ giấy tôi vừa viết và đưa cho tên lái trâu. Tên này bảo tôi đọc lớn cho mọi người cùng nghe, sau đó hắn nhìn vào tờ giấy biên nhận một lúc lâu, rồi với một vẻ bán tín bán nghi bằng đôi mắt tròn xoe hắn hỏi tôi:
- Mày thấy như thế là đủ rồi hay sao? Nếu như gia đình hắn kiếm được đủ số tiền mà hắn lại muốn chuộc vợ lại...?
A, tên lái trâu này nghĩ là hắn đang ở chợ buôn bán trâu bò hay sao nhỉ? Tôi sửng sốt nhìn hắn ta, sau đó Toại bảo tôi là cứ viết thêm vào tờ biên nhận những gì mà tên côn đồ lái trâu muốn:
Dù thế nào đi chăng nữa,
tôi thề rằng tôi sẽ không bao giờ
đòi lại vợ tôi.
Sau khi đã hài lòng với những chữ được tôi viết tiếp, tên lái trâu với tay cởi tuí tiền (cái túi treo bằng một sợi dây cũ kỹ nơi lỗ khuy ở cái áo gi lê hắn đang mặc). Hắn lôi ra một sấp tiền một won, tất cả đều cáu bẩn, rồi đếm từng tờ một, đếm đi đếm lại thật cẩn thận, lật đi lật lại kiểm soát từng đồng. Mỗi lần đếm, hắn đưa những ngón tay lên miệng thấm bằng nước bọt. Những tờ giấy bạc đã ướt đẩm lại một lần nữa đến lượt thằng Toại tẩm thêm nước bọt của hắn để đếm lại lúc nhận tiền. Một ý nghĩ thoáng trong đầu tôi: muốn cho những tờ giấy bạc của ngân hàng trở thành đẹp đẽ chắc có lẽ người ta cần phải tẩm cho thật nhiều nước bọt vào.
Thật đó, tôi chẳng hề đụng đến một cắc tiền cò tiền kiếc gì, nếu tôi nói dối thì " ông bà vặn cổ tôi đi ". Có một người đã nhận được 5 wons từ mỗi phía trong việc trao đổi này: đấy là mụ già chủ quán trọ. Tôi, tôi chỉ được đúng vài ly rượu. Nhất là chính tôi, khi mọi việc xong xuôi, lại phải đưa chân tên lái trâu nữa chứ...không, thực ra tôi đưa mẹ của thằng Cu Te, đến tận đỉnh đèo, nơi nghĩa trang của làng, từ quán trọ đến đó mất hơn hai cây số.
À, tôi chẳng cảm thấy có gì vui khi mọi người đã lên đến đỉnh đèo nhất là lúc nhìn thấy con đường ngoằn nghèo ở mé dưới, dẫn vào rặng núi phía trước mặt. Nói rằng người đàn bà này ở cùng làng với tôi, cô ta đã bị bán đi và sẽ đi sống ở nơi khác...Tôi thực sự ngao ngán, như chính tôi phải ra đi. Lại nữa, cô ta đã làm tôi mủi lòng: khoác trên mình chỉ một chiếc áo đơn mỏng manh, cô ta đang lập cập trong làn gió lạnh.
- Thôi, tạm biệt mẹ thằng Cu Te!
- Chào anh!
Dứt lời, cô tiến lên trước trên con đường quanh co ; tôi nhìn thấy thân hình cô ta nhẹ nhàng đong đưa theo bước chân. Cô ta chẳng có một vẻ gì là luyến tiếc. Cô ấy ra đi như một người đi đến một nơi mà họ đã biết trước. Điều làm tôi bàng hoàng là thằng Toại, nó đứng ngay đằng sau lưng tôi, hắn không nói lời giã từ nào với cô vợ cả. Thằng Toại đứng ì ra đó, giống hệt như một cái tượng vật tổ mà người ta thường thấy dựng ngay ở cổng ra vào các làng quê, hắn như tự hài lòng với những cái nheo mắt của hắn. Đồ chó đẻ! cho dù có ở một ngày với vợ, thì dù sao cũng là vợ mình chứ! Nhưng hắn, suốt 18 năm, hắn xử dụng vợ hắn như người ta xử dụng một con bò, con trâu. Nếu hắn đã không chết đói cũng là nhờ có cô ta, nhờ sự chăm lo, tảo tần của cô ấy chớ...Song, hắn lại chẳng biết thốt ra được một tiếng cám ơn. Trời đất ơi! cái quân thô lỗ này!... thật đáng khinh tởm!
Thằng Cu Te, bấy giờ thì cha nó đang bế nó trong tay, rãy dụa khóc. Thằng bé vừa gào lên gọi mẹ, mẹ nó bây giờ thì đã đi xa, vừa đấm liên hồi trên ngực cha nó. Thế là cha nó, quân thô lỗ, xáng cho nó một cái bợp tai làm nó im, nhưng cũng chỉ được một lát để sau thằng bé lại gào ré lên càng lúc càng dữ dội hơn.
Phần tên lái trâu, dưới hậu quả của rượu đang ngấm lên tận đầu hắn sau khi đã nói vớ vẩn một chập, hắn cáo từ một cách thật trịnh trọng:
- Các bằng hữu, tôi mang ơn các bạn thật nhiều. Tôi sẽ tìm dịp nào đó để hậu tạ các bạn.
Dứt lời, tên lái trâu chệnh choạng xuống dốc. Hắn vấp phải một cục đá và ngã lăn tròn. Phải công nhận là hắn may mắn vì nếu không có những cành cây giữ thân thể hắn lại thì nhất định là hắn đã bị rơi tòm xuống vực thẳm rồi và cái bụng tròn như một cái lọ đựng kẹo bằng thủy tinh của hắn sẽ phải bị nỗ tung ra mất. Tên lái trâu đứng lên, liếm môi, hắn bị một vài cục u, và, khi quay lại nhìn chúng tôi, lộ ra vẻ e thẹn, làm chúng tôi cũng phải bật cười.
Mẹ của thằng Cu Đe lúc này cũng đã mất dạng trên đường, sau một chỗ ngoặt.
Thế mà năm ngày sau, cái tên lái trâu vô lại đó quay trở lại để lôi tôi đến cảnh sát. Hắn làm ăn với thằng Toại chứ đâu phải với tôi mà bây giờ hắn lại kèo nài với tôi. Hơn nữa, nếu hắn đến vào lúc tôi rảnh rang thì không nói làm gì, hắn lôi kéo tôi trong lúc tôi đang lo việc chở phân mặc dù tôi đã cố phân giải cho hắn tỉnh táo song hắn chẳng cần biết gì, bực mình tôi xô hắn ra làm hắn ngã bệt trên cỏ thế là hắn túm cổ họng tôi rồi lôi tôi đi như lôi một con bò. Nếu thực sự tôi được ăn một chút tiền huê hồng hoặc nếu tôi là người trung gian mối lái thì cũng đáng đi nhưng đàng này tôi chỉ viết một tờ biên nhận thay cho thằng bạn tôi rồi được uống vài ly rượu do chính hắn mời: như thế đủ để là một thủ phạm hay sao chớ?
Theo lời hắn thuật lại thì mẹ thằng Cu Đe đã biến dạng, vào ban đêm, bốn ngày sau khi về với hắn, nghĩa là mới ngày hôm kia. Hắn nói là hắn không thể chợp mắt và hắn tự nhủ là cô ấy sẽ quay trở lại vào lúc trời sáng. Nhưng chờ đến hừng sáng cũng chẳng thấy tăm hơi. Sáng sớm hôm đó hắn đi tìm. Hắn tin rằng hắn bị lừa vì thế mà hắn trở lại đây. Nếu mà tôi không nói cho hắn biết cô ta đi đâu, hắn dọa tôi (lôi mặt tôi sát vào cái mắt duy nhất của hắn, răng hắn nghiến trèo trẹo) rằng hắn sẽ tự sát...cùng với tôi!
- Nhưng tôi có phải là người bán cô ta cho anh không chớ? Anh muốn gì hả?
- Thằng Toại cũng đã bỏ trốn, nhưng mày, mày biết rõ là nó đi đâu! Hai đứa mày đã toa rặp để lừa tao, quân đểu giả!
- Nhưng tôi có biết nó đi đâu!
- Câm đi, mụ già chủ quán đã kể cho tao rõ tất cả rồi. Mày còn muốn lừa tao nữa hay sao, đồ thối tha!
Thế là hắn quẳng phịch tôi xuống bờ đê, rồi trong khi tôi chưa kịp phủi bụi bậm trên lưng, hắn lôi tôi sềnh sệch. Như vậy là mụ già chủ quán bảo nó đên tìm tôi vì tôi biết thằng Toại đi đâu. Mụ ta chắc sợ là phải trả lại tiền hoa hồng đã nhận nên trút tất cả trách nhiệm cho tôi. Trong cái đầu của tên lái trâu thì chính tôi đã gợi ý cho thằng Toại bán vợ để kín đáo nhận một số tiền cò mồi.
Quả thực thì thằng Toại cũng biến mất vào ngày hôm kia, cùng lúc với vợ hắn. Nó đi trốn, nó đi thăm bà con họ hàng của nó, tôi đâu có biết. Tất cả những gì tôi được biết về nó là việc nó đi khắp làng để trả nợ, lúc thì bằng tiền mặt, khi bằng hiện vật, những món nợ mà vợ hắn để lại, nhiều khi món nợ chẳng ra gì. Thử hỏi đấy có phải là là một trọng tội mà nó phạm phải hay không để mà nó phải bỏ làng đi trốn? Hay là thằng Cu Đe, con nó tối nào cũng la khóc đòi mẹ nên Toại đã bồng con đi gởi cho ông anh cả của nó. Chiều hôm nọ, Toại đến tìm tôi, hoàn toàn trong tình trạng say xỉn. Tôi cũng chẳng biết hắn uống ở đâu nữa. Chệnh choạng đi vào sân nhà tôi rồi đặt xuống trước mặt tôi một chai rượu đế, lè nhè nói:
- Này, phần mày đây.
- Nhưng...đừng làm như vậy. Tao cảm ơn mày, tao bắt đầu đói bụng đây!
Tôi xuống dưới bếp lấy 2 chiếc ly và một chén củ cải muối xong xuôi cả hai ngồi bệt dưới đất uống.
Khi đã uống hết giọt cuối cùng trong chai, Toại khởi sự nói hết chuyện này sang chuyện khác rồi rút trong tuí lấy ra 1 won chìa cho tôi:
- Nè, để cảm ơn mày bữa hôm trước.
- Cảm ơn tao? Tôi hỏi lại.
Tôi tròn mắt nhìn hán nhưng trong lòng tôi hiểu rằng việc này có liên can đến chuyện tôi đã giúp nó. Tôi cũng ý thức được rằng thật vô lương tâm khi nhận tiền từ một vụ bán vợ mà ra. Tôi bảo với hắn rằng mấy ly rượu uống chung với hắn là đã qúa đủ rồi song hắn nài nỉ:
- Thì mình vẫn uống với nhau có gì đâu...
Sau đó hắn cứ nhét tiền vào túi tôi. Thế là tôi đành phải nhận vả lại tôi cũng có thiếu gì việc phải cần đến đồng tiền! Từ đó, chẳng còn ai gặp thằng Toại hay Cu Đe, thằng bé con hắn; mà cũng chắng một ai nhìn thấy hai cha con nó dẫn nhau bỏ làng ra đi.
Đầu đuôi chỉ có thế mà cái thằng lái trâu cộc cằn này lại buộc tôi phải đi tìm cho ra thằng Toại! Hắn nắm cứng cổ họng tôi rồi cứ thế kéo tôi đi đến nỗi làm tôi muốn nghẹt thở. Người trong làng bắt đầu bu kéo lại nhìn màn kịch của hắn và tôi. Tôi cảm thấy chẳng một chút nào hãnh diện trước cảnh đó, tự nhiên mặt tôi đỏ bừng lên hệt như tôi thật sự là một kẻ phạm tội. Tôi cũng cảm thấy được rằng nếu như tôi kháng cự mạnh thêm một chút nữa thì tên lái trâu này dám nổi nóng làm càn nên tôi đành cứ để mặc nó lôi đi cho đến tận cạnh bờ con suối, lúc này thì nó cũng nhận ra được rằng nó chẳng phải cần cưỡng buộc gì tôi nên bỏ tôi ra, tiếp tục rảo bước vẻ hơi lúng túng. Hắn chỉ muốn tôi đi theo hắn đến đồn công an.
Cả hai chúng tôi đi khoảng 4 cây số, hắn đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau, im lặng. Trong caí vùng núi non lạc lõng này, chẳng một bóng người. Rừng cây sặc đốm màu của mù thu, đỏ, vàng và gío, thỉnh thoảng, những trận mưa lá khô ào ạt rơi. Mặt trời đang lặn đỏ trên những chỏm núi xa xa, cả khoảng trời nhuốm màu lửa rực. Những tảng đá lăn từ chỏm núi thẳng đứng rơi lõm bõm dưới những khe suối, đấy là tất cả những gì mà cà hai chúng tôi nghe được. Có một cái gì buổn thảm trong sự yên tĩnh này. Một con chim trĩ đực bay lên bên phiá phải, một con chim trĩ cái bay bên mé trái...Trên đường, tên lái trâu và tôi bước chậm rãi, chẳng một chút nhiệt tâm.
Lúc tôi và hắn với tấm thân béo phì ụch ịch lên đến được tận đỉnh đèo thì cà hai đều đã muốn đứt hơi. Tên lái trâu ngồi bịch xuống cỏ thở dốc như...trâu. Cơn giận của hắn cũng đã biến mất lúc nào không biết nữa. Thò tay vào túi lấy ra gói thuốc lá, hắn, với giọng thật nhỏ nhẹ bảo tôi:
- Mày chắc cũng mỏi chân lắm phải không? Ngồi xuống đây, nghỉ thở một chút!
Tôi ngồi xuống, cạnh hắn rồi châm điếu thuốc hắn vừa mời. Còn đến 6 cây số nữa mới đến; chắc chắn là chúng tôi không thể đến kịp trước khi mặt trời lặn rồi.
- Tao thật sự buồn vì việc đã xảy ra lúc nãy.
- Thôi, bỏ chuyện đó đi!
- Nhưng thật sự, mày có biết thằng Toại đi đâu không?
- Rất có thề là nó đến nhà ông anh cả của nó, ở Phước Ninh.
Khi nghe tôi nói câu này, hắn như thực sự hài lòng đến nỗi làm cho những thớ thịt trên mặt hằn co giật lại đến nỗi làm cả khuôn mặt hắn méo mó, rồi hắn tuôn ra một tràng than thở để giải thích: tất cả không phải là chuyện tiền nong bị mất, mà vì, một người đàn bà như vợ thằng Toại, không bao giờ hắn có thể tìm được người thứ hai. Vì hắn góa vợ, hắn đã đi tìm một người đàn bà bề ngoài đường được, vì hắn muốn giao v quán rượu của hắn cho người đàn bà này trông nom. Trong vài ngày thử thách vừa qua, hắn đã nhận ra được rằng mẹ thằng Cu Đe có khiếu buôn bán, hơn nữa, trong vai trò người vợ, cô ta rất giỏi. Dù rằng chỉ vài ngày với cô ta nhưng cũng đủ cho hắn nhận ra rằng: chưa bao giờ hắn gặp được một người đàn bà dễ thương và gợi cho hắn một sự trìu mến như thế.
Hán thật bằng lòng vì hắn đã sắm sửa cho cô ta những bộ váy lụa và cho cô ăn những miếng sườn bò. Hắn muốn tìm lại được cô - ngay cả là hắn sẽ phải hao tốn tiền bạc thêm nữa - chỉ vì cô đã làm cho hắn thấy một sự thiếu thốn lớn lao. Hắn không có ý định đòi hỏi thằng Toại phải trả tiền lại cho hắn (như thế là thằng bạn tôi chẳng phải lo về chuyện này). Sau đó, tên lái trâu hỏi tôi với một giọng khiến tôi hơi bực mình:
- Nói cho tao biết tất cả những chỗ mà thằng Toại có thể đến đó.
Tôi, tôi chẳng đáp lại gì mà chỉ yên lặng hút thuốc. Rồi hắn tiếp:
- Bộ mày không nghĩ là hai đứa nó đã sắp xếp với nhau à, tụi nó biến mất cùng một ngày mà?
- Nhưng làm thế nào cách nhau đến cả mười lăm, mười sáu cây số mà tụi nó lại có thể thu xếp được với nhau?
Mặc dù với cái lối trả lời có vẻ ngang ngang khó chịu của tôi hắn vẫn cứ tiếp tục nói với vẻ thất vọng:
- Đấy chính là vần đề mà tao cũng đã đặt ra. Nếu tao là thằng Toại thì tao sẽ biết được vợ tao đi đâu.
Tên lái trâu nói bằng một giọng màu mè trong âm điệu của một đứa trẻ con thường luôn được nuông chiều nhưng vừa mới bị quở mắng. Cái thằng đãy đà như vậy, bệnh thất tình đã làm cho hắn bé teo lại. Như bị lột hết mọi phương thế, hắn rình đợi từng lời nói của tôi, hy vọng (biết đâu chừng?) những lời nói của tôi sẽ mang lại cho hắn một chút hy vọng.
- Mày biết nhà anh cả thằng Toại ở đâu không? ở Phước Ninh à?
- Tôi có một người chú, ông ấy cũng vậy, cũng ở dưới đó.
- Nếu vậy thì mình đi xuống, uống một chén, ngày mai mình đi Phước Ninh sớm. Thằng lái trâu nhanh nhẩu nói như người đang sắp chết đuối vớ được phao.
- Đồng ý.
Tôi hời hợt trả lời hắn, trái với ý nghĩ của tôi và nhìn về hướng tây.
Mặt trời vừa biến dạng, vùng thung lũng đã bị nhòa sau màn sương đủ màu đủ sắc. Mỏm núi rực chói những tia sáng còn lại của một ngày làm như có vẻ rung rinh vì đang phẫn nộ. Tiếng rì rào thoáng nhẹ của những chiếc lá khô rơi trên đầu chúng tôi.
Tên lái trâu ngồi xổm dạy, suy tính cho những dự định của hắn vào ngày hôm sau.
Nhưng theo tôi suy xét (và tôi cũng đã suy đi xét lại cả ngàn lần trong đầu) thì thằng Toại, không, chắc chắn nó không đến nhà ông anh cả nó ở Phước Ninh đâu.
Troyes 22.8.2007 - Paris 25.8.2007
TỪ VŨ
Phóng dịch theo truyện của Kim Yu-Jong

Xem Tiếp: ----