Một ngày kia Kiôkô nảy ra ý nghĩ làm sao cho chồng mình nằm trên lầu có thể nhìn thấy những mảnh vườn trồng rau, nhờ một chiếc gương nhỏ cầm tay. Người chồng nằm liệt giường từ lâu nhờ vậy mà thấy như lại khởi đầu một cuộc sống mới. Đó đâu phải chỉ là một chút sống nhờ cái gương. Cái gương này vốn ở cái tủ con đựng đồ trang điểm, món của hồi môn của Kiôkô. Cái tủ nhỏ thôi nhưng là tủ gỗ dâu qúi, và cái khung gương cũng làm bằng thứ gỗ đó. Náng nhớ hồi mới cưới có lần nàng đã dùng cả hai chiếc gương khi chải tóc và đã ngượng chín người vì thấy ống tay áo xô lên qúa cao để lộ trần cả khuỷu tay. Tấm gương này đây. Lúc đó chồng nàng vừa ở buồng tắm ra. “Em vụng qúa! Nào đưa anh giữ hộ một tay”. Anh nói vậy và đỡ lấy một tấm gương nhỏ. Khi anh cầm gương và tìm cách phản chiếu sau gáy Kiôkô lên mặt tủ gương, nàng thấy hình như anh thích thú với công việc đó lắm. Có lẽ anh phát hiện ra điều gì mới lạ chăng! Thực ra Kiôkô không vụng về, nàng chỉ cảm thấy ngượng ngùng vì biết chồng ngắm mình từ phía sau lưng. Chuyện cũng mới gần đây thôi, chiếc gương bằng gỗ dâu để trong ngăn kéo chưa kịp lên màu. Thế rồi chiến tranh xảy ra và mọi người tản cư khỏi thành phố. Bệnh tình của chồng nàng chuyển sang giai đoạn nguy kịch. Khi lần đầu tiên Kiôkô nghĩ ra cách cho chồng nhìn thấy vườn rau thì mặt gương đã mờ đục; nếp viền và tay cầm còn lấm bụi và vương phấn. Nhưng có lẽ nó cũng không mờ lắm nên nàng không để ý tới chuyện đó. Chỉ có người bệnh buồn rầu và không khi nào rời khỏi chiếc gương bên gối. Anh đánh bóng cả mặt gương, cả mép gương, lẫn cái tay cầm với một sự sốt ruột của người ốm. Kiôkô nhận thấy mỗi khi mặt gương sáng lên một chút thì chồng nàng lại càng hối hả hà hơi lên mặt gương và lau chùi nó. Thỉnh thoảng nàng cứ nghĩ có lẽ những con vi trùng lao đã len lỏi vào các kẽ nứt nhỏ ở vành gỗ. Mỗi khi chải tóc cho chồng bằng một chút dầu hoa hồng thì anh lại lấy tay vuốt tóc rồi miết lên cái cán gương bằng gỗ dâu. Trong khi gỗ ở chiếc tủ gương đục tối thì vành gỗ quanh chiếc gương nhỏ lại sáng bóng lên. Khi Kiôkô đi bước nữa, nàng vẫn dùng chiếc tủ gương đó. Còn chiếc gương nhỏ được đặt vào quan tài người chồng cũ của nàng và cũng được hỏa thiêu. Thay vào chiếc gương nhỏ ấy là một chiếc gương khác chạm khắc hoa văn Kamakura. Nàng không kể với người chồng mới về chuyện này. Khi người chồng thứ nhất của nàng qua đời, người ta đã buộc hai tay anh lại ở nơi hai ngón cái theo đúng tục lệ, vì vậy nàng không thể đặt chiếc gương nhỏ vào tay anh. Nàng đặt nó lên ngực người qúa cố. “Ngực anh đã làm anh đau đớn thế. Chiếc gương nhỏ này chắc là nặng lắm phải không anh” Kiôkô thì thào như vậy và sửa lại ngay ngắn chiếc gương trên ngực chồng. Nàng nghĩ, chiếc gương đó đặc biệc có ý nghĩa trong cuộc đời chồng vợ của hai người nên mới đặt nó lên ngực anh. Nàng cố không để cho ai trong họ hàng nhìn thấy chiếc gương đặt trong quan tài và đặt một bó cúc trắng lên trên. Do vậy không ai biết cả. Trong đống than sau khi hỏa thiêu người ta phát hiện ra một vật tròn tròn, gồ ghề nửa đen như than nửa hơi vàng vàng. Đó là mặt gương đã bị nung nóng và gần chảy ra, sần sùi. Ngoài chiếc gương cầm tay ở tủ còn có một chiếc gương nhỏ hơn nữa. Đó là một chiếc gương kiểu đồ mỹ dung du lịch, hình bầu dục; soi được cả hai mặt. Kiôkô từng mơ ước được dùng nó trong chuyến du lịch tân hôn. Song hồi đó có chiến tranh nên người ta không thể đi du lịch hưởng tuần trăng mật được. Vì vậy suốt thời gian chồng nàng còn sống, chưa một lần Kiôkô được dùng tới chiếc gương này. Rồi nàng lại đi du lịch hưởng tuần trăng mật với người chồng mới. Lớp da bọc hộp đồ du lịch cũ của nàng đã mốc meo. Vì vậy nàng phải mua một hộp mới. Ngày đầu tiên của chuyến du lịch người chồng nàng rụt rè chạm vào tay nàng và nói: “Em yêu, em còn hệt như một thiếu nữ”. Giọng anh không châm biếm mà toát ra một niềm vui bất ngờ. Có lẽ anh sung sướng thấy nàng còn như một thiếu nữ. Song chỉ vài tiếng đó làm nàng bỗng nhiên buồn thắt ruột. Một nỗi đau khó tả làm nàng bật rơi nước mắc và thu mình lại. Có lẽ người chồng mới lại càng thấy cử chỉ đó thật là thanh nữ. Nàng khóc mình hay khóc người chồng cũ. Khó mà biết được. Người ta cũng không bao giờ phân chia được điều đó thật rạch ròi. Song nàng mới biết mình có lẽ đã làm phật lòng người chồng mới và giờ đây phải làm duyên đôi chút. “Em khác lắm? Hoàn toàn khác phải không?” – Nàng nói. Nhưng vừa nói nàng lại thấy mình điệu, nàng xấu hổ và đỏ mặt. Điều đó làm chồng nàng đã hài lòng. “Vì em cũng chưa có con mà!” Lại như một mũi dao đâm vào tim Kiôkô. Mỗi khi cảm thấy sức mạnh của một người đàn ông bên cạnh mà không phải là người chồng cũ đã qua đời, nàng lại cảm thấy nhục nhã như bị người ta giễu cợt vậy. “Song em cũng gần như đã phải lo cho một đứa trẻ”-nàng đột ngột trả lời – như để an ủi chồng. Người chồng đầu tiên mất sau thời gian ốm dai dẳng, Kiôkô có cảm tưởng anh là đứa con mà nàng đã mang trong người. Song nếu anh ấy phải chết thì sự chừng mực nghiêm khắc của nàng đối với anh có nghĩa lý gì? “Anh mới thấy được Môni qua cửa sổ toa tàu trên tuyến đường Giôêxu” – Người chồng thứ hai nói và kéo nàng về phía mình. Môni là thành phố quê nàng. “Một thành phố đẹp, giữa một vùng rừng, đúng như cái tên của nó. Em ở đó tới khi nào?” “Tới khi em học lên trường nữ sinh trung học. Hồi bị điều vào công binh xưởng ở Xandô”. “Phải, nó ở gần Xandô! Người ta bảo con gái Xandô miền Exiô đẹp. Vì thế mà em cũng đẹp. Đúng không?” “Em đâu có đẹp” Kiôkô đưa tay lên cổ áo. “Nếu tay em đẹp, chân em đẹp thì người em cũng đẹp”. “Ôi, không!” Cánh tay trên ngực làm nàng cảm thấy chướng. Kiôkô kín đáo hạ tay xuống. “Chắc là anh vẫn sẽ cưới em nếu em có một đứa bé con. Chúng mình sẽ cùng nuôi nó. Thích nhất là một đứa con gái” – anh thì thào vào tai nàng. Có thể anh nói vậy vì anh cũng có một đứa con trai nhưng Kiôkô lại thấy đó là một lời tỏ tình hơi lạ lùng một chút. Dù có con trai ở nhà nhưng do thương nàng nên anh đã kéo dài chuyến đi này tới mười hôm. Anh ta có một hộp đựng các đồ tùy thân du lịch – bọc da loại thượng hạng. Không thể so với bộ của Kiôkô. Nó không còn mới nhưng lớn hơn nhiều và chắc chắn. Chẳng biết anh ta có hay dùng nó không, có hay lau chùi không mà lớp da bóng mờ lộng lẫy. Kiôkô nghĩ tới hộp đồ của mình; chưa bao giờ dùng mà đã để mốc meo. Chỉ có chiếc gương nhỏ là nàng đã đưa cho người chồng cũ. Cái miếng kính nhỏ nằm trên chiếc gương gỗ dâu kia đã nóng chảy ra và được gắn liền với mặt thủy tinh của chiếc gương bầu dục lớn hơn. Ngoài Kiôkô không ai biết điều đó. Nàng cũng không nói với ai rằng cái cục thủy tinh méo mó ấy vốn là một tấm gương. Làm sao gia đình nàng đoán ra được? Song Kiôkô cảm thấy rằng tất cả những thế giới mà tấm gương kia từng phản chiếu cũng đã bị hỏa thiêu, bị tiêu diệt một cách phũ phàng. Nàng cảm thấy mất chúng như mất chính cơ thể người chồng đã cháy thành tro. Mới đầu Kiôkô đã chỉ cho chồng thấy vườn rau trong chiếc gương cầm tay mà anh khi nào cũng giữ bên gối. Đến khi chiếc gương đó trở nên quá nặng đối với người bệnh, Kiôkô phải xoa bóp ngực và vai anh rồi đưa anh chiếc gương nhỏ hơn, nhẹ hơn. Lúc còn sống anh không chỉ phản chiếu và nhìn ngắm cái vườn rau. Anh đã thu cả bầu trời vào đó, mây và tuyết, những mỏm núi phía xa và khu rừng gần nhà. Thậm chí cả trăng. Trong gương anh ngắm những cánh hoa đồng và những đàn chim bay qua. Trong cái gương của anh mọi người đang đi qua đường và trẻ em đang đùa nghịch trong vưòn. Chính Kiôkô cũng ngạc nhiên về tầm xa và sự trù phú của thế giới mà người ta nhìn thấy trong một tấm gương nhỏ. Một cái gương, phụ tùng của bộ đồ trang điểm cho khuôn mặt, thậm chí không phải một chiếc gương tay có cán chỉ đủ phản chiếu một cái gáy đàn bà, mà cả một thiên nhiên mới, một cuộc sống mới đối với người bệnh. Kiôkô ngồi bên giường anh và trong khi nàng luôn luôn nhìn gương, họ đã nói chuyện về cái thế giới được phản chiếu trong đó. Hình như dần dần Kiôkô không còn phân biệt được thế giới này trực tiếp thấy bằng mắt, với thế giới dội hình vào gương. Hình như có hai thế giới khác nhau. Thế giới hiện ra mới mẻ trong gương người ta hoàn toàn có thể coi đó là thế giới thực. “Trong gương, trời như bàng bạc”-Kiôkô nói, nàng nhìn ra ngoài cửa sổ và tiếp: “Mặc dù, trời đầy mây xám”. Cái màu nặng như chì đó không có trong gương. Bầu trời thực sự rạng rỡ. “Chắc là vì anh đã đánh mặt gương bóng cả lên”. Nằm trên giường nếu quay đầu anh có thể nhìn thấy bầu trời. “Ừ, nó trơ xám như tro. Chắc là mắt người hay mắt súc vật, thí dụ như mắt những con chim sẻ nhìn màu trời cũng khác nhau. Người ta chẳng biết đôi mắt nào nhìn thấy cái thực”. “Còn cái gì thấy trong gương-đó là mắt của gương sao?” Kiôkô thích nhất được gọi đó là đôi mắt tình yêu của nàng. Trong gương, màu lục của cây tươi hơn ở ngoài, màu trắng của những nhành huệ càng sáng và lóng lánh hơn. “Đây là vết ngón tay cái của em phải không? Tay phải...” – chồng nàng chỉ lên vành gương. Kiôkô giật mình. Nàng hà hơi vào gương và chùi vết đó đi. “Cứ để im đó đi em! Lần đầu tiên khi em chỉ cho anh xem vườn rau, cũng có vết tay em như thế” „Em có biết đâu” „Không, anh cũng chắc thế, nhưng nhớ cái gương này mà anh đã thuộc kỹ dấu ngón tay cái và ngón tay trỏ của em. Chắc chỉ có ai ốm dài như thế này mới nhớ được dấu ngón tay của vợ” Có thế nói kể từ ngày cưới, anh liên tục ốm. Anh cũng chưa đi lính hồi chiến tranh. Gần tới ngày đầu hàng, anh có bị gọi lính, song chỉ sau vài ngày làm việc ở sân bay anh đã suy sụp. Hết chiến tranh, anh trở về nhà. Vì anh không đi được nến Kiôkô và người em trai đã đến đón anh. Lúc chồng còn phục vụ trong quân ngũ, Kiôkô về với cha mẹ hồi đó đã tản cư. Nàng đã chuyển gần hết tài sản, của cải về nơi các cụ. Ngôi nhà họ ở sau ngày cưới đã cháy rụi. Họ thuê một căn phòng trong nhà một người bạn gái của Kiôkô, rồi từ căn phòng đó anh ra nhập ngũ. Ngoài một tháng trong nhà người bạn gái kia, nàng không được chung sống dài hơn với chồng, khi anh chưa ngã bệnh. Sau đó anh thuê một ngôi nhà ở Takahara để dưỡng bệnh. Nhà này trước có một gia đình tị nạn ở. Sau chiến tranh họ trở về Tokyo, Kiôkô mua lại của họ cả mảnh đất trồng rau. Trong toàn bộ khu vườn xanh um cỏ dại, chỉ có khoảng dăm sáu mét vuông được cuốc xới. Nàng có thể vào làng mua rau đủ cho hai người ăn. Song đó là cái thời mà bỏ hoang một mảnh vườn qúy như vậy thì phí phạm qúa, nên nàng đã chăm bón nó. Dần dần nàng tìm thấy nguồn vui ở những luống rau tự trồng. Nàng không hề thấy nhu cầu tách xa giường người bệnh, nhưng việc khâu vá đan lát làm cho nàng chán ngán. Khi làm việc ngoài vườn nàng cũng nghĩ tới chồng, nhưng tâm tưởng vô tư lự cho phép nàng thêm hy vọng. Nàng bước ra vườn để có thể thanh thản hiến dâng mình cho tình yêu. Nàng thường đọc sách bên giường cho anh nghe. Thỉnh thoảng Kiôkô cứ nghĩ ở ngoài vườn rau nàng lấy lại được mình, lấy lại được cái mà khi chăm sóc anh nàng lo có thể đánh mất. Khi nàng dời về Takahara là vào giữa tháng chín, những người khách nghỉ hè đã ra đi, mưa dầm đầu thu mang hơi lạnh ẩm ướt về. Một ngày kia, trước lúc mặt trời lặn một chút, bỗng vang lên một tiếng chim hót thật trong, bầu trời cũng đồng thời sáng rỡ lên và khi nàng rời khỏi mảnh vườn được rọi nắng gay gắt, màu xanh tươi của cây cỏ hướng về phía nàng. Như bị một phép lạ lôi cuốn, nàng nhìn lên những đám mây hồng tím hoa đào vây quanh các sườn núi. Bỗng nàng giật mình nghe tiếng chồng. Nàng tất tả chạy vào, đất còn lấm tay. Nàng lao lên lầu và thở nặng nhọc. „Tôi gọi to vậy mà cô không nghe thấy sao?” „Em xin lỗi, em không nghe thấy” „Bỏ việc ngoài vườn đấy đi. Nếu cứ phải quát to thế này thì chỉ năm ngày nữa là tôi chết. Tôi chẳng còn nhìn thấy cô đang ở đâu, đang làm gì nữa” „Em chỉ ở trong vườn, nhưng nếu anh muốn, em sẽ thôi không làm vườn nữa”. Người chồng đã bình tĩnh lại. „Em có nghe thấy chim sơn tước hót không?” Đó là tất cả những gì anh muốn nói với nàng. Ngay khi anh nói, con chim lại cất tiếng hót trong cánh rừng rất gần. Kiôkô nhận ra tiếng một con chim sơn tước thật. „Anh có thích một chiếc chuông nhỏ dùng để gọi em khi cần không? Hay chờ đến khi mua được chuông, em đặt cạnh giường cho anh cái gì để ném nhé?” „Anh có thể ném một chén trà từ trên này xuống chứ? Chuyện đùa!” Họ thống nhất với nhau là Kiôkô vẫn tiếp tục làm vườn, nhưng chờ cho mùa đông dài khắc nghiệt đi qua miền Takahara đã, cho mãi tới lúc sang xuân, nàng mới nghĩ ra việc anh có thể dùng chiếc gương để nhìn thấy vườn rau. Chỉ nhờ một tấm gương nhỏ mà anh, một người ốm nặng có được niềm vui như thể mới đang hồi sinh với những nhánh là tươi non. Nếu Kiôkô bắt sâu trong vườn mà anh không nhìn thấy được những con vật nhỏ bé đó trong gương thì nàng phải mang lên tầng lầu trên cho chồng xem. Nhưng khi nàng cuốc đất thì anh bảo: „Trong gương anh thấy rõ cả những con giun”. Vào những lúc ánh nắng ngả xiên đôi khi Kiôkô đang ở trong vườn bỗng thấy bị rọi nắng và quay nhìn lên lầu. Đó là lúc anh thu nàng vào gương. Anh bảo nàng hãy lấy bộ Kimônô có hoa xanh trắng anh vẫn mặc thời sinh viên mà may lấy một chiếc quần lao động. Anh sẽ sung sướng được nhìn nó trong gương, thấy nàng mặc nó khi làm vườn. Kiôkô biết rằng chồng quan sát mình trong gương khi trồng rau. Nàng nửa nhớ, nửa quên điều đó. Nàng thấy ấm áp trong lòng khi nghĩ lại rằng mình đã ngượng ngùng thế nào khi ngắm mình trong hai chiếc gương và để lộ một khuỷu tay. Nàng đã thay đổi biết bao kể từ tuần trăng mật ấy... Nếu nói đến chuyện trang điểm với hai tấm gương, thì phải lưu ý một điều là từ sau khi nước Nhật bại trận, không ai còn tô môi son nữa. Vì phải chăm sóc người bệnh, vì sau đó để tang chồng, nên mãi khi đi bước nữa nàng mới lại trang điểm. Tự Kiôkô biết rằng bây giờ nàng càng đẹp nổi bật. Khi người chồg mới khen mình đẹp lắm, nàng biết rằng anh ấy nói thật. Giờ đây khi ở buồng tắm ra và ngắm tấm thân để trần của mình trong cái tủ gương nhỏ, nàng không còn ngượng nghịu nữa. Nàng nhìn thấy vẻ đẹp của mình. Nhưng vẻ đẹp trong gương nàng không thấy như những người khác thường thấy. Nàng nhìn nó như cách người chồng cũ đã dạy nàng. Nàng tin tưởng vẻ đẹp trong gương, hoàn toàn tin rằng trong gương là cả một thế giới trọn vẹn. Song giữa thân thể bên ngoài của nàng nhìn bằng mắt trần và hình ảnh của nó trong tủ gương, nàng không thấy sự khác biệt như bầu trời nặng màu chì bên ngoài cửa sổ với bầu trời sáng bạc bên trong chiếc gương cầm tay ngày ấy. Đó không phải chỉ do tầm xa mà có lẽ do khát vọng nóng bỏng của người chồng ốm yếu nằm trên giường đã tác động tới nàng. Đến giờ nàng vẫn chưa biết mình đẹp như thế nào ở trong chiếc gương của chồng, khi làm việc ngoài vườn rau. Vì khi anh còn sống, nàng chưa kịp nhận thấy chính mình. Kiôkô nhớ lại tất cả những gì đã phản chiếu vào cái gương mà người chồng qúa cố đã cầm trên tay: hình ảnh chính nàng đang làm việc; màu xanh của những bông thủy tiên; màu trắng của hoa huệ; bầy trẻ làng đang chơi ngoài cánh đồng mặt trời buổi sớm nhô lên sau những mỏm núi xa phủ tuyết. Và nàng bỗng khát khao ghê gớm cái thế giới đã sẻ chia với người chồng cũ. Vì người chồng mới mà nàng cố nén tình cảm, không để cho khát vọng cháy bỏng đó bùng ra. Kiôkô chỉ cố giữ lại một hy vọng xa vời ở thế giới thần tiên kia. Một sáng tháng năm nàng nghe thấy tiếng chim đồng nội trong đài phát thanh, một chương trình của miền núi gần Takahara, nơi nàng đã sống cho tới khi chồng chết. Kiôkô tiễn chồng mới đi làm rồi lấy chiếc gương nhỏ trong tủ gương ra để phản chiếu bầu trời đang ngày một sáng lên. Rồi nàng ngắm khuôn mặt chính mình. Nàng phát hiện ra một điều kỳ lạ: người ta không thể nhìn ngắm chính gương mặt mình, dù là ở trong gương. Cũng từ hôm đó nàng nảy ra ý nghĩ: không biết là khuôn mặt mà người ta thấy trong gương có phải gương mặt thật của người ta không. Kiôkô theo đuổi một hồi lâu ý nghĩ vì sao các thần lại tạo ra con người không nhìn thấy được gương mặt của chính mình. Người ta có thể phát điên khi có thể nhìn gương mặt thật của mình? Và liệu người ta còn dám làm gì nữa? Có lẽ con người trong qúa trình tiến hóa dần dần đã đạt tới hình dạng ngày nay và không nhìn thấy được mặt chính mình nữa. Biết đâu chỉ những nàng tiên nữ và thị nữ trên trời có thể nhìn thấy gương mặt của chính họ - nàng nghĩ vậy. Gương mặt của riêng mình, nơi ta giàu có nhất, cái mà người ta qúy nhất, có lẽ là một thứ chỉ có để cho người khác thấy? Phải chăng tình yêu cũng vậy? Khi đặt chiếc gương nhỏ vào tủ nàng lại thấy cái gương có chạm hoa văn Kamakura không hợp với gỗ dâu. Chiếc gương cũ đã đi theo người chồng cũ của nàng; vì thế người ta có thể gọi cái tủ gương còn lại là một qủa phụ. Song chiếc gương cầm tay và chiếc gương nhỏ dài nàng đã đưa cho người chồng ốm liệt giường chắc đã rất có ích với anh và cũng đã có hại. Anh đã luôn luôn nhìn ngắm gương mặt chính mình trong đó. Khi nhìn thấy những dấu hiệu bệnh tật trên nét mặt trong gương chắc anh đã thấy như mình đang đứng trước thần cai quản cái chết. Nếu đó là một sự tự sát về tâm hồn bằng một cái gương thì nàng là kẻ đã hỗ trợ cho tội giết người ấy! Hồi ấy đã có lúc nàng nhận thấy mối nguy cơ và nhiều lần định cất gương đi nhưng anh không chịu. „Em muốn anh không được nhìn nữa sao? Chừng nào còn sống anh muốn được yêu tất cả những gì mình còn nhìn thấy” – anh nói. Có lẽ anh đã hy sinh đời mình cho thế giới trong gương còn sống mãi. Sau những cơn mưa rào thỉnh thoảng hai người được nhìn ánh trăng trên các vũng nước nhỏ trong vườn. Vầng trăng ấy – người ta có thể gọi là cái bóng của một cái bóng – đến nay vẫn ở lại trong tim của hai người. Khi người chồng mới bảo: „Chỉ có những người khỏe mạnh mới có tình yêu lành mạnh”- Kiôkô tất nhiên chỉ bối rối gật đầu, nhưng ở tận đáy lòng nàng không đồng ý thế. Từ khi người chồng cũ mất đi, thỉnh thoảng nàng cứ nghĩ sự chừng mực nghiêm khắc của nàng đối với anh không có ích gì – dần dà từ đó bừng lên những kỷ niệm về một tình yêu đau xót, với thời gian nàng có thêm cảm giác rằng tình yêu đó đã làm nàng viên mãn và không ân hận gì nữa. Phải chăng người chồng thứ hai của nàng hơi dửng dưng một cách qúa đơn giản đối với tình yêu của một người phụ nữ? „Nếu là người yếu lòng như vậy, sao anh lại bỏ chị ấy?” Kiôkô hỏi, nhưng anh ta không trả lời. Sau khi đã làm quen với nhau được hơn bốn tháng, nàng đã đồng ý cưới anh ta vì cậu em rể cũ thúc giục qúa nhiều. Hai người chênh nhau mười lăm tuổi. Khi có mang nàng lo sợ vô cùng, đến mức gương mặt nàng đã đổi thay hoàn toàn. „Em lo lắm, em lo lắm!” – nàng nói và bám chặt vào thân người chồng, do ốm nghén nên trong đầu nàng cũng cảm thấy rất lạ. Đôi khi nàng chạy chân không ra vườn và lượm những chiếc lá vàng thon nhọn rồi nàng lại quay vào ngay và gói hai gói qùa sáng của cậu con riêng của chồng sắp đi học. Nàng tin rằng mình có thể nhìn xiên qua tấm gương chạm theo kiểu Kamakura và cứ nhìn trân trân vào đó. Nửa đêm nàng hay tỉnh giấc ngồi lên một góc chăn và quan sát gương mặt người chồng đang ngủ. Thấm cái ghê sợ và vô nghĩa của đời con người, có lần nàng bất giác cởi các dây lưng váy ngủ, như định xiết cổ chồng cho chết. Nhưng rồi nàng bật khóc tấm tức. Chồng nàng tỉnh giấc và bình thản buộc lại dây lưng cho nàng. Đó là một đêm giữa hè nhưng Kiôkô rùng mình ớn lạnh. „Kiôkô, em phải nghĩ tới đứa con trong bụng chứ” – chồng nàng nói và lay hai vai nàng. Ông bác sĩ thúc giục đưa nàng đi viện. Kiôkô không muốn nhưng rồi cũng quy thuận. „Em sẽ đi viện. Nhưng trước đó, cho em về thăm nhà hai ba ngày”. Chồng nàng đưa nàng về thăm gia đình. Ngay ngày hôm sau nàng bỏ trốn đi Takahara, nơi nàng đã chung sống với người chồng cũ, cũng vào đầu tháng chín, khoảng mười ngày trước khi hai người dọn về ở đó. Trên tàu, nàng thấy chóng mặt, nôn nao và tâm thần bất an đến mức lảo đảo lao vào phòng vệ sinh. Xuống tàu ở Takahara, hít không khí trong lành, nàng thấy nhẹ hẳn người như thế con qủy vẫn ám nàng vừa mới chạy trốn. Nàng bình tĩnh lại. Nàng đứng sững và nhìn lên một rặng núi vây bọc xung quanh miền Takahara. Nàng nhận ra một thế giới sống động ở nhữg đường nét hằn rõ trên nền trời xanh đang sẫm dần. Nàng lau đôi mắt đã nóng hỏi và ươn ướt rồi đi bộ về phía ngôi nhà xưa. Từ cánh rừng xưa kia viền những bông mây hồng tím hoa đào, nàng lại nghe tiếng chim sơn tước hót. Trong nhà cũ có người lạ ở; trên lầu là những rèm cửa trắng viền đăng ten. Nàng đứng lại phía sau và nhìn lên. „Giá con nó giống anh nhỉ!” Nàng giật mình khi thấy mình bỗng thốt lên như vậy. Rồi nàng quay trở về nhà với một cảm giác chờ đợi ấm áp, an bình.