Ngưng tay cuốc, chị Năm hấp háy mắt nhìn, ánh nắng trưa gay gắt xoáy lên thửa đất đầy màu mỡ, từng giọt mồ hôi nhỏ từ mặt chị xuống, như góp vào sức lao công tưới cho thửa đất thêm phì nhiêu.
Để nhìn cho rõ, chị đưa một tay lên ngang mắt, hai người khách lạ đủng đỉnh xuống xe, một chiếc xe hai mầu rộng mênh mông như căn nhà chị ở. Họ đứng ngắm mảnh vườn ổi xanh ôm dài mấy công (1) đất, hiện đang đơm hoa kết trái, chỉ trỏ bàn tán những gì chị Năm không đoán được.
Bỗng người ôm cặp da xăm xăm bước lại con đường mòn dẫn vào nhà. Chị Năm tự dưng hồi hộp. Giữa những người ấy và chị có cái cách biệt rất xa, chị chưa hề quen họ, tự dưng họ vào nhà với dáng điệu quả quyết chắc hẳn có chuyện gì. Nhất là một trong hai người lại ôm chiếc cặp da.
Từ lâu, chị Năm có cái sợ gần như dị đoan những người mang cặp da và điều này chị sợ không phải là hoàn toàn huyễn hoặc.
Vài năm sau khi đi lấy chồng, người mang cặp da thứ nhất đến, lần ấy họ đưa chị một phong thơ, báo tin mẹ chị chết. Tất nhiên chị không về được vì không tiền, vì quê nhà rất xa. Nhưng cái buồn của một người khi mất kẻ thân yêu vẫn còn day dứt mãi.
Đôi khi chị cũng lấy làm lạ, lúc mẹ còn sống, dù xa xôi ba trăm cây số, dù biết khó có ngày gặp lại, chị vẫn yên lòng vì biết trên cõi đời vẫn còn người tưởng nhớ đến chị. Bây giờ chị cảm thấy bơ vơ, quê nhà tự nhiên mất đi mầu sắc cũ, chị không muốn gặp lại chút nào.
Thật ra thì chị đã có một quê hương thứ hai, mảnh đất của anh Năm.
Giang sơn bé nhỏ của đôi vợ chồng trẻ gồm bốn công đất ruộng, một gian nhà tranh, một đứa con và một con chó.
Gian nhà êm đềm của họ tháng tháng chỉ một người khách viếng. Một ông đã đứng tuổi, mang cặp da. Nhưng chiếc cặp da đen đúa của ông thường vẫn chứa chất bao nhiêu đe dọa. Những tấm giấy lớn không hơn bàn tay nhưng có đủ quyền phép làm chị và anh Năm phải lo buồn triền miên ngày này qua sang ngày khác nếu mùa màng thất kém. Vì thế hình ảnh người thu tiền với chiếc cặp da thứ hai đã len vào trong cơn ác mộng thường xuyên của chị.
Tiếng giày đến gần, thình thịch trên nền đất, nện vội vàng như trái tim chị Năm.
Chị buông cuốc nhìn khách, tìm trên nét mặt họ một hung tin vì chị biết những người mang cặp da chỉ có thể đem đến một tin chẳng lành mà thôi.
Nhưng không, trên mặt họ không có triệu chứng gì ngoài cái nhìn thản nhiên gần như lạnh lùng.
Người đi trước bỗng mỉm cười với chị, chị Năm gật đầu ngượng nghịu, vụt ù té chạy vào nhà. Chị hối hả tìm anh Năm. Chỉ anh Năm mới là tay đối thủ với họ mà thôi.
Anh Năm đang nằm ngủ trên tấm ván mỏng không màn, chân còn bê bết bùn đất, mồ hôi chảy nhễ nhại, rù quến đàn ruồi bâu chung quanh mặt.
Chị Năm đập vào chân anh mấy cái, anh Năm cựa mình xoay qua bên khác, tiếp theo hai cái phát vào lưng, anh mở mắt ra nhưng vội nhắm lại ngay vì chói.
Hai người đã vào sân, sắp bước lên thềm nhà, con chó nằm dưới ván gù lưng gầm gừ như khó chịu. Anh Năm cố mở mắt ra, từng chấm đen li ti trước mắt anh hiện dần để nhường lại hai bộ mặt người nghiêm nghị nhìn anh.
Ngồi phắt dậy, dụi mắt nhìn kỹ hơn, biết mình không lầm, anh đứng hẳn lên lúng túng ngầm hỏi chị Năm. Mắt chị Năm đưa từ hai người khách lạ đến anh Năm chờ đợi.
Một trong hai người khách không đợi ai mời, ngồi xuống chiếc ghế đẩu kê bên vách, trịnh trọng dở cặp da lôi ra một mớ giấy tờ, trước mắt ngơ ngác của đôi vợ chồng trẻ.
Ông sửa lại cặp kính ngẩng lên hỏi:
- Anh có phải là Nguyễn Văn Đặng?
Anh Năm giật mình ngẩn người một lúc lâu.
- Nguyễn Văn Đặng là ông tôi.
- Anh có đất này từ bao lâu?
Anh Năm vuốt tóc ra chiều suy nghĩ nhưng thật ra để kịp dò xét xem họ là ai, đến anh với ý định gì, trả lời chậm rãi:
- Từ lâu lắm.
Sợ câu nói mình không rõ rệt, anh thêm:
- Nghĩa là từ đời ông đến đời cha, đến tôi vẫn ở đây, không biết bao nhiêu năm rồi. Tôi hỏi thế này khí không phải, nhưng ông hỏi có chuyện gì?
Linh tính cho anh biết sắp có chuyện chẳng lành. Anh cần phải dè dặt hơn. Chị Năm cúi xuống nhìn xấp giấy trên tay khách.
Bàn tay anh Năm véo vào lưng chị tiếp theo một cái lừ mắt, chị Năm ríu rít vào trong, người chị bỗng lạnh toát, chồng chị vừa có cử chỉ đó chắc chắn là việc quan trọng sẽ xảy ra.
Qua kẹt cà tăng (2), chị lom khom nhìn ba vẻ mặt nghiêm trọng đang gờm nhau.
Người đàn ông không trả lời câu hỏi của anh Năm, tiếp tục nhìn vào giấy tờ.
- Anh nói đã ở đất nầy lâu mà có giấy gì làm bằng không?
Anh Năm bỗng nghe như có gì nghèn nghẹn trong cổ họng. Mấy năm loạn lạc, mấy năm đói kém, đất đai ngập lụt, người dân còn phải lo những gì khác hơn là giữ mớ giấy lộn, mớ giấy không làm con anh no được, không làm vợ anh lành lặn.
Nhưng bây giờ, rõ rệt là nó có thể làm cho con anh đói, vợ anh lạnh. Mớ giấy không nghĩa bỗng hóa ra có nghĩa vô cùng vì anh vừa chợt hiểu.
- Sao? Anh có giấy gì chứng tỏ đã mướn miếng đất này của chủ không?
Anh Năm làm thinh, biết cái bất lợi của mình, anh im lặng tìm giải pháp. Thật ra, anh muốn nói, nếu đời ông tôi mướn, thì bây giờ người chủ miếng đất này còn chăng chỉ trong ba thước đất, hay ít hơn thế nữa vì một nắm xương tàn có cần đến bao nhiêu.
Ông khách bỏ hồ sơ vào cặp xếp lại nhìn thẳng vào mặt anh, trịnh trọng:
- Tôi là chủ miếng đất này. Hôm nay, tôi đến cho anh hay tôi cần dùng lấy đất lại để cất nhà. Hẹn anh trong vòng một tháng tìm nơi khác, giữa người hiểu chuyện với nhau, anh cũng biết, anh có thể tìm đất khác dễ dàng cất lại cái nhà, lập lại miếng vườn cũng không tốn bao nhiêu. Tôi sẽ giúp anh một nghìn để dời đi. Anh nghĩ kỹ xem, không một người chủ đất nào được như tôi đâu.
Ông nói mau như muốn chận đứng tất cả những lời phản kháng, xô đùa chúng vào họng anh Năm rồi quay qua người đứng cạnh ra hiệu:
- Thôi mình về.
Chân bước xuống thềm, ông quay lại nói với:
- Anh nên sửa soạn sớm ngày nào hay ngày nấy vì tôi sẽ cho người đến đo đất để vẽ kiểu nhà. Đừng lôi thôi đấy nhé, anh không có giấy tờ gì, pháp luật không bênh anh đâu.
Anh Năm không nói được lời gì, sững sờ nhìn hút khách ra đi. Tất cả những uất ức của anh bỗng dồn vào con chó đang quẩn cạnh cửa sủa theo. Anh phóng chân đá thốc vào mình nó, một tiếng kêu đau thương, vô tội vang lên trong không khí trưa hè.
Thằng Đực đang ngủ giật mình nhỏm dậy ngơ ngác, nó òa lên khóc, chị Năm chạy vội ra bồng con, vạch vú đút vào miệng nó ru nho nhỏ. Đứa bé chúm môi mút chùn chụt, đôi tay bé bỏng nâng niu ôm bầu sữa mẹ, khuôn mặt bé thơ lại chìm dần trong giấc ngủ vô tư.
Ngẩng lên, gặp ngay đôi mắt căm hờn của chồng, chị Năm lại vội vàng nhìn xuống con, lảng tránh.
Chị không dám hỏi, anh Năm cũng không muốn nói. Họ khó nói với nhau. Trước cái khổ chung, họ chỉ biểu lộ bằng nét mặt dàu dàu, câm lặng, cái câm lặng của con người quen chịu đựng.
Anh Năm nằm trở xuống gác tay lên trán. Bên tai anh còn nghe văng vẳng câu:
- Tôi là chủ miếng đất này, đất này của tôi.
Câu ấy đáng lẽ phải để anh nói mới phải vì còn ai hiểu đất này hơn anh, còn ai chịu cực khổ với nó hơn anh.
Mỗi một phân đất là một phần mồ hôi anh đổ xuống. Ngày loạn ly, chung quanh làng mạc điêu tàn, nhà anh cháy cả. Anh có thể đi tha phương làm ăn, anh có thể lên tỉnh để tìm một nghề no ấm hơn, nhưng anh đã từ chối tất cả. Y như người tu hành gạt bỏ cao lương mỹ vị để chỉ thấy ngon trong chén cơm dưa muối vì đã tìm ra chân lý của đời mình, anh cũng thế, gạt bỏ tất cả để bám vào miếng đất, lúc bấy giờ khô cạn không màu mỡ, ráng rứt khắp nơi phèn đóng dày cháy nắng. Nhưng đó là đất của anh vì từ tấm bé bao nhiêu cuộc đời đã sinh sôi nảy nở nơi ấy. Lòng đất còn vang tiếng nói của gia đình anh, gói ghém xương tàn của ông cha anh, thấm nhuần mồ hôi của vợ chồng anh.
Chị Năm đứng lên đặt con nằm lại bên chồng, bước ra sân đi về phía mảnh đất đang cuốc dở. Bỗng chị dừng lại, hai ông khách đang chăm chú nhìn vườn ổi, bàn tán với nhau những gì chắc là sôi nổi.
Từng chuỗi cười vui vẻ vang lên. Chị bỗng nghẹn ngào ngồi thụp xuống nâng chiếc cuốc, cạo những mảnh đất còn vương cứng bên trên. Lát sau, len lén như người trốn tránh, chị lủi thủi trở vào nhà bỏ lại khoảnh đất dở dang.

*

Anh Năm dậy từ từ mờ sáng. Chị Năm vo gạo nhà sau, bếp lửa ấm cúng, lòng chị vui. Giang sơn tuy bé nhưng công việc rất nhiều. Xong bữa cơm sáng, buộc chân con vào chân ván, anh Năm và chị còn phải đi tưới ổi. Trừ nửa công để cất nhà, ba công rưỡi ổi năm nay nếu được giá sẽ đem lại cho anh Năm và chị, mỗi người ít bộ quần áo, thằng Đực một cái xe mây chị hằng ao ước. Nếu dư dả hơn, chị sẽ dốc anh Năm mua một cái tủ thờ cho cảnh nhà sang lên một chút.
Chị đã nghĩ kỹ nhiều đêm, cân nhắc hơn thiệt, sau cùng nhận thấy tất cả bàn ghế tủ giường chỉ cái tủ thờ tiện lợi nhất. Bên trên để thờ phượng ông bà, có gì quý để trên ấy lại càng thêm đẹp, bên dưới làm tủ quần áo, nồi niêu bỏ vào khóa cả lại, đi đâu khỏi lo trộm đạo.
Giấc mộng đẹp của chị càng lúc càng xa, chị mong anh Năm vào sẽ đem ra nói.
Hình bóng hai người khách lạ hầu như xóa nhòa trước viễn cảnh quá đẹp của ngày mai.
Hai tháng rồi còn gì, họ không trở lại.
Anh Năm và chị tuy còn thấp thỏm nhưng cũng tạm yên lòng.
Anh Năm đã bắt đầu chăm sóc lại vườn ổi, sau nhiều ngày bỏ bê vì chán nản, anh tìm lại chúng như người cha lâu ngày mới gặp lại con.
Giữa buổi sáng trong lành, anh ngồi thụp xuống im nghe cái mát dịu của chúng truyền sang thấm vào từng thớ thịt, hể hả đếm những thân cây ổi như đếm những đứa con sinh sản quá nhiều không biết hết, nhưng người cha vẫn thấy chưa thấm gì, với lòng mong mỏi của mình.
Anh vuốt những mái đầu xanh tốt, bóp từng nắm đất trìu mến trong tay.
Một tiếng xe rồ vọng lại từ đầu bờ đắp. Mặt anh Năm bỗng tái đi, anh hốt hoảng đứng lên nhìn ra lộ.
Họ đã trở lại.
Họ trở lại với mớ giấy tờ vô nghĩa, nhưng trước những tờ giấy ấy anh sẽ phải chịu khuất phục không điều kiện. Tự dưng anh đâm bối rối không biết phải có hành động nào vì anh tự biết mình đã bại trước khi giao chiến.
Có tiếng bình bịch sau lưng, anh không quay lại cũng biết vợ đang ở một bên. Trong cơn giông bão, người đàn bà trở lại là giây cát đằng chỉ biết nương tựa vào thân cây cổ thụ ấy bên trong đã mục nát không còn sức chống chọi và đang sắp sửa lung lay.
Anh không muốn gặp đôi mắt đầy hãi hùng của vợ cũng không thể an ủi vợ, lời nói đã nghẹn ngang ngực không thể thoát ra. Cả hai im lặng đứng bên nhau gần như nín thở nhìn.
Bốn người vào đến sân trong, bỗng tẽ qua hông nhà, một người rút trong túi quần tây ra một cây thước, mở ra đo. Họ bắt đầu từ đầu sân đến cuối sân. Chiều ngang chiều dọc miếng đất được vạch kỹ lưỡng trên một cuốn sổ tay do một ông khác cầm.
Họ điềm nhiên, tới lui tính toán, như không thấy gian nhà bé nhỏ nằm ngay trước mắt, như không biết trong đó có mấy linh hồn đang khao khát được sống yên vui.
Ông chủ đất, đứng nói chuyện vui vẻ với một người, ông chỉ ra vườn ổi xanh chạy dài ra lộ, ông chỉ vào mảng nền nhà. Thuận chiều, gió vô tình đưa đến tai vợ chồng anh Năm những điều đáng lẽ họ không nên nghe.
- Đây, cái nhà sẽ nhìn ra vườn ổi, tôi sẽ cho bọc một lớp rào kẽm gai vòng quanh đất, chừa một cửa ngõ lớn ngoài kia, đắp lại con đường này cho rộng trải sỏi để xe vào. Tôi lại còn định xây ở chỗ cây thiên tuế này một cái hồ để lấy nước thiên nhiên.
- Thế ra ông định ở luôn đây à?
Khách ý chừng ngạc nhiên hỏi:
- ờ. Không. Đây tôi làm nhà mát cho các cháu ngày chúa nhật về chơi, chứ ai lại ở nơi khỉ ho cò gáy này làm gì. Chúng nó thích vườn lắm bác ạ, nhất là ổi. Chúng nó mà thấy được miếng đất này thì phải biết.
Mắt chị Năm tự nhiên nhòe đi không thấy họ nữa. Hai nắm tay anh Năm siết chặt mãi vào, miệng anh mím lại; một vẻ gì dữ dội hằn lên mặt, chị Năm chợt nhìn thấy rùng mình, ghịt cánh tay chồng, giọng van lơn:
- Anh đừng làm gì, họ giàu, họ có địa vị, mình không chống nổi đâu.
- Nhưng còn công lý?
- Đành rằng công lý che chở cho mình, nhưng tiền đâu đi đến đó?
Nhắc đến tiền anh Năm xuôi xị, thở dài. Không tiền, anh không làm gì được. Người ta nói có tiền mua tiên cũng được, không tiền anh mua một cái giấy xe lên tỉnh cũng không xong.
Giá trị của đồng tiền bỗng nổi bật lên rõ rệt. Anh Năm chợt nhận thấy mình có hai cái lỗi tầy đình là đã khinh thường giấy tờ và tiền bạc.
Anh không thừa nhận cuộc sống trên giấy tờ, cũng không thừa nhận bạc tiền gây hạnh phúc. Từ trước đến nay không tiền anh vẫn hạnh phúc, không giấy tờ anh vẫn sống như ai. Đụng chạm với thực tế rồi, anh mới giật mình nhận thấy cái nhận xét của mình về đời sống từ xưa đến nay hoàn toàn lệch lạc.
Gió vẫn vô tình đưa đến những lời bàn bạc như khiêu khích.
Chị Năm di đầu ngón chân khoáy những vòm tròn trên mặt đất, nghĩ đến ngày mai.
- Nhỡ họ không đi, bác làm sao?
- Không đi sao được, năm hôm nữa, tôi cho xe chở vật dụng tới khởi công. Với họ bác cũng biết, thời buổi này họ sợ lôi thôi lắm. Hơn nữa tôi cũng đền bồi xứng đáng chứ không đâu.
Mười lăm phút sau, chừng như đã đo và tính toán đâu vào đấy, ba người trở ra xe, ông chủ đất bước lên thềm vào nhà.
Chị Năm hớt hải định chạy vào nhưng anh Năm nắm vai kéo lại, anh vào trước.
Hôm nay, nụ cười thứ nhất nở trên môi ông chủ, ông tỏ vẻ săn đón hai vợ chồng.
- Thế nào, đã tính xong chưa, hôm nào dọn?
Anh Năm, điềm tĩnh ngồi xuống ván. Anh không mời, nhưng ông chủ vẫn tự tiện kéo ghế ngồi theo.
- Ông bảo đi đâu bây giờ? Nhà chúng tôi đây.
Bị phản công bất ngờ, ông chủ xịu ngay mặt lại.
- Tôi đã biết điều, anh lại còn lôi thôi. Anh phải biết, nếu tôi thẳng tay, thì anh mất tất cả mà còn không được gì. Anh là người chiếm đất tôi bất hợp pháp.
Nghe lại tiếng "đất của tôi", mặt anh Năm bỗng bừng bững như say.
- Đất của ông à? Ngoài những miếng giấy lộn, ông đã biết gì về đất này? Ông được bao nhiêu tuổi? Năm mươi? Sáu mươi là cùng. Ngay từ lúc ông còn trứng nước, ông cha tôi đã đổ mồ hôi bồi bổ đất cho ông. Đến hết đời phải lấy thân xác mình mà gây màu mỡ cho đất ông. Từ một miếng đất ruộng phèn đóng hàng mấy tấc, đời này qua đời khác đã chung góp vào đem mồ hôi hòa đất mới được phì nhiêu. Ông có kỷ niệm gì với miếng đất này ngoài những xấp giấy bạc thảy ra mua lại của chủ cũ? Ngoài lòng tham muốn lấy của người làm của mình? Ngoài cái tên trên giấy tờ hợp pháp? Ông chưa từng đổ giọt mồ hôi nào trên lòng đất. Ông chưa biết cái liên quan mật thiết giữa người với đất hòa hợp nhau thế nào. Đất không có người không sống, người không có đất cũng không tồn tại. Ông không có cái quyến luyến với lòng đất, nơi cả mấy đời nằm yên dưới ấy, nơi cả mấy đời nối tiếp trên này cho nên không hiểu được sự đuổi xô người sống, khuấy rộn người chết là thế nào.
Chị Năm há hốc miệng nhìn chồng, chị không ngờ chồng nói được những điều thâm tâm chị đang nghĩ đến.
Ông chủ cũng há hốc miệng ngạc nhiên, nhưng chợt biết mình sắp vào thế bí, ông đứng lên xẵng giọng:
- Anh nói nhiều quá tôi không thích, thật thà bàn với nhau có phải hơn không? Tôi sẽ đưa tiền anh dọn đi, anh có thiệt gì đâu.
Anh Năm quắc mắt quát to:
- Cút.
Chị Năm bước vội lại nắm cánh tay chồng lôi lại. Ông chủ đã ra đến thềm.

*

Đời sống hạnh phúc của gia đình anh Năm đã đến khúc quanh. Không ai nói với ai lời nào về câu chuyện ấy nhưng phảng phất trong không khí, phảng phất trong cái cười gượng gạo, nó vẫn lẩn quất chung quanh rình mò cơ hội chui vào.
Và cơ hội chui vào đúng ngay ngày người thợ đến đóng cọc chung quanh miếng đất.
Chị Năm thút thít khóc, anh Năm đã thấy mình bị dồn vào thế bí, hàng rào kẽm gai sẽ siết lần lại, anh nghe như ngột ngạt khó thở, hai bàn tay như có những cử động thừa thãi, anh muốn bóp, siết vật gì cho hả dạ.
Buổi chiều, từ xa một xe đất quanh vào đổ trút xuống cạnh đường đắp nhỏ một dòng đất đỏ ngùn ngụt rồi chạy đi.
Chị Năm lẳng lặng trở vào nhà nằm vật xuống ván mắt đỏ hoe. Anh Năm ngồi cạnh bên cửa, mắt anh như dán vào con lộ chạy dài xuyên tỉnh lỵ. Tuy không biết canh để làm gì nhưng anh vẫn ngồi canh ngong ngóng hết giờ này sang giờ khác.
Chiếc xe đất đi luôn không trở lại.
Anh lần ra mé lộ, căm hờn nhìn đống đất lù lù ngang nhiên đè bẹp mấy mầm non so đũa (cây có quả từng chùm, dài như những chiếc đũa. Hoa luộc hoặc nấu canh) anh vừa trồng cho đường thêm bóng mát.
Anh dốc lên một nắm nhìn. Nhất định là anh không có cảm tình với thứ đất đỏ nhờ nhờ này.
Trở vào, anh rẽ qua nấm mộ thằng con lớn, cạnh đó là mộ cha anh. Anh vẫn định ngày nào làm ăn khá sẽ xây cho họ cái chớp xi măng nhưng bây giờ không còn ngày nào nữa.
Anh ngồi bệt xuống nhìn xung quanh. Cũng nơi này ngày xưa anh leo trèo một cách vô tư, cũng nơi này con anh bập bẹ tiếng nói đầu tiên.
Cái sống và cái chết đã đi qua, mảnh đất vẫn yêu thương gói trọn, người chết nằm xuống đó, kẻ sống còn lại đây, bình tĩnh không thấy mất mát, vì tất cả vẫn còn tồn tại.
Ngày mai thì không thế nữa.
Đêm khuya, anh trở vào nhà. Chị Năm vẫn thức, anh ngã người nằm bên vợ. Chân vừa duỗi ra bỗng đạp phải vật gì mềm, anh ngồi lên nhìn, một bao vải túm gọn. Ra vợ anh thức để sửa soạn cho cuộc rút lui của gia đình.
- Mình để bao đây làm gì?
Chị Năm không xoay lại đáp.
- Sớm muộn gì cũng phải đi, thà lo trước cho đỡ bận.
Nghe giọng nói đầy nước mắt, anh nín lặng gác tay lên trán.
Sáng hôm sau, anh lại tiếp tục canh, biết rõ hành động mình vô lý, anh vẫn ngồi yên bên cửa. Chị Năm bó gối nhìn vườn ổi nụ trổ đặc cành.
Mãi đến chiều, chiếc xe thứ nhất quanh vào kế chiếc thứ hai, thứ ba, thứ tư nối tiếp nhau trút những đụn đất đỏ lên đường đắp.
Bụi đất bay mù mịt, biến những cành ổi xanh tươi ra đỏ một mầu dơ dáy.
Họ lặng yên không nói với nhau nửa lời nhưng từng phút, từng phút mọi hy vọng trong lòng sụp dần như lầu cát.
Chiếc xe đồ sộ của ông chủ cũng vừa đến đậu sát bên đường. Ông xuống xe đi đi lại lại giữa đám dân phu đang tới tấp ban đất cho bằng.
Từ trong cửa nhìn mảnh đất thân yêu bị dày đạp, oằn oại dưới gót chân người xa lạ, ngột ngạt dưới mô đất đỏ mầu đáng ghét, ngực anh Năm bỗng nặng nề như mang giỏ đá ngàn cân.
Anh vụt đứng lên đi vội ra. Chị Năm hốt hoảng nhổm dậy trông theo. Chị bỗng thở ra nhẹ nhàng: anh Năm không lại bờ đắp mà rẽ vào vườn.
Lủi thủi đi, anh Năm nghe như cái đau trĩu nặng từng bước chân, nhưng biết làm sao, anh chỉ còn một giải pháp. Vừa đi vừa toan tính những lời đối đáp, anh Năm bỗng giật mình đứng khựng. Trước mắt anh ông chủ đang nhìn vườn ổi say mê, ánh mắt đầy ham muốn tham lam như muốn ôm tất cả vào mình, trên môi phảng phất nụ cười hài lòng, quyết thắng.
Anh chợt hiểu, những gì vừa định nói, anh biết rằng không thể nói được, gật nhẹ đầu chào không thêm gì anh quay vào trước đôi mắt ngạc nhiên của hắn.
Thật là điên rồ, anh định ra năn nỉ hắn nán lại một thời gian cho anh bán ổi. Bây giờ anh đã hiểu vì đâu người ta định đuổi anh, anh đã hiểu vì đâu hắn quyết liệt lấy lại ngay. Trong mắt hắn, anh vừa đọc được câu trả lời những thắc mắc của anh. Vườn ổi, tất cả chỉ vì vườn ổi đang đơm hoa.
Trở vào bên ngưỡng cửa, anh Năm gục đầu triền miên nghĩ ngợi, ánh nắng xế lần, những người dân phu đã trở lên xe, ông chủ đang ngắm lần cuối cùng công trình ngày hôm ấy.
Anh Năm bỗng đứng lên quyết liệt, mắt anh sáng quắc, nhìn quanh quẩn, anh nhảy vào chụp con dao xắt chuối chạy miết ra vườn.
Chị Năm run bắn cả người. Không la được, hai gối chị như lỏng lẻo muốn khuỵu xuống, ráng lắm chị mới lết ra đến cửa.
Lạ thay, trên đường đắp không thấy bóng anh Năm, ông chủ đủng đỉnh đi lại xe leo lên. Tiếng máy rồ mấy lượt, xe từ từ phóng ra đường.
Băn khoăn mãi, không hiểu anh Năm làm gì? ở đâu? Nhưng chị đã yên lòng phần nào vì chắc chắn là anh không có ý muốn giết người.
Bóng tối tràn lan, nhà lên đèn từ lâu vẫn không thấy chồng về, chị Năm ngồi bên ngưỡng cửa ngóng. Đêm khuya, sương lạnh tuôn vào nhà thấm ướt cả hai vai, chị Năm vẫn ngồi lo lắng nhìn trời đêm chờ đợi.
Từ vườn ổi, bỗng đưa lại một tiếng gì lạ tai, trước nhỏ, sau to dần, to dần. Chị Năm ngơ ngác lắng nghe. Người chị bỗng nhiên lạnh toát, chị đã hiểu. Dù cố ôm đầu bịt tai tránh tiếng vọng đau lòng ấy, nó vẫn bướng bỉnh tìm đủ cách chui vào tai, chị bỗng ôm mặt khóc nức nở, khóc có lẽ còn hơn ngày mẹ chết.
Ngoài vườn tiếng phùm phụp bỗng im. Mười phút sau, anh Năm lảo đảo đi vào, trên tay con dao xắt chuối không vương máu người nhưng sẫm đen máu loại cây vô tội.
Anh Năm không giết người, anh chỉ giết cây để làm đau lòng người.
Ngày mai trở lại, hắn sẽ thấy một bãi đất hoang sũng nước, anh đã phá cái đập ngăn nước vào ruộng.
Ngày mai hắn sẽ thấy trôi lều bều trong nước, hàng ngàn xác cây chết oan uổng vì tham vọng vô bờ bến của một con người.

Xem Tiếp: ----