Cô ơi cho em xin tờ giấy!
Một giọng nói nhỏ nhẹ cất lên kéo tôi về thực tại. Nở vội nụ cười chứa đầy vẻ hối lỗi của một kẻ… thiếu trách nhiệm, tôi bước xuống bục giảng đưa tờ giấy thi cho cô bé ngồi đầu bàn gần nhất có đôi mắt to tròn như hạt nhãn rồi đi thẳng ra cửa lớp đứng “quan sát hiện trường”. Đã chín giờ. Phòng thi có khoảng ba mươi nam thanh nữ tú đang cắm cúi viết lia lịa, nhiều cậu bấm máy tính như điên. Đầu bàn chót, một “sĩ tử” buông bút cười một mình đầy vẻ khoái trá, chắc là anh chàng vừa tìm ra đáp số của bài toán hóc búa kia rồi.
- Chị ơi cho em tờ giấy!
Cậu học trò ngồi cạnh cửa sổ cất giọng ồm ồm khiến tôi vội vã trở về bàn giáo viên… Có tiếng trao đổi khe khẽ, tôi ra oai bằng cách… trợn mắt nhìn. Tên con trai hơi đỏ mặt rồi cúi xuống hý hoáy ghi.
Cộc… cộc… cộc… Huỳnh cầm một xấp giấy nháp màu xanh nhạt đứng ngoài cửa, khẽ gật đầu. Tôi vội ra:
- Phòng tôi chưa hết giấy nháp mà?
Huỳnh cười: - Bà quê quá, đây là giấy thông hành để tôi lang thang từ phòng này qua phòng nọ đó thôi.
- Ối trời! Giả danh giám thị hành lang hả? Bộ phòng ông rảnh rỗi lắm sao?
- Mọi chuyện giám thị I và giám thị II làm hết rồi, tôi chỉ chờ đến lúc cuối giờ thu bài, đếm bài phụ mà thôi. Ủa, bà gác với ai?
- Nhỏ Hiền và gã “áo đỏ” nhưng tụi nó đang bận tâm sự ở ngoài hành lang kia.
Huỳnh nheo mắt: - Chắc tụi nó nghĩ để bà làm nhiều cho xứng đáng với lương giám thị I chứ gì?
- Ê, tự nhà trường phân công chứ tôi có giành làm hồi nào đâu?
- Nói giỡn chút làm gì bà la làng vậy. Phòng bà có trục trặc gì không?
- Không, ơ nhưng mà – Tôi hạ giọng – Sáng hôm qua thu tiền, thối tiền bằng cách gì mà cuối cùng dư 10.000 đồng. Định trả lại nhưng chẳng biết của ai bèn nộp cho công quỹ cả.
- Cô ơi!...
Tôi bước đến đưa tờ giấy. Cậu học trò nở một nụ cười tinh nghịch: - Cho hai tờ luôn đi… Cô!
- Trời đất, viết chi dữ vậy?
- Viết một tờ thôi, còn một tờ đem về làm… kỷ niệm.
- Xí!
Tôi quay ngoắt đi bỏ lại đằng sau những tiếng cười. Huỳnh hỏi:
- Bị chọc hả, ai biểu bà “nhí” quá làm chi?
- Hôm qua tụi nó còn hỏi tôi học năm II hay năm III. Chả lẽ tôi tự khai là do tôi bị ở lại lớp một năm, nếu không thì năm nay làm gì có cảnh “cô trò” gặp nhau như vầy.
- Phòng bà có ít “em” quá. Có ai ở Sông Bé không?
- Nhận đồng hương hả, chẳng có “em” nào đâu, chỉ có một “anh” ngồi trong kẹt thôi, ông có muốn nhận bà con họ hàng gì thì cứ lại hỏi.
- Phòng bà có quay cóp gian lận gì không?
- Không. Tụi nó học giỏi lắm hay sao mà cứ cắm đầu làm bài miết. Hỏi nhau nho nhỏ cũng có…
Một bóng áo trắng đứng lên đi thẳng ra cửa:
- Cô ơi cho em ra ngoài.
Tôi tròn mắt: - Ra ngoài? Đang giờ thi mà?
- Em… - Cậu ta ấp úng – Em muốn đi rửa mặt.
- Ạ, chờ chút nha! – Hùng, Hùng – Tôi vẫy tay anh chàng giám thị hành lang đang đứng ngó vẩn vơ xuống đường – Phòng tôi có một thí sinh muốn ra ngoài nè…!
Hùng nở nụ cười thiểu não trước khi xuống cầu thang. Có tiếng loa rè rè cất lên thông báo còn mười lăm phút nữa hết giờ. Huỳnh tất tả chạy về phòng hắn ở tuốt bên dãy B. Hiền và gã áo đỏ cũng rời lan can trở vào phòng. Không khí trong phòng thi có vẻ chộn rộn hẳn lên…
°
Buổi trưa đến phòng họp đã thấy bà con tề tựu đông đủ. Kẻ đứng người ngồi lố nhố trong phòng, chuyện trò rôm rả. Tôi đang loay hoay tìm một chỗ ngồi thì có thông báo yêu cầu giám thị II về phòng thi để phát giấy và ghi số báo sanh, giám thị I ở lại để chờ nhận đề. Những băng ghế bỗng chốc vắng ngắt. Thầy Tiến chợt đến ngồi bên cạnh.
- Sao, có khỏe không Mai?
- Dạ khỏe.
Thầy nhíu mày nhìn phù hiệu:
- Trời, được làm giám thị I hả, oai quá ta?
Tôi đùa: - Chắc tại thầy trưởng khoa xét thấy có kinh nghiệm gác thi hai lần rồi nên cất nhắc cho lên chức đó thầy.
- Năm ngoái Mai gác chung với thầy à?
- Dạ phải.
Đằng cùng Hoàng từ bên ngoài đi vô và ngồi xuống cạnh thầy. Thầy cười cười:
- Nghe nói Mai dạo này có nhiều chuyện mới lắm hả?
- Thầy nghe thiên hạ đồn đãi làm chi?
Đằng xen vào: - Chắc thầy nghe chuyện…
Tôi trừng mắt: - Ai khiến ông nói?
Hoàng mỉm cười. Tôi nhìn thẳng vào nụ cười ấy và chợt thấy lòng mình thật bình yên. Gần một năm lúc nào cũng bên nhau và hơn ba năm tôi và Hoàng là mặt trăng, mặt trời cùng tồn tại trong một không gian nhỏ hẹp là lớp học, giảng đường, giờ ngồi đây mới thấy ngày ấy thật trẻ con… Thầy bỗng lên tiếng:
- Nghe đâu Mai thích Buôn Mê Thuột lắm, đúng không Mai?
Tôi nhăn mặt: - Sao thầy hay kể chuyện đời xưa quá hà. Bộ thầy không sợ có người vỡ tim mà chết trong khi ở đây không có sẵn xe cấp cứu hay sao?
Mọi người cười nhỏ. Hoàng cũng cười. Nhưng dường như trong nụ cười Hoàng có ẩn chứa một chút gì đó gượng gạo. Vừa lúc đó, có tiếng thầy Quang mời lên nhận đề thi…
Ba mươi phút sau trời đổ mưa. Học trò chúi mũi vào đề bài, chăm chú đọc. Giấy thi, giấy nháp đã được phát đầy đủ và cũng không có ai đòi hỏi “yêu sách” gì khiến ba “thầy cô” đành thất nghiệp. Thanh và Hiền kéo nhau xuống bàn trống cuối dãy ngồi tán dóc. Tôi ngồi nhìn những hạt mưa bay xiên xiên ngoài trời và bỗng dưng nhớ những câu thơ nằm tím ngắt trong quyển sổ thơ ở nhà.
°
Còn mười phút nữa hết giờ!
Hiền thông báo thật to rồi đến bên tôi cằn nhằn:
- Tên Thanh hôm nay trốn mất tiêu rồi. Thiệt chưa thấy ai tệ như nó, ỷ nay là buổi thi cuối và đã lãnh tiền xong nên chuồn thẳng.
Tôi an ủi: - Cũng không sao đâu, chỉ cực lúc cho ký tên nộp bài và kiểm trả coi có thiếu không mà thôi.
Hiền thở ra rồi lăng xăng thu dọn giấy trên bàn. Bên dưới thí sinh lục đục đóng nắp viết, săm soi lại bài thi lần cuối. Một người, hai người rồi lần lượt cả phòng kéo nhau lên nộp bài khiến Hiền luôn miệng nhắc:
- Ký tên, coi ghi số tờ chưa?
- Nè, em sao không đề tên họ?
- Bạn này còn thiếu số báo danh nè!
Cuối cùng, hai đứa cũng sắp xếp những bài thi theo số thứ tự một cách gọn ghẽ. Hiền tranh thủ cầm lấy túi xách:
- Mai xuống phòng hội đồng nộp bài một mình nghe, mình có công chuyện phải về trước.
Nhỏ thoát nhanh ra cửa. Tôi ôm đống bài thi và đứng nhìn lại lần cuối phòng học ngổn ngang giấy nháp xanh, đỏ, quăng tứ tung rồi chậm rãi rời phòng. Những bậc thang như dài thêm ra hàng cây số.
Thế là đã xong ba ngày ngắn ngủi làm cô bất đắc dĩ. Ba ngày ngồi nhìn lại hình ảnh của chính mình cách đó mấy năm trời mới chợt nhận ra sự hồn nhiên, ngây thơ và cả yếu đuối đã không còn trong tôi nữa. Chỉ ngày mai thôi là tất cả chúng tôi vĩnh viễn giã từ hai chữ “sinh viên” đầy tự hào mà mình đã khoác suốt bốn, năm năm qua. Sự bắt đầu của người này đôi khi, lại chính là sự ra đi của kẻ khác, phải không?
THẠCH TÂM (Áo Trắng – Tháng 6/1996)

Xem Tiếp: ----