…Tí Mơ ơi. Hôm nay chúa nhật đầu tháng đó. Tí Mơ có nhớ hôn?
 
Các đứa con của chúng tôi vẫn có thói quen  gọi mẹ chúng trống không với cái tên thân mật:”Tí Mơ”, Tí Mơ ơi, con kể cho tí Mơ nghe chuyện này ….Tí Mơ cho con tiền  con mua hamburger, tí Mơ ơi tới giờ tí Mơ đưa con đi học rồì …Kể cả tôi cũng vậy. Tôi luôn gọi vợ tôi bằng cái tên dễ thương đó từ  gần 20 năm nay và có lẽ sẽ còn gọi như thế cho đến ngày nhắm mắt lìa đời. Tí Mơ đang loay hoay với nồi cơm trong bếp, nói vọng ra:
 
Mẹ nhớ mà. Mẹ không quên đâu, cần gì con phải nhắc.
 
Vậy thì tốt, con cứ mong chúa nhật đầu tháng tới mau hơn …
 
Chả là gia đình chúng tôi có cái thông lệ chọn ngày chúa nhật đầu tiên của mỗi tháng  làm ngày tưởng nhớ cái thời trăng mật của hai vợ chồng và các con tôi đều say sưa hưởng ứng. Cái lệ đó thật đơn giản nhưng cũng rất kỳ thú. Nó nhắc nhở chúng tôi rất nhiều những kỷ niệm vui buồn của thời kỳ chúng tôi mới quen nhau, thời kỳ kinh tế tụt dốc, gia đình chúng tôi quanh năm ăn độn. Nhờ ơn chính phủ mới nên được thắt lưng buộc bụng mà đói. Đói là vinh quang. Đói vêu mỏ mà vẫn cứ cười, vẫn cứ hội, vẫn cứ họp, vẫn cứ kiểm điểm rút kinh nghiệm hằng đêm. Rút miết rồi kiệt sức nên có người chết vì lết không nổi nữa. Vào cái ngày chúa nhật này các con tôi dù đi học ở xa cũng vẫn nhớ bò về, cả nhà xum họp ăn một bữa cơm độn, hôm thì độn khoai, hôm thì độn bắp, chúng tôi ăn với rau lang luộc và cá khô nướng. Đó cũng chỉ là hình thức thôi, chứ thiệt tình mà nói ăn độn ở cái xứ Hoa Kỳ này thật là tốn kém không rẻ tí nào, nó không  chứng tỏ được cái nghèo mạt của thời cả nước tiến lên xã hội chủ nghĩa đâu. Chả thế mà mấy đứa nhỏ tôi thì cứ khen luôn miệng:” Ăn độn như vầy ngon tuyệt vời, ăn như vầy con ăn suốt đời cũng được …” Thế mới lạ chứ. Chỉ có vợ chồng tôi thôi. Chỉ có hai đứa tôi thôi, mỗi lần như thế đều ngậm ngùi. Chúng tôi âu yếm nhìn nhau, rơi lệ …
 
Sau khi nhận được thơ của Thục báo tin vu qui:” Thục sẽ về nhà chồng vào tháng tới, anh mừng cho Thục nhé…”Tôi mừng cho Thục mà lòng đau như cắt, đau như người bạn tù bị thương khi đi gỡ mìn phải cưa chân. Bác sĩ cưa bằng lưỡi cưa thường cưa gỗ được sát trùng mà không hề có thuốc tê. Họ cột tay chân anh vào vạt giường đè ra cưa, bệnh nhân rú lên từng hồi nghe như heo bị thọc tiết.Thục đi lấy chồng, tôi thất vọng. Tôi hát bài ca:” Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì ai …” Hát miết rồi  mệt mỏi quá nằm thiếp đi trên luống khoai tàn, và giấc mơ trầu cau đã hiện về thấp thoáng. Tôi nhớ tới Mơ, cô bé mà Mẹ tôi kết và thường hay nhắc đến cùng tôi. Bây giờ tôi loáng thoáng nhìn thấy Mơ đẹp, xinh xắn và có duyên, nhất là khi cô bé cười. Nụ cười thơ ngây hồn nhiên rất ư  nhà quê, nụ cười bình thản, an phận không hề tỏ lộ một chút đua đòi. Và kể cả đến bây giờ  Mơ cũng vẫn thế, rất hiền thục đoan trang làm mẹ, làm nội trợ không hề có kiểu “trưởng giả học làm sang”. Các con tôi thỉnh thoảng vẫn chê mẹ “Sao tí Mơ cứ …nhà quê hoài …”. Vợ tôi chỉ mỉm cười còn tôi thì dâng tràn một tình thương bao la ở trong lòng.
 
Dần dà tôi thấy mẹ tôi có lý. Bà cụ thật sáng mắt, biết chọn mặt gởi vàng. “Anh mà là vàng ư? vàng lá mùa thu thôi con ạ.”. “Mẹ nói thế nào chứ con không phải là cục vàng của mẹ sao “. “Ừ thì là cục vàng của mẹ, nhưng là cục nợ của người ta …anh không nhớ cái thân phận nguỵ, thân phận tù cải tạo của anh mà xã hội này đang ruồng bỏ hay sao, lại còn không mau mau, già rồi…Sợ chả có cô nào dám sờ tới, chỉ có ế kềnh ế càng thôi “. Nghe mẹ nói thế tôi mới chợt nhớ ra cái thân phận công dân hạng ba của mình, thở dài. Ấy thế mà đã có những lúc tôi kênh kiệu, coi đời như rơm, coi mấy anh chàng nón cối, dép râu như kiến cỏ, chả ra cái thớ gì. Tôi bắt đầu ngã về Mơ, để ý tới Mơ và nhen nhúm một chút khoan khoái khi nhìn cái nước da bánh mật của cô bé. Nước da ngâm ngâm ấy các cô bên này phải tốn tiền nhiều lắm mới có được, còn Tí Mơ của tôi thì đã có tự nhiên, trời thương trời ban cho từ khi lọt lòng mẹ. Một hôm cũng trên nương rẫy lúc nghỉ giải lao tôi nói với mẹ tôi:” Hay là mẹ đi hỏi cho con đi “. Mẹ tôi dù biết tỏng tôi nói gì nhưng bà vẫn tủm tỉm cười vô tư:” Hỏi cái gì?”. “ …thì hỏi cái ấy đó …”. “Cái ấy mẹ không biết “. Tôi giả bộ giận:” Mẹ không biết thì thôi …con ở vậy nuôi mẹ tới già …đến khi mẹ theo ba thì con cạo đầu đi tu luôn …”. Nghe tôi nói đi tu bà cụ giật mình sợ mất tông mất giống nên níu tay tôi, xuống gịong:” Thôi được rồi để mẹ cậy người đánh tiếng xem sao …Hình như nó cũng có vài người đang ngấp nghé đó.”.
 
Vâng đúng thế tí Mơ đắt khách lắm, trong đám khách hằng ngày tới nhà Mơ có một chú công an áo vàng. Đây là một trở ngại lớn cho tôi, dù chỉ là con kiến vàng thôi nhưng nó gai mắt tôi, nó chích tôi hoài dù tôi chưa hề cạnh tranh để bước vào nhà Mơ cùng nó. Nếu bây giờ nó biết tôi là đối thủ thì không hiểu nó sẽ làm gì. Nghĩ tới đây thật sự tôi hơi nhột, nhưng chả nhẽ mình bỏ cuộc. Cái máu tráng sĩ năm xưa sôi sục trong lòng, làm tôi thanh thản tự tin để bước vào mặt trận mới. Thế lực không cân xứng, nhưng tôi tin tôi chiến thắng. Tôi đã một lần thua, mất tất cả, lần này tôi không cho phép mình thua để gỡ lại một chút danh dự mà sống với đời. Tôi nghĩ tới em gái tôi, cùng trạc tuổi với Mơ. Phải kéo con bé vào cuộc, làm đồng minh, làm cố vấn và làm …gián điệp cho mình mới được. Tôi đập “con heo” đất lấy ra những đồng tiền mà tôi ky cóp mấy năm để tính mua vé tàu xuôi Nam thăm Thục, nhưng bây giờ mục đích ấy đã phai tàn rồi. Tôi lấy số tiền ấy hối lộ em tôi. Em gái tôi trố mắt nhìn tôi thích thú reo lên:”Cho em hả? Sao anh lại tốt thế …?”. Bộ hồi nào tới giờ anh không hề tốt với cô sao?. Nhưng.” Không nhưng nhị  gì cả cầm lấy đi sắm vài bộ quần áo mới …mà ăn tết với người ta. Em gái đẹp thì anh trai cũng nở mày nở mặt …”. Em gái tôi cầm tiền mà rưng rưng nước mắt. Chợt lòng tôi chùng xuống. Đời sống cơ cực quá, tội nghiệp đứa em tôi. Phải chi đừng có giải phóng thì em tôi đâu đến nỗi nào. Em tôi đưa tay quệt vội giòng nước mắt lăn trên má, gượng cười “Cám ơn anh hai, nếu anh hai cần gì …cứ nói, em sẽ cố gắng đền đáp “. Tôi nói “không cần”. Phải làm bộ nói thế chứ, không nên để lòi cái âm mưu của mình ra, lỡ nó là đứa thanh liêm, trong sạch, nó vứt tiền vào mặt mình rồi cười khẩy từ chối thì mình mang mặt mo chứ chẳng chơi. Rồi từ từ, khi cá đã ăn mồi rồi thì sợ gì không vướng lưỡi. Tôi thầm tủm tỉm cười tự khen mình cao kế. Kể từ hôm đó cứ mỗi buổi “chiều tàn trên cánh đồng quê”, thay vì thui thủi về nhà trước mọi người như thói quen, tôi đã lân la chậm chạp để chờ Mơ cùng về. Nói là cùng về cho nó oai phong thôi, chứ thật ra tôi đi theo sau Mơ như một cái đuôi. Cái đuôi ấy dài ra theo năm tháng. Cái đuôi ấy lúc đầu Mơ không biết, sau này khi Mơ phát hiện ra thì cái đuôi đã loằng ngoằng, và bạn bè trêu chọc dữ quá làm cho Mơ mắc cỡ.Có hôm Mơ ở lì trên rẫy tới tận tối không dám về vì sợ cái đuôi. Cái đuôi cũng ngồi lì chờ đợi.Rồi trời chập chững tối, tiếng gío hú, tiếng dế gáy, tiếng nhái kêu chắc làm cho Mơ sợ ma. Cô bé đành phải đứng dậy, khi đi ngang qua chỗ tôi ngồi chờ, cô bé ù té chạy không dám ngó lại. Không ngó lại nhưng cô biết chắc cái đuôi đang ngọ ngoạy phía sau. Vâng tôi cũng lững thững theo em về, thì thầm hát:” Em tan ruộng về, đường nương nho nhỏ, em tan ruộng về đường nương nho nhỏ, em đi vội vàng anh không kịp ngỏ những lời tình yêu, tình yêu…”.
 
Những ngày chúa nhật nghỉ việc tôi bắt đầu cảm thấy nhớ Mơ rã rượi. Tôi thường đạp xe đi ngang qua nhà Mơ vài ba lần để mong nhìn thấy Mơ, nhìn thấy nụ cười có má lúm đồng tiền khi cô bé chào tôi là lòng tôi hân hoan như trẩy hội. Tôi đạp xe trên đường về miệng huýt sáo luyên thuyên. Nhưng có nhiều hôm chợt thấy tôi từ đằng xa, Mơ đã vội vã bỏ chạy vào trong nhà. Những lần đó tôi đạp xe về buồn ngẩn ngơ như ngày nghe tin Thục đi lấy chồng.
 
Mai này. Mai là tên của em gái tôi. Có một cô gái mà cứ hễ thấy mặt mình thì cô ta mắc cỡ, tránh né không chịu cho gặp mặt …Thế là thế nào hở Mai?
 
Sao anh không hỏi cô ta lại hỏi em …
 
Thì anh nghĩ  cùng là con gái …chắc em biết …
 
Mơ không cho anh chạm mặt phải không?
 
Mai nói trúng phóc tim đen của tôi, nhưng tôi vội chối phăng:
 
Làm gì có …anh hỏi giùm cho thằng bạn …nó nhát gái lắm
 
Em tôi cười khì:” Thế này nhá, có hai trường hợp. Thứ nhất là cô ta ghét cay ghét đắng cái anh chàng kia nên không muốn ngó mặt, hai là cô ta cũng có để ý gì đó tới anh chàng kia nhưng cô ta ngại, mắc cỡ cũng không dám gặp. Con gái nhà quê mà  anh hai.”.
Tôi nghĩ liên miên. Mình đâu có làm gì xấu  mà Mơ ghét, trường hợp thứ nhất bị gạt ra ngoài. Chỉ còn trường hợp thứ hai mà thôi, nếu thế thì đúng là Mơ cũng có để mắt xanh tới mình rồi. Tôi hí hửng với niềm vui nở nụ trong lòng. Một ngày chủ nhật thật đẹp dù tôi chưa được nhìn thấy Mơ.
 
Rồi một ngày chủ nhật khác tôi lững thững đạp xe ngang qua nhà, chợt thấy Mơ thập thò nơi ngưỡng cửa, tôi nghĩ sao mình không liều lĩnh vào nhà. Không vào hang cọp làm sao bắt được cọp con. Tôi vội nhảy xuống xe rồi dắt chiếc xe đạp cà tèng vào nhà. Tôi đứng trước cửa, nhà vắng hoe, tôi tằng hắng một lần, rồi tằng hắng hai lần …coi như là báo động nhà có khách đấy, có ai ở nhà mau ra mà tiếp. Tằng hắng đến năm lần mà mọi vật vẫn im ắng như tờ. Quái mới thấy Mơ đứng ở cửa này mà …Tôi ngẩn tò te một lúc rồi quay ra nhảy lên xe, uể oải đạp về. Tôi đã khóc ở trong lòng. Về tới nhà nằm lăn ra giường nghe rỉ rả bài hát “chủ nhật nào ta im hơi vì đợi chờ không nguôi ngoai …”. Tôi theo Mơ cứ như thế ròng rã cả nửa năm trời, cứ như chơi trò hú tìm. Cuối cùng tôi phải nhờ tới em gái tôi:
 
Mai này chủ nhật tới là sinh nhật của em đó, còn nhớ không?
 
Em gái tôi mắt nhìn xa xăm, chậm rải nói:” Mải tiến, tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa nên em đã quên mất cả ngày sinh tháng đẻ của mình từ lâu rồi.”. Ừ chả phải chỉ mình em tôi quên đâu mà cả nhà, cả mẹ tôi, cả tôi  cũng quên luôn.  Nhớ lại những năm chưa giải phóng, mẹ tôi tổ chức mừng sinh nhật cho em, vui rộn rã mà tim tôi chợt nhói, mắt  tôi nhập nhoà. Hôm nay tôi chợt nhớ ra vì một lẽ riêng của mình.
 
Anh sẽ tổ chức sinh nhật cho em nha. Sinh nhật thứ 21, thường người ta tổ chức lớn lắm …
 
Sinh nhật thứ 18 …người ta mới tổ chức lớn. Anh nhớ lộn rồi …
 
Thây kệ …Anh nấu một nồi chè thưng …cho em mừng sinh nhật. Nhớ mời bạn bè tới cho vui nha.
 
Có mời Mơ không anh hai …
 
Tôi quay đi không trả lời, có một chút ân hận tấy lên. Tôi không muốn cho em tôi biết mình lợi dụng ngày sinh nhật của nó. Tôi chỉ muốn em tôi vui và hiểu là anh hai nó còn thật sự nhớ tới nó, thật sự chăm sóc nó như ngày nào. Ngày chúa nhật đến, tôi loay hoay nạo dừa, phụ với Mai nấu một nồi chè thiệt bự. Bạn bè của Mai đã tới đông đủ. Nhưng một người mà tôi nôn nóng chờ đợi vẫn không xuất hiện. Tôi bước ra ngoài ngõ trông ngóng, bước vào nhà lấn cấn…Mai biết tôi đang nghĩ gì, nhưng nó vẫn làm như vô tình, vẫn nói cười vui vẻ với mọi người. “Tiệc” mừng sinh nhật của Mai rồi cũng tan. Người tôi mong vẫn biệt tăm. Tôi ra trước thềm nhà, ngồi vê một điếu thuốc rê, thả nỗi buồn theo khói bay lên mái lá. Bạn bè Mai về hết rồi. Sau khi dọn dẹp xong Mai ra ngồi cạnh tôi:
 
Thất tình phải không ông anh  ?
 
Tôi chả buồn trả lời nó. Tôi vê một điếu thuốc khác gắn lên môi, mắt lim rim
 
Đừng buồn anh Hai à. Mơ nó thích anh đấy.
 
Tôi tỉnh người ra chồm tới hỏi nhanh:
 
Sao em biết? Sao em biết? Có thiệt không?
 
Em tôi gật đầu:” Thiệt đó. Mơ nó nói với em nó …thích anh đó. Nó nói anh có dáng dấp phong trần của một người đàn ông. Anh chững chạc. Ba mẹ của Mơ cũng có vẻ chịu anh nữa. Hôm nay nó muôn đến lắm nhưng không đến vì nó nói nó mắc cỡ. Em nói anh muốn gặp nó. Nó nói gởi lời xin lỗi anh …”
Tôi với tí Mơ không hề chạm mặt nhau, không hề nói chuyện gì với nhau cho tới ngày tổ chức đám hỏi.
 
Ấy thế mà con kiến vàng công an cũng đã điều tra ra cái mối tình câm của chúng tôi, hắn tức lắm. Hắn tìm cách làm nhục tôi bằng cách ngày chủ nhật nghỉ việc, hắn điều động năm bảy người tù cải tạo mới được thả về đi làm vệ sinh thôn xóm, moi rác, thông ống cống, hốt phân bò trên đường, những công việc dơ dáy, bẩn thỉu rồi hắn đứng chỉ tay năm ngón lên lớp. Những đêm họp dân thôn ấp, hắn bắt chúng tôi đứng lên đọc tờ kiểm điểm rồi mọi người góp ý như một hình thức đấu tố. Tôi biết Mơ khổ tâm về chuyện này. Có người đã rỉ tai Mơ rằng:” Thiếu gì người sao lại đi ưng một tên tù cải tạo như vậy. Biết đâu ngày mai, ngày mốt nhà nước lại gom đi biệt tích không chừng. “. Nhưng Mơ vẫn không màng hiểm nguy, vẫn một mực thương tôi mặc dù không gặp mặt tôi và cũng chẳng hề chuyện trò gì với tôi cả. Chúng tôi tổ chức lễ hỏi nghèo nàn lắm. Không có gì, không có cả một chiếc nhẫn đính hôn, không có cả đôi bông tai sính lễ mà chỉ có duy nhất một mâm cau trái và một xấp lá trầu. Gia đình hai họ lác đác dăm người, thắp nhang trước bàn thờ gia tiên, chứng kiến cho đôi trẻ, để đôi trẻ được phép qua lại tìm hiểu nhau thêm …Ấy thế mà con kiến vàng cũng làm khó dễ. Hắn hoạnh hoẹ rằng sao chúng tôi không đăng ký. Tôi nói với hắn:” chúng tôi mới chỉ làm lễ hỏi mà thôi, lỡ mai này có bên đổi ý …đám cưới không thành  thì sao. Khi nào chúng tôi làm đám cưới chúng tôi sẽ đăng ký …Hắn đuối lý và có lẽ hắn cũng mong cho cái điều tôi gỉa dụ đó xẩy ra …nên làm lơ lầm lũi bỏ đi.
 
Trước ngày chúng tôi tổ chức đám cưới khoảng một tuần. Tôi đang làm cỏ bắp trên rẫy thì mẹ tôi lên kêu về nhà có khách. Tôi ngạc nhiên lắm, tự hỏi khách nào đây. Khi về tới nhà tôi thấy một cô gái, chắc cỡ hai lăm hay hai sáu tuổi. Trông cách phục sức tôi biết ngay là một Việt kiều. Tôi gật đầu chào ;
 
Chào cô … Chắc cô mới từ Mỹ về thăm quê hương ?
 
Vâng tôi là Trâm từ Mỹ về. Tôi là bạn của Thục. Chúng tôi thân nhau lắm. Thục  coi tôi như là chị. Thục nhờ tôi ghé thăm anh và có gởi tôi mang về một lá thơ. Chả biết Thục nói gì trong đó. Nhưng anh vui lòng khi nào tôi ra về rồi anh hãy mở thơ nha.
 
Tôi hỏi thăm về cuộc sống của Thục ở bên ấy. Được biết Thục rất hạnh phúc và đã có một cháu trai kháu khỉnh, dễ thương. Tôi thật sự yên tâm và mừng cho Thục. Người khách Việt kiều ngồi chơi với gia đình tôi khỏang một tiếng đồng hồ thì cáo từ. Tôi tiễn cô ta ra ngõ. Cô đưa tay bắt tay tôi và nói:
 
Tôi còn ở thành phố một ngày nữa. Nếu anh có gì như là thư từ chẳng hạn gởi cho Thục thì đến gặp tôi. Tôi sẽ chờ anh buổi sáng ngày mai cho tới 12 giờ trưa. Nếu anh không tới thì tôi đành từ biệt …
 
Vâng để tôi coi có nên viết thơ cho Thục hay không …
 
Cô gái cười chào tôi rồi thủng thẳng bước lên chiếc xe ôm đang nổ máy. Tôi vội bước vào nhà mở thư Thục ra đọc. Cầm lá thơ của Thục mà lòng tôi lại quay cuồng với những năm tháng cũ tưởng như đã nguôi ngoai. Dù Thục chưa từng nói yêu tôi, nhưng trái mù u của tôi đã một thuở chín mọng trên cành.;
 
“ Anh,
mà chị không chịu. Khi nghe em kể về anh chàng tráng sĩ tên Miên thì chị có vẻ chịu liền. Duyên số chăng? Chị ấy sẽ hẹn gặp anh ở một chỗ nào đó, có nghĩa là chị ấy chịu anh thiệt rồi. Nếu anh cũng chịu thì tới điểm hẹn. Hai người xúc tiến việc đính hôn …và chỉ chừng sáu tháng sau là anh có mặt ở Mỹ …qua đây hai người sẽ chính thức làm lễ cưới. Em mong mọi điều tốt đẹp. Hẹn gặp anh ở Phila nhé.”
 
Thục
 
Tôi cầm lá thơ phân vân. Tí Mơ thấy tôi về lâu quá không trở lại rẫy, cô bé sốt ruột cũng bỏ rẫy về đây. Thấy tôi như đang đi trên mây. Tí Mơ nhỏ nhẹ hỏi:
 
Thơ viết gì thế anh? Anh làm sao thế?
 
Tôi đưa lá thơ cho tí Mơ. Tí Mơ đọc xong, mắt đỏ hoe, ngập ngọng nói ;
 
Là  điều … may lành cho anh đó anh Miên. Anh sẽ tránh được những tai ương có thể xảy ra bất cứ lúc nào và …cũng tránh được những bữa cơm độn ngô rau  …nữa. Em thật lòng chúc mừng cho anh …em thật lòng đấy.
 
Tôi nhìn thấy  nước mắt của Tí Mơ chảy dài trên má. Tôi xích lại gần Tí Mơ và lần đầu tiên tôi vòng tay ôm Mơ, tôi uống hết những giọt nước mắt trên má trên môi tí Mơ:
 
Anh sẽ không tới điểm hẹn đâu. Anh ở lại đây cùng em ăn những bữa cơm độn hẩm hiun nhưng tình nghĩa này.
 
Tí Mơ ôm chặt lấy tôi khóc rấm rức.
 
Đám cưới của chúng tôi được tổ chức đúng ngày đã chọn. Mẹ tôi còn duy nhất đôi bông tai hai chỉ vàng y, quà cưới mà cha tôi đã trao tặng mẹ trong ngày cưới. Mẹ bán đi để lo đám cưới cho chúng tôi. Sau đám cưới Mơ nói với tôi là mình gom tiền mừng của bà con lại, đi chuộc đôi bông tai kỷ niệm cho Mẹ. Nhưng tiệm vàng cho biết là đôi bông tai ấy, kiểu xưa quá, lỗi thời, nên đã được nấu ra làm đồ trang sức khác rồi. Chỉ có thể kéo đôi mới …Nhưng mẹ tôi nói: “ nếu kéo đôi mới thì có ý nghĩa gì nữa đâu. Thôi để số tiền ấy cho hai con làm vốn.”. Sau này cũng nhờ những đồng tiền ấy mà chúng tôi lo thủ tục xuất ngoại diện HO qua Mỹ. Tiếc một điều là Bà cụ đã không thể đi cùng chúng tôi vì phía Mỹ từ chối với lý do Cụ còn một người con gái ở Việt Nam nên không đi theo chúng tôi được, ngoại trừ chúng tôi nêu ra được những bằng chứng là cụ bị chính quyền mới ngược đãi. Ngược đãi thì xẩy ra liên tục, nhưng chứng cớ thì lấy ở đâu ra hở trời. Ngày ra phi trường đi Mỹ cũng là ngày sầu thảm nhất đời tôi khi nhìn mẹ già khóc sướt mướt. Đi lần này chả biết có còn được gặp lại mẹ nữa hay không.
 
Tiếng Tí Mơ kéo tôi về thực tại:
 
Cơm độn xong rồi, mời ba và các con ngồi vào bàn đi.
Các con tôi ùa lại bàn ăn, vui như ăn tết. Riêng tôi nhìn Tí Mơ trìu mến;” Cám ơn em người bạn đời đã cùng anh một thời chia ngọt xẻ bùi. Cám ơn em Tí Mơ.
 
Con gái út tôi nhao nhao lên:” Tí Mơ kể chuyện hồi tí Mơ mới lần đầu gặp ba đi. Tiếng sét nổ ngang tai nghe rèn rẹt, rèn rẹt …phải không tí Mơ?
 
Tí Mơ âu yếm nạt con bé:
 
Ăn đi. Chuyện xưa như trái đất mà cứ đòi kể hoài.
 
 Nói xong nàng nhìn tôi như thầm nhủ “hãy giữ mãi những kỷ niệm đó ở trong lòng “
 
Lê Du Miên 
 

Xem Tiếp: ----