Tại đền thờ Nguyễn Trung Trực tại T.p Rạch Giá, phía trong chánh điện có rất nhiều bài vị thờ. Phía ngoài là bài vị Chánh soái Đại càn, di ảnh Nguyễn Trung Trực, chư vị hội đồng trăm quan cựu thần, thờ tiền hiền, đồng bào nghĩa quân liệt sĩ. Phía trong có ba ngai thờ chính của đền: chính giữa là ngai thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực; bên trái là ngai thờ Phó cơ Nguyễn Hiền Điều, Phó lãnh binh Lâm Quang Ky; bên phải là ngai thờ thần Nam Hải đại tướng quân (Cá Voi). Trên nóc đền có bức hoành phi ghi 4 chữ "anh khí như hồng", nghĩa là khí tiết của người anh hùng rực rỡ như cầu vồng bảy sắc. Về Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực & Phó lãnh binh Lâm Quang Ky tôi đã có bài viết. Hôm nay Phó cơ Nguyễn Hiền Điều( tức Phó Cơ Điều) là người tôi muốn giới thiệu trong bài soạn này. I.Trước hết, xin nhắc lại một giai đoạn lịch sử: Tháng 6 năm Quý Tỵ (1833) vì bất mãn, Lê Văn Khôi khởi binh chống lại vua quan Nhà Nguyễn. Ngay sau đó, trước sức mạnh của binh mã triều đình, Khôi đã phải vội vàng đi cầu viện vua Xiêm. Vào tháng 11 năm 1833 quân Xiêm do tướng Chất Tri (Phi Nha Chakkri) chỉ huy, chia làm 5 đạo và hơn 100 chiến thuyền tràn vào đánh chiếm Hà Tiên, An Giang, Châu Đốc… Nhưng vua Minh Mạng bình tĩnh đối phó, chờ thời cơ để phản công. Không lâu sau, tại Tiền giang, nơi Vàm Thuận (sử ghi là Thuận Cảng, Thuận Phiếm cửa của Vàm Nao phía Tiền giang) quân Nguyễn giành chiến thắng. Vài mươi ngày sau, qua tháng giêng năm 1834, thủy quân Xiêm lại theo đường cũ, đến vùng mà chúng đã thua hôm nọ để quyết chiếm yết hầu Tiền giang. Đến Vàm Thuận không thấy gì xảy ra, chúng thử tiến thêm đến rạch Củ Hủ (vùng chợ Thủ). Khi ấy nhân lúc nước xuống, giặc theo bờ sông phóng hỏa đốt bè, ngăn trở thủy quân ta rồi chúng lại sấn tới đánh. Quản vệ Phạm Hữu Tâm đốc binh đánh từ giờ Dần đến giờ Tỵ, quân giặc chết nhiều, thây chồng nhau, giặc liền lui. Đây là trận đánh kéo dài từ ba bốn giờ khuya đến chín mười giờ trưa, giặc chết nhiều, thây chồng lên nhau. Rồi quân ta lại thừa thắng thâu phục đồn Châu Đốc, thâu phục thành Hà Tiên… rượt đuổi chúng tới tận Nam Vang rồi giải phóng luôn thủ phủ xứ Chân Lạp này. Trong bối cảnh chống xâm lăng như vừa kể, một bộ phận tộc người Khơ-mer ở Kiên Giang do bị xúi giục đã nổi dậy xô xát, chia rẽ với tộc người Việt, chống lại chính quyền đương thời. Để trị an đất nước, triều đình nhanh chóng đặc phái Nguyễn Hiền Điều về vùng Tà Niên nhằm ổn định tình hình. II. Nguyễn Hiền Điều (Nguyễn Văn Điều) sinh ở Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1834 giữ chức Thự Quản Cơ (tức là quyền Quản cơ ) tỉnh Vĩnh Long.( Tư liệu chỉ ghi tiểu sử của ông có bấy nhiêu, khi tìm được gì thêm, tôi sẽ bổ sung sau) Như đã nói trên, Nguyễn Hiền Điều lãnh nhiệm vụ dẹp loạn và ông rất nôn nóng muốn hoàn thành sứ mệnh của mình. Bởi vậy trong một đêm khuya nọ, ông cùng một số người tùy tùng đi thám sát tại rạch So Đũa. Bị bọn nổi loạn phát hiện trong khi viện binh chưa tới kịp, ông và quân lính phải chiến đấu rất quyết liệt. Đến chiều ngày hôm sau, lâm vào cảnh sức yếu thế cô, ông bị trọng thương. Theo truyền thuyết khi về đến giếng Cây Trâm (cách đình làng Vĩnh Hòa Đông khoảng 2km) thì bên ông chỉ còn lại một cận vệ. Quá mỏi mệt, ông vừa trèo xuống giếng uống nước thì đối phương cũng vừa truy đuổi đến nơi. Người vệ sĩ bị đâm chết. Còn ông mới từ dưới giếng ngoi lên thì bất ngờ bị một dao đâm vào bụng. Ông bứt lá môn mọc trên miệng giếng bó tạm vết thương đang ra nhiều máu, để tiếp tục chiến đấu. Đến khi không còn sức chống đỡ, để khỏi sa vào tay bọn làm phản, ông đâm vào cổ tự sát tại bờ giếng Cây Trâm, lúc ấy vào chiều ngày 13 tháng giêng năm Giáp Ngọ (1834). Phiến quân cắt đầu ông về treo tại vàm rạch ngã ba So Đũa. Theo lời kể của các hương lão, dân thôn Vĩnh Hoà Đông bí mật tổ chức lấy đầu lâu của Phó Cơ Nguyễn Hiền Điều do người Khơ-mer cất giấu ở một ngôi chùa tại So Đũa, đem về thờ tại đình làng và tôn ông làm chính thần. Theo Đại Nam nhất thống chí: "Đền Phó Cơ Nguyễn Hiền Điều ở xã Vân Tập huyện Kiên Giang. Thự Phó Cơ Vĩnh Long Nguyễn Hiền Điều theo việc bắt giặc, chết trận… Phó Cơ thường tỏ linh ứng, năm Thiệu Trị thứ hai (1842), người địa phương lập đền thờ". II. Vài lời kết: Ông Phó cơ Điều đến vùng Tà Niên chưa lâu, ấy vậy mà cũng như người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, ông được người dân xứ sở này hết sức khâm phục và yêu mến. Họ không hề sợ bọn làm phản có thể giết hại, đã dám lấy cắp đầu lâu về an táng rồi còn tôn ông là Thần "Sống làm Tướng và chết làm Thần”, tôi ngẫm nghĩ nhân dân chính là người viết sử công minh nhất. Họ luôn sẵn lòng kính yêu cho bất kỳ những ai không vì lợi lọc riêng; biết quên thân, biết chia sẻ đói no và dám sống chết vì họ. Tôi tin chỉ cần nhân cách có bấy nhiêu thôi, cũng đủ để thành Thần. Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn (Phần II của bài soạn có sử dụng tài liệu: Làng Vĩnh Hòa Đông của Nguyễn Thị Diệp Mai. Xin cảm ơn tác giả.) Ảnh: Đền thờ Phó cơ Điều tại giếng Cây Trâm, Rạch Sỏi. Giếng Cây Trâm, nơi ông tự sát.